Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 25.6.2020



THÁNH LỄ BỔN MẠNG ĐỨC HỒNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN, 24.6.2020


WGPSG -- “Tôi luôn cầu nguyện cho tất cả mọi người biết dọn đường cho Chúa đến, biết đem tình thương và bình an của Chúa đến cho người khác.”

Đức Hồng y (ĐHY) Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã nói như thế khi ngài chủ tế Thánh lễ mừng sinh nhật Thánh Gioan Baotixita - cũng là Bổn mạng của ngài - vào lúc 6g15 thứ Tư, ngày 24.6.2020 tại nhà nguyện lầu 3 - Trung tâm Mục vụ (TTMV) Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Đồng tế với ngài có Đức Tổng Giám mục (ĐTGM) Giuse Nguyễn Năng, Đức Giám mục (ĐGM) Louis Nguyễn Anh Tuấn, ĐGM Tôma Vũ Đình Hiệu, linh mục (Lm) Tổng đại diện Ignatiô Hồ Văn Xuân, cùng 14 linh mục của Trung tâm Mục vụ (TTMV) và Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Tham dự Thánh lễ có các thầy và các nhân viên phục vụ tại TTMV.

Trong bài giảng lễ, ĐGM Louis đã giải thích: "Tên Gioan có nghĩa là Đức Chúa thi ân. Vâng, Chúa đã thi ân cho gia đình ông Giacaria và bà Elizabeth trong ngày lễ đặt tên. Ông Giacaria đã hết bị câm khi đặt tên con trẻ là Gioan theo lời sứ thần Chúa chỉ dạy. Sinh nhật của Thánh Gioan nhắc chúng ta nhớ đến mầu nhiệm sự sống và mầu nhiệm tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho gia đình Thánh Gioan, cho ĐHY và cho tất cả nhân loại từ thuở đời đời”.



ĐGM Louis kết thúc bài giảng bằng lời cầu nguyện cho ĐHY luôn cảm nhận được tình yêu của Chúa trong sứ mạng mà Chúa đã trao trong mọi giai đoạn của cuộc đời.

Sau lời nguyện hiệp lễ, linh mục Tổng đại diện Ignatiô đã chúc mừng lễ bổn mạng của ĐHY.

Thánh lễ kết thúc lúc 7g trong niềm vui của cộng đoàn phụng vụ, vì bao nhiêu ơn lành Chúa đã ban cho ĐHY và qua ĐHY, biết bao ơn lành cũng được ban cho cộng đoàn dân Chúa.




(WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG TRỰC TUYẾN, THỨ TƯ NGÀY 24.6.2020


Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC, 19.6.2020


WGPSG -- “Linh mục là hiện thân của Chúa Giêsu”, Đức Tổng Giám mục (Đức TGM) Giuse Nguyễn Năng đã nhấn mạnh như thế khi ngài chủ sự Thánh lễ phong chức linh mục cho 9 thầy phó tế thuộc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (ĐCV) vào lúc 8g30 thứ Sáu 19.6.2020 tại nhà thờ Đức Bà Saigon.

Đồng tế với ngài có Đức Giám mục (ĐGM) Louis Nguyễn Anh Tuấn cùng hơn 130 linh mục (Lm).

Tham dự Thánh lễ, có các ông bà cố, họ hàng, thân hữu của các tiến chức, cùng đông đảo tu sĩ, chủng sinh, và giáo dân.

Thánh lễ khởi sự với đoàn rước từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh, gồm: Đức TGM Giuse, ĐGM Louis, Lm Tổng Đại diện, các Lm hạt trưởng, các Lm giáo sư, 9 tiến chức, cùng các ông bà cố.


Trong bài giảng lễ, Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn hân hoan mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng cách chiêm ngắm tình yêu của Chúa - một tình yêu vô điều kiện, đi bước trước và luôn trung thành - để rồi đón nhận tình yêu đó và trao hiến một tình yêu như thế cho tha nhân.

Đức TGM đặc biệt nhắn nhủ các tân chức ý thức rằng họ được chọn không phải vì họ tài giỏi, mà vì Chúa yêu thương họ. Ngài nhấn mạnh: Linh mục là hiện thân của Chúa Giêsu giữa đoàn chiên, để yêu thương, phục vụ cách hiền lành và khiêm nhường.

Sau bài giảng là nghi thức phong chức linh mục, gồm 3 phần: nghi thức mở đầu, nghi thức chính yếu và nghi thức diễn nghĩa.

Trong nghi thức mở đầu, Lm Giám đốc ĐCV giới thiệu 9 ứng viên lên chức linh mục. Đức TGM Giuse chấp thuận. Các tiến chức phủ phục trên cung thánh để xin các Thánh chuyển cầu qua Kinh Cầu Các Thánh.

Bước vào nghi thức chính yếu, từng tiến chức tiến lên, quỳ trước mặt Đức TGM Giuse để ngài đặt tay truyền chức và đọc lời nguyện phong chức. Cử chỉ đặt tay nói lên việc thông ban Thánh Thần và lời nguyện thánh hiến làm cho các tiến chức được tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô. Sau khi Đức TGM Giuse đặt tay và đọc lời nguyện, các tân linh mục mặc áo lễ.

Sau đó là nghi thức diễn nghĩa, gồm xức dầu lòng bàn tay và trao chén thánh. Tiếp theo, Đức TGM Giuse trao hôn bình an cho các tân chức như dấu chỉ đón nhận các tân chức vào hàng cộng sự viên mới của giám mục. Đại diện linh mục đoàn cũng hôn chúc bình an cho các tân chức. Sau cùng, các linh mục đồng tế lần lượt đặt tay trên các tân chức.

Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, một đại diện tân chức đã có lời tri ân mọi người.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g25 với những tấm hình chụp chung đầy hân hoan của các tân linh mục với các thân nhân của mình.
 
Danh sách các tân linh mục
  1. Phaolô Phùng Thiện
  2. Phaolô Vũ Minh Huy
  3. Martinô Nguyễn Phương Linh
  4. Gioan Boscô Phạm Khôi Nguyên
  5. Giuse Trịnh Vĩnh Phúc
  6. Gioakim Đỗ Bá Thái
  7. Vinhsơn Vũ Đức Trọng
  8. Giuse Lê Hoàng Tuấn
  9. Phêrô Trần Anh Tuấn.

(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 21.6.2020



Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

THÁNH LỄ TẠ ƠN 30 NĂM LINH MỤC CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN NĂNG


WPD - 05:00 sáng hôm nay, 09.06.2020, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã chủ sự Thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm 30 năm chịu chức linh mục của Ngài (1990-9.06-2020) cách âm thầm tại nhà nguyện Tòa Giám mục Phát Diệm. Cùng đồng tế với Ngài, có quý cha trong Nhà Chung Phát Diệm, cách riêng quý cha được chịu chức 5 năm trước.

Dựa vào bài Tin Mừng thứ Ba tuần X thường niên (Mt 5, 13-16) Đức Tổng Giuse đã chia sẻ một cảm nghiệm thiêng của cá nhân Ngài: trên mọi bước đường đời đều do Chúa dẫn đưa. Nhiều khi không thấy trước, nhưng Ngài luôn xác tín Thiên Chúa ban cho Ngài những điều tốt nhất. Chúa dẫn đưa Ngài tới mục tiêu nhưng qua những nẻo đường mà Chúa dẫn đi. Đó cũng là một kinh nghiệm phổ biến, đôi khi chúng ta muốn đi con đường này, đường kia tới mục tiêu, nhưng có thể Chúa lại dẫn đi một con đường khác vòng vèo, khó khăn một chút nhưng đó là con đường đẹp nhất, tốt nhất cho chúng ta.

Lời Chúa mời gọi tất cả mọi người nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian, từ Giám mục, linh mục, tu sĩ đến Giáo dân, tất cả đều là muối và ánh sáng cho nhau. Chúa là Muối, là Ánh Sáng cho chúng ta và một khi được lãnh nhận rồi thì đến lượt mình lại lan tỏa cho người khác.
 

Phần cuối bài giảng, Ngài cũng nhắc lại một số tấm gương “muối và ánh sáng” tốt lành từ Đức cố Giám mục Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Lãng, quý cha giáo, quý linh mục, tu sĩ và rất nhiều anh chị em giáo dân trong đó có ông bà cố của Ngài. Kinh nghiệm đó trải dài từ trước khi chịu chức, sau khi chịu chức và cho tới nay. Tất cả những gương sáng đó đã thúc đẩy Ngài cố gắng hơn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức TGM Giuse xin mọi người thêm lời cầu nguyện cho Ngài biết luôn gắn bó với Chúa là Muối và Ánh Sáng để có thể chiếu tỏa cho anh chị em mình.
 
 
Nguồn: phatdiem.org
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 09.6.2020


Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

ĐỨC GIÁM MỤC LOUIS NGUYỄN ANH TUẤN NÓI VỀ 'NGOẠI TÌNH VÀ THA THỨ'


Tha Thứ được gì?

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa không có lợi cho hôn nhân lành mạnh. Truyền thông đang làm giảm giá trị của lòng chung thủy, sự bền vững và sự sinh sản. Chúng ta đang dần quen với sự vui thích tức thời một cách ích kỉ. Nền văn hóa sự chết đang làm xói mòn tính toàn vẹn của gia đình và vấn đề này có tác động đến mọi thế hệ: trẻ em lớn lên trong gia đình không lành mạnh dường như không có khả năng tự tạo dựng một gia đình lành mạnh cho mình. Ngày nay, vì nhiều lí do khác nhau, nhiều người có ý định lựa chọn kết hôn nhưng không đủ trưởng thành, không đủ tự do hay chưa chuẩn bị đủ – về cá nhân, trí tuệ, cảm xúc và đạo đức – để làm điều này.

Một số nhà xã hội học tin rằng 50% những cuộc hôn nhân bắt đầu vào năm 2015 có khả năng sẽ kết thúc bằng việc ly hôn.

Ngoại tình là một trong hai nguyên nhân đứng hàng thứ đầu của li dị (gần 26%) theo thống kê các tòa án nhân dân các cấp (Hà nội mới Online ngày 6.7. 2011).
 
1. Nên hay không nên tha thứ khi chồng ngoại tình?

Chồng ngoại tình. Trước một cú sốc lớn như vậy - vừa đau khổ vừa thất vọng vì bị lừa dối - bạn lại băn khoăn vấn đề “Nên hay không nên tha thứ khi chồng ngoại tình?”

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, hầu hết những cặp vợ chồng biết tha thứ cho nhau thì gia đình của họ luôn hạnh phúc và bền vững. Tuy nhiên, tha thứ hay không tha thứ trong hoàn cảnh này thực sự là một quyết định không dễ dàng chút nào.

Trong cú sốc tình cảm này, không ít bạn nghiêng về ý kiến: “Không bao giờ có chuyện tha thứ. Đã phản bội nhau tức là kẻ thù của nhau”. Nhưng cũng không ít bạn cho rằng tha thứ sẽ cảm thấy thanh thản hơn vì “đánh kẻ chạy đi, đâu ai đánh người chạy lại”.

Một giám đốc Công ty thám tử tư uy tín và chuyên nghiệp nọ cho biết: “Là người trong cuộc, khi vấp phải những tổn thương quá lớn về mặt tình cảm, bạn sẽ không đủ tỉnh táo để nhìn nhận mọi việc một cách khách quan. Còn sự phản bội đôi khi lại được xúc tác bởi hoàn cảnh, đôi khi, chính những kẻ phản bội cũng không hiểu được vì sao lại có thể hành động phũ phàng đến thế. Bởi vậy, bạn nên đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu cho rõ sự việc và đưa ra quyết định tha thứ hay không tha thứ cho kẻ ngoại tình một cách khách quan, tránh những ân hận về sau.”

Xem xét vấn đề một cách toàn diện để có cái nhìn khách quan nhất thì đó chỉ là một khoảnh khắc yếu lòng.

Bạn có thể cho nhận định này là ngớ ngẩn, nhưng đó là sự thật. Vì rốt cuộc thì chàng của bạn cũng là con người bình thường mà thôi, cũng có những khuyết điểm, cũng có lúc mạnh mẽ, lúc yếu đuối. Khi bị đặt vào những hoàn cảnh mất tự chủ như khi uống rượu say, rất nhiều đàn ông đánh mất mình, thậm chí còn không biết người phụ nữ họ vừa “chung giường” có phải vợ/ bạn gái hay không. Hãy suy nghĩ thật kỹ, liệu một lần như thế đã đáng để bạn đánh đổi mối quan hệ hay cuộc hôn nhân giữa hai người? Dĩ nhiên, nếu anh ta lặp đi lặp lại việc lừa dối bạn thì lại là chuyện khác. 

2. Đàn ông có tha thứ khi vợ mình ngoại tình?

Mới đây, một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 15.000 người đàn ông bị phản bội đã được thực hiện. Kết quả là hơn 70% trong số họ chọn giải pháp tha thứ.

Với câu hỏi: “Tại sao lại tha thứ cho kẻ phản bội?”, 92% cho rằng những bằng chứng về tội ngoại tình thường không đủ thuyết phục, vì rất ít khi bắt được “tại trận”; hoặc không nỡ li hôn vì tình yêu

vẫn còn và càng không muốn con mất mẹ. Chỉ có 8% kiên quyết muốn tiến hành thủ tục li hôn mà không chấp nhận bất cứ lí do nào.

Tuy nhiên, 91% đàn ông vẫn cho rằng bị “cắm sừng” là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời họ. Chỉ 9% nghĩ điều xấu nhất trong đời không phải chuyện ngoại tình mà còn có những chuyện đau đớn hơn, như bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn chấn thương nghiêm trọng hoặc một người thân yêu đột ngột qua đời.

Phỏng vấn: 

. Không thể tha thứ, bởi …

  1. “Chỉ những người nhu nhược mới bỏ qua chuyện vợ ngoại tình. Mình không thể chấp nhận cái cảnh vợ mình mang người đàn ông khác về làm những chuyện đồi bại trên chính chiếc giường thân thuộc của hai vợ chồng trong khi mình chạy vạy ngoài xã hội vì cái gia đình ấy. Chuyện đó thật khủng khiếp! Đành rằng người chồng có lỗi khi mải mê công việc “bỏ quên” người vợ thì người vợ nên trò chuyện trực tiếp với chồng mình để tìm hướng giải quyết chứ không phải lấy chuyện ‘ăn nem’ ra đánh đổi hạnh phúc rồi cuối cùng lại đổ lỗi cho người chồng. Thật khó chấp nhận! Khi người vợ ngoại tình tức là cô ấy không còn sự tôn trọng, thương yêu chồng của mình nữa. Và như vậy thì không đáng để mình tha thứ.” (Một hướng dẫn viên du lịch). 
  2. “Nếu là tôi, tôi sẽ không thế tha thứ nếu vợ mình ngoại tình, nhất là người vợ đó lại bỏ tất cả con cái, gia đình chạy theo người tình. Như vậy thì còn níu kéo thêm làm gì nữa. Ly hôn là cách giải quyết tốt nhất.” (Một kỹ sư thiết kế nội thất).
  3. “Người phụ nữ ngoại tình là kẻ ích kỷ, không coi trọng hạnh phúc gia đình, không đoan chính. Bạn mà tha thứ thì sẽ còn bị cô ta tiếp tục bị cắm sừng. Mà biết đâu cô ta còn lấy tiền của bạn để nuôi tình nhân. Vì thế, theo tôi, nếu vợ ngoại tình thì người chồng nên dứt bỏ ngay như cắt một u nhọt, thà chịu đau một lần rồi thôi. Tha thứ vì trách nhiệm để rồi hai vợ chồng luôn sống quãng đời con lại trong giả dối thì đó là bi kịch bởi thật khó để bất kì người đàn ông nào có thể quên đi nỗi đau bị phản bội.” (Một nhân viên văn phòng).
 . Có thể tha thứ nếu …
  1. “Không phải tự nhiên mà vợ ngoại tình. Tôi nghĩ rằng trong một gia đình nếu người phụ nữ ngoại tình thì chắc chắn trước đó đã có vấn đề gì đó xảy ra. Bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo giúp bạn có quyết định đúng. Biết đâu nỗi lầm đó từ phía bạn, hoặc vợ bạn có nỗi khổ riêng khi đi ngoại tình mà bạn chưa hiểu, chưa thể cảm thông chia sẻ với cô ấy.” (Một nhân viên kinh doanh).
  2. “Nếu đưa ra quyết định ly hôn ngay khi biết vợ ngoại tình, bạn chưa đáng mặt một người đàn ông. Phá bỏ rất dễ, xây dựng và xây đẹp mới khó. Hãy tìm hiểu câu chuyện với những chứng cứ thật xác đáng và cần biết nguyên nhân rõ ràng. Điều quan trọng nhất là gia đình êm ấm, con cái thuận hoà. ‘Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại’, nếu có thể tha thứ được thì hãy tha thứ! Đó mới là điều người đàn ông nên hướng tới.” (Một giáo viên).
  3. Còn tùy thuộc vào người vợ và nỗi đau của bạn: “Mình thấy khi vợ ngoại tình thì việc đầu tiên bạn cần suy nghĩ xem là mức độ như thế nào. Nếu chỉ mới mức độ ban đầu chưa quá nghiêm trọng, bạn vẫn còn yêu vợ thì có thể nhẹ nhàng tìm cách kéo vợ về. Còn nếu vợ bạn đã “lún sâu” vào chuyện ấy thì bạn nên suy xét tới nhiều yếu tố khác nữa như việc bạn có thể quên đi “vết nhơ” ấy của vợ mình hay không nữa. Mình có hai người bạn, anh bạn thứ nhất của mình chọn cách tha thứ vì trách nhiệm, sau đó người vợ của anh ta thật sự hối hận, thương yêu gia đình hơn nhưng anh ta vẫn không thể quên nỗi đau bị phản bội nên gia đình anh ta không một phút nào bình yên. “Sóng ngầm” đó mới thật sự đáng sợ! Một anh bạn khác của tôi cũng có vợ ngoại tình, dù chỉ mới mức độ “cảm nắng” nhưng anh chồng vội vàng ly hôn mặc cho người vợ cố gắng giải thích, cầu xin tha thứ. Sau khi ly hôn, anh ta mới nhận ra sai lầm rằng chính anh ta là người đã phá nát gia đình chính mình chứ không phải người vợ ngoại tình kia.” (Một kĩ sư xây dựng).
  4. “Mình cũng nghĩ tha thứ hay không còn phụ thuộc vào mức độ ngoại tình của người vợ. Khi người vợ thật sự ăn năn, mọi chuyện không bao giờ tái diễn nữa, bạn thật sự tha thứ được thì nên tha thứ. Tất nhiên, khi bạn đã tha thứ rồi thì bạn hãy để quá khứ ngủ yên, bạn bắt đầu xây dựng lại tình yêu mới với cô ấy” (Một nhân viên kinh doanh).
Các chuyên gia tâm lí đều khuyên những người đàn ông có vợ ngoại tình rằng: Nếu thực lòng bạn không muốn mất người mình yêu vào tay kẻ khác thì không những nên tha thứ mà cần tìm cách sống hòa thuận như khi chưa có chuyện gì xảy ra. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ nguyên nhân của việc vợ ngoại tình để khắc phục. Cho dù quan điểm riêng của bạn thế nào, khi trong thực tế, tỷ lệ ngoại tình ngày càng gia tăng như tên lửa ở cả hai giới, thì bạn không thể đối xử với nó chỉ bằng một cách cứng nhắc là ly hôn.

3. Tha thứ cho người và cho ta

Trong cuộc sống luôn có những điều mà ta chẳng bao giờ hài lòng, có những lời nói khiến ta bị tổn thương, có những cách đối xử làm mình buồn rười rượi… nhưng bạn đừng nên giữ những điều không vui ấy mãi trong lòng. Biết tha thứ để vui sống là điều đáng để chúng ta quan tâm.

Học cách tha thứ

Biết tha thứ cho những người làm ta đau đớn sẽ mang lại một cảm giác yên bình mà ta không thể có được khi ôm lấy mối hận thù. Ngoài ra, tha thứ còn làm ta khoẻ mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một nghiên cứu tại Đại học Hope ở Michigan, Mỹ, đã cho thấy con người bị căng thẳng về tim mạch đáng kể khi họ hình dung kế hoạch trả thù những người làm đau mình. Nhưng sức ép sẽ giảm đi rất nhiều khi họ mường tượng đến cảnh tha thứ cho những người phạm lỗi. Các nhà khoa học tại Đại học Stanford cũng tìm thấy những ai biết thứ tha có các cơn giận dữ và triệu chứng stress ít hơn rất nhiều so với những người giữ mãi mối hận.

Để vết thương mau lành, hãy làm theo những lời khuyên sau:

Đừng đợi nhận được lời xin lỗi

Thông thường chúng ta rất biết cách bảo vệ lẽ phải của mình: “Không lý gì tôi phải tha thứ cho hắn trước trừ phi hắn thừa nhận sai phạm và xin lỗi tôi.”

Nhưng nếu chúng ta chấp nhận tha thứ trước khi nhận được lời xin lỗi thì chúng ta sẽ tránh được tình trạng tâm trí bị đeo đẳng bởi cơn giận dữ trong khoảng thời gian dài. Thường thì chính chúng ta mới là người gánh chịu các thiệt hại do sự tức giận gây ra. Điều này có khác gì bạn tự mình đặt niềm vui, sự thanh thản dễ chịu của bản thân vào tay người khác?

Tìm cách thông cảm với sự xúc phạm

Người ta có thể đã hành động vì sự vô tâm, nỗi lo sợ hoặc niềm đau của chính họ. Có một câu nói rằng: Đằng sau bất kỳ hành động thô lỗ nào, thường là một chuyện đau lòng. Hãy tự đặt mình vào vị trí của người lầm lỗi, hoặc viết một bức thư cho chính mình dưới quan điểm của họ.

Đừng quên bản thân cũng từng gây ra không ít lỗi lầm

Thường sẽ đau đớn hơn rất nhiều khi chính mình phải suy ngẫm về lỗi lầm của mình. Nhưng cần phải làm thế để tìm lại sự cân bằng. Nhìn vào sự thật này để thấy rằng người khác có thể tha thứ cho mình thì tại sao mình không thể làm điều này nhỉ?

Làm mới sự tha thứ

Những cảm giác đau đớn sẽ vẫn tồn tại cho dù bạn đã bỏ qua chuyện cũ. Có những lúc bạn sẽ cần phải làm mới lại sự tha thứ của mình. Nhưng vượt qua sự hận thù sẽ làm bạn thảnh thơi bước tiếp. Nghiên cứu cũng cho thấy những ai tha thứ sẽ cảm thấy nỗi đau không còn nặng nề như trước.

Đưa bản thân vào danh sách tha thứ

Cuối cùng, tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho bản thân. Tha thứ cho người và quan trọng là tha thứ cho chính bản thân sẽ giúp chúng ta cân bằng trong cuộc sống. Tha thứ và rút ra những bài học cho mình là cách tạo nên sự thanh thản thông minh.
ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn / Nguồn: Sách NSTM 32 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 07.6.2020



Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI NĂM A (Ga 3,16-18)


13 THÓI QUEN LÀNH MẠNH CHO THỂ XÁC VÀ TÂM HỒN


Chương trình Spotlight English có một bài viết khá hay với tựa đề 13 Healthy Habits, tạm dịch là 13 Thói Quen Lành Mạnh. Những thói quen này giúp chúng ta có được sức khỏe thể lý tốt. Khi nghe chương trình này, tôi lại liên tưởng đến những thói quen giúp chúng ta có sức khỏe thiêng liêng tốt. Muốn có được một thói quen tốt, chúng ta phải kiên trì tập luyện để chúng trở thành một sự quen thuộc đối với bản thân. Các bậc cha mẹ nếu giúp con mình từ bé có được những thói quen này, chắc chắn chúng sẽ dễ dàng trở thành những con người quân bình, khỏe mạnh không những về thể lý mà nhất là về đời sống đức tin, đời sống đạo hạnh. Bài viết này nhấn mạnh đến việc luyện tập những thói quen cho đời sống tâm linh nên không phân tích sâu những thói quen liên quan đến sức khỏe thể lý. 
 
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem sao. Thiết tưởng, dù ở lứa tuổi nào, dù ở bậc sống nào, những chia sẻ dưới đây cũng đều hữu ích cho chúng ta. 
 
Ăn sáng mỗi ngày. Việc này giúp chúng ta cảm thấy tràn đầy năng lượng thể lý lẫn tinh thần cho một ngày làm việc. Còn đối với học sinh, nếu chúng có bữa ăn sáng tốt, việc học hành có điều kiện thuận lợi gặt hái kết quả tốt đẹp. Thói quen này gợi cho chúng ta thói quen đọc kinh sáng mỗi ngày. Cha mẹ hãy là người dạy và nhắc nhở con cái duy trì thói quen này. Khởi đầu một ngày mới chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì một giấc ngủ bình yên, đồng thời, xin Chúa thánh hóa mọi việc chúng ta sẽ thực hiện trong ngày. Một khởi đầu tươi đẹp sẽ giúp cho hành trình một ngày sống nảy sinh nhiều điều thú vị và tốt lành. 
 
Ăn cá. Những nhà khoa học chuyên ngành dinh dưỡng khuyên chúng ta ăn cá ít là 2 lần một tuần. Cá có lợi cho hệ thống tim mạch và cho những người hay bị dị ứng (vd. phấn hoa, lông thú vật…). Hình ảnh cá giúp chúng ta liên tưởng đến phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Phép lạ này lại là hình ảnh tiên trưng báo trước việc Chúa sẽ thiết lập bí tích Thánh Thể. Thế nên, thói quen ăn cá giúp chúng ta liên kết với thói quen tham dự bàn tiệc Thánh Thể sốt sắng mỗi ngày. Thánh Thể sẽ giúp chúng ta có trái tim biết yêu thương như Chúa và giúp chúng ta đề kháng tốt hơn với những độc hại từ môi trường luân lý xấu. Cha mẹ hãy tập cho con cái thói quen siêng năng tham dự thánh lễ, không chỉ ngày Chúa Nhật, mà cả ngày thường trong tuần nữa. 
 
Ăn những thứ lành mạnh giữa các bữa ăn chính. Tránh những thứ có quá nhiều đường, nhiều muối hay nhiều chất béo. Trái cây tươi là chọn lựa tốt cho bữa ăn vặt. “Mỗi ngày ăn một quả táo sẽ giúp phòng bệnh tốt.” Thói quen này giúp chúng ta nhớ đến thói quen thực hành các việc đạo đức bình dân. Những việc này chắc chắn sẽ mang lại sức mạnh tinh thần cho những ai siêng năng thực hành chúng. Theo Đức thánh cha Phanxicô, trong thực hành đạo đức bình dân, người Kitô hữu đã sống mối tương quan trực tiếp đầy lòng sốt mến với Đức Giêsu, Đức Maria và các thánh ở những đền thánh, trong những cuộc hành hương, rước kiệu, dâng hoa, ở những buổi cầu nguyện chung với nhau tại các nhà nguyện. Đây là ân huệ vô cùng cao quý mà Thiên Chúa đã thương giữ gìn cho toàn thể Giáo Hội. 
 
Uống nước. Nước chiếm tới 60-70% trọng lượng cơ thể. Nước giúp cơ thể hoạt động tốt và giúp thanh lọc những chất có hại cho cơ thể. Muốn loại trừ những độc chất của tâm hồn là những tội lỗi, chúng ta đừng ngần ngại đến với bí tích Hòa Giải mỗi tháng một lần. Bí tích này như nguồn nước trong lành và hữu hiệu tẩy trừ mọi vết bẩn của cõi lòng. Xưng tội đều đặn với lòng thành thực còn giúp chúng ta luyện tập nhân đức khiêm nhường, là nhân đức đối nghịch với mối tội đầu sỏ là tội kiêu ngạo. 
 
Uống trà. Trà giúp cải thiện trí nhớ, bảo vệ răng, ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch. Ly trà đá hay tách trà nóng cũng đều hữu ích. Nhâm nhi một tách trà gợi cho tôi hình ảnh về giá trị của những lời nguyện tắt. Tôi có thói quen đọc những lời nguyện tắt trước khi học, trước khi làm việc, trước khi ra đường… Quả thật, những lời nguyện tắt như những chất xúc tác giúp cho những công việc, dù đơn sơ nhỏ bé, cũng trở nên tươi thắm, tỏa đầy hương thơm thánh thiện trước mặt Chúa. 
 
Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng trí nhớ và học hành, dễ gây tai nạn giao thông. Thế nên, mỗi tối chúng ta nên dành 7 tiếng để ngủ. Tôi liên tưởng thói quen này với thói quen đọc kinh và xét mình trước khi đi ngủ. Trong giờ kinh tối, chúng ta dành ít phút để hồi tâm, tạ ơn Chúa vì những ơn lành Người ban cho ta, đồng thời cũng để xin lỗi Chúa vì những thiếu sót đã mắc phạm trong một ngày sống. Làm tốt việc xét mình hằng ngày chắc chắn sẽ giúp chúng ta thăng tiến trên con đường trọn lành. 
 
Chăm sóc răng định kỳ (mỗi 6 tháng). Máu cung cấp cho bộ phận răng và miệng cũng kết nối với toàn bộ phần còn lại của cơ thể. Vi khuẩn hiện diện nơi khoang miệng sẽ xâm lấn vào hệ thống tim mạch. Thế nên, răng chắc, khỏe là điều kiện cần thiết để có sức khỏe tốt. Việc chăm sóc răng như thế có thể liên hệ với thói quen luôn nói tốt, nói tích cực về người khác. Hãy dùng lời nói để đem niềm vui, sự đỡ nâng, an ủi, khích lệ đến cho người khác thay cho việc nói hành, nói xấu và xét đoán họ. 
 
Bảo vệ da. Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời làm tổn hại da và gây ung thư da nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mà không được bảo vệ đúng mức. Thế nên, cần tránh ánh nắng trực tiếp từ 10g00-15g00. Nếu muốn mình khỏe mạnh về đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng cần tránh các dịp tội. Mỗi người có những dịp tội khác nhau. Biết mình dễ sa ngã về phương diện gì thì chúng ta hãy tránh những dịp tội liên quan đến phương diện đó. Càng tránh xa dịp tội càng tốt. Đừng tự tin vào bản thân cách thái quá! 
 
Tạo kết nối xã hội. Kết nối xã hội hài hòa sẽ giúp chúng ta tránh được stress độc hại. Thế nên, nếu chúng ta có tương quan tốt về mặt xã hội, tại sao chúng ta lại không tạo cho mình một thói quen tốt về mặt tâm linh khi tích cực tham gia một công tác, một hội đoàn nào đó tại giáo xứ? Tương tác xã hội, tương tác giáo xứ như thế chắc chắn giúp chúng ta rất nhiều trong đời sống thể lý, xã hội và tâm linh. 
 
Có những sở thích lành mạnh, ví dụ: nghe nhạc, đọc sách, làm vườn, chơi đàn… Những sở thích này đem lại niềm vui và giúp chúng ta thư giãn. Có được những thói quen lành mạnh như thế là tốt, nhưng muốn tốt hơn nữa, chúng ta hãy tập cho mình những sở thích “cao cấp” hơn, chẳng hạn: đọc hạnh các thánh, xem phim giáo dục, nghe thánh ca, vẽ tranh đề tài tôn giáo… Đời sống thánh thiện của các thánh sẽ là nguồn động lực để chúng ta noi gương đời sống thánh thiện của các ngài. 
 
Tập thể dục đều đặn: giúp hệ cơ, xương, khớp hoạt động tốt. Nó còn giúp giảm nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì, giúp cải thiện cảm xúc, khống chế stress… Thói quen này phải chăng cũng giống việc chúng ta thực hành những hy sinh lớn nhỏ trong ngày, ăn chay, tham dự sốt sắng những buổi tĩnh tâm, những kỳ linh thao? Những thực hành như thế được ví như việc tăng cường dưỡng chất tâm linh, giúp đề kháng tốt trước những căn bệnh của tâm hồn. 
 
Đi bộ mỗi ngày. Đi bộ là một hình thức đơn giản của việc tập thể dục. Tập thói quen đi bộ thay cho việc đi thang máy, đi bộ ra chợ, đi bộ đến nhà thờ (nếu chợ hay nhà thờ không quá xa nhà)... Thói quen này cũng giống như việc chúng ta lần chuỗi mỗi ngày. Những bước chân đều đặn khi đi bộ cũng khá giống lời kinh Kính Mừng ngọt ngào, nhịp nhàng mà chúng ta dâng lên Mẹ Maria khi lần chuỗi Mân Côi. Không có vị thánh nào mà không có lòng kính mến Đức Mẹ. Nếu muốn nên thánh, chúng ta hãy dành cho Mẹ một
chỗ trang trọng trong tâm hồn chúng ta qua việc lần chuỗi Mân Côi sốt sắng hằng ngày. 
 
Lên kế hoạch cho những hoạt động thể lý vừa kể. Đôi khi, chúng ta gặp khó khăn khi muốn có sức khỏe tốt. Chúng ta bận, chúng ta quên, chúng ta mệt mỏi… và nhiều lý do khác. Nhưng cũng có nhiều lý do để chúng ta tạo dựng cho mình sức khỏe tốt. Cuộc sống chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta lên kế hoạch thực hiện. Nếu có kế hoạch cho thân xác, chúng ta cũng cần có kế hoạch cho đời sống đức tin, đời sống tâm linh. Đó mới chính là sự khôn ngoan đích thực để được hạnh phúc ngay từ đời này và chuẩn bị cho hạnh phúc đời sau nữa. Quả là thú vị, hạnh phúc và tràn đầy niềm vui sống khi chúng ta có một thân xác khỏe mạnh hòa quyện với một tâm hồn đạo hạnh. Đây là khởi điểm để chúng ta có thể hưởng nếm chút gì đó về “sự công chính và thánh thiện nguyên thủy” mà Tổ Tông loài người đã từng tận hưởng trước khi phạm tội bất phục tùng. Vậy, chúng ta còn chần chờ gì nữa. Hãy lên kế hoạch và bắt đầu ngay thôi! 
 
Cầu chúc mọi người, trong năm mới 2020, này có được ngày càng nhiều những thói quen tốt đẹp kể trên. 
 
Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 38
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 06.6.2020