Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hoá. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hoá. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

MỪNG SINH NHẬT

TGPSG / HenriNouwen -- Cần phải mừng sinh nhật. Tôi nghĩ việc mừng sinh nhật thì quan trọng hơn cả việc mừng thi đậu, mừng được thăng chức hay mừng chiến thắng. Vì mừng sinh nhật của ai có nghĩa là nói với họ rằng: “Cảm ơn bạn vì bạn đã có mặt trên cuộc đời này”. Mừng sinh nhật là tán tụng sự sống và vui mừng vì có sự sống. Khi mừng sinh nhật của ai đó, ta không nói “cảm ơn vì những gì bạn đã làm, đã nói, hay đã hoàn thành”, nhưng nói “cảm ơn bạn vì đã chào đời và ở giữa chúng tôi”.

Khi mừng sinh nhật ai đó, chúng ta mừng giây phút hiện tại của họ. Chúng ta không phàn nàn vì những điều đã xảy ra, hoặc suy đoán về những điều sẽ xảy đến với họ, nhưng “nhấc bổng” họ lên và nói với họ: “Chúng tôi yêu mến bạn”.

Tôi biết một người bạn vào ngày sinh nhật được bạn bè khiêng vào trong nhà tắm, ném vào bồn tắm. Mọi người, kể cả hắn, đều mong một ngày sinh nhật như thế. Tôi không bàn về truyền thống này đến từ đâu, nhưng nâng một người lên và để cho họ được “rửa tội lại” xem ra là một cách tốt nhất để mừng cuộc sống. Chúng ta biết rằng dù chúng ta đi trên mặt đất, nhưng chúng ta được tạo dựng để đi vào cõi thiên đàng, và dù chúng ta có trở nên nhơ bẩn, chúng ta cũng luôn được tẩy rửa sạch sẽ trở lại để cuộc sống chúng ta lại có một khởi sự mới.

Việc mừng sinh nhật nhắc nhở chúng ta về điều tốt đẹp của cuộc sống. Trong tinh thần này, chúng ta thực sự cần phải mừng sinh nhật của người khác mỗi ngày, bằng cách bày tỏ lòng biết ơn, tử tế, tha thứ, dịu dàng, mến thương… Và như thế có nghĩa là ta nói với họ: “Thật là tốt khi bạn vẫn còn sống; thật là tốt khi bạn vẫn còn bước đi với tôi trên mặt đất này! Thật là vui mừng! Đây chính là ngày mà Chúa đã dựng nên để chúng ta hiện hữu và hiện hữu với nhau.”

Biên Tú (TGPSG)
chuyển ngữ từ The Heart of Nouwen (p. 122-123) 
(WGPSG)

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

5 ĐIỀU MỖI GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO CẦN BIẾT

5 ĐIỀU MỖI GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO CẦN BIẾT

Jonathan Doyle

WGPVL (19.11.2022) - Những sự đánh giá, các cuộc hội họp, những thời hạn kết thúc (deadline) và sự tù túng có thể nhanh chóng kết hợp với nhau để khiến bạn tự hỏi tại sao bạn lại quay cuồng với công việc trong cái vòng lẩn quẩn như thế! Khi gặp phải tình trạng đó hằng ngày, dưới đây là năm ý tưởng đơn giản giúp bạn tiếp tục công việc giảng dạy của mình.

1. Ơn gọi (vocare)

Bạn không chọn việc giảng dạy mà công việc này chọn bạn. Hay đúng hơn, Thiên Chúa đã biết từ muôn thuở rằng bạn sẽ có những kỹ năng, tài năng và niềm đam mê nhất định để phục vụ những người trẻ tuổi và thế giới. Ý tưởng về ơn gọi thường có thể là một câu thần chú đã lỗi thời trong nền giáo dục Công giáo, vì vậy chúng ta cần tạo lập lại mối liên kết với ý tưởng này. Ơn gọi (vocation) bắt nguồn từ tiếng Latinh, vocare, có nghĩa là “rút khỏi” hoặc “rút ra”. Nó giống như ý tưởng về một cái xô được thả xuống để lấy nước từ một cái giếng sâu mát lạnh. Ơn gọi của bạn rút ra từ bạn những kỹ năng và tài năng mà Thiên Chúa muốn bạn sử dụng. Nó cũng cho phép bạn “rút ra” những điều tốt đẹp và khả năng bên trong những học sinh của mình. Khi cảm thấy mệt mỏi và tan vỡ, bạn hãy nhớ rằng có điều gì đó to lớn hơn đang diễn ra. Ơn gọi của bạn là một phần không thể thiếu trong cách thức để Thiên Chúa cứu chuộc thế giới. Một sự giao thoa cùng lúc giữa kết hoạch sư phạm và khuôn viên học đường.

2. Sự sai đi của Thiên Chúa (Missio Dei)

Bạn đã được chọn để được sai đi. Ơn gọi (vocare) của bạn dẫn đến một thuật ngữ Latinh khác gọi là Missio Dei, được dịch là “sự sai đi của Thiên Chúa”. Thiên Chúa đã trao ban cho bạn những tài năng, khả năng đặc biệt và cả niềm mong ước được chăm sóc cho những người trẻ vì Người muốn sai bạn đến với họ như một nhà truyền giáo (missionary). Với tư cách là một nhà truyền giáo, bạn đang được sai đi vào chính trung tâm đời sống của những người trẻ vào một thời điểm mang tính đào tạo rất lớn trong hành trình của họ. Bạn mang đến cho họ những tin tức tốt đẹp về việc họ là ai, họ từ đâu đến và họ đang hướng về đâu. Bạn là một phần trong một kế hoạch lớn lao hơn nữa.

3. Phẩm giá con người

Đề tài tranh luận gay gắt vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI diễn ra xung quanh ý nghĩa và phẩm giá của con người. Trong các cuộc hội thảo dành cho nhân viên của mình, tôi đã nói về thực tế là 10 triệu người đã chết trong cuộc diệt chủng người Do Thái (Holocaust) vì một quan niệm tàn ác về việc ai mới là con người và không là con người. Thông điệp lớn lao của Công giáo cho thiên niên kỷ mới là mỗi con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Ý nghĩa, giá trị và phẩm giá của con người bắt nguồn từ chân lý đó và từ sự thật rằng Đức Kitô đã nâng cao bản chất con người của chúng ta bằng cách đón nhận thân phận con người và chết cho chúng ta. Trọng tâm sứ mạng của bạn là lời kêu gọi nhìn thấy con người của Đức Kitô nơi mỗi học sinh và mỗi đồng nghiệp tại nơi làm việc của bạn. Hãy nghĩ về học sinh hoặc đồng nghiệp mà bạn ít quý mến nhất. Đức Kitô đã chết cho họ. Thiên Chúa muốn họ được sống. Việc giảng dạy của bạn sẽ hiệu quả khi bạn có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, cách riêng là trong mỗi học sinh.

4. Chăm sóc bản thân

Hãy chăm chút cho mình! Hãy chú tâm dành thời gian để phục hồi, lấy lại cân bằng, tận dụng thời gian rãnh rỗi, sự thảnh thơi và việc chăm sóc bản thân. Đừng kiểm tra email vào ban đêm. Hãy tắt thiết bị điện. Dạy học là công việc mệt mỏi, đòi hỏi khắt khe và đầy thử thách nhất trong cuộc sống và hầu hết các giáo viên đều ít chú trọng đến việc tự chăm sóc bản thân. Đừng rời khỏi bàn làm việc mà không lên kế hoạch nghiêm túc cho một vài biện pháp, thói quen, sở thích, những môn thể thao hoặc trò tiêu khiển, những điều thường có thể giúp phục hồi tâm hồn của bạn. Hãy thực hiện điều đó cho chính mình. Hãy làm điều đó cho chính gia đình của bạn, cho những người phải sống chung với bạn, và hãy làm điều đó cho các học sinh và nhân viên đang túc trực trong văn phòng với bạn khi bạn cảm thấy kiệt sức.

5. Trường học và Giáo Hội

Nền giáo dục Công giáo không tồn tại bên ngoài Giáo Hội. Cho dù bạn có ở đâu trong mối tương quan với Giáo Hội đi nữa, thì bạn cũng cần phải nhận thức về điều này. Giáo Hội, ít nhất là phần về phía con người đối lại với thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô mà chúng ta còn gọi là Giáo Hội, vốn không hoàn hảo. Bất cứ điều gì mang yếu tố con người trong đó thì sẽ không bao giờ có được sự hoàn hảo. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy trưởng thành và thôi trông mong sự hoàn hảo từ phía con người. Điều đó cho thấy rằng, khả năng để bạn thực sự trở thành giáo viên như ý Thiên Chúa muốn sẽ phụ thuộc vào việc bạn rút ra được từ những nguồn sâu xa bên ngoài bản thân bạn. Sự thinh lặng, cầu nguyện và Thánh lễ hoàn toàn là trung tâm của sự nghiệp giáo dục Công giáo. Thế nhưng, nhiều trường học Công giáo thậm chí không còn tổ chức Thánh lễ âm thầm cho nhân viên một ngày mỗi tuần. Điều này phải thay đổi. Hãy lội ngược dòng. Đừng chờ đợi những người khác thay đổi xung quanh bạn. Hãy thinh lặng, hãy đến với những khoảnh khắc của âm thầm cầu nguyện và khẩn thiết tìm kiếm nguồn nuôi dưỡng siêu nhiên của Thiên Chúa cho ơn gọi của bạn qua Bí tích Thánh Thể. Chúng ta là người Công giáo và Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc và tột đỉnh của đức tin chúng ta.

Bạn không chọn việc giảng dạy mà công việc này chọn bạn. Hãy cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho sứ vụ đặc biệt của bạn từ đây về sau.

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
(WHĐ)

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2022


ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2022

Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 16 đang diễn ra với chủ đề “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ”. Nét đặc trưng mà sự kiện trọng đại này muốn nhắm tới, đó là tính “Hiệp Hành” trong Giáo Hội, được mô tả qua ý nghĩa thật vắn tắt của từ ngữ: cùng nhau bước đi.

Khi liên kết một chút kinh nghiệm mục vụ về giáo dục với tập sách “Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính Hiệp hành”, tôi cảm nhận được rằng Giáo dục Kitô giáo, một tinh thần giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi, “nhằm giúp con người biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý…, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 2), cũng luôn phải là một nền giáo dục mang đậm tính hiệp hành.

Thật vậy, nếu gọi việc giáo dục là một tiến trình làm phong phú con người, thì trên con đường ấy, cho dù mỗi người một vai trò, cả thầy lẫn trò phải cùng nhau bước đi như những người bạn đồng hành. Thiếu vắng sự đồng hành ấy, công trình giáo dục sẽ không đưa đến một kết quả như chính tên gọi của nó.

Nhân dịp ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp đến, cùng với lời chào chúc thân tình đến quý ân sư và quý thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một vài suy nghĩ của mình.

1. Mục tiêu của giáo dục Kitô giáo

Sống trong cuộc đời này, ai cũng có những mơ ước. Có thể khẳng định rằng: Giáo dục chính là chiếc chìa khóa mở cửa cho tất cả những ước mơ ấy. Thật vậy, không ai phủ nhận được vai trò và hiệu quả của giáo dục trong đời sống con người, bởi lẽ nhờ giáo dục, cuộc sống con người sẽ được trưởng thành và thăng tiến về mọi mặt.

Theo đó, việc giáo dục của Giáo Hội không chỉ nhằm mục đích “phát triển sự trưởng thành của con người… mà còn đặc biệt hướng đến việc đảm bảo rằng những người đã chịu phép rửa trở nên biết trân quí hơn món quà đức tin mà họ đã lãnh nhận” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 2).

Tiến trình này cũng đã được Thánh Phaolô định hướng trong lời nhắn nhủ với người anh em đồng môn Timôthêô rằng “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 3, 14-15). Lời nhắn nhủ ấy hàm chứa mục tiêu lớn nhất và sau cùng của giáo dục Kitô giáo, đó là để chúng ta được ơn cứu độ.

Hướng về mục tiêu này, chúng ta không thể nào xem nhẹ vai trò của một giáo chức Kitô giáo, vốn được Thánh Phaolô suy tư và nhìn nhận như một ơn gọi đến từ Thiên Chúa, bởi chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, Dân Thánh Chúa được kiện toàn, cho đến khi tất cả đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Ep 4, 11-13). Vậy, làm thế nào để chúng ta thi hành sứ mệnh này đúng với tinh thần mà Thánh Phaolô đã nói ở trên?

2. Những thực hành cụ thể

Sẽ luôn là hữu ích khi lặp lại vai trò của giáo chức Công giáo trong công việc hàng ngày của mình. Đó là, chúng ta không được phép dừng lại trong phạm vi kiến thức thuần túy, mà còn phải hướng các bạn trẻ về một cuộc sống hướng thiện với đầy đủ các mối liên hệ: với chính mình, với tha nhân, với môi trường và trên hết là với Thiên Chúa.

Trong viễn cảnh đó, cũng sẽ không là phóng đại hay đề cao chủ nghĩa duy tâm khi nói rằng: quý thầy cô nên đặt Thiên Chúa lên trên hết trong việc giáo dục, bởi lẽ Người là Chân - Thiện - Mỹ. Những khái niệm này càng được gieo trồng, đón nhận và triển nở, thì đời sống con người càng trở nên phong phú và hạnh phúc. Tổ phụ Môisen coi đó là nguyên do để người ta gọi anh em là một dân tộc khôn ngoan và thông minh (x. Đnl, 4,8).

Tuy nhiên, để có được những kinh nghiệm đức tin phong phú, nhằm trợ lực cho sứ mạng của mình, chúng ta không nên bằng lòng với việc giáo dục đức tin ở giai đoạn sơ cấp nơi các lớp giáo lý mà chúng ta đã từng học, nhưng phải quan tâm hơn đến việc học hỏi thêm về kiến thức giáo lý, nâng cao những xác tín đức tin của mình.

Trong ý hướng đó, tôi muốn chia sẻ thật vắn tắt về chủ đề “Dân tộc của Thiên Chúa”. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ người ta cách riêng rẽ từng người một, không liên kết với nhau, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một Dân, là Dân nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài cách thánh thiện” (số 781).

Đoàn Dân ấy được khởi sự từ trong Cựu ước qua các tổ phụ và được kiện toàn trong Tân ước bởi Chúa Giêsu, là chính Giáo Hội của Người. Chính vì thế, dân tộc này sẽ mang những đặc tính khác với bất kỳ một dân tộc hay một quốc gia nào khác. Dựa trên những câu chuyện trong Phúc âm, chúng ta có thể nhìn thấy ba đặc tính cơ bản:
  • Dân tộc của Thiên Chúa là một dân tộc trần thế. Vì mang yếu tố trần thế, nên cũng bao hàm yếu tố hữu hình, không hoàn hảo. Điều này được thể hiện trong câu chuyện ngụ ngôn về cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30). Ý thức điều đó để ta biết sống khiêm nhường, bao dung và yêu thương nhau hơn.
  • Dân tộc của Thiên Chúa là một dân tộc tâm linh mà trong đó con người được kêu gọi bước vào qua việc tự nguyện cam kết sống theo những đòi hỏi của Phúc âm. Đặc trưng cho việc cam kết này là sống theo các Mối Phúc (x. Mt, 5, 3-12). Khắc ghi điều này để ta bám vào Lời Chúa vốn được coi là ngọn đèn chiếu soi cuộc sống chúng ta hôm nay và ngày mai vĩnh cửu.
  • Dân tộc của Thiên Chúa chỉ được thành toàn trong tương lai, bởi sự can thiệp cứu tinh của Thiên Chúa. Điều này được diễn tả qua một loạt những câu chuyện trong Phúc âm Matthêô chương 25: Dụ ngôn mười trinh nữ; Dụ ngôn những yến bạc; Cuộc Phán Xét chung.
  • Các chủ đề trên hướng chúng ta về Chúa Giêsu, Ngài là chủ và là trung tâm Dân tộc của Thiên Chúa qua những mặc khải của Ngài. Trung tâm quan trọng của Dân Thiên Chúa là Con người của Chúa Giêsu. Trở thành một thành viên của dân tộc này phải đoán trước sự thất bại và sự bách hại, giống như Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu tạo ra Dân tộc của Thiên Chúa cách quyết định trong Bữa ăn tối cuối cùng (x. Mc, 14, 22-25). Luôn nhớ như vậy để chúng ta trung thành với đức tin, mà biểu lộ của đức tin chính là đời sống đạo hàng ngày của mình.
Từ Dân Thiên Chúa, chúng ta học hiểu về Thiên Chúa qua Con của Ngài là Chúa Giêsu trong những lá thư tới.

3. Ước mong của người đồng hành

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay xoay quanh chủ đề: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8 ). Tôi muốn mượn lại câu Kinh Thánh này để chia sẻ đến quý thầy cô ước mong của mình. Dù biết rằng luôn có những khó khăn trước mắt, nhưng Chúa Phục Sinh vẫn tin tưởng trao cho các môn đệ một lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

Vậy, hôm nay, dù có những hạn chế nhất định, quý thầy cô hãy luôn là những nhân chứng cho Chúa Giêsu và Phúc âm của Người. Chúng ta không có những tiết học về Chúa, nhưng lại có rất nhiều cơ hội để làm chứng về Người. Chúng ta không có những hoạt động mang màu sắc đức tin, nhưng lại có rất nhiều thời gian sống và biểu lộ đức tin của mình. Tôi tin rằng đó mới là những bài học sống động và giá trị nhất mà chúng ta truyền lại cho các thế hệ kế tiếp, đó mới là một nét hiệp hành sinh động mà Giáo Hội của chúng ta đang hướng tới.

Phần các con học sinh, trong những ngày này, có lẽ các con đang tìm mọi cách để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với quý thầy cô. Điều này là chính đáng và phải đạo, vì nó cho thấy cả một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cùng với những bó hoa, những lời chúc tốt đẹp, các con hãy biểu lộ lòng biết ơn của mình qua việc trân trọng những điều hay lẽ phải mà thầy cô đã truyền đạt, ghi nhớ những bài học đức tin mà thầy cô đã chia sẻ. Tác giả Thánh vịnh 50 đã viết về một tình trạng tiêu cực: “chính ngươi lại ghét điều sửa dạy, lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng” (Tv 50, 17). Ước mong cho những lời ấy không trở thành một thực tế đáng buồn cho cuộc sống chúng ta.

Quý Thầy Cô thân mến,

Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo có nhắc đến vai trò giáo dục: “… Cha mẹ…. gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho tất cả các cộng đồng…- Nhiệm vụ giáo dục trước tiên thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội…- Sau cùng, Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục với một lý do đặc biệt, …vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường cứu rỗi,…” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 3).

Qua những lời trên, thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi vui mừng gửi lời chúc mừng đến tất cả quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Nhà Giáo Việt Nam 2022 vui tươi và hạnh phúc trong sứ mạng giáo dục. Chúc quý thầy cô luôn là những người thầy cô tốt cho các học sinh thân yêu của mình.

Thân ái trong Chúa Kitô.

Vĩnh Long, ngày 16 tháng 11 năm 2022.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

(WHĐ)

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

TỪ NGỮ CÔNG GIÁO TRONG MỘT SỐ TỤC NGỮ, CA DAO TIẾNG VIỆT


TỪ NGỮ CÔNG GIÁO 
TRONG MỘT SỐ TỤC NGỮ, CA DAO TIẾNG VIỆT

Linh mục Giuse Vũ Văn Khương

Tóm tắt: Đối với người Công giáo, Đạo không phải một cái gì cao siêu vượt lên sinh hoạt đời thường, nhưng đi vào trong sinh hoạt đời thường, làm cho đời thường bớt dần tính “thường” hơn. Chính vì thế, cho dù khi du nhập, Việt Nam đã thấm nhiễm các yếu tố Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo, thì Công giáo vẫn ghi lại những dấu ấn riêng của mình góp phần làm cho văn hóa nước ta thêm phong phú. Các từ ngữ Công giáo trong một số tục ngữ ca dao có mặt trong nhiều lãnh vực đời sống mà bài nghiên cứu là một phần khẳng định cho nhận định đó.

1. Đặt vấn đề

Tiến sĩ Nguyễn Huy Thông viết: “Cả một kho tàng ca dao, tục ngữ Công giáo cũng đã được lưu hành để phản ánh về phong tục, tập quán của cộng đoàn này.” [8]. Đây là một nhận định có phần “rộng rãi” vì các đơn vị có thể được gọi là ca dao, tục ngữ Công giáo tại nước ta có số lượng tương đối hạn chế. Tuy nhiên, phát biểu của nhà nghiên cứu uy tín về Công giáo tại Việt Nam này đã cung cấp một sự nhìn nhận chính thức mang tính học thuật cho sự hiện diện những “ca dao, tục ngữ Công giáo” trong kho tàng văn học dân gian Việt. Bài viết của chúng tôi lựa chọn những ca dao, tục ngữ chứa những từ ngữ được dễ dàng nhận biết có nguồn gốc Công giáo để nghiên cứu.

2. Các ca dao tục ngữ về lao động sản xuất

Bên cạnh những câu ca dao, tục ngữ nói về lao động sản xuất rất phổ thông như:

Tháng chạp là tháng trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà....

Thì cũng có những câu mang đặc trưng Công giáo mà người đọc dễ dàng nhận ra. Chẳng hạn nói về thời hạn mùa vụ trồng bí của bà con:

Lễ Rosa thì tra hạt bí
Lễ Các thánh thì đánh bí ra.

Theo kinh nghiệm của người nông dân vùng Công giáo, cứ lễ Rôsa thì tra hạt ươm giống, lễ Các Thánh thì đánh cây giống xuống ruộng thì hợp với thời tiết và mùa vụ của giống cây trồng này.

Hay nói về thời gian mùa vụ cấy lúa vụ chiêm đông xuân, thì có:

Lễ Các Thánh gánh mạ đi gieo
Lễ Sinh Nhật giật mạ đi cấy…

Trong các câu ca dao – tục ngữ về lao động sản xuất này, chúng ta nhận thấy có các từ ngữ vốn là các biệt ngữ Công giáo như: lễ Rôsa (vào ngày 07 tháng 10 dương lịch), lễ Các Thánh (vào ngày 01 tháng 11 dương lịch), lễ Sinh Nhật (còn gọi là lễ Giáng Sinh hay lễ Noel tổ chức vào ngày 25 tháng 12 dương lịch). Đây là tên gọi các ngày lễ Công giáo đã vượt qua ranh giới của ngôn ngữ phụng vụ (ngôn ngữ tôn giáo), đi vào trong ngôn ngữ sinh hoạt đời thường ở một mức độ “phi biệt ngữ hóa” khá cao là ca dao – tục ngữ.

3. Các câu ca dao – tục ngữ về tình yêu, hôn nhân, gia đình

Cũng như lãnh vực về thời tiết và lao động sản xuất, mảng về tình yêu hôn nhân gia đình là một mảng khá phong phú về số lượng sáng tác trong kho tàng ca dao – tục ngữ Việt Nam.

Khảo sát mảng ca dao tục ngữ này, chúng tôi xác định được một số đơn vị từ ngữ Công giáo, ví dụ:

Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau

Nội dung câu ca dao: Nhắc nhở các đôi nam nữ giữ lòng trinh tiết, là luật bắt buộc đối với những ai chưa bước vào đời sống hôn nhân.

Amen, lạy Đức Chúa Trời
Xin cho bên Đạo, bên Đời lấy nhau.

Nội dung câu ca dao: lời cầu xin hàm chứa tinh thần phản kháng trước truyền thống của Giáo hội Công giáo về việc hạn chế kết hôn giữa người có đạo và người không có đạo.

Em lạy Đức Chúa Ba Ngôi
Em lấy được vợ em thôi nhà thờ.

Nội dung câu ca dao: Câu ca dao vui có ý nhắc nhở các chàng trai ngoài Công giáo chỉ theo đạo với mục đích cưới vợ.

Giải thích các từ ngữ Công giáo:

Amen (, Amen, Amen, Amen)[1]: Từ gốc Hipri với nghĩa đúng thật như vậy, ước gì được như vậy. Vì thế, Amen có thể được dùng để diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa, sự chân thật, vững vàng trong các lời hứa của Ngài và lòng trông cậy của con người đối với Ngài (3: số 1062).

Trong Cựu Ước, đặc biệt trong sách tiên tri Isaia có kiểu nói “Thiên Chúa của Amen”, nghĩa là Thiên Chúa Chân Thật (x. Is 65,16). Amen còn biểu lộ sự đồng tình với một lời nói (x. Gr 28,6), chấp nhận một sứ mệnh (x. Gr 11,5), thừa nhận một cam kết (x. Ds 5,22) và kết thúc một lời nguyện hay một lời tôn vinh Thiên Chúa (x. Tv 41,14).

Trong Tân Ước, Amen được Chúa Giêsu dùng như là công thức mạc khải, nhấn mạnh những gì Người nói là chính Lời của Thiên Chúa (x. Mt 6,2). Amen được sách Khải Huyền dùng như tước hiệu của Chúa Giêsu: “Người là Amen của Thiên Chúa vì Người thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa” (Kh 3,14). Trong Phụng vụ, Amen được cộng đoàn sử dụng như công thức để hiệp thông với chủ tế, tin nhận và tôn vinh Thiên Chúa (3: số 1345).

Đạo (宗 敎, Religio, Religion, Religion): Tôn giáo. Thường dùng trống có nghĩa là đạo Thiên Chúa (Công giáo): Theo đạo (theo Công giáo), Người có đạo (người Công giáo), Nhà thờ đạo (nhà thờ Công giáo), Bỏ đạo (bỏ Công giáo). [6:388].

Đời (Monde laique): Bên ngoại hay bên ngoài (đối với bên đạo, tức Công giáo): Cô ấy đã trở về đời. [6:447]

Đức Chúa Trời (天 主, Deus, God, Dieu): Từ do linh mục Alexandre de Rhodes (còn gọi là cha Đắc Lộ) đặt trong tiếng Việt để gọi Đấng Tối Cao của người Công giáo, có ý hội nhập văn hóa với danh xưng Ông Trời trong văn hóa thờ Trời của người Việt Nam. Từ ngữ Công giáo tiếng Việt còn một danh xưng đồng nghĩa nữa thường dùng hơn là Thiên Chúa.

Đức Chúa Ba Ngôi (天 主 聖 三, Trinitas, Trinity, Trinité): Khái niệm duy chỉ có nơi Kitô giáo về Đấng Tối Cao. Một Thiên Chúa duy nhất mà có ba ngôi vị là Cha – Con – Thánh Thần, còn gọi là Tam Vị Nhất Thể. Ba Ngôi Vị chỉ là một Thiên Chúa, vì mỗi Ngôi Vị đều có trọn vẹn bản thể duy nhất và không thể phân chia (3: số 48). Niềm tin này khởi đi từ mạc khải của Đức Giêsu rằng Thiên Chúa duy nhất (x. Mc 12,29) và cũng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,19); còn gọi là Thiên Chúa Ba Ngôi hay Chúa Ba Ngôi.

Nhà thờ: (教堂, Ecclesia, Church, Église): còn gọi là thánh đường hay giáo đường, khác với nhà thờ họ, nhà thờ tổ của tín ngưỡng thờ kính Tổ tiên. Nhà thờ Công giáo được xây dựng theo các quy định buộc phải tuân thủ đã ghi trong Giáo Luật (3: số 1215 - 1222), có cấu trúc gồm phần cung thánh và phần dành cho giáo dân. Phần cung thánh gồm có bàn thờ để cử hành Thánh lễ, giảng đài để công bố Lời Chúa, nhà Tạm để cất giữ Mình Thánh Chúa. Nhà thờ vừa là nơi cộng đoàn giáo hữu quy tụ để thờ phượng Thiên Chúa, cử hành các Bí tích, vừa tượng trưng cho sự hiện diện của Hội Thánh toàn cầu trong địa phương đó.

4. Ca dao, tục ngữ về đời sống tôn giáo

Giốc một lòng trông một Đạo

Nội dung tục ngữ: Răn dạy người tín hữu trung thành giữ đức tin và luật đạo.

Có thực mới vực được Đạo.

Nội dung tục ngữ: Muốn giữ được luật đạo thì đời sống vật chất phải khả dĩ ổn định đã. Câu tục ngữ này thường bị coi là mang ý nghĩa tiêu cực.

Đi đạo lấy gạo ăn ngay

Hay

Đi đạo lấy gạo mà ăn

Nội dung tục ngữ: Theo đạo chỉ vì lợi ích vật chất chứ không có niềm tin tâm linh, tôn giáo. Ý nghĩa tiêu cực.

Xưa kia chỉ biết kêu trời,
mà nay đã biết gọi Trời là Cha,
trần gian chẳng phải là nhà,
đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.

Nội dung ca dao: Câu ca dao nói lên niềm vui của người tìm thấy chân lí đức tin trong Công giáo khi theo đạo; thấy được Ông Trời vẫn tôn kính theo văn hóa giờ không còn xa lạ nhưng là cha của mình, và thấy được lời hứa quê hương vĩnh cửu ở đời sau.

‘Thiếu Nhi Thánh Thể nhiệm mầu
Tôn sùng rước lễ nhà chầu viếng thăm

Nội dung ca dao: Giáo huấn tinh thần đạo đức tôn sùng Mình Thánh Chúa Giêsu cho các cháu thiếu nhi Công giáo.

Các thầy đọc tiếng La Tinh
Các cô con gái thưa kinh dịu dàng

Nội dung ca dao: Nói lên vẻ đẹp của phụng vụ Công giáo.

Để dễ nhớ các ngày lễ trong năm, dựa vào bài ca dao “Tháng giêng là tháng ăn chơi. Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà...”, người Công giáo vùng Bùi Chu – Phát Diệm có bài ca dao 12 tháng lịch phụng vụ như sau (Bài ca dao này sử dụng các tháng âm lịch để tính ngày lễ. Đây là điều hiếm.):

Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai ngắm đứng, tháng Ba ra mùa,
Tháng Tư tập trống rước hoa,
Kết đèn làm trạm chầu giờ tháng Năm.
Tháng Sáu kiệu ảnh Lái tim
Tháng Bảy chung tiền đi lễ Phú Nhai,
Tháng Tám đọc ngắm Văn Côi,
Trở về tháng Chín xem nơi chồng mồ.
Tháng Mười mua giấy sao tua
Trở về Một Chạp sang mùa ăn chay.

Giải thích một số từ ngữ Công giáo:

Ảnh Lái tim: Lái tim là từ cũ của Trái tim. Ảnh/tượng Trái tim là cách gọi vắn gọn của ảnh/tượng Trái tim Chúa Giêsu. Tháng Sáu trong lịch Công giáo là tháng kính Trái tim Chúa Giêsu nên các xứ họ đạo có các cử hành kiệu rước tượng/ảnh Trái tim Chúa để tôn kính.

Cha (天 主父, Deus Pater, God the Father, Dieu-Père): cách gọi tắt của “Chúa Cha” là danh của Ngôi thứ nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong dân Israen, Thiên Chúa được gọi là “Cha”, vì là đấng tạo dựng trần gian (x. Đnl 32,6). Ngài cũng được gọi là cha của vua Israen (x. 2Sm 7,14) và của người nghèo (x. Tv 68,6).

“Chúa Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa là “Cha” theo một nghĩa chưa từng có: Ngài là Cha (...) trong tương quan với Con duy nhất của Ngài, Đấng từ đời đời là Con trong tương quan với Cha của Người” (3: số 240).

Chầu giờ: Cách gọi quen của Giờ Chầu, tức một phiên (không hẳn là một tiếng) tôn kính Thánh Thể của các tín hữu. Làm trạm chầu giờ là việc làm các trạm trên đường đi kiệu trong ngày lễ Sangti tôn kính Thánh thể.

Chồng mồ: Trong nghi thức nguyện giỗ cầu hồn cho người qua đời, ở một số giáo xứ xưa kia có làm giả áo quan, nhà mồ đặt giữa nhà thờ để người giáo dân có lòng thương cảm, sốt sắng hơn khi cầu nguyện.

Mùa ăn chay: Thường gọi là Mùa Chay, khoảng thời gian phụng vụ kéo dài 40 ngày từ thứ Tư lễ Tro đến trước lễ Phục Sinh. Đây là mùa cầu nguyện, sám hối để các tín hữu dọn mình mừng lễ Chúa sống lại cách hiệu quả hơn.

Ngắm đứng: Nghi thức tôn giáo của riêng Công giáo tại Việt Nam do linh mục Alexandre de Rhodes khởi xướng từ đầu thế kỉ XVII, để giúp người giáo dân có tâm tình hơn khi đọc ôn lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Ngắm Văn Côi: Cách đọc kinh Văn Côi (hoa hồng) kính Đức mẹ theo cung ngâm.

Nhà Chầu: Nơi đặt Bánh Thánh (Mình Thánh Chúa Giêsu) để giáo dân tôn kính. Thường thiết kế như một tủ nhỏ.

Phú Nhai: Tên một xứ đạo lớn ở giáo phận Bùi Chu, thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngày 8 tháng 8 dương lịch (nếu tính âm lịch thì thường rơi vào tháng Bảy) là lễ kính thánh Đa Minh, quen gọi là lễ Đầu Dòng, một lễ được các địa phận Dòng tổ chức trọng thể, nhất là ở nhà thờ Phú Nhai, tập trung nhiều giáo sĩ và giáo dân tham dự.

Ra mùa: Nói tắt của “Ra mùa Chay” hay “Ra mùa Thương Khó”, tức lễ Phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại, kết thúc mùa Chay (hay mùa Thương Khó).

Rước hoa: Lễ nghi kiệu rước tôn kính Đức Mẹ Maria tổ chức đặc biệt vào tháng Năm dương lịch (nếu tính âm lịch thì thường rơi vào tháng Tư). Gọi là rước hoa, kiệu hoa hay tháng Hoa vì các cuộc kiệu rước trong tháng này điểm đặc trưng nổi bật là việc trang hoàng nhiều hoa lá, nhưng thực chất vẫn là rước và kiệu Đức Mẹ.

Rước lễ: Nghi thức Công giáo chỉ việc các tín đồ cung kính đón nhận và ăn Bánh Thánh (hiểu là Thân thể Chúa Kitô).

Thầy: Từ xưng gọi dành cho những người đi tu phục vụ Giáo Hội ở nhiều giai đoạn, thứ bậc khác nhau, trước khi làm linh mục. Sau khi làm linh mục thì gọi là cha. Chẳng hạn: Thầy già, thầy dòng, thầy La Tinh, thầy lý đoán, thầy triết, thầy thần, thày giảng, thầy phó tế...

Thiếu nhi Thánh Thể: Tên gọi của một tổ chức mang tính chất rèn luyện đời sống đạo đức, nhất là gắn liền với việc tôn sùng Thánh Thể Chúa Giêsu, cho các thiếu nhi Công giáo.

Thưa kinh: Đọc kinh ở phần đáp. Một số kinh hoặc lễ nghi Công giáo được chia làm hai phần: phần Xướng và phần Đáp, được đọc theo lối: người chủ sự đọc phần Xướng, sau đó cả cộng đoàn thưa phần Đáp; hoặc hai phần này chia ra hai bè nam – nữ.

5. Ca dao, tục ngữ về đời sống xã hội, cách đối nhân xử thế

Thứ nhất hết linh hồn hết ý
Cùng hết lòng yêu quý Chúa Trời
Thứ nhì cư xử trên đời
Thương yêu giúp đỡ những người cận lân

Nội dung ca dao: Nhắc người giáo dân sống kính Chúa, yêu người như lời Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! Đó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất. Thứ đến cũng giống như điều ấy: Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật cùng các tiên tri đều quy về hai giới răn ấy.” (Mt 22,37-40).

Anh em cùng một đức tin
Hãy vì danh Chúa dằn mình nhịn nhau
Làm gì đừng để Chúa đau
Nữa mai họp mặt, nói sao với Ngài

Nội dung ca dao: Nhắc nhở các giáo hữu là người đồng đạo, hãy biết nhường nhịn nhau để xây dựng đời sống đoàn kết.

Người dại làm lại lỗi xưa
Như chó liếm lại chỗ vừa mửa ra

Nội dung ca dao: Ngựa quen đường cũ, người xấu thì khó bỏ đường tà, dễ dàng quay lại.

Câu ca dao lấy ý từ sách Châm ngôn trong phần Kinh Thánh Cựu Ước: “Như con chó trở lại đống nó vừa mửa, cũng vậy, kẻ ngu xuẩn trở về với sự điên dại của nó.” (Cn 26,11).

Lạc đà qua dễ lỗ kim
Hơn nhà trọc phú đi tìm nước Cha

Nội dung ca dao: Của cải vật chất, nếu không biết chia sẻ sẽ là một rào cản cho đời sống tâm linh.

Câu ca dao này xuất phát từ chương 19 sách Tin Mừng Mátthêu: Có chàng thanh niên nhà giàu đến tìm Đức Giêsu hỏi về lẽ sống khôn ngoan để đạt được Nước Trời. Sau khi Chúa Giêsu hỏi và biết anh giữ đời sống luân lí chu toàn thì Ngài yêu cầu anh: “Anh hãy về bán hết tài sản chia cho người nghèo và theo Ta”. Tức thì anh buồn rầu bỏ đi. Tác giả Mát-thêu chú giải lí do anh bỏ đi vì anh có nhiều của cải nên anh tiếc không bán đi chia cho người nghèo. Sau đó, Chúa Giêsu buồn rầu quay lại nói với các tông đồ: “Người giàu vào nước Thiên Chúa khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” (bởi vì họ chọn của cải hơn là chọn Thiên Chúa và người nghèo).

Mau nghe chậm nói ai ơi
Lại thêm chậm giận, Chúa Trời mới vui.
Nội dung ca dao: Nhắc nhở đức từ tốn, khiêm nhường, hiền lành.
Cuộc đời hoa cỏ không dài
Hôm nay tươi tắn, ngày mai vô lò
Còn có áo đẹp Chúa lo
Con người lọ phải sầu lo hình hài.

Nội dung ca dao: Nhắc nhở lòng an nhiên tự tại, đừng quá lo lắng về hình hài bên ngoài, vì như hoa cỏ ngắn ngủi nay còn mai mất mà Thiên Chúa còn cho nó tươi đẹp.

Thức khuya dậy sớm dãi dầu
Ăn bánh lao khổ cơ cầu lắm khi
Chúa ban dầu có ở nghì
Ngủ thì yên giấc, ăn gì cũng ngon.

Nội dung ca dao: Gần giống với nội dung các câu ca dao trên, nói về lòng tin cậy phó thác vào ơn Chúa quan phòng.

Chúa Trời đã có điều răn
Làm con hiếu kính song thân trọn tình
Suốt đời được hưởng phước lành
Đất đai, cơ nghiệp, tiền trình không lo.

Nội dung ca dao: Dạy về lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ người trên, đây không chỉ là điều răn buộc nhưng còn là công việc mang lại nhiều ơn phước.

Nước mà chia rẽ sao yên
Nhà mà chia rẽ sẽ nghiêng ngửa nhà.

Nội dung ca dao: Câu ca dao lấy ý từ lời của Chúa Giêsu trong sách Phúc âm theo thánh Marcô: “Nước nào chia bè chống lại nhau, thì không thể vững được. và nhà nào chia bè chống lại nhau, thì nhà ấy không thể vững được.” (Mc 3, 24-25).

Giải thích một số từ ngữ Công giáo:

Điều răn: Khoản, luật của Thiên Chúa buộc tín hữu phải thi hành.

Đức tin (信 徳, Fides, Faith, Foi): Đức: ơn; Tin: đón nhận, nghe theo. Đức tin: ơn đón nhận, vâng theo.

Theo giáo lý: Đức tin là nhân đức siêu nhân Đức Chúa Trời ban cho ta để ta tin kính Đức Chúa Trời và tin những điều Hội Thánh dạy.

Linh hồn (靈 魂, Anima, Soul, Âme): Linh: phần thiêng liêng; Hồn: sự sống. Linh hồn: sự sống thiêng liêng của con người.

Linh hồn con người được Thiên Chúa tạo dựng trực tiếp (x. St 2,7) chứ không do cha mẹ sinh ra. Khi còn sống tại thế, linh hồn và thân xác kết hợp mật thiết với nhau như một ngôi vị hay chủ thể duy nhất. Khi chết linh hồn sẽ tách rời thể xác, nhưng sẽ tái hợp với nhau trong ngày tận thế theo một dạng thức mới như Đức Giêsu phục sinh (3: số 365, 366).

Nước Cha hay Nước Thiên Chúa (天 主國, Regnum Dei, Kingdom of God, Royaume de Dieu): 1. Tình trạng đời sống của các tín hữu tại trần gian nhưng trong ân sủng của Thiên Chúa: mến Chúa yêu người cách trọn vẹn. 2. Nước thiên đàng ở đời sau.

Chúa Trời: x. Đức Chúa Trời (đã giải thích ở trên).

Ngoài ra còn có các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao về đặc điểm vùng miền, như: Cha Phú Nhai, khoai chợ Chùa (Phú Nhai là tên một xứ đạo lớn Xuân Trường, Nam Định quê hương của nhiều vị giám mục và linh mục đang phục vụ trong Giáo Hội tại Việt Nam; chợ Chùa thuộc huyện Nam Trực, Nam Định là nơi có khoai ngon nổi tiếng).

Hay nói về tâm trạng riêng:
Em như một đóa hoa đào
Mẹ cha muốn phước bắt vào nhà tu
Trăm nghìn lạy Chúa Giêsu
Nhà tu đừng hóa nhà tù giam em.

Hầu hết các cha mẹ người Công giáo đạo đức đều ước mong con cái của mình đi tu tạo phước. Tuy nhiên, không phải ai cũng có “ơn gọi” đi tu nên mới có tiếng than vãn đầy tâm trạng nhưng cũng có chút hài hước của một cô gái bị “ép” đi tu như trên.

Các câu ca dao trên cũng chứa các từ ngữ Công giáo như: “Cha” (từ gọi linh mục), “nhà tu” (nhà dòng), “Chúa Giêsu”.

6. Kết luận

Đối với người Công giáo, Đạo không phải một cái gì cao siêu vượt lên sinh hoạt đời thường, nhưng đi vào trong sinh hoạt đời thường, làm cho đời thường bớt dần tính “thường” hơn. Chính vì thế, cho dù khi du nhập, Việt Nam đã thấm nhiễm các yếu tố Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo, thì Công giáo vẫn ghi lại những dấu ấn riêng của mình góp phần làm cho văn hóa nước ta thêm phong phú. Các từ ngữ Công giáo trong một số tục ngữ ca dao có mặt trong nhiều lãnh vực đời sống mà bài báo nghiên cứu là một phần khẳng định cho nhận định đó.

Hướng nghiên cứu này có thể được mở rộng ra nhiều lãnh vực khác của ngôn ngữ Việt Nam qua các tác phẩm văn học viết như: tiểu thuyết, truyện ngắn, thi ca. Tác giả mong rằng có dịp tiếp tục đề tài để trình bày về sự tiếp ứng văn hóa Việt và Công giáo biểu thị qua ngôn ngữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Đình Bảng (2010), Văn học Công giáo Việt Nam - những chặng đường, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

2. Nguyễn Thị Thúy Giang (2013), Mối quan hệ giữa từ ngữ nhà Phật và từ ngữ đời sống trong tiếng Việt (trường hợp các từ Tâm, Nhân, Duyên), Luận văn Thạc sĩ, Đại học Hải Phòng.

3. Hội đồng giám mục Việt Nam (2010), Sách giáo lý của Giáo hội Công giáo, Nxb. Tôn giáo.

4. Vũ Văn Khương (2001), “Mấy nhận xét khi đọc cuốn Gốc và nghĩa từ Việt thông dụng”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 4.2001.

5. Vũ Văn Khương (2005), “Thử tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của mấy danh từ và tập tục trong mùa Vọng”, Tập san số 1 - K.2004, Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội.

6. Vũ Văn Khương (2006), “Giá trị của phụng vụ trong đời sống tín hữu”, Tập san Hiệp thông Hải Phòng, số 7 – 2006.

7. Vũ Văn Khương (2006), “Mùa Chay, thử tìm hiểu gốc và nghĩa của mấy từ ngữ liên quan”, Tập san số 2 - khóa K.2004, Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội.

8. Vũ Văn Khương - Nguyễn Công Đức (2015), “Ngôn ngữ và tôn giáo – các định hướng nghiên cứu”, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 5, Hà Nội, tr.84 – 93

9. Vũ Văn Khương (2017), Đặc điểm vay mượn của lớp từ ngữ Công giáo tại Việt Nam (qua khảo sát các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tại Việt Nam)”, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 9. Hà Nội, tr.36 – 41

10. Vũ Văn Khương (2018), Từ ngữ Công giáo trong một số tục ngữ, ca dao tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 7, Hà Nội, tr.41 – 46

11. Vũ Văn Khương (2018), Sự chuyển hóa của lớp từ ngữ Công giáo vào tiếng Việt toàn dân, Tạp chí Ngôn ngữ, số 10, Hà Nội, tr.52 – 60

12. Vũ Văn Khương (2020), Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Học viện Khoa học xã hội

13. Vũ Văn Khương (2021), Từ ngữ Công giáo gốc Ấn Âu có cấu tạo Hán Việt, Hội thảo Hán Nôm toàn quốc năm 2021, Viện Hán Nôm.

14. Lê Thị Lâm (2019), Đặc điểm từ ngữ nhà Phật trong tiếng Việt, Luận án tiến sĩ ngôn ngữ, Học viện KHXH, Hà Nội.

15. Đinh Kiều Nga, Ảnh hưởng của Công giáo với nền văn hóa Việt Nam, (đăng trên: http://btgcp.gov.vn)

16. Thanh Nghị (1951), Việt Nam Tân từ điển, NXB. Thời Thế, Sài Gòn

17. Chương Thâu, Vài ý kiến về Công giáo với nền văn hóa Việt Nam, Tạp chí Sông Hương, số 142, tháng 12 - 2000.

18. Nguyễn Huy Thông , Những đóng góp của đạo Công giáo đối với văn hóa Việt, đăng trên: http://www.conggiaovietnam.net

19. Nguyễn Thế Thuấn (1976), Kinh Thánh Cựu Tân Ước, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, HCM.

20. Stêphanô Huỳnh Trụ (2012), Tìm hiểu Từ vựng Công giáo, Sách lưu hành nội bộ

21. Hà Huy Tú (2002), Tìm Hiểu nền văn hóa Thiên Chúa giáo, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.

Nguồn: gphaiphong.org (29.11.2021)

[1] Thứ tự trong ngoặc đơn: tiếng Hán, La Tinh, Anh, Pháp.

(WHĐ)

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

BA CÁCH BẢO VỆ CON BẠN KHỎI NỘI DUNG KHIÊU DÂM

 

BA CÁCH BẢO VỆ CON BẠN KHỎI NỘI DUNG KHIÊU DÂM


TGPSG / Aleteia -- Một nhà trị liệu - trong lãnh vực trẻ em và gia đình - trình bày dưới đây những gì anh ta đã gợi ý cho các bậc làm cha mẹ, cũng như những gì anh đã thực hiện ngay trong chính gia đình của anh.

Ngày nay ở Hoa Kỳ, lợi nhuận của các trang có nội dung khiêu dâm đạt được bằng tổng cộng lợi nhuận của các hãng ABC, CBS và NBC; lợi nhuận của ngành công nghiệp khiêu dâm ước tính khoảng 12 tỷ đô la. 1/5 lượt tìm kiếm trên thiết bị di động là để tìm kiếm nội dung khiêu dâm. Kể từ năm 2016, 17 tiểu bang đã đưa ra nghị quyết tuyên bố: nội dung khiêu dâm đã tạo ra khủng hoảng cho sức khỏe cộng đồng.

Nếu trong những thập kỷ trước, các mối đe dọa về lệch lạc tình dục phần lớn chỉ có thể tìm được trong in ấn, video hoặc gặp gỡ trực tiếp, thì ngày nay, internet và các thiết bị di động đã khiến cho việc truy cập nội dung khiêu dâm chỉ cần một cú nhắp chuột. Với tư cách là một nhà tâm lý học trẻ em, tôi đang ngày càng phải làm việc nhiều hơn với những thanh thiếu niên nhỏ tuổi hơn - là những em thừa nhận rằng phim khiêu dâm đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ.

Khi thảo luận về các cách khác nhau để làm giảm bớt những nguy cơ của khiêu dâm, trước tiên tôi phải bàn đến những gì tôi thường nghe từ các bậc cha mẹ có thiện chí nhưng lại khó chịu về chủ đề này. Họ thường nói: “Tôi thực sự không muốn con trai hoặc con gái mình xem nội dung bất hợp pháp, nhưng dù sao nó vẫn cứ xảy ra, vậy tại sao lại cứ phải nỗ lực tìm biện pháp bảo vệ để ngăn chặn điều không thể tránh khỏi?”

Mặc dù có thể hiểu được điều này, nhưng câu trả lời của tôi là: Đang khi cơ hội khiến thanh thiếu niên xem nội dung khiêu dâm vào một thời điểm nào đó trong đời là khá cao, nhưng có một sự khác biệt rất lớn trong sự phát triển thần kinh và tâm lý khi nói đến tần suất, cường độ và thời lượng xem nội dung xấu này. Nói cách khác, ngẫu nhiên xem nội dung khiêu dâm vào những thời điểm khác nhau, tuy vẫn đáng buồn và có khả năng gây hại, nhưng không có nguy cơ lớn lao cho bằng việc xem nhiều lần, với cường độ cao, dẫn đến hậu quả lâu dài. Điều quan trọng là cha mẹ phải nhận ra sự khác biệt này.

Tôi muốn tập trung ngắn gọn vào 3 loại biện pháp bảo vệ chính yếu khi nói đến nội dung khiêu dâm. 

Về kỹ thuật

Các biện pháp bảo vệ mang tính kỹ thuật sẽ không thể thay thế cho các biện pháp bảo vệ khác, nhưng chúng cung cấp một số lựa chọn nhất định để giảm thiểu rủi ro, ít nhất là khi con cái vẫn còn sống trong nhà của cha mẹ.

Trước tiên là các biện pháp bảo vệ dành cho việc sử dụng điện thoại và internet. Các biện pháp này ngày càng được cung cấp nhiều hơn (thường là miễn phí) cho các bậc làm cha mẹ. Ví dụ, dịch vụ Verizon Smart Family cho phép cha mẹ tắt tính năng internet và thậm chí tắt cả tin nhắn và gọi điện, ngay cả khi có wifi cùng với bộ lọc nội dung.

Còn ứng dụng Covenant Eyes là một bộ lọc internet có thể chặn các trang web bất hợp pháp, giám sát các thiết bị tìm kiếm và gửi báo cáo về các hoạt động ấy cho cha mẹ. Mặc dù không hoàn hảo, nhưng chúng cung cấp một biện pháp bảo vệ hợp lý lúc khởi đầu.

Ngoài các các biện pháp bảo vệ này, điều quan trọng là cha mẹ không bao giờ cung cấp cho con cái của mình những mật khẩu để mua các nội dung bất hợp pháp. Về mặt pháp lý, Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPRA) phần lớn cấm trẻ em dưới 13 tuổi tiết lộ thông tin riêng tư và nhiều trang mạng xã hội không cho phép trẻ em sử dụng nền tảng của họ; cha mẹ nên nhận thức và nắm vững các quy định pháp lý được thiết kế để bảo vệ con cái của họ.

Cha mẹ cũng nên biết về các ứng dụng và trang web mà trẻ em ngày càng tìm kiếm nhiều hơn, trong đó có những ứng dụng (như ứng dụng máy tính khét tiếng) cho phép chúng chôn giấu tài liệu khiêu dâm trên thiết bị của mình.

Hơn nữa, nếu cha mẹ không biết về máy chủ proxy và web đen, thì điều quan trọng là phải tự học hỏi để biết về các mối đe dọa khủng khiếp nhưng thực sự tồn tại trên internet.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng: mối đe dọa lớn nhất của nội dung khiêu dâm chính là việc đưa các thiết bị cho thanh thiếu niên khi các em chưa được chuẩn bị về mặt trí tuệ và thần kinh để có thể sử dụng các thiết bị này cách đúng đắn. 

Về môi trường

Phần lớn việc tiếp xúc với nội dung khiêu dâm xảy ra không phải là ngẫu nhiên. Mặc dù việc xem thấy nội dung khiêu dâm có thể ngẫu nhiên xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng những người trẻ tuổi sử dụng thiết bị ở nơi riêng tư sẽ có nhiều nguy cơ hơn.

Việc có một thiết bị, đặc biệt là điện thoại cá nhân, trong phòng ngủ vào ban đêm, đã được chứng minh là một yếu tố hấp dẫn để sử dụng phim khiêu dâm. Như tôi đã nghe nhiều thanh thiếu niên nói với tôi, đây chính là cách thức cụ thể họ dùng để xem hầu hết các tài liệu khiêu dâm.

Các bậc làm cha mẹ đã nghiêm túc về việc hạn chế sử dụng phim khiêu dâm, thì cũng phải nghiêm túc xác định các nơi được phép sử dụng các thiết bị trong nhà của họ.

Hơn nữa, rõ ràng rằng việc xem nội dung “khiêu dâm nhẹ nhàng” sẽ là một cửa ngõ dẫn đến việc xem những nội dung sai lệch và có hại nhiều hơn nữa. "Khiêu dâm nhẹ nhàng", theo ý tôi, đó là video hay hình ảnh trên TV, điện ảnh và internet, mô tả các cá nhân và cảnh tưởng có bản chất khiếm nhã, lạm dụng và sai lạc.

Cũng giống như việc sử dụng rượu sớm, những đứa trẻ được cha mẹ cho phép xem nhiều nội dung này, đặc biệt là không có hướng dẫn và trò chuyện kèm theo, sẽ có nhiều khả năng tìm kiếm nội dung khiêu dâm nhiều hơn nữa trong tương lai. Khi thanh thiếu niên thấy rằng cha mẹ họ mặc nhiên ‘phê chuẩn’ các tài liệu này, họ có thể cho rằng nội dung khiêu dâm là có thể chấp nhận được. 

Về nhận thức

Cuối cùng, và có thể là quan trọng nhất, chính là những cách chúng ta rèn luyện thái độ con em chúng ta về thân xác và tình dục của con người.

Điều quan trọng đầu tiên chính là: khi lớn lên, con em chúng ta cần phải coi thân xác và tình dục là những món quà đẹp đẽ, xứng đáng được tôn trọng. Nếu không thừa nhận và tán dương thực tế này thì sẽ tạo tiền đề cho một quan điểm lệch lạc cho rằng thân xác là hàng hóa được tiêu thụ, chứ không phải là ân phước cần được gìn giữ.

Tuy nhiên, ngoài việc đề cao thái độ tôn kính thân xác, điều quan trọng không kém là con em chúng ta phải nhận ra được cách chúng ta, trong tư cách là cha mẹ, biết thể hiện nét đẹp cho nhau. Tôi tin rằng: khi thấy cha mẹ coi trọng việc thể hiện nét đẹp và sự hấp dẫn dành cho nhau, như là cách bảo vệ chống lại việc tìm kiếm nội dung khiêu dâm, con em họ sẽ ít có khả năng tìm kiếm những nguồn khoái cảm không lành mạnh.

Thông thường, khi vợ chồng và những người quan trọng cùng già đi, có nhiều yếu tố khiến họ không còn quan tâm đến việc làm cho mình trở thành hấp dẫn cho nhau một cách lành mạnh như trước đây. Mặc dù có nhiều lý do để thông cảm cho điều này, nhưng nó vô tình gửi một thông điệp đến tất cả mọi người (kể cả trẻ em) rằng: niềm vui và vẻ đẹp ngày càng không còn nữa trong các mối tương quan lành mạnh này, nên đành phải tìm kiếm chúng theo những cách khác thôi.

Đây không phải là lời biện minh cho việc tìm kiếm nội dung khiêu dâm, nhưng tôi tin rằng đấy chính là một yếu tố quan trọng cần phải xem xét. Cuối cùng, sẽ không có gì thay thế được khi trẻ thấy cha mẹ vẫn thu hút và hào hứng với nhau khi họ cũng bắt đầu xem xét đến những điểm thu hút và sự quan tâm lãng mạn của riêng mình.

Nội dung khiêu dâm là một vấn đề phức tạp và nghiêm trọng mà chúng ta không thể bỏ qua. Thật đáng buồn khi nó bóp méo bản chất của tình dục, không coi tình dục là một trong những món quà tuyệt vời nhất do Chúa ban tặng cho chúng ta. Điều đó có nghĩa là, cách chúng ta đối xử với nó chính là điều quan trọng nhất.

Jim Schroeder (Aleteia)
Vi Hữu (TGPSG) chuyển ngữ 
(WGPSG)