Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 1 MÙA VỌNG 2022. THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 30.11.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

TÒA TỔNG GIÁM MỤC SAIGON: THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2022

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 30 tháng 11 năm 2022

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH


Kính gửi quí cha, quí tu sĩ và cộng đoàn Dân Chúa Tổng giáo phận

Kính thưa quí cha và anh chị em,

Hội Thánh đã bước vào Mùa Vọng chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, ngày của niềm vui. Nhưng niềm vui của chúng ta không chỉ là niềm vui tự nhiên, mà là niềm vui trong Chúa. Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4). 
 
1. Niềm vui vì có Chúa Giêsu trong cuộc đời

Đại dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống, cuộc sống gia đình và xã hội dần dần phục hồi và mở ra những cánh cửa hy vọng. Tuy nhiên thế giới lại rơi vào những khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng do chiến tranh gây nên. Nhiều người đang thất nghiệp, nhiều anh chị em vẫn bấp bênh trôi nổi trong hoàn cảnh của một người di dân, một số đông giáo chức và nhân viên y tế bỏ nghề, nhiều bệnh nhân vẫn phải chịu những sang chấn tâm lý, nhiều người còn đang trong cảnh nghèo đói, cô đơn. Những bất ổn khó khăn trong đời sống gia đình không ngừng gia tăng, những tệ nạn và tội phạm vẫn lan tràn trong cộng đồng. Làm sao có thể vui được!

Anh chị em thân mến, đúng vậy. Nhưng niềm vui của chúng ta là niềm vui trong Chúa. Qua hai năm đại dịch, chúng ta đã cảm nghiệm thấm thía thế nào là sự bấp bênh mỏng giòn của thân phận con người. Cũng từ đại dịch, chúng ta nhận ra rằng nguyên nhân cuối cùng làm cho người ta chết là vì thiếu oxy, chứ không phải vì thiếu tiền bạc vật chất hay thiếu cơm bánh. Không ai nhìn thấy oxy, nhưng cái mình không nhìn thấy lại là điều thiết yếu nhất để sống, mà người ta thường không quan tâm đến nó. Kinh nghiệm về sự sống thể lý này giúp chúng ta xác tín rằng chính Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta không thấy và dễ quên lãng, mới là Đấng Toàn năng có thể cứu nhân loại và làm cho chúng ta được sống, chứ không phải tiền bạc hay của cải, vật chất.

“Thiên Chúa yêu thế gian quá đỗi, đến độ đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Chúng ta cảm nhận niềm vui sâu thẳm và vô cùng lớn lao vì Thiên Chúa yêu thương loài người đến mức ban tặng người Con yêu dấu để làm người như chúng ta và ở lại trong thế giới này cho đến tận thế. Con thuyền của nhân loại chao đảo vì phong ba bão táp, nhưng Chúa Giêsu đang ở trên con thuyền này. Chúa là ánh sáng chỉ đường và là Đấng giải thoát, là tình yêu và lòng thương xót ôm ấp từng người trong thân phận khổ đau yếu hèn. Ngài gánh lấy tội của tôi, liều thân chịu chết vì tôi và cho tôi được thông phần vào sự phục sinh của Ngài.

Đáp lại lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư Chung năm 2022, xin anh chị em củng cố sự hiệp thông với Chúa bằng cách gia tăng đời sống nội tâm, chuyên chăm học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa, sốt sắng tham dự thánh lễ và chầu Thánh Thể riêng tư trong thinh lặng. Anh chị em vất vả lao động để có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng đừng để tiền bạc của cải cuốn hút mình xa rời Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực. Giới trẻ hãy nhìn lên Chúa để định hướng cuộc đời, hãy can đảm bước đi trên con đường của Tin mừng, đừng để tiền bạc, lạc thú hay bạo lực đánh cắp cuộc đời chúng con. 
 
2. Niềm vui được sống trong Hội Thánh hiệp hành

“Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 9). Đức Kitô phục sinh hôm nay đang sống trong Hội Thánh và tuôn đổ ân sủng cho chúng ta qua Hội Thánh. Không thể đến với Đức Kitô là Đầu nếu không kết hợp với Thân Mình của Ngài là Hội Thánh.

Hội Thánh tự bản chất là thánh thiện, nhưng lại bao gồm những con người yếu đuối và tội lỗi. Hội Thánh của Chúa không phải là các thiên thần, mà là những con người đầy khuyết điểm và bất toàn. Chúa Giêsu đã thiết lập một Hội Thánh như thế. Hội Thánh càng bước đi trong lịch sử lại càng mang những nếp nhăn nheo xấu xí của người mẹ già, nhưng đó là mẹ tôi. Tôi yêu mến mẹ tôi. Mẹ tôi xấu xí khó thương nhưng nhờ máu châu báu của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần hằng thanh luyện và đổi mới để mẹ tôi thành Hiền Thê xinh đẹp tinh tuyền. Mọi thành phần Dân Chúa, kể cả các mục tử, còn nhiều khuyết tật và bất xứng, nhưng tôi không thất vọng, trái lại, tôi hạnh phúc vì được sống trong Hội Thánh, vì tôi tin vào Chúa Thánh Thần.

Để làm cho Hội Thánh xinh đẹp hơn, chúng ta tiếp tục kiến tạo một Hội Thánh hiệp hành. Hiệp thông, hiệp hành, là bản chất, là lối sống thường hằng của Hội Thánh, chứ không chỉ là phong trào hay khẩu hiệu. Vì thế, các giáo xứ và cộng đoàn hãy thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ để chân thành lắng nghe nhau, cùng nhau phân định để tìm ý Chúa trong bầu khí cầu nguyện, rồi quyết tâm đổi mới chính mình và cộng đoàn. Tinh thần hiệp hành không cho phép nóng vội hoặc kết án nhau, nhưng đòi phải kiên nhẫn, khiêm tốn và có lòng yêu thương.

Nhờ hiệp hành, Hội Thánh sẽ được thanh luyện và đổi mới để trở nên xinh đẹp, dễ mến và có khả năng hấp dẫn lôi cuốn hơn. Nhờ hiệp hành, Hội Thánh sẽ huy động được sự tham gia của toàn thể Dân Chúa để tạo nên sức mạnh và phục vụ hiệu quả hơn. Nhờ hiệp hành, không ai bị quên lãng hoặc bị gạt ra bên ngoài, và như vậy sứ điệp Tin mừng trở thành đáng tin hơn.
 
3. Niềm vui trao tặng cho tha nhân

Không những chúng ta củng cố hiệp thông với Chúa và trong Hội Thánh, mà còn phải thể hiện hiệp thông qua việc thực thi bác ái với tất cả mọi người. Anh chị em đừng quên rằng việc quan tâm và chăm sóc những người đau khổ và nghèo khó cũng có tầm quan trọng như điều răn yêu mến Chúa.

Trong đại dịch Covid, các cộng đoàn và cá nhân đã rất quảng đại và tích cực giúp nhau vượt qua đau thương, về tinh thần cũng như thể xác. Việc làm của anh chị em là một chứng từ sống động và cao cả của đức bác ái Kitô giáo. Anh chị em hãy tiếp tục chăm sóc giúp đỡ người nghèo khổ, khuyết tật, các bệnh nhân, người lao động xa quê, và cũng đừng quên những người đang gặp khó khăn trong đời sống hôn nhân, những bậc cao niên, các em mồ côi, những người bị bỏ rơi. Niềm vui được ban tặng cho chúng ta để chính chúng ta lại trao tặng cho anh chị em mình.

Loan báo Tin mừng là việc bác ái cao cả, vì chúng ta trao tặng chính Chúa Giêsu cho anh chị em. Chúng ta hãy cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo và tích cực làm chứng cho Tin mừng trong cuộc sống hằng ngày. Chương trình phát triển các điểm truyền giáo của Tổng giáo phận đã đình trệ gần 3 năm do đại dịch Covid. Nay xin anh chị em tiếp tục cộng tác bằng cách dành Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh đóng góp vào quỹ truyền giáo để hoàn thành việc mua đất thành lập và xây dựng các giáo điểm.

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp Giáng Sinh và Năm Mới 2023, xin kính chúc anh chị em đầy tràn ân sủng, bình an và niềm vui trong Chúa. Giữa muôn ngàn âu lo thử thách, anh chị em hãy tiến bước trong niềm tin tưởng có Chúa ở cùng chúng ta. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

(đã ấn ký)
+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám Mục


(WGPSG)

NGUYÊN VĂN BỨC THƯ CỦA ĐỨCTHÁNH CHA PHANXICÔ GỞI CHO DÂN TỘC UCRAINA

THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO DÂN TỘC UCRAINA
CHÍN THÁNG SAU KHI CHIẾN TRANH BẮT ĐẦU: 
NỖI ĐAU ĐỚN CỦA ANH CHỊ EM LÀ NỖI ĐAU ĐỚN CỦA TÔI

Hôm 24/11/2022, Đức Phanxicô đã gởi thư cho người dân Ucraina, để an ủi và khích lệ họ trước sự dã man mà quân xâm lược Nga gây ra cho đất nước này. Ngài cho thấy nỗi đau đớn của họ là nỗi đau đớn của ngài và bày tỏ "sự gần gũi …, trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện, với sự quan tâm nhân đạo, để anh chị em cảm thấy được đồng hành, để anh chị em không quen với chiến tranh, để anh chị em không bị bỏ rơi một mình hôm nay và nhất là mai ngày, khi cám dỗ có thể đến là quên đi nỗi đau khổ của anh chị em".

Ngài trấn an và khích lệ họ : "Bất chấp bi kịch to lớn mà mình phải chịu, dân tộc Ucraina chưa bao giờ nản lòng và chưa bao giờ tủi thân. Thế giới đã công nhận một dân tộc gan dạ và mạnh mẽ, một dân tộc đau khổ và cầu nguyện, than khóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao quý và tuẫn đạo".

Đặc biệt, Đức Thánh Cha "phó dâng nỗi đau khổ và nước mắt của anh chị em cho trái tim từ mẫu của Mẹ". Và mời gọi hy vọng vào quyền năng của Chúa : "Thử thách mà Thánh Gia đã phải đương đầu trong đêm đó vốn dường như chỉ là lạnh lẽo và tăm tối. Tuy nhiên, ánh sáng đã đến: không phải từ phía con người, nhưng từ Thiên Chúa; không phải từ trái đất, nhưng từ Trời".

Bức thư này như là sự nâng đỡ và là "vũ khí tinh thần" mà Đức Thánh Cha gởi đến cho dân tộc Ucraina, để khích lệ họ không nản lòng bỏ cuộc trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược.

Dưới đây là thư của Đức Thánh Cha:

Anh chị em Ucraina thân mến !

Trên vùng đất của anh chị em, từ chín tháng qua, sự điên cuồng phi lý của chiến tranh đã nổi lên dữ dội. Trên bầu trời của anh chị em, tiếng gầm rú ác hại của các vụ nổ và âm thanh đáng ngại của còi báo động vang lên không ngừng. Các thành phố của anh chị em bị bom tấn công trong khi những cơn mưa tên lửa gây ra cái chết, sự tàn phá và nỗi đau đớn, đói khát và lạnh lẽo. Trên các đường phố của anh chị em, biết bao người đã phải chạy trốn, bỏ lại nhà cửa và những người thân yêu. Mỗi ngày, những dòng sông máu và nước mắt chảy dọc theo những dòng sông vĩ đại của anh chị em.

Tôi muốn hòa những giọt nước mắt của tôi với những giọt nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có ngày nào mà tôi không gần gũi anh chị em và không mang anh chị em trong trái tim và lời cầu nguyện của tôi. Nỗi đau đớn của anh chị em là nỗi đau đớn của tôi. Trên thập giá của Chúa Giêsu hôm nay, tôi nhìn thấy anh chị em đang phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do sự xâm lược này gây ra. Vâng, thập giá đã tra tấn Chúa như sống lại trong các cuộc tra tấn được tìm thấy nơi các thi thể, nơi những ngôi mộ tập thể được tìm thấy nơi các thành phố khác nhau, nơi những hình ảnh này và biết bao hình ảnh đẫm máu khác đã đi vào tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta phải kêu lên: tại sao? Làm thế nào con người có thể đối xử với những người khác theo cách này?

Nhiều câu chuyện bi thảm, mà tôi đã biết được, lại xuất hiện trong tâm trí tôi. Trước hết, những câu chuyện về các trẻ nhỏ: bao nhiêu trẻ em đã bị giết chết, bị thương hay mồ côi, bị cướp đi khỏi mẹ của chúng! Tôi khóc với anh chi em đối với mỗi đứa trẻ đã mất mạng vì cuộc chiến này, như Kira ở Odessa, như Lisa ở Vinnytsia, và như hàng trăm đứa trẻ khác: nơi mỗi trẻ nhỏ đó, cả nhân loại bị đánh bại. Bây giờ, các em đang ở trong cung lòng của Thiên Chúa, các em đang nhìn thấy nỗi lo âu của anh chị em và đang cầu nguyện để nó chấm dứt. Nhưng làm sao không cảm thấy âu lo đối với họ và đối với những người, nhỏ và lớn, đang bị đưa đi đày? Nỗi đau buồn của các bà mẹ Ucraina là không kể xiết.

Do đó, cha nghĩ đến các con, những người trẻ, để bảo vệ tổ quốc mình cách can đảm, đã phải cầm vũ khí thay vì thực hiện những ước mơ mà các con đã ấp ủ cho tương lai; cha nghĩ đến các con, những người vợ, những người đã mất đi những người chồng và đang tiếp tục kìm mình trong thinh lặng, với phẩm giá và quyết tâm, hy sinh tất cả cho con cái của mình; cha nghĩ đến các con, những người lớn, đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ người thân yêu của mình; tôi nghĩ đến những người cao tuổi, thay vì một buổi hoàng hôn thanh bình, đã bị ném vào đêm tối của chiến tranh; tôi nghĩ đến các chị em phụ nữ đã phải chịu cảnh bạo lực và mang trong lòng những gánh nặng to lớn; tôi nghĩ đến tất cả các bạn, đang bị tổn thương trong tâm hồn và thân xác. Tôi nghĩ đến anh chị em và tôi ở bên cạnh anh chị em bằng tình yêu thương và thán phục đối với cách mà anh chị em đang đối mặt với những thử thách khó khăn như thế.

Tôi nghĩ đến các bạn, những tình nguyện viên, đang tiêu hao mỗi ngày cho mọi người; tôi nghĩ đến anh em, những Mục tử của dân thánh của Thiên Chúa, thường có nguy cơ cho sự an toàn của riêng mình – đã ở lại gần gũi với người dân, mang lại sự an ủi của Thiên Chúa và tình liên đới huynh đệ, biến đổi một cách sáng tạo các cộng đoàn và tu viện thành nơi ẩn náu nơi anh em mang lại lòng hiếu khách, sự trợ giúp và lương thực cho những người đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng nghĩ đến những người tỵ nạn và những người di cư trong nước, đang phải ở xa nhà của mình, trong đó nhiều nhà cửa đã bị phá hủy; và tôi nghĩ đến các nhà cầm quyền, những người mà tôi cầu xin: nhiệm vụ của họ là điều hành đất nước trong thời kỳ bi thảm và đưa ra những quyết định sáng suốt vì hòa bình và sự phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ phá hủy rất nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, ở thành phố cũng như ở nông thôn.

Anh chị em thân mến, trong biển sự dữ và đau khổ này – chín mươi năm sau cuộc diệt chủng khủng khiếp bằng nạn đói Holodomor -, tôi rất ấn tượng bởi lòng nhiệt thành của anh chị em. Bất chấp bi kịch to lớn mà mình phải chịu, dân tộc Ucraina chưa bao giờ nản lòng và chưa bao giờ tủi thân. Thế giới đã công nhận một dân tộc gan dạ và mạnh mẽ, một dân tộc đau khổ và cầu nguyện, than khóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao quý và tuẫn đạo. Tôi tiếp tục gần gũi anh chị em, trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện, với sự quan tâm nhân đạo, để anh chị em cảm thấy được đồng hành, để anh chị em không quen với chiến tranh, để anh chị em không bị bỏ rơi một mình hôm nay và nhất là mai ngày, khi cám dỗ có thể đến là quên đi nỗi đau khổ của anh chị em.

Trong những tháng ngày này, khi sự khắc nghiệt của khí hậu làm cho cuộc sống của anh chị em ngày càng trở nên bi đát hơn, tôi mong muốn rằng tình cảm của Giáo hội, sức mạnh của lời cầu nguyện, tình yêu mà rất nhiều anh chị em ở khắp mọi miền cảm nhận được đối với anh chị em, sẽ trở thành những cử chỉ âu yếm dịu dàng trên khuôn mặt của anh chị em. Vài tuần nữa sẽ là lễ Giáng Sinh, và nỗi đau khổ sẽ còn mãnh liệt hơn nữa. Nhưng tôi muốn cùng anh chị em trở lại Bêlem, với thử thách mà Thánh Gia đã phải đương đầu trong đêm đó vốn dường như chỉ là lạnh lẽo và tăm tối. Tuy nhiên, ánh sáng đã đến: không phải từ phía con người, nhưng từ Thiên Chúa; không phải từ trái đất, nhưng từ Trời.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Người và là Mẹ của chúng ta, để mắt đến anh chị em. Trong sự hiệp thông với các Giám mục trên thế giới, tôi xin thánh hiến Giáo hội và nhân loại, cách riêng đất nước của anh chị em và nước Nga cho Trái Tim Vẹn Sạch của Đức Mẹ. Tôi xin phó dâng nỗi đau khổ và nước mắt của anh chị em cho trái tim từ mẫu của Mẹ. Đối với Đấng mà, như một người con vĩ đại của đất nước anh chị em đã viết, “đã mang Chúa đến trong thế giới chúng ta”, chúng ta đừng bao giờ mỏi mệt cầu xin món quà hòa bình được chờ đợi từ lâu nay, trong niềm xác tín rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Xin Ngài thỏa mãn những mong đợi chính đáng trong tâm hồn anh chị em, xin Ngài chữa lành các vết thương của anh chị em và ban cho anh chị em được ơn an ủi. Tôi ở với anh chị em, tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Xin Chúa chúc lanh cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 11 năm 2022


Phanxicô Tý Linh
Chuyển ngữ từ: Vatican News
Nguồn: xuanbichvietnam.net (27.11.2022
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 30.11.2022


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 1 MÙA VỌNG 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 29.11.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

ĐỨC THÁNH CHA GỬI THƯ CHO NGƯỜI DÂN UCRAINA SAU 9 THÁNG CHIẾN TRANH

ĐỨC THÁNH CHA GỬI THƯ CHO NGƯỜI DÂN UCRAINA
SAU 9 THÁNG CHIẾN TRANH

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (26.11.2022) – Ngày 24/11/2022, sau 9 tháng chiến tranh, Đức Thánh Cha viết thư cho người dân Ucraina. Ngài lên án cuộc chiến vô lý, chia sẻ nỗi đau của tất cả mọi người với nước mắt và lời cầu nguyện mỗi ngày.

Trong thư, trước hết, Đức Thánh Cha nói đến tình trạng đau khổ của toàn thể người dân Ucraina đang phải chịu đựng cuộc chiến xâm lược vô lý của Nga. Ngài mô tả cuộc chiến với những tiếng gầm rú của máy bay, tiếng còi báo động, những cơn mưa tên lửa, gây nên hậu quả là nhiều người chết, phải chạy trốn khỏi quê hương, và bên cạnh những dòng sông lớn của đất nước, ngày nay còn có những dòng sông máu và nước mắt.

Khóc vì cuộc chiến

Đức Thánh Cha viết: “Tôi muốn hoà nước mắt của tôi với nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có một ngày nào mà tôi không gần gũi với anh chị em và không mang anh chị em vào trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện của tôi. Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi. Trong thập giá của Chúa Giêsu hôm nay tôi thấy anh chị em, những người phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do cuộc tấn công này gây ra. Thập giá tra tấn Chúa trở lại trong sự tra tấn trên các xác chết, trong những ngôi mộ tập thể được phát hiện ở các thành phố, trong đó và trong nhiều hình ảnh đẫm máu khác đã đi vào tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta phải gào lên: Tại sao? Tại sao con người lại có thể đối xử với nhau như thế?”

Xe của một em bé bị giết

Trong thư, Đức Thánh Cha nhắc đến mọi thành phần người dân Ucraina. Trước hết, các trẻ em, nhiều em bị giết, bị thương, bị mồ côi, bị tách khỏi mẹ các em. Ngài tin rằng giờ đây các em đang ở trong lòng Thiên Chúa, thấy những khó khăn của mọi người và đang cầu nguyện để chiến tranh chấm dứt.

Với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha viết: “Vì bảo vệ quê hương, thay vì vun trồng những giấc mơ cho tương lai, các con phải cầm vũ khí”. Và ngài hướng đến những thành phần khác: Với những người vợ: “Tôi nghĩ đến những người vợ, những người đã mất chồng và phải tiếp tục cắn môi im lặng, với phẩm giá và quyết tâm, để hy sinh cho con cái”; Với những người lớn tuổi: “Thay vì trải qua tuổi xế chiều bình an, anh chị em lại bị ném vào đêm tối của chiến tranh”; Với tất cả những ai bị tổn thương trong tâm hồn và thân xác: “Tôi nghĩ đến anh chị em và tôi gần gũi anh chị em với tình thương và lòng cảm phục vì cách đối diện với thử thách khó khăn”.

Đức Thánh Cha còn nhắc đến những người khác: Các tình nguyện viên, những người mỗi ngày quên mình vì người khác; Các Mục tử dân thánh Chúa - thường gặp rủi ro lớn đối với sự an toàn - vẫn gần gũi với mọi người, mang lại sự an ủi của Thiên Chúa và tình liên đới, chuyển đổi một cách sáng tạo các tu viện, các cộng đoàn thành nơi cung cấp sự đón tiếp, cứu hộ và thực phẩm cho những người gặp khó khăn; Những người tị nạn và những người di dời nội bộ phải xa nhà cửa, nhà cửa của nhiều người đã bị phá hủy.

Với chính quyền, Đức Thánh Cha viết: “Tôi cầu nguyện cho chính quyền, những người có nghĩa vụ điều hành đất nước trong thời kỳ bi thảm và đưa ra những quyết định có tầm nhìn xa vì hòa bình và phát triển nền kinh tế trong lúc nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng trong thành phố cũng như ở nông thôn bị phá hủy”.

Đức Thánh Cha tiếp tục khích lệ người dân Ucraina, nhắc lại cuộc diệt chủng qua nạn đói Holodomor cách đây 90 năm mà người dân đã kiên cường vượt qua. Ngài cảm phục tinh thần không bao giờ chịu khuất phục hay nản lòng của họ. Thế giới công nhận Ucraina là một dân tộc can đảm và mạnh mẽ, một dân tộc khóc lóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao quý và tử đạo.

Hướng đến lễ Giáng Sinh sắp tới, Đức Thánh Cha bày tỏ sự cảm thông sâu sắc vì ngài biết đau khổ sẽ còn gia tăng. Đức Thánh Cha viết: “Tôi muốn cùng với anh chị em trở về Bêlem, đến với thử thách mà Thánh gia phải đối diện vào đêm Giáng Sinh, một đêm dường như chỉ có lạnh giá và tối tăm. Trái lại ánh sáng đã đến: không phải từ con người, nhưng từ Thiên Chúa; không từ mặt đất nhưng từ Trời Cao”.

Đức Thánh Cha kết thúc thư với lời cầu xin Đức Mẹ giúp người dân Ucraina hoàn thành những chờ mong chính đáng đang có trong tâm hồn, chữa lành những thương tích và ban sự ủi an. Và ban phép lành cho tất cả. (CSR_5037_2022)

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 29.11.2022


Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 1 MÙA VỌNG 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 28.11.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 28.11.2022


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 27.11.2022


ĐÔI NÉT VỀ NĂM PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI

 

 ĐÔI NÉT VỀ NĂM PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

WHĐ (26.11.2022) – Hằng năm, thường vào cuối tháng 11 Dương lịch, Giáo hội Công Giáo bắt đầu năm phụng vụ mới.

Năm Phụng vụ của Giáo Hội có 52 tuần lễ, khởi đầu từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng và kết thúc vào chiều thứ Bảy sau Chúa Nhật thứ 34 mùa thường niên, Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Thật vậy, dưới nhãn quan thần học, “Giáo hội triển khai toàn bộ mầu nhiệm Đức Kitô qua chu kỳ một năm, từ mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh đến Thăng Thiên, đến ngày lễ Ngũ Tuần, và cho đến việc mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và cuộc Ngự đến của Chúa” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1194).

Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô - cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người - liên tục được loan báo và đổi mới qua việc cử hành các biến cố trong cuộc đời của Người và trong các lễ kính Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh. Theo đó, năm Phụng vụ bao gồm 2 chu kỳ: Chu kỳ theo mùa và chu kỳ các Thánh.

I. CHU KỲ THEO MÙA

Năm Phụng vụ chia thành 5 mùa với cao điểm là mùa Phục Sinh rồi đến Giáng Sinh, và được chuẩn bị bằng Mùa Chay và Mùa Vọng, còn xen kẽ giữa các mùa gọi là Mùa Thường Niên.

1. Mùa Vọng: nhằm mục đích hướng về ngày Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang để hoàn tất lịch sử, nhưng gần hơn là chuẩn bị tâm hồn tín hữu kỷ niệm Mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian vào Lễ Giáng Sinh.

Mùa Vọng kéo dài khoảng 4 tuần lễ, bắt đầu từ Chúa Nhật I mùa Vọng đến chiều ngày 24/12. Các bài đọc Mùa Vọng mời gọi tín hữu hãy tỉnh thức và sẵn sàng, không bị đè nặng và xao lãng bởi những lo toan của thế gian này (x. Lc 21, 34-36). Trong mùa Vọng, lễ phục màu tím nói lên yếu tố sám hối theo nghĩa chuẩn bị, tĩnh lặng và rèn luyện tâm hồn để đón nhận niềm vui trọn vẹn của Lễ Giáng Sinh.

2. Mùa Giáng Sinh: kỷ niệm sự giáng sinh của Con Một Thiên Chúa trong thế giới. Tín hữu được mời gọi sống mầu nhiệm Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta - và suy ngẫm về hồng ân cứu độ được ban tặng qua việc Đức Giêsu được sinh ra để chết cho chúng ta. Phụng vụ Mùa Giáng Sinh bắt đầu với Thánh Lễ canh thức Đêm Giáng Sinh và kết thúc với Lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Mùa Giáng Sinh có tuần bát nhật Giáng Sinh.

3. Mùa Chay: Theo nguyên nghĩa, Mùa Chay là mùa 40 ngày, con số mang ý nghĩa biểu tượng Kinh Thánh: 40 năm dân Do Thái đi trong hoang địa để vào đất hứa, 40 ngày ông Môsê ở trên núi Giao Ước Sinai, và 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa. Là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh, mùa Chay kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào lúc mặt trời lặn vào Thứ Năm Tuần Thánh.

Trong mùa Chay, tín hữu tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện bằng việc đọc Sách Thánh; phục vụ bằng cách bố thí, không chỉ thông qua việc cho đi tiền bạc, mà còn chia sẻ thời gian và tài năng của mỗi người; và thực hành sự tự chủ qua việc ăn chay, khi không chỉ kiêng thịt, tránh dùng những thứ xa xỉ mà còn phải thực sự hoán cải nội tâm khi cố gắng trung thành tuân theo ý Chúa.

Tam Nhật Vượt Qua: Việc cử hành Tam Nhật Vượt Qua đánh dấu sự kết thúc của Mùa Chay, và dẫn đến việc cử hành mầu nhiệm cứu chuộc qua cuộc tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Tam Nhật Thánh bắt đầu từ Lễ Tiệc Ly của Thứ Năm Tuần Thánh cho đến Kinh Chiều II Chúa Nhật Phục sinh.

4. Mùa Phục Sinh: được đặc trưng bởi niềm vui của cuộc sống vinh quang và chiến thắng sự chết được thể hiện đầy đủ nhất trong tiếng kêu vang dội của Kitô hữu: Alleluia! Mọi đức tin bắt nguồn từ niềm tin vào sự phục sinh: "Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng; cả đức tin của anh em cũng trống rỗng" (1 Cor 15, 14).

Là giai đoạn quan trọng nhất trong tất cả các mùa phụng vụ, mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày, bắt đầu từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến hết lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mùa Phục Sinh có tuần Bát Nhật Phục Sinh, như một cách kéo dài niềm vui của ngày Chúa Nhật Phục Sinh, được cử hành như lễ trọng kính Chúa, dù không đọc Kinh Tin Kính nhưng không được phép cử hành bất cứ thánh lễ ngoại lịch nào, ngoại trừ thánh lễ an táng.

5. Mùa Thường Niên: là thời gian để lớn lên và trưởng thành, trong đó mầu nhiệm Chúa Kitô được mời gọi thâm nhập sâu hơn vào lịch sử cho đến khi tất cả mọi sự cuối cùng được thu hút vào Chúa Kitô. Trong mùa thường niên, tuy Phụng vụ không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính chính mầu nhiệm ấy trong toàn thể, các tín hữu được mời gọi suy tư giáo huấn và việc làm của Chúa Giêsu giữa dân Ngài.

Mùa thường niên gồm 34 tuần, xen kẽ giữa mùa Giáng Sinh và mùa Chay (khoảng 4-8 tuần), giữa mùa Phục Sinh và mùa Vọng (khoảng 6 tháng).

II. CHU KỲ CÁC THÁNH

Mầu nhiệm Chúa Kitô, diễn ra qua chu kỳ các mùa, mời gọi tín hữu sống mầu nhiệm của Người trong cuộc sống thường ngày. Lời kêu gọi này được minh họa rõ nét chu kỳ các Thánh. Theo sách Giáo lý Công giáo, “Khi kính nhớ các Thánh, trước hết là Mẹ Thiên Chúa, kế đến là các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử đạo và các Thánh khác, vào những ngày nhất định trong năm Phụng vụ, Hội Thánh nơi trần thế biểu lộ sự hiệp thông với phụng vụ thiên quốc. Hội Thánh tôn vinh Đức Ki-tô, vì ơn cứu độ Người đã hoàn thành nơi những chi thể đã được tôn vinh của Người. Gương sáng của các ngài khích lệ Hội Thánh trên đường về với Chúa Cha” (GLCG, 1195).

Một cách cụ thể Giáo hội cung cấp những bậc lễ khác nhau, như công cụ quan trọng để mừng kính các mầu nhiệm về Chúa Giêsu, Đức Maria và các Thánh hầu giúp tín hữu phong phú hoá, và canh tân đời sống thiêng liêng.

1. Bậc Lễ trọng

Được qui định là bậc cao nhất, tất cả các Lễ Trọng đều được bắt đầu từ Kinh Chiều I ngày hôm trước, nghĩa là ngày mừng lễ sẽ dài hơn một ngày bình thường. Trong cử hành lễ Trọng, có kinh Vinh Danh và Kinh Tin kính. Đối với trường hợp lễ Trọng có lễ Vọng, ví dụ như Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô thì phải cử hành thánh lễ Vọng.

Theo lịch Phụng vụ chung, Giáo hội cử hành:
  • Lễ Trọng mừng kính Chúa bao gồm: Lễ Giáng sinh, Lễ Hiển linh, Lễ Phục sinh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Chúa Thăng Thiên, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và Lễ Chúa Kitô Vua.
  • Lễ Trọng mừng kính Đức Maria: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lễ Truyền Tin, và Lễ Đức Mẹ Lên trời.
  • Lễ Trọng mừng kính các Thánh: Lễ Thánh Giuse, Lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, và lễ Các Thánh.
Trong khi một số Lễ Trọng luôn được cử hành “cố định” theo lịch phụng vụ - ví dụ, lễ Giáng sinh được cử hành vào ngày 25. 12, lễ các Thánh ngày 1.11, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 8. 12, …. Thì có những Lễ Trọng được cử hành thay đổi dựa theo ngày của Lễ Phục sinh. Lễ Hiện Xuống là 50 ngày sau Lễ Phục Sinh; lễ Chúa Ba Ngôi là Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Hiện Xuống; lễ Mình máu Thánh Chúa là Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống; lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là Thứ Sáu đầu tiên sau Lễ Mình Thánh Chúa,...

2. Lễ Kính

Lễ Kính được cử hành giới hạn trong một ngày bình thường nên không có Kinh Chiều I, trừ lễ kính Chúa trùng vào ngày Chúa Nhật thường niên. Trong thánh lễ, có kinh Vinh Danh. Lịch Phụng vụ đề ra 3 loại lễ Kính:
  • Lễ Kính Chúa: lễ Thánh Gia Thất, lễ Dâng Chúa trong Đền Thánh (2.2), lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, lễ Chúa Giêsu Biến hình (6.8), lễ Suy tôn Thánh giá (14.9). Các lễ kính Chúa có bậc lễ ưu tiên trên các Chúa nhật Giáng sinh và thường niên, do đó, trong trường hợp khi các lễ này trùng vào Chúa nhật thì phải cử hành theo lễ kính Chúa.
  • Lễ Kính Đức Maria: lễ Đức Mẹ đi thăm Bà Elisabet (31.5), lễ Sinh nhật Đức Mẹ (8.9).
  • Lễ Kính các Thánh: lễ Thánh Phaolô tông đồ trở lại (25.1), lễ Thánh Marcô, Tác giả Tin Mừng (25.4), lễ Thánh Philipphê và Giacôbê Tông đồ (3.5), lễ Thánh Matthia Tông đồ (14.5), lễ Thánh Tôma Tông đồ (3.7), lễ Thánh Giacôbê Tông đồ (25.7), lễ Thánh Lôrensô Phó tế tử đạo (10.8), lễ Thánh Batôlômêô Tông đồ (24.8), lễ Thánh lễ Thánh Matthêu Tông đồ Thánh sử (21.9), lễ Thánh Luca Thánh sử (18.10), lễ Thánh Simon và Giuđa Tông đồ (28.10), lễ Thánh Anrê Tông đồ (30.11), lễ Thánh Têphanô Tử đạo tiên khởi (26.12), lễ Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử (27.12), và lễ Các Thánh Anh hài (28.12).
  • Lễ Các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael (29.9), lễ Lập Tông tòa Thánh Phêrô (22.2), lễ Cung hiến Đền thờ Latran (9.11).
3. Lễ nhớ: Lễ nhớ được chia làm 2 loại: Lễ nhớ buộc và Lễ nhớ tự do.
  • Lễ nhớ buộc: Lễ có ghi trong lịch Phụng vụ chung, đòi phải cử hành đúng ngày, trừ trường hợp gặp các lễ khác trùng vào lễ nhớ này có quyền ưu tiên hơn. Trong mùa Chay, không bó buộc phải cử hành lễ nhớ buộc.
  • Lễ nhớ tự do: không nhất thiết phải được ghi trong lịch Phụng vụ chung, chủ tế được quyền chọn lựa có thể cử hành hay không tùy nhu cầu mục vụ. ngoài ra, khi lịch chung để tên nhiều vị thánh nhớ tự do trong cùng một ngày thì có thể tuỳ nghi chọn một vị Thánh để mừng.
Ngày Chúa nhật

Ngày Chúa Nhật được gọi là ‘Ngày của Chúa’, ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, và theo truyền thống từ thời các tông đồ, các tín hữu tụ họp nhau lại lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Thật vậy, “Đó là ngày quy tụ cộng đoàn phụng vụ, ngày của gia đình Kitô Giáo, ngày của niềm vui và ngày nghỉ việc. Ngày Chúa nhật là “nền tảng và cốt lõi của cả năm phụng vụ” (GLCG, 1193).

Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II phản ánh rất rõ tầm quan trọng của ngày này: “ngày Chúa Nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 106).

III. MÀU SẮC TRONG PHỤNG VỤ

Trong lịch Phụng vụ, màu sắc của mỗi ngày tương ứng với việc cử hành Phụng vụ chính của ngày hôm đó và có ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Theo sách Nghi thức Rôma, 1969, có 4 màu chính được sử dụng trong phụng vụ bao gồm: trắng, xanh lá cây, đỏ và tím.

1. Màu trắng: được xem là tượng trưng cho niềm vui, sự chiến thắng, và sự thuần khiết có được từ đức tin. Màu trắng được dùng trong mùa Giáng Sinh, mùa Phục Sinh, các lễ về Chúa, Đức Mẹ, các Thiên thần, và các Thánh không tử đạo.

2. Màu xanh lá cây: biểu tượng của hy vọng, sự sống, và sự phát triển. Màu xanh lá cây được dùng trong Mùa Thường Niên.

3. Màu đỏ: tượng trưng máu và lửa. Màu đỏ được dùng trong phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong các cử hành Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, trong các lễ kính các Thánh Tông Đồ, các Thánh Sử và các Thánh Tử Đạo.

4. Màu tím: liên quan đến sự ăn năn, thống hối, và chờ đợi. Màu tím đặc biệt được sử dụng trong Mùa Vọng và Mùa Chay. Ngoài ra, màu tím cũng được dùng khi cử hành lễ an táng và lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.

Ngoài ra, cũng có thêm màu hồng, tượng trưng cho niềm vui lên được khơi lên trong hành trình chờ đợi và sám hối. Màu hồng được sử dụng vào Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Chay.

***

Với đôi nét về Năm Phụng vụ của Giáo hội, chúng ta nhận thấy rằng, lịch Phụng vụ không phải chỉ là những qui định, luật lệ, chỉ dẫn cho việc thờ phượng. Sâu xa hơn, lịch Phụng vụ còn là lời nhắc nhớ, mời gọi chúng ta sống chu kỳ thời gian trong một năm về sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại, trong quá khứ cũng như hiện tại. Thật thế, với đỉnh cao là Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, Phụng vụ không chỉ tưởng niệm các biến cố đã xảy ra, nhưng còn hiện tại hóa, làm cho các biến cố ấy đi vào đời sống, và biến đổi cách chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa, nhìn nhận thế giới, và nhìn nhận chính mình cách mầu nhiệm nhờ ân sủng.

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 27.11.2022


Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 26.11.2022 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: THÔNG BÁO VỀ VIỆC GIỮ THINH LẶNG THÁNH TRONG THÁNH LỄ

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

THÔNG BÁO
VỀ VIỆC GIỮ THINH LẶNG THÁNH TRONG THÁNH LỄ


Kính thưa quý cha

Cùng toàn thể Dân Chúa Tổng Giáo phận,

Thinh lặng thánh là một thành phần của việc cử hành và là cao điểm của trình tự phụng vụ. Đây là động tác dành cho toàn thể cộng đoàn, qua đó, Chúa Thánh Thần hiện diện làm sinh động toàn bộ việc cử hành và uốn nắn người tham dự.

Trong huấn từ vào dịp tĩnh tâm của linh mục đoàn Tổng Giáo phận năm 2022, Đức Tổng Giuse đã lưu ý về việc giữ thinh lặng thánh như Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma hướng dẫn và được Đức Thánh cha Phanxicô nhắc lại trong Tông thư Desiderio Desideravi. Đức Tổng đã ấn định: “Các Giáo xứ và cộng đoàn thực hiện trong tất cả các thánh lễ từ đầu mùa Vọng này.”

Xin quý cha giúp cộng đoàn của mình xác tín để cùng thực hiện thật sốt sắng việc thinh lặng vào những thời điểm sau của thánh lễ:
  1. Trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện đầu lễ để hồi tâm;
  2. Sau bài giảng hoặc bài Tin mừng để Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn;
  3. Sau khi rước lễ để tạ ơn và kết hợp với Chúa trong tâm tình cầu nguyện.
Việc giữ thinh lặng chỉ thực sự hiệu quả khi tất cả mọi người, cả thừa tác viên lẫn cộng đoàn, cùng ý thức tham gia. Ước mong thực hành này sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho các cộng đoàn và cả Tổng Giáo phận chúng ta.

Văn phòng Tòa Tổng Giám mục,
ngày 25 tháng 11 năm 2022
(đã ấn ký)
Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng ấn
 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TUẦN TĨNH TÂM NĂM 2022 CỦA LINH MỤC ĐOÀN TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN


TUẦN TĨNH TÂM NĂM 2022 
CỦA LINH MỤC ĐOÀN TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON

TGPSG -- “Linh mục hạnh phúc nhiệt thành trong ơn gọi và sứ vụ” - đây là chủ đề của tuần tĩnh tâm năm 2022 của linh mục đoàn TGP Sài Gòn, diễn ra từ sáng thứ Hai 21-11 đến hết buổi sáng thứ Sáu 25-11-2022 tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Tham dự tuần tĩnh tâm có Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng, Đức Giám mục tân cử Giuse Bùi Công Trác và tất cả các linh mục đang sinh hoạt mục vụ tại Tổng Giáo phận Sài Gòn – TPHCM. Vị giảng phòng là Đức Giám mục (ĐGM) Giuse Đinh Đức Đạo.

Trong những ngày tĩnh tâm này, các linh mục có nhiều giờ thinh lặng để gặp gỡ Chúa, cùng nhau cầu nguyện, suy gẫm, đọc Phụng vụ Các Giờ Kinh, dâng Thánh lễ, viếng Chúa, chầu phép lành Thánh Thể, lần hạt Mân Côi, xét mình hằng ngày, sám hối, xưng tội…

 
Các linh mục cũng dành ra buổi sáng đầu tiên và buổi sáng sau cùng để trao đổi với nhau đồng thời lắng nghe những huấn dụ của Đức TGM Giuse về những vấn đề mục vụ thiết yếu.

TĨNH TÂM & SUY NIỆM

 
Đặc biệt, các linh mục đã chăm chú lắng nghe những bài suy niệm của Đức cha giảng phòng. Dựa vào Tin mừng theo Thánh Máccô, ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo đã trình bày với các linh mục về: 
  • Ý nghĩa và điều kiện của tĩnh tâm: lắng nghe tiếng Chúa và vâng phục, thinh lặng và tự do nội tâm;
  • Mẫu người linh mục mà Giáo hội và thế giới đang cần: nhiệt thành hân hoan loan báo và trình bày Đức Kitô mà linh mục đã biết và tiếp xúc như thể đã thấy Đấng Vô Hình;
  • Tái khám phá ý nghĩa nền tảng của ơn gọi các môn đệ đầu tiên để chiếu soi và ôn lại lịch sử ơn gọi linh mục của chính mình với niềm xác tín và cảm tạ tri ân;
  • Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu;
  • Khám phá và tránh xa những gì khiến mình theo Chúa cách hời hợt; tránh xa cạm bẫy của ma quỷ và những gì khiến mình trở nên cứng lòng; biết phân định được điều Chúa muốn cho mình làm và chọn Chúa là trung tâm của mọi việc chứ không phải cái tôi của mình;
  • Nhận diện những hình thức khủng hoảng của đời linh mục để biến đổi khủng hoảng thành dịp thăng tiến trên đường theo Chúa;
  • Tham dự vào mầu nhiệm thập giá trong cuộc sống hằng ngày: chấp nhận mọi bất tiện khi tỏ lộ mình là linh mục, luôn nỗ lực hy sinh để khiêm nhường phục vụ và hết lòng dấn thân loan báo Tin Mừng;
  • Trở thành chứng nhân của Đức Kitô phục sinh: chứng tá của một kẻ có tội an bình và hạnh phúc vì được đoái thương cứu vớt, ý thức mình được Chúa sai đi để hăng say loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo theo đúng cách thức Chúa muốn cho bản thân mình làm.
TĨNH TÂM & SINH HOẠT MỤC VỤ

 
Trong buổi sáng đầu tiên của tuần tĩnh tâm, Đức TGM Giuse đã gửi đến các linh mục những thông báo và huấn dụ mục vụ về: Nhân sự: chức vụ Giám đốc Đại chủng viện (do Đức cha phụ tá kiêm nhiệm), các Hội đồng và các Ban Mục vụ nhiệm kỳ 2022 2027 (cấp giáo phận, giáo hạt, giáo xứ…)

Chương trình đào tạo: định hướng: từ thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam và tình hình mục vụ;
sinh hoạt cụ thể: củng cố nội tâm (Lời Chúa, Thánh Thể), tiếp tục hiệp hành (các buổi sinh hoạt hiệp hành, triển khai bản đúc kết hiệp hành, quản trị giáo xứ), cách thức cử hành bí tích…

Sau Kinh Tối thứ Năm 24-11, các linh mục đã gặp nhau theo giáo hạt để bầu chọn các linh mục đặc trách Mục vụ Gia Đình, Giáo Lý, Giới Trẻ, Thiếu Nhi, Loan Báo Tin Mừng và Truyền Thông của Giáo hạt mình.

Trong buổi sáng thứ Sáu, các linh mục đã tụ họp bên nhau để lắng nghe: Huấn dụ của Đức TGM Giuse nói về: Ban Mục vụ Môi Trường (Trưởng ban: Lm Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín), Ban Mục vụ Truyền Thông (cần lập Ban Mục vụ Truyền Thông tại giáo xứ, cần đón nhận và quan tâm hướng dẫn các anh em làm truyền thông biết sinh hoạt theo các nguyên tắc đạo đức truyền thông), linh mục xa lạ (cần có giấy tờ chứng minh nếu muốn dâng lễ), quỹ truyền giáo…
Sinh hoạt mục vụ của các Ban Mục Vụ: Giáo Dân, Giới Trẻ, Thiếu Nhi và Loan Báo Tin Mừng.

Tiếp theo, Thánh lễ bế mạc và cầu nguyện cho một số vị cao niên mừng Kim Khánh linh mục đã được cử hành vào lúc 10g15.

Tuần Tĩnh tâm 2022 của linh mục đoàn đã kết thúc sau bữa cơm đơn sơ mừng sinh nhật thứ 70 của Đức TGM Giuse. 

Lm Giuse Vi Hữu 
(WGPSG)