Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

NHÌN LẠI CHƯƠNG TRÌNH CỨU TRỢ VÀ TÁI THIẾT SAU BÃO LŨ 2020

Văn phòng Caritas Huế

WGPH (25.01.2021) – Nhìn vào bản đồ hình chữ S, chúng ta nhận ra một cách dễ dàng phần đất Giáo phận Huế nằm giữa khúc eo của Miền Trung Việt Nam, thế mà, năm nào cũng chịu ảnh hưởng lớn nhỏ của mẹ thiên nhiên vào mùa mưa bão, lũ lụt. Năm nay sự ảnh hưởng quá lớn, quá khắc nghiệt, đã lấy đi nhiều sinh mạng con người, nhà cửa, tài sản … làm cho mọi sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn và bất an!
 

Đồng cảnh với người dân trong bão lũ kéo dài và đồng cảm với hoàn cảnh vô cùng gian khổ của bà con sau bão lũ, Caritas Huế với sự đồng hành của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, sự quan tâm – hỗ trợ của Caritas Việt Nam, văn phòng Bác Ái Xã Hội Dòng Tên, quý Hội Dòng và quý Ân nhân xa gần, trong và ngoài nước, đã nhập cuộc. Trong hơn 4 tháng qua, từ ngày 18/9/2020 con bão số 5 đã đi vào Miền Trung cho đến nay, Caritas Huế dưới sự hướng dẫn của Cha Đặc trách Antôn Nguyễn Ngọc Hà, cùng với sự cộng tác của quý Cha Quản xứ, quý anh chị cộng tác viên, đã chia sẻ với bà con vùng bão lũ trong lúc khẩn cấp, khi con nước ngập nhanh, ngập lâu, thiếu thốn lương thực. Dù không phải là cao lương mỹ vị mà chỉ là gói mì tôm, gói cháo, gói cá khô, những cái bánh nhỏ, chai nước lọc cứu đói cứu khát trong lúc khẩn cấp cùng với những bao gạo, nhu yếu phẩm và ít tiền mặt, đã giúp bà con qua khỏi những ngày khó khăn để tiếp tục chống chọi với gió bão, mưa lũ.


Giai đoạn khẩn cấp đi qua, được sự cộng tác của các cha Quản xứ trong việc thống kê các gia đình thiệt hại nặng về nhà cửa, con giống, cây giống, vật dụng… để Caritas có kế hoạch giúp bà con tái thiết. Cho đến nay chương trình tái thiết đã và đang được thực hiện ở 48 Giáo xứ trong Giáo phận. Việc hỗ trợ tái thiết, cụ thể vào các hạng mục: Làm mới 101 ngôi nhà; sửa 149 ngôi nhà bị hư hại; di dời 57 ngôi nhà do có nguy cơ lở đất vùi lấp; hỗ trợ 730 hộ gia đình con giống: tôm, cá, heo, gà vịt; 812 hộ gia đình giống cây: bưởi, thanh trà, đu đủ, ổi, hoa màu…; hỗ trợ lắp đặt 6 hệ thống cung cấp nước tinh khiết; hỗ trợ 35 ghe xuồng có động cơ và không có động cơ. Bên cạnh đó hỗ trợ tiền mặt cho 250 gia đình mua lại đồ dùng, sửa máy móc hư hại và nhu cầu cần thiết trong gia đình. Và đầu năm 2021, khi học sinh chuẩn bị bước sang học kỳ II của năm học 2020 – 2021, Caritas Huế thực hiện chương trình học bổng “Thắp sáng tương lai” hỗ trợ 1000 học sinh Cấp I là con em những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con người khuyết tật, người có H trong cơn bão lũ có thêm nguồn động viên, cố gắng học tập, cũng như phần nào cùng với các phụ huynh giúp con em từng bước hướng đến tương lai.


Tất cả là hồng ân và tình yêu mà Thiên Chúa Quan phòng đã ban cho. Hồng ân trao ban được thể hiện qua sự quan tâm, yêu thương và mở rộng vòng tay kịp thời của anh chị em gởi đến bà con khó khăn dù dịch bệnh kinh tế eo hẹp, công việc bất ổn… Hồng ân nhận lãnh bày tỏ khi các em vượt qua mưa gió, lụt lội để đến trường; những trẻ em, cụ già vui vẻ ấm áp trong ngôi nhà mới, kín gió. Và đây đó, mãnh vườn hoa màu, rau cải đã lại lên xanh, người dân tất bật ra đồng cho vụ mùa mới; hồ tôm, hồ cá bắt đầu thả lại, ngư dân miệt mài với sông nước…!


Thế là 4 tháng, 120 ngày trôi qua, từ những khó khăn tưởng chừng làm cho ai đang sống trong bão lũ phải ngã gục, nhưng nay mọi gian khổ dần qua, sự bình an, niềm vui từng bước trở lại. Những mất mát, tang thương, lo lắng do nợ nần, thiếu thốn vẫn còn đó, nhưng ngày mai tươi sáng và niềm hy vọng vượt lên chính mình là điều quan trọng cần hướng tới và thực hiện ngay. Ước mong cùng với sự yêu thương hỗ trợ của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, của các Tổ chức và quý Ân nhân xa gần, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau vượt lên trên những khó khăn, ngăn trở hiện tại để bắt đầu lại.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, quan thầy Tổng Giáo phận Huế, luôn gìn giữ và thánh hóa mọi con dân của Ngài.

(WHĐ) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 26.01.2021

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Bảy, ngày 23.01.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN HẠT MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 23.01.2021 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

DẠY TRẺ VUI VẺ VỚI NHỮNG GÌ CHÚNG CÓ


DẠY TRẺ VUI VẺ VỚI NHỮNG GÌ CHÚNG CÓ

Tác giả: Inès de Franclieu
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org (06/1/2021)


WHĐ (23.1.2021) Khuyến khích con cái chúng ta trở thành người làm chủ những ham muốn của chúng, điều đó sẽ giúp ích lâu dài khi chúng trưởng thành.

Một đứa trẻ, giống như mọi người khác, đều có khát vọng hạnh phúc sâu sắc. Lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ yêu thương nhau và yêu thương con cái, điều đó sẽ tạo điều kiện cho hạnh phúc triển nở. Nhưng trẻ em không nhận thức được điều này. Như mỗi người chúng ta, được phú cho một bản chất bị thương tích, trẻ em nhầm lẫn giữa khao khát hạnh phúc với sự thỏa mãn những ham muốn của mình. Do đó, điều rất quan trọng là giúp trẻ em hiểu rằng chúng có thể học cách nghĩ xem những gì là thực sự tốt lành cho chúng - thể xác và tâm hồn, để không trở thành nô lệ cho những ham muốn của mình.

Hỗ trợ trẻ em trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc

Ăn kẹo thì thật thú vị. Nhưng nếu con bạn có thói quen ăn kẹo mỗi ngày sau giờ học, hoặc bất cứ khi nào chúng muốn, chúng sẽ trở thành nô lệ cho sự thèm muốn này. Là cha mẹ, chẳng phải chúng ta không bị cuốn vào vòng xoáy của thứ chủ nghĩa tiêu thụ này sao? Chúng ta có khuynh hướng tin rằng con mình sẽ hạnh phúc hơn nếu chúng có một ít kẹo hoặc có đồ dùng hợp thời trang mới nhất, không phải vậy sao? Rốt cuộc, chuyện đó đâu phải là một vấn đề gì ghê gớm, phải vậy không?

Ngoài việc học cách kiểm soát ham muốn của mình, nếu chúng không được dạy sống thanh thản khi thấy mình chẳng giống những trẻ khác, thì:
  • - làm sao chúng có thể trở nên khác biệt khi chúng bước vào tuổi vị thành niên?
  • - tại sao lại ngạc nhiên khi chúng bắt chước nghiện rượu hoặc ma túy bất hợp pháp giống như những bạn bè cùng trang lứa còn lại?
Điều đó tùy thuộc vào chúng ta, là những bậc cha mẹ, cần phải hỗ trợ con cái trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, điều đáng ngạc nhiên là hành trình này không liên quan gì đến chuyện thỏa mãn những ham muốn nhưng đúng ra là hạnh phúc liên quan đến cách làm chủ những đam mê.

Làm chủ đam mê sẽ mang lại tự do

Nhờ cảm nghiệm niềm vui sau khi có thể vượt qua cơn thèm muốn, đứa trẻ sẽ ý thức về ngọn lửa nhỏ này trong trái tim mình. Ngọn lửa này được giữ cháy sáng khi chúng “thành công” không để cho mình bị lôi cuốn vào cám dỗ, và cả khi chúng “thành công” trong việc chia sẻ với người khác, khi nói những điều tốt đẹp với anh chị em của mình.

Bằng cách không nhượng bộ những thú vui qua nhanh và dễ dãi, chúng ta dạy con cái mình hạnh phúc với con người của chúng và với những gì chúng có. Chúng ta cũng cần phải rèn luyện ý chí của chúng: và với ý chí này, chúng sẽ học cách xây dựng hạnh phúc của mình. Và rồi khi sự thích thú đến, chúng sẽ vui hưởng sự thích thú đó cách mạnh mẽ hơn, và góp phần vào hạnh phúc.

Chúng ta đừng quên: không phải chúng ta nên tìm kiếm thỏa mãn quá nhiều những ham muốn, mà là học cách cảm nếm niềm vui đích thực, một niềm vui được tìm thấy trước hết nơi một Đấng Cứu Độ, Đấng đã đến để lấp đầy trái tim đói khát của chúng ta bằng tình yêu của Ngài.
 
(WHĐ)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B - (Mc 1,14-20)

 


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 23.01.2021


Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 22.01.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 22.01.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 22.01.2021
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA, THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA THƯỜNG NIÊN, 22.01.2021

Bắt đầu lúc 15g00 Thứ Sáu, ngày 22.01.2021


CÁCH DẠY TRẺ NHỎ NHỮNG QUY TẮC LỊCH SỰ ĐẦU TIÊN


CÁCH DẠY TRẺ NHỎ NHỮNG QUY TẮC LỊCH SỰ ĐẦU TIÊN

Tác giả: Inès de Franclieu
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org (30/12/2020)


WHĐ (22.1.2021)Biết nói “Chào buổi sáng, cảm ơn, tạm biệt” là một phần quan trọng trong quá trình giáo dục trẻ em.

Đôi khi, ta bắt gặp một đứa trẻ rất lễ phép, chúng ta tự nhủ rằng cha mẹ của chúng thật may mắn, cứ như thể lịch sự là chuyện may mắn. Tuy nhiên, lịch sự không phải là chuyện may rủi. Nó không xuất hiện một cách diệu kỳ với hầu hết mọi người, nhưng có thể — và tôi dám nói là phải — có được. Đó là kết quả của sự kiên nhẫn và nhất quán của các bậc cha mẹ quan tâm đến ích lợi của con mình.

Lịch sự làm cho cuộc sống hàng ngày trở nên dễ chịu hơn vô cùng, và các mối tương quan giữa con người với nhau dễ dàng hơn rất nhiều. Nó giống như dầu trong một cỗ máy. Lịch sự là điều dễ chịu đối với người đón nhận, nhưng trước hết và quan trọng nhất là đối với người ứng xử lịch sự. Thử nhìn xem đứa trẻ cảm thấy thoải mái hơn với người lớn khi chúng biết cách chào buổi sáng. Theo cách tương tự, người nhận được hành động lịch sự biết rằng mình đang là đối tượng chú ý của người khác. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải dạy con cái chúng ta, từ khi chúng còn rất nhỏ, những quy tắc lịch sự này.

Cứ lặp đi lặp lại là được.

Việc truyền dạy kỹ năng sống này bị cản trở khi phép lịch sự được coi là một loạt các quy tắc và quy ước xã hội mà chúng ta nên bỏ qua. Việc không tôn trọng uy quyền và tôn trọng người lớn tuổi chắc chắn đã góp phần vào điều đó. Việc ứng xử lịch sự cần có mối tương quan tôn trọng, giữa người cho và người nhận, giữa người dạy và người được dạy.

Chúng ta cần áp dụng vào chính mình nhiệm vụ này với tư cách là cha mẹ vì mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi con cái chúng ta bắt đầu có được cách cư xử phù hợp. Từ 18 tháng trở đi, trẻ có thể nói lời cảm ơn. Bé vẫn không nói, nhưng không sao cả, bé sẽ bắt chước cử chỉ của bố mẹ đưa bánh quy cho bé bằng cách mở tay mẹ ra và khép tay mẹ lại: đó là cử chỉ đầu tiên cho ta nhận biết bé muốn nói lời cảm ơn. Sau đó, chúng ta có thể nhanh chóng chuyển sang dạy chúng biết chờ nhường cho người lớn đi trước, yêu cầu chúng lặp lại “Tôi xin lỗi” khi chúng băng qua trước mặt ai đó. Và một đứa trẻ có thể hiểu khi nào nói “chào buổi sáng” và “chúc ngủ ngon”.
 
Dạy lễ phép cần sự kiên trì và lặp đi lặp lại. Nó sẽ chỉ hiệu quả nếu bạn kiên trì và nếu bạn làm gương trong cách cư xử trong cuộc sống của chính mình.
 
(WHĐ)