Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

DÒNG ẢNH PHÉP LẠ GIÁO PHẬN KONTUM MỪNG HỒNG ÂN THÁNH HIẾN 2015

Dòng Ảnh Phép Lạ Kontum mừng hồng ân Thánh hiến
04.8.2015

Trong chuyến công tác lên Tây nguyên vừa qua, đúng vào dịp Dòng Ảnh Phép lạ tổ chức lễ Khấn Dòng cho các Yă (Giá) chuẩn bị đi xa, tôi được mời tham dự nhờ đó đã trải nghiệm được những nét đơn sơ, mộc mạc nhưng vẫn đầy thiêng liêng và trang trọng của một Thánh lễ Khấn Dòng của các nữ tu người dân tộc thiểu số tại miền truyền giáo Kontum.
 
 
Sáng ngày 4/8, Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, Tổng Đại diện Giáo phận Kontum thay mặt Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh đang đi vắng, chủ tế Thánh lễ và chủ sự Nghi thức Khấn Dòng cho 5 Yă Tuyên khấn lần đầu. Cũng trong dịp Khấn Dòng này, có 3 Yă lặp lại lời khấn với thời gian 1 năm; 7 Yă lặp lại lời khấn 1 năm 3 tháng; 6 Yă khấn với thời gian 3 năm.

Đúng 9 giờ sáng, đoàn rước đoàn Đồng tế dẫn đầu là Thánh giá Đèn hầu, các em thanh tuyển sinh dân tộc với vũ điệu truyền thống của mình, đoàn Cồng Chiêng, các Khấn sinh cùng cha mẹ, cuối cùng là các Linh mục đồng tế.
 

Trong bài giảng lễ, Cha Chủ tế chia sẻ: Trong suốt 3 năm giảng đạo, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, chữa lành nhiều người bệnh tật. Nhưng Chúa Giêsu không có bất cứ một thứ của cải gì. Các Tông đồ đi theo Chúa đã bỏ hết mọi sự trên thế gian này, kể cả gia đình, cha mẹ, vợ con chỉ để mong được của cải Nước Trời. Các Yă cũng vậy, hôm nay các Yă đã từ bỏ cha mẹ, anh chị em, làng bản để dấn thân theo Chúa, các Yă sẽ được gì? Các Yă sẽ nhận được kho tàng quý giá gấp trăm ngàn lần, đó là Nước Trời. Cha Chủ tế nêu ví dụ trường hợp điển hình là Thánh Augustinô, con một gia đình thượng lưu, giàu có, bằng cấp cao. Vậy mà Ngài đã từ bỏ, cho dù gia đình tìm cách ngăn cấm Ngài vẫn quyết tâm theo Chúa. Đó là Ngài đi tìm kho báu trên Trời.

Mở đầu Nghi thức Khấn Dòng, Yă Cố vấn thay mặt Bề trên Hội Dòng xướng tên các Tân Khấn sinh, từng khấn sinh thưa: “Ơ Kơdră, kon âu, Ih krao kon” (nghĩa là: “Lạy Chúa, này con đây, Ngài gọi con” rồi lần lượt tiến đến quỳ trước Cha Chủ sự.
 

Cha Chủ sự thẩm vấn các khấn sinh, tiếp đó từng khấn sinh tuyên khấn long trọng trước vị Đại diện Hội Thánh. Cha Chủ sự dâng Lời nguyện xin Chúa thương cho các Yă luôn biết sóng theo 3 lời khuyên Phúc âm để các Yă làm vinh danh Chúa và mưu ích phần rỗi cho muôn dân.

Cha Chủ tế làm phép Nhẫn là dấu chỉ của lòng trung thành với Thiên Chúa rồi trao cho các khấn sinh.

Tiếp tục Nghi thức tuyên khấn với 16 khấn sinh lặp lại lời khấn của mình.

Phần Phụng vụ Thánh thể, trong lời nguyện Cha Chủ tế dâng lời cầu nguyện cho những bậc tiền nhân, đặc biệt Đấng Sáng lập và các Yă đã qua đời để lại cho Nhà Dòng một gia sản Đức Tin quý báu để tiếp tục phục vụ những người dân tộc khốn khổ.

Sau Thánh lễ, một Tân Khấn sinh đại diện các khấn sinh dâng lời cảm tạ Cha Chủ tế, quí Cha, quí Yă Mẹ và quí Cha giáo đã yêu thương dạy dỗ và nâng đỡ các Tân khấn sinh trong những năm qua. Nhờ đó vượt qua được mọi thẻ thách để hôm nay được bước lên tuyên khấn trước bàn thờ Chúa. Cảm ơn Cha mẹ và anh chị em đã không quản ngại để dâng con cho Chúa.
 

Cuối cùng Cha Tổng Đại diện nói lời chúc mừng các Tân Khấn sinh, đồng thời gởi lời cầu chúc của Đức Giám Mục Giáo phận dù đang ở xa, nhưng Ngài vẫn luôn nhớ đến Hội Dòng. Nhất là hôm nay, Ngài cũng hiệp dâng lời cầu nguyện cho các Yă tuyên khấn. Ngài cũng cảm ơn Cha Mẹ các Yă đã không ngần ngại mà dâng con mình cho Chúa để phục vụ Giáo Hội. Cha Tổng Đại diện thay mặt Đức Giám Mục Giáo phận, các Linh mục và toàn thể Giáo phận Kontum cảm ơn sự hiện diện của Hiệp sĩ Đại Thánh giá trong Thánh lễ hôm nay. Giáo phận Kontum này gồm có 315 ngàn Giáo dân, trong đó có 215 ngàn giáo dân là người dân tộc nghèo khổ, cũng như Hội Dòng Ảnh Phép lạ đã được Hiệp sĩ yêu thương. Kể từ khi có sự hiện diện của Hiệp sĩ tại Kontum này, Giáo phận hầu như được dễ dàng hơn trong công cuộc phát triễn, nhất là vấn đề đất đai và xây dựng. Mong Hiệp sĩ luôn yêu thương và quan tâm hơn nữa để Giáo phận Kontum này bớt khó khăn hơn, đồng bào dân tộc nơi đây bớt nghèo khổ hơn.
 
Trương Trí
(VietCatholic News) 

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 30.7 - 05.8.2015

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

DÒNG ĐAMINH ROSA LIMA - LỄ KHẤN 01.8.2015

Lễ khấn tại Dòng Đaminh Rosa Lima
01.8.2015

6g sáng ngày 1 tháng 8 năm 2015, khi một ngày mới chưa bắt đầu giữa Saigon ồn ào và náo nhiệt thì trong tiếng nhạc dìu dặt linh thánh, tại trung ương Dòng Đaminh Rosa Lima chín chị em được thánh hiến cho Thiên Chúa trong thánh lễ tuyên khấn lần đầu.

 
Chín chị em từ bảy giáo phận Saigon, Xuân Lộc, Kontum,Vinh, Phát Diệm, Hải Phòng và Hưng Hóa đã mạnh dạn theo lời mời gọi của Thầy Giêsu trong ơn gọi Đaminh.

Chín chị em được Quý Sơ trong Hội Dòng, quý thân nhân và quý Cha đồng tế làm thành một đoàn rước như là một hành trình hiến tế lên Thiên Chúa. Tất cả một lòng tạ ơn Thiên Chúa với chín chị em trong thánh lễ hiến dâng.

Mở đầu thánh lễ, cha Vinh sơn Phạm Xuân Hưng, Phụ tá Giám tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam ngỏ lời với cộng đoàn: Chín chị tuyên khấn ngày hôm nay là một sự đặc biệt vì thánh lễ thánh hiến bản thân mình cho Thiên Chúa trong năm Đời sống thánh hiến.


Chín chị em chắc chắn đã trải qua những ngày tháng tập sống trong ơn gọi Đaminh, có những khó khăn, những trở ngại, những cảm nghiệm của đời sống chung. Tuy vậy, các chị vẫn can đảm dấn thân trong đời sống tu trì sau những ngày tháng trải nghiệm, suy tư và cầu nguyện qua ba giai đoạn đào tạo của Dòng từ Thỉnh Sinh lên đến Tiền Tập, sang giai đoạn Tập Viện và ngày hôm nay các chị mạnh dạn hiến dâng cuộc sống mình cho Thiên Chúa trong Dòng Đaminh Rosa Lima.

Trong bài giảng, cha Vinh Hưng chia sẻ về đoạn Tin mừng Đức Giêsu trả lời cho một người muốn đi theo Chúa: “ Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” ( Lc 9,57b). Tưởng như là lý tưởng khi người này tỏ rõ thái độ dứt khoát và dấn bước theo Thầy vô điều kiện và chấp nhận tất cả, nhưng câu trả lời của Thầy quả là sốc với anh ta và với cả chúng ta trong thời đại ngày nay: “ Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”. Quan trọng theo Chúa là nơi người ta từ bỏ chứ không phải nơi người ta nhắm đến, có khi nơi từ bỏ ấy là nơi rất thân thiết và phải từ bỏ trong đau đớn.


Hành trình theo Chúa, ta không chắc ngày mai ta sẽ làm gì, sẽ ở đâu. Tất cả là tương lai trong tay Chúa qua Hội Dòng. Điều cần thiết là bỏ lại tất cả, bỏ lại những người và những vật thiết thân; bỏ lại những ước mơ của bản thân; bỏ lại con người cũ; bỏ lại những gì trần gian cho là thành công, vinh hoa phú quý. Thậm chí bỏ lại những gì có thể vướng chân mình và cả những điều không vướng chân nữa để đón nhận việc sẵn sàng đi; sẵn sàng sống với; và sẵn sàng lên đường.

Đón nhận và từ bỏ như thánh Phaolo để lao mình về phía trước hầu chiếm đoạt được Đức Kitô, mà thực ra là được Chúa chiếm đoạt.

Trong nghi thức khấn Dòng, trước sự chứng kiến của cộng đoàn dân Chúa, chín Chị em đã mạnh dạn tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trong tay Bề trên Tổng quyền Agnes Nguyễn Thị Thịnh. Các Chị em được nhận lúp đen thay cho chiếc lúp trắng như dấu chỉ của hoàn toàn tùng phục Chúa Kitô và hiến thân phục vụ Hội thánh. Các chị cũng được nhận sách Hiến pháp, để do việc trung thành tuân giữ luật Dòng, các chị sẽ trở nên môn đệ Đức Kitô và làm chứng cho Người trước mặt tha nhân, để họ thấy việc lành các chị làm mà tôn vinh Cha trên trời.[i]

Các chị đã được cộng đoàn đón nhận bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt của cả Nguyện đường sau khi Bề trên tổng quyền Agnes tuyên bố nhận lời khấn của các Tân Khấn sinh.


Tạ ơn Chúa với chín Tân Khấn Sinh trong ngày hồng phúc này. Những niềm vui của các chị em hôm nay là công sức vun trồng ơn gọi của Cha Mẹ, của người thân, của bạn hữu, của những người thiết tha cầu nguyện cho tu sĩ và đặc biệt là sự vun đắp của Hội Dòng trong lời cầu nguyện mỗi ngày, trong sự hy sinh âm thầm và những lời nguyện tắt. Chắc chắn cácTân Khấn Sinh cũng vẫn được những lời cầu nguyện của mọi người như thế trong bước đường mới, bước đường một nữ tu Đaminh Rosa Lima.

Thánh lễ kết thúc lúc 7g30 sáng, bắt đầu một ngày mới nhộn nhịp giữa Saigon và trong Hội Dòng Đaminh Rosa Lima chín nữ tu được ghi tên vào trang sử mới để các chị tiếp bước Cha Thánh Tổ Phụ Đaminh trong ơn gọi “ Nói với Chúa và nói về Chúa”.

Saigon 01/8/2015
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du

[i] Nghi thức khấn Dòng- Dòng Đaminh Rosa Lima
 (daminhrosalima.net)

VIDEO GIÁO HỘI NĂM CHÂU 28.7 – 03.8.2015

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B 26-7-2015

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XVII thường niên năm B 
05g30 Chúa Nhật ngày 26-7-2015.
Cha Martino Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.




Hữu Toàn.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

ĐAN VIỆN CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG: HỒNG ÂN KHẤN DÒNG 11.7.2015

Thánh Lễ Khấn Dòng tại đan viện Châu Sơn - Đơn Dương 11.7.2015

Bầu không khí tĩnh lặng của Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương đã có chút thay đổi khi hân hoan chào đón các thân nhân, ân nhân và bạn hữu của của các tân khấn sinh từ nhiều miền khác nhau về dự thánh lễ khấn dòng, được cử hành tại nhà nguyện Đan Viện lúc 9 giờ sáng ngày 11 tháng 7 năm 2015. 

 
Thánh lễ khấn dòng được tổ chức vào ngày cuối của dịp tĩnh tâm thường niên của Đan viện, nhằm ngày lễ mừng thánh tổ phụ Biển Đức - Đấng khai sáng nền tu trào đan tu tại Tây Phương vào cuối thế kỷ thứ V và tiền bán thế kỷ thứ VI. Năm nay số khấn sinh của Đan viện khá khiêm tốn: 1 thầy khấn trọng và 2 thầy khấn sơ khởi.

Về dự lễ có khỏang gần 300 khách bao gồm thân nhân, ân nhân và bạn hữu của các tân khấn sinh cũng như của Đan viện; trong đó một số nữ tu đại diện các cộng đoàn thuộc các hội dòng đang phục vụ tại hạt Đơn Dương và anh chị em giáo hữu ở lân cận nhà dòng.


Viện Phụ Maria Gioan Vianney chủ sự thánh lễ với nghi thức nhận lời khấn của các thành viên trong Đan viện. Cùng đồng tế với Viện Phụ Vianney có 20 linh mục thuộc cộng đoàn Đan Viện và một số cha khách trong hạt Đơn Dương.

Ngỏ lời với cộng đoàn phụng vụ trong phần đầu lễ, Viện Phụ giới thiệu sơ lược tiểu sử và con người thánh Biển Đức: Mặc dù sống xa chúng ta về địa lý cũng như lịch sử nhưng hành trình thực hiện ước muốn "chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa" của thánh nhân đã trở thành mẫu mực cho mọi người, đặc biệt các đan sĩ khắp nơi muốn tiếp bước theo lý tưởng ngài đã vạch ra. Trên thế giới suốt bao nhiêu thế kỷ, số các đan sĩ là môn sinh của ngài thuộc hai hội dòng Biển Đức và Xitô luôn duy trì ở mức khá phong phú. 


Trong bài giảng lễ và phần huấn từ các khấn sinh tiếp sau đó, Viện Phụ nhắn nhủ các khấn sinh một khi đã can đảm và quyết tâm bước thêm một bước nữa trong giai đoạn mới qua lời khấn dòng, các thầy cần noi gương thánh tổ phụ Biển Đức qua nếp sống đan tu một cách quảng đại hơn nữa. Từ việc nghe tiếng Chúa mời gọi, sẵn sàng đáp lại bằng cuộc sống dấn thân, để mưu cầu hạnh phúc nước trời, không chỉ cho riêng mình mà còn cho mọi người, là cả một nghệ thuật và cố gắng không ngừng. Vì đã quyết tâm bỏ lại tất cả để theo Chúa Kitô, các thầy sẽ cùng sống và cùng chết với các anh em của mình ngang qua tình huynh đệ cộng đoàn trong gia đình Đan viện. Các tân khấn sinh được mời gọi thêm can đảm để thực hiện "bước nhảy" một cách mạnh mẽ nếu muốn chiếm đọat được Thiên Chúa và hưởng phần thưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp. 


Niềm vui trong ngày thánh hiến toát lên không chỉ nơi các khấn sinh mà còn được nhân rộng ra mọi người tới chung chia niềm vui thánh thiêng trong thánh lễ khấn dòng hồng phúc. Mọi người rất cảm động khi chứng kiến nghi thức khấn dòng khép lại với việc đón nhận tân đan sĩ. Các cha anh đan sĩ trong cộng đoàn và Hội dòng rất đông đảo hân hoan tiến lên giữa gian cung thánh nguyện đường để trao hôn bình an người anh em vừa khấn trọng như một của cử chỉ của tình huynh đệ chân thành để đón nhận tân đan sĩ vào thành viên thực thụ của cộng đoàn đang lúc ca đoàn các thầy hát bài ca bác ái.


Thánh lễ kết thúc với kinh Te Deum - Tạ ơn Chúa sau đúng 2 giờ cử hành thật khoan thai và sốt sắng. Sau đó là tiệc mừng được tổ chức ở sân trước học viện Thần học.


Một ngày mùa hè thật đẹp trời và cũng là ngày hồng ân đặc biệt cho Đan Viện cũng như 3 tân khấn sinh: Với hồng ân tuyên khấn này ghi dấu đậm nét một giai đoạn mới của cuộc đời theo Chúa được diễn ra đúng trong năm thánh của Giáo Hội về đời sống thánh hiến.

Mai Thi

(VietCatholic News)

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PARAGUAY #10

LỄ TIỄN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
KẾT THÚC CHUYẾN TÔNG DU PARAGUAY 
CHẶNG CUỐI TRONG HÀNH TRÌNH TÔNG DU CHÂU MỸ LATINH

Bắt đầu lúc 18g45 giờ địa phương Chúa Nhật ngày 12.7.2015
 (05g45 giờ Việt Nam Thứ Hai ngày 13.7.2015)



VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PARAGUAY #9

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ GIỚI TRẺ
Ờ SÔNG COSTANERA

Bắt đầu lúc 16g50 giờ địa phương Chúa Nhật ngày 12.7.2015
(03g50 giờ Việt Nam Thứ Hai ngày 13.7.2015)

GIÁO PHẬN HƯNG HÓA VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG

GIÁO PHẬN HƯNG HÓA VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG
 
Đức Mẹ H'Mong
Năm 2015 này, Giáo Hội kỷ niệm 50 năm ban hành sắc lệnh truyền giáo “Ad Gentes” của công đồng Vatican II. Đây là dịp để toàn thể Giáo Hội nhìn lại việc thực thi sứ mệnh tối quan trọng này. Ủy ban Loan báo Tin Mừng thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Truyền giáo toàn quốc vào đầu tháng 9 năm 2015. Tại đại hội này, ngoài việc điểm lại thành quả 5 năm qua, xem xét hiện tình, đại hội sẽ đề ra phương hướng cho 5 năm tới.

Từ khi nhập cuộc tại giáo phận Hưng Hóa, tính đến nay đã gần hai năm, tôi học được nhiều điều nơi giáo phận rộng lớn nhất nước này (58.000 km2 trong 331.210 km2), địa bàn bao trùm 10 tỉnh thị miền Tây Bắc, giáo dân ít ỏi so với tổng số dân (235.000 giáo dân trên 6.500.000 người). Trong bài viết này, tôi muốn điểm qua những đặc trưng, những thách đố mà giáo phận này đang trải qua, cũng như hướng đi trong tương lai, đặc biệt về phương diện loan báo Tin Mừng.

1. Đặc trưng: 

 - Giáo phận Hưng Hóa là nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số nhất: 28 trên 54 dân tộc. Sự đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tập tục, làm cho giáo phận vùng Tây Bắc này thật phong phú, muôn màu muôn vẻ. Tại mỗi tỉnh, ta có thể gặp các dân tộc trong trang phục sặc sỡ khác nhau, thấy những nếp nhà đặc thù tùy theo sắc tộc. Ta cũng thấy sự hài hòa giữa nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống trên một mảnh đất. Thật là một vườn hoa đua nở.


- Giáo phận Hưng Hóa trải dài ở cả ba địa thế: đồng bằng, trung du và thượng du. Núi đồi chiếm nhiều diện tích hơn đồng ruộng. Thượng du với dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp ở Lào Cai, Lai Châu, cho ta cảm giác mình đang gần với thiên đàng ! Tại Sapa, ta có thể trèo lên “nóc nhà Đông Dương” để nhìn xuống từ độ cao trên 3.000 mét. Đến với Hà Giang, ta như mê hồn với cao nguyên đá Đồng Văn, với Cổng Trời và Cột cờ Lũng Cú. Tại Mù Cang Chải, ruộng bậc thang thu hút không biết bao nhiêu du khách mỗi năm. Qua miền trung du, ta lại được nhìn thấy bao la bạt ngàn đồi chè và cây cọ, cây quế, cây keo lá tràm. Xuống miền đồng bằng Bắc bộ, hai giòng sông Hồng và sông Đà uốn khúc giữa những cánh đồng trồng ngô lúa đậu xanh rì. Địa thế khác biệt đã tạo cho giáo phận Hưng Hóa một vẻ đẹp nên thơ, quyến rũ.

- Cái nôi của nền văn hóa và lịch sử Việt Nam cũng nằm trong giáo phận Hưng Hóa. Từ núi Tản Viên với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, đến làng cổ Đường Lâm, nơi còn tồn tại những căn nhà từ thế kỷ 17, 18, đồng thời là một làng mà có hai vua; từ đền Âu Cơ đến đền thờ Hai Bà Trưng, nổi bật nhất là Đền Hùng ở Phú Thọ. Giáo phận Hưng Hóa cũng là nơi đón nhận Tin Mừng khá sớm, do các thừa sai đi dọc sông Hồng để giảng đạo. Đây cũng là nơi có pháp trường Năm Mẫu mà chứng tá tử đạo vẫn còn sống động với những trang sử oai hùng của các thánh Cornay Tân, Néron Bắc, Schoeffler Đông, Phaolô Mỹ, Phêrô Đường, Phêrô Truật… 

2. Thách đố:

- Khi nhiều dân tộc cùng sống chung một mảnh đất nhưng ngôn ngữ, tập tục, bản sắc văn hóa lại khác nhau thì việc loan báo Tin Mừng cho họ quả là thách đố lớn. Cho đến nay, chỉ mới có bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng H’Mông do một thừa sai Pháp dịch từ lâu lắm rồi, bản dịch này cần phải nhuận chính lại vì có nhiều sai sót. Có những dân tộc thích sống trên núi cao, cách biệt với mọi dân tộc khác. Đến với họ không dễ dàng chút nào. Giáo xứ Mỹ Hưng (Yên Bái) có một họ đạo H’Mông tên là Làng Lao. Để đến với họ, phải đi bộ suốt từ sáng đến chiều tối, vì đường đi trắc trở, lên dốc xuống đồi… Việc loan báo Tin Mừng cho anh em dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn do hoàn cảnh, thời cuộc. Cho đến nay, tại giáo phận Hưng Hóa chỉ mới có người H’Mông và Mường theo đạo, con số cũng ít ỏi; còn các dân tộc khác chưa hề được nghe nói về Chúa suốt bao thế kỷ nay. Phải làm sao để đem Tin Mừng đến với họ đây ?

- Giáo phận Hưng Hóa hiện chỉ mới có 80 linh mục để lo cho 235.000 giáo dân. Địa bàn giáo phận rộng mênh mông, các linh mục phải đi xa, có khi trên 100 cây số để làm mục vụ. Giáo phận cần đến 100 linh mục nữa để phục vụ nhu cầu tôn giáo cho bà con. Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa là dòng của giáo phận, được thành lập vào năm 1943, và chỉ ít năm sau đã gặp sóng gió tơi bời, cho đến gần đây mới hồi sinh. Số nhân sự lo việc truyền giáo còn ít oi, làm sao đáp lại lệnh lên đường: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta ?” (Ys 6,8).

- Từ năm 1945, đạo Công Giáo tại giáo phận Hưng Hóa gặp vô vàn khó khăn. Đây là giáo phận bị mất toàn bộ cơ sở tòa giám mục, nhà chung, trường thử, nhà thờ chính tòa tại Hưng Hóa (nay là thị trấn thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Tòa giám mục phải dời về Sơn Tây cho đến nay. Việc đào tạo linh mục bị gián đoạn lâu năm. Giáo phận bị “trống tòa”, tức không có giám mục, trong hơn 11 năm.

- Do hoàn cảnh thời thế, kéo dài rất lâu, có nơi đến 50 năm không có linh mục chăm sóc mục vụ, nên rất nhiều tín hữu đã phai lạt đức tin hoặc đánh mất đức tin. Ước đoán con số tín hữu lơ là nguội lạnh phải trên trăm ngàn. Vì thế, công cuộc tái truyền giáo tại Hưng Hóa cũng bức thiết như công cuộc truyền giáo cho muôn dân.

- Thời gian gần đây, nhờ sinh hoạt tôn giáo có phần cởi mở, trong tổng số 115 giáo xứ và hơn 500 giáo họ trong toàn giáo phận rộ lên nhu cầu xây mới, sửa chữa, nới rộng nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ, nhà mục vụ…, nhưng giáo phận quá nghèo, khó có thể đáp ứng được tài chánh, đây cũng là một thách đố cho giáo phận. Nhiều nơi giáo dân dự lễ phải ngồi ngoài sân, nắng mưa, nóng lạnh đều khốn khổ, nhiều họ đạo chưa có nhà nguyện, phải mượn nhà giáo dân để họp nhau dâng lễ.

3. Hướng tới tương lai: 


Các em thiếu nhi ở Giàng La Pán
 - Giáo phận Hưng Hóa may mắn vẫn còn nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ. Hiện tại, giáo phận có trên 100 chủng sinh đang được đào tạo tại các chủng viện. Tuy nhiên, phải 10 năm nữa, số linh mục mới khả dĩ đáp ứng nhu cầu mục vụ. Hai giám mục giáo phận hết lòng xin các giáo phận tương trợ bằng cách “cho mượn” các linh mục trong thời hạn 5 năm; cũng như mời gọi các hội dòng gửi người đến làm việc trong cánh đồng truyền giáo bao la của giáo phận. Nhưng hiện tại, chỉ mới có một vài hội dòng đáp lại tiếng kêu mời thống thiết của giáo phận.

- Một trong những kế sách của giáo phận là quyết tâm loan báo Tin Mừng cho người dân tộc. Bốn cha Vinh Sơn đã tình nguyện đến ở các họ đạo thuần H’Mông. Cũng đã có một số chủng sinh và nữ tu H’Mông đang được đào tạo. Hiện nay mỗi kỳ hè, các chủng sinh giáo phận dành nửa tháng để học tiếng, nửa tháng sau đến các bản làng để tiếp xúc thực tế, nhờ đó gần gũi với anh em dân tộc này. Nhưng còn những dân tộc khác chưa được biết đến Tin Mừng, cả những người này cũng có quyền được trở nên con Chúa và Hội Thánh.

- Đọc lại các văn kiện của công đồng, nhất là sắc lệnh Truyền giáo và Tông đồ giáo dân, giáo phận thấy cần phải huấn luyện giáo dân tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Để làm việc này, người tín hữu cần được trang bị giáo lý cho vững vàng, điều mà do hoàn cảnh xã hội trước đây, đại đa số tín hữu không được học hỏi kỹ lưỡng. Tâm lý chung là chỉ mới giữ đạo cho mình, chưa tích cực dấn thân vào các hoạt động tông đồ. Các linh mục cũng mới chỉ lo mục vụ cho người đang giữ đạo chứ chưa lưu tâm đến người lơ là nguội lạnh. Trong chiều hướng đó, giáo phận đã đề ra kế hoạch thúc đẩy các linh mục làm mục vụ chiều sâu cho các tín hữu, và huấn luyện tông đồ giáo dân. Trung tâm mục vụ của giáo phận hàng năm tổ chức nhiều khóa đào tạo giáo lý viên và các hội đoàn Công Giáo tiến hành.

- Đạo Công Giáo trong bối cảnh xã hội tại Hưng Hóa vẫn như đang đứng bên lề, chưa hội nhập vào cuộc sống chung. Đạo vẫn còn xa lạ với rất nhiều đồng bào, chưa kể còn bị coi là thù nghịch. Người kitô hữu cần sống thế nào để mọi anh em lương dân có thể nhận ra cái đẹp, cái hay, cái đúng của đạo, nhờ đó kết tình thân ái và sánh bước với nhau.

- Ở góc nhìn lạc quan, việc loan báo Tin Mừng hay tân Phúc-Âm-hóa không phải là một điều vô vọng và không kết quả. Trong năm Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ, nhiều nơi trong giáo phận đã đề ra kế hoạch mỗi người có đạo kết thân với một người chưa biết đạo hay đang lơ là, mỗi gia đình Công Giáo kết thân với một gia đình chưa  biết Chúa hoặc đang nguội lạnh thờ ơ, và kết quả không phải là không đáng kể.

Trong dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc (cf. Mc 4,26-29), Chúa Giêsu đã gieo niềm hy vọng về sự phát triển Nước Trời tuy chậm mà chắc, âm thầm mà mạnh mẽ, không ồn ào mà hữu hiệu, chẳng gì có thể ngăn cản bước phát triển. Giáo phận Hưng Hóa là hình ảnh hạt lúa vùi trong thửa đất sỏi đá, mục nát và nay đang vươn lên, bất chấp mọi thách đố. Chúa mời gọi mọi người tham gia vào công trình của Ngài bằng sự cộng tác nhỏ bé, từ người giáo dân tầm thường, từ những đồng tiền ít ỏi như của bà góa. Phần còn lại, chính Chúa sẽ làm, bởi “đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Mt 21,42).

+Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa 
(VietCatholic News)