Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN NĂNG ĐI THỊ SÁT CÔNG TRÌNH TRÙNG TU NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐỨC BÀ SÀI GÒN

 

TGPSG -- Sáng thứ Năm ngày 7-1-2021, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã đi thị sát Công trình Trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn.

Cùng đi với Đức Tổng có Linh mục Giuse Mai Thanh Tùng - Quản lý Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Đón tiếp Đức Tổng Giuse có Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân - Trưởng Ban Trùng tu - và linh mục Phêrô Đỗ Duy Khánh.
 

Tại mô cấp mái Âm Dương, ông Mark Willems - Giám đốc kỹ thuật dự án, và bà Ngô Phương Thanh - Giám đốc công ty Eurohaus Haustechnik - đã trình bày về kỹ thuật lợp mái ngói âm dương. 


Sau khi nghe trình bày xong phần kỹ thuật, Đức Tổng Giám mục, cha Tổng Đại diện, cha Quản lý và cha Phêrô cùng di chuyển lên mái Âm Dương phía đường Hàn Thuyên.

Mái Âm Dương có tất cả 5 mái vòm, gồm 4 mái vòm C1 với phần kết cấu giống nhau: hai mái vòm phía Hàn Thuyên, 2 mái vòm phía đường sách Nguyễn Văn Bình và 1 mái vòm C0 đối diện đường Phạm Ngọc Thạch.

Trên hai mái vòm Âm Dương C1, Đức Tổng Giám mục và phái đoàn đã được báo cáo rất chi tiết từng công đoạn thi công, vật tư sử dụng cho công trình rất công phu và tỉ mỉ.

 


Tiếp theo, Đức Tổng Giám mục, cha Tổng Đại diện, cha Quản lý và cha Phêrô đã lần lượt đặt những viên ngói Âm Dương trên mái vòm C1 đầu tiên hướng đường Hàn Thuyên.

 


Kết thúc thời gian thị sát công trình, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng đã chia sẻ:

“Mấy tháng nay tôi không ra thăm công trình Nhà thờ Đức Bà này. Hôm nay tôi ra xem, quả thật trong một năm vừa qua, chúng ta bị giới hạn bởi dịch Covid, chính vì thế các chuyên viên nước ngoài không vào được. Công nhân tại chỗ cũng làm trong mức độ có giới hạn thôi. Tôi thấy chúng ta còn có rất nhiều việc phải làm.

"Được chứng kiến và nghe chuyên viên giải thích về lợp mái âm dương, tôi mới thấy quả thực, đây là vấn đề rất là khó, và cũng phải khâm phục các chuyên gia nước ngoài rất chi tiết: từng đinh vít để giữ từng viên ngói, từng lớp nhựa để phủ, không những 1 lớp mà là 2 lớp… Tất cả đều có các công ty sản xuất đặc trưng để dùng vào một việc đó thôi. Chúng tôi cảm thấy rất an tâm. Hy vọng trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ có nhiều sự thuận lợi hơn.

"Xin Chúa ban cho tình hình thế giới được mau qua nạn dịch, mọi sự được bình an, các chuyên viên có thể được vào Việt Nam được để thực hiện các công trình sắp tới.

"Quả thật, chúng ta đã làm công trình này mấy năm rồi, tôi cũng cảm thấy sốt ruột. Nhiều người cũng sốt ruột, cũng mong cho công trình sớm hoàn tất. Nhưng cha Tổng cũng có kể với tôi là “Mình kể ra đã làm mấy năm cũng hơi sốt ruột. Nhưng các chuyên viên bên Tây phương họ cười, họ nói: mới có vài năm mà đã sốt ruột. Bên họ, để trùng tu một công trình có giá trị, phải vài chục năm”. Cho nên, tôi nghĩ chúng ta cũng phải học bài học kiên nhẫn. Tuy nhiên chúng ta cũng muốn làm xong sớm để mọi người an tâm làm việc khác nữa.

"Chúng ta tiếp tục cộng tác vào công trình trùng tu này bằng sự cầu nguyện, bằng sự đóng góp của mỗi người chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho công trình này của chúng ta - một công trình không phải chỉ của Giáo phận, của Đức Tổng Đọc, nhưng là công trình có giá trị của Việt Nam mà chúng ta cần phải duy trì. Xin cám ơn."

Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, trưởng Ban Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã cảm ơn Đức Tổng Giuse đã đến nghe trình bày kỹ thuật lợp mái Âm Dương và đã đặt 2 viên ngói Âm Dương trên mái C1.
 

Sơn Nữ SPC.

👉Mọi sự đóng góp xin vui lòng gửi về Tòa Tổng Giám mục
180 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, Quận 3, lầu 2, phòng 222
Điện thoại: 028 3930 0368

hoặc

1. Tài khoản của linh mục Tổng Đại diện - Trưởng Ban trùng tu:
Tên chủ tài khoản: HO VAN XUAN
Ngân hàng: VIETCOMBANK
VNĐ: 007. 100. 105. 7714
USD: 007. 137. 013. 0467
EURO: 007. 114. 032. 2269
SUISSE: 007. 139. 086. 6790
SWIFT: BFTVVNVX007 CIF: 0065185

2. Linh mục Phêrô Đỗ Duy Khánh
Địa chỉ: nhà thờ Đức Bà, số 1 Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM.
Số điện thoại: (+84) 915 457 404
Email: simonpeterdo@gmail.com
Tên tài khoản: ĐỖ DUY KHÁNH
Số tài khoản: 007.100.125.2361
Ngân hàng: Vietcombank, chi nhánh TP.HCM

(WGPSG)

TÂN GIÁM MỤC CHÍNH TÒA XUÂN LỘC


 

TÂN GIÁM MỤC CHÍNH TÒA XUÂN LỘC

WHĐ (16.1.2021) – Vào lúc 18 giờ (giờ Việt Nam, tức 12 giờ trưa tại Roma) ngày thứ bảy, 16 tháng 1 năm 2021, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam gửi Thông cáo Báo chí số 304/21/V loan tin Đức Thánh cha Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo và bổ nhiệm Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, hiện đang là Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, làm Giám mục chính tòa giáo phận Xuân Lộc. 
 
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
******

Tiểu sử Đức cha GIUSE ĐINH ĐỨC ĐẠO
  • Sinh ngày 02 tháng Ba năm 1945 tại Thức Hoá, Bùi Chu.
  • 1957: Học tại Tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Bùi Chu.
  • 1964: Học tại Đại chủng viện Sài Gòn.
  • 1965: Học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Rôma.
  • 1971: Thụ phong linh mục tại Rôma, thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn.
  • 1971–1976: Học tại Đại học Alfonsianum, Rôma (Văn bằng: Tiến sĩ Thần học Luân Lý).
  • 1976–2007: Phó Giám đốc và sau đó Giám đốc Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo Quốc tế (C.I.A.M).
  • 1980–2009: Giáo sư tại Phân khoa Truyền giáo - Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Viện Giáo lý và Linh đạo Truyền giáo.
  • 1981–2007: Giám đốc linh đạo của Foyer Phaolô VI.
  • 1982–1983: Dọn Tiến sĩ Truyền giáo Đại học Giáo hoàng Gregoriana.
  • 1987–1993: Thành viên Hội đồng Quốc tế về Giáo lý (COINCAT) thuộc Bộ Giáo sĩ.
  • 1992–2001: Thành viên tổ chức “Nostra Aetate” thuộc Hội đồng Toà Thánh về đối thoại Liên tôn.
  • 1995–2000: Thành viên Uỷ ban Mục vụ Đại Năm Thánh 2000.
  • 1999–2005: Giám đốc Văn phòng Phối kết Tông đồ Mục vụ Việt Nam hải ngoại, trực thuộc Bộ Truyền giáo.
  • 2001–2012: Tư vấn Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn.
  • 2009–2013: Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.
  • 28.02.2013: Được Đức thánh cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc.
  • 05.04.2013: Được tấn phong Giám mục tại toà Giám mục Xuân Lộc - Châm ngôn Giám mục: Này là Mình Thầy (Mc 14,22).
  • 04.06.2015: Được Đức thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phó Giáo phận Xuân Lộc.
  • 07.05.2016: Giám mục Chính toà Xuân Lộc.
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục Công giáo hai nhiệm kỳ, từ năm 2013 đến năm 2019.

Hiện nay Đức cha giữ chức vụ Viện Trưởng Học viện Công giáo Việt Nam, đồng thời là thành viên Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh và thành viên Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn.
 
***
 

Tiểu sử Đức cha GIOAN ĐỖ VĂN NGÂN
  • Sinh ngày 06 tháng Bảy năm 1953 tại Ninh Bình.
  • 14.01.1992: Thụ phong linh mục tại Xuân Lộc.
  • Năm 1992: Phó xứ Ninh Phát.
  • Năm 1994: Chính xứ Ninh Phát.
  • Năm 2007: Giáo sư Đại chủng viện và Quản nhiệm giáo xứ Suối Tre.
  • Năm 2006: Du học Philippines; sau đó trở về Chủng viện và làm Phó Giám đốc Đại chủng viện, đặc trách Phân ban Triết học Đại chủng viện.
  • Năm 2016: Tổng Đại diện Giáo phận Xuân Lộc.
  • Ngày 02.05.2017: Được Đức thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc.
  • Ngày 01.06.2017: Được tấn phong Giám mục tại Toà Giám mục Xuân Lộc - Châm ngôn Giám mục: “Tựa vào lòng Chúa Giêsu”.
  • Từ năm 2018: Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGM Việt Nam. 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 17.01.2021


Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Bảy, ngày 16.01.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN HẠT MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 16.01.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

NGANG QUA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH, NGƯỜI TRẺ CÓ THỂ KHÁM PHÁ VÀ GẶP GỠ ĐỨC KITÔ NHƯ THẾ NÀO?


 

NGANG QUA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH, NGƯỜI TRẺ CÓ 
THỂ KHÁM PHÁ VÀ GẶP GỠ ĐỨC KITÔ NHƯ THẾ NÀO?

Lm. Giuse Nguyễn Hạ Huy

WGPQN - Thời đại chúng ta đang sống hôm nay, khủng hoảng xã hội và tâm linh đã kéo theo khủng hoảng về đời sống gia đình, vốn là tế bào sống động của xã hội và Giáo Hội. Gia đình hơn bao giờ hết, đang đứng trước bao thay đổi nghiêm trọng, đe dọa đến tận nền tảng gia đình như: nạn ly dị lan tràn, chấp nhận sống thử, khước từ con cái hoặc phá thai, kết hôn đồng tính mà được một số quốc gia chấp thuận… Vì thế, mục vụ gia đình đang là bận tâm hàng đầu của Hội Thánh trong thế giới hôm nay như lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Familiaris Consortio số 86: “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình”. Sự chăm sóc của Hội Thánh - như mẹ hiền - cần phải đến được với từng gia đình, những gia đình đơn thân hay mồ côi, những gia đình trẻ, những gia đình bất hòa, ly tán... Nhưng trước hết, phải giúp cho từng thành viên trong mỗi gia đình biết chăm sóc nhau phần hồn phần xác như một “Hội Thánh Tại Gia”.

Người trẻ, một thành phần không thể thiếu của “Hội Thánh” ấy, trong bối cảnh xã hội “tục hoá”, hiện sống đạo thế nào? Một hiện tượng chung mà các giáo xứ tại Việt Nam đang đối diện: người trẻ ngày càng thờ ơ với đời sống đức tin của mình và chỉ cố gắng giữ luật dự lễ ngày Chúa nhật cho an tâm?...

Trước tình hình đó, các vị chủ chăn Hội Thánh quay về với Kinh Thánh, nhờ ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, để tìm đường hướng mục vụ giới trẻ trong bối cảnh hiện nay:

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn đoạn Tin Mừng Ga 1,38-39 (Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Hãy đến mà xem!) để làm đề tài cho cuộc gặp gỡ giới trẻ thế giới tại Paris, Pháp. Theo Đức Thánh Cha, cuộc gặp gỡ rất quan trọng vì là “khởi điểm của mọi hành trình Đức Tin”.

Thượng Hội Đồng Giám Mục XV đã nhìn nhận hành trình Emmau (Lc 24,13-35) như là một văn bản kiểu mẫu để hiểu sứ vụ của Hội Thánh trong tương quan với thế hệ trẻ và giúp tái hiện lại cuộc đối thoại của Đức Kitô với người trẻ hôm nay.

Và Đức Phanxicô đã gợi ý: “Đối với rất nhiều người trẻ, những từ ‘Thiên Chúa’, ‘tôn giáo’ và ‘Giáo hội’ dường như không có ý nghĩa gì, nhưng họ lại bị đánh động bởi nhân vật Giêsu, khi họ được nghe giới thiệu cách hấp dẫn và thiết thực về Người. Vì thế, điều cần thiết là Hội Thánh đừng quá bận tâm về mình, nhưng trước hết phải phản ánh Đức Giêsu Kitô.”[1]

Đức tin quả là một cuộc hành trình khởi đi từ cuộc gặp gỡ Đức Kitô, đến nhận biết, yêu mến và gắn bó mật thiết với Người. Gắn bó mật thiết đến nỗi sẵn sàng tận hiến cả tâm hồn và thể xác, con người và cuộc sống cho vinh Danh Chúa hơn. Như thế, ngang qua đời sống gia đình, người trẻ có thể gặp gỡ Đức Kitô thế nào? Trong phạm vi đề tài và tổng hợp từ nhiều nguồn, tôi sẽ trình bày 3 phần:

Người trẻ Công giáo đang khao khát gặp gỡ Đức Kitô?
Nơi gia đình, người trẻ gặp được Đức Kitô.
Gia đình nỗ lực đồng hành với nỗi khao khát của giới trẻ.

1. NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO ĐANG KHÁT KHAO GẶP GỠ ĐỨC KITÔ?

Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra một nhận định về thái độ ứng xử của nhiều bạn trẻ trong thời đại hiện nay: “Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng”.[2]

Tại sao được hưởng một nền văn minh với những tiện nghi của khoa học kỹ thuật hiện đại, người trẻ lại rơi vào một lối sống xem ra như đang đánh mất chính mình, đi ngược lại với kỳ vọng mà nền văn minh đem lại?

Thực ra, lúc đầu người trẻ xem như háo hức với những tiện nghi hiện đại, cuộc sống thoải mái hơn, thế nhưng tận cùng của những tiện nghi đó cũng chỉ mang lại niềm vui nhất thời, không đáp ứng được sự khao khát tận đáy lòng của họ, “bởi lẽ trong một xã hội, người trẻ luôn là sức mạnh nội lực, là sự sống còn của cả dân tộc, họ phải lèo lái, dẫn dắt con thuyền dân tộc tiến vào tương lai trong sự thành đạt và tiến bộ của nhân loại. Mặt khác, họ luôn là cầu nối giữa quá khứ của dân tộc với tương lai của thế giới; là nơi lưu dấu và cất giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc để chuyển trao cho lớp thế hệ trẻ mai sau”.[3]

Quả thật, cho dẫu sống giữa một xã hội đang đề cao chủ nghĩa hưởng thụ, phần đông người trẻ vẫn canh cánh về niềm khát vọng được thể hiện “cái tôi” vượt ra ngoài những định kiến, lề thói và truyền thống của gia đình, của xã hội. “Khác với thế hệ trước, những người trẻ ngày nay theo đuổi điều bản thân cho là đúng chứ không bó buộc bản thân trong bất kỳ định kiến nào. Dám làm, dám dấn thân, dám phá bỏ giới hạn, và cứ như vậy một thế hệ làm-điều-không-thể ra đời. Những người trẻ có cái tôi khác biệt, thấu hiểu bản thân và biết tận dụng sức mạnh của chính mình trên con đường tìm tới thành công. Chính sự quyết liệt đó, thế hệ làm-điều-không-thể tạo ra nhiều thay đổi lớn, biến những điều không thể thành có thể”.[4]

Thiết nghĩ đó cũng chính là nỗi khao khát của các bạn trẻ Công giáo, muốn thể hiện “cái tôi của con người đương đại” trong các sinh hoạt tôn giáo. Vâng, các bạn trẻ Công giáo đang mong muốn “xuất thần”, có nghĩa là muốn “ra khỏi chính mình để nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, phẩm giá của họ, sự vĩ đại của họ trong tư cách như là hình ảnh của Thiên Chúa và người con của Cha trên trời”.[5]

Nhiều bạn trẻ đã nỗ lực đi tìm một con đường để thoả mãn cho khát vọng này, thế nhưng họ thường đi chệch hướng vì thiếu một “nền tảng vững chắc”, một “điểm tựa thực sự”, để rồi thay vì được giải thoát, được thoả mãn, họ lại bị sa đọa thoái hoá và mất phương hướng.

Thật ra, tự thẳm sâu họ vẫn khao khát một con đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, để làm thoả mãn khát vọng tuổi trẻ. Đâu là con đường dẫn tới điều đó? Thưa đó chính là con đường Giêsu, vì Người đã khẳng định: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Có thể nói, mặc dầu đối diện với muôn vàn nẻo đường mà thế trần đang tạo ra với bao nhiêu sự hấp dẫn, người trẻ vẫn khao khát một con đường dẫn tới niềm vui đích thật, tức là làm sao để gặp gỡ Đức Kitô, Đấng mà họ đang khát khao tìm kiếm.

2. NƠI ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH, NGƯỜI TRẺ GẶP ĐƯỢC ĐỨC KITÔ

Ở nơi đâu có thể giúp các bạn trẻ tìm thấy được Đức Kitô để thoả mãn nỗi khát khao thẳm sâu đó? Giáo Hội, vâng Giáo Hội là nơi trình bày Đức Kitô một cách sống động và hiện thực, bởi Giáo Hội là một cộng đoàn được Chúa quy tụ để loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, được biểu tỏ nơi con người của Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Nơi Chúa Giêsu chứa đựng vừa ân sủng Tạo Hóa (chính Thiên Chúa), vừa ân sủng thụ tạo cao cả (thực tại Ngôi Hiệp)[6], vì thế Giáo Hội có trách nhiệm chỉ cho các bạn trẻ biết thực tại vẻ đẹp đích thật nằm ngay chính trong lòng Giáo Hội. Giáo Hội đó được cụ thể hoá nơi gia đình Kitô giáo, đã được Công đồng Vaticanô II và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi là Hội Thánh tại gia. Như thế chính trong sứ mạng của gia đình, một Hội Thánh tại gia, mà người trẻ có thể khám phá và gặp gỡ Đức Kitô để biến đổi cuộc đời, để đón nhận ơn tái sinh, để gặp gỡ chính mình, và để nảy sinh tình đệ huynh trong Đức Kitô.

2.1. Gặp gỡ Đức Kitô trong sứ mạng ngôn sứ

Trước hết, “Vì tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, nên gia đình Kitô hữu sống vai trò tiên tri của mình bằng cách đón nhận và loan báo Lời Chúa; như thế gia đình ngày càng trở nên một cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng… Quả vậy, chỉ trong đức tin họ mới có thể, với một niềm sung sướng biết ơn, khám phá và thán phục phẩm giá của hôn nhân và gia đình mà Thiên Chúa đã nâng cao, bằng cách lấy đó làm dấu chỉ và môi trường của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đức Kitô và Giáo Hội là Hiền Thê của Người.”[7]

Chính trong mức độ đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong đức tin, mà gia đình Kitô hữu trở nên một cộng đồng loan báo Tin Mừng. “Tin Mừng được truyền đạt tới và từ đó Tin Mừng được lan toả ra. Vậy trong một gia đình ý thức về sứ mạng này, mọi phần tử của gia đình đều Phúc âm hoá và đều được Tin Mừng hoá. Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Và một gia đình như thế sẽ có sức Tin Mừng hoá nhiều gia đình khác và cả môi trường chung quanh.”[8]

“Gia đình có bổn phận cộng tác với Giáo Hội trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tương lai của việc loan báo Tin Mừng nằm trong tay của gia đình là Hội thánh tại gia”.[9] Bởi vì, nhờ Bí tích Thêm Sức, Thánh Thể và Hôn Phối mà các thành viên của gia đình được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và được mời gọi đón nhận, sống và làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu. Gia đình sống như thế sẽ thể hiện tính sinh động, lạc quan, sáng tạo và luôn luôn đổi mới, tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với những ai gần gũi tiếp xúc.

Còn người trẻ thì sao? “Trong xã hội ngày nay, giới trẻ đang thể hiện một sức mạnh vô cùng quan trọng. Các điều kiện sinh sống, những tập quán tinh thần và cả những tương quan của người trẻ với gia đình đã thay đổi rất nhiều. Thường họ hội nhập rất nhanh vào những môi trường mới về xã hội và kinh tế… Nếu được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, và được thể hiện với thái độ tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Giáo Hội, nhiệt tình nầy có thể mang lại những thành quả phong phú dồi dào. Người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ, trong từng môi trường xã hội họ đang sống, hoạt động tông đồ cần được thực thi giữa giới trẻ bởi chính những người trẻ.”[10]

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Chính những người trẻ hãy truyền giáo cho người trẻ khác”. “Giáo Hội cần đến các con với tư cách là người trẻ để làm chứng cho thế giới về khuôn mặt của Đức Kitô... Không có khuôn mặt này, Giáo Hội sẽ cho thấy một khuôn mặt bị biến dạng”[11]. “Hỡi các bạn trẻ yêu dấu, Thầy Giêsu mời gọi các con là những ngôn sứ trong kỷ nguyên mới này, là những sứ giả tình yêu của Người, có khả năng thu hút con người đến với Chúa Cha và xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn nhân loại.”[12]

2.2 Trong sứ mạng tư tế

“Các gia đình Kitô hữu cũng được hoà nhập vào Giáo Hội, dân tư tế. Do bí tích Hôn Phối, trong đó nó được bén rễ và từ đó mà nó được lập nên, gia đình Kitô hữu được liên lỉ sinh động nhờ Chúa Giêsu, được Ngài mời gọi và lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa bằng các phương tiện của đời sống bí tích, của việc dâng hiến đời mình và của kinh nghiệm. Đó là vai trò tư tế mà gia đình Kitô hữu có thể và phải chu toàn trong sự kết hiệp mật thiết với toàn thể Giáo Hội, qua những thực tại hằng ngày của đời sống hôn nhân và gia đình; bằng cách ấy, gia đình Kitô hữu được mời gọi tự thánh hoá và thánh hoá cộng đồng Giáo Hội và thế giới.”[13] Như vậy, gia đình thực thi sứ mạng tư tế giữa đời thường. (Sách GLHTCG số 1657)

Khi chu toàn sứ mạng hôn nhân và gia đình nhờ ân sủng của bí tích Hôn phối, gia đình Kitô hữu được đổ tràn tinh thần của Đức Kitô, nhờ đó tất cả đời sống của họ thấm nhuần đức tin, đức cậy, đức mến, ngày càng tiến tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau, cùng nhau góp phần làm vinh danh Chúa. Đó là sứ mạng tư tế mà gia đình Kitô hữu có thể và phải chu toàn trong sự kết hợp mật thiết với toàn thể Hội Thánh, qua mọi sinh hoạt hằng ngày của đời sống hôn nhân và gia đình.

Gia đình Kitô hữu cố gắng chu toàn ơn gọi và sứ mạng tư tế của mình không những bằng việc cử hành Thánh Thể và các bí tích khác hoặc bằng việc hiến dâng chính mình cho vinh quang Thiên Chúa, nhưng còn bằng đời sống cầu nguyện, tức là đối thoại bằng kinh nguyện với Chúa Cha nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

2.3. Trong sứ mạng vương đế

Sứ mạng của Hội Thánh là đưa mọi người tới chỗ đón nhận Lời Chúa trong đức tin, cử hành và tuyên xưng đức tin ấy trong các bí tích và kinh nguyện, sau cùng diễn tả đức tin ấy qua đời sống thường ngày bằng cách thực thi giới răn mới về tình yêu. Cũng vậy, gia đình Kitô hữu được Luật mới của Thánh Thần tác động và hướng dẫn, và được mời gọi sống tình yêu phục vụ đối với Thiên Chúa và tha nhân trong sự hiệp thông với Hội Thánh. Như vậy, tình yêu phục vụ của gia đình Kitô hữu được thực hiện trước hết nơi gia đình mình, rồi được mở rộng nơi Hội Thánh, và sau cùng vươn ra mọi người vì “mọi người đều là anh em của tôi”. Đây là tình yêu khám phá ra nơi mỗi người khuôn mặt của Đức Kitô và là một người anh em mà mình phải yêu mến và phục vụ, nhất là khi họ yếu đuối, nghèo túng, đau khổ hoặc bị đối xử bất công. Vì “Gia đình là nơi người trẻ tập sống tương quan hiếu thảo với cha mẹ, và tương quan huynh đệ với anh chị em trong nhà.”[14] Và “chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và vui tươi, học biết yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ.”[15]

Như thế, nơi gia đình, người trẻ tìm thấy trước hết con đường dẫn tới Đức Kitô chính là “tình yêu của các thành viên sống trong một mái nhà”. Đây chính là điều cần phải làm cho giới trẻ khát khao. Bởi tình yêu đó chỉ ra rằng con người có cội nguồn, và để thấy được rằng cuộc sống là sự kết nối giữa các mối tương quan, từ đó mỗi người ý thức về trách nhiệm cộng đồng, mà loại trừ tính ích kỷ cao ngạo, sự dửng dưng vô cảm.

Bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, người trẻ sẽ được gặp Đức Kitô, Đấng sẽ thiết lập một sự kết nối với những kẻ đến với Người bằng tình bằng hữu: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết” (Ga 15,15), và qua tình bạn này, các bạn trẻ “sẽ học được biết cởi mở, hiểu biết, quan tâm đến người khác, đi ra khỏi cuộc sống thoải mái tiện nghi và cô lập của chính mình, chia sẻ đời sống mình với người khác”.[16]

Quả thật, sống trong một xã hội đầy nghi nan, người trẻ luôn đối diện với nỗi băn khoăn: Ở nơi đâu có thể tìm được sự tin cậy để có thể thổ lộ, sẻ chia, và đồng cảm? Nỗi trăn trở đó chỉ có thể tìm được sự thoả mãn nơi tình bạn với Đức Kitô, vì chỉ có Người mới kết nối được tình bạn “bất khả phân ly”, một tình bạn trung tín và không bao giờ bỏ rơi người bạn của Người[17]. Nơi Đức Kitô người trẻ sẽ học hỏi được nơi Người cách thế kiến tạo mối tương giao tốt đẹp với mọi người, và biết cách làm cho sức sống của tươi trẻ lan toả ra đến môi trường mình sống, chỉ dẫn các bạn trẻ một lối sống lạc quan yêu đời.

Trong gia đình, Chúa Thánh Thần hoạt động không ngừng nhằm hợp nhất và quy tụ mọi người để trở nên một cộng đoàn yêu thương, hợp nhất với nhau, nơi đó người trẻ khám phá một vẻ đẹp của sự hiệp thông, mỗi thành viên gia đình có cùng một sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Kitô đến cho mọi người. Chính trong gia đình mình người trẻ kín múc được nguồn cảm hứng từ cuộc đời của Chúa Giêsu, qua việc người trẻ được hướng dẫn để lớn lên trong mối tương quan với Chúa Cha, “với ý thức thuộc về một gia đình và một cộng đồng, trong việc mở lòng ra để được tràn đầy Thánh Thần và được hướng dẫn thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa ủy thác, là ơn gọi riêng của mình”[18].

3. GIA ĐÌNH NỖ LỰC ĐỒNG HÀNH VỚI NỖI KHÁT KHAO CỦA GIỚI TRẺ

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chỉ rõ: “Công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới vào những thập kỷ tương lai tuỳ thuộc vào các bạn. Các bạn hãy làm cho Giáo Hội tươi trẻ nhờ sự hiện diện thân thiện của các bạn”[19]. Vì thế, một mái ấm gia đình tràn ngập yêu thương, ở đó người trẻ tìm thấy một sự đồng hành trên con đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Hãy cho họ thấu hiểu gia đình là cộng đoàn yêu thương và tỏ bày tình thương đến cho mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ, bất hạnh.

3.1. Chỉ dẫn đến với Đức Kitô để học cách yêu thương

Đức Kitô đã thể hiện tình yêu tuyệt đối khi Người lập Bí tích Thánh Thể. Ở đó, Người đã trao ban chính mình, và đã kết hiệp một cách mật thiết với những ai đón nhận Người qua Bí tích Thánh Thể. Trong một thế giới thực dụng hưởng thụ ích kỷ, đang giết dần tình yêu đích thực, thì không thể tìm thấy nơi đâu nguồn sinh lực để phục hồi tình yêu đó, ngoài Đức Kitô. Vì thế:

  • Gia đình phải giúp người trẻ gặp được một Đức Kitô chói ngời yêu thương, nhờ các thành viên trong gia đình luôn thể hiện được tình yêu Đức Kitô qua sự hiệp thông, nâng đỡ, sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau.
  • Hãy tạo cho các bạn trẻ ý thức được rằng, họ là chủ thể của đời sống gia đình, hãy cho họ cơ hội thể hiện điều họ khao khát: đối thoại, chia sẻ, lắng nghe và cảm thông.
  • Gia đình hãy khích lệ người trẻ mạnh dạn thể hiện khát vọng của mình trong các sinh hoạt gia đình. Là thành viên gia đình, chúng ta hãy sống hoà đồng với mọi người. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải dám khác biệt, có những ước mơ khác, dám làm chứng cho sự quảng đại, tinh thần phục vụ, sự trong sạch, dũng cảm, tha thứ, trung thành với ơn gọi riêng của mình, của cầu nguyện, tranh đấu cho công lý và hoà bình, yêu thương người nghèo và tình thân hữu với mọi người”.[20]

3.2. Kiến tạo mối tương quan mang tính cá vị với Đức Kitô

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Đại hội Giới trẻ Thế giới, với mục đích đem người trẻ đến gần với Đức Kitô và trở thành bạn hữu thân tình với Đức Kitô. Ngài đã truyền cảm hứng cho người trẻ một lối sống lành mạnh, lòng dũng lực và sự can đảm. Ngài đã hướng dẫn các bạn trẻ biết khai phá ý nghĩa đích thực của cuộc sống, giúp người trẻ tránh xa chủ nghĩa tục hoá, một chủ nghĩa đang ra sức loại bỏ đức tin Kitô giáo ra khỏi trí não của người trẻ. Hãy dẫn người trẻ đến gặp Chúa Giêsu bằng nỗi khao khát của họ: không phải là một Đức Giêsu khô cứng được đóng khung trong các công thức tuyên xưng đức tin, nhưng là một Đức Kitô sống động, đầy nghị lực “dám nghĩ, dám làm” để hoán cải kẻ tội lỗi, như Người đã từng hoán cải một Lêvi, một Giakêu...

Thế nhưng, để có thể có được tiếng nói chung giữa đời sống gia đình và khát vọng của người trẻ, cần giúp họ khẳng định lại đức tin của mình: Tôi tin vào ai? Và tại sao tôi tin? Chắc chắn đối tượng của đức tin Kitô giáo không gì khác hơn là “tôi tin vào Chúa”, nhưng Chúa không là một khái niệm mơ hồ vu vơ, “tin là có một cuộc gặp gỡ với con người Giêsu, và qua cuộc gặp gỡ đó mà nhận ra rằng, ý nghĩa của thế giới là một con người, một ngôi vị sống động... Qua Đức Giêsu, chúng ta có thể sờ chạm tới Thiên Chúa, Đấng vô phương đạt thấu”.[21]

Vì thế, người trẻ cần nhận ra tầm quan trọng của Thánh Thể, bởi đây là cách thế để họ gặp Chúa Giêsu một cách cá vị nhất, và là cơ hội để đưa ra một quyết định dứt khoát về đức tin của mình. “Thực ra, đức tin cần có một môi trường mà trong đó nó có thể được làm chứng và truyền đạt, một phương tiện phù hợp và tương xứng với những gì được truyền đạt...”.[22]

3.3. Giúp các bạn trẻ nhận ra vẻ đẹp của việc cầu nguyện

Muốn gia đình trở thành “Ngôi nhà thờ phượng”, chúng ta hãy mời Chúa đến thăm nhà. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của chúng ta khi mọi người đọc kinh chung với nhau, nhất là khi mọi người lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện. Nhờ đó, Chúa sẽ hiện diện và liên kết mọi người. Người sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống gia đình, làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa giữa lòng đời hôm nay.

Hãy nói cho người trẻ biết có một người sẵn sàng làm bạn, sẵn sàng chia sẻ tâm tư vui buồn với họ, đó chính là Giêsu: “Tình bạn với Đức Giêsu thì bất khả phân ly. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mặc dù đôi khi có vẻ như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần đến Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta, và Người ở bên chúng ta trong bất cứ nơi nào”.[23] Chính Người sẽ cho biết “tình bạn không phải là một mối quan hệ nhất thời, tạm bợ, nhưng ổn định, bền vững, trung thành, chín muồi theo thời gian. Đó là một mối tương quan cảm mến nối kết chúng ta lại với nhau, và đồng thời đó cũng là một tình yêu quảng đại dẫn chúng ta đến việc tìm kiếm điều tốt đẹp cho bạn bè. Mặc dù bạn hữu có thể rất khác nhau, nhưng luôn có một số điểm chung khiến chúng ta cảm thấy gần gũi, thân tình để chia sẻ với lòng chân thành và tin tưởng”.[24]

Con đường đến để gặp Chúa Kitô và kết nối tình bạn với Người chính là cầu nguyện. “Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Người mọi điều xảy đến với mình và tín thác trong vòng tay của Người, đồng thời cầu nguyện cũng cho chúng ta những giây phút thân tình quý giá, trong đó Đức Giêsu trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Khi cầu nguyện chúng ta cởi mở tất cả với Người, chúng ta dành chỗ cho Người để Người có thể hành động và có thể bước vào và có thể chiến thắng”.[25]

Khi kết bạn với Đức Kitô các bạn trẻ sẽ không còn bị hụt hẫng giữa một thế giới sôi động này, sẽ không còn cảm thấy lạc lõng giữa cuộc sống đầy bon chen, và sẽ nhận ra cuộc sống của mình quả là một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa đã trao ban, và sẵn sàng làm cho mình trở thành niềm vui cho người khác.

KẾT

“Ngày nay, khi hỏi thế hệ trẻ Việt Nam tin vào điều gì, có lẽ sẽ khó có thể tìm được một câu trả lời đồng thanh thỏa đáng như của những thế hệ trước, họ như đang khủng hoảng niềm tin. Sự khủng hoảng về niềm tin dẫn đến sự hụt hẫng về lý tưởng. Sự hụt hẫng về lý tưởng dẫn đến thiếu sót trong mục đích sống. Càng ngày người ta càng thấy nhiều người trẻ sa lầy vào những cuộc vui quên ngày tháng… Người Việt trẻ dường như đang sống để hưởng thụ nhiều hơn”.[26]

Sự khủng hoảng niềm tin không chỉ xảy ra nơi các bạn trẻ ngoài Kitô giáo, nhưng ngay cả các bạn trẻ Công giáo cũng đang đối diện với khủng hoảng về đức tin. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng này, nhưng tựu trung vẫn là cảm giác hụt hẫng nơi các bạn trẻ giữa một thế giới quá thực dụng, và hầu như vô nghĩa.

Như Đức Thánh Cha đã nói: “Cuộc gặp gỡ Đức Kitô rất quan trọng, vì là khởi điểm của mọi hành trình đức tin”. Hãy đến với Đức Kitô, hãy gặp gỡ Ngài, bởi vì chỉ có Ngài mới giải đáp được những băn khoăn lo lắng, những ưu tư sầu muộn trong cuộc sống, chỉ có Ngài mới làm cho cuộc đời chúng ta đáng sống, sống bình an và hạnh phúc. “Hãy đến với Ta, tất cả hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…” (Mt 10,28).

Niềm khát khao mà Giáo Hội có thể mang lại niềm vui cho các bạn trẻ hôm nay là chính Đức Giêsu Kitô. Quả thật “… các bạn trẻ lại nhạy cảm với hình ảnh của Chúa Giêsu, khi hình ảnh này được trình bày một cách hấp dẫn và hiệu quả. Bằng nhiều cách, những người trẻ ngày nay nói với chúng ta: ‘Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu’ (Ga 12,21), do đó biểu lộ mối quan tâm thánh thiêng này, là điều đặc trưng cho tâm hồn của mỗi con người: ‘Ao ước tìm kiếm tâm linh, khao khát gặp gỡ Thiên Chúa, khắc khoải về tình yêu’.[27]

Để có thể mang lại cho các bạn trẻ dung mạo Đức Kitô tươi trẻ, gia đình Kitô hữu càng phải nêu cao căn tính cao cả và chức năng trọng đại của mình là “một gia đình của Chúa”, “một Hội thánh tại gia”. Gia đình Kitô hữu phải chọn lựa và dấn thân theo Tin mừng: sống trong sạch, thanh bần, siêu thoát, bác ái, yêu thương và phục vụ. Nhờ đó con người, Giáo hội và xã hội sẽ mau chóng được đổi mới, một sự đổi mới thâm sâu bên trong. Chính khi các gia đình Kitô hữu ý thức về căn tính cao cả và chức năng trọng đại của mình và nỗ lực thể hiện sự ý thức ấy bằng lời nói việc làm cụ thể, là lúc các gia đình đang cố tạo nên một thế giới mới trong một nhân loại mới.

(Bài này có tham khảo và trích đoạn từ bài thuyết trình của giáo hạt Quảng Ngãi tháng 12.2020, và đề tài: Giáo xứ đồng hành với giới trẻ đến gặp gỡ Đức Kitô của Lm. Antôn Hà Văn Minh, nguồn hdgmvietnam.com)

Nguồn: gpquinhon.org (5.1.2021)

[1] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống” (Christus Vivit), ban hành tại Loreto, Roma ngày 25.03.2019, số 39&40. hdgmvietnam.com

[2] HĐGMVN, Thư chung 2019, ban hành ngày 4-10-2019, tại Hải Phòng, số 3.

[3] LÊ NHÂN TÂM, Giới trẻ Việt Nam trong Thời kỳ Đổi mới, Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 278.

[4] ÁNH DƯƠNG, Thế hệ làm điều không thể - Những người trẻ luôn khao khát bước ra thế giới bên ngoài và thể hiện cái tôi mãnh liệt. Nguồn cafebiz.vn

[5] ĐỨC PHANXICÔ, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 164.

[6] X. FELIPE GOMEZ, Giáo Hội Học, NXB Antôn & Đuốc Sáng, Saigon 2002, Q. I, tr. 208.

[7] THÁNH GH. GIOAN PHAOLÔ II,‘Bổn phận Gia Đình’ (Familiaris Consortio, 1981), số 51.

[8] THÁNH GH. GIOAN PHAOLÔ II,‘Bổn phận Gia Đình’ (Familiaris Consortio, 1981), số 52

[9] THÁNH GH. GIOAN PHAOLÔ II,‘Bổn phận Gia Đình’ (Familiaris Consortio, 1981), số 52.

[10] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Sắc lệnh về Hoạt động Tông Đồ giáo dân của, số 12.

[11] POPE BENEDICT XVI, Bài giảng lễ Đại hội Giới trẻ thế giới Braxin, 2013.

[12] POPE BENEDICT XVI, Bài giảng lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ thế giới tại Sydney, 2008.

[13] THÁNH GH. GIOAN PHAOLÔ II, Familiaris Consortio, số 55.

[14] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa ngày 15.10.2020, Số 6.

[15] SÁCH GLHTCG, số 1657.

[16] ĐỨC PHANXICÔ, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 151.

[17] ĐỨC PHANXICÔ, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 154.

[18] ĐỨC PHANXICÔ, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 30.

[19] THÁNH GH. GIOAN PHAOLÔ II, ngỏ lời với các bạn trẻ trong Đại hội Giới trẻ Thế giới lần I tại Roma, ngày 23.03.1986.

[20] X. ĐỨC PHANXICÔ, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 36.

[21] JOSEPH RATZINGER, Einfuehrung in das Christentum, Bản tiếng Việt: Đức tin Kitô giáo – Hôm Qua và Hôm Nay, do Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, NXB Tôn giáo, 2009, tr. 79.

[22] ĐỨC PHANXICÔ, Thông điệp “Ánh Sáng Đức Tin” (Lumen Fidei), ban hành ngày 29.06.2013, số 28.

[23] ĐỨC PHANXICÔ, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 154.

[24] ĐỨC PHANXICÔ, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 152.

[25] ĐỨC PHANXICÔ, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 155.

[26] Tô Nam, Phải chăng Giới trẻ đang khủng hoảng niềm tin? Nguồn bbc.com

[27] Tài liệu Kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục giới trẻ lần XV, ngày 27.10.2018, tại Roma, số 17.

(WHĐ)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B - (Ga 1,35-42)


 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 16.01.2021