Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 11 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 20.6.2023 
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

CHỌN LỰA VÀ ƯỚC MƠ


CHỌN LỰA VÀ ƯỚC MƠ

TGPSG -- Mỗi ngày luôn có những chọn lựa khác nhau, mở mắt ra là đã chọn lựa và dường như mỗi người luôn có chọn lựa riêng. Có những chọn lựa dễ dàng nhưng cũng không ít chọn lựa khó khăn và đòi hỏi can đảm; suy nghĩ, đắn đo, nhất là những lựa chọn mang tính bước ngoặt cho cả cuộc đời. Có lúc nào bạn cũng đã như tôi đã từng đứng chênh vênh giữa cuộc đời, giữa ngã ba đường mà không biết chọn lựa đi đâu, đi theo hướng nào và đi bằng cách nào. Khi đặt bút tâm sự với bạn về sự “lựa chọn” cũng là một chọn lựa khó khăn, vì viết sao cho bạn hiểu nỗi lòng của người đi trước, để bạn có thể nhìn vào chọn lựa của bản thân, đưa ra quyết định chọn lựa của mình. Nên tôi chọn bắt đầu bằng những câu chuyện bản thân gặp trên hành trình cuộc sống đã đi qua.

Câu chuyện đầu tiên tôi kể cho bạn về một người bạn tên Nho. Sinh ra trong gia đình nghèo cùng miền quê “gió lào cát trắng” như tôi. Lớn lên học xong cấp ba, lên đường với một trái tim trần trụi và một ước mơ mà với nhiều người trẻ lúc đó như là hão huyền. Hai thằng chúng tôi vẫn viết thư tay nói lên hoài bão của mình, nói lên ước mơ của bản thân. Nho nói với tôi sẽ học nghề đàng hoàng rồi về mở xưởng, giúp người quê hương có công ăn việc làm. Tôi thấy đẹp quá, và rồi Nho cũng đánh đổi nhiều thú vui của tuổi trẻ lẽ ra được hưởng như tôi và bạn bè cùng trang lứa. Những năm đi làm thuê ở Đà Nẵng, rồi lúc đi học đại học ở Huế chỉ cần nghỉ là lại sang Đà Nẵng để làm thêm kiếm đồng tiền. Nho cũng quặn đau khi bạn bè được về tết, được đi đây đi đó, được ăn món mình thích… Tôi cũng chỉ biết lặng lẽ đứng cạnh bạn và nguyện cầu từng ngày cho bạn đủ nghị lực, gặp nhiều may mắn để có được thành công như hôm nay.

Và câu chuyện của Bảo (người Lâm Đồng) sau tôi 2 khóa ở khoa Nhân Học đại học KHXH & NV TPHCM. Xong giờ học ở lớp, Bảo chạy ra bê cơm cho quán Gánh Hàng Rong, để khi hết khách được ăn đĩa cơm miễn phí. Chiều tối đạp xe đi gia sư tận Dĩ An (Bình Dương), nhưng luôn cười tươi và thích giúp đỡ các em cô nhi, các bạn lượm ve chai xung quanh làng đại học Thủ Đức. Bảo kể với tôi những câu chuyện vui, những nét đẹp cuộc đời và hạnh phúc của gia đình. Nhìn nụ cười của Bảo, nhìn cách Bảo đan dệt cuộc đời của bản thân mà tôi thấy mình may mắn, pha chút xấu hổ những lúc than thân trách phận. Dường như trên nét mặt của Bảo, tôi chưa thấy Bảo buồn; trong lời nói của Bảo không có tiêu cực hay trách móc. Tôi biết Bảo sẽ là một mục tử tuyệt vời trong tương lai (Bảo đang là chủng sinh của Giáo phận Đà Lạt).

Và ngay trong thời điểm hiện tại, tôi biết có nhiều bạn cũng đang âm thầm viết những ước mơ của cuộc đời bằng những giọt mồ hôi đổi lấy những đồng lương ít ỏi nơi một mảnh đất xa lạ không ấm áp như quê nhà. Tôi thiết nghĩ, liệu cuộc sống có thể làm những người như thế gục ngã không. Dù ước mơ và tương lai của họ đều đánh đổi bằng nước mắt và mồ hôi, đánh đổi bằng cả tuổi thanh xuân với những lần hoang hoải, những đêm trằn trọc nhưng thành quả họ đạt được đáng cho tôi và bạn ngưỡng mộ lắm đấy chứ!

Bên cạnh đó, có những người bạn, người thân của tôi lại chọn ngã rẽ đi nước ngoài để đổi đời, để thoát nghèo. Sống tuổi thanh xuân nơi đất khách quê người. Có những người thành công nhưng không thiếu người thất bại, có những người cảm thấy thỏa mãn với chọn lựa của mình, nhưng cũng có không ít người hối hận, đành nuốt nước mắt vào trong để bươn chải, để vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống nơi xứ người. Những đêm cuối năm nhớ nhà, nhớ mẹ nhớ cha, nhớ quê hương, nhớ những thứ quá đỗi thiêng liêng ngọt ngào, ước được vùi đầu vào rơm mà ngủ; cùng nhau tắm mưa; dành nhau con cá rô đồng lúc thiếu thời còn chăn trâu cắt cỏ. Nghe những tâm sự của họ, tôi cũng chỉ biết cầu chúc cho họ bình an vì đó cũng là một chọn lựa.

Chọn một lối đi riêng là một chọn lựa rất can đảm và khó khăn, nhất là khi đứng giữa ngã rẽ cuộc đời. Hết 12, ta sẽ vào đời với sự mơ hồ mông lung, đi học cái gì, làm nghề gì, đi tu, lập gia đình, viết tiếp ước mơ hay là tạm gác lại ước mơ vì gánh nặng “cơm gạo áo tiền”, vì gia đình không đủ tài chính cho ta học, đủ lý do chủ quan cũng như khách quan, bao nhiêu thắc mắc cứ quanh quẩn trong đầu ta. Đôi lúc ta cứ liếc nhìn người bên cạnh; liếc nhìn vào đám đông, để chọn lựa. Nhưng bạn ạ, cuộc sống mỗi người đều có những xuất phát điểm không giống nhau, ta là ta chứ đâu phải là một ai khác hiện hữu trên cuộc đời này. Ta có những nét đẹp, có những hoài bão, có những trăn trở mà không ai có. Ta cũng có một background của riêng mình, có không ít nhược điểm nhưng cũng không thiếu những ưu điểm. Nên chọn bước tiếp hay dừng lại… cũng là một chọn lựa của riêng bản thân ta.

Có một bác trai tôi quen ở Sài Gòn nói với tôi “Khi mình có chân mà không đi thì khác gì mình gãy chân không đi được”. Tôi cười và cảm ơn bác cho người trẻ như tôi một hướng nhìn mới về cuộc sống. Chọn không làm gì cũng là một chọn lựa, chọn không thực hiện ước mơ cũng là một chọn lựa... nhưng mình luôn có trách nhiệm với chọn lựa của bản thân. “Mình không sống cuộc đời mình thì ai sống dùm”, để khi ngoảnh nhìn lại, ta không phải hối hận, không thể oán trách và chặc lưỡi “biết thế này thì mình đã không chọn thế kia…” Mình không thể chọn lựa hoàn cảnh, không thể chọn gia đình nơi mình sinh ra, làng quê hay dân tộc… nhưng mình có quyền chọn thái độ sống, thái độ với những nghịch cảnh mà mình đối diện trong cuộc sống, chọn lựa bước tiếp hay dừng lại, chọn hành động hay chỉ là ngồi viết ước mơ trên những trang lịch cũ; chọn “thắp lên một ngọn nến hay ngồi nguyền rủa bóng tối cuộc đời”.

Thường người trẻ chúng ta chọn lên đường với một trái tim trần trụi, dấn thân vào cuộc phiêu lưu của cuộc sống để khám phá thế giới và khám phá chính mình. Đi với đôi chân mạnh mẽ, hoài bão lớn lao… nhưng cũng không ít người chọn một cuộc sống thanh bình yên ấm nơi quê nhà. Chọn một triết lý sống cũng là một lựa chọn đặt ra nhiều thách đố. Đôi lúc về nhà, thường bạn bè gọi đi ăn sáng, uống cà phê... trưa về nghe cha mẹ nói chuyện bán rau muống. Chạnh lòng nhưng biết làm sao…! Nhìn ánh mắt cha mẹ như reo vui vì hôm đó bán được đắt hơn, một bó đến 3 ngàn đồng. Cha mẹ ngồi tính sáng nay được 30 bó, nghĩa là được 90 ngàn. Thấy xót xa, vì mình với bạn chỉ ăn sáng và uống cà phê cũng mất hơn chừng đó. Có khi người ta mời ăn nhà hàng sang chảnh mà lòng ngổn ngang khi nghĩ đến mẹ cả đời không dám mua kí thịt bò ngon ăn dù là dịp tiệc lễ đi nữa. Hóa ra “Giá trị không phải ở công việc bạn làm mà hệ tại ở cách bạn làm công việc đó.” Chọn lựa sống là chọn lựa sống sao có ý nghĩa, có giá trị, có niềm vui đích thực. Trao ban cho người khác những tình thương và năng lượng. Cha mẹ ta chọn lựa sống cho con cái, đón nhận những hư hao của phận người để thắp sáng cuộc sống tin yêu cho những người con thân yêu của mình.

Tôi không thể khuyên bạn chọn lựa thế này hay thế khác, vì tôi không phải là bạn, bạn cũng không phải là tôi. Hơn thế nữa, dù chọn lựa thế nào chúng ta cũng sẽ đối diện với thách đố và khó khăn, đối diện với những trăn trở. Tôi chỉ kể cho bạn vài câu chuyện tôi biết, để bạn lựa chọn cho mình một hướng đi; chọn cho mình một triết lý sống; một mục đích sống có giá trị, ý nghĩa và quan trọng nhất là bạn sẽ sống với chọn lựa của bản thân. Dù tôi; bạn bè, người thân hay gia đình cũng không thể sống dùm cuộc đời bạn, không thể thực hiện ước mơ thay bạn, may mắn lắm thì chỉ có thể đồng hành với bạn. Ai cũng có những góc khuất riêng; có vô số nỗi niềm không tên. Có những người khi nhìn vào bạn thấy ngưỡng mộ, bạn ước mơ cuộc sống đủ đầy như họ, nhưng biết đâu họ cũng ước được một cuộc sống êm đềm như bạn, ước có một đức tin, một gia đình, một quê hương như bạn. Cùng ngắm nhìn lên bầu trời; có người chỉ thấy bóng đen, nhưng có những người họ thấy tên của những ước mơ trên đó. Không ai đánh thuế ước mơ; tại sao ta lại tự giam mình trong những góc nhìn tù đọng. Khi viết đến đây, tôi nhớ đến một câu trong tác phẩm Nhà Giả Kim của Paulo Coelho “Hãy cứ ước mơ, cho dù nó là điều gì đi chăng nữa, vĩ đại hay nhỏ bé, khi bạn làm những điều bạn mơ ước thì cả vũ trụ cũng sẽ giúp đỡ bạn. Quan trọng là hãy sống theo con đường mình vạch ra từ đầu. Cuộc đời rất hào phóng với người nào chịu theo đuổi vận mệnh của mình”. Chọn lựa sống những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi trẻ không chỉ là ở những buổi vui chơi với bạn bè nơi quán cà phê, nơi Karaoke… hay chỉ là những khoảnh khắc được đi đây đi đó để chụp hình, ăn ngon mặc đẹp; nhưng thiết nghĩ đó trước hết là chọn sống trào tràn trong ý nghĩa làm người, sống những giá trị nhân văn và cùng trao ban cho nhau những giây phút đầy trân quý của cuộc đời này, để ai trong chúng ta cũng không thấy cô đơn lạc lõng giữa cuộc đời.

Mỗi khoảnh khắc, mỗi giây phút, mỗi tình huống trong cuộc sống đều là một chọn lựa. Tôi không dám khuyên bạn, nhưng trước khi kết thúc những lời thầm thì với bạn, những người trẻ tôi rất đỗi yêu thương, tôi mong bạn sẽ nghe lời tâm sự của một người cha dành cho con của mình nhé “đôi khi tất cả năng lực, ước mơ và nhiệt huyết của tuổi trẻ bị tan biến vì chúng ta bị cám dỗ khép lại trong chính mình, trong những vấn đề của mình, trong những cảm giác bị tổn thương, trong những lời phàn nàn và trong cuộc sống tiện nghi. Đừng để điều này xảy ra với con, bởi vì con sẽ già đi trước tuổi. Mỗi lứa tuổi đều có vẻ đẹp riêng của nó, và tuổi trẻ không thể thiếu hoài bão chung, có thể cùng nhau chia sẻ mơ ước, những chân trời bao la mà chúng ta có thể cùng nhau chiêm nghiệm.”

Bài: Hoan Hoan (TGPSG

(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 19.6.2023


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 18.6.2023


Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

TÂM TÌNH CỦA ĐỨC CHA COSMA HOÀNG VĂN ĐẠT

TÂM TÌNH CỦA ĐỨC CHA COSMA HOÀNG VĂN ĐẠT

Kính gửi: cộng đoàn dân Chúa trong đại gia đình giáo phận Bắc Ninh!

Hôm nay là ngày tôi đủ 75 tuổi, và được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm thi hành sứ vụ giám mục chính tòa giáo phận Bắc Ninh, qua đó tôi chính thức được nghỉ hưu theo Giáo Luật.

Với việc Đức giáo hoàng chấp thuận đơn từ nhiệm của tôi, Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang chính thức trở thành giám mục chính tòa giáo phận Bắc Ninh. Xin chúc mừng Đức cha Giuse, kể từ hôm nay, Đức cha Giuse trở thành giám mục chính tòa thứ tư; và là vị mục tử thứ mười hai của giáo phận Bắc Ninh. Cùng với cộng đoàn dân Chúa, tôi xin hiệp thông với anh chị em cầu nguyện cho Đức cha Giuse để làm cho cả giáo phận ngày một thăng tiến.

Trong bầu khí linh thiêng của ngày dâng giáo phận cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi xin tạ ơn Chúa vì đã được sinh ra trên mảnh đất Kinh Bắc giầu tình Chúa và thắm đậm tình người. Giữa bối cảnh lịch sử năm 1954, tôi cùng gia đình rời xa quê hương khi mới 6 tuổi. Tôi đã lớn lên nơi mảnh đất phương Nam, đã được Chúa thương chọn gọi và đưa đi khắp đó đây. Để rồi đến lúc tuổi tròn 60, Chúa lại đưa tôi về miền Quan họ yêu thương trong cương vị giám mục để chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Xin cộng đoàn chung lời tạ ơn Thiên Chúa với tôi sau hành trình mười lăm năm thi hành sứ vụ Giám mục chính tòa giáo phận Bắc Ninh: “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.”

Cách riêng, tôi xin nói lên lời cảm ơn toàn thể dân Chúa, cảm ơn quý cha, quý nam nữ tu sĩ, quý chủng sinh, quý hội đồng giáo xứ và quý ban hành giáo, cảm ơn các đoàn hội và anh chị em giáo dân, từ các con thiếu nhi đến các vị bô lão, cảm ơn tất cả những người còn sống và cả những người đã qua đời, cảm ơn anh chị em giáo dân gốc Bắc Ninh ở trong nước cũng như hải ngoại, cám ơn từng cá nhân cũng như các tổ chức, những người thành tâm thiện chí. Nhờ lời cầu nguyện và cộng tác của anh chị em đã giúp tôi thực thi sứ vụ giám mục và trung thành với Chúa qua việc ủy thác của Đức Thánh Cha.

Tôi hết lòng cám ơn quý vị trong các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương. Cách đặc biệt, cám ơn chính quyền tỉnh Bắc Ninh, thành phố Bắc Ninh, phường Tiền An và Ninh Xá. Tôi cũng chân thành cảm ơn anh chị em lương dân, những người đã cùng sống, cùng chia vui sẻ buồn với tôi trên mảnh đất Bắc Ninh địa linh nhân kiệt.

Là con người sức yếu mỏng giòn, tôi biết mình còn nhiều thiếu sót trong quá trình thi hành sứ vụ giám mục chính tòa. Tôi xin lỗi anh chị em vì những dự định còn dở dang. Tôi thật lòng xin lỗi tất cả những ai vì vô tình hay hữu ý mà tôi đã lỗi phạm đến anh chị em.

Giờ đây tôi đã được nghỉ ngơi, vơi bớt đi những gánh nặng, lo toan nhưng hơn bao giờ hết vẫn rất cần đến lời cầu nguyện của anh chị em, nhất là cầu nguyện cho tôi được trung tín với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Về phần tôi, tôi hứa vẫn luôn đồng hành với anh chị em và giáo phận qua lời cầu nguyện, đặc biệt là các thánh lễ, kể cả khi về với Chúa tôi vẫn luôn cầu nguyện cho giáo phận. Với tâm tình tạ ơn, chúng ta phó thác và dâng giáo phận cho Thánh Tâm Chúa Giêsu trong giai đoạn mới, và tiếp tục khiêm tốn nài xin: “Lạy Trái Tim nhân lành Chúa Giêsu, xin thương xót và che chở chúng con”.

Một lần nữa, tôi xin hết lòng cảm ơn và chào tạm biệt anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Bắc Ninh, ngày 17 tháng 06 năm 2023
+ Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt S.J.

(WHĐ)

GIÁM MỤC CHÍNH TÒA GIÁO PHẬN BẮC NINH: ĐỨC CHA GIUSE ĐỖ QUANG KHANG


ĐỨC CHA GIUSE ĐỖ QUANG KHANG:
GIÁM MỤC CHÍNH TÒA GIÁO PHẬN BẮC NINH

WHĐ (17.06.2023) – Lúc 17 giờ hôm nay, ngày 17 tháng 06 năm 2023, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt từ nhiệm. Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang, hiện là Giám mục phó giáo phận, kế vị Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

* * *

Tiểu sử Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang
  • Sinh ngày 07 tháng 11 năm 1965 tại Thủ Đức, thuộc Sài Gòn, giáo xứ Từ Đức, Thủ Đức, Tổng giáo phận Sài Gòn
  • 10/1993-6/1999: Học Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
  • 30/06/1999: Thụ phong linh mục do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
  • 8/1999-3/2001: Linh mục Phụ tá giáo xứ Chợ Đũi, Hạt Sài Gòn
  • 3/2001-6/2006: Học tại Học viện Công giáo Toulouse, Pháp,
  • Tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học Kinh Thánh
  • 6/2006-8/2010: Học tại Học viện Kinh thánh Giáo hoàng, Rôma,
  • Tốt nghiệp Cử nhân Kinh Thánh
  • 8/2010-10/2021: Linh mục nội trú Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
  • 10/2011-10/2021: Giám học Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
  • 8/2020-10/2021: Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
  • Ngày 30/10/2021: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh
  • Được truyền chức giám mục ngày 14 tháng 12 năm 2022 tại nhà thờ Chính tòa giáo phận Bắc Ninh; khẩu hiệu giám mục: “Gặp gỡ, lắng nghe và phân định.”
* * *


Tiểu sử Đức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt, S.J

  • Sinh ngày 17 tháng 06 năm 1948 tại họ Xuân Lai, thuộc giáo xứ Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội, giáo phận Bắc Ninh
  • Vào Dòng Tên năm 1967
  • Học triết học và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Pio X Ðà Lạt
  • 05/06/1976: Thụ phong linh mục
  • 2002: Du học tại Pháp chuyên về linh đạo
  • Ngày 04/08/2008, Đức thánh cha Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh
  • Được truyền chức Giám mục vào lễ Đức Mẹ Mân Côi, ngày 7 tháng 10 năm 2008 tại nhà thờ Chánh tòa giáo phận Bắc Ninh; khẩu hiệu giám mục: “Tình Thương và Sự Sống” (Gióp 10,12).
(WHĐ)

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ NĂM A

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 11.6.2023
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon.


BỐN GỢI Ý GIÚP VIỆC NUÔI DẠY TRẺ DỄ DÀNG HƠN

BỐN GỢI Ý GIÚP VIỆC NUÔI DẠY TRẺ DỄ DÀNG HƠN

Gregory Popcak

WHĐ (11.06.2023) – Là bậc cha mẹ, ai trong chúng ta cũng trải nghiệm và nhận thức rất rõ: Nuôi dạy con cái là một việc không chỉ khó khăn, mà còn là một thách đố liên lỉ.

Trong Thần học Thân xác, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II dạy rằng: gia đình là trường học yêu thương và nhân đức; và cha mẹ là những thầy dạy đầu tiên của con cái. Thật vậy, cha mẹ là những người thầy vĩ đại vì cha mẹ đang dạy những bài học quan trọng nhất – mà theo nhãn quan của Thông điệp Evangelium Vitae, đó là làm thế nào để trải nghiệm "những giá trị giúp mỗi người sống cuộc đời của mình như một hồng ân".

Vậy làm sao để chúng ta chu toàn trọng trách của mình? Sẽ thật tuyệt vời nếu có một số phương cách giúp việc nuôi dạy con cái dễ dàng hơn.

Trong thực tế, có nhiều phương pháp khác nhau mà cha mẹ có thể lựa chọn, ví dụ như: sửa lỗi bằng lời nói, Time-out[1], khen thưởng, la mắng, đánh đòn, … Nhưng làm sao để bạn biết phương pháp nào sẽ thực sự hiệu quả?

Dưới đây là 4 gợi ý nhằm giúp bậc cha mẹ đánh giá sức mạnh của những phương pháp, mà nhờ đó, việc nuôi dạy con cái hữu hiệu hơn, và trở nên dễ dàng hơn.

1. Phương pháp không thể thay thế cho mối tương quan.

Một sự thật hiển nhiên trong tâm lý gia đình là "quy tắc mà không có tương quan sẽ dẫn đến nổi loạn". Phương pháp nuôi dạy con cái sẽ không hiệu quả nếu cha mẹ không có mối tương quan tốt với con cái.

Ví dụ: hiệu quả của phương pháp Time-out phổ biến chỉ đạt được khi dựa trên ý tưởng rằng đứa trẻ không muốn xa bạn. Nếu mối tương quan của bạn với con trở nên xấu đi đến mức trẻ thà xa bạn hơn là ở bên bạn, thì phương pháp Time-out lúc ấy trở thành phần thưởng chứ không phải là hình phạt đối với một hành vi xấu. Do đó, điều nghịch lý là, bạn càng sử dụng phương pháp Time-out thì hành vi của trẻ càng trở nên tồi tệ hơn.

Nếu bạn thấy rằng các phương pháp truyền thống này của mình không hiệu quả, thì có lẽ, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tập trung vào việc phát triển mối tương quan với trẻ. Để làm điều này, bạn hãy dành thời gian riêng với trẻ mà không tập trung vào việc sửa lỗi hoặc dạy dỗ, mà có thể là cùng chơi một trò chơi mà trẻ thích hoặc chơi giỏi, hoặc làm một dự án mà trẻ cần bạn giúp đỡ,… chủ đích là để có sự tương tác và gắn kết.

Bạn sẽ thấy rằng khi mối tương quan của bạn với trẻ ở một vị trí tốt hơn, thì hầu như bất kỳ phương pháp nào bạn sử dụng cũng đều sẽ mang lại hiệu quả hơn.

2. Các phương pháp hiệu quả có thể áp dụng ngay.

Để đạt hiệu quả, một phương pháp phải là điều bạn có thể thực hiện ngay, vì nếu không thể áp dụng ngay lập tức, thì đó không còn là một phương pháp, mà chỉ là một lời đe dọa. Các lời đe dọa thường là nhân tố thúc đẩy rất yếu kém.

Một cách cụ thể, thay vì nói với trẻ rằng: "Nếu con không nghe lời, thì mẹ sẽ mang X đi" (một lời đe dọa) thì bạn hãy chỉ đơn giản là lấy X đi ngay lúc đó.

Ví dụ; Nếu đang nói điều gì đó, mà bạn nhận ra là trẻ đang phớt lờ bạn và chỉ tập trung vào màn hình, lúc ấy, bạn không cần phí lời để nói rằng: "Mẹ sẽ tắt Tivi nếu con không bắt đầu lắng nghe mẹ nói", nhưng bạn chỉ cần bước tới và tắt Tivi đi. Tức thì, trẻ sẽ tập trung sự chú ý vào bạn. Sau đó, bạn có thể tuỳ nghi quyết định bật lại Tivi khi nói chuyện với trẻ xong.

Vấn đề chúng ta cần nhớ là, một hệ quả không xảy ra ngay thì sẽ không có kết quả nào cả. Đừng lãng phí thời gian với những lời đe dọa, trái lại, hãy tập trung vào những phương pháp mà bạn có thể áp dụng ngay lập tức.

3. Những phương pháp hiệu quả đều có thể thực hiện dễ dàng và nhất quán

Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, có rất nhiều kỹ năng nuôi dạy con cái là những ý tưởng tuyệt vời trên lý thuyết nhưng lại có xu hướng thất bại khi áp dụng.

Ví dụ: phương pháp dùng biểu đồ đánh giá bằng “sao” hoặc "thu tích điểm" mỗi khi trẻ có hành vi tốt. Đây là cách thế rất hay về mặt lý thuyết, và có hiệu quả nếu bạn sử dụng với một đứa trẻ, cho một vấn đề, và trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng sẽ rất khó theo kịp, khi áp dụng cho nhiều vấn đề và với nhiều trẻ.

Phương pháp tốt nhất là những phương pháp có thể áp dụng cách dễ dàng và nhất quán. Đừng phí thời gian với những kỹ thuật đòi hỏi quá nhiều nỗ lực để thực hiện và duy trì.

4. Những phương pháp hiệu quả giúp chỉ ra được điều tích cực ngược lại với điều xấu.

Những phương pháp hiệu quả không chỉ đơn thuần tập trung vào việc ngăn chặn hành vi xấu mà còn dạy "điều tích cực ngược lại" (nghĩa là hành vi mong muốn mà cha mẹ muốn thay thế hành vi tiêu cực). Không ít lần, cha mẹ hình dung rằng nếu họ làm đủ tốt để ngăn chặn hành vi xấu, thì hành vi tốt sẽ tự nhiên nảy sinh ở đúng vị trí của nó. Con người có xu hướng không làm theo cách đó. Nếu một đứa trẻ cư xử không đúng mực, đó là vì trẻ không biết phải làm gì thay vào đó, hoặc không biết làm điều mà trẻ biết là đúng trong hoàn cảnh cụ thể này như thế nào, hoặc khi trẻ bị những cảm xúc cụ thể đó lấn át. Để đạt hiệu quả, cha mẹ cần dạy trẻ phải làm gì để thay thế hoặc làm thế nào để thành công trong việc thực hiện hành vi thay thế trong bối cảnh này.

Đây là lúc phương pháp dùng hình phạt như la mắng hoặc đánh đòn trở thành phản tác dụng. Phương pháp này ngăn chặn hành vi xấu, nhưng không làm gì để dạy những kỹ năng mới. Cuối cùng, một số trẻ sẽ tự tìm ra những việc cần làm nhưng nhiều trẻ khác sẽ ngừng cố gắng. Những đứa trẻ ngừng cố gắng rốt cuộc sẽ trở nên miễn nhiễm với hậu quả hoặc hình phạt.

Bạn cần nhớ rằng: Bảo một đứa trẻ phải làm gì là chưa đủ. Chẳng hạn, khi còn nhỏ, tôi gặp khó khăn với môn toán. Có rất nhiều giáo viên bảo tôi phải làm gì, tôi đều không thể hiểu được, mãi cho đến khi có ai đó hướng dẫn tôi từng bước, lặp đi lặp lại, và dạy tôi cách sử dụng cùng công thức nhưng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.

Điều tương tự cũng đúng với một số trẻ em và hành vi. Sử dụng các kỹ thuật không chỉ ngăn chặn hành vi xấu mà còn dạy cách thực hiện từng bước "điều tích cực ngược lại" trong nhiều ngữ cảnh khác nhau là cách tốt nhất để đảm bảo rằng bạn không lãng phí năng lượng nuôi dạy con cái của mình.
***
Nuôi dạy con cái nên người, và nhất là trở thành Kitô hữu đích thực không chỉ là bổn phận mà còn là thiên chức, là ân ban của bậc cha mẹ. Những gợi ý trên đây, hy vọng sẽ giúp phần nào trong việc nuôi dạy trẻ dễ dàng hơn, để dù trong bất kỳ tình huống nào, những phương pháp này vẫn luôn được đặt nền trên tình yêu thương và hướng tới sự tích cực.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholiceducation.org

[1] Time-out là phương pháp dạy trẻ không đòn roi, nhưng là tách trẻ ra khỏi tình huống gây phiền nhiễu. Mục đích là giúp trẻ trấn tĩnh, nhận ra đúng - sai để không tiếp tục phạm lỗi.

Ví dụ: Bạn sẽ không nói chuyện với con trong suốt thời gian time-out. Sau khi time-out kết thúc, bạn sẽ giải thích rõ hơn tại sao trẻ bị time-out, và làm sao để lần sau trẻ không bị như vậy nữa. Thực ra, cách phạt úp mặt vào tường, phạt quỳ gối hoặc phạt đứng trong góc nhà mà chúng ta thường áp dụng cũng là một cách thức của hình phạt time-out.
 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 11.6.2023


Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 9 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 07.6.2023 
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon
 

LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CHÂU Á TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TẠI VIỆT NAM

LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CHÂU Á 
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TẠI VIỆT NAM
Nam Hà

WHĐ (07.06.2023) – Từ ngày 05 đến 10 tháng 06, giáo phận Bà Rịa đã đăng cai Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) với chủ đề “50 năm FABC: Nhìn lại các văn kiện và áp dụng”, do Văn phòng Phát triển con người và Vụ Biến đổi khí hậu tổ chức nội dung.

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu - giáo xứ Bãi Dâu, qui tụ 9 Tổng Giám Mục và Giám mục, 15 Linh mục, 2 nữ tu và 11 chuyên viên đến từ 11 quốc gia.


Với tinh thần nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã khơi gợi cảm hứng tinh thần làm việc cho Hội nghị với gợi ý trong nghi thức khai mạc: Giáo huấn của Hội Thánh đã soi sáng các hành động của chúng ta như thế nào? Các văn kiện của FABC trong 50 năm qua đã tạo điều kiện cho chúng ta đồng hành với anh chị em của mình, giúp phát triển con người nơi mỗi chúng ta sống và thi hành sứ vụ ra sao?

Khởi đầu Hội nghị, ngay buổi chiều đầu tiên, các tham dự viên đã hành hương đến Nhà thờ Mồ, nơi chôn cất thi hài của khoảng 300 nam tín hữu bị thiêu sống vì đức tin rạng sáng ngày 08 tháng 01 năm 1862. Tại đây, đoàn hành hương đã tham dự Thánh lễ do Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn chủ sự.

 
Trong những ngày Hội nghị, các tham dự viên cũng đi thực tế để tìm hiểu về đời sống địa phương và tìm hiểu về môi trường sống đặc thù ở đây, dự buổi giới thiệu về nhạc cụ và âm nhạc Việt Nam.

Phương pháp làm việc của Hội nghị là qui tụ và chia sẻ, tìm hiểu và thấu cảm với những câu chuyện về đời sống đức tin và thách thức của bối cảnh xã hội của từng nơi. Mỗi buổi sáng, Hội nghị qui tụ nơi Bàn Tiệc Thánh Thể và sau mỗi bài chia sẻ của từng quốc gia là 2 phút lắng đọng để hồi tâm và cầu nguyện. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Tổng Thư ký HĐGM đã trình bày với Hội nghị về lịch sử và số liệu của Hội Thánh Chúa tại Việt Nam với chủ đề “Hành trình đức tin của Giáo Hội tại Việt Nam” và Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình HĐGM đã chia sẻ về sinh hoạt của Giáo Hội tại Việt Nam trước những nhu cầu về đào luyện đức tin, bác ái xã hội, giới trẻ, đời sống đức tin và môi trường sống của người tín hữu.

Chia sẻ và trình bày của các quốc gia giúp cho Văn phòng Phát triển con người của FABC có đúc kết cụ thể và đóng góp thiết thực cho FABC khi lượng giá thực tiễn 50 năm đã qua, đồng thời kinh nghiệm thực tế sẽ đóng góp tinh thần hiệp nhất trong đa dạng giữa các Hội Thánh địa phương trong châu lục.

Hội nghị cũng chào đón Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Ánh Chức - Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, và ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến chúc mừng và tặng quà Hội nghị.
 
(WHĐ)