Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Hội Toàn Cầu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Hội Toàn Cầu. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

TRỰC TIẾP THÁNH LỄ BẾ MẠC NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2023

TẠI “CÔNG VIÊN TEJO”
lúc 9:00 sáng Chúa Nhật ngày 6/8 giờ Lisbon 
(3:00 chiều giờ Việt Nam)
 

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2023 (5/8): TRỰC TIẾP ĐÊM CANH THỨC

TẠI “CÔNG VIÊN TEJO”
lúc 20:45 thứ Bảy 5/8 giờ Lisbon 
(02:45 sáng Chúa Nhật 6/8 giờ Việt Nam 
hoặc 12:45 chiều thứ Bảy 5/8 giờ California).
 

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

KHAI MẠC ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2023: MỘT VÀI SỰ KIỆN VÀ CON SỐ

(Hình: Yandrykw | Shutterstock)

KHAI MẠC ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2023: 
MỘT VÀI SỰ KIỆN VÀ CON SỐ

1. Đức Thánh Cha sẵn sàng để lên đường

Vẫn như lệ thường, để phó thác chuyến tông du lần thứ 42 này cho Đức Trinh Nữ Maria, hôm 31.07, Đức Thánh Cha đã đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi Thành Roma (Salus Populi Romani).

(Hình: Vatican Media)

Kể từ khi trở thành Giáo hoàng, đây là lần thứ 109 Đức Phanxicô đến viếng Linh ảnh này, lần gần đây nhất là vào sáng ngày 16.06, ngay sau khi rời Phòng khám đa khoa Gemelli ở Rome, nơi ngài đã nhập viện trong 10 ngày để phẫu thuật ổ bụng.

Theo dự kiến, chuyến bay kéo dài 3 giờ đồng hồ của Đức Thánh Cha sẽ cất cánh từ sân bay Fiumicino, Roma vào lúc 7:50 sáng ngày mồng 02.08 để tới Lisbon, nhân Đại hội Giới trẻ Thế giới (ĐHGTTG) lần thứ 37, từ ngày mồng 02-06.08.2023.

Trong 5 ngày ở Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha sẽ có 8 bài diễn văn và 2 bài giảng. Ngài cũng sẽ có chặng dừng chân tại Fatima vào ngày mồng 05, nơi ngài đã đến viếng trước đây vào năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra.

2. Đức Thánh Cha trả lời thắc mắc của các thiếu niên trước ngày ĐHGTTG

Đức Thánh Cha đã thực hiện một đoạn video ngắn trong đó ngài trả lời các câu hỏi của các thiếu niên Công giáo liên quan đến việc cử hành ĐHGTTG 2023. Trong đoạn video, các câu hỏi được suy nghĩ thấu đáo và các câu trả lời ngắn gọn được phát hành trên kênh YouTube The Pope Video.

Câu hỏi đầu tiên dành cho Đức Thánh Cha do một thiếu niên đứng trước một dãy núi tuyệt đẹp với biển mở rộng phía sau lưng. Cùng với 2 người bạn, tất cả đều mặc trang phục với logo ĐHGTTG 2023, cô bé thắc mắc: Liệu Giáo hội có phải là để dành cho người già chăng, vì em nhận thấy rằng, khi đến nhà thờ địa phương, các băng ghế thường chật kín những người cao tuổi.

Đức Thánh Cha trả lời rằng tất nhiên là không. Đồng thời, ngài giải thích rằng, Giáo hội sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng nếu chỉ dành cho người già:

“Giáo hội không phải là câu lạc bộ của người già cũng không là câu lạc bộ của người trẻ. Nếu Giáo hội trở thành một điều gì đó chỉ dành cho người già, Giáo hội sẽ tàn lụi. Thánh Gioan Phaolô II từng nói rằng nếu bạn sống với những người trẻ thì chính bạn cũng trở nên trẻ trung. Giáo hội cần những người trẻ để Giáo hội không trở nên già nua”.

Thay đổi vị trí dành cho nhóm thiếu niên thứ hai ngồi bên bờ sông, Đức Thánh Cha được hỏi tại sao câu “Đức Maria vội vã lên đường” lại được chọn làm chủ đề cho ĐHGTTG 2023.

Đáp lại, Đức Thánh Cha giải thích rằng, mong muốn của ngài chính là hành động vị tha và nhanh nhẹn của Đức Maria sau khi thụ thai Chúa Giêsu sẽ được các tín hữu noi theo. Đức Thánh Cha nói:

“Bởi vì ngay khi biết mình sẽ trở thành mẹ của Thiên Chúa, Đức Maria đã không ở đó để chụp ảnh tự sướng (selfie) hoặc khoe mẽ. Trái lại, việc đầu tiên Mẹ làm là vội vã lên đường để phục vụ, để giúp đỡ. Cũng vậy, các con cần phải học hỏi từ Mẹ để bắt đầu cuộc hành trình giúp đỡ người khác”.

Cuối cùng, một nhóm thiếu niên đã hỏi Đức Thánh Cha về những hy vọng của ngài đối với ĐHGTTG lần này.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng, ngài muốn khơi lên ngọn lửa của sự hăng hái, hân hoan đối với đức tin nơi thế hệ trẻ. Ngài giải thích rằng điều tối quan trọng là những người trẻ tiếp cận đức tin của mình với niềm vui và nhiệt huyết:

“Ở Lisbon, cha muốn nhìn thấy một hạt giống cho tương lai của thế giới. Một thế giới lấy tình yêu là trung tâm, nơi chúng ta có thể cảm nhận được mình là anh chị em. Chúng ta đang có chiến tranh; chúng ta cần một cái gì đó khác. Một thế giới không sợ làm chứng cho Tin Mừng. Một thế giới vui tươi – bởi vì nếu Kitô hữu chúng ta không có niềm vui, thì chúng ta không đáng tin, và sẽ chẳng ai tin chúng ta”.

3. Khai mạc ĐHGTTG, một vài con số mới đã đạt được

Thánh lễ khai mạc ĐHGTTG 2023 đã được cử hành vào ngày mồng 01. 08, ban tổ chức ĐHGTTG Lisbon cho công bố một vài con số mới nhất như sau.

- 354.000 khách hành hương đã đăng ký

ĐHGTTG 2023 quy tụ nhiều tham dự viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới nhất, với tổng số hơn 200 quốc gia, ngoại trừ Maldives (Maldives là quốc gia nhỏ nhất châu Á, với dân số dưới 400.000 người).

Không kể nước chủ nhà Bồ Đào Nha với 43.742 người đăng ký, các quốc gia có số lượng người hành hương đã đăng ký cao nhất là nước láng giềng Tây Ban Nha (77.224), tiếp theo là Ý (59.469), Pháp (42.482) và Hoa Kỳ (19.196).

Tuy nhiên, gần 1 triệu người dự kiến sẽ tham dự buổi Canh thức và Thánh lễ bế mạc vào ngày mồng 05 và mồng 06 tại công viên Tejo rộng lớn của thủ đô Bồ Đào Nha.

- Gần 700 giám mục tham dự

Khoảng 688 Giám mục, trong đó có 30 Hồng y sẽ hiện diện tại Lisbon. Các quốc gia có nhiều Giám mục tham dự nhất là Ý (109), Tây Ban Nha (70), Pháp (65), Hoa Kỳ (61), và Bồ Đào Nha (36).

- 1.750 khách hành hương khuyết tật

Có khoảng 1.753 khách hành hương với nhiều hình thức khuyết tật đã đăng ký. Trong đó có 135 người khiếm thính, và 241 người khiếm thị. Tại Lisbon, sẽ có thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu.

- 25.000 tình nguyện viên

Nhằm góp phần giúp cho sự kiện được diễn ra suôn sẻ, 25.000 người đã đăng ký làm tình nguyện viên. Họ chủ yếu đến từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Brazil và Colombia.

Tại khu vực Lisbon, 1.626 không gian công cộng đã sẵn sàng chào đón 294.151 khách hành hương. Các tham dự viên cũng đón nhận được sự hiếu khách của 8.831 gia đình bản xứ, cung cấp chỗ ở cho 28.618 khách hành hương.

Mạng lưới phục vụ ĐHGTTG Lisbon được 1.800 cơ sở tham gia hỗ trợ với hợp đồng cung cấp 2,7 triệu bữa ăn cho sự kiện mang tính quốc tế này.

- 5.000 nhà báo

Khoảng 5.000 chuyên viên truyền thông được công nhận để đưa tin về sự kiện này.

Được biết, 77 nhà báo làm việc chính thức tại Tòa thánh sẽ đi từ Roma đến Lisbon trên máy bay của Đức Thánh Cha vào ngày mồng 02, và nhóm cũng sẽ theo Đức Thánh Cha cho đến khi ngài trở lại Rôma vào Chúa Nhật ngày mồng 06.

- Trồng gần 18.000 cây xanh

Theo tinh thần của thông điệp Laudato Si’, hướng tới trách nhiệm với môi trường. Trong số những sáng kiến khác nhau, ĐHGTTG Lisbon đã trồng được 17.980 cây xanh.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
 
  * * * *

TẠI LISBON, BỒ ĐÀO NHA

Nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXXVII
02 – 06.08.2023


Thứ Tư ngày 02 tháng 8 năm 2023
ROMA – LISBON


07:50  - Khởi hành từ sân bay quốc tế Roma/Fiumicino để bay đến Lisbon

10:00 - Đến Căn cứ Không quân Figo Maduro ở Lisbon

10:00 - CHÀO ĐÓN CHÍNH THỨC

10:45 - NGHI THỨC TIẾP ĐÓN tại lối vào chính của Điện Quốc gia “Belém”

11:15 - THĂM HỮU NGHỊ TỔNG THỐNG NƯỚC CỘNG HOÀ tại Điện Quốc gia “Belém”

12:15 - GẶP CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN tại Trung tâm Văn hoá Belém 
16:45 - GẶP THỦ TƯỚNG tại Toà Sứ thần

17:30 - KINH CHIỀU VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ NAM NỮ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ tại Đan viện thánh Giêrônimô

Thứ Năm ngày 03 tháng 8 năm 2023
LISBON – CASCAIS – LISBON


09:00 - GẶP GỠ GIỚI TRẺ ĐẠI HỌC tại “Đại học Công giáo Bồ Đào Nha
  • Diễn văn của Đức Thánh Cha
10:40 - GẶP GỠ GIỚI TRẺ CỦA SCHOLAS OCCURRENTES tại Trụ sở Scholas Occurentes tại Cascais
  • Lời chào của Đức Thánh Cha
17:45 - NGHI THỨC CHÀO ĐÓN tại Công viên “Parque Eduardo VII”
  • Diễn văn của Đức Thánh Cha
 
Thứ Sáu ngày 04 tháng 8 năm 2023
LISBON


09:00 - GIẢI TỘI CHO MỘT SỐ NGƯỜI TRẺ CỦA NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI tại Vườn Vasco da Gama

09:45 GẶP GỠ ĐẠI DIỆN CỦA MỘT SỐ TRUNG TÂM TRỢ GIÚP VÀ BÁC ÁI tại “Trung tâm Giáo xứ Serafina”
  • Diễn văn của Đức Thánh Cha
12:00 - ĂN TRƯA VỚI CÁC BẠN TRẺ tại Toà Sứ thần

18:00 - ĐÀNG THÁNH GIÁ VỚI NHỮNG NGƯỜI TRẺ tại “Công viên Eduardo VII”
Diễn văn của Đức Thánh Cha

 
Thứ Bảy ngày 5 tháng 8 năm 2023
LISBON – FATIMA – LISBON


08:00 - Khởi hành bằng trực thăng từ Căn cứ không quân Figo Maduro ở Lisbon để bay đến Fatima

08:50 - Đến Sân vận động Fatima

09:30 - CẦU NGUYỆN CHUỖI MÂN CÔI VỚI NHỮNG NGƯỜI TRẺ BỆNH TẬT tại Nhà Nguyện Hiện Ra của Đền thánh Đức Mẹ Fatima.
  • Diễn văn của Đức Thánh Cha
  • Lời cầu nguyện
11:00 - Khởi hành bằng trực thăng từ Sân vận động Fatima để bay đến Lisbon

11:50 - Đến Căn cứ Không quân Figo Maduro ở Lisbon

18:00 - GẶP RIÊNG CÁC TU SĨ DÒNG TÊN tại trường thánh S. Gioan Brito

20:45 - CANH THỨC VỚI NGƯỜI TRẺ tại “Công viên Tejo” 
  • Diễn văn của Đức Thánh Cha 
 
Chúa nhật ngày 06 tháng 8 năm 2023
LISBON – ROMA

09:00 - THÁNH LỄ CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI tại “Công viên Tejo”
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Kinh Truyền Tin

16:30 - GẶP GỠ CÁC TÌNH NGUYỆN VIÊN CỦA NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI tại “Bãi biển Algés”
  • Diễn văn của Đức Thánh Cha
17:50 - NGHI THỨC CHÀO BIỆT tại Căn cứ Không quân Figo Maduro ở Lisbon

18:15 - Khởi hành từ Căn cứ Không quân Figo Maduro ở Lisbon để bay về Roma

22:15 - Đến Sân bay quốc tế Roma/Fiumicino

(WHĐ)

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

SẮC LỆNH CỦA BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH VỀ NGHI THỨC RỬA CHÂN TRONG THÁNH LỄ TIỆC LY

 

SẮC LỆNH CỦA BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
VỀ NGHI THỨC RỬA CHÂN TRONG THÁNH LỄ TIỆC LY
 
Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích

WHĐ (26.03.2018) – Ngày 20 tháng Mười Hai 2014, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gửi thư cho Đức hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, về Nghi thức Rửa chân trong Tam nhật Vượt qua.
 
Trong thư, Đức giáo hoàng viết:
 
“Sau khi suy xét kỹ lưỡng, tôi đi đến quyết định thay đổi phần chữ đỏ trong Sách Lễ Roma. Từ nay trở đi, những người được các mục tử chọn rửa chân không nhất thiết phải là quý ông hoặc trẻ nam, nhưng có thể thuộc mọi thành phần trong dân Chúa. Điều cần thiết là phải hướng dẫn đầy đủ cho những người được chọn về ý nghĩa của nghi thức”.
 
Tiếp nhận chỉ thị của Đức giáo hoàng, ngày 6-01-2016, Đức hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, đã ký Sắc lệnh “In Missa in Cena Domini” (Thánh lễ Tiệc ly), về việc điều chỉnh Nghi thức Rửa chân trong Thánh lễ Tiệc ly.
 
Sau đây là toàn văn Sắc lệnh; bản dịch tiếng Việt của Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam:
 
***
BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
SẮC LỆNH
IN MISSA IN CENA DOMINI
 
Trong thánh lễ Tiệc Ly, sau bài Tin mừng theo thánh Gioan, để diễn tả cách sinh động thái độ khiêm nhường và tình yêu của Chúa Kitô đối với các môn đệ, dựa vào sắc lệnh Maxima Redemptionis nostrae mysteria về việc cải tổ Tuần Thánh (30/11/1955), tại những nơi có lý do mục vụ tương xứng, có thể rửa chân mười hai người nam.
 
Phụng vụ Rôma vẫn gọi đây là nghi thức nhắc nhớ Lệnh truyền của Chúa về đức ái huynh đệ qua những lời dạy của Chúa Giêsu (x. Ga 13,34) được hát lên theo thể đối ca trong lúc cử hành nghi thức.
 
Khi thực hành nghi thức này, các giám mục và linh mục được mời gọi trở nên giống Chúa Kitô, Đấng “đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28), và khi được thúc đẩy bởi tình yêu “đến cùng” (Ga 13,1), sẵn sàng trao ban cả mạng sống vì phần rỗi toàn thể nhân loại.
 
Để thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của nghi thức này nơi những người tham dự, Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn sửa đổi quy định chữ đỏ số 11, phần nghi thức Thánh lễ Tiệc Ly trong Sách Lễ Rôma, câu: “Những người nam đã được chọn …” được sửa lại thành: “Những người đã được chọn giữa cộng đồng dân Chúa …” (trong sách Nghi thức giám mục, số 301 cũng phải sửa như thế, và số 299b sẽ là: “dọn ghế cho những người đã được chỉ định”), như vậy, các mục tử có thể chọn một nhóm tín hữu nói lên tính đa dạng và hợp nhất trong mọi thành phần dân Chúa. Nhóm này có thể gồm nam giới và nữ giới, người trẻ cũng như người cao tuổi, người khỏe mạnh và người đau yếu, các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân.
 
Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, với năng quyền do Đức Giáo hoàng ủy nhiệm, nay đưa việc sửa đổi này vào các sách phụng vụ thuộc Nghi thức Rôma, đồng thời cũng nhắc nhở các chủ chăn về nhiệm vụ phải hướng dẫn đầy đủ cho những người được chọn cũng như các tín hữu khác, giúp mọi người tham dự nghi lễ cách ý thức, tích cực và mang lại nhiều ơn phúc.
 
Bất chấp mọi điều trái nghịch.
 
Ban hành từ trụ sở Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, ngày 06 tháng 01 năm 2016, lễ Chúa Hiển linh.
 
Hồng y Robert Sarah
Tổng trưởng
Tổng Giám mục Arthur Roche
Thư ký
(WHĐ)

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY NĂM 2023 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 
Trong Sứ điệp Mùa Chay 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh mối quan hệ giữa hành trình Mùa Chay và hành trình hiệp hành, cả hai đều bắt nguồn từ truyền thống và mở ra cho những điều mới mẻ. Ngài mời gọi các tín hữu hãy lên đường theo Chúa Giêsu để đào sâu và đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Người.

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY NĂM 2023
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
 
Khổ chế Mùa Chay và Lộ trình Hiệp Hành

Anh chị em thân mến!

Các Sách Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca đều thuật lại biến cố Chúa Giêsu Hiển dung. Qua đó, chúng ta thấy Chúa đáp lại thái độ của các môn đệ khi chưa thật sự hiểu Người. Thật vậy, trước đó không lâu, đã có một cuộc xung đột thực sự giữa Thầy Giêsu và môn đệ Simon Phêrô, người mà sau khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, đã phản đối lời tiên báo về cuộc khổ nạn và thập giá của Người. Chúa Giêsu đã mạnh mẽ quở trách ông: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt 16, 23). Và rồi, “sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê, tới một ngọn núi cao” (Mt 17, 1).

Đoạn Tin mừng về Chúa Giêsu Hiển dung được đọc hàng năm vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Thật vậy, trong mùa Phụng vụ này, Chúa đem chúng ta đi với Người và dẫn đến một nơi riêng biệt. Trong khi những bổn phận thường ngày đòi buộc chúng ta phải ở lại những nơi quen thuộc và những thói quen lặp đi lặp lại đến độ nhàm chán, thì trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đi lên “một ngọn núi cao” cùng với Chúa Giêsu và sống một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt - sự khổ chế - như dân thánh của Thiên Chúa. 
 
Khổ chế Mùa Chay là một quyết tâm được trợ giúp nhờ ân sủng, để vượt thắng khiếm khuyết đức tin và thái độ phản kháng của chúng ta khi đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Đây chính là điều mà Phêrô và các môn đệ cần phải thực hiện. Để đào sâu kiến thức về Thầy, để hiểu trọn vẹn và đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện trong sự hiến thân trọn vẹn vì tình yêu, chúng ta phải để Chúa Giêsu dẫn mình đi lối riêng, đưa lên cao và tách ra khỏi sự tầm thường và phù phiếm. Giống như một cuộc leo núi, chúng ta cần phải khởi hành một lộ trình khó khăn đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung. Những điều kiện tiên quyết này cũng rất quan trọng đối với lộ trình Hiệp Hành mà, là một Hội Thánh, chúng ta đã dấn thân thực hiện. Sẽ thật hữu ích khi chúng ta suy tư về mối tương quan giữa khổ chế Mùa Chay và trải nghiệm Hiệp Hành.
Trong cuộc “tĩnh tâm” trên núi Tabor, Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ, những người được chọn để chứng kiến ​​một biến cố độc nhất vô nhị. Chúa Giêsu muốn chia sẻ kinh nghiệm ân sủng này, chứ không giữ lại cho riêng mình, cũng như toàn bộ đời sống đức tin của chúng ta là một trải nghiệm được sẻ chia. Vì chính trong sự liên đới với nhau mà chúng ta đi theo Chúa Giêsu. Và chúng ta, là một Hội Thánh lữ hành giữa dòng thời gian, cùng trải nghiệm Năm phụng vụ và trong đó có Mùa Chay, chúng ta cùng tiến bước với anh chị em mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta như những bạn đồng hành. Cũng giống như biến cố Chúa Giêsu và các môn đệ đi lên Núi Tabor, chúng ta có thể khẳng định rằng, hành trình Mùa Chay của chúng ta là “Hiệp Hành”, bởi vì chúng ta cùng nhau đi trên một con đường, với tư cách là những môn đệ của một vị Thầy duy nhất. Hơn nữa, chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu là Con Đường, và do đó, trong hành trình Phụng vụ cũng như trong tiến trình Thượng Hội đồng, Giáo Hội không làm gì khác hơn là bước vào mầu nhiệm Đức Kitô – Đấng Cứu Độ một cách sâu xa và trọn vẹn hơn.

Và như thế chúng ta cùng bước lên cao điểm. Tin mừng thuật lại rằng Chúa Giêsu “biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Đây là “chóp đỉnh”, mục tiêu của cuộc hành trình. Vào cuối cuộc leo núi, khi đang ở trên đỉnh núi với Chúa Giêsu, ba môn đệ được ơn nhìn thấy Người trong vinh quang, chói ngời ánh sáng siêu nhiên. Một ánh sáng không đến từ bên ngoài, nhưng tỏa ra từ chính Chúa. Vẻ đẹp thiêng liêng của thị kiến này trỗi vượt hơn những nỗ lực mà các môn đệ đã cố gắng khi lên Núi Tabor. Như trong bất kỳ chuyến leo núi gian nan nào, đang khi leo, chúng ta phải chăm chú nhìn vào con đường; nhưng bức tranh toàn cảnh mở ra ở cuối lộ trình gây bất ngờ và đền đáp cho chúng ta bởi sự kỳ diệu của nó. Cũng vậy, tiến trình Hiệp Hành thường có vẻ như là một con đường khó khăn, và đôi khi có thể gây nản lòng. Tuy nhiên, điều chờ đợi chúng ta ở cuối hành trình chắc chắn sẽ là một điều gì đó kỳ diệu và ngỡ ngàng, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn của Thiên Chúa và sứ mạng dành cho chúng ta trong khi phục vụ vương quốc của Ngài.

Trải nghiệm của các môn đệ trên núi Tabor càng phong phú hơn nữa khi, bên cạnh Chúa Giêsu biến hình, xuất hiện ông Môsê và Êlia, vốn là hiện thân của Lề luật và các Ngôn sứ (x. Mt 17, 3). Điều mới mẻ của Đức Kitô vừa là sự hoàn tất Giao ước cũ và các lời hứa, vừa không tách rời khỏi lịch sử của Thiên Chúa với dân của Ngài và đồng thời mặc khải ý nghĩa sâu xa hơn cho lịch sử đó. Tương tự như vậy, lộ trình Hiệp Hành bắt nguồn từ truyền thống của Giáo Hội, nhưng đồng thời cũng mở ra cho những điều mới mẻ. Truyền thống là nguồn cảm hứng để tìm kiếm những con đường mới, và để tránh những cám dỗ đối nghịch của sự trì trệ và ngẫu hứng.

Hành trình khổ chế Mùa Chay cũng như tiến trình Thượng Hội đồng đều có mục tiêu là một cuộc biến hình, cả về phương diện cá nhân lẫn Giáo Hội. Một sự biến đổi, mà trong cả hai trường hợp, đều có khuôn mẫu nơi Chúa Giêsu Hiển dung và được thực hiện nhờ ân sủng của mầu nhiệm Vượt qua của Người. Để cuộc biến hình này có thể trở thành hiện thực nơi chúng ta trong năm nay, tôi muốn đề nghị hai “Lộ trình” cần đi theo để cùng lên núi với Chúa Giêsu, và cùng với Người đạt tới mục tiêu.

Lộ trình thứ nhất liên quan đến mệnh lệnh mà Chúa Cha ngỏ với các môn đệ trên núi Tabor, khi họ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Hiển dung. Tiếng từ đám mây phán ra: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5). Do đó, đề xuất đầu tiên rất rõ ràng: Chúng ta cần lắng nghe Chúa Giêsu. Mùa Chay là thời gian ân sủng để chúng ta lắng nghe Lời khi Người ngỏ lời với chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta như thế nào? Trước hết, từ Lời Chúa mà Giáo hội công bố cho chúng ta trong Phụng vụ. Mong sao chúng ta đừng để Lời ấy bị bỏ ngoài tai; trong trường hợp không thể tham dự Thánh Lễ thường xuyên, chúng ta hãy đọc các Bài đọc Kinh Thánh hàng ngày, dù là với sự trợ giúp của internet. Ngoài Kinh Thánh, Chúa còn nói với chúng ta qua anh chị em của chúng ta, nhất là qua những khuôn mặt và câu chuyện của những người cần được giúp đỡ. Nhưng tôi cũng muốn thêm vào một khía cạnh khác, rất quan trọng trong tiến trình Hiệp Hành: thái độ lắng nghe Chúa Giêsu cũng bao gồm việc lắng nghe anh chị em khác trong Giáo Hội. Cách lắng nghe lẫn nhau là mục tiêu chính trong một số giai đoạn của tiến trình, nhưng nó luôn luôn không thể thiếu trong phương pháp và phong cách của một Giáo Hội hiệp hành.

Khi nghe tiếng Chúa Cha, các môn đệ “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Chúa Giêsu lại gần, chạm đến các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ! Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Chúa Giêsu mà thôi” (Mt 17, 6-8). Đây là đề nghị thứ hai cho Mùa Chay này: đừng dựa vào một thứ tôn giáo được tạo ra từ những sự kiện phi thường và những kinh nghiệm kịch tính, hãy vượt qua nỗi sợ vì phải đối diện với thực tế và những đấu tranh, khó khăn và mâu thuẫn của nó trong cuộc sống hàng ngày. Ánh sáng mà Chúa Giêsu tỏ ra cho các môn đệ là sự báo trước về vinh quang Phục sinh, và đó phải là mục tiêu trong cuộc hành trình của chúng ta, khi chúng ta đi theo “một mình Người”. Mùa Chay hướng về Lễ Phục Sinh: “tĩnh tâm” tự nó không phải là mục đích, nhưng là phương thế chuẩn bị cho chúng ta trải nghiệm cuộc khổ nạn và thập giá của Chúa Giêsu với đức tin, đức cậy và đức mến, hầu đạt tới sự phục sinh. Cũng vậy, trên lộ trình Hiệp Hành, ngay cả khi Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng của một số trải nghiệm hiệp thông mạnh mẽ, thì chúng ta đừng ảo tưởng là mình đã đến đích. Vì, cũng tại đây, Chúa lặp lại với chúng ta rằng: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”. Vậy thì chúng ta hãy đi xuống đồng bằng, và xin cho ân sủng mà chúng ta đã trải nghiệm giúp chúng ta trở thành “những nghệ nhân của tính hiệp hành” trong cuộc sống thường ngày tại các cộng đoàn của chúng ta.

Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy và nâng đỡ chúng ta trong Mùa Chay này khi chúng ta lên núi với Chúa Giêsu, để cảm nghiệm được vẻ huy hoàng thần linh của Người. Và nhờ đó, chúng ta được củng cố trong đức tin, được tiếp tục kiên trì trong cuộc lữ hành cùng với Chúa Giêsu, Đấng là vinh quang của dân Người và ánh sáng của muôn dân.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Lateranô, ngày 25/01/2023, Lễ Thánh Phaolô Trở lại.

Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Nguồn: vaticannews.va/vi
(WGPSG)

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

TẠI SAO NIGERIA CÓ TỶ LỆ TÍN HỮU THAM DỰ THÁNH LỄ ĐÔNG NHẤT THẾ GIỚI?

Tín hữu Nigeria  (AFP or licensors)

TẠI SAO NIGERIA CÓ TỶ LỆ TÍN HỮU
THAM DỰ THÁNH LỄ ĐÔNG NHẤT THẾ GIỚI?


Hồng Thủy - Vatican News

Vatican News (16.02.2023)Sau khi Nigeria được công nhận là quốc gia có tỷ lệ giáo dân tham dự Thánh lễ cao nhất thế giới, Đức Hồng Y Peter Ebere Okpaleke, 59 tuổi, lãnh đạo giáo phận Ekwulobia ở miền nam Nigeria, đã chia sẻ rằng thế giới quan truyền thống của Nigeria, vai trò của gia đình và ý thức cộng đồng trong các giáo xứ đã khiến người Nigeria từ thế hệ này sang thế hệ khác gần gũi với các bí tích.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy 94% trong số 30 triệu người Công giáo ở Nigeria nói rằng họ tham dự Thánh lễ ít nhất hàng tuần hoặc hơn, trong khi chỉ có 17% người Công giáo Mỹ tham dự Thánh lễ hàng tuần.

Nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống và xã hội

Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNA, Đức Hồng y Okpaleke nói rằng xã hội Nigeria nói chung có “một thế giới quan truyền thống” nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống và xã hội. “Chính nhận thức này chuyển thành việc tham dự Thánh lễ của người Công giáo, những người đến tham dự Thánh lễ để gặp gỡ Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.” Ngài lưu ý rằng tất cả các tầng lớp, người nghèo và người giàu, người thất học và người có học, đều được thu hút đến với các bí tích bởi một lòng khao khát chung về Thiên Chúa.

Ngài nhận định rằng ở những nơi khác trên thế giới, nơi mà quá trình thế tục hóa đã làm suy yếu ý thức về Thiên Chúa của một nền văn hóa, Giáo hội có thể tìm thấy sức sống bằng cách nhấn mạnh rằng Giáo hội là “cửa ngõ” đáp ứng “sự khao khát nội tâm của con người muốn được liên hệ với thần thánh.”

Gia đình là ‘Giáo hội tại gia'

Tiếp đến, ở Nigeria, có một ý thức mạnh mẽ rằng “gia đình là ‘Giáo hội tại gia'", gia đình được coi là nơi chính yếu trong đó “đức tin được truyền lại cho thế hệ kế tiếp.” Đức Hồng Y lưu ý rằng trong khi gia đình “đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực vì tình hình kinh tế xã hội và văn hóa ở Nigeria,” thì hầu hết các gia đình đã chống lại áp lực này, kín múc “từ đức tin để vượt qua những thách đố tấn công họ.” Ngài khuyến cáo người Công giáo trên khắp thế giới “hãy quan tâm đến mục vụ cho gia đình như giáo hội tại gia vì đó là nơi hình thành kinh nghiệm đức tin của mọi người.”

Tính cộng đoàn

Cuối cùng, các giáo xứ và giáo phận Công giáo ở Nigeria mang đến cho mọi người cảm giác mạnh mẽ về “cộng đồng và sự gắn bó”. Đức Hồng y Okpaleke nói: “Phần lớn, mọi người cảm thấy có tính cộng đồng trong Giáo hội.” (CNA 15/02/2023)

(WHĐ)

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

CÁC SỰ KIỆN LỚN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRONG NĂM 2023

 

CÁC SỰ KIỆN LỚN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
TRONG NĂM 2023

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (19.01.2023) – Giới truyền thông Công giáo đưa ra những sự kiện lớn của Giáo hội Công giáo trong năm 2023, như Ngày Quốc tế Giới trẻ, chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến châu Phi, Thượng Hội đồng Giám mục, kỷ niệm 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn làm Giáo hoàng.

Ngày 25/01: Tổng hội đặc biệt của Hội Hiệp sĩ Malta

Đầu tiên là Tổng hội đặc biệt của Hội Hiệp sĩ Malta. Việc Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành hiến pháp mới của Hội Hiệp sĩ Malta vào tháng 9/2022 chấm dứt 5 năm cải tổ nhưng không thành công. Đức Thánh Cha muốn Hội trung thành với đoàn sủng nguyên thuỷ. Để đảm bảo sự thành công của cuộc cải tổ, ngài đã không ngần ngại bãi chức bốn vị lãnh đạo và giải tán Hội đồng lãnh đạo tối cao và thành lập Hội đồng tối cao lâm thời.

Giai đoạn cải tổ của Hội sẽ bắt đầu với Tổng hội đặc biệt vào ngày 25/01. Hội đồng tối cao sẽ có nhiệm vụ bổ nhiệm Thủ lãnh tiếp theo của Hội, và nhóm cố vấn. Ban lãnh đạo mới này sẽ có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của Hội và mối quan hệ của Hội với Tòa Thánh.

Hội Hiệp sĩ Malta là một tổ chức có quy chế của một thực thể quốc tế, có từ gần 1.000 năm nay, có chủ quyền như một quốc gia, có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với 106 nước trên thế giới. Về phương diện tinh thần và tu đức, hội có quy chế như một dòng tu Công giáo và dưới khía cạnh này Hội tùy thuộc Đức Giáo Hoàng.

Hội Hiệp sĩ này hiện có 13.500 thành viên nam nữ trên thế giới, trong đó chỉ có gần 40 thành viên có ba lời khấn như tu sĩ. Ngoài ra, hội có 80.000 tình nguyện viên trên thế giới, trong đó có nhiều bác sĩ và nhân viên y tế. Phần lớn các hoạt động của hội thuộc lãnh vực bác ái và y tế.

Ngày 31/01: Chuyến tông du ngoài Ý lần thứ 40 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du ngoài nước Ý lần thứ 40 trong triều Giáo hoàng. Ngài sẽ viếng thăm châu Phi từ ngày 31/01 đến 05/02. Gần 10 năm qua, Đức Thánh Cha đã đi đến 50 quốc gia, và trung bình mỗi năm thực hiện 4 chuyến đi. Ở châu Phi, ngài sẽ dành ba ngày viếng thăm Cộng hoà Dân chủ Congo, tại Kinshasa, ngài sẽ gặp các nạn nhân của cuộc xung đột ở phía đông đất nước. Một trong những sự kiện lớn của những ngày ở Congo là Thánh lễ tại sân bay Kinshasa, dự kiến có hàng trăm ngàn tín hữu tham dự.

Ngày 03/02, Đức Thánh cha sẽ đến Nam Sudan cùng với Tổng Giám Mục Anh giáo của Canterbury, Justin Welby, và vị điều hành Tổng công nghị của Giáo hội Scotland, Jim Wallace, để tham gia cuộc hành hương đại kết vì hoà bình tại đất nước non trẻ nhưng bị đánh dấu bởi bạo lực.

Chuyến tông du đầu tiên của một Giáo hoàng đến Nam Sudan có một chiều kích ngoại giao rất quan trọng, Toà Thánh cùng với hai Giáo hội Kitô khác có một vai trò trung gian quan trọng đem lại hoà bình cho quốc gia này.

Ngày 11/02: Mười năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ nhiệm

Ngày 11/02 ghi dấu 10 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ nhiệm. Vào ngày 11/02/2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, sau Đức Giáo Hoàng Celestine V từ nhiệm vào năm 1294, ngài là Giáo hoàng thứ hai tuyên bố từ nhiệm.

Đức Biển Đức đã thông báo tin này tại công nghị Hồng y phong thánh. Bằng tiếng Latinh ngài tuyên bố: “Sau nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi đến chỗ chắc chắn rằng sức lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để thi hành thừa tác vụ của thánh Phêrô nữa. Tôi ý thức rõ rằng thừa tác vụ này, do bản chất thiêng liêng thiết yếu của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, mà còn bằng lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới hôm nay, trước biết bao thay đổi nhanh chóng và bị lung lay bởi những vấn đề liên quan sâu xa đến đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, thì sức mạnh tinh thần và thể xác đều cần thiết, sức mạnh mà trong vài tháng qua, đã sa sút trong tôi đến mức tôi phải nhận ra mình không có khả năng chu toàn thánh chức được giao phó một cách thích đáng. Vì lý do này, và ý thức rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của hành động này, tôi hoàn toàn tự do tuyên bố rằng tôi từ nhiệm chức vụ Giám mục Rôma, người kế vị Thánh Phêrô”.

Gần 10 năm sau khi từ nhiệm, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI qua đời ngày 31/12/2022 tại Vatican. Tang lễ của ngài đã được cử hành tại quảng trường thánh Phêrô, ngày 05/01/2023.

Tháng 02-03: Thượng Hội đồng Giám mục cấp châu lục

Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội do Đức Thánh Cha khai mạc vào tháng 10/2021 sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay. Sau giai đoạn cấp Giáo phận, trong đó 112 Hội đồng Giám mục đã gởi bản đúc kết và được tổng hợp tại Roma, giờ đây đến giai đoạn cấp châu lục sẽ kéo dài đến tháng Ba.

Ở châu Âu, phiên họp đầu khoảng 200 người tham dự trực tiếp và 400 người tham dự trực tuyến sẽ gặp nhau tại Praha, Cộng hòa Séc, từ ngày 05 đến 09/02 để suy nghĩ về Giáo hội của ngày mai. Các chủ đề sẽ được thảo luận gồm: Vị trí của phụ nữ và giới trẻ trong Giáo hội, sự đau khổ của các linh mục, các cuộc tranh luận xung quanh phụng vụ hoặc các hoàn cảnh nhạy cảm trong đời sống các Giáo hội địa phương: ly dị tái hôn, đa thê, LGBT, lạm dụng. Trong giai đoạn hai này từ ngày 10 đến 12/02, các vị Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục sẽ nhóm họp để suy tư về các đúc kết của các buổi gặp gỡ của giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ.

Theo mô hình tương tự, giai đoạn lục địa châu Á sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26/02, ở châu Phi sẽ được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 06/3, ở châu Đại Dương được lên kế hoạch từ ngày 5 đến 9/02, và ở Trung Đông từ ngày 12-18/02.

Tất cả các châu lục sẽ phải gửi bản tổng hợp trước ngày 31/3. Trên cơ sở các tài liệu lục địa này, Ban Thư ký của Thượng Hội đồng, tại Roma, sẽ soạn thảo Tài liệu Làm việc (Instrumentum laboris) trước tháng 6/2023. Tài liệu này sẽ là cơ sở cho các cuộc họp của Giáo hội hoàn vũ, sẽ diễn ra vào năm 2023, tại Roma, trong hai giai đoạn: từ ngày 4 đến 29/10/2023, sau đó vào tháng 10/2024.

Ngày 13/3: Kỷ niệm 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn

Giáo hoàng Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử, tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đeo nhẫn ngư phủ, giám mục đầu tiên của Roma chọn tên là Phanxicô... Vào ngày 13/3 tới đây, thế giới sẽ nhớ lại cuộc bầu chọn Đức Thánh Cha Phanxicô.

Được bầu giáo hoàng sau Đức Biển Đức XVI, người mà các hồng y đã “đi tìm tận cùng thế giới” ngạc nhiên trước phong cách mục tử mới của ngài muốn đưa Giáo hội ra các vùng ngoại vi.

Cải cách Giáo triều, chống lạm dụng, tinh thần giáo sĩ trị, trao quyền cho giáo dân và phụ nữ, sinh thái học, phụng vụ, đối thoại với Hồi giáo… Rất nhiều dự án do Đức Thánh Cha Phanxicô đứng đầu kể từ năm 2013.

Ngày 01/8: bắt đầu Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon

Ban đầu được lên kế hoạch vào mùa hè năm 2022, Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon đã bị hoãn lại một năm do đại dịch. Sau Rio de Janeiro năm 2013, Krakow năm 2016 và Panama năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 4 từ khi trở thành người kế vị thánh Phêrô. Ngài đã chính thức đăng ký tham dự vào ngày 23/10/2022.

Ở tuổi 86, ngài đang chuẩn bị trở lại Bồ Đào Nha, sáu năm sau chuyến tông du đến Fatima, vào tháng 5/2017. Tại Vatican và ở Lisbon, các công tác chuẩn bị đang được tiếp tục cho việc tổ chức thích hợp sự kiện với chủ đề từ một câu trong Tin Mừng Luca: “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1, 39).

Về số tham dự viên, vẫn khó ước tính số lượng người tham gia trong những ngày đầu tiên sau đại dịch này, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang tấn công nhiều khu vực trên thế giới và quá trình thế tục hóa gia tăng ở châu Âu. Sự kiện được tổ chức ở lục địa già, các nhà tổ chức có thể lấy ví dụ về Đại hội Giới trẻ Thế giới châu Âu cuối cùng ở Krakow vào năm 2016. Khi đó đã có 700.000 người đăng ký và gần 2,6 triệu người trong Thánh lễ bế mạc.

Ngày 04/10: Bắt đầu phiên họp chung của Thượng Hội đồng về Hiệp hành

Bắt đầu vào tháng 10/2021, Thượng Hội đồng về tương lai Giáo hội, về hình thức chưa từng có trước đây, diễn ra theo ba giai đoạn: cấp giáo phận, cấp lục địa và cuối cùng là cấp hoàn vũ. Giai đoạn cuối cùng này sẽ diễn ra tại Roma.

Các cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục ban đầu được dự kiến chỉ diễn ra vào tháng 10/2023, nhưng Đức Thánh Cha đã quyết định thêm phiên thứ hai vào tháng 10/2024, bởi vì theo ngài, tiến trình hiệp hành đang diễn ra đã có nhiều thành quả, nhưng cần thêm thời gian cho việc phân định.

Đức Thánh Cha cho biết ngài hy vọng quyết định này sẽ “giúp cho việc hiểu biết về tính hiệp hành như một yếu tố cấu thành của Giáo hội, và giúp mọi người sống như một hành trình của những anh chị em làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng”.

Ở giai đoạn hoàn vũ này, câu hỏi liệu các đề xuất từ cấp giáo phận và lục địa có được đưa ra bỏ phiếu hay không vẫn chưa được giải quyết. Thông thường, chỉ có các nghị phụ bỏ phiếu trong các cuộc họp này, nhưng thượng hội đồng này có thể đổi mới, khi sơ Nathalie Becquart được bổ nhiệm làm phó thư ký của thượng hội đồng vào năm 2021, có thể nữ tu này là phụ nữ đầu tiên có quyền tham gia bỏ phiếu.

Trong năm 2023 có thể sẽ có công nghị tấn phong Hồng y

Trong năm 2023, 11 hồng y cử tri, trong đó có 5 vị người Ý sẽ đến tuổi 80 và do đó sẽ mất quyền tham gia mật nghị. Việc giảm từ 125 xuống còn 114 hồng y cử tri – không tính các trường hợp có thể qua đời hoặc bị loại khỏi Hồng y đoàn – có thể mở đường cho một công nghị, có khả năng vào mùa thu năm 2023.

Trong Giáo triều Roma, Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, tân Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương có thể được tấn phong hồng y. Trong số các Giáo hội địa phương, Đức Tổng Giám mục Charles Scicluna của Malta, hoặc Đức Tổng Giám mục Benjamin Ndiaye của Dakar, cũng nằm trong số dự đoán là những hồng y tương lai. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã có thói quen phá vỡ các dự đoán bằng cách đi tìm các vị hồng y mới, hồng y ở “vùng ngoại biên”. Về lý thuyết số hồng y cử tri được ấn định là 120 thành viên, nhưng trong lịch sử gần đây các giáo hoàng đã nhiều lần vượt quá ngưỡng này.

(WHĐ)

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI XẾP HÀNG KÍNH VIẾNG ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI?

Mọi người xếp hàng chờ vào Vương cung thánh đường Thánh Phêrô
để viếng di hài Đức Bênêđictô ngày 04. 01. 2023. (Ảnh: Hải An)

TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI XẾP HÀNG 
KÍNH VIẾNG ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI?
Jd Flynn

WHĐ (06.01.2023) Tại sao nhiều người đứng xếp hàng rất lâu, chỉ để được gần thi hài của Đức Bênêđictô XVI trong vài giây?

Trong những ngày này, gần 200.000 người đã đến kính viếng thi hài của Đức Bênêđictô trước khi Thánh lễ an táng của ngài sẽ được cử hành vào thứ Năm ngày 05. 01. 2023.

Di hài Đức Bênêđictô được đặt trong Vương cung thánh đường
Thánh Phêrô vào ngày 04. 01. 2023. (Ảnh: Hải An)

Đoàn người đến từ khắp nơi trên thế giới, với những tâm trạng mang tính cá nhân sâu sắc. Họ xếp hàng chờ đợi bên ngoài thành một hàng dài ngoằn ngoèo quanh Quảng trường Thánh Phêrô, trong hơn một tiếng đồng hồ; thủ tục bên trong Vương cung thánh đường diễn ra suôn sẻ nhờ sự điều tiết của những người hướng dẫn, Vệ binh Thụy Sĩ, và thành viên của một số cơ quan cảnh sát Ý.

Mọi người xếp hàng chờ vào Vương cung thánh đường Thánh Phêrô
để viếng di hài Đức Bênêđictô ngày 04. 01. 2023. (Ảnh: Hải An)

Các hồng y, các nhà lãnh đạo thế giới và các chức sắc khác được mời quỳ xuống và cầu nguyện trong một khu vực xung quanh thi hài của Đức Bênêđictô. Trong khi đó, đoàn người kính viếng thì chỉ có thể nhìn thoáng qua di hài của Cố giáo hoàng trong vài giây, vì vẫn phải tiếp tục di chuyển về phía lối ra của thánh đường.

Mọi người kính viếng di hài Đức Bênêđictô
ngày 04. 01. 2023. (Ảnh: Hải An)

Tại sao người ta lại xếp hàng lâu như vậy, để được gần thi hài và nhìn thấy Đức Bênêđictô chỉ trong vài giây?
 
Sau đây là một số lý do giữa muôn vàn lý do, từ một số người trong số hàng chục ngàn người, cũng đủ cho thấy tình yêu, sự ngưỡng mộ mà mọi người muốn dành cho Đức Bênêđictô.

Sơ Concilia Odea,
Dòng Sisters of Jesus the Good Shepherd,
Nigeria, Sinh viên thần học,
Đại học Giáo hoàng Urbaniana

Đức Bênêđíctô là một nhà thần học vĩ đại của thời đại chúng ta, và đối với tôi, ngài là một vị Thánh.

Lắng nghe những buổi tiếp kiến, và đọc một số tác phẩm của ngài, tôi có thể thấy rằng ngài có tình yêu dành cho Thiên Chúa, và ngài thực sự làm việc cho Thiên Chúa. Bạn có thể tưởng tượng câu nói cuối cùng của ngài là ‘Lạy Chúa, con yêu Chúa’.

Tóm tắt các điều răn là mến Chúa, yêu người lân cận và yêu chính mình.

Đối với Đức Bênêđictô, việc nói về Chúa Giêsu cũng giống như thực hiện sứ mạng của Chúa Kitô là chúng ta phải nói về Thiên Chúa cho đến tận cùng thế giới. Và Đức Bênêđictô là một nhà truyền giáo, ngài đã rao giảng cho cả thế giới, và ngài đã làm điều đó rất tốt. Vì vậy, đối với tôi, Đức Bênêđictô đang ở bên Thiên Chúa, với vương miện như là nhà truyền giáo vĩ đại của thời đại chúng ta.

Tại đất nước của tôi, bạo lực xảy ra ở phía bắc, đông, nam và tây Nigeria, chúng tôi cầu nguyện rằng nhờ sự cầu bầu của Đức Bênêđictô, Thiên Chúa sẽ mang lại sự chữa lành cho Nigeria. Chúng tôi có thể có hòa bình, bởi vì tất cả chúng ta đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Linh mục Bose Philip Mannaparambil,
45 tuổi, dòng Carmelites of Mary Immaculate,
Ấn Độ. Sinh viên giáo luật,
Học Viện Giáo Hoàng Đông Phương

Tôi yêu mến Đức Bênêđictô. Tôi yêu thích những lời dạy của ngài. Tôi đánh giá cao phương pháp sư phạm, cách giảng dạy của ngài.

Tôi là một người Công giáo Syro-Malabar. Đức Bênêđictô rất thân thiết với Giáo hội Syro-Malabar. Gần đây, toàn thể Giáo hội đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực sứ vụ và truyền giáo, và chúng tôi được phép có nhiều giáo phận ở nước ngoài. Chúng tôi nghĩ rằng tất cả những tiến bộ này đều do Giáo hoàng Bênêđictô khởi xướng. Tại Hoa Kỳ, và tại Vương quốc Anh, chúng tôi đã được thành lập vào thời của Đức Bênêđictô.

Hôm nay, tôi không cầu nguyện cho ngài, trái lại, tôi thực sự đang tìm kiếm sự cầu bầu của ngài. Với tôi, ngài đã là một vị Thánh.

Allen Torz, 22 tuổi, Romania

Tôi là một bồi bàn, và một người phục vụ quầy rượu tại một nhà hàng ngay bên cạnh Vatican. Vì vậy, tôi đã có cơ hội đến để chứng kiến sự kiện đặc biệt mà không phải ai cũng có cơ hội. Tôi đã cầu nguyện khi đứng trước thi hài Đức Bênêđictô, và là cầu nguyện cho tôi. Ngoài ra, đây cũng là một kinh nghiệm về văn hóa, một kinh nghiệm sống, và là một trải nghiệm đẹp và thú vị.

Vladimir và Marina Kalishnikov, Na Uy

Vladimir: Chúng tôi đến đây để gặp Đức Bênêđictô bởi vì đây là trung tâm của Kitô giáo. Chúng tôi đã xếp hàng chờ đợi trong một thời gian dài, nhưng không có vấn đề gì.

Marina: Nơi đây rất đẹp, và đang là dịp lễ Giáng sinh, vì vậy chúng tôi muốn đến đây để cầu nguyện.

Nisha Aryal (trái), 25, Texas, Hoa Kỳ

Chúng tôi đến Roma và một vài địa điểm khác ở châu Âu đây để nghỉ hè, và chúng tôi muốn đến thăm Vatican. Chúng tôi đã có vé cho ngày mai, nhưng nó đã bị hủy vì đám tang. Vì vậy, chúng tôi quyết định đến đây ngày hôm nay. Chúng tôi đợi khoảng 45 phút, không phải là điều gì tệ.

Tôi đang chiêm ngưỡng thánh đường, và thành thật mà nói, tôi không biết rằng chúng tôi sẽ có thể gặp Đức Bênêđictô, cho đến khi đi lên tới nơi. Tôi không theo đạo Công giáo, mà theo Thuyết bất khả tri. Nhưng ở đây chắc chắn khiến tôi cảm thấy được kết nối với nước Ý và nhìn thấy những người thực sự quan tâm đến điều này, và có cả những người đang khóc, chắc chắn đây là biến cố thật đặc biệt đối với họ.

Linh mục Jailos Augustine Mpina,
Montfort Missionaries, Malawi,
Giám đốc Truyền thông,
Montfort Missionaries

Tôi đến từ Malawi, nhưng tôi đang làm việc ở Roma tại trung tâm điều hành của dòng chúng tôi. Tôi xếp hàng chờ gặp Đức Bênêđictô, rất đông người nhưng cũng rất nhanh tới lượt.

Tôi chịu chức linh mục vào ngày 10. 5. 2014. Đức Bênêđictô đã có ảnh hưởng lớn đối với tôi, vì khi đang nghiên cứu triết học và thần học ở Nairobi, tôi đã tìm thấy những cuốn sách của Đức hồng y Joseph Ratzinger. Thật thú vị khi nhìn thấy ngài và những cuốn sách mà ngài đã viết, tôi thích đọc những cuốn sách ấy trước hết, bởi vì những gì tôi có thể nhìn thấy chúng nơi con người của ngài.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, Đức Bênêđictô là bậc thầy dạy giáo lý. Dựa trên các bản văn thần học của ngài, chúng ta có thể thấy rằng ngài có lòng sùng kính Đức Mẹ - tuy không sôi nổi như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng ngài có mối liên hệ rất sâu sắc với Đức Mẹ trong các tác phẩm của mình.

Riêng tôi, được vào Vương cung Thánh đường và gặp Đức Bênêđictô, tôi rất xúc động. Khi tôi đứng trong hàng, tôi cố gắng kiên trì. Và tôi tự nói với mình rằng tôi sẽ vui vẻ tiến bước. Khi đứng ở đầu hàng, tôi muốn dừng lại một chút, nhưng vì có quá nhiều người muốn gặp ngài nên chúng tôi tiếp tục di chuyển.

Tuy nhiên, thật cảm động khi nhìn thấy thi hài của ngài nằm ở đó. Đó là một lời nhắc nhở tôi rằng, chúng ta cần phải làm điều gì đó cho Thiên Chúa khi chúng ta còn trẻ, bởi vì cuộc sống rất mong manh. Bạn thấy đấy, Đức Bênêđictô là một người rất mạnh mẽ, một bộ óc phi thường, nhưng ngài đang nằm đó, và ngày mai chúng ta sẽ chôn cất ngài. Phận người thật rất mong manh.

Paolo Macche (thứ hai từ trái sang),
23 tuổi, Milan, chủng sinh

Chúng tôi đến để từ biệt một nhân vật vĩ đại của Giáo hội chúng ta. Đức Bênêđictô là một thần học gia vĩ đại, và là một mục tử đích thực - một người cha. Tôi đến để nhìn thấy ngài và ngài đã làm phong phú đức tin của chúng tôi.

Ngài đã cho thấy sự kiên trì trong việc loan báo Tin Mừng, không dễ dàng bỏ cuộc, nhưng luôn nhắm hướng sự thật để tiến tới, ngay cả trong một thế giới đang đi theo một hướng khác.

Schola, 20 tuổi, Hàn Quốc, Sinh viên
Tôi là người Công giáo và tôi đang đi du lịch. Khi biết Đức Bênêđictô vừa qua đời, tôi muốn gặp ngài ngay lập tức. Trong Vương cung Thánh đường, tôi đã thầm thĩ: “Tạm biệt. Tạm biệt Cha”.

Linh mục Martin Benzone,
Đan viện St. Michael’s Norbertine,
Silverado, California, Hoa Kỳ

Tôi là giám đốc trụ sở của chúng tôi ở Roma, trụ sở dành cho các linh mục đang học ở Roma.

Hôm nay tôi cần phải ở đây. Tôi đang lần chuỗi Mân Côi khi bước vào và cầu xin Chúa ban cho Đức Bênêđictô được yên nghỉ và hưởng ánh sáng ngàn thu, như tôi vẫn cầu nguyện bình thường cho một người đã qua đời.

Tôi chịu chức linh mục dưới thời Đức Gioan Phaolô II, và tôi đã có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày Đức Bênêđictô được bầu chọn. Với Đức Bênêđictô, lần đầu tiên tôi cảm nghiệm được ngài là tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Cologne, năm 2005. Tôi đã ấn tượng bởi khả năng giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và theo cách rất thu hút của ngài.

Đức Bênêđictô là giáo hoàng vào thời điểm mà Giáo hội đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của Công đồng Vatican II, và ngài đã có một cái nhìn sâu sắc tuyệt vời, bởi vì ngài là một phần của Công đồng. Do đó, ngài đã giúp chúng ta đánh giá cao ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội trong thế giới hiện đại. Ngài tiếp tục giúp chúng ta làm điều đó.

Gia đình anh Luca Marcacculi, Perugia

Hôm nay tôi đến cùng gia đình: với vợ tôi, Stefania, với 4 đứa con ở đây: 2 trai và 2 gái; cháu gái lớn 9 tuổi, cháu gái bé nhất được 5 tháng, và với 1 đứa con nữa ở trên thiên đàng.

Bởi vì là một gia đình đông người, chúng tôi không phải xếp hàng, nên thời gian chờ đợi chưa đầy một tiếng đồng hồ.

Thật ra, chúng tôi đến đây để nghỉ lễ, nhưng hôm nay chúng tôi muốn mang theo bọn trẻ. Đây là lần đầu tiên bọn trẻ đến thăm Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và tôi muốn giải thích cho chúng biết nơi này là trung tâm của Công giáo, và vị giáo hoàng rất quan trọng đối với tôi.

Tôi đã cố gắng giải thích cho bọn trẻ một chút về cuộc đời và tư tưởng của giáo hoàng, nhưng cũng để cho chúng nhìn thấy chính Vương cung thánh đường, và nhìn thấy sức sống và lịch sử của nơi này.

Đức Bênêđictô rất quan trọng đối với tôi vì ngài là một nhà tư tưởng rất sâu sắc, và tôi thực sự thích Đức Bênêđictô vì ngài thể hiện sự thật, trình bày về những giá trị bất khả thương lượng, theo cách tạo nên bức tường chống lại rất nhiều suy nghĩ đương đại… thật cần thiết khi Giáo hội có vị giáo hoàng khôn ngoan, thánh thiện như ngài.

Chúng tôi nuôi dạy con cái trong một cộng đoàn Công giáo, đối với chúng tôi, việc giáo dục con cái là rất quan trọng. Tôi muốn cho bọn trẻ có dịp xem thánh đường này, và tôi hy vọng việc được gặp Đức Bênêđictô cũng sẽ có ý nghĩa gì đó đối với chúng.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
(WHĐ)