Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM THÌN 2012


Chân Thành Kính Chúc
Quý Đức Cha - Quý Cha - Quý Tu Sĩ Nam Nữ
Quý Cụ Ông Bà
và Toàn Thể Dân Chúa Giáo Xứ Thuận Phát
cùng Quý Độc Giả khắp nơi

NĂM MỚI NHÂM THÌN 2012
PHÚC-LỘC-THỌ-KHANG-NINH
TRÀN ĐẦY HỒNG ÂN THIÊN CHÚA

Linh Mục Chánh Xứ
và Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM B - LỄ TẤT NIÊN TÂN MÃO


Audio Thánh Lễ Chúa Nhật III thường niên năm B - Lễ Tất Niên Tân Mão.
Cha Giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán Dâng Lễ
Hội Huynh Đoàn Thánh Thể Dâng Lễ Vật.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.





Hữu Toàn.

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II thường niên năm B.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
 

TÀPAO ĐẦU NĂM 2012

Hành Hương Về Bên Mẹ Tàpao Ngày Đầu Năm 2012
 


 Đến Tàpao bước hành hương rộn rã
Về bên Mẹ Tin – Cậy – Mến đậm đà.

Hôm nay, ngày 13.01, ngày 13 hành hương đầu tiên trong năm mới 2012, đông đảo khách hành hương nao nức tìm về bên Mẹ Tàpao trong tâm tình tạ ơn một năm đã qua và dâng năm mới cho Mẹ để xin Mẹ tiếp tục bảo trợ cầu bầu cùng Chúa ban bình an cho thế giới, gia đình và chính bản thân.


Hôm nay cũng là ngày toàn thể Linh mục Giáo phận Phan Thiết về đây dâng Thánh lễ Tạ ơn kết thúc tuần tĩnh tâm năm 2012 (từ 09/01 – 13/01). Trong Thánh lễ đồng tế cùng với sự hiện diện tôn quý của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết, Đức Cha Nicôla và Đức Cha Phaolô, còn có Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Phó GP Quy Nhơn, Vị giảng phòng của Tuần tĩnh tâm linh mục.





(gpphanthiet.com)

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN B (Ga 1, 35-42)



TÔI ĐÃ GẶP

Sưu tầm
Là người đạo gốc, chúng ta vốn thường xuyên đọc kinh, dự lễ, nhưng rồi một ngày nào đó chúng ta băn khoăn tự hỏi: Liệu chúng ta đã thực sự gặp gỡ Chúa hay chưa? Vậy thế nào là gặp gỡ Chúa? Kinh Thánh đã kể lại biết bao nhiêu sự gặp gỡ. 

Trong Cựu ước, qua bài đọc một, chúng ta thấy Samuel đã gặp gỡ Chúa ngay từ buổi thiếu thời và đã bước theo tiếng gọi của Ngài trong suốt cuộc đời. 

Trong Tân ước, trước tiên là các môn đệ. Các ông đã đi theo Chúa, nhất là khi đã cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, các ông đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng mặc bao gian truân nguy hiểm trên con đường thực hiện sứ vụ.

Tiếp đến là những người phụ nữ. Chẳng hạn như người đàn bà ngoại tình đã được Chúa che chở bình an trước những kẻ cực đoan định ném đá chị. Hay như Madalena, ngay từ buổi gặp gỡ Chúa đã đoạn tuyệt với cuộc đời tội lỗi để sống xứng đáng với ơn tha thứ chị đã nhận lãnh.

Đặc biệt nhất là thánh Phaolô. Kể từ khi bị ngã ngựa trên đường đi Đamas, ông đã bừng tỉnh. Từ một kẻ say sưa bắt bớ các tín hũu, ông đã trở thành một tông đồ nhiệt thành và xác tín: Đức Kitô sống trong tôi… và không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Ông đã cảm nhận mình là chi thể của Đức Kitô, là đền thờ của Thiên Chúa, và trong suốt cuộc đời còn lại ông đã trung thành với ơn gọi của mình, là đem Tin Mừng đến cho dân ngoại.

Trong lịch sử Giáo Hội, sự gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời đã được thể hiện qua hình ảnh của thánh Augustinô, thánh Ignatiô và nhiều vị thánh khác. Từ một cuộc sống sa ngã trác táng, họ đã trở nên những con người thánh thiện, nhiệt thành với sự nghiệp Nước Chúa. 

Một câu nói của Chúa: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích lợi chi, đã làm chuyển hướng cả cuộc đời của Phanxicô. Một câu trong Phúc âm: Hãy bán tất cả, làm phúc cho kẻ nghèo rồi đến mà theo Ta, đã thay đổi hẳn con người của Antôn.

Và gần đây, Mẹ Têrêxa thành Calcutta, mẹ đã gặp Chúa nơi những người nghèo khổ mà mẹ đã đem cả cuộc đời mình để phục vụ. Cha Lelotte trong cuốn “Những người trở lại trong thế kỷ 20” ghi lại hơn ba mươi khuôn mặt từ giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân và cả những người ngoài Kitô giáo, cha trình bày kinh nghiệm gặp gỡ Chúa một cách độc đáo, riêng biệt của từng người. Và từ ngày ấy cuộc đời của họ đã biến đổi một cách sâu sắc. Nhưng dẫu bởi cách thức nào đi chăng nữa, thì qua lần gặp gỡ đầu tiên ấy, tất cả đều cảm nhận được Chúa một cách rất cụ thể, Ngài thực sự hiện diện mà họ có thể nhìn thấy, có thể trao đổi. Đồng thời cũng họ cảm nhận được tình thương cao cả của Ngài đối với con người qua hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng đã xuống thế, chia sẻ thân phận của con người, chịu mọi khổ nhục và cuối cùng chịu chết trên thập giá để làm chứng cho tình yêu. 

Qua sự gặp gỡ yêu thương ấy, con người chỉ có một cách đáp trả duy nhất là thực hiện lời dạy của Ngài: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.

Đó là một ơn huệ lớn lao và cũng là một đòi hỏi triệt để của Chúa đối với con người. Dấu chứng của sự gặp gỡ Chúa là một cuộc sống biến đổi tích cực được thể hiện qua sự an bình và tình yêu thương. Và như thế, chúng ta đã thực sự gặp Chúa hay chưa?

(tinmung.net)

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật Chúa Hiển Linh. 
Cha Phêrô Phạm Văn Thuyết, Chánh xứ Giáo xứ An Hiệp (Bến Tre),
Giáo Hạt Bến Tre, Giáo Phận Vĩnh Long, dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.




Hữu Toàn

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH (Mt 2, 1-12)

 

CHÚA TỎ MÌNH RA
CHO NHỮNG TÂM HỒN THIỆN CHÍ


ĐTGM Ngô quang Kiệt 

Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra những chi tiết tương phản lạ thường.

Tương phản giữa Giêrusalem và Bêlem: Giêrusalem, thủ đô hoa lệ, trung tâm văn hoá chính trị của nước Do thái, nhưng đã khước từ, không đón tiếp Đấng Cứu thế. Trong khi đó, Bêlem, một thị trấn bé nhỏ, nghèo nàn lại là nơi đón tiếp Đấng Cứu thế hạ sinh.

Tương phản giữa những người có đạo và những người ngoại đạo: Các bậc chức sắc thông thạo Kinh thánh, nhưng chỉ ngồi im tại kinh thành, không chịu lên đường, nên không gặp được Đấng Cứu thế. Trái lại, ba nhà đạo sĩ mà ta quen gọi là Ba Vua, là những người ngoại đạo, không am tường Kinh thánh, nhưng đã biết tìm tòi học hỏi, dấn thân lên đường, nên đã gặp được Chúa.

Tương phản giữa Vua giả và Vua thật: Hêrôđê được gọi là Vua, nhưng lại cứ nơm nớp lo âu, sợ mất ngai vàng, nên tìm cách tiêu diệt người khác. Trong khi đó, Đức Giêsu Kitô, Vua Trời lại thản nhiên bình an trong cảnh khó nghèo, mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người xa gần.
 
Tất cả những tương phản ấy đáng cho ta suy nghĩ. Đấng Cứu thế không đến theo cơ chế, nhưng rất bất ngờ. Người không đến trong những cung điện sang trọng nhưng đến trong một chuồng bò tăm tối, hôi tanh. Người không đến trong quyền lực nhưng trong sự yếu đuối, khiêm nhường.

Tất cả những tương phản ấy khiến ta phải lo sợ. Không phải cứ có đạo là gặp đựơc Chúa. Không phải cứ giỏi giáo lý là biết Chúa. Muốn gặp được Chúa phải có thiện chí đi tìm. Muốn biết Chúa, phải dấn thân lên đường.

Ba Vua là những người ngoại đạo đến từ rất xa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho ta trong việc đi tìm và hiểu biết Chúa. Các Ngài là những tâm hồn thiện chí.

Là những tâm hồn thiện chí, luôn luôn khao khát điều lành, nên các Ngài luôn để tâm tìm kiếm. Đêm đêm ngước mắt lên trời cố dò tìm dấu vết thần linh. Chắc chắn không phải chỉ trong phút chốc mà các Ngài phát giác ra ngôi sao lạ, nhưng phải trải qua nhiều năm tháng kiên trì chiêm ngắm bầu trời, cặn kẽ theo dõi đường chuyển dịch của các vì tinh tú, các Ngài mới có thể nhận biết ngôi sao lạ khi nó xuất hiện.

Việc đi theo ngôi sao lạ cũng không giản đơn. Trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện trên đường đi. Thiện chí của các Ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các Ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các Ngài, nên đã cho các Ngài được gặp Chúa.

Đời sống chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa. Trong cuộc đi tìm, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách. 

Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường. Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ, loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật. 

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện có thật. Một buổi chiều, một người lái xe con đi trên con đường miền núi vắng vẻ. ở một khúc quanh, người ấy phát hiện một gia đình bị hỏng xe. Đường vắng, trời tối, họ lo âu sợ hãi vì đó là đoạn đường thường xảy ra cướp bóc. Biết sửa chữa xe, nên người ấy đỗ xe, xuống giúp sửa chữa. Xe hỏng nặng. Người ấy phải chui vào gầm xe, tháo ra từng bộ phận. Tối mịt xe mới nổ máy. Cả gia đình mừng rỡ, muốn trả công cho người ấy. Nhưng người ấy không lấy công. Cả gia đình cám ơn rối rít và xin địa chỉ hẹn ngày lên thăm. Khi lên thăm, gia đình mới biết đó là một vị giám mục. Gia đình đem lòng cảm phục và xin theo đạo cả nhà. Vị Giám mục ấy chính là một Đức Cha ở cao nguyên Trung phần vào những năm 60.

Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin cầu chúc tất cả anh chị em có một đời sống đạo trong sáng như ngôi sao sáng để đưa dẫn nhiều tâm hồn về với Chúa. 
 
CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ 

1. Ba Vua thiện chí ở những điểm nào? 
2. Bạn có gặp thử thách trong đời sống đạo không? Khi gặp thử thách, bạn đã ứng xử thế nào?
3. Theo bạn, cách nào hữu hiệu nhất để làm chứng cho Chúa: giảng giáo lý, tranh luận, sống bác ái?
4- Tuần này, bạn quyết tâm làm gì để thực hành Lời Chúa?

(tinmung.net)

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

TIẾN TRÌNH PHONG THÁNH CHO ĐỨC CỐ HỒNG Y Fx.NGUYỄN VĂN THUẬN

Thông báo về Tiến trình Phong Á Thánh và Hiển Thánh cho
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Kính gửi : Các linh mục, tu sĩ nam nữ, và anh chị em giáo dân trong gia đình giáo phận

1. Ngày 22 tháng 10 năm 2010, tại Rôma, Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình đã chính thức bắt đầu tiến trình xin phong Á thánh và Hiển thánh cho Tôi Tớ Chúa, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Đức Cố Hồng Y Phanxicô đã từng được Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sàigòn từ ngày 24 tháng 4 năm 1975. Ngày mùng 9 tháng 4 năm 1994, ĐGH Gioan-Phaolô II bổ nhiệm ngài vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình, và tiếp theo đó, vào ngày 24 tháng 11 năm 1994, ngài chính thức từ chức Tổng Giám mục Sài Gòn để thi hành nhiệm vụ tại Giáo triều Rôma. Vì thế, sự kiện lập án phong thánh cho ngài là niềm vinh dự lớn lao cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói chung và cho Tổng giáo phận Sài Gòn nói riêng.

2. Theo quy định của Giáo Hội, để được tuyên phong Á Thánh và Hiển Thánh, vị Tôi Tớ Chúa phải được Giáo Hội nhìn nhận là người có danh thơm tiếng tốt về sự thánh thiện và những nhân đức anh hùng. Vì thế, Giáo Hội muốn lắng nghe, tìm hiểu và nghiên cứu những chứng từ chính thức của các chứng nhân, là những người đã biết Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê và có thể cung cấp chứng từ cụ thể sống động về những nhân đức của ngài.

3. Trong thời gian qua, Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình đã cử phái đoàn đến nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Úc châu, để gặp gỡ và lắng nghe các chứng nhân. Nay chúng tôi được thông báo là phái đoàn sẽ đến Việt Nam từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 2012. Phái đoàn sẽ ở Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24 đến 27 tháng 3 năm 2012, để gặp gỡ và lắng nghe những chứng nhân trong Tổng giáo phận nhà.

4. Vậy tôi viết thư này để xin tất cả mọi người trong gia đình giáo phận, sốt sắng cầu nguyện cho tiến trình tuyên phong á thánh và hiển thánh cho Đức Cố Hồng Y thân yêu của chúng ta sớm được hoàn thành. Ngoài ra, các linh mục, tu sĩ nam nữ, cũng như anh chị em giáo dân nào đã từng biết Đức Cố Hồng Y, và muốn làm chứng trước phái đoàn của Hội Đồng Tòa Thánh về sự thánh thiện và nhân đức của ngài, xin vui lòng viết thành văn bản và gửi về địa chỉ sau (hạn chót là ngày 1 tháng 3 năm 2012):
 
Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
Đại chủng viện Thánh Giuse
6 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM.
Email : petrustung@gmail.com

Theo lời kêu gọi của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi lời cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
là Cha và Con và Thánh Thần,
chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh
mẫu gương và chứng tá anh dũng
của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Ngài đã liên kết những đau khổ phải chịu trong cảnh ngục tù
với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Và dưới sự che chở đầy tình mẫu tử của Rất Thánh Trinh Nữ Maria,
những kinh nghiệm khổ đau ấy đã rèn luyện ngài
nên một chứng nhân sáng ngời cho Hội Thánh và toàn thế giới,
về sự hiệp nhất và tha thứ,
cũng như về công lý và hòa bình.
Con người hiền hòa và giàu tình thương
cùng với sứ vụ giám mục của ngài,
đã tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng của đức tin,
nhiệt tâm của đức cậy,
và sự nồng nàn của đức ái.
Giờ đây, nhờ lời chuyển cầu của ngài và theo thánh ý Chúa,
xin Chúa ban cho con được ơn lành con đang cầu khẩn,
với niềm hi vọng thấy ngài
sớm được vinh hiển trên bàn thờ. AMEN.

Lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, 1.1.2012
Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Hồng y Tổng Giám Mục

Ghi chú :
  • Tất cả những ân huệ hay phép lạ nhận được qua lời cầu xin với Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, xin vui lòng gửi về cho linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng (theo địa chỉ trên).
  •  Để tìm hiểu thêm về đời sống của Đức Cố Hồng Y, xin mời đọc bài “Cuộc đời và sự nghiệp vị Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận” trên trang tin điện tử của Tổng giáo phận. Mời vào đây>>
 (WGPSG)

ĐÓN NĂM MỚI 2012 BÊN MẸ TÀPAO

Đón Năm Mới 2012 Bên Mẹ Tàpao



Trong thời khắc cuối cùng của năm 2011, khoảng 12 ngàn khách hành hương từ khắp nơi đã quy tụ về Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Tàpao để tham dự giờ canh thức để tiễn năm cũ, đón Năm Mới 2012 và hân hoan tham dự Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa vào lúc 0g00 ngày 01.01.2012 do Đức Cha An tôn Vũ Huy Chương, Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt chủ sự.



Xem hình ảnh Thánh Lễ 


 (gpphanthiet.com)

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT LỄ THÁNH MARIA MẸ THIÊN CHÚA NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật Cuối Tuần Bát Nhật Giáng Sinh. Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng )
Ca đoàn Giới trẻ giáo xứ Thuận Phát hát Lễ.



Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA (Lc 2, 16-21)


Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát vừa được tin :
 

Bà Cố MARIA PHẠM THỊ LĨNH
Sinh năm 1930 tại Thái Bình

Thân mẫu Cha Giuse Đỗ Văn Thuỵ
Giám Đốc Tu Hội Thừa Sai Việt Nam

đã an nghỉ trong Chúa lúc 20 giờ 00,
ngày Thứ Hai 26.12.2011,
tại tư gia : ấp Bảo Thị, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.
hưởng thọ 81 tuổi.

Nghi thức phát tang - tẩn liệm - nhập quan
lúc 10 giờ 30 ngày Thứ Ba 27.12.2011. 

Thánh Lễ An Táng 
lúc 09 giờ 00 ngày Thứ Sáu 30.12.2011 
tại Nhà thờ Giáo xứ Bảo Thị, Giáo hạt Xuân Lộc, Giáo phận Xuân Lộc.

Sau đó mai táng tại nghĩa trang Giáo xứ Bảo Thị.

Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Bà Cố MARIA sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát kính báo :
 

Bà Cố ANÊ TRẦN THỊ DUYÊN
Sinh năm 1923

Thân mẫu Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Nhứt, OP
(Nghĩa tử Cha cố Antôn)

đã an nghỉ trong Chúa lúc 14 giờ 15,
ngày Thứ Năm 22.12.2011,
tại tư gia : 233/24 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 15, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
hưởng thọ 88 tuổi.

Thánh Lễ An Táng đã được cử hành lúc 09giờ 00, 
ngày Thứ Bảy ngày 24 tháng 12 năm 2011
tại Thánh đường Giáo xứ Hàng Sanh, 

Giáo hạt Gia Định, Giáo phận Saigon.

Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Bà Cố ANÊ sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo

PHÂN ƯU

PHÂN ƯU

Giáo Xứ THUẬN PHÁT TGP. SAIGON nhận được tin :


Bà MARIA PHẠM THỊ NHẠN
 Sinh năm 1952 tại Ninh Bình

là chị ông Giuse Phạm Văn Nhất
Phó Trưởng Giáo Họ Thánh Phêrô
Giáo xứ Thuận Phát

đã an nghỉ trong Chúa lúc 16g00 ngày 27.12.2011
tại tư gia 226/11 Nguyễn Biểu, Phường 2, Quận 5, TPHCM.
Hưởng thọ 60 tuổi.

Nghi thức tẩn liệm nhập quan lúc 21g00 ngày 27.12.2011 

Thánh Lễ Cầu Hồn tại gia lúc 19g00 ngày 29.12.2011

Thánh lễ An Táng lúc 06g00 ngày 30.12.2011 

tại thánh đường Giáo xứ Chợ Quán, 
Giáo hạt Saigon Chợ Quán, TGP. Saigon 
và hoả táng tại Bình Hưng Hoà, Bình Tân, TPHCM.

Xin được chia sẻ nỗi niềm bùi ngùi, thương nhớ Bà MARIA cùng
ông Giuse Phạm Văn Nhất và tang quyến. Nguyện xin Chúa sớm đón nhận linh hồn MARIA về hưởng Nhan Thánh Chúa.

Lm. Gioakim Lê Hậu Hán, Chánh xứ
và Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
TGP. Saigon

CÁC THÁNH ANH HÀI


CÁC THÁNH ANH HÀI 28.12

Nhân ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài, thuanphat's blog trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết "VĂN HOÁ CAIN" của Cha Giuse Trần Việt Hùng nói về nạn phá thai đang tràn ngập khắp thế giới hôm nay và đang từng ngày từng ngày trắng trợn tiêu diệt con người trên mặt đất này.

Sự kiện tàn nhẫn, ác độc, mất nhân tính đáng lên án và nguyền rủa là thế nhưng rất tiếc lại đang được rất nhiều nguời tự hào là trí thức, là nhân đạo, tự hào là phong trào này, là tổ chức xã hội nọ... ủng hộ và cổ võ xem như chuyện thường ngày ở đời. 

Xin cảm ơn cha Giuse Trần Việt Hùng. Hy vọng nhờ ơn Chúa sẽ có nhiều người thức tỉnh sau khi đọc bài của cha. Thuanphat's blog ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài 28.12.2011.


VĂN HOÁ CAIN

Trong xã hội có hai phong trào với khuynh hướng đối nghịch là Phò Sự Sống (Pro-life) và Phò Chọn Lựa (Pro-choice). Dùng từ ngữ “phò chọn lựa” cho nhẹ nhàng dễ nghe và dễ thuyết phục nhưng đúng nghĩa ẩn dấu là phò phá thai. Phong trào Phò Chọn Lựa được bảo lãnh và ủng hộ bởi nhiều tổ chức xã hội. Nó cũng trở thành đề tài sôi bỏng trong các buổi thuyết trình tranh cử của các ứng viên thuộc các đảng phái chính trị. Mạng sống của các thai nhi trong bụng mẹ đang bị các đảng phái chính trị tranh giành và tìm chỗ dựa để tiến thân. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác can thiệp vào số mệnh của các thai nhi như vấn đề kinh tế, thương mại, dược phẩm, thực phẩm và dân số. 

Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã mở cửa cho các dịch vụ phá thai. Những phong trào ủng hộ Phò Phá Thai hay Phò Chọn Lựa (Pro-choice) lý luận rằng: Phá thai là để bảo vệ quyền của người phụ nữ. Phá thai là để ngăn ngừa bệnh di truyền. Phá thai vì trẻ thơ dị tật. Phá thai là để bảo vệ quyền sống của người mẹ. Phá thai vì bị lỡ lầm. Phá thai vì bị hiếp đáp ngoài ý muốn. Phá thai để giảm bớt khó khăn kinh tế. Phá thai trở thành một dịch vụ kiếm tiền cho các Bệnh Xá. Phá thai để giải quyết vấn đề nhân mãn. Phá thai để tìm chọn đứa con ưa thích. Phá thai là để chọn lựa phái tính. Phá thai để cha mẹ tự do sống hưởng thụ. Phá thai vì người cha hèn nhát không nhận trách nhiệm. Phá thai là để giới hạn con số mà nhà nước chủ trương. Có muôn vàn cách biện minh cho hành động giết trẻ thơ một cách hợp pháp. Nhiều cha mẹ coi các thai nhi như là gánh nặng cuộc đời. Họ muốn trút bỏ nó đi cho rảnh nợ. Phá thai thật sự là giết người đó. Đây là tội ác của nhân loại.

Phá thai là một tội ác thật nghiêm trọng (Thông điệp Tin Mừng Về Sự Sống của ĐGH JP II. Số 61). Phá thai là gì? Phá thai là giết chính con thơ của mình. Bóng tối đang bao trùm vạn vật qua sự ghen tương nghi kỵ: Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết (Kn. 2:24). Con người nại vào nhiều lý do để giết chết con thơ một cách tàn nhẫn. Có khi thai nhi bị giết vì họ muốn giữ danh giá của gia đình dòng tộc. Có khi phá thai vì cha mẹ đang phải theo đuổi danh vọng và sự nghiệp. Có khi giết con vì con cản trở bước đường học vấn hay tiến thân. Nhiều người coi thai nhi chưa là con người và không có quyền được đối xử như một con người. Họ đã đang rao truyền văn hóa sự chết. Văn hóa của sự tiêu diệt. Văn Hóa Cain là văn hóa sự chết. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. (St 9, 6). 

Câu truyện phá thai là giết người. Một thiếu phụ tay ẵm một thiếu nhi bước vào phòng mạch bác sĩ gia đình. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ vui lòng giải quyết khó khăn nầy: đứa nhỏ đây mới chưa đầy một tuổi, và tôi lại mang thai nữa rồi. Chắc bác sĩ cũng biết là tôi không muốn có con liên tục như vậy. Tôi không đủ sức chịu đựng được. Thế thì bà muốn tôi giúp gì đây? Bất cứ điều gì có thể cất được các của nợ này. Sau một hồi suy nghĩ, bác sĩ trả lời: Tôi có một cách giải quyết tốt hơn để giúp bà. Nếu bà không có hai đứa con sinh gần nhau như vậy, tốt nhất là giết đứa con bà đang ẵm trong tay, vì đối với tôi, giết đứa trong bụng bà hay giết đứa trong tay bà thì cũng như nhau. Vả lại, nếu giết đứa trong bụng thì lại còn nguy hiểm cho bà nữa. Vừa nói xong, vị bác sĩ vươn tay lấy con dao nhỏ và bảo người thiếu phụ đặt đứa nhỏ lên đùi bà, đưa đầu em nhỏ ra phía ông ta. Lúc đó người thiếu phụ tái xanh mặt và thét lên: Đồ sát nhân. Chỉ vài lời nói, vị bác sĩ đã thuyết phục được người thiếu phụ trẻ hiểu ra rằng việc ông ta đề nghị giết đứa con một tuổi của bà thì cũng chẳng tệ hại hơn lời thỉnh cầu giết đứa bé chưa sinh trong bụng bà. Đàng nào cũng là giết người. Chỉ có một điều khác biệt là tuổi của hai đứa trẻ hơn kém mà thôi.

Bào thai chính là con người. Hãy quan sát thai nhi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trưởng thành và người già chỉ khác nhau về thời gian phát triển. Thai nhi là con người nhỏ bé cô thân, cô thế nhất và không có khả năng tự vệ. Người thân cận gần gũi nhất là mẹ và cha. Mẹ cha lại không thương yêu bảo vệ nhưng đồng lõa với các bác sĩ và ý tá để tẩy trừ, làm hại và giết chết. Muốn giết chết một thai nhi, người ta phải dùng bạo hình. Những hình thức giết thai nhi còn ghê rợn hơn tất cả những hình thức mà con người đã dùng để tra trấn và phanh thây kẻ thù. Không còn thiếu hình thức nào bạo tàn hơn mà con người không dùng. Họ dùng kẹp bóp cho nát sọ, dùng máy hút làm tan nát tấm thân bé bỏng, cắt chân tay khi trẻ thơ còn đang sống và cắt vặn cổ cho chết. Có khi bơm nước muối mặn làm cháy da non và phỏng người rồi ngộp chết. Trẻ sơ sinh trong bụng mẹ đã làm gì hại đến các bác sĩ, ý tá hay cha mẹ mà xử qúa tàn nhẫn đến như vậy. Các trẻ thơ đau đớn, gào thét, giẫy dụa và chết lịm mà không hề được nương tay.

Có nhiều cách giết thai nhi mà các bác sĩ và y tá xử dụng hằng ngày. Nhà thương không còn là nơi để tỏ lòng yêu thương chữa lành nữa. Bệnh xá hay trạm xá cũng không còn là nơi ân xá nữa rồi. Khi thai nhi còn rất nhỏ đang sống yên hàn trong cung lòng mẹ, thì người ta dùng các chất hóa học như thuốc phá thai và nước hóa chất để trục xuất thai nhi khỏi bào thai. Khi thai nhi đã phát triển, người ta đã dùng những dụng cụ kinh hồn để tiêu diệt. Đầy đủ các thứ vũ khí giết người như búa, kìm, kéo, dao, xiên, dùi, móc và kẹp. Cung lòng của người mẹ trở thành pháp trường để hành hình các trẻ thơ vô tội. Thai nhi vô phương tự vệ. Thật tội nghiệp cho kiếp thai nhi bé bỏng. Chẳng ai thèm nghe tiếng kêu gào oan ức của các thơ nhi. Thật xót xa! Con người còn xử ác độc nhiều hơn nữa qua các phương thế diệt trừ các thai nhi non nớt. Họ dùng các phương tiện hợp pháp dưới đây để giết chết:

1.     Máy hút: xé nát bào thai khỏi tử cung và hút ra.
2.     Nông và nạo
3.     Nông và kéo
4.     Bơm nước muối
5.     Bơm chất prostaglandia
6.     Cắt dạ con.

Nông và kéo : Người ta dùng một cái kẹp có răng, thường bào thai trên 18 tuần, vĩ xương đã cứng, người ta phải vặn và cắt. Đầu phải bị đập nát bằng cách đục một lỗ hổng ở sọ và dùng máy hút để hút não bộ ra ngoài cho sọ nảo xẹp lép mới kéo thân xác nát tan của thai nhi ra khỏi cung lòng mẹ được.

Cắt dạ con : Người ta cắt một đường trên bụng của Người mẹ để lôi thai nhi ra. Thường thai nhi sinh ra còn sống, người ta phải giết thai nhi bằng cách vặn cổ, bóp mũi, miệng, hoặc nhận chìm trong nước.

Phá thai là một điều tuyệt đối sai, bởi vì nó xâm phạm quyền căn bản của con người là quyền được sống. Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Về phần các ngươi, hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, hãy lan tràn và nảy nở thật nhiều trên mặt đất."(St 9, 3-7). Xưa hai anh em Cain và Abel con cùng cha mẹ, vì ghen tương mà đã giết nhau: Cain không muốn nghĩ về em mình và từ chối nhận trách nhiệm mà mỗi người phải có đối với người khác (Tmvss. 8).

Bộ Giáo Luật hiện hành quyết định: Người nào thực sự cung cấp việc phá thai tự động chịu vạ tuyệt thông (Số 1396). Trong sách Xuất Hành, nêu ra những khoản luật rất tỉ mỉ để bảo vệ người mẹ cũng như thai nhi. Không ai có quyền làm hư hại hay tổn thương: Nếu đàn ông đánh nhau mà xô phải một người đàn bà có thai, làm sẩy thai.. thì phải bồi thường theo đòi hỏi của người chồng…Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, (Xh 21, 22-23). Những bàn tay vấy máu trẻ thơ vô tội sẽ phải đền trả nợ máu. Chúng ta cũng không thể hiểu được tại sao có nhiều người phò phá thai đến thế. Phò chọn lựa hay phò phá thai là phò sự chết, trong khi chính họ muốn sống và hưởng thụ. Họ đòi quyền được phá thai. Nhà cầm quyền là những người đại diện dân là lo bảo vệ an sinh cuộc sống xã hội cho mọi người. Thế mà, có những nhà Lập Pháp lại ủng hộ quyền được giết chết trẻ thơ trong bụng mẹ. Thật là vô lý và trớ trêu.

Mục tiêu của đời sống văn minh nhân loại là cần nâng cao và bảo vệ sự sống. Trái lại, nhiều người tìm đủ mọi cách thế để hạn chế sự sống. Nhiều người còn hãnh diện và dương oai về chủ trương giết chết biết bao thai nhi. Họ ích kỷ không muốn chia sẻ hoa trái của sự sống. Muốn hưởng thụ trọn vẹn nguồn phú túc mà Thượng Đế đã trao ban. Có biết bao nhiêu nhân tài tiềm ẩn trong các thai nhi bị giết. Trong số các trẻ bị hại có những thiên tài và thánh nhân của thế kỷ. Con người xã hội đang tự tiêu diệt chính tương lai của nhân loại. Phá thai càng ngày càng nhiều vì có luật pháp hỗ trợ, vì chính sách chủ trương của nhà nước và vì đời sống luân lý đạo đức đang xuống dốc trầm trọng. Nhiều người không còn nhận ra sự cao quý của sự sống con người và chối bỏ trách nhiệm của chính mình.

Lạy Chúa, Chúa là nguồn ban sự sống. Chúa tạo dựng con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh đã bị con người lạm dụng cho những sở thích riêng. Xin cho chúng con biết trân quý, tôn trọng, bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống của từng cá nhân. Sự sống khởi sự ngay từ giây phút đầu tiên khi tựu thai trong lòng mẹ và phát triển cho tới lúc trưởng thành. Ai cũng có quyền được sống, được hít thở không khí, được tắm nắng mặt trời và hưởng dùng mọi nguồn phú túc tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt để trong vũ trụ. Xin cho chúng con sống trọn vẹn đời sống trong tình yêu của Chúa. Chúng con biết rằng sự sống hay sự chết đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.

(dunglac.org)