Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

ĐHY : ĐÁP LẠI LỜI KÊU GỌI CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010

Người công giáo hãy chung sức cùng đồng bào vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương

1. Đại Hội Dân Chúa Việt Nam diễn ra tại Trung Tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010. Hiện diện tại Đại Hội, có 32 Giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước, cùng đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại. Đại Hội bế mạc với lời kêu gọi 7 triệu người công giáo Việt Nam chung sức cùng mọi người thiện tâm kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho Thành phố cùng quê hương đất nước hôm nay.

Những thông tin và đề xuất sau đây là nhằm mở đường cho những nỗ lực đáp lại lời kêu gọi trên, vì sự sống và hạnh phúc của thế hệ hôm nay và mai sau.

Tình hình xã hội Việt Nam hôm nay

2. Theo thông tin của các phương tiện truyền thông trong thập niên vừa qua, bên cạnh sự phát triển rất nhanh về mặt kinh tế xã hội, có những dấu hiệu cho thấy lối sống văn hoá sự chết ngày càng lan rộng trong xã hội, như nạn phá thai hủy diệt sự sống, nạn xì ke ma tuý đưa nhiều bạn trẻ đến cái chết trắng, để lại nhiều bà mẹ, nhiều trẻ thơ sống với HIV, nạn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng gia tăng, nạn bạo hành và phân hoá trong gia đình, cùng những tệ nạn xã hội khác, như bạo lực, tham nhũng, hàng giả, bằng giả, trụy lạc, cùng hố sâu phân cách giàu nghèo... đang hủy hoại sự sống và phẩm giá con người Việt Nam.

3. Ai chịu trách nhiệm về sự hình thành và phát triển lối sống văn hoá sự chết này? Khoa học xã hội xác định có ba nhân tố chung phần vào sự hình thành cách nghĩ và lối sống của mỗi con người:

(1) di truyền;

(2) môi trường xã hội gồm gia đình, nhà trường, các tổ chức trong xã hội, đạo đời, truyền thống văn hoá cùng những nét văn hoá du nhập từ thế giới toàn cầu hoá hôm nay;

(3) ý thức và ý chí của mỗi con người.

4. Kỳ thực, một số tổ chức đạo đời trong xã hội hiện nay đã quan tâm và thực hiện những biện pháp tình thế nhằm khắc phục những hậu quả nặng nề của lối sống văn hoá sự chết. Thế nhưng, để có thể giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau từng bước vượt qua lối sống văn hoá sự chết trong xã hội hôm nay, cần có những giải pháp căn cơ hơn. Hiện nay chúng ta không có khả năng thay đổi những yếu tố về di truyền, nhưng chúng ta có thể góp phần xây dựng và cải tạo môi trường sống cho lành mạnh hơn, cùng huấn luyện và củng cố ý chí nơi mỗi con người.

Trách nhiệm liên đới trong xã hội

5. Để đạt mục đích trên, cần tiến hành ba giải pháp căn cơ như sau:

(1) Một là đổi mới cơ chế luật lệ hiện hành, mở ra cho mọi tổ chức đạo đời đồng trách nhiệm tham gia vào việc tổ chức và điều hành công cuộc phục vụ cho sự sống cùng nhân phẩm và nhân quyền, trước tiên là quyền sống và quyền được phát triển, của mọi người trong cộng đồng dân tộc, đặc biệt người nghèo khổ, kém may mắn, bị bỏ rơi...

(2) Hai là liên kết mọi thành phần xã hội trong nỗ lực chung. Người công giáo hãy cùng với gia đình, nhà trường và nhà giáo, nhà báo và nhà khoa học, nhà thờ và nhà chùa, nhà kinh tế và nhà chính trị, với ý thức trách nhiệm liên đới trong xã hội, quan tâm chung sức xác lập định hướng nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho thế hệ trẻ hôm nay.

(3) Ba là nêu gương sáng cho giới trẻ. Người công giáo hãy chung lòng với gia đình, nhà trường cùng giới lãnh đạo các tổ chức đạo đời trong xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm nêu gương sáng thuyết phục, và truyền đạt kỹ năng sống nếp sống mới cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Thực hiện được ba giải pháp căn cơ đó, là xây nền móng cho nếp sống văn hoá mới, và mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho người trẻ hôm nay.

Xây mới ngôi nhà chung trên nền vững chắc
6. Nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương là nếp sống mang những nét văn hoá nền tảng như sau:

(1) Thể hiện ý thức tôn trọng con người là mục đích tối cao của sự phát triển đất nước, không coi con người chỉ là phương tiện sản xuất, là công cụ cho sự phát triển. Tôn trọng con người tất nhiên đòi hỏi mọi người quan tâm trân trọng sự sống, nhân phẩm, nhân quyền, hơn là chỉ biết dùng luật lệ, quyền hành, vũ lực, tiền bạc để đối xử, giáo dục, phát triển, đổi mới con người, nhất là người trẻ...

(2) Phát huy lòng nhân ái và lòng tự trọng theo truyền thống đạo lý của dân tộc, hơn là để mình bị cuốn hút chạy theo tiền tài, quyền lực, danh vọng, thời trang, hưởng thụ trụy lạc. Đồng thời quan tâm phát huy tính trung thực và sự trong sáng đáng tin cậy, hơn là tin rằng sự thật chỉ là những gì mang tính thực dụng, đem lại tư lợi ...

(3) Và bài học từ truyền thống văn hoá của dân tộc, "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", vẫn còn nguyên giá trị và thật cần thiết cho công cuộc xây đắp nếp sống văn hoá mới hôm nay.

7. Thể hiện những nét văn hoá nền tảng đó trong nếp sống gia đình và xã hội, người công giáo cùng mọi người thiện tâm trong cộng đồng dân tộc, vừa tiến bước dưới ánh sáng chân lý trong trời đất, vừa đáp lại đòi hỏi của đạo lý trong thiên hạ, vừa góp phần xây mới ngôi nhà gia đình, ngôi nhà xã hội, ngôi nhà Việt Nam, xây trên nền đá vững chắc với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, cùng công lý và hoà bình, cho đất nước cùng thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

8. Mùa Giáng Sinh sắp đến, nhắc nhớ cho người người trong gia đình nhân loại, biến cố Con Thiên Chúa làm người mang lại bình an cho mọi người, mọi dân tộc bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu. Tôi chân thành cầu chúc cho mọi người, mọi gia đình, mọi tổ chức đạo đời trong xã hội, hưởng nhận được sự bình an, niềm vui và phúc thật, qua mọi gian truân trong cuộc đời, cũng như qua mọi thăng trầm trong lịch sử đất nước mình.

Tổng giáo phận Thành phố HCM, 1.12.2010
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
(nguồn : WGPSG)

LẼ SỐNG 06.12

06 Tháng Mười Hai
Hai Cánh Cửa Sổ

Từ cánh cửa sổ nhìn vào thiên nhiên, người ta có thể có nhiều cái nhìn khác nhau về cuộc sống.

Trong một vở kịch của Samuel Beckett, một nhân vật đã kể lại như sau: "Tôi biết có một tên chán đời lúc nào cũng nghĩ rằng ngày tận thế đang đến. Tôi thường đến thăm hắn trong dưỡng trí viện. Tôi nắm tay hắn và dìu hắn đến bên cửa sổ. Tôi nói với hắn: "Nhìn kìa, cả một cánh đồng bắp xanh tươi... Nhìn kìa, những cánh bướm đang phất phới. Còn gì đẹp bằng!". Nhưng hắn gỡ tay tôi ra và trở về góc phòng. Mặt mày hắn hớt hải tái mét. Tất cả những gì tôi chỉ cho hắn chỉ là một đống tro tàn xám xịt".

Có một cánh cửa sổ khác từ đó người ta chỉ có thể nhìn thấy cảnh đẹp mà thôi. Ðó là cánh cửa sổ nhỏ tại một nhà nguyện ở phía Nam Ái Nhĩ Lan. Tất cả mọi cánh cửa sổ trong nhà nguyện này đều được làm bằng kính trên đó có vẽ Ðức Kitô và các môn đệ của Ngài. Duy chỉ có một cánh cửa sổ là không có hình vẽ. Xuyên qua tấm kính trong suốt của cánh cửa sổ này, người ta có thể nhìn thấy một quang cảnh thật tươi mát, đó là một cái hồ nước trong xanh nằm giữa những ngọn đồi cỏ lúc nào cũng xanh tươi. Bên dưới cánh cửa sổ, người ta đọc được câu kinh thánh như sau: "Trời cao tường thuật vinh quang Chúa. Thanh không kể ra sự nghiệp của Ngài".

Câu chuyện của hai cánh cửa sổ trên đây gợi lên cho chúng ta vần thơ: Hai người cùng nhìn xuyên qua chấn song cửa của nhà tù. Một người chỉ thấy có bùn nhơ, một người lại nhìn thấy những vì sao.

Mùa Vọng là thời gian của hy vọng.

Chúng ta được mời gọi để đặt tất cả tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Tiếp theo bao nhiêu vấp phạm và phản bội của con người, Thiên Chúa vẫn đeo đuổi chương trình của Ngài. Người vẫn tiếp tục yêu thương con người. Nơi hình ảnh đã hơn một lần hoen ố vì tội lỗi, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy phản chiếu vẻ đẹp cao sang của chính Ngài. Xuyên qua cánh cửa sổ nhỏ của mỗi người, Thiên Chúa vẫn còn nhìn thấy cảnh đẹp của lòng người.

Chúng ta cũng được mời gọi để tiếp tục tin tưởng nơi con người. Dù thấp hèn tội lỗi đến đâu, dù hung hãn độc ác đến đâu, mỗi một con người đều là hình ảnh cao vời của Thiên Chúa, mỗi một con người đều xứng đáng để tiếp tục tin tưởng, được yêu thương.

Tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, tin yêu nơi con người, chúng ta cũng được mời gọi để không thất vọng về chính bản thân. Ðau khổ có chồng chất, tội lỗi có ngập tràn, mỗi người chúng ta vẫn là đối tượng của một tình yêu cá biệt... Thiên Chúa yêu thương tôi, Thiên Chúa đang thực hiện cho tôi những gì là thiện hảo nhất: đó phải là tư tưởng cơ bản hướng dẫn tất cả Mùa Vọng của chúng ta. Từ bên cánh cửa sổ của tâm hồn nhìn vào cuộc đời, chúng ta hãy nhận ra những vì sao của hy vọng, những cánh đồng xanh tươi của lạc quan.

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II mùa Vọng năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG A (Mt 3, 1-12)


DỌN ĐƯỜNG

Lại sắp đến Noel rồi. Các cửa hàng Giáng Sinh sáng sủa hẳn lên, rực rỡ ánh đèn, chan hoà màu sắc và cũng đã có nhiều thánh đường, nhiều giáo xứ làm những hang đá thật hoành tráng... Thêm một lần nữa được nghe tiếng hô trong sa mạc : "Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”
(Mt 3,3). Câu văn này được diễn rõ hơn trong bài Tin Mừng cùng chủ đề của thánh Luca "Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3, 5). Nói cho vui thì đối với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học ngày nay, việc lấp thung lũng, bạt núi đồi, san lồi lõm, nắn cho ngay những khúc quanh co, chỉ là chuyện nhỏ, và Chúa sẽ đến bằng vệ tinh liên lục địa siêu thanh trên những con đường siêu tốc, thì ngại gì núi đồi thung lũng lồi lõm. Nói là nói vậy, chớ còn ở VN thì đừng vội tin tưởng vào những đường cao tốc hay siêu tốc, bởi ổ gà, ổ voi, thậm chí hồ ao trên những con đường ấy vẫn còn nhan nhản, trong thành phố thì lô cốt, bẫy tử thần cũng không thiếu. Và cũng chính điều này đã nhắc nhở rằng cái con đường tâm linh của con người đã làm nên những con đường xiêu tốc (xin nhấn mạnh : xiêu tốc) ấy, khiến cuộc đời trở nên khốn khổ khốn nạn. Chẳng cần phải suy nghĩ gì thêm, cũng hiểu ngay lời dạy của thánh Gioan Tẩy Giả hoàn toàn không nhắm vào thiên nhiên, mà nhắm vào thực trạng sâu thẳm cùa lòng người.

Khi gia đình sắp có một vị khách tới thăm, chắc chắn gia chủ phải cho quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ đạc, xếp đặt ngăn nắp mọi thứ để đón tiếp, và vị khách đó càng quan trọng, thì sự chuẩn bị chào đón càng chu đáo hơn. Đặt giả thử vị khách đó là một vua chúa, thì không những chỉ một gia đình, mà cả làng, thậm chí cả huyện, tỉnh, phải tất bật, lo toan đủ thứ để chuẩn bị đón vị con trời (thiên tử) giá lâm. Đó là chuyện đón một người trần mắt thịt mà còn như thế, huống hồ đây lại là một Đấng Thiên sai, Con Trời và là Ông Trời (Thiên Chúa) thật sự. Đón Chúa đến nếu chỉ nghe những câu như vừa dẫn và nhất là thấy hình ảnh “Đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa; ông nói với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? … Cái rìu đã đặt sẵn gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”
(Mt 3, 7-10), thì tưởng chừng như một việc làm quá to tát, quá nặng nhọc, khó lòng thực hiện được. Tuy nhiên, nếu đọc thêm và đọc kỹ bài Tin Mừng cùng chủ đề của thánh Luca, thì sẽ thấy cũng đơn giản thôi, và chắc chắn sẽ làm được. Vâng, "Đám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây ?" Ông trả lời : "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông : "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? " Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Binh lính cũng hỏi ông : "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? " Ông bảo họ "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." (Lc 3, 10-14). Quả thật, Chúa không đòi hỏi những gì quá sức của con người, nhưng dù là không vượt quá sức của con người, thì cũng vẫn có thể không thực hiện nổi, nếu anh không có một ý chí hướng thiện, một tấm lòng quảng đại, một niềm tin vững vàng vào mục đích nhắm tới của công việc, cùng với một quyết tâm thực hiện.

Đúng như vậy, "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông" (Nguyễn Bá Học). Cứ kể lời dạy của thánh Gioan Tẩy Giả cũng đơn giản thật : "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." (ibid), đâu đã đến nỗi chỉ có một áo, hoặc chỉ có một chén cơm, mà phải nhường hết cho anh em, còn mình thì cởi trần, nhịn đói. Mà thậm chí, đến như kẻ thù đã đoạt áo ngoài thì cũng sẵn sàng nhường luôn áo trong cho nó ("Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong" –
Lc 6, 29), hoặc như bà goá sẵn sàng dâng cúng vào đền thờ 2 đồng tiền kẽm cuối cùng của mình ("... còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình" – Lc 21, 4). Ấy mới là biết dọn đường cho Chúa đến. Vâng, hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào lòng mình, lấp cho đầy những thung lũng tị hiềm, bạt cho thấp mọi núi đồi kiêu căng, uốn cho ngay khúc quanh co hiểm ác, san cho phẳng những lồi lõm bất minh; tắt một lời, hãy sửa lối đi tâm hồn cho ngay thẳng, công chính. Có như vậy mới xứng đáng theo chân thánh Gioan Tiền Hô mà gióng lên "tiếng hô trong sa mạc", tiếng hô trong hoang mạc cuộc đời.

Nói và diễn cho hết ý thì dài dòng văn tự, nhưng rút gọn lại chỉ cần nhấn mạnh điều mà ĐTC Gioan Phao-lô II trong suốt triều đại của ngài, đã đề ra và kêu mời tín hữu thực hiện, đó là "canh tân và sám hối". Để thực sự dọn dẹp con đường tâm linh cho ngay thẳng đón Cứu Chúa, thì cần phải đổi mới con người và ăn năn về những sai phạm thiếu sót của mình. Muốn đổi mới con người, cuộc đời của mình, cần phải đổi mới cả phương cách dọn dep, tẩy uế con đường tâm linh để dọn đường đón chờ Chúa đến. Nói khác hơn, muốn đổi mới, cần phải biết nhìn lại mình mà sám hối và đổi mới luôn cả tư duy và hành động sám hối. Sám hối không phải là ngoẹo đầu méo miệng, đấm ngực thật mạnh, day tay vào mắt cho đỏ lên và chảy nước mắt ra; sám hối cũng không phải là hô khẩu hiệu, kêu gọi người khác ăn năn khóc lóc; mà phải là toàn tâm toàn ý đối diện với con người thực của mình, bóc trần mình ra trước thánh nhan Chúa để cầu xin được thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót, đồng thời cầu nguyện cho mình có đủ dũng khí và kiên tâm như một Gioan Tẩy Giả đã sám hối trong sa mạc rồi làm phép rửa và kêu gọi mọi người sám hối để ”... dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”
(Mt 3, 3).

Sẽ có thật nhiều câu hỏi được đặt ra : "Anh có thực sự tin rằng Đấng Cứu Thế đã đến, đang đến và sẽ đến với anh, với cả nhân loại không ? Với những hiện tượng thiên nhiên và nhân sinh như hiện nay, anh có tin rằng Nước Chúa đã đến gần không ? Anh có tin rằng ‘những sợi tóc trên đầu anh đã được đếm cả rồi’, hay nói khác hơn, anh có tin rằng Chúa thấu suốt mọi điều tới tận chân tơ kẽ tóc con người của anh không ? Nếu anh tin, thì đừng quanh co che giấu nữa, mà hãy sám hối, sám hối và canh tân cuộc đời của anh để chờ đón Chúa đến. Cụ thể nhất, nếu anh thực lòng tin, thì đừng chần chờ nữa, mà hãy hành động, bởi ‘Đức tin không có hành động là đức tin chết’
(Gc 2, 17)". Vâng, hãy tỉnh thức và sẵn sàng hành động dọn đường chờ đón Chúa quang lâm. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

LẼ SỐNG 05.12

05 Tháng Mười Hai
Thiện Nguyện

Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời mời gọi dấn thân phục vụ.

Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người anh em.

Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ

Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ.

Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người khác.

Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện... Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn.

Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không có nhân tính... Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ... một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết chóc...

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ NHẤT

HÂN HOAN MỪNG KỶ NIỆM
TRANG TIN GIÁO XỨ THUẬN PHÁT

hdmvthuanphat2009.blogpost.com
TRÒN 01 TUỔI
04.12.2009 - 04.12.2010

Nhân kỷ niệm
SINH NHẬT LẦN THỨ NHẤT
TRANG TIN GIÁO XỨ THUẬN PHÁT
(hdmvthuanphat2009.blogpost.com)


Xin trân trọng tri ân
Quý Cha, Quý Tu Sĩ
Quý Vị Độc Giả 4 Phương
(tại 21 Quốc Gia)
đã ghé thăm trong 01 năm vừa qua.

Xin cám ơn quý vị đã góp ý, gởi bài, gởi tài liệu
giúp cho thuanphat's blog ngày thêm phong phú.
NGUYỆN XIN THIÊN CHÚA THƯƠNG BAN
PHÚC LÀNH CHO QUÝ CHA VÀ QUÝ VỊ.

Kính xin Quý Cha và tất cả Quý Vị luôn cầu nguyện và giúp đỡ
TRANG TIN GIÁO XỨ THUẬN PHÁT
(hdmvthuanphat2009.blogpost.com)
càng ngày càng hoàn thiện
càng ngày càng phong phú
càng ngày càng sinh động
và luôn luôn đi đúng đường hướng truyền thông
trong thời đại bùng nổ thông tin hôm nay
theo như Giáo Hội mong muốn.

Kính chúc Quý Cha và Quý Vị
luôn vui khoẻ và hạnh phúc


hdmvthuanphat2009.blogpost.com
Sinh nhật lần thứ I
04.12.2009 - 04.12.2010



LẼ SỐNG 04.12

04 Tháng Mười Hai
Bức Ảnh Của Gia Ðình

Trong thời kỳ khai phá bên Mỹ Châu, có năm thanh niên Mỹ tới vùng Ohio tìm vàng. Ðây là một vùng hoang vu nguy hiểm không thể lường trước được... Sau một thời gian sống giữa rừng thiêng nước độc, khi trở về nhà, bốn người trong đám đã trở nên cộc cằn dữ tợn. Chỉ có một người còn giữ được tinh thần minh mẫn như trước. Người ta hỏi anh: làm thế nào để tránh được những lỗi lầm của những người kia, anh trả lời như sau:

"Vì một bức hình tôi đã mang theo. Không phải là một bức hình của một người bạn gái, nhưng là của chính gia đình tôi... Buổi sáng trước khi tôi lên đường, chúng tôi đã ngồi ăn sáng chung với nhau. Mọi người đều nghẹn ngào vì tôi là người thứ nhất lìa xa gia đình... Cha tôi nhắn nhủ đôi lời và cả gia đình đều quỳ gối cầu nguyện cho tôi. Chính hình ảnh đó đã theo tôi trong suốt chuyến đi và đã nâng đỡ tôi".

Sống ở đời, ai cũng cần phải có một lý tưởng. Lý tưởng đó nuôi dưỡng và hướng dẫn chúng ta cũng như đem lại cho chúng ta sự kiên trì trong cuộc sống. Lý tưởng của bạn là gì? Tiền tài, danh vọng hay lạc thú? Tất cả những điều đó rồi cũng sẽ đưa chúng ta đến thất vọng, chán chường. Duy chỉ có mình Chúa mới có thể lấp đầy những trống vắng trong tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta vượt được bao gian nguy trong cuộc sống... Bạn muốn lấp đầy tâm hồn bạn với hận thù, bạo động và cau có ư ? Hãy trục xuất Chúa ra khỏi tâm hồn bạn... Bạn muốn được sự bình an đích thực và một tâm hồn minh mẫn thư thái ư ? Hãy để cho Chúa chiếm ngự tâm tư bạn một cách trọn vẹn...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

ĐỂ CHÚA ĐẾN

Tác giả: Lm Nguyễn Duy.
Thể hiện: Thu Trang & Ngọc Dũng.

DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

Nhạc và lời: Lm Mạnh Hùng OP.
Ca sĩ: Xuân Trường.

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
ĐÔMINICÔ

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 5
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Ông ĐÔMINICÔ ĐẶNG VĂN HỒNG
Sinh năm 1948 tại Nam Vang - Campuchia

Cư ngụ tại :
62/78 Lâm Văn Bền

P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 5 – Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 23g12 ngày Thứ Năm 02.12.2010
(Nhằm ngày 27 tháng 10 năm Canh Dần)

Hưởng thọ 63 tuổi


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Sáu 03.12. 2010

  • 08g00 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan
  • 18g15 : Thánh Lễ Cầu Hồn tại tư gia
Thứ Bảy 04.12.2010
  • 04g00 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ.
  • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát.
Sau đó di quan đi an táng tại
Nghĩa trang Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm
Xuân Lộc, Đồng Nai.

Thuận Phát, ngày 03 tháng 12 năm 2010
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 5
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 03.12

Cha Chánh Xứ và Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

Ông PHANXICÔ XAVIÊ
TRẦN NGỌC MINH
Phó Giáo Khu 4

LẼ SỐNG 03.12

03 Tháng Mười Hai
Giác Ngộ

"Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"... Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của đồng loại.

Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.

Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.

Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn.

Danh vọng, tiền tài, ngay cả sức khỏe... tất cả đều được đốt cháy để tìm được niềm vui đích thực cho tâm hồn và mang niềm vui đó đến với mọi người: đó là sứ điệp mà thánh Phanxicô Xaviê đã để lại cho tất cả chúng ta...

"Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột"... Có lẽ người ta thường dùng câu nói trên đây không những để nói lên tính cách tương đới của đau khổ, mà còn để nói lên ngay cả sự tương đới của hạnh phúc.

Sau những tháng năm ăn độn, ăn rau, những người nghèo có thể hớn hở reo vui khi được bữa cơm trắng với chút thịt cá. Sau những tháng năm tù đày, một người vừa mới được phóng thích sẽ reo hò sung sướng khi được đi lại tự do, khi được thở không khí trong lành...

Những người giàu có, ngày nào cũng yến tiệc linh đình sẽ thèm khát đôi chút cá kho, mắm cà của người nghèo khổ... Những đứa trẻ giàu có ở đô thị có lẽ sẽ thèm khát những giây phút được cưỡi trâu hay tắm ao của những chú bé nghèo ở nhà quê...

Tựu trung, vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn là đi tìm hạnh phúc. Và cuối cùng, sau những miệt mài tìm kiếm, ai cũng nhận thấy rằng mình sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu trên trần gian này. Kẻ đứng ở núi này sẽ luôn nhìn sang núi nọ...

Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một bí quyết của hạnh Phúc: Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất và ai mất mạng sống mình vì Ta sẽ gặp lại... Chỉ có một niềm vui đích thực đó là sống trọn vẹn cho Chúa. Chỉ có một điều quan trọng nhất trong cuộc sống: đó là lắng nghe Lời Chúa.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 02.12

02 Tháng Mười Hai
Mòn Mỏi Ðợi Trông

Ngày kia, một hoàng đế nọ tập trung lại tất cả các nghệ sĩ trong mọi lãnh thổ của đế quốc, để tổ chức một cuộc thi đua. Ðề tài của cuộc thi đua là: mô tả dung mạo của hoàng đế...

Các nghệ sĩ Ấn Ðộ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa cương qúy giá. Các nghệ sĩ người Armêni mang đến một thứ đất sét mà chỉ có họ mới biết được giá trị của nó. Những người Ai Cập thì mang đến đủ thứ dụng cụ và một khối cẩm thạch qúy giá.

Sau cùng, người ta thấy xuất hiện một phái đoàn Hy Lạp. Mọi người đều ngạc nhiên, bởi vì họ chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng...

Người ta giam các nghệ sĩ vào trong các khu nội cấm trong cung điện. Khi thời hạn ấn định đã đến, hoàng đế cho trưng bày tất cả các tác phẩm của các nghệ sĩ. Ông trầm trồ ca ngợi bức chân dung của chính mình do các họa sĩ Ấn Ðộ vẽ. Sang đến các pho tượng của người Ai Cập và các mô hình của người Armêni, ông càng tỏ ra thán phục hơn.

Sau cùng, khi đến gian hàng của người Hy Lạp, ông chỉ thấy vỏn vẹn bức tường bằng cẩm thạch của phòng khách, nhưng mặt tường được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy nguyên khuôn mặt của mình hiện ra từng nét... Và dĩ nhiên, phái đoàn đã đoạt giải chính là những người Hy Lạp, bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được chính khuôn mặt của mình.

Họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô: đó là mục đích của Giáo Hội. Và nói như danh họa kiêm điêu khắc gia Michelangelo: "Ðể tạc một bức tượng, điều quan trọng chính là những gì phải được gọt bỏ".

Muốn họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, Giáo hội phải đánh bóng bức tường khuôn mặt của mình bằng cách gọt bỏ, đục đẽo tất cả những gì còn sần sùi, thừa thãi...

Mùa Vọng là mùa của mong đợi... Hai chữ mong đợi trong ngôn ngữ Việt Nam thường được đi kèm với hai chữ khác: mòn mỏi. Mong đợi nào cũng làm cho con người ta mòn mỏi. Nhưng chính sự hao mòn đó càng làm cho giây phút gặp nhau thêm đậm đà, thắm thiết hơn.

Mùa Vọng là trường dạy chúng ta mong đợi. Ðức Kitô đến với chúng ta qua từng biến cố, từng phút giây trong cuộc sống. Ngài chỉ đựơc nhận diện, Ngài chỉ được họa lên nguyên hình nếu chúng ta chấp nhận đánh bóng bức tường thành rong rêu hoặc sần sùi của con người chúng ta. Càng mòn mỏi, càng được gọt đẽo, chúng ta càng thấy được Ðức Kitô và càng họa lại được Ðức Kitô cho người khác...

Thật ra, không phải chúng ta là người họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, mà chính Ngài đến với chúng ta với những đường nét mà chỉ có Ngài mới biết đích thực là của Ngài. Bổn phận của người Kitô chính là chấp nhận cho Ðức Kitô dùng con người của mình để nhìn thấy khuôn mặt của Ngài. Phiến đá cẩm thạch của con người chúng ta càng bóng láng, khuôn mặt của Ðức Kitô càng hiện rõ...

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 01.12

01 Tháng Mười Hai
Mang Nặng Ðẻ Ðau

Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta đọc thấy ở trang bìa của số ra tháng 12 như sau: Mùa Vọng là mùa của thai nghén...

Có lẽ chỉ có những người đàn bà đã hơn một lần kinh qua thời kỳ thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau... Trong 9 tháng 10 ngày, ngoài những nôn mửa không ngừng, người đàn bà mang thai thường phải trải qua nhiều tâm trạng khác nhau của vui buồn lẫn lộn...

Vui vì sự sống và niềm hi vọng đang lớn dần trong tâm hồn và thể xác của mình, người đàn bà mang thai cũng lo sợ vì những bất ngờ không lường trước được. Những đột biến trong người cũng khiến cho người đàn bà mang thai cảm nhận được sự mỏng dòn, yếu đuối của con người. Tất cả mọi cử động, chế độ dinh dưỡng đều được cân nhắc cẩn thận để không phương hại đến bào thai... Có nên tiếp tục đi nhanh như trước kia không? Có được hút một điếu thuốc như trước không? Có nên dùng càfê không? Có nên dùng một chút bia rượu không? Có nên thức khuya không?... Tất cả đều được cân nhắc từng li từng tí.

Bào thai càng lớn dần, niềm vui và nỗi lo lắng cũng tăng thêm... Và khi đến ngày nở nhụy khai hoa, như chúa Giêsu đã nhận xét, niềm vui của người đàn bà khỏa lấp được tất cả những chờ đợi trong khi mang thai và những đớn đau trong khi sinh con.

Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui, nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Ðứa bé đã trở thành trung tâm của cuộc sống gia đình. Giờ giấc thay đổi, nhịp sống cũng thay đổi. Và có lẽ cái nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.

Mùa Vọng là mùa của thai nghén... Do tiếng "Thưa, xin vâng!" đáp trả của Ðức Tin, chúng ta cũng cưu mang chính Chúa. Như người đàn bà có thể cảm nhận được sự tăng trưởng của bào thai, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự hiển diện mỗi lúc một thêm thân mật và gần gũi của Chúa trong tâm hồn chúng ta.

Cũng như người đàn bà mang thai có thể nhận ra sự mỏng dòn yếu đuối của mình, với sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, chúng ta cũng cảm nhận sâu sắc hơn những bất toàn, khiếm khuyết và tội lỗi của chúng ta. Ý thức ấy càng mời gọi chúng ta bước đi trong từng cố gắng vươn cao hơn. Cũng như người đàn bà mang thai cân nhắc từng đường đi nước bước, từng cách ăn mặc đi đứng, người cưu mang Chúa cũng tập trung tất cả suy tư, hành động, cư xử của mình vào chính Chúa. Lẽ sống là động lực của người có niềm tin chính là Chúa... Bào thai càng lớn lên thì sự quên mình của người mẹ càng gia tăng. Người cưu mang Chúa cũng thế. Thánh Gioan Tẩy Giả đã diễn tả đúng đòi hỏi ấy khi Ngài nói về chúa Giêsu: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại"... Càng quên mình, người tín hữu Kitô càng cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn. Ðó là định luật của đời sống Ðức Tin. Chính khi quên mình, người Kitô cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và càng gặp được chính mình...

Mùa Vọng là mùa của thai nghén: chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa Giêsu một máng cỏ trong tâm hồn chúng ta. Cũng như người đàn bà quên mình vì không biết bao nhiêu chuẩn bị cho con, chúng ta cũng hãy hưởng trọn cuộc sống của chúng ta về với Chúa Giêsu. Hãy để cho Ngài lớn lên bằng những nhỏ lại của chúng ta: nhỏ lại trong tham vọng, nhỏ lại trong những ước muốn bất chính, nhỏ lại trong những đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ, nhỏ lại trong muôn vàn những đớn hèn, nhỏ nhặt trong cuộc sống... Và rồi, với Chúa ngự trị trong ta, tình mến sẽ lớn mãi trong trái tim.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 30.11

30 Tháng Mười Một
Bảo Chứng Của Trường Sinh Bất Tử

Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.

Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2.800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.

Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.

Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:

- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".

- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".

- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".

Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.

Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.

Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về Nhà Cha. Năm phụng vụ đã kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.


Trích sách Lẽ Sống