Mời xem videoclip>>
CỦA CESAR, TRẢ VỀ CESAR
CỦA THIÊN CHÚA, TRẢ VỀ THIÊN CHÚA
Lm. Phaolô Đoàn Thanh Phong
Thưa Anh Chị Em,
Nếu có dịp đến viện bảo tàng Manchester bên nước Anh, và khi đến ghé thăm khu trưng bày các loại đồng tiền cổ từ thời đế quốc Rôma, ai cũng có thể nhìn thấy đồng tiền Denarius bằng bạc, trên có đúc niên biểu và hình của hoàng đế Roma. Đây là đồng tiền được lưu hành trong nước Do Thái thời Chúa Giêsu. Trên đồng tiền này, có in hình Ce’sar Tiberius, đầu đội vòng hoa như một vị thần, cùng với dòng chữ: "Ce’sar Tiberio, con của thần Augusto" (cf. Tassin). Cầm đồng tiền ấy trên tay, người ta có thể liên tưởng đến câu chuyện người đàn bà với đồng tiền bị mất; đến dụ ngôn ông chủ vườn nho đã trả lương cho những người thợ làm vườn. Nhất là, người ta có thể liên tưởng đến đồng tiền Chúa Giêsu đã dùng để trả lời cho cả 2 nhóm Pharisêu và Herodes trong TM hôm nay.
Thực ra, đây là 2 nhóm người khác nhau về nguyên tắc, về quan điểm sống. Nếu như những người thuộc nhóm Herodes chấp nhận nộp thuế cho hoàng đế, như là phương cách bảo vệ chỗ đứng của mình trong bộ máy cai trị, thì trái lại, nhóm Pharisêu chỉ chấp nhận nộp thuế cách miễn cưỡng. Bởi, họ không đón nhận thái độ của các Ce’sar Rôma luôn tự coi mình là thần minh, cho nên đối với họ, việc nộp thuế cho đế quốc được xem như một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Vì thế, không chỉ phải nộp thuế, mà ngay cả việc mang trong mình đồng tiền của kẻ ngoại bang đã là một hành vi bội giáo. Nhưng vì cùng mâu thuẫn, xung đột tư tưởng với Chúa Giêsu, nên họ sẵn sàng xóa bỏ nguyên tắc, quan điểm riêng, chấp nhận liên minh lại với nhau để gài bẫy Chúa Giêsu bằng câu hỏi: "Có được phép nộp thuế cho hoàng đế Ce’sar không?”. Đây là một vấn đề mới nghe qua thật bình thường, nhưng sự thực lại không hề đơn giản. Thật vậy, nếu Chúa Giêsu trả lời rằng nên nộp thuế, thì chính Ngài đã nhìn nhận Ce’sar là Chúa của mình,Ngài sẽ trở thành một kẻ bội giáo, mất tín nhiệm với số đông quần chúng. Còn nếu Ngài trả lời rằng không nộp thuế, thì Ngài sẽ bị tố cáo là kẻ chống lại hoàng đế, chống lại chính quyền Rôma. Thật “tiến thoái lưỡng nan”, trả lời thế nào cũng khó. Thế nhưng, thật bất ngờ Ngài lại dùng đồng tiền hai mặt của Rôma để trả lời: "Của Ce’sar, trả về Ce’sar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (Mc 12,17). Trả lời như thế, không những Chúa Giêsu thoát được cái bẫy thâm độc của những người đạo đức giả, mà còn khẳng định chỗ đứng của Thiên Chúa trong đời sống, trong vũ trụ: "Phải trả cho Ce’sar đồng tiền mang hình ảnh và tên của Ce’sar thế nào, thì cũng phải trả lại cho Thiên Chúa những gì mang dáng hình của Thiên Chúa”. Trả lời như vậy là Chúa Giêsu muốn dạy họ rằng mỗi người luôn có hai bổn phận phải thực hiện giữa đời và trong đạo. Vì có đạo nào lại không ở trong đời và có đời nào lại không là của đạo. Một người Kitô hữu trong đạo cũng là công dân của một đất nước, cho nên cần phải chu toàn cả hai bổn phận thì mới đúng là người Kitô hữu đích thực, là công dân trong đất nước và cũng là công dân trong Nước Trời mai sau.
+ Sống giữa đời phải hiểu rằng: Quốc gia thì có luật pháp; Gia đình thì có gia pháp; Cộng đoàn thì có luật riêng của cộng đoàn. Vì thế, ai ai cũng phải có trách nhiệm chu toàn bổn phận với đời, với xã hội. Cụ thể, gia đình Nagiarét, dù Mẹ Maria sắp đến ngày sinh con, nhưng họ vẫn tùng phục luật xã hội, phải rời miền Bắc trở về miền Nam. khi được lệnh trở về quê để khai báo hộ khẩu.
+ Sống trong đạo thì phải chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu luôn ưu tiên cho công việc của Chúa Cha. Nên khi hành hương ở hội đường, Ngài đã ở lại để giảng dạy giáo lý, qua đó, Ngài muốn khẳng định rằng: lo việc của Thiên Chúa thì hơn lo việc trần thế (x.Lc 2,46). Không chỉ Ngài đề cao việc của Cha Ngài, mà những người theo Ngài, Ngài cũng đòi hỏi rất gắt gao: "Kẻ nào đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ, con cái, anh chị em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể làm môn đệ của Ta" (Lc 14,26-27). Và cũng vì thế, mà Thánh Phaolô xác định: "Nếu tôi luôn luôn làm hài lòng mọi người, thì tôi không còn là môn đệ của Chúa Giêsu" (Gl 1,10). Nghĩa là, Ngài phải làm hài lòng Thiên Chúa trước, thì Ngài mới có khả năng làm hài lòng mọi người. Rõ ràng, với câu trả lời của Chúa Giêsu "Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (Mc 12,17), thì hai bổn phận đối với đời và đối với đạo, với Thiên Chúa, luôn cần phải đi song hành với nhau, không có sự loại trừ. Bởi vì, Đạo Công Giáo không phải là Đạo Duy Tâm mà là Đạo có : Có Chúa Kitô, có linh hồn và thể xác, có nhân tính và thần tính, có đời này và có đời sau.
Thưa Anh Chị Em,
Một trong những khuynh hướng tiêu cực nơi những người có tôn giáo đó là khuynh hướng phân chia đời sống thành nhiều phạm vi tách rời nhau: phạm vi ở phố chợ khác với ở gia đình, và lại càng khác với phạm vi trong khuôn viên nhà thờ, giáo xứ. Sự tách biệt ấy dễ làm nên những bộ mặt tương phản nơi người tín hữu: Ở nhà thờ là dung mạo rất đạo đức hiền lành và đơn sơ, nhưng bên ngoài pham vi nhà thờ, thì lại là một bộ mặt khác xấu xí hơn như người ta thường nói vui với nhau: Ơ nhà thờ thì hứa với Chúa thật nhiều và ra khỏi nhà thờ thì thất hứa với Chúa cũng thật nhiều. Vì vậy, cần phải hiểu rằng Thiên Chúa hiện diện - không chỉ ở trong một góc nào đó của nhà thờ khi cử hành phụng Vụ hay trong những buổi cầu nguyện sốt sắng. Chúng ta có thể gặp thấy Ngài ở mọi nơi, cả trong các sinh hoạt đời thường. Vì Thiên Chúa là Đấng Emmanuel – một Thiên Chúa ở với con người, nhưng quan trọng hơn, con người là nơi hình ảnh của Thiên Chúa được thể hiện tròn đầy nhất. Được tạo thành theo dáng hình Thiên Chúa, con người chỉ thực sự lớn lên trong ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Chúa khi thể hiện đúng vai trò bổn phận của mình trong thế giới hôm nay và trong lòng Hội Thánh. Vì vậy, lắng nghe lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta ý thức bổn phận của mình trong xã hội cũng như trong Giáo hội để có thể thống nhất trong phương cách thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa. Có như thế, chúng ta mới thực sự làm đúng như lời Chúa Giêsu mời gọi: “Của Cesar, trả về Cesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Amen.
(Biên soạn ngày 12/10/2011)
(thanhlinh.net)