Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 05.7

05 Tháng Bảy
Con Người Tự Do

Ðại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Ðộ có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Khi còn trẻ, tôi cảm thấy tràn đầy năng lực... Một buổi sáng nọ, tôi ra khỏi nhà và hô lớn: "Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn". Thế là tôi hăm hở lên đường và trong tư thế sẵn sàng phục vụ bất cứ ai chờ đợi. Từ đằng xa, đức vua và đoàn tùy tùng tiến đến. Vừa nghe tiếng tôi, ngài đã dừng lại và nói với tôi: "Ta đưa ngươi vào cung hầu hạ ta và bù lại, ta sẽ ban cho ngươi quyền hành". Ngẫm nghĩ, không biết dùng quyền hành để làm gì, tôi đành lặng lẽ bỏ đi...

Tôi tiếp tục ra đi và hô lớn: "Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn". Chiều hôm đó, có một cụ già ngỏ ý thuê tôi và để đền bù, cụ cho tôi những đồng bạc mà âm thanh vang lên như bản nhạc. Nhưng tôi cảm thấy không cần tiền bạc, cho nên đành tiếp tục ra đi.

Tôi tiếp tục ra đi và tiến gần đến một căn nhà xinh đẹp. Một em bé gái xinh đẹp chào tôi và đề nghị với tôi: "Tôi thuê anh và bù lại, tôi sẽ tặng cho anh nụ cười của tôi". Tôi cảm thấy do dự. Một nụ cười sẽ kéo dài bao lâu? Chỉ trong chớp nhoáng, cô bé đã biến vào bóng tối...

Khi tôi rời bỏ căn nhà xinh đẹp, thì trời cũng đã tối. Tôi ngã người trên thảm cỏ và ngủ thiếp. Sáng ngày hôm sau, tôi thức giấc trong sự mệt mỏi. Khi mặt trời vừa lên, tôi đi lần ra bãi biển. Một cậu bé đang chơi đùa trên cát. Vừa thấy tôi, nó ngẩng đầu lên, mỉm cười như thể đã từng quen biết với tôi. Một lúc sau, nó nói với tôi: "Tôi sẵn sàng thuê anh và bù lại, tôi không có gì để cho anh cả". Tôi đón nhận ngay giao kèo của cậu bé. Và chúng tôi bắt đầu chơi đùa với nhau trên bãi cát. Những người qua lại ngỏ ý muốn thuê tôi, nhưng tôi từ chối, bởi vì từ ngày hôm đó, tôi mới thực sự cảm thấy mình là một con người tự do.

Không gì quý bằng độc lập tự do: không chừng câu khẩu hiệu quen thuộc này ứng dụng một cách rất xác thực vào đời sống Ðức Tin của chúng ta... Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thoát, bởi vì Ngài đến để giải phóng chúng ta, Ngài đến để làm cho chúng ta được tự do. Và tự do mà Ngài mang lại cho chúng ta là gì nếu không phải là tự do khỏi tội lỗi, tự do khỏi đam mê, tự do khỏi ích kỷ, tự do khỏi danh vọng, tiền bạc và tất cả những gì ràng buộc con người...


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẠT XIV THƯỜNG NIÊN

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XIV thường niên năm C
Cha Phêrô Nguyễn Văn Võ, Đại Chủng Viện Sàigòn dâng lễ.
Ca đoàn Cécilia hát lễ.
Bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

LỜI CHÚA CN 14 THƯỜNG NIÊN NĂM C (Lc 10, 1-12.17-20)

LẼ SỐNG 04.7

04 Tháng Bảy
Củ Cà Rốt Của Tôi

Một lão bà nọ qua đời, được các Thiên Thần mang đến tòa phán xét. Trong khi duyệt xét các hành động của bà lúc còn sống, Ðấng phán xét đã không tìm thấy bất cứ một hành động bác ái nào, ngoại trừ có một lần bà đã cho người ăn mày một củ cà rốt. Tuy nhiên, Ðấng phán xét tối cao đầy lòng nhân từ cũng xem hành động ấy có đủ sức để mang người đàn bà lên Thiên Ðàng. Dĩ nhiên, củ cà rốt sẽ được dùng như sợi xích vững để người đàn bà bám vào và leo lên các bậc trong chiếc thang dẫn về Thiên Ðàng.

Người ăn mày cũng chết vào khoảng trong thời gian ấy. Anh cũng được diễm phúc bám vào gấu áo của người đàn bà để được đưa lên Thiên Ðàng.

Một người khác cũng qua đời vào ngày hôm đó. Người này cũng níu lấy chân của người hành khất. Không mấy chốc, chiếc thang bắt đầu từ củ cà rốt mỗi lúc một dài ra đến gần như vô tận: mọi người đều níu kéo nhau để lên Thiên Ðàng. Nhưng từ trên đỉnh thang nhìn xuống, người đàn bà bỗng châu mày khó chịu. Bà thấy sợi dây mỗi lúc một dài, bà sợ nó sẽ căng ra rồi đứt chăng. Cho nên trong cơn bực tức, bà cố gắng dành riêng cho mình củ cà rốt và la lên: "Các người dang ra, đây là củ cà rốt của tôi".

Người đàn bà cố gắng giữ củ cà rốt cho riêng mình cho nên sợi dây tạo nên chiếc thang bắc lên Trời bị đứt. Bà rơi nhào xuống đất và cả đoàn người bám víu vào sợi dây ấy cũng rơi theo.

Một tác giả nào đó đã nói như sau: "Nguyên nhân của tất cả các sự dữ trên trần gian đều bắt đầu từ câu nói điều này thuộc về tôi, điều kia thuộc về tôi".

Khi con người muốn chiếm giữ cho riêng mình là lúc con người cũng muốn chối bỏ và loại trừ người khác. Nhưng càng muốn chiếm giữ cho riêng mình, con người không những chối bỏ người khác mà cũng đánh mất chính bản thân mình. Tình liên đới là điều thiết yếu cho sự thành toàn của bản thân chúng ta. Càng ra khỏi chính mình để sống cho người khác, chúng ta càng gặp lại bản thân, chúng ta càng lớn lên trong tình người. Ðó là nghịch lý mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại bản thân". Hạnh phúc của bản thân chính là làm sao cho người khác được hạnh phúc.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 03.7

03 Tháng Bảy
Vị Tiên Tri Cô Ðộc

Người Ấn Ðộ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

"Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế dọa sẽ trừng trị họ bằng một trận động đất. Ðất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng đất... Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình thường. Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe dọa của Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời...

Ðộng đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vào.

Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem những gì đang xảy ra cho loài người. Ðúng như lời đe dọa của Thượng đế, mọi người sống trên mặt đất đều hóa ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại... buồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có một tâm trí lành mạnh, bình thường...

Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữa.

Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ..."

Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc...

Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh tông đồ Toma. Ai cũng biết lời bất hủ của Toma khi tuyên bố về sự sống lại của Chúa: Nếu tôi không xỏ tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, tôi không tin... Theo phương pháp khoa học, nhiều người đã lấy câu nói của Toma làm châm ngôn cho việc đi tìm chân lý. Nghĩa là, nếu tôikhông kiểm chứng được, nếu tôi không sờ mó được, tôi không chấp nhận điều đó là đúng...

Thái độ đó chưa hẳn là thái độ thực tiễn trong cuộc sống. Giá trị cao cả nhất trong cuộc sống: đó là sự tin tưởng, tín nhiệm đối với người khác. Ðau yếu, chúng ta đi mua thuốc, chúng ta buộc phải tin tưởng ở người bán thuốc. Lạc đường, chúng ta buộc phải tin tưởng ở lòng thành thật của người chỉ lối...

Thái độ đó càng đúng hơn trong lĩnh vực Ðức Tin... Chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không phải vì chúng ta đã thấy Người hiện ra, nhưng chỉ vì lời chứng của các tông đồ, của các tiền nhân... Một thái độ như thế đòi hỏi rất nhiều phấn đấu của lý trí. Lắm khi, chung ta chỉ là một thiểu số cô độc.

Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô độc của những người đang đi tìm chân lý. Người Kitô thường phải đi ngược dòng. Ðiều người đời cho là bất bình thường, có lẽ phải là cái bình thường đối với người Kitô. Ðiều người đời cho là yếu nhược, có khi phải là sức mạnh của người Kitô. Ðiều người đời cho là điên dại, có khi phải là lẽ khôn ngoan của người Kitô.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 02.7

02 Tháng Bảy
Ðấng Cứu Thế Ðang Có Mặt

Ngày kia, có một đan viện phụ Công Giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm Công Giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả... Vị viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?

Sau khi nghe đức viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: "Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như sau: "Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài".

Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?". Cả tu viện chỉ có tất cả không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn...

Với niềm xác tín ấy, ông quy tụ tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...

Nếu người người, ai ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không bao giờ có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người để không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.


Chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng chà đạp con người...

Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình mà thôi. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch: mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa...

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 01.7

01 Tháng Bảy
Một Cách Trả Thù

Những người thổ dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau đây:

Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô gái và chặt đứt hai hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc trí hô lớn: "Ta đã trả thù được rồi".

Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: "Tôi cũng đã trả được thù rồi".

"Lấy ân trả oán": đó phải là phương châm hành động của người Kitô chúng ta. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Nói như thánh Phaolô, chúng ta không mắc nợ với nhau điều gì ngoài tình thương mến.

Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Lấy hận thù để tiêu diệt hận thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo động: con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù và bạo động mà thôi.

Cuộc cách mạng bạo động và đẫm máu nào cũng chỉ mang lại tang thương, chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau khác.

Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể được tiêu diệt được hận thù. Ðó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần theo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự hận thù trong tâm hồn chúng ta.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

CHÚC MỪNG

Cha Chánh Xứ
Hội Đồng Mục Vụ
Các Đoàn Thể, Các Nhóm Tông Đồ
và Cộng Đoàn Dân Chúa
GIÁO XỨ THUẬN PHÁT

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
11 NĂM LINH MỤC
(30.6.1999 - 30.6.2010)

Cha GIOAN LÊ QUANG VIỆT
Tổng Thư Ký UBMV Giới Trẻ HĐGMVN
Trưởng Ban Mục Vụ Giới Trẻ TGP.Saigon
Chánh Xứ Giáo Xứ Mactinho-Quận 1-TP.HCM



Hân hoan cầu chúc đời Linh Mục của Cha được tràn đầy ơn Chúa.
Giáo xứ Thuận Phát
30.6.2010

LẼ SỐNG 30.6

30 Tháng Sáu
Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ

Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West Point.

Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.

Ông giáo sư cầu cống không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh".

Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.

Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.

Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.

Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.


Trích sách Lẽ Sống

THÁNH LỄ TẠ ƠN MỪNG BỔN MẠNG GIÁO KHU 1 - PHÊRÔ










* Thánh Lễ sáng (5 giờ) ngày 29-6-2010 giáo xứ cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn mừng Bổn Mạng Giáo Khu 1 (Phêrô). Cha Sở đã dâng lời cầu nguyện cho các gia đình trong giáo khu, các ông, các anh em và các cháu thiếu nhi đã chọn Thánh Phêrô làm Quan Thầy và không quên cầu nguyện cho Đức Cha phụ tá Phêrô. Với tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa Tình Yêu và lòng Kính Mến Thánh Quan Thầy, giáo khu đã tổ chức nghi thức dâng lễ vật để tỏ lòng tri ân những lời cầu bầu của Thánh Quan Thầy và những Ơn Lành mà Thiên Chúa đã thương ban. Sau Thánh Lễ các gia đình trong giáo khu đã chụp hình lưu niệm với Cha Sở trước Tòa Thánh Phêrô. Tại phòng khách giáo xứ Ông Trùm giáo khu đã thay mặt cho các gia đình trong giáo khu cám ơn Cha Sở đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các gia đình trong giáo khu cũng như các Vị trong giáo khu đã qua đời.

* 19 gời 30 cùng ngày, theo thông lệ, Cha Sở, quý vị trong HĐMVGX, rất đông quý ông bà, anh chị em trong giáo xứ đã tụ họp tại nhà ông Trùm giáo khu 1 cùng các gia đình trong giáo khu để dâng giờ kinh Kính Thánh Phêrô quan thầy. Sau giờ kinh ông Trùm đã thay mặt các gia đình trong giáo khu cám ơn Cha Sở, HĐMVGX và cộng đoàn đã vì tình thương mến đã bớt thời gian nghỉ ngơi đến tham dự giờ kinh và cầu nguyện cho các gia đình trong giáo khu. Ông Trùm đã mời Cha và cộng đoàn dùng nước, mọi người trò chuyện cùng nhau, không khí thật vui vẻ.

Mời xem thêm hình Thánh Lễ TẠI ĐÂY.
Mời xem thêm hình giờ Kinh tối TẠI ĐÂY.


Hữu Toàn.

THÁNH LỄ TẠ ƠN MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ






* Chiều Thứ Hai 28-6-2010 giáo xứ đã tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn, Mừng Bổn Mạng Cha Sở (Phêrô). Để bước vào Thánh Lễ, lễ sinh và Cha Sở đã thắp hương trước Tòa Thánh Phêrô. Đầu Lễ Cha Sở mời gọi cộng đoàn hiệp ý cùng cầu nguyện cho Đức Cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Cộng đoàn tham dự Thánh Lễ rất sốt sắng, ca đoàn Thiếu Nhi khá đông, hát lễ rất nhiệt tình. Cuối lễ Cha Sở gởi lời cám ơn đến cộng đoàn đã cầu nguyện, và chúc mừng Bổn Mạng Ngài.
Sau Thánh Lễ Cha Sở đã mời các em Thiếu Nhi và cộng đoàn cùng uống sữa nhân ngày mừng Bổn Mạng.

Mời xem thêm hình TẠI ĐÂY.

Hữu Toàn.

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

MỪNG BỔN MẠNG GIÁO KHU 1


Cha Chánh Xứ
Hội Đồng Mục Vụ
và Cộng Đoàn Dân Chúa
Giáo Xứ Thuận Phát
HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG GIÁO KHU 1
GIÁO XỨ THUẬN PHÁT

LẼ SỐNG 29.6

29 Tháng Sáu
Ngài Là Cha Tôi

Truyện cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố cho dân chúng tung hô.

Lần kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng đế.

Những người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế. Không ai được phép đến gần... Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: "Ngài là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi".

"Ngài là cha tôi": đó phải là danh xưng mà chúng ta có quyền sử dụng để gọi Thiên Chúa. Ðó cũng là danh xưng nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn muốn thắt chặt với từng người trong chúng ta.

"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy cũng cho phép chúng ta khẳng định về giá trị của con người chúng ta. Dù chúng ta có bất tài, yếu hèn, tội lỗi đến đâu, chúng ta vẫn có thể gọi Chúa là Cha.

"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy không cho phép chúng ta thất vọng về chính mình. "Hãy trở nên chính mình". Ðó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương chúng ta vì những cá biệt của từng người.

Hôm nay chúng ta mừng trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai trụ cột của Giáo hội, nhưng đồng thời cũng là hai tính khí khác nhau, có khi lại xung khắc nhau.

Một người xuất thân từ một dân chài, nóng nảy, cục mịch. Một người xuất thân là một thư sinh học rộng, hiểu sâu.

Hai trình độ khác nhau, hai tính tình khác nhau, nhưng mẫu số chung nối kết hai tâm hồn: đó là cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô. Cuộc gặp gỡ ấy cũng diễn ra trong hai trường hợp khác nhau. Một người chỉ thực sự khám phá ra con người của Ðức Kitô sau ba lần phản bội. Một người chỉ nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài... Một người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sám hối, một người đã gặp gỡ Ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.

Hai tính khí khác nhau, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội của Chúa.

Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa là hình ảnh đa diện phong phú của Giáo Hội, vừa là biểu trưng của Tình Yêu của Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong sự yếu hèn, thiếu sót của chúng ta. Tình yêu đó không đòi hỏi chúng ta phải chối bỏ con người tự nhiên của chúng ta. Trái lại Chúa muốn sử dụng tất cả những khuyết điểm, những giới hạn của con người chúng ta để làm nổi bật sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

MỪNG BỔN MẠNG 29.6


Cha Chánh Xứ và Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

Ô.Phaolô Lưu Quang Sự, Chủ Tịch
Ô.Phêrô Phạm Văn Cư, Uv Trật Tự, Trưởng Giáo Khu 2

CHÚC MỪNG


GIÁO XỨ THUẬN PHÁT

Hân Hoan Chúc Mừng Bổn Mạng

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Saigon


Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Phó Giám đốc Học Viện Mục Vụ

Tổng Giáo Phận Saigon

và các Cha
Phêrô Nguyễn Văn Võ
Phaolô Lê Văn Chính
Phêrô Kiều Công Tùng
Giáo Sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse Saigon

Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Bổn Mạng ban cho Đức Cha và Quý Cha ngàn muôn Thánh Ân.
Giáo Xứ Thuận Phát
28.6.2010