Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

GIÁO HOÀNG ĐƯỢC BẦU LÊN LÀ DO KẾT QUẢ CẦU NGUYỆN VÀ TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

VỊ GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI

Trong những ngày vừa qua biết bao bài viết phỏng đoán các Đức Hồng Y sẽ bầu một vị lên làm Giáo Hoàng từ Phi Châu, hoặc Á Châu, hoặc Bắc Mỹ hay Nam Mỹ. Có người lại bảo chắc lại là một vị từ Ý.

Nhưng ai sẽ được bầu?

Dù là vị nào được bầu cũng không phải là do ý muốn riêng của các Đức Hồng Y, nhưng chính Chúa Thánh Thần chọn qua các vị Hồng Y.

Chúng ta nhớ lại việc bầu chọn một người thay thế Giuđa: Thánh Phêrô (vị Giáo Hoàng tiên khởi đã được chính Chúa Giêsu chọn trong số 12 Tông Đồ) đã đứng lên trước khoảng 120 người đang họp mặt, và nói: Vậy trong số anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người dẫn đầu chúng ta, kể từ Phép Rửa của ông Gioan cho đến ngày Người rời bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi về cuộc Phục Sinh của Chúa.

Họ đã đề cử 2 người: Ông Giuse biệt danh là Bapsapa cũng gọi là Giustô và ông Matthia. Rồi họ cầu nguyện rằng: Lậy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người, xin Chúa chỉ cho thấy "CHÚA CHỌN AI TRONG HAI NGƯỜI NÀY ĐỂ NHẬN CHỖ TRONG SỨ VỤ TÔNG ĐỒ"; rồi họ rút thăm và ông Matthia trúng thăm, và ông được kể thêm vào số 11 Tông Đồ." (Xin xem sách Công Vụ Tông Đồ 1: 15-26).

Chúng ta cần lưu ý: việc đầu tiên là "Họ cầu nguyện" và đề cử 2 ông Giuse và Matthia, rồi cầu nguyện tiếp "Xin Chúa chỉ cho thấy Chúa chọn ai trong hai người này." Sau đó họ mới rút thăm và ông Matthia đã trúng thăm.

Vậy trong khi suy nghĩ và lo lắng ai sẽ là vị Giáo Hoàng sắp tới, chúng ta hãy hy sinh hãm mình và cầu nguyện nhiều, rồi phó thác mọi sự trong tay Chúa, vì Chúa an bài mọi sự theo Thánh ý Chúa.

Ngay cả việc Đức Thánh Cha Bênêđictô nghỉ hưu cũng là do Thánh Ý Chúa mà thôi. Sau những ngày lo lắng, buồn phiền về việc Ngài từ chức, rồi chúng ta cầu nguyện và bây giờ chúng ta đã lắng đọng tâm hồn, và nhận ra đó là Thánh ý Chúa. Vì tuổi già sức yếu, Ngài không còn đủ sức để gánh vác công việc thật nặng nề và quan trọng của Giáo Hội ngày nay, nên Ngài thật sự đã rất can đảm từ nhiệm, sau 600 năm mới lại xẩy ra việc một vị Giáo Hoàng từ chức.

Thứ nhất là vì Ngài đã gần 86 tuổi, lại phải đeo máy trợ tim, làm sao Ngài có thể chủ sự những Thánh Lễ Đại Trào dài có khi cả 3 tiếng đồng hồ. Thứ hai: Điều quan trọng hơn nữa là ngày nay các Đức Giáo Hoàng phải đi nhiều nơi trên thế giới để thăm viếng đoàn chiên của Chúa ở các nơi, mà bây giờ Ngài không còn có thể chu toàn nhiệm vụ quan trọng này vì sức đã mệt mỏi; nhất là cuộc du hành đến với Đại Hội giới trẻ sắp tới tại Ba Tây (Nam Mỹ), với tuổi già sức yếu như Ngài làm sao có thể đến chủ tọa; mà nếu Ngài không đến được thì là điều thật đáng tiếc. Vì vậy Ngài can đảm từ nhiệm để một vị thay thế Ngài có thể chu toàn bổn phận vừa khó khăn, vừa nặng nề của Đức Giáo Hoàng thời đại ngày nay.

Vậy chúng ta hãy dâng nhiều hy sinh hãm mình và cầu nguyện tạ ơn Chúa cho Đức Thánh Cha nghỉ hưu được cuộc sống an bình, thanh thản trong tuổi gìa, cầu cho cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng sắp tới, cho Giáo Hội trong hoàn cảnh hiện nay.

Lm. Anphong Trần Đức Phương
(VietCatholic News) 

CÁC HỒNG Y HỌP BÀN VỀ HIỆN TÌNH GIÁO HỘI TRƯỚC KHI VÀO MẬT VIỆN HỒNG Y BẦU GIÁO HOÀNG


VATICAN (CNS) – Các hồng y trên thế giới sẽ khởi sự hội họp ngày 4 tháng 3, và trong khi mọi người theo dõi đều chú tâm vào việc ai sẽ là vị giáo hoàng mới, họ có nhiều công việc phải làm.

Hồng y người Hondura Oscar Rodriguez Maradiaga
Hồng y người Hondura Oscar Rodriguez Maradiaga thuộc tổng giáo phận Tegucigalpa nói các buổi họp khoáng đại sẽ bắt đầu với công việc điều hành Giáo Hội trong thời gian không có giáo hoàng.

Trong khi các hồng y không phải thiết kế và ấn định một ngân sách cho việc ma chay – vì không phải lo cho sự băng hà của một giáo hoàng như các lần trước – vẫn còn có một ngân sách “trống tòa” (sede vacante) phải chuẩn y và việc phê chuẩn các con tem và tiền đồng để ghi nhớ việc “trống tòa”.

Trong các buổi họp khoáng đại, các hồng y lựa chọn ngày khởi sự mật nghị, nhưng theo phát ngôn viên Tòa Thánh thì điều này sẽ không xẩy ra vào ngày đầu tiên.

Hồng Y Rodriguez Maradiaga nói với Catholic News Service ngày 1 tháng 3: Các hồng y cũng sẽ bắt đầu cùng nhau xem xét kỹ lưỡng các quy luật của mật nghị và thể thức bầu một giáo hoàng mới. Họ mời các chuyên gia về luật Giáo Hội cùng tham dự và cố vấn họ về một vài điểm chưa được rõ hay cần phải thảo luận.

Ngài nói, chỉ khi nào họ đã lo xong các công việc thực tiễn, họ mới bắt đầu thảo luận các thách đố chính giáo hội đang phải đối phó.

Ngài nói: Năm 2005, họ có những thảo luận đại cương, rồi chia thành các nhóm nhỏ, theo đại lục, “để chúng tôi có thể xác định các thách đố rõ ràng hơn” tại mỗi điạ phương. “Tôi tin là chúng tôi cũng sẽ làm như vậy lần này.”

Được hỏi là sẽ có những buổi họp kín trong các phòng riêng và các phòng ăn trước mật nghị hay không, ngài nói: “Đây chỉ là các câu chuyện đồn thổi. Tôi chưa bao giờ tham dự những buổi họp như vậy trong các mật nghị trước đây. Việc bầu một giáo hoàng khác với việc bầu lên một ứng cử viên của một đảng chính trị rất nhiều. Chúng tôi, thay vì nghĩ về các ứng viên, chúng tôi chỉ nghĩ về thách đố chính, các vấn đề chính, và sau đó cố gắng suy nghĩ trong cầu nguyện, xem ai là người thích nghi nhất để đối phó với các thách đố và sẽ cố gắng để giúp đỡ giáo hội".

Ngày sau khi Đức Benedict tuyên bố từ nhiệm, hồng y nói: tất cả các thánh lễ tại tổng giáo phận Tegucigalpa bắt đầu bằng một kinh nguyện về việc bầu tân giáo hoàng. “Và dĩ nhiên, kinh nguyện của tôi đều hướng về Chúa Thánh Thần, xin được soi sáng và có trí khôn ngoan” trong khi chuẩn bị cho mật nghị.

Ngài nói: Một khi đã vào mật nghị, “sẽ có rất nhiều tên” các ứng viên được đưa ra. “Nhưng với thời gian. Chúng tôi cố gắng chú tâm, đặc biệt vào thách đố chính của Giáo Hội và ai là người có thể đáp ứng vói các thách đố này.”

Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga, 70 tuổi, nói: các hồng y cần phải xem xét tuổi tác của các ứng viên, nhưng điều này không có nghĩa là yếu tố quyết định” vì biết rằng từ nay đã có một tiền lệ về việc thoái vị, thì vị giáo hoàng kế nhiệm sẽ không buộc phải phục vụ cho đến chết; và có thể phục vụ một số năm rồi về hưu. Tại sao lại không?"

Hồng y nói có thể là các bạn cử tri của ngài sẽ quyết định nhìn ra bên ngoài Âu Châu để tìm một giáo hoàng mới, “nhưng không phải là vấn để quốc tịch hay nơi sanh trưởng, mà là các vấn đề chính của giáo hội và người nào có thể giải đáp, bất kể đến nơi sanh của người ấy."

Ngài nói: "Nhưng, dĩ nhiên, giáo hội đang bành trướng mạnh mẽ trên đại lục Mỹ Châu. Chúng tôi có đa số người Công Giáo trên thế giới, và đây là một yếu tố đáng phải chú tâm. Á Châu là một thách đố lớn và là một chân trời lớn vì có trên một phần ba dân số của toàn cầu và con số người Công Giáo lại ít nhất, do đó trên khía cạnh truyền giáo, Á Châu rất quan trọng. Phi Châu đang phát triển mạnh mẽ và bành trướng về con số người Công GIáo".

Ngài nói: Tất cả các vấn đề của các điạ phương thuộc về sứ mệnh mục vụ hoàn vũ của tân giáo hoàng.

Ngài nói: Giáo Hội là một cơ cấu siêu việt, thần linh và thiêng liêng bao gồm các con người, và sống giữa trần thế, có nghĩa là “vấn đề chính của giáo hội là làm sao để loan truyền sứ điệp của Thiên Chúa,” nhất là trong các nền văn hóa hiện đại đang loại bỏ hay từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa.

Ngài nói: Tất các các vấn đề khác giáo hội và nhân loại phải đối phó đều xuất phát từ vấn đề này. Khi con người từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa, “Làm sao có thể rao giảng các nguyên lý về đạo đức?"

Hồng Y Rodriguez Maradiaga nói rằng, theo kinh nghiệm bản thân và ngành chuyên môn của ngài về tâm lý con người, ngài biết là các nỗ lực sử dụng các nhãn hiệu “cấp tiến” và “bảo thủ” để định nghĩa và phân loai các hồng y đều không đúng và chỉ nói lên nhiều về những ai gán cho họ những nhãn hiệu ấy, hơn là về chính các hồng y.

Hồng y nói: ngài đã bị một số người đề quyết ngài là một thần học gia cấp tiến, trong khi nhiều người khác lại cho là ngài quá bảo thủ.

Ngái nói: "Điều quan trọng nhất là đức tin của vị hồng y này ra sao. Đức tin là yếu tố quan trọng nhất trong đời sống của một hồng y, và dĩ nhiên là của một vị khả dĩ là một hồng y.”

Khi bầu tân giáo hoang, hồng y người Hondura nói: ngài sẽ tìm “một vị có đức tin vững mạnh, biết yêu thương, và có một trái tim rộng lớn để thấu hiểu, nhất là về những đau khổ của nhân loại ngày nay và hiểu rằng chúng ta chỉ là những đầy tớ thay vì những bậc vua chúa."

Bùi Hữu Thư
(VietCatholic News)

CƠ HỘI CÓ MỘT VỊ GIÁO HOÀNG NGƯỜI PHI CHÂU : ĐỨC HỒNG Y TURKSON CỦA GHANA

Những cơ hội cuả Hồng Y Turkson

Đức Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson của Ghana có bao nhiêu hy vọng trở thành vị Giáo Hoàng Phi châu đầu tiên ?

Câu trả lời là Không có, chắc chắn là không !

Không phải vì Ngài sẽ không được bầu, nhưng vì Giáo Hội đã từng có nhiều giáo hoàng từ châu Phi: Thánh Victor I là vị Giaó Hoàng Phi Châu đầu tiên trị vì 1.824 năm trước. Thánh Militiades và thánh Gelasius I, cũng là những giáo hoàng gốc châu Phi, thuộc sắc dân du mục Berber, trị vì trong các thế kỷ thứ 4 và thứ 5.

Cho nên nếu được bầu, ngài sẽ là vị giáo hoàng Phi Châu thứ 4 cuả giáo hội Công Giáo, không phải là vị đầu tiên, hay nói cách khác sẽ là một người da đen đầu tiên ngự trên Ngai Toà Thánh Phêrô sau 1600 năm vắng bóng.

Niềm hy vọng Hồng Y Turkson sẽ trở thành giáo hoàng trở thành sôi động vì nhiều lý do: (1) Hiện có khoảng một nửa trong số 1,2 tỷ người Công giáo sống ở phiá Nam Địa cầu. (2) Đã từng có những nhân vật lãnh đạo tên tuổi da đen thành công như cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, cũng là người Ghana. (3) Đã 'Suýt' có một giáo hoàng da đen trong cuộc Mật Nghị năm 2005 là HY Arinze cuả Nigeria và (4) mới đây Hoa Kỳ cũng có một tổng thống da đen, Barack Obama.

Hồng Y Turkson được coi là một ứng viên hàng đầu, và với số tuổi 64, ngài được xem như có cơ hội lớn hơn so với các ứng viên lớn tuổi khác để tiếp nối truyền thống của Đức Gioan Phaolô II và Benedict XVI, là truyền thống bảo thủ ở những vùng mà đạo Công giáo đã tăng trưởng nhanh, tức là ở những quốc gia đang phát triển.

Hiện là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. HY Turkson có một danh tiếng lẫy lừng trong giới hàn lâm về bộ môn 'tôn giáo học'. Ngài là vị hồng y duy nhất có tiến sĩ về Kinh Thánh, từng là giáo sư và phó hiệu trưởng cuả các chủng viện và là Chưởng ấn của một Trường Đại học Công giáo.

Về kinh nghiệm mục vụ, ngài đã cai quản một tổng giáo phận quan trọng, Cape Coast, và là Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công giáo Ghana trước khi được gọi đến Roma phục vụ trong Giáo triều.

Ngài thông thạo nhiều thứ tiếng, Anh, Pháp, Ý, Đức, Do Thái, các cổ ngữ Latin và Hy Lạp, đó là chưa kể tiếng Fante cuả Ghana và nhiều thứ tiếng bản địa khác cuả các bộ lạc quanh vùng.

Thân thế sự nghiệp.

HY Turkson sinh năm 1948 ở Nsuta-Wassaw, một làng nhỏ khai thác mỏ ở khu vực phía tây của Ghana, mẹ cuả ngài theo đạo tin lành Methodist, cha là Công giáo, có một ông chú theo đạo Hồi. Cha ngài làm nghề thợ mộc 'rong', mẹ bán rau ở chợ lộ thiên. Ngài là người con thứ tư trong một gia đình mười người con.

Học 6 cấp tiểu học ở một ngôi trường nghèo cuả giáo xứ, trong một căn phòng rộng, các lớp cách biệt nhau do sự sắp xếp bàn ghế đối lưng vào nhau.

Việc HY Turkson quyết định đi tu đã làm cho cả nhà bị lên cơn 'sốc' vì ngài từng nổi danh là một 'tên tinh nghịch nhất nhà'. Tuy nhiên, với một quyết tâm vững bền ngài đã vượt qua được tiểu chủng viện thánh Teresa của giáo phận và đi lên đại Chủng viện St Peter ở Cape Coast, và rồi được du học ở đại chủng viện St Anthony Hudson ở New York, Hoa Kỳ. Ở đây ngài kết thúc hai văn bằng thạc sĩ về tôn giáo học và thần học (Theology and Divinity) trong năm 1974.

Sau khi chịu chức linh mục vào năm 1975, HY Turkson về làm 'cha giáo' tại Tiểu Chủng viện St Teresa 2 năm, rồi lại đi du học ở Viện Giáo hoàng về Kinh Thánh ở Roma, lấy chứng chỉ Kinh Thánh vào năm 1980. Ngài về nước và trở thành phó giám đốc Đại Chủng Viện St Peter đồng thời lo giúp việc mục vụ cho một giáo xứ bên cạnh chủng viện. 7 năm sau, từ 1987 đến 1992, ngài lại sang Roma nghiên cứu luận án tiến sĩ Kinh Thánh tại Học Viện Giáo Hoàng về Kinh Thánh.

Năm 1992, HY Turkson được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Cape Coast. Ngài trở thành Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công giáo Ghana từ 1997 đến 2005, và trở thành Chưởng ấn cuả Đại học Catholic College của Ghana từ năm 2003.

Đức Gioan Phaolô II đã ban tước Hồng Y cho ngài năm 2003, trở thành vị hồng y đầu tiên của Ghana. Ngài đã tham gia cuộc Mật Nghị bầu Giáo Hoàng Benedict XVI năm 2005. Trong dịp đó, ngài đã được tờ báo The Tablet, một tạp chí Công giáo ở London, mô tả là "một trong những nhà lãnh đạo giáo hội châu Phi giàu năng lực nhất".

Phục vụ Giáo triều (Curia)

Năm 2009, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm HY Turkson làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Trong giáo triều Rôma, HY Turkson còn đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như là thành viên của Thánh Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích, Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo, Ủy ban Giáo hoàng về Di sản Văn hóa của Giáo Hội, và Ủy ban Giáo hoàng cho các kỳ Đại hội Thánh Thể quốc tế. Năm 2010 Đức Giáo Hoàng Benedict bổ nhiệm ngài là thành viên của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, rồi năm 2012 vừa qua, ngài được bổ nhiệm thêm nhiệm vụ là thành viên của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo.

Công việc tại Roma, HY Turkson được mời tham dự không chỉ là những phiên họp của các ủy ban được tổ chức hàng năm, nhưng cũng còn tham dự 'nhiều vô kể' các cuộc họp thường trong năm.

Lập trường Xã hội

Mọi giới công giáo ở Ghana đều nồng nhiệt ủng hộ các lập trường xã hội có tính cách 'cấp tiến' của HY Turkson, nhưng những người 'cấp tiến' không hy vọng ngài sẽ định hướng giáo hội một cách quyết liệt trên những vấn đề như phá thai và ngừa thai.

Năm 2009, ngài tái khẳng định việc giảng dạy cuả giáo hội Công giáo về ngừa thai, ủng hộ lập trường cuả Đức Giáo Hoàng Benedict XVI là bao cao su không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng AIDS ở châu Phi.

Tuy HY Turkson không loại trừ việc sử dụng bao cao su trong mọi tình huống, cho rằng nó có thể hữu ích cho một cặp vợ chồng muốn duy trì cuộc sống hôn nhân mà người phối ngẫu đã bị nhiễm. Ngài không quên cảnh báo rằng, vì chất lượng kém của bao cao su ở châu Phi, việc sử dụng có thể đưa người ta vào một sự tự tin sai lầm. Ngài chủ trương chìa khóa để chống nạn dịch là tiết chế, trung thành và kiềm chế tình dục khi bị nhiễm bệnh. Ngài tin rằng dùng số tiền chi tiêu cho bao cao su để cung cấp thuốc kháng virus cho những người đã bị nhiễm thì hiệu quả hơn.

Lý tưởng Công Bằng Kinh Tế.

Phản ứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008, HY Turkson, cùng với Giám Mục Mario Toso, Tổng Thư Ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, xây dựng một đề xuất cải cách hệ thống tài chính quốc tế bằng cách cổ võ có một "cơ quan công quyền toàn cầu" và một "ngân hàng trung ương thế giới" để xem xét lại sự điều hành tài chính đã trở nên lỗi thời và thường không hiệu quả trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng một cách công bằng, nhất là làm thiệt hại cho các nước đang phát triển.

Tài liệu 40 trang mang tên"Hướng tới Cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế trong bối cảnh của một cơ quan công quyền toàn cầu" đã được chính thức ra mắt tháng 10 năm 2011, lên án cái gọi là "thờ thần tượng của thị trường" cũng như "tư duy tân tự do", chỉ nhìn tới các giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề kinh tế. "Trong thực tế, cuộc khủng hoảng đã tiết lộ những hành vi tham lam ích kỷ tập thể, và đầu cơ tích trữ trên một quy mô rộng lớn,"

Tài liệu đề nghị một số biện pháp cụ thể, như đánh thuế trên các giao dịch tài chính. Nhưng cũng đề ra một căn bản đạo đức cần có để hướng dẫn các hoạt động kinh tế: "Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính cuả thế giới đòi hỏi tất cả mọi người, cá nhân cũng như dân tộc, phải kiểm tra lại độ sâu cuả các nguyên tắc và các giá trị văn hóa và đạo đức dựa trên cơ sở cuộc sống chung của xã hội". Nói cách khác nền kinh tế thế giới cần có một "đạo đức phục vụ cho tình đoàn kết" giữa các quốc gia giàu và nghèo.

Năm 2011, ngài được mời làm diễn giả chính cho toàn thể hội nghị Công Giáo Mục Vụ Xã Hội (the 2011 Catholic Social Ministry Gathering) tại Washington DC với chủ đề "Thúc đẩy một nền kinh tế Công Bằng để bảo vệ cuộc sống và phẩm giá con người", được tài trợ bởi 19 tổ chức Công giáo và Hội đồng Giám Mục Công giáo Hoa Kỳ.

Phản ánh kinh nghiệm đối thoại với cử toạ Hoa Kỳ, HY Turkson cho biết ngài học được rằng những từ ngữ như "Công Lý" và "Hoà Bình" của Giáo Hội cần phải được làm cho rõ nghĩa với khán giả Công giáo Mỹ. Những thuật ngữ được sử dụng bởi Vatican - như "công bằng xã hội" và "tặng phẩm" - không luôn luôn được hiểu như ý định cuả Vatican, ngài nói. "Chúng tôi phát hiện ra rằng một số từ ngữ mà chúng tôi sử dụng một cách tự nhiên có thể không phải lúc nào cũng có một ý nghiã tương tự hoặc có thể đã có một số sắc thái khác biệt vì các thuật ngữ đó được sử dụng một cách khác trong bối cảnh chính trị cuả Hoa Kỳ".

Lập trường về Đồng tính luyến ái

Vào năm 2012, phản ứng lại bài phát biểu của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các Giáo hội cần phải làm nhiều hơn cho nhân quyền, đặc biệt là quyền LGBT (đồng tính luyến ái) ở châu Phi, HY Turkson cho rằng những tố cáo về một số hình thức xử phạt đối với những người đồng tính ở châu Phi có thể đã bị "phóng đại", ngài cho rằng cường độ của các vụ xử phạt có lẽ là tương xứng với truyền thống sẵn có cuả các dân tộc Châu Phi.

Ngài chủ trương cần phải dung hoà giữa quyền cá nhân và quyền cuả văn hoá: "Trong khi kêu gọi tôn trọng các quyền (cá nhân), chúng ta cũng cần kêu gọi phải tôn trọng văn hóa, cuả tất cả mọi dân tộc", ngài nói. "Vì vậy, nếu kết án một sự kỳ thị, thì theo lẽ công bằng, cũng phải tìm hiểu lý do tại sao có sự kỳ thị ấy". Ngài kêu gọi phải có sự phân định rõ ràng thế nào là nhân quyền và thế nào là đạo đức.

Về những bê bối tình dục

Trong tháng 2 năm 2013, HY Turkson tuyên bố rằng những vụ bê bối tình dục trẻ em cuả các giáo sĩ sẽ không lây lan sang châu Phi theo một tỷ lệ đáng kể. Ngài cho rằng "các truyền thống sẵn có cuả châu Phi bảo vệ người dân khỏi bị tai hoạ này"... "Những nền văn hóa ở châu Phi không tán thành việc đồng tính luyến ái hay bất kỳ mối quan hệ sinh lý nào giữa hai người cùng giới tính".

Thất bại đi tìm hoà bình

Năm 2011, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã gửi HY Turkson làm trung gian cuả Vatican đi tìm một giải pháp ngoại giao phi quân sự cho cuộc xung đột ở Bờ Biển Ngà (Ivory Coast). Thời sự ở đây trở nên đẫm máu mau chóng và HY Turkson đã không đến Ivory Coast được sau khi chờ đợi 4 ngày ròng rã tại phi trường Accra (Ghana).

"Khi chúng tôi đến Tây Phi, thì tình hình trở nên xấu đi... vì vậy tôi chờ đợi để xem liệu tình hình có thay đổi không. Nhưng không. Tôi cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc... Nhưng Liên Hiệp Quốc ngần ngại không muốn nhân viên cuả họ phải dấn thân vào một tình huống nguy hiểm, nơi có xung đột và các tay súng bắn tỉa bắn bất cứ ai ", ngài giải thích.

Trong khi tìm kiếm một cách vô vọng con đường đi vào Ivory Coast, Đức Hồng Y Turkson đã thường xuyên tìm hiểu tình hình bằng cách nói chuyện điện thoại với Sứ thần Tòa Thánh và các giám mục ở đó.

Mặc dù tổng thống bị chống đối Laurent Gbagbo là người Công giáo và đối thủ là Tổng thống đắc cử Alassane Ouattara là một người Hồi giáo, Đức Hồng Y Turkson kết luận rẳng tôn giáo không đóng một vai trò trong cuộc xung đột.

"Nói rằng đây là một cuộc xung đột giữa Kitô hữu và người Hồi giáo thì không chính xác... Tôi được biết có đông người Công giáo ở phía bên Ouattara... tôn giáo đóng một vai trò rất nhỏ," ngài nói.

Một vụ hớ

Tháng 10 năm 2012, HY Turkson tạo ra một tranh cãi và bị phê bình là gieo hoang mang sợ hãi tại một hội nghị quốc tế cuả các giám mục khi ngài trình chiếu một video YouTube được gọi là "Hồi giáo Nhân khẩu học". Cuốn video mô tả sự trỗi dậy của Hồi giáo ở châu Âu trong đó có những lời tuyên bố như: "Chỉ trong vòng 39 năm, nước Pháp sẽ là một nước cộng hòa Hồi giáo".

Ngài đã xin lỗi, nhưng cái hớ có thể khiến ngài mất một cơ hội trở thành giáo hoàng. Ngay cả Đài phát thanh Vatican cũng gọi bộ phim là "đã cũ 4 năm rồi, gieo rắc sự sợ hãi và trình bày các thống kê đã bị bác bỏ (debunked.)"

Nhắc lại Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng đã từng bị người Hồi giáo giận dữ sau một bài giảng năm 2006 tại trường đại học cũ của mình là Regensburg, trong đó ngài đã đề cập đến một thời lịch sử mà một nhân vật đã phê bình về tiên tri Muhammad là "chỉ có cái ác và sự bất nhân".

Nhân cách HY Turkson: Một ngôi sao truyền hình, "người của người dân" và một linh mục "thánh thiện"

Hình ảnh bình dân cuả HY Turkson tại vùng Tây Phi được phát triển mạnh mẽ nhờ ở sự xuất hiện thường xuyên trên truyền hình của ngài, đặc biệt là trên chương trình phát sóng hàng tuần vào mỗi buổi sáng thứ bảy cuả kênh TV cuả nhà nước Ghana.

Ngài đã duy trì một mối quan hệ chặt chẽ với quê nhà trong khi thi hành nhiệm vụ tại Vatican. Theo TGM Gabriel Charles Palmer-Buckle cuả tổng giáo phận Accra thì "Ngài về nhà mỗi khi nhiệm vụ cho phép. Ngài từng là Chủ tịch Hội đồng quốc gia hòa bình, là người trong hội đồng quản trị của trường đại học của chúng tôi - và là một hồng y người Ghana".

Linh mục Emmanuel Abbeyquaye, trợ lý tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Công giáo Ghana, từng được Hồng Y Turkson cố vấn 3 tháng trước khi chịu chức, chia sẻ như sau:

"Khi bạn được ở gần Đức Hồng Y Turkson, bạn bị tấn công bởi một hào quang của sự thánh thiện xung quanh ngài. Ngài là một người của Thiên Chúa. Chúng tôi thường họp với ngài vào buổi tối và cùng nhau cầu nguyện rồi đi ngủ nhưng ngài vẫn ở lại đó, " Cha Abbeyquaye giải thích." Ngài thường dành một hay hai giờ với Thiên Chúa trước khi đi ngủ. Rồi, khi bạn thức dậy lúc 5 giờ sáng và đến nhà thờ thì đã thấy ngài đang cầu nguyện ở đó rồi. "

Linh mục Stephen Domelevo cuả văn phòng truyền thông Công giáo Ghana cũng cho biết: "Đức Hồng Y Turkson là một người tuyệt vời, rất bình dân và khiêm nhường. Ngài sống đơn giản, và làm cho mọi người quanh mình cảm thấy thoải mái. Ngài giải thích Kinh Thánh trong một cách mà mọi người thực sự hiểu. Ngài nói nhiều ngôn ngữ địa phương cũng như các ngôn ngữ châu Âu, và sử dụng các câu chuyện cười và hài hước để thực sự truyền đạt thông điệp cuả mình cho người khác. Ngài có một nét nhân bản (human touch)"

Ông Dan Jide, nhân viên liên lạc cuả Ban Thư ký Công giáo Ghana, cho rằng sự khiêm nhường có thể giúp Hồng y làm bạn với mọi người trên toàn thế giới.

"Tôi đón ngài tại sân bay trong một lần ngài ghé thăm Accra. Và tôi đưa ngài đi qua ngã dành cho những thượng khách (VIP) nhưng ngài nói, 'Dan, tại sao chúng ta không đi qua ngõ kiểm soát thông thường?' Ngài rõ ràng là một người bình dân. Chúng tôi cùng cười, cùng chia sẻ những câu chuyện vui. Rất bình thường, " Jide kể lại với một vẻ trầm ngâm.

Là Petrus Romanus (Peter the Roman) vị giáo hoàng cuối cùng?

Trước cơ hội HY Turkson có nhiều triển vọng làm giáo hoàng, một số người đã lo sợ rằng vì tên thánh cuả ngài là 'Peter' cho nên ngài có thể là 'Petrus Romanus' (Phêrô người xứ Roma) vị giáo hoàng cuối cùng như đã miêu tả trong lời tiên tri cuả thánh Malachy. Xin xem Vị Giáo Hoàng cuối cùng hay Khởi đầu Kỷ Nguyên Mới? Nguyễn Đức Sách 2/17/2013

Không rõ ngoài việc có tên thánh là Peter, người ta đã liên hệ thế nào về việc một người da đen sinh ra ở Ghana mà lại có thể là người Roma được nhỉ?

Bàn về vần đề này thì không bao giờ hết, nó cũng giống như người ta bàn về 'Sấm Trạng Trình' hay là về 'Nostradamus' vậy. Cho là Đúng cũng có chút lý lẽ mà cho là Sai cũng không thiếu bằng cớ. Cho nên nói chuyện với đầu gối thì vẫn tốt hơn.

Nhưng hãy cứ cho lời tiên tri là chính xác (Xin xem note *), ĐGH Benedicto XVI chính là vị GH số 111 ở cuối bảng danh sách, thì vị giáo hoàng 'cuối cùng' vẫn không nhất thiết phải là vị có số 112 tiếp theo sau.

Lời 'tiên tri' chỉ đánh số có 111 giáo hoàng mà thôi, không đánh số vị cuối cùng là 112. Tên Petrus Romanus chỉ được đề cập đến trong câu kết luận nằm ở ngoài bảng danh sách khi mô tả đến vị GH cuối cùng trong tương lai. Vì Petrus Romanus không có số thứ tự cho nên chúng ta có thể hiểu từ số chót '111' cho tới vị 'cuối cùng' này có thể có hàng trăm vị giáo hoàng khác.

Cảm tưởng của HY Turkson về việc trở thành ứng viên giáo hoàng

Trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press bên trong văn phòng Vatican, HY Turkson cho biết "các giáo hội trẻ" của châu Phi và châu Á đã trở thành vững chắc đủ, đã sản xuất được "các giáo sĩ trưởng thành và các giám mục có khả năng lãnh nhận các vai trò lãnh đạo của tổ chức thế giới."

Và "nếu Đức Chúa Trời muốn nhìn thấy một người da đen làm giáo hoàng, thì xin cảm tạ Chúa".

Ngài cho biết "một Giáo Hoàng từ Phi Châu đã từng là một 'sự có thể' trong Mật Nghị năm 2005 khi hồng y đoàn dồn một số phiếu đáng kể cho HY Francis Arinze. Năm nay vì HY Arinze đã quá tuổi không còn tham dự Mật Nghị nữa cho nên là lẽ tự nhiên người ta nghĩ tới một 'ứng viên' thay thế khác cũng từ Phi Châu".

Ngài nói thêm rằng người Công giáo trong thế giới đang phát triển không cần phải có một vị giáo hoàng từ khu vực của họ để phát triển mạnh hơn. Họ đã làm rất tốt, vẫn phát triển theo cấp số nhân dưới triều các giáo hoàng người Âu. Nhưng một giáo hoàng từ miền Nam điạ cầu sẽ "đi một chặng đường dài để củng cố quyết tâm của họ."

Có người nghĩ rằng sự kiện ngài hổ hởi bàn về chức vụ giáo hoàng với báo chí, mặc dù ngài không có ý mong mỏi trở thành giáo hoàng, sẽ là một điểm đen trước mắt các vị Hồng Y khác.

Hơn nữa mới đây, đã có những người 'vô danh' dán áp phích khắp đường phố để 'tranh cử' cho Ngài. Một cách 'tranh cử lộ liễu' như vậy thường bị coi là 'thối tha' và thường sẽ 'làm bể' cơ hội cuả một vị hồng y. Người ta nghĩ đây có thể là một âm mưu cuả những người muốn mưu hại ngài hơn là cuả những người thực tình ủng hộ ngài.

Ngài sẽ có thể trở thành một trường hợp "vị nào đi vào Mật Nghị giống như một giáo hoàng thì khi ra vẫn là một hồng y" không? chúng ta phải chờ xem.

Note *

1- Về lời tiên tri cuả thánh Malachy là có thật hay không, mọi sử gia đều kết luận là giả mạo vì không hề có một bằng cớ nào, dù là lời đồn đãi, trong hơn 400 năm kể từ thời thánh Malachy (1094–1148) cho tới khi cuốn sách Lignum Vitae xuất bản (1595).

2- Tất cả những lời tiên tri đã xảy ra chính xác cho những sự việc quá khứ trước ngày xuất bản cuả cuốn sách, đúng được 94% (có 75 GH, thì mô tả đúng 'trực tiếp' tới 71 vị.) Nhưng từ khi xuất bản cho tới nay, tức là những việc 'vị lai' cuả cuốn sách, có 36 giáo hoàng, thì phải cố gắng lắm mới 'gián tiếp' gán ghép được một sự liên hệ gần xa nào đó cho 12 vị mà thôi, nghiã là, với hy vọng tối đa, xác xuất chỉ đạt được 33%.

-Những ví dụ mộ tả về quá khứ: Mô tả DGH Celestine II là 'Ex castro Tyberis' (Từ lâu đài trên sông Tiber), quả thật vị GH đã sinh ra trong lâu đài Citta di Castello, Toscany, trên bờ sông Tiber; Mô tả DGH Lucius III là 'Lux in ostio' (ánh sáng từ cửa), quả thật tên hiệu cuả ngài là Lucius (= Lux) và ngài làm Hồng Y ở Ostia (=ostio)

-Những ví dụ gán ghép cho những sự kiện 'vị lai': Mô tả DHG Clement X là ''De flumine magno' (Từ sông cái), tuy GH Clement không sinh ra gần sông hoặc làm việc bên sông, nhưng, ngài sinh trong muà con sông Tiber ở xa đang dâng nước tràn bờ. Mô tả DGH Benedicto XIII là 'Miles in bello' (Chiến binh xông pha trận mạc), trong thời cuả ngài không có chiến tranh nhưng có thể vì ngài đã chống lại những thói hư tật xấu cuả thời đại đó.

3 - Việc mô tả vị giáo hoàng thứ 111 'Gloria Olivae' (Ngành Oliu vinh quang) có đúng cho đức Benedicto XVI không? Có vẻ là không: đức Benedicto không đi tu dòng Cây Dầu cho nên không thể gọi ngài là 'Olivian' được (Olivian là một nhánh cuả dòng Benedicto), khi chấp nhận sự đề cử trước Hồng Y đoàn, ngài công bố tên hiệu cuả ngài là để vinh danh đức GH Benedicto XV là người đã cố gắng xây dựng Hoà Bình (chứ không phải để vinh danh thánh Benedicto đấng sáng lập dòng Benedicto) và triều đại cuả ngài đã gặp nhiều khó khăn hơn là vinh quang.


Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C 03-3-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật III mùa Chay năm C 03-3-2013.
Cha khách dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa (Chúa Nhật đầu tháng).
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C (Lc 13, 1-9)


Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

KHẮP NƯỚC ĐỨC DÂNG THÁNH LỄ TẠ ƠN


Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã chính thức từ nhiệm vào tối 28.02.2013 lúc 20g. Ngôi tòa Phêrô đang trống ngôi. Thế giới hiện giờ không có Giáo Hoàng. Đấng kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô đã đi vào lịch sử và triều đại Giáo Hoàng Bênêđictô XVI kết thúc.
Người Đức cách đây tám năm hân hoan tự hào với tựa đề "Chúng ta là Giáo Hoàng", thì hôm nay tít báo đã phải ghi thêm của thời quá khứ "Chúng ta đã là Giáo Hoàng".

Khắp nước Đức cùng dâng các Thánh Tễ Tạ Ơn vào chiều thứ năm, 28.02.2013 lúc 18g để cầu nguyện cho việc kết thúc triều đại Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Thí dụ như ở nhà thờ chính tòa Münchner Liebfrauendom với Đức Cha Bernhard Haßlberger, nhà thờ chính tòa Eichstätter Dom với Đức Cha Gregor Maria Hanke, nhà thờ chính tòa Bamberger Dom với Đức TGM Ludwig Schick, nhà thờ chính tòa Hoher Dom zu Regensburg với Đức Cha Rudolf Voderholzer, nhà thờ chính tòa Domkirche Hamburg với Đức TGM Werner Thissen, nhà thờ chính tòa Köln với Đức Hồng Y Joachim Meisner, v.v… Và Thánh Lễ Tạ Ơn do Hội Đồng Giám Mục Đức tổ chức tại thủ đô Berlin với sự chủ tọa của Đức TGM Robert Zollich bên cạnh Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki (TGM Berlin) cũng như Sứ Thần Tòa Thánh Jean-Claude Périsset. Tham dự với đông đảo giáo dân tại nhà thờ chính tòa Berlin có sự hiện diện của chính quyền Đức gồm có Nữ thủ tướng Angela Merkel, Phó thủ tướng Philipp Rösler, Chủ tịch quốc hội Norbert Lammert và gồm nhiều thành viên bộ trưởng trong nội các chính phủ. Thánh lễ tại thủ đô Berlin đã được truyền hình trực tiếp qua kênh Phoenix.
 
Đức Tổng Giám Mục Zollitsch, chủ tịch HĐGM Đức ca ngợi ĐGH Bênêđictô XVI như là một tôi tớ "luôn trung thành như một người hiếm có - thật đơn giản chỉ vì Ngài vẫn trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm của Chúa." Trong tám năm triều đại Giáo Hoàng, ĐGH Bênêđictô XVI đặc biệt muốn kết hợp đức tin và lý trí với nhau: "Trong ĐGH Bênêđictô XVI chúng ta gặp gỡ một nhà giảng thuyết tài năng, một học giả uyên thâm và thuyết phục, một nhân chứng của Tin Mừng, một người xây dựng không mệt mỏi của các cầu nối giữa khoa học và đức tin sống động".

Đức Cha Zollitsch nhắc nhở trong bài giảng của mình về những thách thức lớn của thế giới trong Thế Kỷ 21 đối với chức vụ Giáo Hoàng. ĐGH Bênêđictô XVI đã tìm thấy trên ngôi Tòa Phêrô trong một thời đại đã được đánh dấu bởi nhiều biến động lớn trong xã hội, sự phát triển khoa học và kỹ thuật tột bậc, nhưng mặt khác họ bỏ mặc đề cao tình gia đình nhân loại. Rất quan trọng cho Đức Giáo Hoàng là luôn luôn hành động như một "người làm việc khiêm tốn trong vườn nho của Chúa", người tôi tớ do Chúa Kitô dẫn dắt và thực hiện. ĐGH Bênêđictô XVI là một nhà thần học lừng danh, luôn luôn được ghi đậm bởi Công Đồng Vatican II.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki nói trong lời chào mừng: ĐGH Bênêđictô XVI là người "dẫn chúng tôi đến các nguồn của đức tin". Thông điệp ngài luôn gửi đến cho nhân loại trong "những chuyến Tông Du của mình và trong các cuộc gặp mặt với những người trên khắp thế giới để loan báo những Tin Mừng của một Thiên Chúa rất gần gũi và yêu thương."

Sự hiện diện của những người đứng đầu chính phủ Đức ở thủ đô Berlin trong Thánh Lễ Tạ Ơn nói lên lòng kính trọng và biết ơn đến ĐGH Bênêđictô XVI, như Nữ thủ tướng Angela Merkel đã bày tỏ trong ngày ĐGH loan báo việc từ chức: "Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và vẫn là một trong những nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại nhất của thời đại chúng ta." Điều không thể nào quên đối với TT Merkel về cuộc nói chuyện của Đức Giáo Hoàng tại quốc hội Đức trong chuyến thăm mục vụ của ngài đến Đức vào tháng 9 năm 2011: "Những lời phát biểu của ĐGH Bênêđictô XVI sẽ tiếp tục đồng hành với tôi trong một thời gian dài nữa".

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News)

VATICAN TRONG NGÀY THỨ NHẤT TRỐNG NGÔI GIÁO HOÀNG

Buổi trưa ngày thứ Sáu 1 tháng Ba, tại Vatican đã diễn ra cuộc họp báo do cha Federico Lombardi Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh chủ toạ có sự tăng cường thêm của cha Thomas Rosica, C.S.B. là linh mục người Canada, Giám Đốc mạng lưới truyền hình Salt + Light để giúp vào việc phiên dịch sang Anh ngữ cho một đội ngũ ký giả hùng hậu đang săn tin tại Vatican.

Cha Federico Lombardi cho biết là Đức Hồng Y Niên Trưởng Angelo Sodano đã gởi thư mời các vị Hồng Y đến Vatican để dự buổi họp chung tại Hội Trường mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lúc 9 giờ sáng ngày thứ Hai 4 tháng Ba. Hiện nay, Giáo Hội có 207 vị Hồng Y trong đó có 117 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng. Tất cả 207 vị đều được mời tham dự buổi họp chung. Cho đến thời điểm hiện nay đã có 146 vị Hồng Y về đến Rôma. 144 vị đã được gặp Đức Thánh Cha trong buổi sáng thứ Năm 28 tháng Hai.

Buổi chiều ngày thứ Hai 4 tháng Ba, lúc 5h chiều dự kiến sẽ có một cuộc họp nữa của Hồng Y Đoàn. Tuy nhiên, cha Thomas Rosica lưu ý các ký giả là không nên trông đợi là trong ngày thứ Hai sẽ có quyết định về ngày khai mạc Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Có nhiều việc các Hồng Y phải thảo luận chẳng hạn như tình hình tổng quát của Giáo Hội trên thế giới, những khó khăn và thách đố đang chờ đợi triều Giáo Hoàng sắp tới... Tất cả những vấn đề như thế cần phải được thảo luận rộng rãi trước khi tiến hành bầu Giáo Hoàng.

Được hỏi về sinh hoạt của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, cha Thomas Rosica cho biết: “Sáng nay chúng tôi có nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein. Ngài cho biết là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã ngủ ngon trong đêm thứ Năm 28 tháng Hai”.

Trong những ngày sau khi tuyên bố thoái vị Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thường chơi đàn piano về đêm, có lẽ để giảm những căng thẳng. Tuy nhiên, buổi tối thứ Năm ngài đã xem hai chương trình tin tức của hai đài truyền hình Ý và đọc những thiệp của các nơi gởi đến cho ngài.

Lúc 7 sáng thứ Sáu 1 tháng Ba, như thường lệ, ngài đã dâng thánh lễ cùng với Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein trong nhà nguyện riêng của biệt điện Castel Gandolfo, sau đó đọc các tài liệu về nghiên cứu thần học.

Lúc 4 giờ chiều, ngài lần chuỗi Mân Côi với Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein như thường lệ.

Trong cuộc họp báo cha Lombardi cũng giới thiệu con tem mới của Tòa Thánh trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng - Sede Vancante.
 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

VATICAN LÚC 8 GIỜ TỐI NGÀY 28.02.2013

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

NÓI CHUYỆN CÕI TRÊN

Dân Hai Lúa chúng tôi thường không thích nói chuyện cõi trên. Chuyện thường nhật của Hai Lúa là đồng ruộng, thuốc sâu, thuốc rầy, gạo nàng tiên, gạo tám thơm hay trâu bò, cày bừa… Má tôi có đời sống đạo đức thực tiển hơn nên bà thường hay nhắc nhở chúng tôi là: Làm chuyện đó hay nói chuyện đó có ích gì cho phần rỗi linh hồn hay không?

Chuyện cõi trên là chuyện xa xôi, đồng nghĩa với chuyện trên mây. Như trong những ngày nầy người ta bàn tán xôn xao về việc đức đương kim Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI thoái vị và đoán xem ai sẽ là Đức Giáo Hoàng tương lai? Đúng là chuyện cõi trên, xa xôi và không ích gì cho phần rỗi linh hồn mình? Chắc chắn nhiều bậc trí thức sẽ phản đối, vì theo họ đó là chuyện sống đạo của người Công Giáo có hiểu biết, có trách nhiệm với Giáo Hội và có ích cho phần rỗi linh hồn. Thôi thì mỗi người một lập trường, một hướng sống đạo, miễn sao ngày sau gặp nhau ở cõi trên là được.

Tôi cũng bị lây chuyện trí thức cõi trên nầy. Hàng ngày sống trong nhà chung, gần với nhiều người ở cõi trên và sắp về cõi trên. Nên tôi cũng hay bàn những chuyện không ích lợi gì cho phần rỗi linh hồn của tôi. Giả dụ như chuyện Đức Giáo Hoàng tương lai là người nước nào? Có hy vọng sẽ có một Giáo Hoàng người Mỹ không?

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo dài hơn 2000 năm, tôi thấy liệt kê tất cả tên 265 Giáo Hoàng tính từ Thánh Phêrô, được coi là Giáo Hoàng tiên khởi cho đến Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI vừa từ nhiệm. Đúng ra chỉ nên tính 263 vị thôi vì Đức Giáo Hoàng Bênêdictô IX làm Giáo Hoàng tới ba lần: Lần đầu từ năm 1032-1045. Lần thứ hai chỉ trong năm 1045 và lần thứ ba từ 1047-1048. Trong số nầy có 206 vị người Ý; 15 vị người Pháp; 13 vị người Hy Lạp; 8 vị người Đức… vị chi là 242 vị… Thiểu số còn lại, tức 23 vị, chia cho mỗi nước 1 vài vị như 5 vị người Syria, 3 vị người Phi Châu, 3 vị người Tây Ban Nha, hai vị người Gallia (Cực Nam của Nước Pháp) … Không thấy một vị nào từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ hay Á Châu bao giờ. Tại sao?

Tại vì Hồng y đoàn đa số là người Ý. Bằng chứng là hiện tại tổng số Hồng y còn sống trên toàn thế giới là 207 vị, trong số nầy có 49 vị là người Ý. Hiện tại Công nghị Hồng Y gồm 117 vị, tức những vị còn trong hạn tuổi 80, có thể bầu Giáo Hoàng, trong số nầy có 29 vị người Ý(Báo chí nói chỉ có 25, nhưng tôi đếm từng tên được 29) Như vậy Hồng Y người Ý trong hạn tuổi được bầu Giáo Hoàng vẫn chiếm 34%. Đang khi đó, Hồng Y người Mỹ có tất cả 21 vị, nhưng chỉ có 10 vị trong hạn tuổi được bầu Giáo Hoàng. Tỷ lệ 11.7% thôi.

Tin giờ chót, tính đến hôm nay, ngày 27 tháng 2.2013 chỉ còn 115 Hồng Y sẽ vào Công Nghị bầu Giáo Hoàng. Hồng Y Julius Riyadi Darmaatmadja, 78 tuổi, Tổng Giám Mục về hưu của Jakarta tuyên bố không đi Rôma, vì nhãn quan quá kém. Hồng Y Keith O’Brien, Anh Quốc từ chối đi Rôma bầu tân Giáo Hoàng. Trong số 115 vị Hồng y vào Công Nghị bầu Giáo Hoàang có 60 Hồng Y Châu Âu; 19 Hồng Y Châu Mỹ Latinh; 14 Hồng y Bắc Mỹ; 11 Hồng Y Phi Châu và 1 Hồng Y thuộc Châu Đại Dương, tức Australia, Hồng Y George Pell, Hồng Y Tổng Giám Mục Sydney. Nếu bình thường hay vẫn giữ truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, thì vị Tân Giáo Hoàng cũng sẽ đến từ Âu Châu. Vì có những 60 Hồng Y trong công nghị là người Âu Châu.

Như vậy không có nhiều Giáo Hoàng ở các nước ngoài nước Ý, vì Hồng Y đoàn phần nhiều là người Ý. Cũng không có Giáo Hoàng từ các châu khác vì số Hồng Y Âu Châu bao giờ cũng chiếm đa số, như lần nầy, số Hồng Y Âu Châu chiếm hơn phân nửa tổng số cử tri, tức 60/115. Như vậy trong Giáo Hội cũng có sự không công bằng hay kỳ thị chăng? Giáo Hội trần thế chắc chắn khó thoát khỏi vấn đề nầy. Ít nhiều cũng có! Ai cũng thấy vậy, nên mới cầu cho Chúa Thánh Thần đến “sửa lại mọi sự trong ngoài” là vậy. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề cõi trên tôi đang nói.

Chuyện cõi trên là: Có hy vọng gì để có một Giáo Hoàng người Mỹ hay ít là người Bắc Mỹ như nhiều người mong ước không? Hiện tại báo chí trên thế giới đang nêu danh 10 hồng Y có hy vọng được bầu làm Giáo Hoàng, trong số nầy có hai Hồng Y từ Bắc Mỹ Châu: Hồng Y Timothy Dolan, Hồng Y Tổng Giám Mục New York và Hồng Y Marc Ouellet, nguyên tổng Giám Mục Quebec và hiện đang là Bộ Trưởng Bộ Giám Mục.

Ngày 12.2.2013 khi báo chí phao tin rằng: Hồng Y Timothy Dolan rất có thể được chọn làm Giáo Hoàng. Hồng Y Dolan đặt vấn đề rằng: Giáo Hội Công Giáo thật sự có cần Giáo Hoàng phải là người Mỹ không? Ngài trả lời: Không cần. Tuy nhiên, dư luận và báo chí cho rằng Hồng Y Timothy Dolan nói thế vì Ngài sẽ không có phiếu trong việc chọn tân Giáo Hoàng. Lý do: Ngài đã quyết định trả cho vài linh mục $20,000, để họ đồng ý từ bỏ đời sống linh mục hơn là phải đưa ra toà án dân sự vì tội ấu dâm, Ngài sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Cũng hôm nay, ngày 27.2.2013 tư vấn của Đức Giáo Hoàng, Đức Ông Anthony Figueredo cũng trả lời phỏng vấn xem có hy vọng có một Giáo Hoàng người Mỹ không? Ngài trả lời: Rất hy vọng! Thật ra, không khó để nói “rất hy vọng!” vì qui chế bầu Giáo Hoàng luôn cho mọi nam giới đã rửa tội công giáo và có đời sống đạo đức tốt đều có thể được bầu làm Giáo Hoàng. Điều nầy đã được đề cập trong Tông Hiến UNIVERSI DOMINICI GREGIS, số 83, 88, 89, và 90 được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22.2.1996. Tuy nhiên lịch sử cho thấy là Đức Giáo Hoàng Urbanô VI năm 1378 là vị Giáo Hoàng sau cùng được chọn ngoài Hồng Y Đoàn. Cũng như Đức Giáo Hoàng Leo X, năm 1513 khi được chọn, Ngài chưa là linh mục.

Người ta cũng đề cập đến tỷ lệ người Công Giáo ở các Châu Lục để nuôi hy vọng là sẽ có một Giáo Hoàng ngoài Âu Châu. Tổng số Công Giáo trên toàn thế giới là một tỉ 200 triệu. Trong số nầy, Châu Mỹ Latinh có 483 triệu tức 41.3%; Âu Châu có 227 triệu, chiếm 23.7%; Phi Châu có 177 triệu, chiếm 15.2%; Á Châu có 137 triệu, chiếm 11.7%; Bắc Mỹ Châu có 85 triệu, chiếm 7.3% và Châu Đại Dương có 9 triệu, chiếm 0.8%. Thống kê cho thấy rằng: Số người Công Giáo cũng như số giáo sĩ Công Giáo ở Âu Châu càng ngày càng giảm. Đang khi đó, số tăng đáng kể ở Phi Châu và Á Châu. Cũng có những nhà bình luận nhiều lạc quan cho rằng: Không hy vọng có lại Giáo Hoàng người Ý, vì đại đa số Hồng Y người Ý, nhất là trong 10 vị mới được chọn dù là người Ý, nhưng rất ít vị là Tổng Giám Mục, đại đa số chỉ là viên chức Vatican thôi. Phẩm vị hồng y như là một tưởng thưởng cho công khó phục vụ Giáo triều Roma của các Ngài. Đây cũng là một giải thích đầy an ủi và mang hy vọng. Có người tiên đoán lạc quan rằng: Trong tương lai, nếu Hồng Y được chọn theo dân số Công Giáo thì sẽ có Giáo Hoàng từ Bắc Mỹ hay từ Châu Mỹ Latinh hay từ Phi Châu và Á Châu. Nhưng trên thực tế, việc chọn Hồng Y là quyền dành riêng cho Giáo Hoàng. Trong hai Giáo Hoàng vừa qua, Gioan Phaolô II và Bênêdictô XVI số Hồng Y người Ý và Âu Châu vẫn đông, dù có tăng số Hồng Y các nước.

Kinh nghiệm của Hai Lúa trong sinh hoạt Giáo Hội:

Hiện tại chúng ta có ba Giám Mục người Việt Nam ở Mỹ, Canada và Úc. Lý do: dân số Công Giáo Việt Nam đông ở những nơi có Giám Mục phụ tá người Việt Nam nói trên. Điều nầy không sai. Tuy nhiên, chúng ta phải nói là: Nhờ những Đấng có quyền nhận ra số đông người Việt Nam hay nhận ra nhu cầu cần một Giám Mục không là dân bản xứ. Những Đấng có quyền nầy phải thật sự đạo đức và nhìn thấy ích lợi cho Giáo Hội, cho đoàn chiên Chúa hơn là chuyện hẹp hòi địa phương. Ai cũng phải thầm khen và thán phục là các Ngài thức thời, tức thấy cần phải thay đổi và những người nầy dù không là Mỹ, không là Canada, không là Úc nhưng có khả năng làm Giám Mục không thua Mỹ, Canada hay Úc.

Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong lịch sử cũng phải gánh chịu thương đau vì việc kém thức thời nầy hay không muốn thức thời nầy. Các thừa sai sang Việt Nam truyền đạo từ năm 1533. Đạo Công Giáo phát triển mạnh, dân số Công Giáo tăng nhanh, người tử vì đạo đếm không xuể.. nhưng mãi đến ngày 11.6.1933 mới có Giám Mục Việt Nam tiên khởi, Đức Cha GB. Nguyễn bá Tòng. Rồi mãi đến 24.11.1960 mới thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, các Giáo Phận ở Việt Nam từ hiệu toà mới thành chánh toà. Suốt 400 năm Giáo Hội Việt Nam như một em bé bú nhờ sữa mẹ là Giáo Hội Pháp hay Âu Châu…Suốt 400 năm, người ta không nghĩ là người Việt Nam biết làm Giám Mục hay có khả năng làm Giám Mục. Nên cần phải duy trì Giám Mục người Pháp cũng như cần duy Giáo Hội VN là một xứ truyền giáo lệ thuộc Toà Thánh hoàn toàn.

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô rất thức thời. Ngài thoái vị, một hành động thật “thiên thời, địa lợi và nhân hoà”. Ngài thật dũng cảm nhận rằng mình không còn đáp ứng với sự thay đổi quá nhanh chóng của thế giới. Ngài thật sự yêu mến Giáo Hội và muốn phúc lợi cho Giáo Hội với vị tân Giáo Hoàng. Rất có thể và rất có hy vọng về một Giáo Hoàng đến từ Bắc Mỹ hay từ Châu Mỹ Latinh hay từ Phi Châu hay từ Á Châu thay vì Âu Châu….. nếu 115 Hồng Y trong Công Nghị bầu Giáo Hoàng biết thức thời và biết nhận ra rằng: Không phải chỉ người Ý hay người Âu châu mới biết làm Giáo Hoàng, nhưng nhiều người da đen, da vàng hay da ngâm ngâm.. rất có khả năng cáng đáng vai trò Giáo Hoàng. Xin hãy thức thời, hãy mở mắt mà nhận rằng: nhiều linh mục, nhiều Giám Mục, nhiều tu sĩ nam nữ và nhiều chuyên viên kinh tế chính trị không sinh ra và lớn lên từ Âu Châu, nhưng có khả năng làm việc hơn cả người Âu Châu.

Chữ Hán, ngôn ngữ tượng hình và chuyên chở ý nghĩa rất hay. Chữ NHÂN là hình một con người dứng dạng chân và giang tay. NHÂN là người đầu đội trời và chân đạp đất. NHÂN là người hướng về cõi trên, nhưng chạm đất, và có cảm nghiệm thực sự cuộc sống ở cõi trần. Xin Chúa Thánh Thần ban cho có nhiều NHÂN trong công nghị Hồng Y sẽ diễn ra trong ít ngày gần đây. Amen

Hai Lúa.
(VietCatholic News)

GIÁO PHẬN BẮC NINH TRUYỀN CHỨC LINH MỤC

Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục
tại Giáo Phận Bắc Ninh

BẮC NINH ngày 28/02/2013: Khí hậu Miền Bắc phần nào rất phù hợp với bầu khí của Mùa Chay. Tiết trời mùa này nhiều mây, trời có vẻ u ám và mưa nhè nhẹ… Tuy nhiên ngày hôm nay bầu trời như không tuân theo quy luật tự nhiên đó. Ngay từ sáng sớm trời quang, ít mây, trời hừng sáng như báo trước một ngày mới với một thời tiết tốt đẹp. Phải chăng bầu trời cũng hòa cùng với tâm tình của mọi người con giáo phận Bắc Ninh! Phải chăng bầu trời như báo trước một niềm hy vọng tốt đẹp của Giáo hội nói chung và của giáo phận Bắc Ninh nói riêng!

 
Từ sáng sớm, mọi người từ mọi ngả miền của Giáo phận tiến về Tòa Giám Mục. Đúng 09h 45 trong tiếng nhạc kèn trầm hùng, đoàn rước gồm đông đảo các linh mục từ các giáo phận, cùng với Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám Mục Bắc Ninh; Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám Mục Thanh Hóa tiến vào nhà thờ Chính Tòa. 

 
Trước khi bước vào Thánh Lễ, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt giới thiệu và chúc mừng 3 Thầy tiến lên chức linh mục:

1. Thầy Giuse Hoàng Văn Thập, sinh ngày 20.10.1977 tại giáo xứ Nhã Lộng

2. Thầy Giuse Nguyễn Văn Trường, sinh ngày 03.03.1974 tại giáo xứ Nhã Lộng

3. Thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Tuân, sinh ngày 15.10.1981 tại giáo xứ Trung Xuân
 
 
 
 (giapphanbacninh.org)

NHỮNG GIÂY PHÚT ĐẦU TIÊN TRỐNG TÒA PHÊRÔ

WHĐ (01.03.2013) – Đúng 20g ngày 28-02 (giờ Roma), Giáo hội bắt đầu sống trong tình trạng “Trống Tòa”. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI chính thức rời Tòa Phêrô, trở thành “Nguyên giáo hoàng”.

Trước đó, gần 17g, ngài rời Vatican với sự tháp tùng của Đức hồng y Vallini, Giám quản Roma, và Đức hồng y Comastri, Giám quản Vatican. Hai đội vệ binh Thụy Sĩ đứng dàn chào. Đức hồng y Quốc vụ khanh Bertone và các cộng sự viên đón ĐTC rời Điện Vatican. Đông đảo quan chức và nhân viên làm việc tại Vatican đến chào từ biệt ĐTC.

Tiếp đến, ĐTC và Đức TGM Georg Gänswein, Tổng quản Tư dinh Giáo hoàng, lên xe đến sân đáp trực thăng của thành phố. Tại đây, ĐHY niên trưởng Sodano nghênh đón ĐTC. Lúc đoàn xe chở ĐTC và các vị tháp tùng rời Điện Vatican, chuông Vương cung Thánh đường Vatican và các nhà thờ trong thành phố Roma đồng loạt đổ hồi.

Sau khi bay qua Roma, Coliseum và Lateran, đúng 17g25, trực thăng chở ĐTC đáp xuống Castel Gandolfo. Tại đây, ĐHY Bertello, Thủ hiến Vatican và Đức ông Tổng thư ký Sciacca, ông Petrillo, Giám đốc các biệt điện Giáo hoàng, Đức cha Semeraro, giám mục Albano, và các viên chức chính quyền địa phương nghênh đón ĐTC.

ĐTC đã gặp đông đảo tín hữu và khách hành hương đến chào ngài. ĐTC ngỏ lời: “Cảm ơn anh chị em đã tỏ lòng quý mến đối với tôi. Anh chị em biết, hôm này là ngày đặc biệt với tôi, khác mọi ngày trước đây. Tôi không còn là Đức giáo hoàng. Nói một cách chính xác, sau 8 giờ tối, tôi không còn làm giáo hoàng nữa. Tôi chỉ là một người hành hương đang đi trên chặng cuối của hành trình trần thế. Với tấm lòng và trọn vẹn tình yêu của mình, với cầu nguyện, suy tư và hết sức lực nội tâm, tôi mong được làm việc phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh và nhân loại. Tôi thấy mình đã được anh chị em hết lòng nâng đỡ. Nào, có Chúa cùng đi, chúng ta hãy tiến bước vì lợi ích của Giáo hội và thế giới”.

Sau đó, ĐTC ban phép lành cho mọi người hiện diện.

Đúng 20g, triều đại giáo hoàng Bênêđictô XVI kết thúc.

Vào giây phút đó, đội Vệ binh Tòa Thánh chuyển sang nhiệm vụ bảo vệ Hồng y đoàn. Tài khoản Twitter của Đức Bênêđictô XVI ngưng hoạt động. Nhẫn ngư phủ và ấn triện của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI không còn giá trị pháp lý và các phòng làm việc của Đức giáo hoàng được ĐHY Nhiếp chính niêm phong.

Tình trạng “Trống Tòa” của Giáo hội bắt đầu.
 
Thành Thi
(WHĐ)

ĐI VÀO LỊCH SỬ TRONG MỘT LÀN SÓNG MẾN YÊU : NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Từ cửa sổ 'lâu đài muà hè' Castel Gandolfo, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tuyên bố những lời cuối cùng cuả triều đại giáo hoàng cuả Ngài lúc 6:30 chiều trước một đám đông khoảng 1000 cư dân trong vùng như sau:

Các bạn thân mến, tôi rất vui được ở cùng các bạn, được bao quanh bởi vẻ đẹp của công trình sáng tạo (cuả Thiên Chúa) và những lời cầu chúc cuả các bạn làm cho tôi phấn khởi. Xin cảm ơn tình bạn hữu và tình thương yêu của các bạn dành cho tôi. Các bạn hẳn biết với tôi thì ngày này là khác nhiều so với những ngày trước: Tôi không còn là Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo, hoặc tôi sẽ chỉ còn là (giáo hoàng) đến 8 giờ tối nay rồi sau đó không còn nữa.

Tôi chỉ đơn giản là một người hành hương bắt đầu những bước chân cuối cùng của cuộc hành hương của mình trên trái đất này. Nhưng tôi sẽ vẫn... cảm ơn các bạn... Tôi sẽ vẫn, với trái tim tôi, với tình yêu của tôi, với lời cầu nguyện của tôi, với sự chiêm nghiệm của tôi, và với tất cả sức mạnh nội tâm của tôi, thích làm việc vì lợi ích của Giáo Hội và của nhân loại. Tôi cảm thấy rất được hỗ trợ bởi sự thương mến của các bạn.

Những hình ảnh cuối cùng tại Vatican
 
Chúng ta hãy đi tiếp với Chúa vì lợi ích của Giáo Hội và thế giới. Cảm ơn quí bạn, bây giờ tôi ban phép lành của tôi với hết cả tấm lòng. Chúc tụng Thiên Chúa toàn năng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúc ngủ ngon! Cảm ơn tất cả các bạn!

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

NGÀY CUỐI CÙNG TRONG TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI

VATICAN - Lúc 11 giờ sáng 28-2-2013 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gặp 144 Hồng Y hiện diện tại Roma trong phòng Clemente để chào từ biệt các vị.

Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y Đoàn nói: ”Trong sự rúng động lớn lao các Hồng Y hiện diện tại Roma vây quanh Đức Thánh Cha hôm nay, để bầy tỏ một lần nữa sự trìu mến sâu xa và lòng biết ơn đối với chứng tá hy sinh phục vụ tông đồ của Đức Thánh Cha, vì thiện ích cho Giáo Hội của Chúa Kitô và của toàn nhân loại.

Thứ bẩy vừa qua, vào cuối tuần tĩnh tâm tại Vaticăng Đức thánh Cha đã muốn cám ơn các cộng sự viên của các Cơ quan trung ương Tòa Thánh, khi dùng những lời cảm động sau đây: ”Các bạn thân mến, tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn không phải chỉ vì tuần này, mà vì tám năm này, trong đó các bạn đã cùng tôi vác gánh nặng của sứ vụ Phêrô, với khả năng chuyên môn, lòng trìu mến, tình yêu thương và đức tin”.

Kính thưa Người Kế Vị Thánh Phêrô kính yêu, chúng con phải cám ơn Đức Thánh Cha vì gương sáng Ngài đã cho chúng con trong tám năm Triều đại giáo hoàng của ngài. Ngày 19 tháng 4 năm 2005 Đức Thánh Cha đã được tháp nhập vào danh sách dài các Người Kế Vị Thánh Phêrô và hôm nay 28 tháng 2 năm 2013 Đức Thánh Cha sắp rời bỏ chúng con, trong khi chờ đợi bánh lái của con thuyền Giáo Hội được trao vào bàn tay khác. Và như thế sẽ tiếp nối việc kế vị tông đồ, mà Chúa đã hứa cho Giáo Hội thánh thiện của Người, cho tới khi sẽ nghe được tiếng của Thiên Thần sách Khải Huyền công bố: ”Thời gian không còn nữa: mầu nhiệm của Thiên Chúa đã hoàn tất” (Kh 10,6-7). Lịch sử Giáo Hội sẽ kết thúc mhư thế cùng với lịch sử thế giới, với biến cố trời mới đất mới đến.

Thưa Đức Thánh Cha, với tình yêu thương sâu xa chúng con đã tìm cách đồng hành với Đức thánh Cha trên Con đường của ngài, bằng cách sống lại kinh nghiệm của các môn đệ làng Emmaus. Sau khi cùng đi với Chúa Giêsu một đoạn đường dài, các vị nói với nhau: ”Con tim của chúng ta đã không bừng cháy lên, khi Người nói với chúng ta dọc đường sao?” (Lc 24,32).

Vâng, kính thưa Đức Thánh Cha, xin ngài cũng biết cho rằng con tim của chúng con cũng đã bừng cháy lên khi chúng con cùng đi với Đức thánh Cha trong tám năm qua. Hôm nay chúng con muốn một lần nữa bầy tỏ tất cả lòng tri ân của chúng con đối với Đức Thánh Cha. Chúng con xin cùng nhau lập lại với Đức Thánh Cha một kiểu bầy tỏ đặc thù nơi quê sinh của Đức Thánh Cha: ”Vergelt's Gott”, xin Thiên Chúa thưởng công cho Đức Thánh Cha”.

Ngỏ lời với các Hồng Y Đức Thánh Cha cám ơn Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã luôn luôn nói lên các tâm tình của toàn Hồng Y Đoàn một cách ”Con tim với con tim”. Quy chiếu về câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus, Đức Thánh Cha nói: ”Đối với tôi cũng thế, đã là một niềm vui lớn lao cùng đi với anh em trong các năm này dưới ánh sáng sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Như tôi đã nói trước hàng ngàn tín hữu đầy quảng trường thánh Phêrô, sự gần gũi và lời cố vấn của anh em đã trợ giúp tôi rất nhiều trong sứ vụ của tôi. Trong 8 năm qua chúng ta đã sống với đức tin những lúc rất đẹp đầy ánh sáng rạng rỡ trên con đường của Giáo Hội cùng với những lúc, trong đó có vài đám mây dầy đặc trên trời. Chúng ta đã tìm cách phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội Người với tình yêu thương sâu xa và hoàn toàn, là linh hồn sứ vụ của chúng ta. Chúng ta đã trao ban hy vọng, niềm hy vọng đến với chúng ta từ Chúa Kitô, và chỉ có nó có thể soi dẫn đường đi. Chúng ta có thể cùng nhau cảm tạ Chúa, là Đấng đã làm cho chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông, cùng nhau cầu xin Người trợ giúp anh em lớn lên hơn nữa trong sự hiệp nhất sâu xa này, để Hồng Y Đoàn giống như một dàn nhạc, trong đó các khác biệt, diễn tả Giáo Hội đại đồng, luôn luôn cùng quy hướng về sự hòa hợp cao hơn. Tôi muốn để lại cho anh em một tư tưởng đơn sơ mà tôi rất thích, một tư tưởng về Giáo Hội, về mầu nhiệm của Giáo Hội, tạo thành lý do và nỗi đam mê của cuộc sống, có thể nói vậy, đối với tất cả chúng ta.”

Đức Thánh Cha đã mượn một tư tưởng mà thần học gia Romano Guardini đã viết trong cuốn sách cuối cùng với lời đề tặng ngài, và ngài đặc biệt ưa thích cuốn sách đó. Romano Guardini viết: ”Giáo Hội không phải là cơ cấu được nghĩ ra và xây dựng trên bàn giấy, nhưng là một thực tại sống động. Như mọi sinh vật, Giáo Hội sống dọc dài thời gian trở thành, bằng cách biến đổi mình, tuy trong bản chất nó vẫn luôn luôn là thế. Trái tim của Giáo Hội là Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha nói thêm trong lời từ biệt các Hồng Y: ”Đó xem ra đã là kinh nghiệm của chúng ta hôm qua, tai quảng trường thánh Phêrô. Nhìn thấy rằng Giáo Hội là một thân thể sống động, được Chúa Thánh Thần linh hoạt và sống một cách thực sự bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Giáo Hội ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Nó là của Thiên Chúa, của Chúa Kitô, của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã thấy hôm qua. Vì thế một kiểu diễn tả nổi tiếng khác nữa của thần học gia Guardini cũng thật hùng hồn: đó là ”Giáo Hội thức tỉnh nơi các tâm hồn”. Giáo Hội sống, lớn lên, và thức tỉnh trong các tâm hồn, và cũng như Đức Trinh Nữ Maria họ tiếp nhận Lời Chúa và thụ thai bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Họ hiến dâng cho Thiên Chúa thịt xác mình, và trong sự nghèo nàn và khiêm tốn họ trở thành những người có khả năng sinh ra Chúa Kitô mỗi ngày trong thế gian. Qua Giáo Hội mầu nhiệm Nhập Thể luôn mãi hiện diện. Chúa Kitô tiếp tục bước đi qua thời gian trong tất cả mọi nơi. Anh em thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất trong mầu nhiệm này, trong lời cầu nguyện, một cách đặc biệt trong Thánh Thể hằng ngày, và như thế chúng ta phục vụ Giáo Hội và toàn nhân loại. Đó là niềm vui của chúng ta, mà không ai có thế lấy mất được.

Trước khi chào anh em từng người một tôi ước mong nói với anh em rằng tôi sẽ tiếp tục gần gũi anh em với lời cầu nguyện, đặc biệt trong các ngày sắp tới, để anh em tràn đầy ngoan ngoãn đối với hành động của Chúa Thánh Thần trong việc bầu Đức Tân Giáo Hoàng. Xin Chúa chỉ cho anh em thấy người được Chúa muốn. Và giữa anh em, giữa Hồng Y Đoàn có một Giáo Hoàng tương lai, mà ngay từ hôm nay tôi hứa kính trọng và vâng phục. Vì tất cả những điều này, với lòng trìu mến và biết ơn, tôi hết lòng ban phép lành tòa thánh cho anh em.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã bắt tay từ giã từng Hồng Y một, trong sự cảm động và luyến tiếc của mọi người.

Lúc 5 giờ chiều 28-2-2013 Đức Thánh Cha đã lấy trực thăng đi Castel Gandolfo, cách Roma 30 cây số. Trong sân Damaso toàn Vệ Binh Thụy Sĩ trong lễ phục đứng giàn hàng chào danh dự. Hai bên là các Đức Ông, các tu sĩ nam nữ và giáo đân làm việc trong thành Vaticăng. Tiễn chân Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, và Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Xe chở Đức Thánh Cha đến bãi đậu của trực thăng ở góc cao nhất của đồi Vaticăng. Khi trực thăng cất cánh chuông đền thờ thánh Phêrô và các nhà thờ toàn giáo phận Roma đã đổ hồi, từ biệt Đức Thánh Cha. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại bãi đậu trực thăng ở Castel Gandolfo có Đức Cha Franco Marando Giám Mục giáo phận Albano, ông thị trưởng Castel Gandolfo và một số giới chức đạo đời.

Từ lúc 4 giờ chiều ngày 28-2-2013, hàng chục ngàn tín hữu đã tụ tập tại quảng trường nhỏ trước dinh nghỉ mát.

Trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha họ đã lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ dười sự điều khiển của cha sở giáo xứ. Họ đem theo rất nhiều cờ, khăn quàng và biểu ngữ viết ”Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, chúng con cám ơn ngài”; ”Cám ơn Đức Thánh Cha”; ”Lòng khiêm tốn của ngài khiến cho ngài vĩ đại hơn nữa. Xin Cám ơn” vv... Chuông các nhà thờ Castel Gandolfo cũng rộn rã đổ hồi.

Lúc 5 giờ 40 Đức Thánh Cha đã ra bao lơn chào tín hữu thành phố và du khách. Vừa thấy ngài tín hữu đã hoan hô vẫy cờ và gọi tên Đức Thánh Cha.

Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha nói: ”Tôi rất sung sướng được ở với anh chị em. Xin cám ơn tình bạn mà anh chị em dành cho tôi. Hôm nay khác với những ngày khác, vì từ sau 8 giờ tối tôi không còn là Giáo Hoàng Roma nữa, mà chỉ là một người lữ hành bình thường thôi. Nhưng với tất cả sức lực, các suy tư và lời cầu nguyện, tôi vẫn phục vụ Giáo Hội. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa và tình yêu của Người. Xin cám ơn anh chị em, và chúc anh chị em một đêm an lành”.

Quả thế, đây là lần xuất hiện cuối cùng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Vì từ lúc 8 giờ tối 28-2-2013 ngài không còn giữ chức Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ nữa. Tuy vẫn tiếp tục được gọi là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, hay Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, hay Đức Nguyên Giáo Hoàng, nhưng Đức Ratzinger sẽ chỉ mặc áo chùng trắng, không có mảnh áo khoác ngắn trên vai, cũng không có nhẫn Giáo Hoàng, vì nhẫn này sẽ bị phá hủy, và cũng không mang giầy mầu đỏ, nhưng mang giầy mầu nâu. Cũng từ lúc 8 giờ tối thứ năm 28-2-2013 đội cận vệ Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo chấm dứt nhiệm vụ bảo vệ Đức Ratzinger và giao quyền lại cho đội Hiến Binh Vaticăng.

Đức Ratzinger sẽ cư ngụ tại Castel Gandolfo vài tháng trước khi về sống trong đan viện của các nữ tu dòng kín được tu sửa lại, tại nội thành Vaticăng trong thinh lặng và cầu nguyện. (SD 28-2-2013)

Linh Tiến Khải
(VietCatholic News) 

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ ĐÃ RỜI VATICAN : CHẤM DỨT NGÔI VỊ GIÁO HOÀNG

VATICAN CITY - Lúc 5 giờ chiều giờ Roma ngày thứ Năm, 28 tháng 2 năm 2013, ĐTC Benedict XVI đã lên máy bay trực thăng đến Castel Gandolfo. Ngài rời Toà Thánh Vatican 3 giờ đồng hồ trước giờ chính thức chấm dứt ngôi vị Giáo Hoàng là 8 giờ tối cùng ngày.

Khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô và dân chúng thành phố Roma leo lên nóc nhà vẫy cờ từ biệt Đức Thánh Cha.

Đến Castel Gondolfo,Ngài sẽ cư ngụ tại đây trong mấy tháng sau đó di chuyển về một tu viện gần Vatican.

Trước khi rời Vatican, ĐTC đã gặp gỡ chào lời từ biệt đến hơn 100 vị Hồng Y tại sảnh đường Clementine. Ngài nhắn nhủ các vị Hồng Y rằng vì sự tốt lành cho Giáo Hội Công Giáo, xin các vị hãy như một ban hoà tấu có được sự hài hoà. Ngài cũng hứa với các vị Hồng Y rằng: Ngài sẽ kính trọng và vâng phục vô điều kiện vị Giáo Hoàng kế vị. Sau đó Ngài đã đến bắt tay từng vị Hồng Y và nói : “Tôi sẽ ở gần Đức Hồng Y trong lời kinh nguyện”.

Nguyễn Long Thao
(VietCatholic News)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 22 - 28.02.2013