Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010
AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.
Hữu Toàn.
Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010
LẼ SỐNG 30.10
Trích sách Lẽ Sống30 Tháng Mười
Viên Ðá Quý
Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.
Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hoàn toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như không thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.
Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến. Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. "Hãy vác lấy thập giá và theo Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.
Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010
LẼ SỐNG 29.10
29 Tháng Mười
Các Ông Là Quái Vật
Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người? Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô? Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô.
- Ông Giêsu Kitô là ai?
Một người Kitô sẽ trả lời:
- Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế.
- Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta?
- Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự.
Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm:
- Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác? Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện? Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc.
Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối:
- Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi.
Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu:
- Vậy thì các ông là những quái vật.
Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật.
Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc dòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao?
Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình.
Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ.
Ước gì dấu Thánh Giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010
R.I.P
MARIA
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 1
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 1 – Giáo xứ Thuận Phát
lúc 14g45 ngày Thứ Năm 28.10.2010
(Nhằm ngày 21 tháng 9 năm Canh Dần)
Hưởng thọ 85 tuổi
Thứ Năm 28.10. 2010
- 20g30 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan
- 05g45 : Thánh Lễ Cầu Hồn tại tư gia (sau thánh lễ sáng)
- 19g00 : Thánh lễ An Táng cử hành tại tư gia
(sau thánh lễ chiều)
- 06g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 1
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình
LẼ SỐNG 28.10
28 Tháng Mười
Chuyến Xe Cuộc Ðời
Cách đây hơn một trăm năm, khi đường sắt vừa mới được phát minh, nhu cầu đi lại mỗi lúc một bành trướng, một văn sĩ nọ, trong quyển lịch sử của xe lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn cho hành khách. Trong một chương có tựa đề "Những lời khuyên trước khi lên đường", ông đã đưa ra vài căn dặn như sau: "Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, hành khách nên quyết định: mình sẽ đi đâu, sẽ lên chuyến xe lửa nào và ở đâu, tại nơi nào sẽ đổi tàu...".
Trong một đoạn khác, ông nhắc nhủ hành khách như sau: "Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao nhiêu càng tốt... Riêng với các bà, các cô, không được phép mang quá ba hành lý và năm gói nhỏ".
Những lời khuyên trên đây xem chừng như không có chút giá trị nào đối với hệ thống đường sắt hiện tại ở Việt Nam. Chen chúc nhau để có được một chỗ ngồi thích hợp, đã là quá lắm rồi, còn chỗ đâu để xác định số hành lý phải mang theo.
Nhưng dù thanh thản trong một con tàu đầy tiện nghi, hay chen chúc nhau trong một wagon chật hẹp bẩn thỉu, mỗi khi bước vào xe lửa, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nghĩ đến chuyến đi của cuộc đời... Ðời cũng là một chuyến đi.
Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng một số câu hỏi cơ bản: tôi sẽ đi về đâu? Tôi phải mang những gì cần thiết cho cuộc hành trình?
Trên một số tuyến đường liên tỉnh tại Phi Luật Tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một bảng hiệu có thể làm cho họ phải giật mình suy nghĩ: có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn. Thật ra, ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến công việc, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng lại với ý nghĩ của một cái chết bất ngờ.
Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu thường lặp lại trong Tin Mừng của Ngài: đó là "Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Con người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
Giá như ai trong chúng ta cũng biết rằng: công việc ta đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối cùng trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý nghĩa và một mục đích khác hẳn.
Trích sách Lẽ Sống
R.I.P
MARIA
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 3
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :
P.Tân Thuận Tây, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 3 – Giáo xứ Thuận Phát
lúc 06g00 ngày Thứ Tư 27.10.2010
(Nhằm ngày 20 tháng 9 năm Canh Dần)
Hưởng thọ 90 tuổi
Thứ Tư 27.10. 2010
- 14g00 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan
- 18g30 : Thánh Lễ Cầu Hồn tại gia
- 04g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
- 05g00 : Thánh lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 3
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình
Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010
LẼ SỐNG 27.10
Trích sách Lẽ Sống27 Tháng Mười
Bất Ngờ
Như một chuyện khó tin mà có thật: đó là chuyện của một chàng thanh niên Tây Ðức một mình lái chiếc Cessna cánh quạt nhỏ, vượt qua hành lang 400 dặm trên lãnh thổ Liên Xô, rồi an toàn đáp xuống Quảng Trường Ðỏ, gần điện Cẩm Linh... Trước khi đáp xuống vào lúc 7 giờ tối, phi cơ còn lượn 3 vòng chung quanh mộ của chủ tịch Lênin.
Người thanh niên Tây Ðức tên là Matthias Rust này đã điềm tĩnh bước ra khỏi phi cơ, ký sổ lưu niệm cho một số khách hiếu kỳ và khâm phục. Sau đó, công an Liên Xô đã đến tóm cổ anh đưa đi mất.
Trong suốt một cuộc hành trình dài, anh chỉ bị phi cơ tuần thám của Liên Xô theo dõi mà không làm cản trở. Có thể họ cho phi cơ của anh định làm chuyện kỳ lạ khác người cho nên không bắt anh đáp xuống nửa đường. Phi cơ lại bay rất thấp cho nên đã tránh được sự kiểm soát của các dàn Radar. Dù sao đây cũng là một chuyện khó tin chưa từng xảy ra trên một lãnh thổ có một hệ thống phòng thủ chặt chẽ như Liên Xô.
Sự thành công của chiếc phi cơ nhỏ này đã khiến cho nhà cầm quyền Liên Xô e ngại và giật mình về sự phòng thủ sơ sót của mình. Sau một cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính Trị, Tổng Trưởng Quốc Phòng và Bộ Trưởng Không Quân đã bị cách chức. Trong khi đó thì chủ tịch Gorbachov lại nói một câu khôi hài như sau: "Chúng ta phải cám ơn anh chàng Tây Ðức này vì nhờ có anh ta mà chúng ta mới cải tổ hệ thống phòng thủ của chúng ta chặt chẽ và cẩn thận hơn".
Nhiều người đã xem lời phát biểu trên đây phản ánh tinh thần phục thiện và cởi mở của chủ tịch Gorbachov.
Sự thành công của chàng thanh niên Matthias Rust khi đáp xuống Quảng trường Ðỏ có thể được xem như một tai nạn trong hệ thống phòng thủ của Liên Xô.
Tai nạn là một bất ngờ mà con người không bao giờ lường trước được... Không ai học được chữ ngờ trong cuộc sống. Có một cái gì đó luôn ở ngoài tầm tay, ở ngoài khả năng của con người. Bài học thông thường nhất mà ai cũng có thể học được từ một tai nạn: đó là không ai làm chủ được chính sự sống của mình.
Người Kitô luôn được mời gọi để tìm ra ý nghĩa của các biến cố. Biến cố nào xảy đến trong cuộc sống cũng là một lời ngỏ của Thiên Chúa đối với con người. Ngài nhắc nhở cho con người biết rằng Chủ Tể của sự sống chính là Ngài. Ngài kêu mời con người luôn sẵn sàng để đến với Ngài trong cuộc gặp gỡ tối hậu. Ngài cho con người thấy những giới hạn của mình để biết hướng về Ngài với tất cả tin tưởng phó thác.
Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010
LẼ SỐNG 26.10
26 Tháng Mười
Xin Cho Con Ðược Thay Ðổi Chính Con
Một triết gia Ấn Ðộ đã nhìn lại quãng đời đi của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Ðế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.
Ðến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Ðế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.
Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.
Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Người xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... Theo trật tự của cuộc cạch mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết.
Một nhà cách mạng nào đó đã nói: chỉ cần 10 người như thánh Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng khởi sự đó là cách mạng bản thân.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Ai trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp lên một ngọn đèn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình, nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ... Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, có khi vô danh của chúng ta. Một giọt nước nhỏ là điều không đáng kể trong đại dương, nhưng nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc khô cằn.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010
LẼ SỐNG 25.10
Trích sách Lẽ Sống25 Tháng Mười
Con Chim Sáo
Trong một tập thơ mang tựa đề "Có muôn nghìn lý do để sống", Ðức Cha Helder Camera, vị giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày tháng sống giữa trời... Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời: "Có chứ!... Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu".
Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó: "Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở đâu". Nó nhanh nhẩu trả lời: "Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?" Tôi hỏi nó có đói không. Con chim sáo mỉm cười đáp: "Ðiều mà tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà...". Và nó cất tiếng hót như sau: "Hỡi loài người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết sao?".
Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít bánh mì có thịt... Chú sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: "Ông không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như các ông sao?".
Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả lời: "Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót".
Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.
Qua câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ như mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào cũng cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực.
Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng chính trị, của các tôn giáo... Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.
Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010
AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C
TÌM LẠI ĐỘNG LỰC TRUYỀN GIÁO
(Chúa Nhật Truyền Giáo)
Giáo Hội Việt Nam đang đi vào giai đoạn cuối của Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập Tông tòa và 50 năm thành lập Hàng giáo phẩm. Thật ra công cuộc truyền giáo đã bắt đầu trước đó hơn 100 năm, từ năm 1553. Hạt giống Lời được gieo vào lòng đất mẹ gần 500 năm. Hàng trăm ngàn người đã đổ máu đào làm chứng và bảo vệ đức tin tinh tuyền.
Theo kết quả của cuộc điều tra dân số mới đây (01/04/2009), Việt Nam có 86.024.600 người, trong đó có gần 6 triệu là Công Giáo, chiếm 7,06% dân số.
Khi làm mục vụ hôn nhân, phải đối diện với tình trạng quá nhiều người xin làm đám cưới với thể thức chuẩn khác đạo, tôi thường khó chịu và hay chất vấn họ rằng tại sao không tìm người có đạo kết hôn, mà cứ đi lấy người ngoại giáo? Có một cặp đã nói lại với tôi rằng con gái vừa tốt, vừa đẹp lại vừa có đạo quá ít. Người con ưng ý, nhưng chưa kịp hỏi tới thì đã lên xe hoa với người khác rồi. Nghe vậy tối thấy mình khó chịu với họ là không đúng, bởi đúng như anh thanh niên đó nói. Trong 100 cô gái, chỉ có 7 cô gái Công Giáo, hoặc trong 100 anh thanh niên, chỉ có 7 anh có đạo. Quả là họ có quá ít lựa chọn theo ý của Giáo Hội.
Từ đây câu hỏi lớn đặt ra với Giáo Hội rằng tại sao đã gần 500 năm rồi, mà Công Giáo vẫn chỉ là một cộng đồng thiểu số trên quê hương mình?
1. Giáo Hội đang ưu tiên cho việc gì?
Trong tác phẩm Chuyện Làng Hồ, kể về quá trình khai phá và hình thành miền truyền giáo Tây Nguyên. Trong đó có đoạn nói đến việc sẽ chuyển giao công cuộc truyền giáo lại cho người Việt thì các thừa sai MEP tỏ ra không tin tưởng người Việt có thể giúp các sắc tộc khác đón nhận đức tin cách tinh tuyền, trừ một vài người như thầy Sáu Do.
Biết điều đó, nhiều thừa sai người Việt tự ái và cho rằng các thừa sai phương Tây đã quá tự tin ở mình và coi thường người bản địa. Sự khó chịu đó rất đáng được cảm thông, nhưng nếu can đảm nén giận để nhìn rõ vào sự thật thì chúng ta thấy những hồ nghi của các nhà truyền giáo ngoại quốc không phải là không có căn cứ.
Giáo Hội Việt Nam đã và đang đầu tư vào những gì?
Chúng ta xây nhà thờ, xây các trung tâm mục vụ hoành tráng, xây các tu viện thật lớn, xây đền đài, xây các trung tâm hành hương thật lớn. Ai sẽ được hưởng lợi từ cho các công trình này? Câu trả lời thật đơn giản: Người Công Giáo, và chỉ người Công Giáo. Rất hiếm khi người ngoại giáo đến nhà thờ, họa hoằn lắm mới có ai ngoại giáo đến các trung tâm mục vụ. Chỉ cần đọc các chương trình hoạt động của chúng ta hàng tháng, hàng tuần và mỗi ngày tại các nhà thờ, tu viện, các trung tâm mục vụ và hành hương, chúng ta sẽ thấy ngay. Không hề có một chương trình hay một phần chương trình nào đó cho người ngoại giáo.
Chúng ta đang đầu tư cho chính mình mà thôi !
Nhìn sang các anh chị em Tin Lành, chúng ta xem họ đầu tư như thế nào?
Họ góp 1/10 thu nhập để thờ phượng Chúa và xin Chúa sử dụng nó cho hiệu quả. Chúng ta thấy họ sẵn sàng đầu tư dịch và in Thánh Kinh để biếu, để tặng rất nhiều. Khi làm việc cho các anh chị em thuộc các sắc tộc thiểu số, các thừa sai Công Giáo phần nhiều phải dùng các sách Thánh Kinh do anh chị em Tin Lành dịch để rao giảng Lời Chúa cho các sắc tộc đó. Tại sao? Vì anh chị em Tin Lành đã đầu tư dịch Thánh Kinh ra hầu hết các tiếng của các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong khi đó, bên Công Giáo chỉ mới dịch được sách Tân Ước ra các tiếng Bahnar, Jarai, và K'Ho. Khi giúp cho người Êđê, người Bru Vân Kiều, chúng tôi phải dùng sách của anh chị em Tin Lành. Ngoài ra, họ cũng đầu tư mạnh cho các phương tiện truyền thông khác.
Đó là lý do chính về phía con người lý giải cho việc tăng nhanh nhân số các Cơ đốc nhân thuộc Liên hội thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam, từ 500 ngàn năm 1975 tăng lên hơn 2 triệu vào đầu những năm 2000. Chỉ sau hơn 30 năm, nhân số họ tăng gấp bốn lần.
Nhiều người có cái nhìn tiêu cực về anh chị em Tin Lành thì cho rằng họ đã dùng tiền hay vật chất để chiêu dụ tín đồ. Ai nói như thế là chưa tìm hiểu kỹ. Thực tế, mọi Cơ đốc nhân dù giàu hay nghèo, họ đều dâng hiến 1/10 hoa lợi cho việc thờ phượng Chúa. Họ ý thức việc dâng hiến là việc làm quan trọng để khẳng định với Chúa rằng mình đã thụ lãnh ơn bởi Người và còn tiếp tục cầu mong ơn Người ban cho. Do đó, ngay các anh chị em Cơ đốc nhân bị bệnh phong, chỉ trồng được ít cụm khoai mì thì họ cũng mang khoai mì đến như hoa lợi mà chính tay họ thu hoạch được để dâng hiến cho Chúa. Công bằng mà nói. Anh chị em Tin Lành khi đã theo Chúa thì họ không từ nan để sống thờ phượng Chúa và sứ sụ.
Một cha giáo dạy truyền giáo của tôi đã kể một hôm trên đường phố Saigon, có một bà cụ xin phép ngài dành cho bà năm phút để thưa chuyện. Theo bà, đây là chuyện quan trọng, nếu không nói ra, bà sẽ không an tâm. Cha giáo tôi lắng nghe và nhận ra câu chuyện bà tha thiết muốn kể là câu chuyện về Chúa Yêsu, Đấng cứu độ. Bà ấy là người Công Giáo? Không, bà là một người Tin Lành.
Người Công Giáo có vẻ xa lạ với việc thực hành sứ vụ truyền giáo. Nhiều người còn cho rằng đó là một đặc quyền hay là một ơn riêng Chúa chỉ ban cho một số người, chứ không ban cho mình, và như thế họ đang mất dần căn tính Công Giáo của mình.
2. Thông chia sứ vụ của Chúa Giêsu
Đoạn cuối Tin Mừng Marcô viết: Chúa Yêsu nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo … Đây là dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe… Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16, 15-20).
Đoạn Thánh Kinh này xác nhận sứ vụ truyền giáo là sứ vụ phổ quát của mọi thành phần Giáo Hội. Người tin là người truyền giáo thì cũng là người được Chúa ủy thác các hành vi cứu độ (trừ quỷ, giải độ, chữa lành). Do đó một người nhận mình tin Chúa mà xa lạ với những việc quyền năng Chúa làm thì có nghĩa họ đã không thi hành sứ mạng Chúa trao phó, và vì thế họ cũng ở trong tình trạng xa lạ với ơn cứu độ. Còn những ai tin và sống nhờ đức tin thì dù chưa là Kitô hữu theo nghĩa chặt cũng có thể trở nên cơ hội thông ơn cứu độ cho người khác rồi.
Một nhóm thanh niên ở làng Bon Pan, xã Ia Rsai, huyện KrôngPa, tỉnh Gia Lai tham dự tuần lễ tĩnh tâm chuẩn bị lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo. Trong khóa tĩnh tâm, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Phán, CSsR nhấn mạnh với họ về hoạt động của Chúa Yêsu nơi những người tin. Sau những ngày tĩnh tâm, họ trở về làng. Làng họ có một thanh niên chưa theo đạo đang trong tình trạng “lui asơi” – bỏ cơm – tức là sắp chết. Họ lên nhà người hấp hối này và xin người mẹ - bà chủ nhà - cho phép họ đặt tay cầu nguyện cho chàng thanh niên này. Chủ nhà đồng ý. Các anh dự tòng quỳ gối chung quanh người bệnh dang tay cầu nguyện, rồi đặt tay trên người bệnh. Sau đó họ trở về nhà mà chẳng bận tâm gì cả. Ba ngày sau, khi họ đi rừng, trong nhóm họ có mặt cả người thanh niên đã hấp hối được họ đặt tay cầu nguyện.
Những người chưa được rửa tội, nhưng tin Chúa thì Chúa cũng dùng để thực hiện hành vi cứu độ cho người khác là thế.
Những người càng giữ đạo lâu năm, càng trở nên cứng lòng, khó đón nhận ơn Chúa cứu. Rồi họ cũng dễ dàng lên án người tội lỗi. Nhưng đối với Chúa, ngay người tội lỗi mà tin Chúa thì Chúa cũng có thể biến họ thành công cụ của Người.
Anh Ama H’ Nguyên - ba của con Nguyên - là người ở xã Ia Hru, lấy vợ và về nhà vợ ở làng Pleiwueng, xã Hbông, huyện Chưsê, tỉnh Gia Lai. Hai vợ chồng sống được ít lâu thì anh đổ đốn, rượu chè, đánh đập vợ con nhiều đến mức làng phải xứ bằng cách trục xuất anh ra khỏi nhà vợ, đuổi về làng cũ. Về lại Ia Hru, anh được tuyển làm angten cho công an, chuyên chỉ điểm để công an bắt các nhóm cầu nguyện. Anh đã lập được nhiều thành tích với công an, nhưng một hôm, anh đang canh me để bắt một nhóm cầu nguyện lớn, trong lúc đợi cho đông người rồi báo công an ập vô. Anh nghe người ta hát những bài hát vừa lạ vừa quen. Lạ vì không phải những bài hát ca ngợi ông Hồ hay đảng cộng sản, quen vì đó là những bài hát bằng tiếng Jarai, tiếng mẹ đẻ của anh. Anh mon men lại nghe, rồi lần bò lên nhà. Mọi người đang tề tựu cầu nguyện gặp anh thì sợ, nhưng anh ra dấu cho họ đừng sợ, hôm nay anh muốn nghe họ hát họ đọc kinh và cầu nguyện.
Sau buổi đó, anh giã từ không làm angten cho công an nữa, mà bắt đầu theo đạo. Học đạo được hai năm, anh được rửa tội, cha Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR, sai anh trở về với làng của vợ anh. Vợ con anh tha thứ, đón nhận anh vào lại nhà.
Những người hàng xóm ngạc nhiên từ ngày anh trở về nhà vợ, tối tối không còn nghe cãi nhau, đánh nhau và tiếng kêu gào, chửi bới nữa, mà nghe tiếng hát và tiếng cười rất vui. Họ đến xem thì thấy anh mở sách hát dạy vợ con hát, rồi mở sách Tân Ước tiếng Jarai ra đọc cho vợ con nghe, rồi cầu nguyện. Những người hàng xóm đến nhà anh cũng muốn được anh giúp họ như anh đang giúp vợ con anh. Số người đông dần. Từ đó, Pleiwueng trở thành một cộng đoàn.
Năm 2002, khi tôi đến Tây Nguyên, anh Ama H’ Nguyên cho biết, Peiwueng và các làng xung quanh đã có hơn 1.500 người tin theo Chúa. Sau 10 năm, từ một anh chàng hư đốn, Chúa đã làm cho vùng đất đó thành một cộng đoàn Công Giáo.
Những người đó, nhóm thanh niên dự tòng Bon Pan hay anh Ama H’ Nguyên có phải là những người truyền giáo không?
Xét theo thói quen của chúng ta thì không phài, nhưng xét theo tác động cứu độ thì họ là những người truyền giáo. Truyền giáo đối với họ không phải là đi dạy một giáo lý về Chúa Yêsu, mà đơn giản là để cho Chúa Yêsu chữa lành người bệnh, và kể lại việc Chúa đã làm trên cuộc đời mình.
Lm. AN THANH, CSsR
(nguồn :dcctvn.net)
(Chúa Nhật Truyền Giáo)
Một hiện thực của giáo hội Công giáo Việt Nam: Giữ đạo thì xem ra khá kỷ, khá nghiêm, còn truyền giáo thì hình như bị xem nhẹ nếu không muốn nói là xao nhãng không chỉ ở một vài nơi mà có thể là tại nhiều giáo phận. Kết thúc năm thánh tryền giáo 2004, Văn phòng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã từng làm bản thống kê về các hoạt động truyền giáo và con số người tòng giáo trên toàn quốc và đã kết luận: “Qua những số liệu trên chúng con thấy rằng kết quả của Năm Thánh Truyền giáo vừa qua còn hạn chế, chưa gây được ý thức truyền giáo cho nhiều người, số người theo đạo còn thấp, số người lớn được rửa tội năm vừa qua chưa được 30.000 người, những hoạt động xã hội còn ít…(Hiệp Thông số 26-27- trang 118). Trong số chưa được 30.000 người trên thử hỏi có được bao nhiêu người vào Công giáo không vì lý do hôn nhân?
Nhiều lý do để bào chữa được đưa ra nào là bà con quá gắn bó với truyền thống tổ tiên và còn hiểu lầm rằng theo Công giáo là bỏ ông bỏ bà; nào là các tôn giáo khác chẳng hạn như Phật giáo đã bám rễ sâu trong lòng người dân; nào là một số người vì vô tri mà hiểu lầm hoặc cố tình xuyên tạc đạo Công giáo là phản khoa học, là dính dáng với đế quốc…Những lý do được đưa ra thường mang tính khách quan, nghĩa là phía người ngoài Công giáo. Còn các lý do về phía chủ quan tức là người Công giáo thì có lẽ chưa được phân tích nhiều và đầy đủ.
Có người biện bạch rằng truyền giáo hiện nay chủ yếu là Phúc Âm hoá, nghĩa là làm dậy men Tin Mừng môi trường sống. Điều này hẳn không sai nhưng có lẽ chưa đủ. Khi truyền dạy các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”(Mt 28,19-20), thì chắc chắn Chúa Kitô không chỉ muốn người ta được “dậy men Tin Mừng” mà con muốn quy tụ mọi người vào một ràn chiên, nghĩa là mọi người được vào làm con cái Thiên Chúa trong một cộng đoàn cụ thể, để sống tình huynh đệ, được hưởng nhận ân lộc thánh thiêng qua các Bí tích…Không dám mạn bàn đến những lý do thần học cao siêu, chỉ xin có một vài nhận định qua các dữ kiện thực tiễn của giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Phải chẳng các chương trình cũng như hoạt động truyền giáo chưa được quan tâm đúng mức? Xét trên bình diện các giáo phận thì có thể nói rằng ngoại trừ một vài giáo phận vùng cao, có nhiều anh chị em sắc tộc, thì vẫn có đó nhiều giáo phận chưa đặt nặng công cuộc truyền giáo, cụ thể là qua các chương trình và hành động cụ thể mang tính ưu tiên, liên tục và lâu dài. Cũng có thể là do hoàn cảnh lịch sử, do những luật lệ xã hội bất cập và còn tồn tại tính hạn chế tôn giáo (lại đổ lỗi cho khách quan), nên giáo hội Việt Nam, đặc biệt là các đấng bậc có trách nhiệm đã một thời gian khá dài chỉ loay hoay lo chuyện giữ đạo hơn là truyền đạo. Khi thời thế có vẻ “dễ thở” hơn một chút thì xứ xứ, dòng tu dòng tu, giáo phận giáo phận lại chăm chú chuyện củng cố nội bộ, xây dựng cơ sở vật chất hoặc tự bằng lòng với những cuộc “lễ lạc-rước xách” hay “hội nghị” này nọ mang tính hoàng tráng bên ngoài. Những hoạt động này dẫu sao cũng đem lại chút khích lệ cho tín hữu giáo dân, nhưng hình như chỉ mang tính “ lưu hành nội bộ” như một linh mục đã từng nhận định trong dịp hội ngộ của linh mục các giáo phận thuộc Tổng giáo phận Huế tại linh địa LaVang (02-05/3/2010).
Sẽ là bất cập hay thái quá và chắc chắn là không thể chính xác khi nhận định đúng sai, hợp lý hay không về chương trình của các đấng bậc hữu trách. Thế nhưng cần nhìn nhận một thực tế, đó là đang còn tồn tại cái tâm lý tự mãn chen lẫn sự tự ti nơi cả hàng mục tử lẫn đàn chiên Công giáo Việt Nam.
Tâm lý tự mãn: Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn mà còn giữ được các sinh hoạt tôn giáo là tốt rồi. So với thời gian trước đây, đặc biệt sau năm 1975, thì hôm nay các cơ sở thờ tự, các sơ sở tôn giáo như là Nhà Thờ, chủng viện, dòng tu được xây cất to lớn, hiện đại là tốt rồi. Vì nhu cầu sinh kế, tín hữu giáo dân tủa đi nhiều nơi và đã hình thành thêm nhiều giáo họ, giáo xứ mới. Con số người gia nhập các hội dòng, các chủng viện trên dưới mười năm trước đây đã tăng vọt, cho dù hiện nay như có chửng lại, nhưng xét về con số tuyệt đối thì khó có nơi nào bì, nhất là so với các nước Âu- Mỷ. Các đại hội tại nơi này hay linh địa kia vẫn diễn ra cách “hoành tráng” cả về số lượng người tham dự lẫn quy mô tổ chức. Nhiều cuộc lễ như tấn phong giám mục, truyền chức linh mục, khấn dòng, kỷ niệm ngân khánh, kinh khánh, lễ tạ ơn…vẫn diễn ra với mật độ quá dày đến nỗi nếu ta có chút vai vế hay chút liên hệ mà tham dự thì dù vắt chân lên cổ cũng không thể xuễ và dĩ nhiên là sẽ bỏ bê nhiều công việc bổn phận khác. Mình đâu có chủ động, tình thế là vậy, chắc Chúa sẽ thông cảm. Thời giờ khít rịt, nhiều khi phải chạy sô. Được mặt này thì mất mặt kia. Việc đi đến với anh em lương dân, với bà con khác đạo có bị chễng mảng đôi chút thì chịu vậy. Ai lại không muốn chu toàn nghĩa vụ truyền giáo, nhưng lực bất tòng tâm! Và biết đâu những việc mình đang làm cũng là truyền giáo rồi vậy?
Mặc cảm tự ti: Trong khi bà con tín hữu giáo dân hồ hởi có khi là hãnh diện qua các lễ hội “trong khuôn viên cơ sở thờ tự”, trong khi các mục tử tự hài lòng về những tổ chức “đình đám và cả hoành tráng” dịp này dịp kia…thì vẫn còn đó tâm lý tự ti nơi các thành phần dân Chúa khi ra ngoài xã hội. Cụ thể như sau:
Các em học sinh, sinh viên công giáo chưa mạnh dạn tỏ bày căn tính Công giáo của mình nơi môi trường học đường. Các công viên chức thì sao đây? Đã từng thử làm thống kê với khoảng trên hai trăm thầy cô giáo, thì biết được sự thật này: đa số quý thầy cô còn ngần ngại tỏ lộ căn tính Công giáo của mình nơi môi trường học đường. Những vị trong ngành giáo dục với mặt bằng tri thức không kém chút nào, với chức năng và công việc cao quý và đáng trân trọng mà vẫn còn tồn tại biểu hiện mặc cảm tự ti thì những người ở các ngành, các lãnh vực khác chắc sẽ không khá hơn bao nhiêu. Vậy chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân của các hiện tượng trên.
Một hình thức “tốt đời –đẹp đạo”: Đã là con dân đất Việt thì không xa lạ gì cụm từ “tốt đời – đẹp đạo”. Đây là cụm từ mà chính quyền Việt Nam đã không ngừng tuyên truyền và chắc chắn có hậu ý đằng sau. Một khi đã không còn tính thuyết phục và hữu hiệu với chủ trương và chính sách xem “tôn giáo là thuốc phiện”, vì hai từ thưốc phiện dễ gây phản cảm, thì người ta muốn biến niềm tin tôn giáo, đúng hơn là các sinh hoạt tôn giáo trở thành một mảng văn hoá nghệ thuật, cho dù có thể ở cấp độ cao nào đó. Người ta muốn biến sinh hoạt tôn giáo thành một hình thức lễ hội hay một nghệ thuật giải trí, giải tâm mang tính phụ thêm cho các sinh hoạt khác của cuộc nhân sinh cũng như thể thao, hội hoạ, điện ảnh… Như thế niềm tin tôn giáo của người dân sẽ bị giới hạn nơi các sinh hoạt tôn giáo và rồi sẽ ít có liên hệ đến cuộc sống đời thường, may ra chỉ có nơi một vài hình thức việc từ thiện.
Mưa dầm, thấm sâu. Đời sống đạo của Kitô hữu Việt Nam vì thế cũng dường như bị giới hạn nơi các hình thức “kinh, lễ, rước xách”. Khi trở về với đời thường, người ta sao thì tôi vậy. Lắm khi người ta làm bậy, tôi làm thinh mà có khi cũng làm theo. Cuộc sống vì thế như bị tách hai phần, phần đời và phần đạo khá rõ rệt và ít có liên hệ đến nhau. Cái phần đạo dường như ít mang tính nhu cầu nghĩa là cần thiết liên lĩ cho cuôc sống, ngoại trừ những khi gặp nghịch cảnh hay tai ương hoạn nạn. Niềm tin tôn giáo, qua các sinh hoạt bên ngoài như trên đã trở thành một phần phụ thêm cho người có tín ngưỡng và vì thế nó mang tính vị kỷ. Và khi tính vị kỷ chen vào thì nhu cầu chia sẻ, yêu cầu truyền giáo sẽ ít đi và có khi là không còn, vì các hình thức lễ lạc, hội hè, rước xách như đã đáp ứng nhu cầu vị kỷ ấy.
Không ai có thể trao ban điều mình không có: Thử hỏi có được bao nhiêu Kitô hữu Việt Nam, từ người giáo dân đến hàng tu sĩ, linh mục, giám mục xác tín rằng niềm tin Kitô chính là lẽ sống của mình, là kim chỉ nam chi phối, đúng hơn là hướng dẫn mọi hành vi, mọi chương trình hoạt động của mình? Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta cần xem xét các hành vi, các chương trình hoạt động và việc làm của chúng ta mang tính Kitô được bao nhiêu phần trăm. Chúng ta có chân nhận hồng ân đức tin như là kho tàng vô giá chôn dấu trong ruộng hay như viên ngọc quý để rồi sẵn sàng bán đi tất cả hầu chiếm hữu cho kỳ được chưa? (x.Mt 13,44-46).
Sự thường tốt thì khoe, xấu thì che. Một khi vẫn còn mặc cảm tự ti một cách nào đó về căn tính Công giáo của mình thì chúng ta phải đấm ngực thú nhận mình chưa trân trọng, chưa quý trọng cách đúng đắn và đầy đủ hồng ân đức tin đã lãnh nhận. Chúng ta hãnh diện và tôn vinh các bậc cha ông anh hùng tử đạo là điều chính đáng và phải đạo. Thế nhưng khi nỗ lực làm cho dòng máu ấy tươi thắm theo dòng thời gian bằng chính cuộc sống không quản ngại gian nguy của chúng ta thì đẹp lòng cha ông hơn nhiều. Chắc chắn đã từng có đó nhiều vị thánh tử đạo không phải trả giá bằng cái chết công khai mà chỉ bằng những hy sinh cách này cách khác vì danh Chúa Kitô (vì công lý, vì sự thật, vì tinh yêu…).
Nếu Giáo Hội Việt Nam có càng nhiều vị thánh tử đạo bằng hình thức này hay hình thức khác thì công cuộc truyền giáo sẽ phát triển không ngừng. “Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm phát sinh người có đạo.” Câu nói của Tertulianô là một chân lý mà các vị mục tử hàng đầu trong giáo hội thường nhắc đi nhắc lại. Có thể nói không sợ sai lầm rằng can đảm chịu tử đạo hay sống tinh thần tử đạo là phương thế truyền giáo tốt đẹp và hữu hiệu hơn nhiều chiến dịch với khẩu hiệu, bích chương hoành tráng.
Lm Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột
(nguồn : thanhlinh.net)
LẼ SỐNG 24.10
Trích sách Lẽ Sống24 Tháng Mười
Ngày Liên Hiệp Quốc
Vào năm 1945, ba quốc gia gây chiến Ðức, Italia, Nhật mang bộ mặt tan tác tả tơi của những nước bại trận. Ða số những thành phố lớn tại Ðức, cũng như hai thành phố Hiroshima và Nagasaki tại Nhật chỉ còn là những đống gạch vụn, những thành phố chết.
Hình ảnh của thế giới, nhất là tại các quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong những năm "39-45" có lẽ không khác gì bộ mặt của trái đất sau trận lụt Ðại Hồng Thủy, khi trận lụt vĩ đại gây ra do những trận mưa lũ kéo dài 40 ngày đêm đã giết hại mọi sinh vật, như tác giả sách Khởi Nguyên viết : "Mọi loài xác thịt động đậy trên đất đều tắt thở: chim chóc, thú vật, mãnh thú... tất cả các vật trên cạn đều bị xóa sạch trên mặt đất từ người cho đến súc vật, côn trùng và chim trời...".
Từ đống tro tàn của thế chiến thứ hai, một ý nghĩa đã được manh nha và Liên Hiệp Quốc đã thành hình với mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình. Vì như một chính trị gia đã phát biểu: "Nếu con người không hủy diệt chiến tranh, chiến tranh sẽ hủy diệt con người".
Nhưng từ ngày tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1945 đến nay không biết bao nhiêu cuộc chiến song phương cũng như nội bộ đã xảy ra. Những bàn tay con người vẫn được dùng để giơ gươm, để lảy cò, để bấm nút những khí giới giết người. Vì thế súng vẫn nhả đạn và máu tươi vẫn tuôn rơi, lòng đất vẫn thấm máu con người.
Ngày 24 tháng 10 hằng năm, bao nhiêu lá cờ của mọi quốc gia đã được trưng lên trong những buổi lễ kỷ niệm ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập, bao nhiêu sinh hoạt đã được tổ chức để nhắc nhở con người, không phân biệt màu da, tiếng nói, không phân biệt tín ngưỡng hay quan niệm về thể chế chính trị, ý nghĩa của tổ chức mang mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình.
Nhưng thiết nghĩ, hòa bình thế giới không thể được thiết lập nếu lòng người chưa đạt được sự an bình, vì nếu những tâm tình ganh ghét, ghen tuông, nghi kỵ, nếu những tư tưởng lợi dụng, đàn áp, bóc lột vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng chúng ta, thì ngọn lửa chiến tranh vẫn còn có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.
Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010
LẼ SỐNG 23.10
Cùm Chân Chó
Sách Lã Thị Xuân Thu có chép một câu chuyện như sau: Nước Tề có người xem tướng chó rất giỏi. Một người hàng xóm tới nhờ anh ta tìm cho một con chó biết bắt chuột. Ít lâu sau, anh mang đến một con chó và nói: "Con chó này tốt lắm, ông cứ dùng sẽ vừa ý".
Người hàng xóm tin theo, nhưng mấy năm qua, con chó không bắt được con chuột nào cả. Người hàng xóm phàn nàn, anh ta liền nói: "Con chó này tốt, nhưng nó chỉ có tài săn bắt hươu nai, bây giờ muốn nó bắt chuột thì phải buộc chân sau nó lại". Người hàng xóm đã nghe theo và quả nhiên con chó bắt chuột rất hay.
Có cùm một chân lại, con chó mới có thể bắt được chuột. Phải chăng, đó không phải là hình ảnh của rất nhiều người thành công trong những địa hạt lớn, trong những công tác xã hội, trong những việc làm ở quy mô lớn, nhưng lại thất bại trong gia đình hay trong chính cuộc sống cá nhân của mình. Người ta nghĩ rằng chỉ có những công việc vĩ đại mới có giá trị. Người ta phân bua rằng việc trong nhà, việc ở xó bếp là việc của đàn bà.
Thế nhưng có ai nghĩ rằng hạnh phúc của gia đình tùy thuộc rất nhiều vào những công việc xó bếp ấy. Và những công việc vô danh ấy cũng đòi hỏi nhiều hy sinh, nhẫn nhục và tình yêu hơn tất cả những đại cuộc khác. Công việc càng nhỏ nhặt, càng vô danh thì càng nhiều phiền toái và càng đòi hỏi nhiều phấn đấu hơn. Nếu không biết cùm chân lấy một chân, nếu không biết hy sinh, nhẫn nhục, một người mẹ trong gia đình không thể chịu đựng năm kia tháng nọ tất cả những phiền toái ấy.
Trích sách Lẽ Sống
CHỨNG NHÂN HY VỌNG
HY Phanxicô Xaviê
Nguyễn Văn Thuận
Là người con dân nước Việt, đặc biệt là người Kitô hữu Việt Nam trong giây phút này có cơ hội hiện diện tại thành phố Rôma muôn thuở cổ kính và tham dự vào ngày long trọng sau 3 năm theo tiến trình loan báo phong Chân Phước lúc 2007 (sau 5 năm qua đời), hôm nay Giáo Hội Công Giáo chính thức mở cuộc điều tra ở cấp Giáo Phận về đời sống, các nhân đức và tiếng tăm thánh thiện của bậc đáng kính: HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đó là một niềm hạnh phúc dạt dào ít người hưởng được trong cuộc đời đức tin.
Sáng sớm thứ sáu, 22.10.2010 tại Roma dòng người đủ mọi chủng tộc, mọi quốc gia nơi
người VN hải ngoại định cư, thuộc mọi lứa tuồi gồm có thân nhân ruột thịt lẫn con cái thiêng liêng của ĐHY Thuận, nhân viên Tòa Thánh - đặc biệt thuộc bộ Công Lý và Hòa Bình, bạn bè thân hữu, những người mộ mến ĐHY đã tiến về nhà thờ Đức Mẹ Maria Scala tại quảng trường Santa Maria della Scala ở Rôma. Đây là nhà thờ hiệu tòa của Đức Cố Hồng Y và chính tại bàn thờ này cách đây trong 9 năm là nơi ĐHY đã dâng thánh lễ thường ngày.
Đoàn chúng tôi đủ mọi thành phần, khoảng 32 người xuất phát từ nhà Foyer Phát Diệm được các nữ tu dòng Mến Thánh Giá tại đây hướng dẫn bằng xe buýt đến nhà thờ Đức Mẹ Maria Scala. Ai cũng hân hoan vui sướng và khi nghe chuyện hầu như người nào cũng có những kỷ niệm đẹp với ĐHY Thuận khi còn sinh tiền.
Nhà thờ đã được tụ họp đông đảo từ sớm, đông đến nỗi không đủ ghế ngồi và giáo dân chiếm luôn các hàng ghế dành cho các linh mục đồng tế. Ước lượng hơn 600 giáo dân, phân nửa là Việt và phân nửa là Ý cùng các quốc gia khác. Cộng thêm đoàn đồng tế khoảng 120 linh mục và 12 Hồng Y và Giám Mục. Chúng tôi nhìn thấy Hồng Y Roger Etchegarey dù tuổi già sức yếu vẫn không để vuột mất cơ hội ngàn năm chứng kiến ngày GH tôn vinh cho người bạn đồng hành và cũng là người kế vị của ngài, tiếp đến Hồng Y Ivan Dias, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, HY Miloslav Vlk cũng đứng trong đoàn chủ tế. Từ Giáo Hội VN có sự hiện diện của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể của TGP Huế. Tất nhiên trong dòng tộc của ĐHY Thuận có những thân nhân ruột thịt như người em gái út Elizabeth Nguyễn Thị Thu Hồng (Canada) và các các thân quyến ghi nhận được như Mrs. Anne-Marie Ngô Đình Luyện (Pháp), Maria-Claude Ngô Đình Luyện (Pháp), Mrs. Marie Cecile Luyện (Italia), Mrs. Thérèse Nguyễn (Úc), Ms. Lan Nguyễn Thị Hương (USA).
Nơi đây không thể không nhắc đến những nhân chứng kề cận với ĐHY Thuận trong cảnh ngục tù: người quản tù và hai vị giáo dân từ Giang Xá đã đến Rôma và mặc quốc phục khăn đống áo dài hiện diện giữa đoàn người giáo dân.
Thánh lễ long trọng được cử hành vào lúc 8g30 do ĐHY Peter Turkon, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình - chủ tế cầu nguyện cho Vị Tôi Tớ Chúa, HY Văn Thuận và xin Thiên Chúa chúc lành cho ngày điều tra ở cấp giáo phận để tôn vinh Ngài lên bậc Chân Phước.
ĐHY Thuận đã được bổ nhiệm vào chức vụ phó chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình từ năm 1994. Sau đó Ngài được ĐGH Gioan Phaolô II tín nhiệm vào chức vụ chủ tịch từ ngày 24.6.1988 cho đến lúc Ngài lâm trọng bệnh và qua đời ngày 16.9.2022. Theo cách gọi của cơ quan nhà nước ngoài đời thì Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình chính là Bộ Xã Hội, vị chủ tịch tương đương hàng bộ trưởng. Đây là chức phẩm cao nhất của hàng giáo phẩm Việt Nam phục vụ trong giáo triều Roma từ trước đến nay.
ĐHY Peter Turkon đã có lần viết thư và nhận định về con người của ĐHY Thuận vào đầu tháng 9.2010 như sau: "Ý nghĩa sâu xa trong lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Thuận, vị tiền nhiệm của tôi, đã thúc đẩy tôi khuyến khích anh chị em hãy nhớ đến Ngài như là một vị Tử Đạo trong thời đại chúng ta bằng chính những chứng từ tuyệt vời của ngài. Qua những năm tù đày trên chính quê hương mình, với biết bao khó khăn, lăng nhục, đọa đày Ngài đã trải qua một thời gian dài, Đức Hồng Y Thuận trở nên cho tất cả chúng ta một mẫu mực của niềm vui, hy vọng và tình yêu mến đối với Giáo Hội và với hết thảy anh chị em chúng ta, không phân biệt một ai."
Thánh lễ hôm nay ĐHY Peter Turkon lại có dịp nhắc lại rõ hơn về con người sống trong hy vọng một cách huyền nhiệm và chỉ có ĐHY Thuận mới giúp chúng ta tìm ra được con Đường Hy Vọng.
Cuộc sống đức tin qua phục vụ tha nhân và phát triển các học thuyết xã hội công giáo của ĐHY Thuận đã nêu gương sáng cho những cộng tác viên và những người chung quanh. Những gì ĐHY Thuận còn để lại cho hậu thế chính là tấm gương sáng ngời. ĐHY Peter Turkon viết thêm: "Cuộc đời của ĐHY Thuận, biểu lộ rõ nét bằng một niềm thanh thản an bình sâu xa, kêu gọi chúng ta sống như Ngài, dưới bóng Thập Giá, bởi vì "trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa là chứng tá đích thực của Thập Giá, thực thi Thập Giá trong mỗi người chúng ta.“ Chính khi chúng ta vác thập giá chúng ta mới cảm nhận được ơn bình an mà chúng ta cần có giữa cái thế giới tràn ngập âu lo và hỗn độn."
Cùng với nhận định này, giây phút ĐHY Thuận giã từ cuộc sống để bước vào cuộc sống mới ngày 16.9.2002 thì một vị trong giáo triều Rôma đã phải thốt lên: "Một vị Thánh đã qua đời.“
Quả thực, ngày hôm nay trong thánh lễ này tất cả mọi người hiện diện cảm nghiệm được rõ ràng lời tiên tri đó đang trở thành hiện thực trong Giáo Hội chúng ta.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi ĐHY Thuận rất nhiều lần, dịp cuối cùng trong thánh lễ an táng của ĐHY Thuận, Ngài phải giã từ một người bạn Việt Nam anh hùng đáng kính: "Trong lúc chào vĩnh biệt người sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng Y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, cho đến độ tử đạo."
Đúng như thế, chỉ có một niềm tin yêu phó thác hoàn toàn tuyệt đối vào lòng thương yêu của Thiên Chúa ĐHY Thuận mới có đủ sức mạnh vượt qua những đêm tăm tối dài đằng đẵng của 13 năm ngục tù và vẫn một lòng tín trung cho dù có những lúc thể xác mong manh với hơi thở tưởng chừng đứt quãng. Cuối cùng Ngài đã biến bóng đêm của lao tù tỏa rạng thành ánh sáng của yêu thương, chia sẻ, hy vọng và kể cả thứ tha cho những người hành hạ Ngài.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, một người đồng hành với ĐHY Thuận trong giáo triều Rôma đã nhận định ngắn gọn và chính xác về Ngài: "Đây là một ngôn sứ của tử đạo và tin yêu hy vọng trong thời đại chúng ta."
Bởi thế, hôm nay người Công Giáo Việt Nam hân hoan và hãnh diện về người đồng hương tuyệt vời của mình. Nếu Giáo Hội và thế giới nhắc đến Mẹ Têrêsa thành Kalkutta và ĐGH Gioan Phaolô II thì Đức HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là người đã sống đồng thời và đang được vinh thăng lên cùng bậc với hai vị vĩ nhân kể trên.
Một điểm son cho Giáo Hội Việt Nam đã thực hành hoàn toàn trái ngược trong quá trình xét án phong Thánh cho 117 Vị Tử Đạo VN vào năm 1988, lúc đó Giáo Hội thầm lặng và như muốn dấu kín, kể cả có thêm các tư tưởng xin dừng việc phong thánh - thì lần này Giáo Hội VN tích cực và công khai hóa việc Tòa Thánh mở án phong Chân Phước cho ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua thư mục vụ của HĐGM VN gửi đến Cộng Đồng Dân Chúa ngày 07.10.2010: "Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng tôi vui mừng thông báo cho anh chị em biết: ngày 22.10.2010 tới đây giáo phận Rôma chính thức mở án phong Chân Phước cho Tôi Tớ Chúa là Đức Cố HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài từng là một vị chủ chăn nhiệt thành và thành viên đáng kính của HĐGM VN. Sự kiện giáo phận Rôma mở án phong Chân Phước cho thấy Ngài được trân trọng và nhìn nhận như chứng nhân sống động của Tin Mừng yêu thương và hy vọng trong thế giới ngày nay. Vì thế, đây quả là niềm vui lớn và niềm tự hào cho Giáo Hội VN, đồng thời là lời mời gọi tất cả chúng ta tiếp bước theo Ngài, làm chứng cho Tin Mừng yêu thương và hy vọng của Chúa Giêsu trên quê hương đất nước chúng ta."
Ngoài ra Caritas VN qua cha Giám đốc Caritas Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn đã hân hoan và minh nhiên công bố về người con ưu tú của GHVN: "Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam từ năm 1972-1976 và sáng lập ra tổ chức Hội Hợp Tác để Xây dựng lại Việt Nam (COREV). Ngài đã làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình ở Rôma. Ngài đã có sáng kiến biên soạn cuốn Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo. Ngài là người con ưu tú của Giáo hội Công giáo Việt Nam và cũng là gương mẫu cho chúng ta trong hoạt động bác ái xã hội. UBBAXH-Caritas Việt Nam trân trọng mời gọi tất cả các hội viên, các tình nguyện viên của Caritas Việt Nam cầu nguyện và tham gia các hoạt động tinh thần để tưởng nhớ đến Ngài."
Tạm kết với lời thơ của thày chủng sinh J.B. Nguyễn Quốc Tuấn thuộc ĐCV Vinh Thanh ghi ngày 01.10.2010 được đăng trên mạng Vietcatholic:
"Cuộc lữ hành không vương màu bi thán
Con đường đức tin Cha đã đi qua
Để hôm nay nở rộ một mùa hoa
Nơi lòng chúng con đang tìm về Hy Vọng."
Tối qua chúng tôi rảo buớc ra công trường Thánh Phêrô thăm viếng và cầu nguyện. Đền thờ tỏa sáng ánh điện ấm áp và trên bầu trời trong xanh có ánh trăng tỏa sáng xuống công trường. Chúng tôi nhìn lên cao từ nơi đất thánh này cảm thấy như có một vì sao nhỏ trên khung trời hy vọng đang tỏa sáng dần xuống đoàn con. Có thể đấy là vì sao hy vọng của người Tôi Tớ Chúa, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Xin Tôi Tớ của Chúa, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cầu cho chúng con, cho Giáo Hội và cho quê hương tổ quốc chúng con.
(Ghi nhanh tại Giáo Đô Rôma, ngày 22.10.2010)
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(nguồn : vietcatholic.net)
Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010
LẼ SỐNG 22.10
Trích sách Lẽ Sống22 Tháng Mười
Hòn Vọng Phu
Giữa Nha Trang và Tuy Hòa, khoảng xa lộ 21 và sông Hinh, gần quận Khánh Dương có một ngọn núi tên là Vọng Phu, có nghĩa là trông đợi chồng.
Theo tục truyền trong dân gian thì thuở xưa có một gia đình sống hạnh phúc ở gần chân núi. Khi giặc giã nổi lên ở biên thùy, người chồng theo lệnh vua, tòng quân ra ngoài biên ải để chống quân thù, để lại người vợ trẻ và đứa con đang còn bú mớm. Người vợ trẻ ở nhà chờ chồng, mỗi ngày bế con trèo lên ngọn núi ngóng về phía biên cương xem có dáng chồng trở về hay không. Thời gian trôi qua nhưng đoàn quân chưa thấy về, người vợ và đứa con chờ đợi mãi hóa thành đá. Người đời biết chuyện nên gọi đó là Hòn Vọng Phu.
Có lẽ đây chỉ là một ngọn núi được cấu tạo bởi nhiều loại đá khác nhau. Theo thời gian, mưa gió sói mòn loại đá mềm, để lại hình dạng mường tượng như một người bồng con ngồi trông ra phía biển. Người dân ta đa sầu đa cảm, lại thêm cảnh nước luôn loạn ly, đã mượn hình dạng của núi để diễn tả tâm sự trông đợi chồng của người thiếu phụ Việt Nam.
Ðiều làm cho xao xuyến cảm động ở đây là lòng chung thủy của một thiếu phụ, dù đói no, đau yếu hay mạnh khỏe, vẫn trước sau một lòng thương yêu chồng, xem chồng như là lẽ sống của cuộc đời.
Rung động trước dạ trung kiên của người thiếu phụ Việt Nam qua hình ảnh Hòn Vọng Phu, chúng ta không khỏi không cảm động trước Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Dù núi dời, dù đồi chuyển, dù con người có bội bạc phôi pha, Thiên Chúa vẫn luôn chung thủy trong Tình Yêu của Người. Càng thấm thía tình thương của Chúa, chúng ta càng cảm thấy Người là lẽ sống và là tất cả của cuộc sống.
Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010
LẼ SỐNG 21.10
21 Tháng Mười
Hai Cha Con Và Con Lừa
Một trong những câu chuyện ngụ ngôn mà người Mỹ thường kể cho con cái nghe nhất đó là câu chuyện: "Hai cha con và con lừa". Có hai cha con dắt con lừa ra chợ bán. Cha ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người đi đường thấy thế bèn nói: "Cha gì mà không biết thương con! Ngồi trễm trệ trên lưng lừa, trong khi con phải đi bộ!". Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống khỏi lưng lừa và nhường cho con cưỡi lừa. Ði được một chốc, hai cha con lại nghe người hai bên đường chỉ trích: "Ðồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên lưng lừa, trong khi cha lại đi cuốc bộ". Nghe như vậy, hai cha con mới bảo nhau: "Chỉ còn một cách để cho thiên hạ khỏi nói là hai ta cùng cưỡi lừa".Trích sách Lẽ Sống
Thế là hai cha con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được một quãng, họ lại bắt đầu nghe một lời phê bình khác: "Thật là đồ vô nhân đạo! Làm sao con lừa chịu đựng cả một sức nặng như thế".
Nghe thế, hai cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng lừa. Lần này thì cũng có người phê bình: "Ðồ dại dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi bộ". Hai cha con không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng con lừa đến chợ.
Ðôi khi chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì những lời khen chê của thiên hạ. Dĩ nhiên chúng ta cần phải biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có thiện chí muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không nên để mình bị "rung động" bởi những lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.
- Trong Giáo Hội cũng có những người mắc phải chứng bệnh thích chỉ trích phê bình người khác. Họ quên rằng mình cũng chỉ là những con người đầy khiếm khuyết. Họ là những gai nhọn hoặc dấm chua trong Giáo Hội. Sự hiện diện của họ thường gây sứt mẻ hơn là góp phần xây dựng Giáo Hội trong tình yêu thương và hiệp nhất.
TÂN HỒNG Y
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 20/10, Đức Thánh Cha đã công bố danh tính 24 vị tân Hồng Y sẽ được tấn phong trong Công Nghị Hồng Y ngày 20/11 tới đây.
Trong số các vị đang coi sóc các giáo phận trên thế giới có :
1) Đức Cha Paolo Romeo (Ý Đại Lợi),Tổng Giám Mục Palermo
2) Đức Cha Reinhard Marx (Đức), Tổng Giám Mục Munich
3) Đức Cha Kazimierz Nycz (Ba Lan), Tổng Giám Mục Warsaw
4) Đức Cha Donald Wuerl (Hoa Kỳ), Tổng Giám Mục Thủ Đô Washington
5) Đức Cha Laurent Ms. Pasinya (Zaire), Tổng Giám Mục Kinshasa
6) Đức Cha Medardo Joseph Mazombwe (Angola), Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Lusaka
7) Đức Cha Malcolm Ranjith Patabendige Don (Sri Lanka), Tổng Giám
Mục Thủ Đô Colombo
8) Đức Cha Raymundo Damasceno Assis (Brazil), Tổng Giám Mục Aparecida
9) Đức Cha Raul Eduardo Vela Chiriboga (Ecuador), Tổng Giám Mục Thủ Đô Quito
10) Đức Thượng Phụ Antonio Naguib của Thành Alexandria của Công Giáo Copt (Ai Cập).
Trong số các vị đứng đầu các cơ quan tại giáo triều Rôma có :
11) Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh
12) Đức Tổng Giám Mục Fortunato Baldelli, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao
13) Đức Tổng Giám Mục Raymond Burke, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh.
14) Đức Tổng Giám Mục Kurt Koch, tân chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Hiệp Nhất Kitô Giáo
15) Đức Tổng Giám Mục Francesco Monterisi, cha sở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành
16) Đức Tổng Giám Mục Mauro Piacenza, tân Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ
17 ) Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa
18) Đức Tổng Giám Mục Robert Sarah, (Guinea Conakry), chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum)
19) Đức Tổng Giám Mục Velasio De Paolis (Ý Đại Lợi), chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế Sự Vụ của Tòa Thánh.
20) Đức Tổng Giám Mục Paulo Sardi, Phó Nhiếp Chánh.
4 vị Tân Hồng Y trên 80 tuổi :
21) Đức Tổng Giám Mục José Manuel Estepa Llaurens, Tổng Giám Mục Quân Đội Tây Ban Nha
22) Đức Tổng Giám Mục Elio Sgreccia (Ý) Cựu chủ tịch Học Viện Giáo Hoàng về Sự Sống
23) Đức Cha Walter Brandmüller, cựu chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Khoa Học Lịch Sử
24) Đức Ông Domenico Bartolucci (Ý), người đã chỉ huy ca đoàn Sistina của Tòa Thánh từ 1956 đến 1997.
Nguyễn Việt Nam
(nguồn : vietcatholic.net)
Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010
LỜI CHỦ CHĂN THÁNG 10.2010
TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
Thành phố HCM
15.10.2010
Hướng tới Đại Hội Dân Chúa sắp đến
Anh chị em rất thân mến,
1. Xây dựng Giáo Hội trên đất nước hôm nay. Sau Hội nghị vừa qua, trong thư gửi dân Chúa, Hội đồng Giám mục Việt Nam thống nhất xác định rõ mục tiêu của Đại Hội Dân Chúa sắp đến là mời gọi mọi thành phần dân Chúa góp ý cùng tham gia xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam hôm nay. Xây dựng một Giáo Hội thực sự là dấu chỉ và khí cụ hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Xây dựng Giáo Hội hiệp thông như thế là nhằm cùng nhau chung sức chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô trong hoàn cảnh đất nước và thế giới hôm nay.
Lời mời gọi đó nhắc lại cho mọi thành phần dân Chúa bổn phận ưu tiên hiện nay là xây đắp những mối hiệp thông căn bản theo như lòng Chúa mong muốn. Trước tiên là hiệp thông với Thiên Chúa là đầu mối các mối hiệp thông liên hoàn. Kế đến là hiệp thông với Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô, hiệp thông với mọi thành phần trong cộng đồng dân Chúa là con một Cha trên trời, hiệp thông với mọi người trong cộng đồng dân tộc và thế giới là đối tượng Chúa Cứu Độ yêu thương và phục vụ cho sự sống dồi dào.
2. Làm theo Lời Chúa dạy. Trong Lời Chủ Chăn những tháng trước, chúng tôi đã ghi lại Lời Chúa dạy khi xây ngôi nhà cuộc đời của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, xây ngôi nhà Giáo Hội hiệp thông, thì chủ yếu cần phải làm những gì. Nay xin nhắc lại, mong mọi người ghi khắc trong lòng và nhắc nhở nhau mang ra thi hành trong cuộc sống thường ngày.
- Chúa dạy hãy xây nhà trên nền đá vững chắc là Lời Chúa (x.Mt 7,24-25), với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, hoà bình và công lý (TV 85,11).
- Trong mọi hoàn cảnh, hãy bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Đức Giêsu Đấng cứu độ chúng ta, để được lớn lên về mọi phương diện, và vươn đến Con Người mới, con người thành toàn là Đức Giêsu Kitô Đầu của Hội Thánh (x. Ep 4,15-24).
- Để trở nên men muối và ánh sáng Tin Mừng trong xã hội hôm nay (x. Mt 5,13-16).
- Trong mọi khó khăn thử thách, hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện (Rm 12,12).
- Cầu nguyện là mở rộng lòng trí đón nhận ánh sáng chân lý và sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, để nhận biết trong mọi tình cảnh của cuộc đời đâu là thánh ý Cha trên trời, đồng thời để có đủ sức mang ra thi hành. Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì ý Chúa và sự khôn ngoan của Chúa cao hơn ý người và sự khôn ngoan của thế gian bấy nhiêu (x. Is 55,9).
3. Vượt qua thử thách. Trong hành trình bước theo Chúa Giêsu trên con đường xây đắp ngôi nhà hiệp thông, cùng thi hành sứ vụ loan Tin Mừng, mỗi người còn phải suy gẫm và học hỏi những kinh nghiệm trong lịch sử cứu độ như những bài học thiết thực. Những bài học về những thử thách cần phải vượt qua:
- Bà Eva mẹ chúng sinh coi mình khôn hơn và bất cần Thiên Chúa. Hệ quả là tâm tư con người mang nặng tính đối kháng, và cảnh huynh đệ tương tàn diễn ra trong gia đình bà...
- Giuđa chạy theo quyền lợi và danh vọng thế gian, đưa đến phản Thầy, rồi đi vào ngõ cụt kết thúc đời mình.
- Saolô đối kháng và bắt đạo trước khi đón nhận Chúa Thánh Thần đổi mới thành Phaolô hội nhập và truyền đạo.
- Simon theo thói đời sắm gương bảo vệ Thầy, rồi lại hoảng sợ chối Thầy, trước khi đón nhận Chúa Thánh Thần đổi mới thành Phêrô làm viên đá nền xây Giáo Hội Chúa Kitô...
Trong hành trình cuộc đời, ai ai cũng có thể đối diện với những thử thách tương tự. Và phàm nhân chỉ có thể vượt qua nhờ ánh sáng chân lý và sức mạnh tình yêu của Chúa, cùng sức mạnh của tình hiệp thông huynh đệ trong Giáo Hội Chúa Kitô.
4. Chúng ta hãy nhắc bảo nhau chuyên cần cầu nguyện, nhớ mang Lời Chúa ra thực hành trong đời sống gia đình, cộng đoàn, xã hội. Hãy giúp nhau vun đắp niềm hy vọng nơi Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa, nơi lòng từ mẫu bao la của Đức Mẹ La Vang, nơi lòng trung kiên vững bền của các tiền nhân cùng chứng nhân đức tin trên đất nước Việt Nam.
Nguyện chúc ơn bình an của Chúa Kitô và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần hằng ở cùng anh chị em.
Giám mục của anh chị em
CON CHÚA LÀM NGƯỜI YÊU THƯƠNG CỨU ĐỘ
Chiêm ngắm CHÚA YÊU THƯƠNG HỘI NHẬP
Thứ nhất: Ta hãy xin bước theo Chúa Giêsu...
1. Khiêm tốn mang lấy phận người khổ đau và chết chóc (Lc 1,26-38 ).
2. Mang lại niềm vui cứu độ cho nhà nhà (Lc 1,39-56).
3. Đem lại bình an cho người thiện tâm (Lc 2,1-20).
4. Tận hiến cho Chúa Cha để nên ánh sáng cho muôn dân (Lc 2,22-32).
5. Chuyên cần tìm học ý Chúa Cha yêu thương cứu nhân độ thế (Lc 2,41-52).
Chiêm ngắm CHÚA YÊU THƯƠNG DẤN THÂN PHỤC VỤ
Thứ nhất: Ta hãy xin bước theo Chúa Giêsu...
1. Dấn thân thi hành kế hoạch yêu thương cứu độ nhân sinh (Mt 3,13-17).
2. Đồng hành với các gia đình trong vui buồn, lo âu và hy vọng (Ga 2,1-11).
3. Loan Tin Mừng và phục vụ cho sự sống con người, đặc biệt người nghèo (Mc 1,14-15. 21-34).
4. Mở rộng con tim đón nhận và toả sáng lòng từ ái bao dung (Mt 17,1-18).
5. Tự hạ hiến thân vì sự sống và sự hợp nhất gia đình nhân loại (Mc 14,17-25).
Chiêm ngắm CHÚA YÊU THƯƠNG HY SINH
Thứ nhất: Ta hãy xin bước theo Chúa Giêsu...
2. Tự nguyện đón nhận khổ đau để giải thoát nhân trần (Mc 14,43-47).
3. Chấp nhận tủi nhục để phục hồi phẩm giá con người (Mc 15,16-20).
4. Yêu thương hy sinh đến cùng để cứu độ nhân sinh (Mc 15,21-22; Lc 23,26-34).
5. Biến cái chết trên thập giá thành tình yêu toàn hiến (Mc 15,33-39).
Chiêm ngắm CHÚA YÊU THƯƠNG ĐỔI MỚI
Thứ nhất: Ta hãy xin bước theo Chúa Giêsu...
2. Mở lối đi vào cõi sống mới chan hoà ánh sáng chân lý và tình yêu (Cv 1,6-11).
3. Chia sẻ ơn Chúa Thánh Thần là nguồn lực đổi mới và hợp nhất nhân loại (Cv 2,1-13).
4. Quy tụ nhân thế vào trong Nước Chúa chan hoà ánh sáng an bình.
5. Mở rộng Nước Chúa cho người người chung hưởng phúc trường sinh.
(nguồn : tgpsaigon.net)