Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

NÉN BẠC CUỐI NĂM

NÉN BẠC CUỐI NĂM

Nếu bạn là chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hay trưởng phòng của một đơn vị thì những ngày cuối cùng của một năm có ý nghĩa đặc biệt. Các bản báo cáo tài chính sẽ cho bạn biết, 365 ngày qua đơn vị đã đạt những mục tiêu gì, lời lỗ như thế nào.

Các công ty lớn nước ngoài thì chặt chẻ hơn, các nhân viên có kinh nghiệm tham gia các dự án tại đây cho biết, các bản báo cáo, thống kê không chỉ để dành cuối năm mà được báo cáo cuối mỗi ngày. Không chỉ dành cho các trưởng phòng, giám đốc mà còn bắt buộc cho mỗi thành viên.

Các bản báo cáo này không chỉ giúp ta thống kê các việc đã làm mà còn chỉ ra các nguyên nhân thành công, thất bại. Nó là bệ phóng cho các dự tính ở tương lai.

Kết thúc năm cũng là dịp để một kitô hữu có trách nhiệm với bản thân, với giáo hội, cần tính toán để trả lời với Thiên Chúa, nén bạc mà Ngài đã trao cho, mỗi chúng ta đã sinh lời bao nhiêu sau 12 tháng làm việc.

Nếu chúng ta nhận thức một cách sâu sắc về cuộc sống đời sau và tính vĩnh cửu của nó, thì chiến lược dùng các nén bạc để sinh lời ở đời này dành cho đời sau sẽ trở nên rõ ràng và quyết liệt hơn. Hiện tại, chúng ta có thể rất lúng túng khi bất ngờ phải trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu “Con đã làm gì trên các nén bạc mà Ta đã trao cho?”.

Chúng ta dễ lập kế họach 10, 20 năm cho gia đình, bản thân để đạt các mục tiêu thuộc thế giới trần tục. Một thế giới với những thuộc tính phù vân và hữu hạn về thời gian. Nhưng chúng ta không biết hay không lập kế họach như thế cho đời sau dù tin rằng cuộc sống đời sau là rất quan trọng và vô hạn. Như thế, giữa niềm tin và việc làm có những khoảng cách.

Chúng ta có thể nói một cách dễ dàng rằng: sức khỏe này, trí tuệ này là hồng ân mà Thiên Chúa trao ban một cách nhưng không. Vậy mà sức lực ấy, trí tuệ ấy chúng ta chỉ biết dùng nó để tập trung cho cuộc sống đời này, đôi khi các sản phẩm của nó còn mâu thuẫn, xa lạ với cuộc sống siêu nhiên. Chúng ta đã tạo ra những nén bạc trần thế từ nén bạc tâm linh. Vậy là chúng ta tự mâu thuẫn với chính mình.

Cuối cùng, có thể chúng ta đã dùng nén bạc Chúa ban để sinh lời những nén bạc tâm linh, nhưng vì bản ngã mà nghĩ rằng “đây chính là công sức và tài năng của chính mình tạo ra”, rồi tự vui cười và kiêu hãnh.

Lúc 10 tuổi, mấy ai hiểu câu tục ngữ “thương con cho roi cho vọt”. Đức tin của chúng ta cũng thế, nỗi đau, thử thách trong cả dòng đời cũng có thể là nén bạc mà Thiên Chúa trao ban để đức tin mỗi chúng ta được lớn lên và vững mạnh theo năm tháng. Chính Thiên Chúa cũng đã để Người Con của mình trải qua cuộc thương khó trước khi đạt đến niềm hạnh phúc viên mãn.

Lạy Chúa, xin hãy thường xuyên nhắc nhủ và tạo cơ hội để chúng con biết sinh lời một cách nhưng không những nén bạc Ngài trao.

G. Tuấn Anh
(thanhlinh.net) 

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM C (Lc 2, 41-52)



TRẦN TRỌNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Hôm nay lễ thánh gia thất. Nói đến thánh gia là nói đến một gia đình hạnh phúc. Một gia đình luôn đồng cảm với nhau, chia sẻ vui buồn với nhau và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Gia đình thánh gia nơi có thánh Giuse, một người cha luôn là lá chắn chở che cho gia đình. Gia đình thánh gia, nơi có Mẹ Maria luôn sống âm thầm, tận tuỵ trong công việc của mình. Và nhất là có Chúa Giê-su luôn kính trọng và vâng lời cha mẹ. Chính các ngài đã tạo nên một mái ấm gia đình. Các ngài đã làm cho gia đình trở thành thiên đường tại thế khi mỗi thành viên đều sống có trách nhiệm với gia đình và cùng nhau vun trồng hạnh phúc cho gia đình. Nhất là các ngài luôn tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong cuộc đời.

Là người ai trong chúng ta cũng có một gia đình. Gia đình là chỗ chúng ta tựa nương. Gia đình là thành trì vững chãi cho cuộc đời chúng ta. Gia đình mang lại cho chúng ta niềm vui, tiếng cười. Gia đình là chiếc nôi êm ái cho cuộc đời chúng ta. Thế nên, khi xa gia đình, chúng ta vẫn luôn cảm thấy mất mát, trống vắng trong cõi lòng.

Có một lời bộc bạch của một người con vừa chập chững bước chân vào đời đã tâm sự:

“Em nghĩ tới mẹ em lúc em đi học về, lúc em đói bụng. Nghĩ hồi trước về nhà, đi học về, có mẹ nấu đồ ăn, có cơm sẵn cho mình ăn. Bây giờ, đi học về, ngồi gặm bánh mì thui thủi một mình hay nấu mì gói.

Em nhớ mẹ trong lúc đi làm, khi bị người ta nói này nói kia. Mình nghĩ lúc ở nhà, ba mẹ la mình thì mình giận, nghĩ là không thương mình. Rồi bây giờ, đi ra ngoài đi làm, người ta khó khăn với mình thì mình cũng phải chịu thôi, không nói lại được. Nên nghĩ lại thấy thương nhớ cha mẹ.”

Lời tâm tình này cũng là tâm sự của nhiều bạn trẻ - những chú chim non vừa bay ra khỏi tổ, tự một thân một bóng phải vật lộn, chống chọi lại mọi thứ để tồn tại trong khoảng không gian bao la vô tận mà trước đây bầu trời xanh trong với những ước mơ bay bổng từng thu hút và đầy quyến rũ để các chú chim luôn khao khát mau được bay ra khỏi tổ một cách tự do, độc lập.

Chính vì thế mà có nhiều bạn trẻ khi va vấp những khó khăn trong cuộc sống mới giật mình xót xa:

“Có đôi lúc,
Mải mê quay với dòng đời ồn ã
Những đô hội thị thành
Những phương trời lạ
Chợi giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha.”

Có một sự thật là khi còn trong mái ấm gia đình chúng ta lại sống dửng dưng. Chúng ta luôn muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc của gia đình. Chúng ta muốn tự do, tự tại, tự hành xử theo ý mình. Nhưng, đường đời đâu mấy khi bằng phẳng, dòng đời đâu mấy khi bình yên, đã giúp chúng ta nhận ra không ở đâu bình yên cho bằng gia đình, không ở đâu có tình yêu chân thành cho bằng tình cha mẹ yêu con. Lúc này, kẻ xa quê mới cảm thấy xót xa:

“Giữa bể đời, bao la rộng lớn.
Con bơ vơ, phố xá đông người.
Tìm lối về, mênh mông bóng tối.
Con khóc nhiều, số phận thương đau.
Cuộc đời con, cần một hạnh phúc.
Mái ấm gia đình, buổi cơm chung.
Cùng nhau sum vầy, ba ngày tết.
Mười bảy năm rồi. Có được đâu!”

Hôm nay là lễ thánh gia, ngày thánh hoá các gia đình. Chúng ta xin ơn Chúa thánh hóa từng gia đình chúng ta và ban cho chúng ta một mái ấm gia đình hạnh phúc yêu thương. Xin cho mỗi thành viên trong gia đình biết trân trọng những ngày tháng bên những người thân yêu nơi gia đình, biết hy sinh, biết sống nhường nhịn và thân ái với nhau. Xin cho chúng ta cũng biết xây dựng gia đình mình hạnh phúc bằng việc chu toàn bổn phận và sống có trách nhiệm với gia đình. Xin đừng xúc phạm đến nhau khi đang được cùng sum họp trong một mái ấm gia đình. Và xin cho mỗi thành viên biết lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại thánh ý trong cuộc sống hằng ngày. Amen

(tinmung.net)

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

ĐÊM GIÁNG SINH 2012 TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ DALAT

Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Đàlạt

Rộn ràng, náo nhiệt, tưng bừng, nhộn nhịp, đông nghịt, chen chúc, tắc nghẽn, chật cứng, lộng lẫy, rực rỡ… là những từ được nhắc đến nhiều trên các trang báo viết về đêm lễ Giáng sinh tại nhiều nơi. Điều này cho thấy Lễ Giáng sinh không chỉ của những ai tin vào Thiên Chúa, nhưng là cho mọi người. Đúng vậy, Thiên Chúa Giáng sinh làm người là cho mọi người, không một ai bị loại trừ khỏi tình yêu thương của Thiên Chúa.



17 giờ 30 ngày 24.12.2012, khu vực trước nhà thờ Chánh Tòa Đàlạt, lượng người và xe chỉ đông hơn bình thường chút đỉnh. Bên trong nhà thờ, hai hàng ghế giữa vẫn còn trống rất nhiều chỗ, vì Thánh Lễ mừng Chúa Giáng sinh được cử hành vào lúc này dành riêng cho giới thiếu nhi, các cụ cao niên và những người phục vụ trong Thánh Lễ Đêm, nhưng rất nhiều em nhỏ chưa làm bài thi xong, hoặc đang vội vã trên đường đến nhà thờ… Cha Grêgôriô Nguyễn An Phú Đông cùng các thiếu nhi được hóa trang thành các thiên thần, những người Do Thái và cả binh lính, các thiếu nữ Sion xưa, cung nghinh Chúa Hài Đồng tiến vào nhà thờ để bắt đầu Thánh Lễ.
(simonhoadalat.com)

THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH 2012 CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG

GIÁNG SINH RỰC RỠ Ở QUẬN 7 SAIGON

Giáng sinh rực rỡ ở 'phố nhà giàu' Sài Gòn

Những ngôi biệt thự hạng sang tại một khu đô thị mới (quận 7, TP HCM) được trang hoàng rực rỡ không thua kém các trung tâm thương mại, cửa hàng và thu hút nhiều người tới xem.

Hình ảnh hang đá và Chúa Hài Đồng bên ngoài một căn biệt thự
Mỗi biệt thự có một kiểu trang trí riêng

Hoài Sơn
(VnExpress) 

ĐÊM GIÁNG SINH 2012 TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ BAN MÊ THUỘT

Hình ảnh trong đêm Giáng Sinh 24. 12. 2012 tại nhà thờ Chính tòa BMT

Đêm nay tại các nhà thờ trên khắp thế giới đều rộn rã tưng bừng với những lời ca tụng Ngôi Hai giáng thế :
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.



Tại giáo phận Banmêthuột, trong không khí tràn ngập niềm vui, chan hòa ánh sáng, lung linh khắp nẻo đường, hàng vạn người, già trẻ, nam thanh nữ tú, thiếu nhi, không phân biệt tôn giáo, cuộn cuộn đổ về các nhà thờ. Những âm thanh trong trẻo vang lên rộn ràng, vừa sáng láng như pha lê, vừa dìu dặt cuốn hút. Người không cùng Kitô giáo thì thì đi tham quan, người Kitô hữu hân hoan đến tham dự đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh.


(gpbanmethuot.vn)

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

GIÁM MỤC PHÓ GIÁO PHẬN BÙI CHU

Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu
Giám mục phó giáo phận Bùi Chu

WHĐ (25.12.2012) – Ngày 24 tháng Mười Hai 2012, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu –hiện đang là Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, hiệu tòa Bahanna– làm Giám mục phó giáo phận Bùi Chu.

Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, sinh năm 1954, thụ phong linh mục năm 1999, được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc từ năm 2009.

Giám mục chính tòa Bùi Chu hiện nay là Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, SDB, 74 tuổi. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa Bùi Chu từ 4-7-2001.

(Nguồn: press.catholica.va)
WHĐ

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ BAN NGÀY (Ga 1, 1-18)


NHƯỜNG CHỖ CHO CHÚA
Góp nhặt
Hôm ấy, vào đêm vọng Giáng Sinh, trong một trường giáo dục trẻ em tàn tật ở Mỹ, người ta cho các trẻ em diễn một hoạt cảnh Giáng Sinh, trước sự hiện diện của phụ huynh và ân nhân. Vở kịch có ba màn. Màn đầu diễn ra ở Nagiaret, với sắc lệnh của Hoàng đế Cêsarê Augustô. Màn hai diễn lại cảnh Thánh Giuse và Mẹ Maria vào quán trọ, bị chủ quán xua đuổi. Màn ba là cảnh hang lừa máng cỏ. Ban giám đốc và các phụ huynh rất lo âu cho các trẻ, sợ chúng diễn xuất vụng về. Nhưng màn đầu diễn tiến khá lắm. Qua màn hai, người ta thấy Giuse và Maria gõ cửa quán trọ. Nhìn Giuse thì nghèo nàn, Maria thì bụng mang dạ chửa, chủ quán đưa tay xua đuổi lia lịa, miệng thao thao: Không có chỗ, không có chỗ! Hai vợ chồng năn nỉ, với nét mặt âu sầu. Chủ quán hơi lưỡng lự, những rồi cũng đọc hàng chữ ghi trên quán: Không còn chỗ. Cảnh van xin và từ chối lại diễn ra một lần nữa. Và lần này hai ông bà có vẻ tha thiết nài xin. Chủ quán trẻ cũng vẫn đưa tay từ chối. Nhưng vừa bắt đầu mấy tiếng: “Tôi đã nói rằng hết… thì em không tiếp tục nói thêm được nữa. Tay em giựt xuống tấm bảng: Không còn chỗ. Và nghẹn ngào thổn thức trong nước mắt: “Con xin nhường phòng con cho hai ông bà!”.

Trước cảnh bất ngờ đó, giáo viên đạo diễn tỏ ra bực bội, lúng túng và cho ngưng diễn. Nhưng toàn thể khán giả đều cảm xúc ra mặt, vì cái vẻ hồn nhiên trong trắng của em bé tốt bụng. Cử chỉ, ngôn ngữ và cung cách của em nói cho mọi người hay ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh.

Tất cả mọi người chúng ta, cách nầy hay cách khác, đang đóng vai người chủ quán. Chúng ta dang rộng tay đón tiếp kẻ này, vung tay xua đuổi kẻ khác. Chúng ta hãy tự vấn lương tam để hỏi mình: Tôi có phải là người chủ quán ngày xưa, đã xua đuổi Thánh Giuse và Mẹ Maria trong đêm tịch mịch cô đơn không? Hay tôi là đứa bé tàn tật đóng vai chủ quán trong vở kịch hôm ấy? “Con xin nhường phòng con cho hai ông bà”. Có lẽ chúng ta cũng treo một tấm bảng: Không rảnh, bận việc, tức là bằng những hành động thiếu tế nhị, những cử chỉ thiếu mềm mại, những giọng nói thiếu dịu dàng, làm cho người khác hiểu rằng: Ta không muốn bị quấy rầy, ta bận rộn quá hay mệt nhọc quá. Nếu chúng ta là những người chỉ ân cần đến những kẻ giàu có, những vị chức quyền, thì ta coi chừng, có khi chúng ta đã quay lưng cho Thánh Giuse và Mẹ Maria, và vô hình trung, chúng ta cũng trở lưng cho cả Đức Giêsu. Vị Cứu Chúa đang nương náu trong cung lòng Mẹ. Vâng, ở đời có những hạng người giả điếc làm ngơ, không lay chuyển trước những van xin của người khác. Nhưng có kẻ lại tự nghĩ rằng mình luôn dành một chỗ cho người khác. Ước gì khi nghe đọc lại Lời Chúa: “Bà Maria bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”, mỗi người chúng ta quyết tâm sẽ không bao giờ xua đuổi Chúa ra khỏi cõi lòng chúng ta, khỏi gia đình chúng ta.

Hơn nữa, Lễ Giáng Sinh là lễ đoàn tụ gia đình. Mỗi người cũng sẽ nói với cha mẹ: Thưa ba, thưa má, đây lòng con, ba má có một chỗ trong đó. Thưa anh, thưa chị, thưa chú bác cô dì, nếu có lần nào cháu đã ơ hờ lạnh nhạt, thì giờ đây, xin nhớ rằng, vẫn còn có chỗ nào trong lòng cháu cho quý vị. Ngoài ra, Lễ Giáng Sinh là lễ tha thứ và hoà giải. Chúng ta hãy nói với những người thù ghét chúng ta, những người không thông cảm với chúng ta rằng: “Xin hãy tha thứ những lầm lỗi của tôi, vì lòng tôi vẫn còn chỗ dành cho các bạn”.

Người ta kể rằng: Mẹ Têrêsa thành Calcutta, đã giúp trên nửa triệu người nghèo khổ đói rách, giúp họ hồi phục nhân phẩm, vì bà đã luôn luôn dành trong lòng mình một chỗ riêng cho họ.

Lễ Giáng Sinh còn là một lễ san sẻ. Vì thế mà các nước đã hấp thụ nền văn minh Kitô giáo có truyền thống chúc mừng nhau qua những thiệp Giáng Sinh, gởi cho nhau những món quà mang đầy ý nghĩa, tổ chức những buổi liên hoan, chia sẻ tấm bánh, ly rượu… Thánh Gioan đã nói: “Ngôi Lời –Con Thiên Chúa đã đến trong nhà Ngài mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài”. Còn đối với những ai tiếp nhận Ngài thì được trở thành Con Thiên Chúa và sẽ nhận thấy vinh quang của Thiên Chúa.

Những người trong thành Bêlem năm xưa vì tham tiền tài, của cải, danh vọng; họ đã thiếu vắng tình thương, không nhận ra nỗi thống khổ của những người khách lỡ đường, đã xua đuổi anh chị em, và đó cũng chính là xua đuổi chính Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.

Thế nên, trong niềm vui ngày Chúa Giáng Sinh, khi đứng trước máng cỏ, khi chiêm ngưỡng Hài Nhi mới sinh, với ánh sáng của niềm tin vào Lời Chúa, chúng ta cần khám phá ra tình yêu thương bao la của Thiên Chúa đối với con người. Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa vĩ đại đến nơi cô thế, trở nên bé nhỏ để chúng ta có thể đổi mới cuộc đời, trở nên chứng nhân ánh sáng Tin Mừng của Chúa cho tha nhân, để khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa và cho niềm vui của chúng ta hôm nay nên trọn vẹn.

(tinmung.net) 

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ RẠNG ĐÔNG (Lc 2, 15-20)



ÁNH SÁNG ĐÃ XUẤT HIỆN
Góp nhặt 
Hai em học sinh nói chuyện với nhau, một em hỏi người bạn của mình:

Đố bạn, bạn có biết lễ gì trên thế giới mà hầu hết mọi người đều biết và vui mừng không? Người bạn kia ấp úng trả lời: “Đó là lễ Giáng Sinh của đạo Thiên Chúa mình đấy”.

Niềm tự hào của em bé đó cũng có thể là niềm tự hào thầm kín của mọi người chúng ta. Lễ Giáng Sinh là một lễ được nhiều người biết đến, được nhiều người vui mừng chờ đón như một lễ hội chung của con người trên trái đất nầy. Nhưng bên cạnh những vẻ hào nhoáng vui mừng của ngày lễ, điều mà chúng ta phải tự hỏi, nhất là đối với những người Kitô hữu chúng ta, đó là mấy người trong chúng ta đã hiểu và sống ý nghĩa của mầu nhiệm mà lễ Giáng Sinh muốn bày tỏ.

Lời nguyện, bài đọc 1 và 2 của Lễ Rạng Đông hôm nay đều ca ngợi Đức Kitô là ánh sáng, là vinh quang của Thiên Chúa. Ánh sáng và vinh quang đó đến với con người không có một mục đích nào khác hơn là để dẫn con người ra khỏi bóng tối của sự chết, dẫn tới nguồn ánh sáng chân thật và nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Nhưng tại sao ánh sáng và vinh quang ấy không được tỏ cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội, mà –như trong Tin Mừng hôm nay- Chúa chỉ tỏ cho những người đơn sơ, bé mọn, nghèo hèn là các mục đồng. Chỉ có những mục đồng nghèo hèn này mới nhận ra Chúa trong thân phận nghèo hèn giống như họ. Còn những người khác, họ đã chờ đón Chúa, nhưng khi Ngài đến thì họ lại không nhận ra và đón tiếp. Thế nhưng, nếu có ai nhân danh chính họ mà đến trong vinh quang trần thế, thì họ sẽ đón tiếp nồng nhiệt (x.Dcr 5,43-44). Con người luôn có một khuyết điểm, họ thường áp đặt lên Thiên Chúa những điều mà họ tưởng là của Thiên Chúa, nhưng thật ra lại chính là của họ. Trong khi luôn mải mê chạy theo những vinh hoa, phú quý thì người ta không thể nào chấp nhận một Đấng Cứu Thế xuất hiện một cách quá tầm thường giữa những người tầm thường. Người ta quan niệm Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, cao cả, vinh quang và uy quyền –giống theo kiểu loài người- Cho nên, người ta không thể nào tin nơi con trẻ sinh ra trong chuồng bò kia, con của bác thợ mộc và bà Maria trong xóm nghèo Nagiaret lại có thể là chính Thiên Chúa làm người được. Người ta quên rằng vinh quang trần thế thường làm cho người ta chia rẽ, tranh giành, chém giết nhau. Còn vinh quang và uy quyền của Thiên Chúa không phải để huỷ diệt, để phân rẽ, mà là ánh sáng ban sự sống, là sức mạnh của tình yêu để cải hoá chúng ta.

Thiên Chúa đã làm người. Sự sống và tình thương, ánh sáng và vinh quang của vị Thiên Chúa làm người đó vẫn được tiếp tục ban cho chúng ta. Nhưng chỉ những ai sống khiêm tốn, nghèo khó, sống yêu thương mới có thể nhận biết và đón nhận Ngài.

Đức Giáo Hoàng Gioan XIII kể lại rằng: Một trong những Lễ Giáng Sinh ý nghĩa nhất trong đời Giáo Hoàng của ngài, đó là Lễ Giáng Sinh đầu tiên khi ngài mới được bầu làm Giáo Hoàng. Theo một thông lệ đã có từ lâu đời trong Giáo Hội, vị Giáo Hoàng nào cũng phải tự giam giữa những bức tường của điện Vatican, không được đi lại tự do, đó là một điều vô lý. Ngài cứ suy nghĩ mãi và cuối cùng ra một quyết định khiến các chức sắc thân cận ngài phải sửng sốt: “Vào ngày Lễ Giáng Sinh, tôi muốn đi thăm các trẻ đau yếu tại bệnh viện Chúa Giêsu Hài Đồng –Lễ Giáng Sinh là lễ của nhi đồng thì tại sao môt vị Giáo Hoàng lại không được phép đi thăm các em nhi đồng?”. Thế là vị Giáo Hoàng được mệnh danh là người cha hiền từ, đã phá vỡ thông lệ cố hữu để đến gặp gỡ một cách thân mật với các em nhi đồng. Vừa thấy bóng dáng ngài, các em đã réo gọi ngài bằng tên Gioan như một người bạn thân. Ngài chuyện trò thân mật với các em, ngài ngồi bên cạnh một em bé vừa mới bị thương. Đó là Lễ Giáng Sinh đẹp nhất trong đời của Đức Giáo Hoàng Gioan XIII và cũng là ngày vui nhất đối với các em nhi đồng.

Chúng ta có thể sẽ lên án những người đi trước chúng ta là đã không nhận ra và không tiếp nhận Chúa. Nhưng, mãi mãi chúng ta sẽ chẳng bao giờ được hưởng ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể và thông truyền cho người khác như các mục đồng xưa kia và ngày lễ hôm nay sẽ trải qua vô ích, sẽ chỉ là những hình thức trống rỗng bên ngoài, nếu chúng ta chưa mặc lấy cho mình một tâm tình khiêm tốn và yêu thương. Bao lâu chúng ta còn lo mải mê chạy theo những vinh hoa phú quý, những lợi lộc vật chất, những thú vui trần tục, mà quên đi những giá trị tinh thần, bao lâu chúng ta vẫn còn sống một cách ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình hoặc khinh miệt những người thấp kém, nhỏ bé hơn mình, mà không kính trọng, sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ san sẻ những gì mình có, thì những điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chưa nhận ra và chưa đón nhận “Đấng Thiên Chúa làm người”. Vậy hôm nay chúng ta hãy chứng tỏ chúng ta đã gặp và sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Thế bằng những hành động cụ thể; tỏ lòng tôn trọng đối với những người bé nhỏ, nghèo hèn thường bị khinh thường, coi rẻ; tỏ tình yêu thương với những người chung quanh chúng ta bằng những lời nói và việc làm. Nhưng không phải chỉ hôm nay, mà mãi mãi như vậy.

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2013


BEST WISHES FOR
A MERRY CHRISTMAS AND A HAPPY NEW YEAR

May this season bring you
Success, Good-times and Happiness
 
MỪNG CHÚA GIÁNG SINH & NĂM MỚI 2013

Kính chúc Quý Cha, Quý Tu sĩ Nam Nữ
Cùng Toàn Thể Quý Độc Giả Bốn Phương

 Mùa Giáng Sinh
An Lành - Thánh Đức
Đầy Tràn Hồng Ân Thánh Gia

Năm Mới 2013
Vui Khoẻ - Hạnh Phúc - Thành Đạt
  Thuanphat's blog

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ ĐÊM (Lc 2, 1-14)



VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI

ĐTGM Ngô Quang Kiệt
Đêm nay, tại các nhà thờ trên khắp thế giới vang lên lời ca của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh năm xưa:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”

Lời hát của các thiên thần chính là sứ điệp của Chúa từ trời cao gửi xuống. Lời hát này nối kết đất với trời. Lời hát này ràng buộc Thiên Chúa với con người.

Tại sao “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” phải đi liền với “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”? Thưa vì Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa tự ràng buộc mình với con người.

Vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện trở nên một trẻ thơ yếu ớt. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện làm con của loài người, sinh ra bởi một người phụ nữ. Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã muốn trở nên một thành viên trong gia đình nhân loại, có một gia đình như những người khác.

Thiên Chúa đã tự nguyện làm một người như chúng ta, Thiên Chúa tự đồng hóa với con người đến nỗi từ nay ai khinh miệt một con người là khinh miệt chính Chúa, ai bạc đãi một con người là bạc đãi chính Chúa, ai hà hiếp một con người là hà hiếp chính Chúa. Ai xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Chúa.

Hang đá Bêlem là một lời mời gọi tha thiết và cấp thiết cho tương lai nhân loại. Thiên Chúa hóa thân làm một trẻ sơ sinh để mời gọi ta hãy biết tôn trọng sự sống. Thiên Chúa sinh ra làm một trẻ thơ yếu ớt để mời gọi ta hãy biết yêu thương những người bé nhỏ, yếu hèn. Thiên Chúa sinh ra trong cảnh nghèo nàn để mời gọi ta hãy biết nâng đỡ những người nghèo khổ. Thiên Chúa sinh làm con Đức Mẹ Maria để mời gọi ta hãy biết kính trọng phụ nữ. Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình để mời gọi ta hãy biết bảo vệ những truyền thống tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Lời mời gọi này có tính chất quyết định không những cho hạnh phúc chóng qua mà còn cho hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

Vì ai tôn trọng con người là tôn trọng chính Chúa. Ai phục vụ con người là phục vụ chính Chúa. Như lời Chúa dạy: mỗi lần ta cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, là ta làm cho chính Chúa (x. Mt 25).

Như thế, lễ Chúa Giáng Sinh là lễ của phẩm giá con người. Chúa xuống trần để nâng cao phẩm giá con người. Chúa làm người để con người được kính trọng. Con người cao quý vì đã được nâng lên làm con Thiên Chúa.

Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Vui vì con người được Thiên Chúa yêu thương. Vui vì con người được nâng lên địa vị cao trọng. Hôm nay khi đọc Kinh Tin Kính đến câu: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”, ta hãy quỳ gối trước tình yêu thương cao cả của Chúa dành cho ta. Quỳ gối để suy niệm sự cao cả của con người vì được Chúa yêu thương.

Vì thế, để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho đúng ý nghĩa, tôn thờ Thiên Chúa vẫn chưa đủ, ta còn phải yêu thương kính trọng con người. Dịp lễ Giáng Sinh, chỉ đến viếng hang đá thôi chưa đủ, ta còn phải đến viếng những nhà tranh vách đất, giúp dựng lại những túp lều xiêu vẹo. Chỉ đến viếng Chúa Giêsu bé thơ thôi chưa đủ. Ta còn phải đến viếng những trẻ em bị bỏ rơi, vực dậy những tuổi thơ bất hạnh. Chỉ cảm thương Thánh Gia trong hang đá nghèo nàn thôi chưa đủ. Ta còn phải cảm thương những anh chị em nghèo khổ, thiếu may mắn ở quanh ta.

Chỉ khi nào tất cả mọi người được yêu thương, ta mới có thể mừng lễ Giáng Sinh thật sự vui tươi. Chỉ khi nào tất cả mọi người bé nhỏ, yếu ớt, nghèo hèn được kính trọng, ta mới có thể hát vang lời ca:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”

Trong tâm tình yêu mến và kính trọng, tôi xin gửi tới tất cả anh chị em lời cầu chúc đầy bình an và ân sủng của Chúa Hài Nhi Giáng Sinh. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương. Khi hát câu này bạn có ý thức mối liên hệ chặt chẽ giữa Thiên Chúa với con người không?

2) Tại sao Chúa Giêsu đòi buộc ta phải yêu mến con người nếu ta thực sự yêu mến Chúa?

3) Lễ Giáng Sinh này, bạn sẽ làm việc cụ thể nào để thực sự mừng đón Chúa đến?

(tinmung.net) 

TRÌNH THUẬT GIÁNG SINH

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C (Lc 1, 39-45)



MANG CHÚA ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI

Lm. Vũ Xuân Hạnh
Cuộc sống hàng ngày, thăm viếng nhau là chuyện hết sức bình thường. Nghe tin bên nhà ông A có chuyện không may, ông B đến nhà ông A thăm hỏi, chia sẻ niềm đau. Hoặc biết nhà bà B có tin vui, bà A đon đả chạy sang góp thêm tiếng cười, chia sẻ niềm vui. Hai người hàng xóm thăm nhau, hai người bạn thăm nhau, những người trong thân tộc máu mủ, họ hàng thăm nhau, tất cả đều là chuyện bình thường của cuộc sống.

Hôm nay Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm đoạn Tin Mừng cho biết Đức Maria đi thăm bà Isave, người chị họ của Mẹ, khi nghe tin bà mang thai. Đây là một sự thăm viếng bình thường giữa hai người họ hàng của nhau. Dẫu cho Đức maria, lúc đó đã bắt đầu mang thai Chúa Giêsu, và dẫu cho bà Isave từ xưa tới nay không có con, bây giờ lại mang thai trong lúc già nua tuổi tác, thì việc Đức Maria thăm bà Isave vẫn là chuyện bình thường. Có chăng, thì chỉ niềm vui là lớn hơn mà thôi. Nhưng trong sự thăm viếng bình thường giữa hai người phụ nữ ấy, Thiên Chúa lại làm một điều khác thường đến nỗi rất lạ thường: phi thường. Vậy đâu là sự phi thường do bàn tay Thiên Chúa?

Vì đây không chỉ là một cuộc thăm viếng, gặp gỡ giữa hai người mẹ mà thôi. Nhưng trong cuộc thăm viếng giữa hai người mẹ, là một cuộc chào đón giữa hai người con, dù hai người con đó chỉ mới là bào thai trong lòng của hai người mẹ. Sự chào đón lạ thường này, đã khiến thánh Gioan Tiền Hô nhảy mừng trong lòng bà Isave, ngay sau lời chào đầu tiên mà Đức Maria dành cho bà. Đó cũng là lời chào đầu tiên của cuộc nói chuyện, Đức mẹ đã cất lên lời chào trước khi bà Isave chào Đức Mẹ.

Nhảy mừng là để diễn tả niềm vui. Bào thai trong lòng bà Isave, sau này chính là thánh Gioan Tiền Hô, đã biểu lộ niềm vui mừng bằng động tác “nhảy mừng”. Niềm vui cho gia đình của thánh Gioan lớn lắm. Vì đây không phải là niềm vui bình thường, nhưng là niềm vui ơn cứu độ. Niềm vui lớn lao đó, trước hết không chỉ vì hạnh phúc được Đức Maria đến thăm, đúng hơn, cùng với sự thăm viếng của mình, Đức Maria đã mang Chúa đến viếng thăm gia đình thánh Gioan.

Niềm vui càng lớn và ý nghĩa nhiều hơn, khi vừa nhập thể trong lòng Đức Maria, nghĩa là vừa mới xuống thế làm người, Chúa Kitô đã chọn gia đình thánh Gioan làm gia đình đầu tiên để Người thực hiện cuộc viếng thăm đầu tiên. Bởi thế, ơn cứu chuộc, lần đầu tiên đến trong trần gian, ngoài Đức Maria và gia đình thánh Gia, gia đình đầu tiên được diễm phúc đón nhận là chính gia đình của thánh Gioan. Còn hơn thế nữa, chẳng những được Chúa đến thăm, gia đình thánh Gioan còn hãnh diện vô cùng vì cùng với việc Đức Mẹ ở lại, gia đình thánh Gioan được Chúa ngự đến, hiện diện và sống cùng. Chỉ có mỗi một mình gia đình thánh Gioan là gia đình đầu tiên được diễm phúc như thế.

Thật ra bào thai không thể nhảy mừng, hơn nữa, bào thai, dù sẽ là một siêu nhân, cũng không bao giờ biết niềm vui, nỗi buồn, cũng chẳng hiểu được bất cứ một điều gì, để có thể nhảy mừng hay không nhảy mừng. Nhưng ở đây, thánh Luca khẳng định rất dứt khoát: “Hài nhi nhảy mừng trong lòng bà” (tức là hài nhi nhảy mừng trong lòng bà Isave). Như vậy, ta phải giải thích làm sao cho hiện tượng kỳ diệu này? Chắc bạn đồng ý với tôi, đây là một phép lạ: Thiên Chúa đã thực hiện phép lạ tuyệt vời. Người đã làm cho một cuộc viếng thăm bình thường, nên rất đỗi lạ thường: thai nhi có thể nhảy cẩng lên mà vẫn bình yên vô sự. Sự nhảy mừng, đồng thời là phép lạ ấy, có được là do một bào thai khác được một người mẹ khác mang trong lòng dạ mình làm nên. Người mẹ đó là Đức Maria, và bào thai mà Mẹ mang trong dạ, còn hơn cả một con người: đó là Thiên Chúa làm người. Chỉ có một Thiên Chúa và quy về Thiên Chúa, ta mới dám khẳng định đức tin của mình vào một sự kiện lạ thường như thế.

Vâng! Chỉ có Thiên Chúa mới làm nên điều kỳ diệu đến nỗi con người phải chưng hửng. Do đó, việc Đức Mẹ thăm viếng bà Isave không còn là một cuộc thăm viếng bình thường nữa, mà là một cuộc trao ban ơn cứu độ. Mẹ đã mang chính Đấng là Ơn Cứu Độ tuyệt đối đến cho gia đình bà Isave.

Mẹ đến thăm bà Isave, thì trong hành động đến thăm đó, Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho gia đình bà Isave. Bởi vậy, bất cứ nơi nào người ta mang Thiên Chúa đến cho nhau, ở đó có niềm vui, có sự bình an, có ơn thánh, và sự cứu rỗi sẽ tràn ngập.

Trong cuộc thăm viếng người chị họ của mình, Mẹ Maria dạy chúng ta một bài học đáng giá: Hãy mang Chúa đến với mọi người, chứ đừng mang hận thù, đừng mang những suy nghĩ đen tối về anh chị em mà đến với nhau. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ để yêu thương và chia sẻ tình yêu của bản thân với mọi người. Càng hướng tới lễ Giáng sinh, ta càng phải chuẩn bị tâm hồn thoát ly khỏi những gì làm cản trở mình đến với anh chị em. Hãy cưu mang Chúa Giêsu trong tâm hồn, để như Mẹ, ta cũng có thể mang một tâm hồn tràn ngập sự sống của Chúa Giêsu và mang chính Chúa Giêsu đến với anh chị em xung quanh. Nhờ đó, mọi người sẽ chứa chan niềm vui, chứa chan ơn thánh, chứa chan niềm hạnh phúc và bình an. Và để cưu mang chính Chúa Giêsu trong tâm hồn, bạn và tôi cần thường xuyên tra vấn chính mình, cần nhìn lại mình, kiểm điểm mình một cách cẩn thận, đừng làm qua lần chiếu lệ. Nhờ thái độ nội tâm ấy, ta sẽ nhận ra chỗ nào còn gồ ghề, chỗ nào là hố sâu, chỗ nào làm ta chưa thể đến với anh chị em, để rồi thành tâm sửa đổi, làm mới lại con người mình. Làm mới lại chính mình để có thể thuộc về anh em mình như thế, đó chính là biểu hiện của một tâm hồn có Chúa Kitô. Nói cách khá: biểu hiện của một tâm hồn cưu mang Chúa. 

(tinmung.net)

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

GIÁO HẠT XÓM CHIẾU CHÀO ĐÓN LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU

Giáo hạt Xóm Chiếu: Chào đón FABC

WGPSG - “Sự tự tin, thiện hảo, niềm vui nơi đây đã cho tôi cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa, và tôi đã gặp được Đức Giêsu nơi đất nước Việt Nam trong lần tham dự hội nghị này.”

ĐGM Cornelius Sim của Brunei đã chia sẻ như thế khi cùng với phái đoàn Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đi thăm giáo hạt Xóm Chiếu tại nhà thờ Xóm Chiếu vào chiều 15/12/2012. 




Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập FABC, Đại hội toàn thể FABC lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 10 - 16.12.2012. Lễ khai mạc và chương trình hội nghị được diễn ra tại Giáo phận Xuân Lộc và đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Để cùng hiệp thông vào đời sống đạo của người Kitô hữu Việt Nam, các thành viên Đại hội FABC muốn đến thăm các giáo hạt của TPHCM vào ngày cuối cùng của Đại hội. Giáo xứ Xóm Chiếu được vinh dự đại diện giáo hạt Xóm Chiếu để chào đón phái đoàn của FABC.

Chào đón

Chiều ngày 15.12.2012, tại giáo xứ Xóm Chiếu, việc chuẩn bị đón chào phái đoàn LHĐGMAC đến thăm giáo hạt Xóm Chiếu đã sẵn sàng. Dọc theo hai bên phố, từ đường Tôn Thất Thuyết vào nhà xứ, dàn chào xếp thành hàng dài náo nức đón chờ với 200 em Thiếu nhi Thánh Thể và khoảng 300 thành viên đến từ các hội đoàn, ca đoàn. Những tà áo dài Việt Nam tha thướt, với nhiều màu sắc đồng phục khác nhau của các đoàn thể, cùng với những bộ áo dài khăn đóng của các bé thiếu nhi, đã tạo nên sự trang trọng đậm nét văn hóa dân tộc cho lễ nghi nghênh đón.

17g30, xe chở phái đoàn dừng lại trên đường Tôn Thất Thuyết. Nhạc kèn trống, cùng tiếng chuông nhà thờ, tiếng vỗ tay và tiếng cười hân hoan tưng bừng vang lên. Các Đức cha và các thành viên trong phái đoàn giơ tay vẫy chào, vui vẻ đón nhận sự tiếp đón ân cần nơi đây rồi cùng nhau tiến vào nhà xứ. Sau phần chào hỏi, phái đoàn đã có cuộc trao đổi và làm việc với Cha Hạt trưởng Đaminh Ngô Quang Tuyên tại phòng khách nhà xứ.

Thánh lễ

Đồng tế với các Giám mục và linh mục của phái đoàn FABC hôm nay, có Cha Hạt trưởng Đaminh Ngô Quang Tuyên, Cha phó Hạt trưởng Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh, quý cha khách và linh mục đoàn của giáo hạt. Tham dự Thánh lễ có quý tu sĩ và đại diện mọi thành phần Dân Chúa đến từ các giáo xứ trong giáo hạt Xóm Chiếu.

Giữa hai hàng rào danh dự, đoàn đồng tế bước vào Nhà thờ trong tiếng kèn trống rộn rã tấu khúc thánh ca “Thánh Thần! Hãy đến”, và tiến lên cung thánh trong lời ca nhập lễ “Vui lên anh em!”. Tiếp theo, cha Hạt trưởng Xóm Chiếu chào mừng phái đoàn. Cha đã bày tỏ niềm vui, vinh dự khi được phái đoàn của FABC viếng thăm. Với những con số cụ thể, cha cũng đã giới thiệu với phái đoàn sơ lược về giáo hạt Xóm Chiếu.

Sau đó, Đức cha chủ tế Têphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Cần Thơ, đã giới thiệu với cộng đoàn các thành viên trong phái đoàn tới viếng thăm giáo hạt Xóm Chiếu, gồm có:

  • GM. Vinhsơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Ban Mê Thuột.
  • GM. Winston Fernando – Sri Lanka
  • GM. Emmanuel Cabajar - Giám mục Pagadian, Philippines.
  • GM. Cornelius Sim – Brunei.
  • LM. Roderick Salazar, SVD - Văn phòng LHĐGMAC về Giáo Dục Công Giáo.
  • Bà Tess Aparente - Văn phòng thư ký của LHĐGMAC.
  • Ông Jun Destura - Văn phòng Truyền Thông của LHĐGMAC.
Với cách nói chuyện giản dị và dí dỏm, Đức cha đã tạo được bầu khí vui vẻ thân tình giữa phái đoàn với cộng đoàn Dân Chúa.

Trong bài giảng, Đức cha Cornelius Sim, Giám mục Brunei, cho biết ngài chỉ mới được phân công giảng lễ trên đường từ khách sạn đến giáo hạt Xóm Chiếu. Để bắt đầu bài giảng, Đức cha đã chào cộng đoàn bằng tiếng Việt: “Xin chào”. Với giọng nói ấm áp và truyền cảm, ngài nhắc lại lời dạy của Đức Thánh Cha Phaolô VI trong thông điệp gửi FABC nhân dịp thành lập (1972): “Hãy đi rao giảng Tin Mừng”. Sau 40 năm thì chủ đề này lại được bàn thảo trong FABC, và theo ngài thì việc đơn giản mà chúng ta phải làm là hãy kể câu chuyện của Đức Giêsu nơi lục địa Á châu này.

Ngài cũng chia sẻ: Trước đây, ngài chỉ biết Việt Nam qua những cuộc chiến tranh. Và khi đến Việt Nam lần này thì ngài thật bất ngờ về những gì cảm nhận được. Ngài cho rằng không thể dùng lời nào để có thể mô tả được niềm vui và sự ngạc nhiên ấy. Ngài nhìn thấy Giáo hội Việt Nam thật sống động, vững mạnh, tự tin trong chính hành trình đức tin của mình. Rồi khi đến thăm giáo hạt Xóm Chiếu, ngài lại được thấy nhiều điều tốt đẹp nơi đây. Đặc biệt những bài thánh ca trong Thánh lễ, ngài nhận xét là rất hay và vang vọng, điều mà ở đất nước Brunei của ngài chưa có được. Theo ngài thì đó là một cách thức để thể hiện niềm vui, và niềm vui chính là tinh thần của chủ đề Chúa nhật III mùa Vọng: “Hãy vui lên, anh em hãy vui lên” (Pl 4,4).

“Giáo hội Philippines, Brunei, Sri Lanka, Việt Nam… đều có những khó khăn, thử thách, đồng thời cũng có chung một đức tin và một niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Vậy, chúng ta hãy tín thác và đặt trọn niềm hy vọng nơi Ngài.”

Từ đây, ngài đã có chuyện để kể cho mọi người về Việt Nam. Sự tự tin, thiện hảo, niềm vui nơi đây đã cho ngài cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa, và ngài đã gặp được Đức Giêsu nơi đất nước Việt Nam trong lần tham dự hội nghị này.

Thánh lễ tiếp diễn trong một bầu khí thánh thiêng và hiệp thông. Cuối Thánh lễ, Cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh, phó Hạt trưởng Xóm Chiếu, chánh xứ giáo xứ Xóm Chiếu đã cám ơn phái đoàn FABC, cám ơn các đơn vị tài trợ cho chương trình và các thành phần Dân Chúa đến từ các giáo xứ của giáo hạt Xóm Chiếu. Sau đó, các bé thiếu nhi trong trang phục dân tộc áo dài, khăn đóng đã dâng tặng quý Đức cha và phái đoàn những bó hoa tươi thắm. 

Liên hoan văn nghệ

Sau Thánh lễ là bữa tiệc hiệp thông, với sự hiện diện của phái đoàn FABC, linh mục đoàn, cùng đại diện các thành phần Dân Chúa trong giáo hạt Xóm Chiếu. Chương trình văn nghệ trong bữa tiệc đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc và để lại những ấn tượng sâu sắc. Với các loại nhạc cụ dân tộc, ban nhạc đã thể hiện những nét đặc sắc phong phú của nền âm nhạc Việt Nam. Các diễn viên đã xuống tận bàn tiệc để mời các giám mục, linh mục và quan khách tiến lên sân khấu để cùng tham gia biểu diễn, làm cho bầu khí hiệp thông huynh đệ ngập tràn cả hội trường.

Vào lúc 21g00, khi chuông nhà thờ của giáo xứ Xóm Chiếu ngân vang, báo hiệu giờ kinh tối gia đình, thì cũng là lúc chương trình viếng thăm giáo hạt Xóm Chiếu của phái đoàn LHĐGMAC kết thúc.

Chương trình khép lại với lời cám ơn của Đức cha Têphanô Tri Bửu Thiên. Nhận xét của ngài chắc hẳn cũng là cảm nhận của phái đoàn và cộng đoàn Dân Chúa giáo hạt Xóm Chiếu: Chương trình hôm nay vui quá! Niềm vui không chỉ dừng lại ở bên ngoài, nhưng sâu xa hơn, bắt nguồn từ Thiên Chúa, đi vào sự hiệp thông huynh đệ của những người có chung một Cha trên trời.

Theo lời đề nghị của Đức cha Têphanô, mọi người cùng nhau hát bài “Tán tụng hồng ân” như một lời kết tuyệt vời cho chương trình viếng thăm giáo hạt Xóm Chiếu của phái đoàn Liên Hội đồng Giám mục Á châu.  
(WGPSG)

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU KỲ 10 (10)


Ngày 16.12.2012 : Ngày Bế Mạc

WGPSG – Sau khi về tới Sài Gòn, chiều tối hôm qua, 15/12/2012, các thành viên Đại hội X FABC đã chia thành 15 nhóm, cùng với một số Giám mục Việt Nam, đến thăm Đại chủng viện và 14 giáo hạt của TGP.TPHCM.

Thăm Giáo Hạt Xóm Chiếu tại Nhà thờ Xóm Chiếu

Sáng nay, 16/12/2012, toàn thể các vị đã cùng dâng Thánh lễ bế mạc tại Nhà thờ chính toà TGP.TPHCM vào lúc 9g30. Đồng tế với các Hồng y, Giám mục và linh mục của Đại hội, còn có một số Giám mục và nhiều linh mục Việt Nam, cùng đông đảo tu sĩ và giáo dân tham dự.

Xông hương tượng Đức Mẹ Hoà Bình trước Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Saigon

Trong bài giảng lễ, vị Hồng y chủ tế, cũng là chủ tịch FABC, nhắc nhở mọi người hãy chuẩn bị lễ Giáng sinh bằng cách thực hiện lời khuyên của Gioan Tẩy Giả, mở lòng ra đón Chúa Giêsu để Ngài mang lại cho mọi người ơn bình an, nỗi vui và niềm hy vọng.

Cuối Thánh lễ, ĐHY chủ tế Gracias đọc sứ điệp Đại hội nói về Linh đạo của Tân phúc âm hoá với 9 đặc điểm: gặp gỡ Đức Kitô, nhiệt thành loan báo Tin Mừng, tập chú vào Nước Trời, dấn thân xây dựng sự hiệp thông, đối thoại, khiêm tốn, nhất tâm bảo vệ phẩm giá con người, liên đới với các nạn nhân trong xã hội, và can đảm thể hiện đức tin bằng sự hy sinh.

Tiếp lời Chủ tế Gracias, sau khi nhắc nhở cộng đoàn hãy tập chú vào Đức Kitô và nhìn xem bao tâm hồn đang khao khát sự sống tròn đầy, ĐHY Gaudencio - đặc sứ của ĐTC - đã gửi lời cám ơn của ĐTC đến Giáo phận Xuân Lộc, Tổng giáo phận TP.HCM, ĐTGM Hà Nội, ĐTGM Girelli, giáo dân Việt Nam, và Chính phủ Việt Nam đã nồng hậu tiếp đón các thành viên đại hội X FABC.

Sau lời cám ơn của ĐHY chủ tế Gracias gửi đến vị Đặc sứ Toà Thánh Gaudencio, Thánh lễ đã kết thúc bằng phép lành trọng thể. Các thành viên đại hội được đưa về Toà Tổng giám mục dùng cơm trưa trong bầu khí giao lưu rất ấm áp giữa những người tham dự.

(WGPSG)

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU KỲ 10 (9)

Ngày 15.12.2012 : Ngày làm việc thứ 5

“FABC tái dấn thân vào việc làm 
và sứ vụ cho Giáo hội tại Á châu” 

WGPSGChủ đề của Đại hội X FABC trong ngày cuối cùng là “FABC tái dấn thân vào việc làm và sứ vụ cho Giáo hội tại Á châu”.

Trong hai phiên họp vào buổi sáng, Đại hội đã lắng nghe những trình bày của “Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho muôn dân” và báo cáo của "Ban Thư ký Trung Ương FABC", rồi lắng nghe và phê chuẩn Sứ điệp Đại hội.
 
Họp khoáng đại
Họp khoáng đi

Sau cơm trưa, các thành viên Đại hội đã lên đường về Sài Gòn để chia ra thành 15 phái đoàn, đến thăm Đại Chủng viện và 14 giáo xứ của 14 giáo hạt thuộc TGP.TPHCM, dự trù được sắp xếp như sau:

1. Đại chủng viện Thánh Giuse - Sài Gòn
TGM. Savio Hon Tai-Fai (Hàn Đại Huy) - Tổng thư ký Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc.
TGM. Leopold Girelli - Đại diện Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam.
GM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Phụ tá TGP. TPHCM.
LM. Raymond Leslie O'Toole - phụ tá Tổng thư ký FABC.
Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài - Điều phối viên Đài Chân lý Á châu.

2. Giáo xứ Đaminh Ba Chuông (Liên Tu Sĩ và Giáo hạt Phú Nhuận)
Đức Hồng y Oswald Gracias – Tổng thư ký LHĐGMAC.
Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn – Tổng giám mục TGP. TPHCM.
GM. Paul Tan, SJ – Giám mục giáo phận Malacca-Johor, Malaysia.
GM. Philip Banchong, CSsR – Giám mục giáo phận Ubon Ratchathani, Thái Lan.
Sr. Deanna Combong, RA – Văn phòng LHĐGMAC về Đời Sống Thánh Hiến.
Sr. Mary Walters, OSU – Văn phòng LHĐGMAC về Đời Sống Thánh Hiến.

3. Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê (Giáo hạt Sàigòn – Chợ Quán)
TGM. John Hung, SVD – Tổng giám mục Taipei, Chủ tịch VP Giáo Dục của LHĐGMAC.
TGM. Peter Liu Chen-Hung – Giám mục Kaohsiung, Đài Loan.
GM. Bosco Lin Chi-Nan – Giám mục Tainan, Đài Loan.
GM. Jaw-Ming Huang – Giám mục Hualien, Văn phòng Truyền Thông của LHĐGMAC.
Bà Maria Virginia Chang – Nhân viên LHĐGMAC.

4. Giáo xứ Bình An (Giáo hạt Bình An)
GM. Tôma Vũ Đình Hiệu – Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc.
TGM. Albert D’Souza – Tổng giám mục Agra, Ấn Độ.
TGM. Louis Chamiern Santisukniran – TGM Thare và Nonseng, Chủ tịch HĐGM Thái Lan.
GM. Jose Luis Mumbiela – Giám mục của Santissima Trinita tại Almaty.
GM. Paul Yoshinao Otsuka – Giám mục Kyoto, Nhật Bản.
GM. Norberto do Amaral – Giám mục Maliana, Đông Timor.
GM. Leonardo Medroso – Giám mục Tagbilaran, Phippines.
Ông David Viehland – Chuyên viên Truyền thông.

5. Giáo xứ Tân Chí Linh (Giáo hạt Chí Hòa)
GM. Tôma Nguyễn Văn Trâm – Giám mục Bà Rịa.
TGM. Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo – TGM Jakarta, Chủ tịch HĐGM Indonesia.
TGM. Joseph Mitsuaki Takami – Giám mục Nagasaki, Nhật Bản.
Very Rev. Andrzej Madej, OMI – Giám tỉnh dòng OMI tại Turkmenistan.
GM. Basil Cho Kyu-man – Giám mục phụ tá Seoul, Hàn quốc.
GM. Anthony Sharma, SJ – Giám quản tông tòa của Nepal.
LM. Robert Astorino, MM – Khách mời của LHĐGMAC.
Bà Wendy Louis – Văn phòng LHĐGMAC về Giáo Dân và Gia Đình.

6. Giáo xứ Gia Định (Giáo hạt Gia Định)
GM. Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Mỹ Tho.
Đức Hồng y Telesphore Toppo – Tổng giám mục Ranchi, Ấn Độ.
TGM. John Atcherley Dew – TGM Wellington, Chủ tịch HĐGM Châu Đại dương.
GM. Sebasian Tudu – Giám mục Dinajpur, Bangladesh.
GM. Gilbert Garcera – Giám mục Daet, Philippines.
LM. Rico Ayo – Văn phòng thư ký LHĐGMAC.

7. Giáo xứ Xóm Thuốc (Giáo hạt Gò Vấp)
GM. Giuse Vũ Duy Thống - Giám mục Phan Thiết.
TGM Philip Neri - Tổng Giám mục Giáo phận Goa e Damão
TGM. Jose Palma – TGM Cebu, Philippines.
GM. Varghese Chakkalakal – Giám mục Calicut, Ấn Độ.
GM. Thomas Dabre – Giám mục Poona, Ấn Độ.
GM. Martinus Situmorang, OFM Cap. – Giám mục Padang, Indonesia.
GM. Enrique Figaredo Alvargonzalez, SJ - Phủ Doãn Tông Toà Battambang.
Ms. Bibiana Joo Hyun Ro – Văn phòng LHĐGMAC.

8. Giáo xứ Trung Chánh (Giáo hạt Hóc Môn)
GM. Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Phú Cường.
TGM. Fernando Capalla – TGM Davao (hưu), Philippines.
TGM. George Valiamattam – TGM Tellichery, Ấn Độ, Nghi lễ Syro-Malabar.
LM. John Brinkman – Văn phòng LHĐGMAC về Biến Đổi Khí Hậu.
GM. Bosco Puthur – GM Emakulam-Angamaly, Ấn Độ, Nghi lễ Syro-Malabar.
LM. Jacob Teckanath – Văn phòng LHĐGMAC về Phúc Âm Hóa.
GM. Rufin Anthony – Giám mục Rawalpindi, Islamabad.
GM. Petrus Boddeng Timang – Giám mục Banjarmasin, Indonesia.
LM. James Kroeger – Thần học gia.

9. Giáo xứ Phú Bình (Giáo hạt Phú Thọ)
GM. Giuse Trần Xuân Tiếu – Giám mục Long Xuyên.
TGM. Hyginus Kim Hee-joong – Tổng giám mục Gwangju, Hàn quốc.
TGM. Prakash Mallavaratu – Tổng giám mục Visakkhapatnam, Ấn Độ.
GM. Thomas Elavanal, MCBS – GM Kalyan, Ấn Độ, Nghi lễ Syro-Malabar.
LM. Lawrence Pinto – Văn phòng LHĐGMAC về Giáo Sĩ.
GM. Victor Gnanapragasam, OMI – Giám quản tông tòa Quette, PCBC.
GM. Vianney Fernando - Giám mục Giáo phận Kandy, Sri Lanca.
LM. Patrick Gomes – Văn phòng LHĐGMAC về Giáo Dân và Gia Đình.

10. Giáo xứ Tân Định (Giáo hạt Tân Định)
TGM. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN.
Đức Hồng y Malcolm Ranjith – Tổng giám mục Colombo, Chủ tịch HĐGM Sri Lanka.
GM. Wenceslao Padilla, Giám quản tông tòa Ulaanbaatar.
GM. Thomas Antonios Valiyavilayil – Giám mục Trivandrum, Syro Malamkara.
GM. Warnakulasuriya W.D. Valence Mendis – Giám mục Chilaw, Sri Lanka.
GM. Joseph Hii Teck Kwong – Giám mục Sibu, HĐGM Malaysia-Singapore-Brunei.
LM. Raymond Ambroise – Văn phòng LHĐGMAC về Truyền Thông Xã Hội.

11. Giáo xứ Phú Trung (Giáo hạt Tân Sơn Nhì)
GM. Antôn Vũ Huy Chương – Giám mục Đà Lạt.
TGM. Orlando Quevedo, OMI – TGM Cotabato, nguyên Tổng thư ký LHĐGMAC.
TGM. Thomas D’Souza – Tổng giám mục Calcutta, Ấn Độ.
GM. Joseph Luechai Thatwisai – Giám mục Udon Thani, Thái Lan.
GM. Patricio Buzon, SVD – Giám mục Kabankalan, Pakistan.
GM. Chacko Joseph Thottumarickal, SVD – GM Indore, Chủ tịch Văn phòng Truyền Thông của LHĐGMAC.
Msgr. Duarte da Cunha – Tổng thư ký CCEE.

12. Giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang (Giáo hạt Thủ Đức)
GM. Micae Hoàng Đức Oanh – Giám mục Kontum.
TGM. Antonio Ledesma – Tổng giám mục Cagayan de Oro, Philippines.
TGM. Charles Bo – Tổng giám mục Yangon, Myanmar.
GM. Mylo Hubert Vergara – Giám mục Pasig, Ấn Độ.
GM. John Hsane Hgyi – Giám mục Pathein, Chủ tịch HĐGM Myanmar.
LM. Roberto Ebisa – Giám đốc Đài Chân Lý Á Châu.
Bà Norma Viehland – Chuyên viên Truyền Thông.

13. Giáo xứ Tân Lập (Giáo hạt Thủ Thiêm)
GM. Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục Thái Bình.
TGM. Nicholas Chia – Tổng giám mục Singapore.
TGM. Nicholas Mang Ting – Phó Tổng giám mục Mandalay, Myanmar.
GM. Joseph Rayappu – Giám mục Mannar, Sri Lanka.
GM. Bejoy D’Cruze – Giám mục Sylhet, Bangladesh.
LM. Vimal Tirimmanna – Chuyên viên thần học của LHĐGMAC.

14. Giáo xứ Xóm Chiếu (Giáo hạt Xóm Chiếu)
GM. Têphanô Tri Bửu Thiên – Giám mục Cần Thơ.
TGM. Tomash Peta – TGM Maria Sanctissima, Astana, Chủ tịch HĐGM Kazakhstan.
GM. Emmanuel Cabajar – Giám mục Pagadian, Pakistan.
GM. Emmanuel Cabajar – Giám mục Pagadian, Philippines.
LM. Roderick Salazar, SVD – Văn phòng LHĐGMAC về Giáo Dục Công Giáo.
Bà Tess Aparente – Văn phòng thư ký.
Ông Jun Destura – Văn phòng Truyền Thông của LHĐGMAC..

15. Giáo xứ Hà Nội (Giáo hạt Xóm Mới)
GM. Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Lạng Sơn.
TGM. Thomas Menamparampil – TGM Guwahati (hưu), Chủ tịch VP Phúc Âm Hóa của LHĐGMAC.
TGM. Patrick D’Rozario – Tổng giám mục Dhaka, Chủ tịch HĐGM Bangladesh.
GM. L.M. Ling Mangkhanekhoun – Giám quản tông tòa Pakse, Chủ tịch CELAC.
GM. Aloysius Sutrisnaatmaka – Giám mục Palangke Raya, Indonesia.
GM. Silvio Siripong Charastri – Giám mục Chantaburi, Thái Lan.
Ông Anthony Roman – Văn phòng Truyền Thông của LHĐGMAC.
Bà Lailah Ronidel – Văn phòng thư ký LHĐGMAC.

Riêng ĐHY Gaudencio Rosales thì dâng lễ chiều nay cho cộng đoàn Thánh lễ tiếng Anh dành cho người Phi Luật Tân và ngoại kiều.

Còn ĐHY Luis Antonio Tagle thì đã rời Việt Nam về Philippines từ sáng hôm qua sau khi viếng Toà Tổng Giám mục TGP.TPHCM, thăm ĐHY GB.Phạm Minh Mẫn và các linh mục làm việc tại đây. 
 
(WGPSG)

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO MỪNG BỔN MẠNG

Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao mừng Bổn mạng Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Sáng ngày 13/12/2012, khoảng 10 ngàn khách hành hương đã quy tụ về Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, Gp Phan Thiết cùng với Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan và linh mục đoàn mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. 



Giờ khấn Đức Mẹ và Thánh lễ Mẹ Vô Nhiễm diễn ra sốt sắng trong khí trời se lạnh của thời gian giao mùa. Ba tâm tình cầu nguyện Đức Cha Giuse mời cộng đoàn hiệp dâng trong thánh lễ là tâm tình Tạ ơn Chúa của những ngày cuối năm Dương lịch 2012; Kỉ niệm 53 năm ngày đặt thánh tượng Đức Mẹ Tàpao; Và mừng Bổn Mạng Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.

Niềm vui của ngày hành hương tháng 12 mặc trong tâm tình Mừng Chúa Giáng Sinh. Tối 12 trước đó, tại quảng trường đã diễn ra buổi thánh ca chủ đề “Cùng với Mẹ - Mừng Mầu Nhiệm Nhập Thể”. Chương trình thánh ca đặc sắc do Giáo hạt Đức Tánh phụ trách, cùng với sự góp mặt của giáo xứ Vinh Tân và các ca sĩ Hồng Ân, Quốc Thiên và Như Ý.
 
 
(gpphanthiet.com) 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ĐÔNG TIMOR : THÀNH VIÊN CHÍNH THỨC CỦA FABC

Nhà thờ chính tòa giáo phận Dili (Timor Leste)
FABC chào đón Hội đồng Giám mục Timor Leste 
trở thành thành viên chính thức

WHĐ (14.12.2012) – Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), đang nhóm họp Đại hội toàn thể lần thứ X tại giáo phận Xuân Lộc (Việt nam) từ ngày 10 đến ngày 16-12-2012, đã chào mừng Hội đồng Giám mục Timor Leste vừa trở thành thành viên chính thức của FABC.

Timor Leste trước đây chỉ có hai giáo phận: Dili (thành lập năm 1940) và Baucau (1996). Theo quy chế của Tòa Thánh, để thành lập một Hội đồng Giám mục phải có từ ba giáo phận trở lên, do đó, Timor Leste mới chỉ tham dự FABC với tư cách thành viên liên kết.

Vì thế, với việc Tòa Thánh thiết lập tân giáo phận Maliana vào năm 2010, Giáo hội tại Timor Leste với khoảng 1 triệu tín hữu đã hội đủ điều kiện và đã chính thức thành lập Hội đồng Giám mục trong năm nay, đồng thời trở thành thành viên chính thức của FABC. Đại biểu của Hội đồng Giám mục Timor Leste tham dự Đại hội FABC lần thứ X là Đức cha Norberto do Amaral, giám mục giáo phận Maliana.

Là thành viên trẻ nhất của FABC, Timor Leste có kế hoạch theo đuổi và áp dụng các ý tưởng mục vụ của FABC, vận dụng cách đáp ứng những thực tế mục vụ đang được đặt ra cho Hội đồng Giám mục. Thành viên mới này của FABC có ý định sẽ đưa những giáo huấn của FABC vào kế hoạch mục vụ sắp tới của mình, bởi những bài học được FABC mang lại thực sự phản ánh những thực tại Á châu cũng như những dấu chỉ của thời đại.

Đại hội toàn thể, cơ quan điều hành cao nhất của tổ chức FABC, được triệu tập bốn năm một lần. Năm nay, FABC mừng 40 năm thành lập (1972-2012) và Đại hội toàn thể lần thứ X diễn ra với chủ đề “40 năm FABC: Đáp ứng những thách đố tại Á châu”.

Đây là lần đầu tiên Hội đồng Giám mục Việt Nam, thành viên sáng lập, được đề cử tổ chức Đại hội toàn thể FABC.
(Theo fabc.org)
Thành Thi
 
(WHĐ)

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 10-18)



THẮP SÁNG ĐỨC TIN

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng trăm cây nến được mang tới nhà thờ làm phép. Các cửa hàng bán nến xem ra “đắt như tôm tươi”. Vì người này rỉ tai người kia phải mua nến để chuẩn bị ngày “tận thế”. Người ta rỉ tai nhau “nếu không có nến được làm phép sẽ chịu cảnh tối tăm bao trùm trong ngày “tận thế”.

Có người còn xác định thật rõ ràng ngày định đoạt đó là ngày 21.12! Xem ra người ta rất sợ ngày đó. Đối với họ, đó không phải là ngày lành. Đó không phải là ngày họ chờ đợi mà là ngày họ không bao giờ muốn xảy đến trong cuộc đời của họ.

Theo niềm tin ky-tô giáo chúng ta vẫn xác tín sẽ có ngày “cánh chung” đối với con người và vũ trụ. Đó là ngày Chúa Ky-tô quang lâm để đưa vũ trụ tới thành toàn viên mãn. Nhưng đây không phải là ngày sợ hãi, mà là ngày tràn ngập niềm vui. Ngày mà muôn dân phải mong đợi. Vì trong ngày đó, Đức Ky-tô sẽ mang đến cho nhân trần niềm hạnh phúc viên mãn và trường cửu. Ngày đó con người sẽ không còn lo sợ chiến tranh, không còn lo âu vất vả, không còn những hỉ nộ ái ố. Ngày đó con người sẽ cùng nhau hát tiếng ca hoà bình. Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thiết đãi các dân tộc một bữa tiệc hiệp nhất, một bữa tiệc tràn đầy hoan lạc và bình an.

Trong ngày cánh chung của vũ trụ và cũng là ngày Đức Ky-tô quang lâm lần thứ hai, Giáo hội vẫn nhắc nhở chúng ta phải luôn cầm nến sáng trên tay. Nhưng không phải là cây nến vật chất mau tan biến mà là cây nến tâm hồn chúng ta. Cây nến của đức tin luôn toả sáng giữa thế gian. Cây nến của cuộc đời luôn tràn ngập tình yêu với tha nhân.

Như Gioan đã đề nghị người Do Thái một cung cách sống để đón chờ Đấng Messia. Giáo hội cũng mượn lời Chúa hôm nay để nhắc nhở mọi thành phần dân Chúa hãy có thái độ sẵn sàng chờ đón Chúa. Đối với tín hữu hãy biết sống chia sẻ với nhau. Hãy sống đùm bọc nhau trong tình bác ái chân thành qua việc chia sẻ cơm ăn, áo mặc. Đối với người thu thuế và người giầu có hãy sống công bình bác ái. Đừng cho vay nặng lãi. Đừng chồng chất thêm gánh nặng cho dân bằng sưu cao thuế nặng. Hãy sống bằng một trái tim nhân ái biết xót thương kẻ bần cùng lầm than. Đối với quan quân hãy biết thương dân, đừng hà hiếp bóc lột, đừng sống theo kiểu tham quan vô nại, hãy sống theo chức vụ của mình là để bảo vệ và gìn giữ sự an ninh cho dân làng.

Năm xưa dân Do Thái, nghe lời Gioan ai nấy đều muốn thay đổi lối sống cho đẹp lòng Đấng Messia. Từng đoàn người đến sông Giordan. Trong đó có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé. Quyền qúy cao sang và đói khổ bần hàn. Tất cả đều cúi mình sám hối. Tất cả đều muốn thay đổi lối sống. Sửa lại những quanh co gian trá của lòng người. Lấp đầy những hố sâu của ngăn cách bằng tình yêu chân thành. Và san bằng núi đồi kiêu căng bằng đời sống hoà hợp mến yêu. Một bầu khí thật vui tươi và an bình trải rộng khắp dòng sông Giordan. Một niềm hy vọng cho một thế giới không còn bất công, không còn hận thù chỉ còn có sự chia sẻ, cảm thông trong yêu thương chân thành. Một bầu khí hứa hẹn những ngày tháng thanh bình như lời tiên tri Isaia đã nói: “sói nằm chung với chiên con. Trẻ con thò tay vào hang rắn độc. Người ta sẽ lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy và nhân loại sẽ cùng nhau hát vang tiếng hát hoà bình”.

Thế nhưng, thế giới hôm qua cũng như hôm nay vẫn còn đó những bất công và hận thù, những chia rẽ, dối gian vì con người vẫn chưa dám sống theo niềm tin của mình. Họ tin Chúa, tin đạo nhưng không thực hành đạo. Đức tin của con người chỉ dừng lại nơi đầu môi chóp lưỡi nhưng không mang ra thực hành giữa cuộc đời. Đức tin của con người hôm nay đôi khi chỉ thể hiện trong nhà thờ nhưng không dám thể hiện trong thánh lễ cuộc đời.

Ước gì năm đức tin sẽ là dịp để chúng ta thể hiện đức tin của mình bằng hành động. Đức tin không dừng lại ở lời tuyên xưng nhưng thể hiện bằng cả đời sống tin cậy mến giữa cuộc đời. Ước gì ánh nến đức tin của chúng ta luôn sáng ngời, luôn được thắp sáng giữa thế gian còn đầy bóng tối của nghi nan, bóng tối của bất công và chia rẽ. Và ước gì chúng ta luôn là ngọn nến thắp sáng cho trần gian ánh sáng của tin yêu và hy vọng. Amen

(tinmung.net)