Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

BAN AN NINH TÔN GIÁO Q7 CHÚC MỪNG GIÁNG SINH GIÁO XỨ THUẬN PHÁT




Chiều ngày 21-12-2010 lúc 14 giờ 15 Ban An Ninh Tôn Giáo quận 7 do ông Phó Trưởng Công An quận 7 làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc mừng Giáng Sinh 2010 Giáo Xứ Thuận Phát.

Tiếp đón Ban ANTG Q7 về phía Giáo Xứ Thuận Phát có Cha Chánh Xứ GIO-A-KIM, ông CT HĐMVGX, ông P.CT HĐMVGX ( Đối ngoại ) và UVTT Giáo Xứ Thuận Phát.

Hai bên đã trò chuyện thân mật, thăm hỏi sức khỏe của nhau trong không khí thân mật, vui vẻ.

Ban ANTG quận 7 đã tặng quà lưu niệm và chúc Cha Chánh Xứ, HĐMVGX và cộng đoàn dân Chúa Giáo Xứ Thuận Phát một Mùa Giáng Sinh vui vẻ.

Cha Chánh Xứ ngỏ lời cám ơn Ban ANTG quận7 trong những năm qua khi Cha chưa về nhận nhiệm vụ tại Giáo Xứ, đã nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ chính quyền nhất là trong các dịp Lễ lớn, an ninh trật tự được bảo đảm tuyệt đối giúp cho Giáo Xứ tổ chức các Thánh Lễ được tốt đẹp.

Cha Chánh Xứ chúc các vị trong đoàn được nhiều sức khỏe, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

14 giờ 45 cùng ngày kết thúc cuộc viếng thăm.

XEM HÌNH.


Hữu Toàn.

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 20.12

20 Tháng Mười Hai
Không Nhà Không Cửa

Hiện nay trên thế giới có khoảng một trăm triệu người không có nhà để ở. Riêng tại Châu Mỹ La Tinh, có khoảng 20 triệu trẻ em đang ngủ đầu đường xó chợ. Nhìn chung, có một tỷ người trên thế giới không có được một nơi ở tươm tất.

Trên đây là kết quả của một cuộc điều tra dựa trên những con số do các Hội Ðồng Giám Mục và các Giáo Hội Công Giáo địa phương cung cấp. Cuộc điều tra này do Ủy ban công lý và hòa bình của Tòa Thánh thực hiện và ấn hành thành lập một tập tài liệu vào dịp cuối năm quốc tế những người không nhà không cửa do Liên Hiệp Quốc khởi xướng năm 1988 vừa qua.

Theo tập tài liệu này thì vấn đề nhà ở chắc chắn là một trong những vấn đề trầm trọng nhất của thế giới ngày nay. Tài liệu cho thấy những kẻ không nhà là những người nghèo nhất trong số những người nghèo và tố cáo những người chủ nhà chỉ vì tính toán thủ lợi mà thà bỏ trống những căn nhà hơn là hạ giá để nâng đỡ những kẻ không nhà.

Chúa Giêsu đã chào đời như một con người không nhà không cửa.

Ngài đến là để cho con người được sống và sống một cách sung mãn. Tiếng kêu khóc chào đời của Ngài giữa khung cảnh cùng cực của hang lừa máng cỏ, là tiếng kêu than của hàng triệu triệu trẻ em đang bị tước đoạt quyền sống, đang bị từ chối những điều kiện cơ bản nhất để được sống như con người.

Máng cỏ mà chúng ta đang chuẩn bị ở nhà thờ hay trong gia đình phải là một nhắc nhở cho chúng ta về sự hiện diện và tiếng van xin của không biết bao nhiêu người không nhà, không cửa xung quanh chúng ta. Hơn ai hết, người Việt Nam chúng ta đang nhìn thấy tận, mắt thế nào là cảnh lang thang đầu đường xó chợ.

Chúng ta chuẩn bị một chỗ trú ngụ cho Hài Nhi Giêsu, chúng ta có nghĩ đến những người cùng khổ xung quanh chúng ta không?

Chúng ta có biết rằng khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước đau khổ của người anh em chúng ta là chính lúc chúng ta khước từ Chúa Giêsu không?

Chúng ta có biết rằng ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu cũng là ngày Giáng Sinh của những con người cùng khổ nhất không?

Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ không bao giờ đến trong máng cỏ hào nhoáng của chúng ta, nếu chúng ta xua đuổi những người khốn khổ xung quanh chúng ta.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

NHẠC GIÁNG SINH

HANG BÊ-LEM

THÁNH LỄ GIA NHẬP KYTÔ GIÁO - LỚP GIÁO LÝ DỰ TÒNG K.19 GX THUẬN PHÁT








Chiều thứ bảy 11-12-2010 vào lúc 17 giờ 30, Giáo xứ Thuận Phát đã tổ chức Thánh Lễ Gia Nhập Kytô Giáo cho 44 anh chị em Dự Tòng, 7 anh chị em Lãnh Nhận Bí Tích Thêm Sức đã hoàn tất khóa học 19 do Cha Chánh xứ chủ tế.

Cuối Lễ đại diện học viên đã thay mặt 51 anh chị em khóa 19 nói lên lời cám ơn Cha Chánh Xứ đã trao ban các Phép Bí Tích cho toàn thể học viên và nói lên tấm lòng biết ơn đối với các Thầy, Cô Giáo Lý Viên, các vị tình nguyện viên giúp cho khóa học được hoàn thành tốt đẹp, để từ đó anh chị em học viên khóa 19 mới có được ngày vui trọng đại hôm nay.

Mời xem thêm HÌNH THÁNH LỄ.


Hữu Toàn.

TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2010




Mùa Vọng 2010 - Được sự quan tâm của Cha Chánh Xứ về việc giúp cộng đoàn dọn mình xứng đáng đón mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh 2010. Cha Chánh Xứ đã mời Cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến, Giáo sư Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đến giảng phòng trong 3 ngày 9,10 và 11/12/2010.

Kết thúc 3 ngày tĩnh tâm Ông Chủ Tịch HĐMVGX đại diện giáo xứ ngỏ lời cám ơn chân thành đến Cha giảng phòng đã hy sinh thời gian, công sức giúp cộng đoàn có được thời gian lắng đọng tâm hồn để xét mình, quy hướng về Thiên Chúa nhằm chuẩn bị tâm hồn thanh sạch, xứng đáng đón nhận Thiên Chúa Xuống Thế Cứu Chuộc Nhân Loại.

Đại diện Giới trẻ đã tặng hoa và quà tri ân Cha giảng phòng.

Mời xem HÌNH GIÁO XỨ TĨNH TÂM.


Hữu Toàn.

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật IV mùa Vọng năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

ĐỨC HỒNG Y IVANS DIAS ĐẶC SỨ CỦA ĐTC TẠI VIỆT NAM

Hôm 18-12-2010, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, làm đặc sứ của ngài đến chủ sự các lễ nghi bế mạc Năm Thánh tại Việt Nam.

Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam sẽ được bế mạc tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc Lavang từ ngày 4 đến 6-1-2011 sắp tới. Năm Thánh đã được khai mạc trọng thể tại Sở Kiện, thuộc tổng giáo phận Hà Nội ngày 24-11 năm 2009, và có cao điểm là Đại hội Dân Chúa ở Sàigòn hồi trung tuần tháng 11 vừa qua.

ĐHY Ivan Dias người Ấn độ năm nay 75 tuổi (1936), đã từng làm Sứ thần Tòa Thánh tại Ghana, Benin, Togo, Đại Hàn, Albani, TGM giáo phận Mumbai Ấn độ, và từ gần 5 năm nay làm Tổng trưởng Bộ truyền giáo (SD 18-12-2010)

Trần Đức Anh OP
(nguồn : Vietcatholic.net)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG A (Mt 1, 18-24)


CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Cửa Trời rộng mở thênh thang,
Chọn người công chính vào hàng con ngoan.
Cho đời đón nhận liên hoan,
Sống trong Lời Chúa lo toan ngày về.

Loài người phản bội lắm tề,
Chạy theo lạc thú hôn mê mất hồn.
Trên cao, Thiên Chúa thấm buồn,
Chương trình cứu chuộc mưa nguồn khai thông.

Giuse, Đức Mẹ, hai người công chính được Thiên Chúa chọn vào chương trình cứu độ chúng sanh.

Phản bội tình yêu Thiên Chúa, Adam, Eva đã đưa nhân loại sống trong cô đơn tuyệt vọng, chạy theo bóng quế hồn ma, sống trong dục vọng say mê bụi đời, quên mất đường về nhà Cha.

Nhiệm mầu tình Chúa cao siêu,
Loài người được Chúa nâng niu tuyệt vời.
Giêsu, Con Đức Chúa Trời,
Cứu nhân độ thế, Ngôi Lời giáng sinh.

Cô đơn là nổi bất hạnh lớn nhất, không lời đáp trả, đi đến chổ tuyệt vọng…

Emmanuen, Đấng ở cùng chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi niềm cô đơn tuyệt vọng ấy.Ngôi Lời đến trần gian, để chia sẻ với chúng ta thân phận làm người. Giáng sinh là một ngày vui mừng và đầy ý nghĩa cho những ai đặt niềm tin vào Chúa Giêsu.

Loài người biết nhớ, biết thương,
Cao hơn loài thú, tơ vương tình người.
Trao nhau ban tặng nụ cười,
Nhìn lên trời thẳm van lời xin ơn.

Ngôi Lời đi vào tình sử loài người, có Cha nuôi, có Mẹ như người trần gian.

Thời Cựu ước : Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!" Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa".

Và Isaia nói: "Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Đavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
(Is7:10-14)

Giu-se Đức Mẹ tuyệt vời,
Hai người công chính nên lời ngợi ca,
Tình yêu Thiên Chúa bao la,
Ngôi nhà tình ái cho ta ngắm nhìn.

Nếu không yêu Chúa Kitô một cách chân thành, chúng ta không thể làm môn đệ đích thực của Ngài được.

Nguồn gốc Chúa Giêsu vào đời

"Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Đavít".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu. (Mt 1:18-24).
Suy niệm đoạn Phúc âm cho tôi cảm thấy thương thánh Giuse nhiều, âm thầm lặng lẽ không lời chua cay. Giuse con người công chính, không tố cáo vợ mình, nổi đau cam chịu một mình, đêm về thinh lặng dâng lên Cha hiền, bằng lòng lắng nghe Lời Chúa dạy, êm đềm thực thi. Cho tôi bài học canh tân cuộc đời, im lặng nguyện cầu đón lấy ơn khôn ngoan để giải quyết mọi khó khăn trong cuộc đời. Im lặng là vàng…

Giu-se nhánh Huệ Nước Trời,
Trinh tuyền thánh thiện nên lời ca khen.
Tâm thành yêu Chúa vững bền,
Cuộc đời phó thác con hiền Cha thương.
Giu-se quả thật khiêm nhường,
Âm thầm phục vụ nên hương cho đời.
Hiệp cùng Đức Mẹ dâng lời,
Cùng Con Chí Thánh vào đời cứu dân.

Đời ta là một suối hồng ân, được tình yêu Chúa ở cùng sớm hôm, ngày ngày làm việc chuyên chăm, đêm về thanh vắng ta dâng lời cầu, nhiệm mầu tình Chúa dắt dìu, qua thời tạm gởi về nhà Cha chung.

“Thú vị ta được tạ ơn Chúa,
được hát mừng danh Ngài, lạy Đấng tối cao,
được tuyên xưng tình thương Ngài giữa buổi sớm,
và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya”.
(Tv 89:12)

Là người Kitô hữu trưởng thành, chúng ta phải thấu hiểu Lời Chúa, tìm giờ lắng đọng tâm hồn, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần dạy bảo. Trưởng thành rồi, con người phải tận dụng các khả năng Thiên Chúa đã ban sẵn để tự giải quyết những vấn đề do chính mình tạo nên, trong niềm vui , nỗi buồn, thành công hay thất bại, đau khổ hay lắng lo, luôn có Chúa cùng đồng hành, thật là một vinh dự tuyệt vời.

Cúi đầu lạy Chúa muôn vàn,
Từ nay con quyết vào hàng con ngoan.
Ngày ngày bổn phận chu toàn,
Nhìn lên trời thẳm huy hoàng, hoan ca.

Tình Cha bát ngát bao la,
Con thời cát bụi, thế mà Cha yêu.
Làm người được Chúa nâng niu,
Lòng con vui sống mỹ miều bên Cha.

Đoạn Phúc Âm nầy suy gẫm, gẫm suy để mà nhận định cuộc sống làm con Chúa Trời.
Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Mt 1: 23)

Chúa ở cùng con, ngày qua tháng về, im lặng chờ mong, chờ con qụy ngã rồi thì đỡ nâng, thế mà con đã vô tâm, để Chúa cô đơn không thăm, không hỏi, không buồn nhớ thương, chạy theo phù phiếm xa hoa, cuộc vui trần thế mãi mê đêm ngày. Ăn ăn, nói nói, cười cười, chuyện tình rắc rối, ngày đời đeo mang…

Chúa ở trong lòng con, con không thưa chuyện với Chúa, ai sẽ thay con, thưa chuyện với Ngài.

Thấm buồn cho tháng ngày qua, ăn năn hối hận con xin quay về, luôn năng nhớ Chúa thường xuyên mỗi ngày. Chúa đâu muốn nói nhiều lời, Chúa đâu bắt bẻ lời ta dại khờ, chỉ thưa với Chúa một lời: “Lạy Chúa con yêu Chúa, khi buồn xin Chúa nâng đở con, khi vui, tạ ơn Chúa, xin bình an Chúa ở cùng con…” Có đạo nào ban phát ơn thiêng nhiệm mầu, như Đạo Kitô Giáo của chúng ta… Chúa trong lòng ta, lo lắng gì hồn tôi ơi!

Người Kitô hữu tuyệt vời,
Niềm tin đưa bước nên lời ủi an.
Giê-su tại thế ân ban,
Ngài là gạch nối trung gian tình Trời.

Gẫm suy cuộc sống nổi trôi,
Ngày ngày, tháng tháng qua rồi đi luôn.
Không thương, không tiếc, không buồn,
Làm người phải biết về nguồn ở đâu.?

Sống đạo giữa đời với bao tình huống phủ đầy gió sương, gian bao vất vả lo toan, biết bao cạm bẩy trên đường ta đi, nhưng ta vẫn mãi vấn vương tình Chúa đêm ngày, thế mới hay! Luôn thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa con thương Chúa nhiều.”

Hân hoan cảm tạ dâng lời,
Làm người Tín hữu liền cành cây Yêu.
Đời ta quả thật mỹ miều,
Thân thưa với Chúa mọi điều ước mơ.

Cuộc đời rối rắm như tơ,
Con luôn vững bước mong chờ tình Cha.
Tình yêu Thiên Chúa bao la,
Từ đây con quyết hoan ca tình Ngài.

NAM GIAO
(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 19.12

19 Tháng Mười Hai
Hợp Tác Là An Toàn

Ngày nay, khi đi trên các nẻo đường của nước Thụy Sĩ, người ta lại nhìn thấy một tấm biển lớn, trên đó trình bày hai chiếc xe hơi, một chiếc màu đỏ, một chiếc màu xanh. Cả hai xe đi cùng chiều, những người ngồi trên hai xe đang chào nhau, cười với nhau. Người lái xe xanh đang ra dấu cám ơn lại bằng cách giở mũ chào.

Ở phần dưới tấm biển có ghi một hàng chữ: "Hợp tác là an toàn". Ðiều này muốn nói lên rằng giúp đỡ lẫn nhau, đối xử với nhau như người cộng sự, bằng tình bằng hữu là một đảm bảo cho một cuộc hành trình không nguy hiểm.

Tinh thần hợp tác không những chỉ đảm bảo cho một cuộc sống bình yên trên các lộ trình, mà cũng còn là một đảm bảo cho một cuộc sống bình yên ở mọi vị trí trong xã hội. Có tinh thần hợp tác là đặt kẻ khác vào chính vị trí của mình, quan tâm tới họ như quan tâm tới chính mình, kính trọng, yêu mến, giúp đỡ họ như kính trọng, yêu mến giúp đỡ chính mình vậy.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 18.12

18 Tháng Mười Hai
Cái Nhìn Của Một Tướng Lãnh

Ðại tướng Marbot, trong tập ký sự, có kể lại một hôm, khi còn là thiếu úy, vua Nã Phá Luân sai ông làm một việc cực kỳ nguy hiểm. Ðó là giữa đêm khuya, luồn qua bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông Danube, tra khảo để xem tình thế của địch quân. Sau bao nhiêu cố gắng không thể tưởng tượng được, toán quân của thiếu úy vượt qua được khúc sông và bắt được ba người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng dòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó đã báo động bọn lính tuần tiễu Áo. Họ vùng lên bắn xối xả.

Trong cơn nguy biến cùng cực ấy, viên thiếu úy bỗng nhìn thấy một ánh lửa tỏa ra từ sườn núi chỗ đóng quân bên kia bờ. Viên thiếu úy đã hiểu rằng, Nã Phá Luân đã theo dõi cuộc xô xát và đang chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.

Ðôi mắt phượng hoàng của Nã Phá Luân đã xé tan bóng tối để gửi đến cho những người lính trẻ sự cổ vũ khuyến khích. Viên thiếu úy có cảm tưởng như nhà vua đã quên hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua đã đem lại cho những người lính trẻ sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó khăn và trở về an toàn.

Một cái nhìn của một vị tướng lãnh đã có sức nâng đỡ người lính chiến giữa trận địa như thế, cũng vậy, Chúa cũng đã chăm chú theo dõi và nhìn mỗi người chúng ta như thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng được chú ý. Thiên Chúa không chăm sóc chúng ta như chăm sóc một đàn cừu trong đó mỗi con vật chỉ là một con số. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt loại. Người gọi tên từng người trong chúng ta. Người đối xử với chúng ta như thể chỉ có ta là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 17.12

17 Tháng Mười Hai
Ðôi Vai Của Người Cha

Tháng 11 năm 1958, ngay chính ngày đăng quang, khi nói chuyện với khách hành hương, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã kể lại một giai thoại trong cuộc đời của ngài như sau:

"Khi tôi lên 7, một hôm cha tôi đưa tôi đến một làng bên cạnh, nơi đang tổ chức một buổi lễ của Công Giáo tiến hành trong giáo phận. Phải đi bộ nhiều cây số, tôi cảm thấy mệt mỏi. Cha tôi đã phải đặt tôi trên vai của người. Ðến nơi, tôi cảm thấy thất vọng, bởi vì dân chúng qúa đông, mà tôi thì bé nhỏ. Mất hút trong chợ người, tôi không thể nhìn đoàn người đang diễn hành... Thế là một lần nữa, cha tôi lại bồng tôi trên vai của người. Từ trên cao, tôi có thể xem thấy tất cả mọi sự".

Và vị Giáo Hoàng được mệnh danh "nhân lành" đã kết luận như sau: "70 năm qua, nhưng tôi vẫn còn ghi nhớ trong tâm trí tôi cử chỉ của cha tôi. Nó đã trở thành một biểu trưng kỳ diệu. Ngày nay, mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi tôi không còn thấy gì nữa, tôi nài xin vị Cha trên trời nâng tôi lên đôi cánh của Người".

Chỉ từ trên đỉnh cao, chúng ta mới có thể thấy rõ mọi sự. Chính Chúa là đỉnh cao của chúng ta. Nơi Người, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa của cuộc sống... Những lúc chán sống, những lúc hầu như không còn thấy gì nữa, chúng ta hãy chạy đến với Người.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 16.12

16 Tháng Mười Hai
Hơi Ấm Của Tình Người

Một vị linh đạo Ấn Giáo và các môn sinh ngồi quây quần bên một bếp lửa hồng. Sức nóng của than hồng và hơi nóng của từng người làm cho căn phòng ấm hẳn ra... Nhưng bỗng chốc, vị linh đạo già run lập cập, môi ông bập bẹ không nói ra lời. Các môn sinh lo lắng cho sức khỏe của thầy: "Thưa thầy, chắc thầy yếu trong người, chúng con xin phép được cho thêm củi vào lò sưởi".

Trong cơn thổn thức, vị linh đạo già cố gắng nói từng tiếng: "Lửa và sức nóng trong căn phòng này quá đủ cho ta... Ta cảm thấy lạnh là bởi vì bên ngoài có một người hành khất đang run lập cập".

Quả thật, đúng như lời của vị thầy, các môn sinh đã mở cửa nhìn ra ngoài, và họ đã tìm thấy một người hành khất đang rét run vì đói và lạnh... Họ đưa người đó vào trong căn phòng, săn sóc cho anh và từ giây phút ấy, vị linh đạo già cũng trút bớt được nỗi rét run của mình.

Câu chuyện được trích từ kho tàng khôn ngoan của người Ấn Ðộ trên đây có lẽ gợi lại cho chúng ta lời của thánh Giacôbê tông đồ: "Ðức Tin không có việc làm là một Ðức Tin chết". Vị linh đạo già trên đây đã cảm thấy rét run là bởi vì sự ấm áp của thầy trò đang có với nhau chưa được chia sẻ cho người khác. Ông chỉ cảm thấy thật sự ấm lòng, khi hơi ấm của sự quây quần ấy được san sẻ cho người khác.

Vị linh đạo này là hình ảnh của đời sống Ðức Tin của chúng ta. Dù có sốt sắng bao nhiêu trong việc cầu nguyện, trong các nghi thức phụng tự, nếu tâm hồn chúng ta không được nuôi dưỡng bằng lòng mến đối với tha nhân, thì hơi ấm của lòng đạo đức nơi chúng ta chỉ là một thứ hơi ấm giả hiệu... Một Ðức Tin nhiệt thành, một Ðức Tin có hơi ấm thật sự cần phải được nuôi dướng bằng lòn mến.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 15.12

15 Tháng Mười Hai
Xin Một Chút Ánh Sáng

Triết gia Diogène nổi tiếng là người hạnh phúc nhất trên đời, thế nhưng cuộc sống của ông lại rất đơn sơ nghèo nàn. Ông sống trong một cái thùng, ngày ngày nằm đọc sách nhờ ánh sáng qua lỗ hỏng ở vách thùng. Cơ nghiệp của ông vỏn vẹn chỉ có một cái bát gỗ dùng để múc nước sông mà uống. Thế nhưng, một hôm ra sông để lấy nước, ông thấy có một em bé chăn cừu dùng hai tay để vục nước mà uống. Thế là ông ném cái bát đi và từ đó chỉ dùng tay mà uống nước.

Vua Hy Lạp nghe biết ông là người hạnh phúc nhất đời bèn tìm đến tận nơi để thăm. Thấy ông đang nằm đọc sách, nhà vua lại gần để hỏi xem ông có cần gì không. Diogène không trả lời. Nhà vua hỏi vặn nhiều lần, ông điềm tĩnh trả lời như sau: "Hạ thần chỉ xin bệ hạ một điều và chỉ một điều mà thôi: xin bệ hạ tránh ra để hạ thần có đủ ánh sáng mà đọc sách". Diogène đã đuổi khéo nhà vua vì sợ bị sa vào tròng danh lợi mà mất cái niềm vui thảnh thơi trong cuộc đời thanh bần đơn sơ.

Ai trong chúng ta cũng muốn giàu có. Thế nhưng giàu có không hẳn đem lại hạnh phúc thật sự cho chúng ta. Chỉ có những ai có tinh thần nghèo khó, chỉ có những ai không coi tiền của như cứu cánh của cuộc đời, những người đó mới thực sự có hạnh phúc.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 14.12

14 Tháng Mười Hai
Cánh Tay Của Người Ganh Tị Và Tham Lam

Câu chuyện có tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Ðộ. Trong triều đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tị, một người thì tham lam.

Ðể chữa trị những tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua thông báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời gian qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Cả hai viên sĩ quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi... Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được chặt đứt một cánh tay...". Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.

Lắm khi chúng ta không hài lòng về cái mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người khác gặp nhiều may mắn hơn chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta không được hạnh phúc, mà bất mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 13.12

13 Tháng Mười Hai
Danh Hiệu Của Ánh Sáng

Không những ở Việt Nam, nhưng trên toàn thế giới, nhiều thánh nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia, như nữ tu Lucia, một trong ba trẻ đã được thấy Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima.

Những người thiếu nữ mang tên Lucia này không khỏi thất vọng khi tìm hiểu về đời sống và sự nghiệp của thánh nhân. Vì những sách cũ đã viết tiểu sử của các thánh nhân đã ghi lại nhiều câu chuyện về thánh Lucia, để rồi các tác giả viết về đời sống của các thánh nhân thời đại chúng ta lại phê bình những câu chuyện ấy không có tính cách lịch sử. Chúng ta chỉ có thể tóm lại những chứng tích lịch sử để viết về cuộc đời, nhất là cái chết vì niềm tin của thánh Lucia như sau:

Một chàng thanh niên không Công Giáo thất vọng vì không được Lucia đáp trả lại tình yêu của mình đã tố cáo với nhà cầm quyền: Lucia là người Công Giáo. Và nàng đã bị xử tử vào năm 304 tại thành Syracuse vùng Sicilia, mạn Nam nước Italia. Di tích lịch sử thứ hai là tên Lucia được ghi trong danh sách những thánh tử đạo trong lời nguyện thánh lễ Roma, nay là lời nguyện Thánh Thể thứ nhất trong phụng vụ mới.

Những di tích bên lề cũng nên nói đến là nhiều địa danh, nhiều làng mạc, thành phố bên Âu Châu mang tên nàng, cũng như có những bằng chứng lịch sử về sự tôn kính nàng từ trước thế kỷ thứ 5.

Chữ "Lucia" có nghĩa là ánh sáng. Và gương can đảm chết vì lòng tin của nàng vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tâm hồn những người đang bị thử thách và đau khổ vì lòng tin, cũng như làm rạng rỡ những khuôn mặt của những thiếu nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia.

Muốn hiểu sự can đảm của thánh Lucia Giáo Hội mừng kính hôm nay với tước hiệu đồng trinh, tử đạo, chúng ta có thể tưởng tượng một thiếu nữ Công Giáo sống giữa những người không Công Giáo vào thời kỳ tôn giáo này bị bách hại. Ðể sống trọn niềm tin Công Giáo, nàng cũng gặp nhiều khó khăn như đại đa số những tín hữu Kitô trong thời đại chúng ta phải sống chung với những người vô thần, không tin tưởng.

Lạ lùng hơn là niềm tin của Lucia. Nàng tin vào một người sáng lập tôn giáo với thân thế và sự nghiệp không mấy được rõ ràng ở một nước thuộc địa xa xôi với thủ đô Jerusalem bị quân đội Roma phá hủy cách đó 200 năm. Trước khi truyền đạo, ông này làm nghề thợ mộc và sau một thời giảng đạo ngắn ngủi, ông bị quân lính Roma đóng đinh vào thập tự, một hình phạt dành cho dân thuộc địa phạm những trọng tội sát nhân hay nổi loạn. Nay Lucia tin tưởng với tất cả tâm hồn là ông ấy đã Phục Sinh, như một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã chấp nhận những gì ông truyền dạy và đã làm.

Ðể biểu lộ lòng tin của mình, Lucia đã thề hứa giữ sự trinh khiết, không lập gia đình.

Lucia lập lời hứa đó vì nàng biết đến gương anh dũng của những người chết vì đạo trong các hí trường tại Roma hay những nơi khác và nhất là để giữ lòng trung tín với ông Giêsu làng Nagiareth, đã bị chết treo trên thập giá, nhưng đối với niềm tin của nàng là Ðấng Cứu Thế, Con Một Thiên Chúa.


Trích sách Lẽ Sống