Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

LỄ TẤN PHONG HỒNG Y

 Phóng sự Lễ Tấn Phong 22 vị Hồng Y


Sáng thứ Bẩy 18 tháng 2, Đức Thánh Cha đã cử hành nghi thức đón nhận vào Hồng Y Đoàn 22 tiến chức Hồng Y.

Trong lời nguyện khai mạc, Đức Thánh Cha đã mời gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện như sau:

Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Chúa là Thiên Chúa, Cha của vinh quang, nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, Đấng không ngừng làm phong phú Giáo Hội trên khắp thế giới với một sự dư dật các ân sủng, và với lòng từ ái còn lớn hơn nữa trên Ngai Tòa của Thánh Phêrô Tông Đồ, mà Ngài đã thiết lập vượt trỗi trên tất cả những chức vụ khác: với sự quan phòng của Chúa xin ban cho con là người tôi tớ Chúa đây, có thể thực hiện một cách khôn ngoan chức vụ Ngài ủy thác cho con, trong niềm tin kiên vững rằng Chúa sẽ ban cho Giáo Hội phổ quát của Ngài tất cả những điều Chúa đã hứa.

Trước khi trao mũ đỏ, chiếc nhẫn và tước hiệu liên kết với một nhà thờ trong giáo phận Rôma hoặc giáo phận phụ cận, Đức Thánh Cha đã chia sẻ Tin Mừng Thánh Máccô đoạn 10 từ câu 32 đến câu 45 trong đó hai tông đồ Gioan và Giacôbê đã xin Chúa Giêsu cho ngôi bên trái và bên phải ngai tòa của Ngài trên thiên quốc.

"Từ yêu cầu này, hai vị tông đồ Giacôbê và Gioan đã cho thấy là họ không hiểu được luận lý của cuộc sống mà Chúa Giêsu đã nêu gương, là luận lý phải đặc trưng cho các môn đệ trong tinh thần và hành động. Không chỉ có hai người con ông Dêbêđê sai lầm, vì như vị Thánh Sử kể lại, luận lý sai lầm ấy cũng lan đến "mười" tông đồ là những người "bắt đầu bất bình với Giacôbê và Gioan ". Họ phẫn nộ, bởi vì thực không dễ gì để bước vào luận lý của Tin Mừng, và chối bỏ đi quyền lực và vinh quang. "

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, “Các vị tân Hồng Y được ủy thác sứ vụ yêu thương: tình yêu đối với Thiên Chúa, tình yêu đối với Giáo Hội của Người, một tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện cho anh chị em của mình, thậm chí đến mức đổ máu, nếu cần thiết, như khẩu hiệu được ghi trên mũ của họ và màu sắc trên áo choàng của họ ".

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y. Ngài nhắc nhở các tân hồng y: “Mang phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng, của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Giáo Hội Roma.”

Đức Thánh Cha lần lượt xướng tên 22 Hồng Y, trong đó có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, phần còn lại gồm các Tổng Giám Mục, và Giám Mục cai quản các giáo phận trên thế giới và 3 vị lão thành đã dầy công phục vụ Giáo Hội. Ngài cũng ấn định 13 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế, trong số này có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh. 9 vị còn lại là các Hồng y thuộc đẳng Linh Mục. Các vị là những người đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Tiếp đến, các tiến chức Hồng Y đã tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Hội, theo các quy tắc luật định.

22 vị đã được trao mũ đỏ và nhẫn. Trên mặt nhẫn có hình hai Thánh Phêrô và Phaolô, mô phỏng theo bức tượng của các ngài trước đền thờ. Giữa hai vị Thánh, có một ngôi sao tám cánh, một tham chiếu rõ ràng về Đức Trinh Nữ Maria. Phía dưới mặt nhẫn là huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Trước khi kết thúc buổi lễ, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tuyên bố chuẩn y án phong thánh cho bảy vị thánh theo thỉnh nguyện của Đức Hồng Y Antonio Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh. 


(vietcatholic.net)

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

CÔNG NGHỊ TẤN PHONG HỒNG Y

Phóng sự Công Nghị Tấn Phong Hồng Y 17/2/2012


Lúc 10h sáng thứ Sáu 17 tháng 2, Đức Thánh Cha đã chủ tọa công nghị Hồng Y ngoại thường trong ngày đầu tiên gọi là “ngày suy tư và cầu nguyện của Hồng y đoàn” về đề tài: “Loan báo Tin Mừng ngày nay, giữa việc truyền giáo cho dân ngoại và tái truyền giảng Tin Mừng”.

Cùng tham dự với Đức Thánh Cha tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ở nội thành Vatican, có 111 Hồng Y từ các nơi tựu về và 22 tiến chức Hồng Y, tổng cộng là 133 vị. Ngày Suy Tư và cầu nguyện đã bắt đầu với kinh giờ Ba, tiếp đến là lời chào mừng của Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn.

Với sự bổ sung của 22 tân Hồng Y, tổng cộng sẽ có 125 vị Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng. Các ngài từ 51 quốc gia trên thế giới.

Hơn một nửa số các vị Hồng Y, tức là 67 vị thuộc châu Âu. 22 vị từ Nam Mỹ, 15 vị từ Hoa Kỳ, 11 vị thuộc châu Phi, chín vị từ châu Á và một vị thuộc Châu Đại Dương.

Đất nước có nhiều vị Hồng Y nhất là nước Ý, với 30 vị. Tiếp đến là Hoa Kỳ với 12 vị. Đức và Brazil có sáu vị Hồng Y. Tây Ban Nha có năm vị, trong khi Pháp, Ba Lan, Ấn Độ và Mexico mỗi nước có bốn vị. 50 Hồng Y còn lại là thuộc các quốc gia khác nhau.

Sáu mươi hai trong số các vị Hồng Y đã được tấn phong bởi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II . Sáu mươi ba vị đã được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong bốn Công Nghị Tấn Phong Hồng Y được tổ chức từ năm 2006 đến nay.

Đức Hồng Y tân cử Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, đã thuyết trình dẫn nhập, gợi ý cho sự trao đổi của các Hồng Y. Ngài nhấn mạnh đến sự kiện sứ mạng truyền giáo trở thành điểm trung tâm và nòng cốt trong đời sống của mỗi Giáo Hội địa phương và mỗi tín hữu. Ngoài ra, không hề có sự đối nghịch giữa việc truyền giáo cho dân ngoại và việc tái truyền giảng Tin Mừng. Việc tái truyền giảng Tin Mừng tạo nên những thừa sai nhiệt thành, và những người dấn thân trong công cuộc truyền giáo phải để cho mình liên tục được phúc âm hóa”.

ĐHY Dolan dành phần lớn bài gợi ý để nói về một thách đố rất lớn đối với việc truyền giáo cho dân ngoại cũng như việc tái truyền giảng Tin Mừng, đó là trào lưu tục hóa, một trào lưu đang lan tràn trong mọi khía cạnh của đời sống thường nhật và tạo nên một não trạng trong đó Thiên Chúa vắng bóng, trong toàn thể hoặc một phần của đời sống và tâm thức con người.

Tiếp đến đã có 7 Hồng Y lên tiếng phát biểu và phiên họp thứ I kết thúc với Kinh Truyền Tin.

Ban chiều các Hồng Y đã họp lại với Đức Thánh Cha từ lúc 5 giờ và tiếp tục nghe các Hồng y lên tiếng chia sẻ.


(vietcatholic.net)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN B (Mc 2, 1-12)



ĐỨC TIN TRONG SÁNG

Người bại liệt chịu nhiều thiệt thòi. Không làm được những việc cần làm. Không đến được những nơi muốn đến. Chúa Giêsu làm phép lạ chữa nhiều bệnh. Tin ấy lan tới mọi hang cùng ngõ hẻm thành Ca-phác-na-um. Người bại liệt nghe biết, nhưng ông không làm cách nào đến gặp Chúa Giêsu để xin Người chữa lành. Đó là hình ảnh của những tâm hồn bại liệt. Chúa vẫn rộng rãi ban phát ân huệ của Người, nhưng những tâm hồn bại liệt, dù muốn cũng không thể đến lãnh nhận được.

Có tâm hồn bị bại liệt vì yếu đuối. Tâm hồn yếu đuối bị những đam mê, dục vọng đè bẹp, không sao chỗi dậy được. Đam mê, dục vọng giống như những sợi dây, rất mềm mại nhưng cũng rất chặt chẽ. Tâm hồn bị đam mê, dục vọng trói buộc sẽ trở nên tê liệt, thấy những điều tốt đẹp nhưng ngại ngùng phấn đấu, mất hết ý chí chỗi dậy, vươn lên.

Có tâm hồn bị bại liệt vì do dự. Tâm hồn do dự có nhiều ước muốn tốt đẹp, nhưng cứ mãi băn khoăn suy tính, rồi cơ hội qua đi mà vẫn không làm được điều mong muốn. Truyện ngụ ngôn kể lại: có con ngựa vừa đói vừa khát. Người ta đem đến một máng cỏ và một máng nước. Con ngựa cứ quay sang máng nước rồi lại quay sang máng cỏ, không biết nên ăn hay nên uống trước. Sau cùng nó chết vì đói và vì khát. Ngạn ngữ Pháp có câu: Hoả ngục được lát bằng những ước muốn tốt. Ước muốn suông mà không làm sẽ chẳng giúp thăng tiến thân phận con người.

Có tâm hồn bị bại liệt vì chai đá. Tâm hồn chai đá hoàn toàn mất hết khả năng ước muốn điều lành, thờ ơ với việc thăng tiến bản thân, dị ứng với những việc đạo đức. Đây là thứ bại liệt đáng sợ nhất.

Người bại liệt trong Tin Mừng đã tìm ra phương thế để đến với Chúa. Ông nhờ những người thân khiêng tới. Cảnh 4 anh em khiêng người bại liệt, trèo lên mái nhà, rỡ ngói, thả chiếc cáng xuống trước mặt Chúa Giêsu, cho ta thấy một đức tin đơn sơ trong sáng.

Đức tin đơn sơ trong sáng không suy tính, do dự, nhưng cương quyết bắt tay vào việc làm. Nhìn thấy việc phải làm, họ bắt tay vào làm ngay không để chậm trễ, không mất thời giờ bàn bạc, so đo, tính toán, trốn tránh trách nhiệm. Biết người bệnh cần gặp Đức Giêsu, họ lập tức đi tìm cáng và bảo nhau khiêng người bệnh đến ngay.

Đức tin đơn sơ trong sáng lập tức lên đường, không chịu ngồi lì một chỗ. Đã quyết là lên đường ngay, không ngần ngại vì đường xa, không e dè vì gánh nặng. Họ khiêng người bệnh, nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt, ánh mắt vẫn tin tưởng, nụ cười vẫn vui tươi vì tâm hồn họ luôn luôn sẵn sàng lên đường.

Đức tin đơn sơ trong sáng giúp họ đồng tâm nhất trí với nhau. Niềm tin chân thực loại trừ mọi xung khắc bất đồng, dẫn đến đoàn kết, hợp tác, cùng nhau làm những việc tốt có ích lợi cho người khác.

Đức tin đơn sơ trong sáng không lùi bước trước khó khăn. Gặp đám đông vây quanh, chắn lối đến với Đức Giêsu, họ không sờn lòng nản chí, không bàn chuyện tháo lui, nhưng cương quyết tìm biện pháp khắc phục những khó khăn. Đã nỗ lực đổ mồ hôi để khiêng người bệnh đến, giờ đây họ lại phải nỗ lực vận dụng trí não để tìm cách đưa người bệnh tiếp cận Đức Giêsu. Đức tin trong sáng đã làm cho trí khôn họ trở nên sáng suốt. Họ mau chóng tìm được một lối khác để đến với Người.

Đức tin đơn sơ trong sáng có những sáng kiến tuyệt vời, táo bạo. Không vào được cửa chính, họ trèo lên mái nhà. Không có cửa thì họ làm ra cửa. Tháo rỡ mái nhà quả là một biện pháp táo bạo. Biện pháp táo bạo càng chứng tỏ đức tin mãnh liệt của họ.

Đức tin trong sáng có sự tế nhị, nhẹ nhàng. Chắc chắn họ phải xin phép chủ nhà và sau đó, phải lợp lại mái nhà hẳn hoi tử tế. Trước sự tế nhị của họ, chắc chắn chủ nhà phải hài lòng và cảm phục.

Đức tin trong sáng không nhiều lời. Tự những việc làm đã nói nhiều hơn những bài diễn văn lê thê. Họ chưa nói lời nào để cầu xin Chúa, nhưng nhìn thấy người bệnh được thòng xuống trước mặt mình, Đức Giêsu và tất cả mọi người đều thấy được đức tin của họ, và Đức Giêsu đã chữa bệnh trước khi họ cầu xin.

Nhìn vào đức tin trong sáng của 4 người khiêng, ta thấy đức tin của mình còn đang bị tê liệt, không hoạt động. Ta bị tê liệt vì những đam mê dục vọng trói buộc. Ta bị tê liệt vì những lười biếng thiếu cố gắng. Ta bị tê liệt vì những ước muốn nửa vời. Ta bị tê liệt vì lòng nguội lạnh thiếu nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng.

Hôm nay, ta hãy noi gương 4 người khiêng bệnh nhân. Hãy ra khỏi tình trạng tê liệt tâm hồn. Hãy lên đường, ra đi đừng ngại ngùng, do dự. Hãy biến đức tin thành những việc làm chuyên chở đức bác ái. Hãy phấn đấu vượt qua mọi khó khăn. Hãy sống đức tin một cách sáng tạo, vui tươi và đoàn kết. Một đức tin như thế sẽ trở thành ngọn đèn phá tan đi bóng tối đang phủ vây giăng mắc, soi đường cho ta đi đến với Chúa, cùng đích của đời ta.

Lạy Chúa, xin hãy thêm đức tin cho chúng con. Amen.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
 
(thanhlinh.net)

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ VÀ SINH HOẠT CỦA CỘNG ĐOÀN GX THUẬN PHÁT TRONG CÁC NGÀY ĐẦU XUÂN NHÂM THÌN 2012



Hình ảnh Thánh Lễ tất niên năm Tân Mão, Thánh Lễ giao thừa năm Tân Mão, Thánh Lễ Tân Niên Xuân Nhâm Thìn cầu bình an cho năm mới và Thánh Lễ mồng 2 Tết Nhâm Thìn kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Và các sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ Thuận Phát trong những ngày đầu xuân.
Mời bấm vào các đường link phía dưới để xem hình :
THÁNH LỄ TẤT NIÊN TÂN MÃO .
THÁNH LỄ GIAO THỪA.TÂN MÃO.
THÁNH LỄ TÂN NIÊN NHÂM THÌN.
THÁNH LỄ MỒNG 2 TẾT NHÂM THÌN.
THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG GIÁO HỌ PHAOLÔ.

Tứ Hải - Hữu Toàn.

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

THÁNH LỂ CẦU CHO BỆNH NHÂN TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO

Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Các Bệnh Nhân 
Tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Tàpao


Tối ngày 12.2.2012, lúc 19g00, tại quảng trường Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Tàpao, khoảng 10.000 khách hành hương từ muôn phương nô nức tìm về bên Mẹ và sốt sắng tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho những người đau yếu, tàn tật nhân ngày Quốc tế Bệnh Nhân (11.2). Cha Tổng đại diện Giáo Phận Phan Thiết Gioan Baotixita Hoàng Văn Khanh chủ tế thánh lễ. 

Suốt cả ngày 12, Tàpao rộn ràng bước chân của khách hành hương về kính viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ. Trong tâm tình của ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, rất nhiều người già cả, đau yếu, bệnh tật đã được người thân dắt dìu đến hành hương Mẹ Tàpao để xin ơn chữa lành phần hồn phần xác. Trên những chiếc xe lăn, các bệnh nhân tươi nở nụ cười với nhau, nhận lời chúc lành của mọi người và sốt sắng hướng về Linh đài Mẹ cùng hiệp dâng lời cầu nguyện...

(gpphanthiet.com)

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật VI thường niên năm B.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
PHÊRÔ

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, 
Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Anna
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Anh PHÊRÔ
NGUYỄN VĂN MINH
Sinh năm 1985 tại TP.Hồ Chí Minh

 Cư ngụ tại : 146 đường 53
P.Tân Quy, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Thánh Anna - Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 08g00 ngày Thứ Bảy 11.02.2012
(Nhằm ngày 20 Tháng Giêng năm Nhâm Thìn)

Hưởng dương 28 tuổi
 

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Bảy  11.02.2012

  • 14g00 : Nghi Thức Tẩn Liệm - Nhập Quan. 
  • 19g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại tư gia.
Chúa Nhật  12.02.2012

  • 07g00 : Nghi Thức Động Quan
Sau đó di quan đi hoả táng
tại Long An.

Thuận Phát, ngày 11 tháng 02 năm 2012
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
BĐH Giáo Họ Thánh Anna
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B (Mc 1, 40-45)



BỆNH PHONG CÙI THỜI NAY
 
Một đoạn phim ngắn chiếu trên truyền hình làm cho tôi phải chạnh lòng xót thương khi nhìn thấy một bé gái bị hai chiếc xe tải cán liên tục và một vài người thờ ơ lạnh lùng bước qua, họ nhìn đứa bé, rồi ung dung bỏ đi. Một bà nhặt rác nhìn thấy và ẵm đứa bé đi cấp cứu. Tai nạn xẩy ra tại tỉnh Phật sơn, Trung Quốc. Sáng ngày 21-10-2011, báo chí đưa tin bé Duyệt Duyệt đã ra đi vì vết thương não quá nặng. Sau đó, cộng đồng đã dấy lên nỗi căm phẩn, lên án sự lạnh lùng, vô cảm của con người. Đồng thời, nó gióng lên giá trị đạo đức con người. Cái chết của bé Duyệt Duyệt không những làm cho người Trung Quốc cần thức tỉnh mà ngay cả chính chúng ta cũng tự nhìn lại bản thân mình và tự hỏi chúng ta có bao giờ nhẫn tâm như thế với anh chị em mình?.
 
Tôi thiết nghĩ để thức tỉnh và nhận ra được hành vi của mình, chúng ta cần nhờ đến ánh sáng của Tin Mừng. Cụ thể là qua câu chuyện Chúa Giêsu chữa bệnh một người bị phong cùi. Vào thời Chúa Giêsu, bệnh cùi là bệnh nan y không có thuốc chữa, và có thể bị lây truyền. Vì vậy, người bị phong hủi phải sống cách ly. Theo luật Môsê (Lv 13,1-14), những người lãnh đạo đã cô lập họ ở một nơi nhất định, hoặc xua đuổi họ ở một nơi hoang vắng, hay cho vào rừng thú dữ ăn thịt, và họ tuyên bố những người bị bệnh cùi là người ô uế, để mọi người tránh xa. Ai tiếp xúc với người bệnh phong hủi thì cũng trở thành ô uế. Khi đi ra đường hay nơi công cộng, thì người phong cùi phải đeo chuông, la lên mình là người ô uế, và có khi còn bị dân chúng ném đá cho chết. Người bị bệnh cùi phải sống một cuộc sống hết sức cô đơn, khốn khổ, và đầy mặc cảm vì bị mọi người ghê tởm, xa lánh. Nỗi đau đớn tột cùng của họ là bị kết án, bệnh tật là hình phạt của Thiên Chúa.
 
Với cái nhìn khinh bỉ, gớm ghiếc của dân chúng đối với người phong cùi, thì Chúa Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn anh được sạch!” Lập tức bệnh phong biến khỏi anh ta và anh được sạch. Đối với Chúa Giêsu, anh ta vẫn là con cái Thiên Chúa, là đồng bào ruột thịt, là anh chị em với mình. Ngài không nhìn và đánh giá con người bên ngoài với hình dáng xấu xí, ghê tởm của những người phong cùi nhưng nhìn vào chiều sâu của tâm hồn họ, họ là những con người đáng thương, đáng được tôn trọng, họ không đáng khinh tởm và xa lánh cho bằng những người cùi hủi về mặt tâm linh. Cùi hủi tâm linh là tình trạng của những con người sống không biết đến tình nghĩa, sống ích kỷ, chỉ nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình, của gia đình mình, mà không hề nghĩ đến hạnh phúc hay đau khổ của người khác, hay của những gia đình khác. Họ sẵn sàng có những hành động bỉ ổi để đè nén, thống trị, áp lực lên người khác.
 
Cách hành xử của những người Pharisiêu chứng minh cho chúng ta thấy, họ là những người trí thức, có địa vị cao trong tôn giáo và xã hội, nhưng sự cùi hủi này càng được ngụy trang một cách tinh vi, khéo léo bằng những lời nói, hành động vị tha, bằng vẻ đạo đức bên ngoài (x. Mt 23) “khẩu Phật tâm xà”, và những thứ bệnh phong cùi này cũng đang phát triển trong mỗi con người. Nhưng nó được che dấu dưới nhiều hình thức khác nhau. Mọi người có thể nhận ra bệnh tật của mình khi ta biết tỉnh thức và nhận ra chính mình.
 
Bài học Tin Mừng hôm nay, chúng ta không dừng lại ở việc Chúa Giêsu trị bệnh phong cùi mà là đi vào chính đời sống mọi người chúng ta về cách hành xử với tha nhân. Cô bé Duyệt Duyệt chết không phải là vì bác sỹ không chữa được nhưng là lòng người không có, không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác. Sự vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư lợi chỉ biết cho riêng mình thì chứng tỏ một tâm hồn nghèo nàn về đạo đức và tâm linh.
 
Rev.John Nguyen
(thanhlinh.net)

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

AUDIO THÁNH LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC - NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN 11-02-2012

Audio Thánh Lễ Đức Mẹ Lộ Đức - ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn CBM Công Giáo hát Lễ.



Xin mời nghe Thánh Lễ :



Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

THĂM HỎI - XỨC DẦU CHO CÁC BỆNH NHÂN



Trong chương trình Mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức - Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân 11.02.2012, sáng Thứ Năm ngày 09.02.2012 Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Thuận Phát đã cùng với các vị Trưởng, Phó các giáo họ đi thăm viếng và cử hành nghi thức Xức Dầu Bệnh Nhân, Trao Mình Thánh Chúa cho các cụ ông, cụ bà và các bệnh nhân trong giáo xứ vì tuổi cao, hay vì sức khoẻ kém, không thể đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ được. 

Sau khi Xức Dầu và cho các bệnh nhân Rước Mình Thánh Chúa, Cha Chánh Xứ đã ân cần thăm hỏi bệnh tình, gia cảnh, chúc sức khoẻ các cụ, các bệnh nhân. tiếp sau đó, các Ông Bà trưởng và phó giáo họ trao phần quà nhỏ của giáo xứ gởi đến các cụ ông, cụ bà cũng như các bệnh nhân.

Hữu Toàn.

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2012

Sứ điệp Mùa Chay 2012
của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

“Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong đức bác ái và các công việc lành” (Dt 10,24)

Anh chị em thân mến,
Một lần nữa Mùa Chay cống hiến cho chúng ta cơ hội suy tư về nòng cốt đời sống Kitô, đó là đức bác ái. Thực vậy, đây là thời kỳ thuận tiện để, nhờ sự trợ giúp của Lời Chúa và các Bí Tích, chúng ta đổi mới hành trình đức tin, trên bình diện bản thân cũng như cộng đồng. Đây là một hành trình được đánh dấu bằng kinh nguyện và chia sẻ, thinh lặng và chay tịnh, trong khi chờ đợi niềm vui Phục Sinh.

Năm nay, tôi muốn đề nghị một vài suy tư dưới ánh sáng một văn bản ngắn của Kinh Thánh rút từ Thư gửi tín hữu Do Thái: “Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành” (10,24). Đây là một câu được đưa vào một đoạn văn trong đó tác giả sách Thánh nhắn nhủ hãy tín thác nơi Chúa Giêsu Kitô như vị Thượng Tế, Đấng đã đạt cho chúng ta ơn tha thứ và dẫn đến Thiên Chúa. Thành quả việc đón nhận Chúa Kitô là một đời sống được phát triển theo ba nhân đức hướng thần, đó là: tiến đến gần Chúa “với con tim chân thành trong sự viên mãn của đức tin” (c.22), giữ vững “việc tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta” (c.23) luôn chú ý thi hành “đức bác ái và các việc lành” (c.24) cùng với các anh em khác. Đoạn này cũng khẳng định rằng để nâng đỡ cách cư xử theo tinh thần Tin Mừng như thế, điều quan trọng là tham dự các buổi gặp gỡ phụng vụ và cầu nguyện của cộng đoàn, hướng nhìn về mục tiêu mai hậu là sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa (c.25). Tôi dừng lại ở câu 24: qua vài chữ, câu này cống hiến một giáo huấn quí giá và luôn thời sự về 3 khía cạnh của đời sống Kitô, đó là quan tâm đến tha nhân, tính chất hỗ tương và sự thánh thiện bản thân.

1. “Chúng ta hãy quan tâm”: trách nhiệm đối với người anh em.

Yếu tố đầu tiên là lời mời gọi “hãy quan tâm”, hãy chú ý: động từ Hy lạp dùng ở đây là Katanoein, có nghĩa là quan sát kỹ lưỡng, chú ý, nhìn một cách ý thức, nhận thức một thực tại. Chúng ta thấy động từ này trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy “quan sát” chim trên trời, tuy không làm việc vất vả, nhưng chúng vẫn được Chúa Quan Phòng ân cần chăm sóc (Xc Lc 12,24), và hãy “nhận ra” cái xà trong mắt mình trước khi nhìn thấy cọng rơm trong mắt của người anh em (Xc Lc 6,41). Chúng ta cũng thấy động từ ấy trong một đoạn khác của Thư gửi Tín hữu Do thái, như lời mời gọi hãy “chú ý đến Chúa Giêsu” (3,1), là Tông đồ và là Thượng tế của đạo chúng ta. Vì thế, động từ mở đầu lời nhắn nhủ chúng ta, mời gọi hãy chăm chú nhìn người khác, trước tiên là nhìn Chúa Giêsu, và chú ý đối với nhau, đừng tỏ ra là người xa lạ với nhau, đừng dửng dưng về số phận của các anh em. Thực tế, ta thường thấy trái độ trái ngược: dửng dưng, không tha thiết, những thái độ này nảy sinh từ lòng ích kỷ, được che đậy bằng cái vẻ “tôn trọng đời tư của người khác”. Ngày nay, tiếng Chúa cũng vang dội mạnh mẽ kêu gọi mỗi người chúng ta trở thành những người canh giữ anh em mình (Xc St. 4,9), thiết lập những quan hệ ân cần đối với nhau, quan tâm đến thiện ích của tha nhân và của mọi người. Đại giới răn yêu thương tha nhân đòi hỏi và yêu cầu chúng ta hãy ý thức mình có trách nhiệm đối với những người là thụ tạo và là con Thiên Chúa, giống như ta: là anh em với nhau trong tương quan là người, và trong nhiều trường hợp, là anh em đồng đạo với nhau, phải làm cho chúng ta nhìn thấy nơi tha nhân như một bản thân khác của mình, được Chúa yêu thương vô biên. Nếu chúng ta vun trồng cái nhìn này về tình huynh đệ, liên đới, công bằng, thì lòng từ bi và cảm thông sẽ tự nhiên nảy sinh từ con tim chúng ta. Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã khẳng định rằng thế giới ngày nay đau khổ nhất là vì thiếu tình huynh đệ: “Thế giới bệnh hoạn. Bệnh của thế giới này không phải do sự phung phí tài nguyên hoặc vì một số người vơ vét của cải, nhưng là do sự thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc với nhau” (Thông điệp “Phát triển các dân tộc” - 26/3/1967-, n.66).

Sự quan tâm đến người khác bao gồm ước muốn cho họ điều thiện hảo, dưới mọi khía cạnh: thể lý, luân lý và tinh thần. Nền văn hóa hiện đại dường như đã đánh mất ý thức thiện và ác, giữa lúc cần phải tái mạnh mẽ khẳng định rằng sự thiện hiện hữu và chiến thắng vì Thiên Chúa là “Đấng tốt lành và làm điều thiện” (Tv 119,68). Sự thiện là điều khơi dậy, bảo vệ và thăng tiến sự sống, tình huynh đệ và hiệp thông. Trách nhiệm đối với tha nhân như thế có nghĩa là muốn và làm điều thiện cho họ, mong ước họ cũng được cởi mở đối với tiêu chuẩn điều thiện; quan tâm đến anh em có nghĩa là mở rộng đôi mắt trước những thiếu thốn của họ. Kinh Thánh cảnh giác về nguy cơ con tim chai đá, không còn nhạy cảm về tinh thần, làm cho ta mù quáng trước những đau khổ của tha nhân. Thánh sử Luca kể lại hai dụ ngôn của Chúa Giêsu trong đó có trình bày hai thí dụ về tình trạng như thế có thể xảy ra trong tâm hồn con người. Trong dụ ngôn người Samaritanô nhân lành, vị tư tế và thầy Lêvi “đi tránh qua bên kia”, dửng dưng đối với người bị cướp bóc lột và đánh đập (Xc Lc 10,30-32), và trong dụ ngôn người giàu sụ, người này đầy ứ của cải nên không nhìn thấy thân phận của ông Lazzarô nghèo khổ chết đói trước cửa nhà ông (Xc Lc 16,19). Trong cả hai trường hợp chúng ta thấy thế nào điều là trái ngược với sự “quan tâm”, với cái nhìn yêu thương và cảm thông. Điều gì ngăn cản cái nhìn nhân đạo và yêu thương như thế đối với người anh em? Thường thường đó là sự giàu có vật chất và sự quá đầy đủ, nhưng cũng có thái độ đặt tư lợi và những bận tâm của mình lên trên hết. Không bao giờ chúng ta được thiếu khả năng “có lòng từ bi” đối với người đau khổ: không bao giờ con tim chúng ta được phép bị mất hút trong những sự vật và các vấn đề của mình đến độ trở nên điếc đối với tiếng kêu của người nghèo. Trái lại, chính tâm hồn khiêm tốn và kinh nghiệm bản thân về đau khổ có thể tỏ ra là nguồn mạch sự thức tỉnh nội tâm về sự cảm thông và thương cảm: “Người công chính nhìn nhận quyền của người lầm than, trái lại kẻ gian ác không nghe tiếng nói của lý trí” (Cn 29,7). Như thế ta hiểu hạnh phúc “của những người khóc lóc” (Mt 5,4), nghĩa là những người có khả năng ra khỏi chính mình để cảm động trước đau khổ của tha nhân. Gặp gỡ với tha nhân và mở rộng con tim đối với nhu cầu của họ chính là một cơ hội để được cứu độ và hạnh phúc thật.

Sự “quan tâm” đến người anh em như thế cũng bao gồm sự ân cần đồi với thiện ích thiêng liêng của họ. Và ở đây, tôi muốn nhắc nhớ một khía cạnh của đời sống Kitô giáo mà tôi thấy dường như bị lãng quên: đó là sự sửa lỗi huynh đệ nhắm đến sự sống đời đời. Nói chung ngày nay người ta rất nhạy cảm đối với những bài nói về sự chăm sóc và tình bác ái đối với thiện ích thể lý và vật chất của tha nhân, nhưng người ta lại hầu như hoàn toàn im lặng về trách nhiệm tinh thần đối với anh em mình. Trong Giáo Hội sơ khai và trong các cộng đoàn thực sự trưởng thành trong đức tin không có thái độ như thế; trong các cộng đồng ấy người ta không những quan tâm đến sức khỏe thể xác của người anh em, nhưng cả sức khỏe tâm hồn của người ấy nữa. Trong Kinh Thánh chúng ta đọc thấy rằng: “Hãy khiển trách người khôn ngoan và họ sẽ biết ơn bạn. Hãy khuyên bảo người khôn ngoan và họ càng khôn ngoan hơn; hãy dạy dỗ người công chính và họ sẽ gia tăng kiến thức” (Cn 9,8ss). Chính Chúa Kitô đã truyền phải chỉnh đốn người anh em đang phạm tội (Xc Mt 18,15). Động từ dùng để định nghĩa sự sửa lỗi huynh đệ - elenchein - cũng là động từ chỉ sứ vụ ngôn sứ tố giác của các Kitô hữu đối với một thế hệ chiều theo điều ác (Xc Ep 5,11). Truyền thống của Giáo Hội đã liệt kê việc khuyên bảo tội nhân vào số những hành động từ bi về tinh thần (thương linh hồn bẩy mối). Điều quan trọng là phục hồi chiều kích này của đức bác ái Kitô. Không được im lặng trước sự ác. Ở đây tôi nghĩ đến thái độ của những tín hữu Kitô, vì tôn trọng người khác hoặc vì tiện ích, họ chiều theo não trạng chung, thay vì cảnh giác anh em mình về những lối suy nghĩ và hành động trái ngược với sự thật và không theo con đường sự thiện. Nhưng sự khiển trách theo tinh thần Kitô không bao giờ do sự thúc đẩy của tinh thần kết án hoặc trách cứ; nhưng luôn do sự thúc đẩy của tình thương và lòng từ bi, nảy sinh từ sự ân cần thực sự đối với thiện ích của người anh em. Thánh Phaolô Tông đồ quả quyết: “Nếu có người nào bất chợt bị bắt gặp phạm lỗi nào, thì anh chị em là những người có Thần Khí hãy sửa chữa họ với tinh thần dịu dàng. Và bạn hãy cảnh giác đối với chính mình để chính bạn khỏi bị cám dỗ” (Gl 6,1). Trong thế giới chúng ta bị thấm nhiễm xu hướng cá nhân chủ nghĩa, cần phải tái khám phá tầm quan trọng của sự sửa lỗi huynh đệ, để cùng nhau tiến bước về sự thánh thiện. Thậm chí “người công chính sa ngã bảy lần” (Cn 24,16) như Kinh Thánh đã nói, và tất cả chúng ta đều là người yếu đuối và thiếu sót (Xc 1 Ga 1,8). Vì thế, thật là rất hữu ích khi giúp đỡ và để cho mình được giúp đỡ có cái nhìn chân thực về bản thân mình, để cải tiến chính cuộc sống của mình và tiến bước ngay thẳng hơn trên con đường của Chúa. Chúng ta luôn cần có một cái nhìn yêu thương và sửa chữa, nhận biết và nhìn nhận, phân định và tha thứ (Xc Lc 22,61), như Thiên Chúa đã và đang làm với mỗi người chúng ta.

2. “Đối với nhau”: ơn hỗ tương với nhau.

Sự “canh giữ” đối với tha nhân như thế tương phản với não trạng thu hẹp cuộc sống vào chiều kích trần thế, không để ý đến viễn tượng mai hậu và chấp nhận bất kỳ chọn lựa luân lý nào nhân danh tự do cá nhân. Một xã hội như ngày nay có thể trở nên điếc đối với những đau khổ thể lý cũng như những đòi hỏi tinh thần và luân lý của cuộc sống. Nhưng cộng đồng Kitô không thể như vậy! Thánh Phaolô Tông đồ mời gọi tìm kiếm điều dẫn tới “hòa bình và xây dựng lẫn nhau” (Rm 14,19), giúp đỡ “tha nhân trong điều thiện để xây dựng họ” (ibid. 15,2), không tìm tư lợi, “nhưng là lợi ích của nhiều người, để họ đạt tới ơn cứu độ” (1 Cr 10,33). Sự sửa lỗi và khuyên nhủ nhau trong tinh thần khiêm tốn và bác ái như thế phải là thành phần đời sống của cộng đoàn Kitô.

Các môn đệ của Chúa, kết hiệp với Chúa Kitô qua Thánh Thể, sống trong một sự hiệp thông liên kết họ với nhau như chi thể của cùng một thân mình. Điều này có nghĩa là tha nhân thuộc về tôi, cuộc sống, phần rỗi của họ liên hệ tới cuộc sống và phần rỗi của tôi. Ở đây chúng ta động chạm đến một yếu tố rất sâu xa của tình hiệp thông: cuộc sống của chúng ta có liên hệ tới cuộc sống của người khác, trong điều thiện cũng như trong điều ác; tội lỗi cũng như những việc lành bác ái đều có một chiều kích xã hội. Trong Giáo Hội, Nhiệm thể của Chúa Kitô diễn ra sự hỗ tương như thế: cộng đồng không ngừng làm việc thống hối và kêu cầu ơn tha thứ vì những tội lỗi của con cái mình, nhưng cũng luôn vui mừng hân hoan vì chứng tá nhân đức và bác ái được triển nở nơi mình. Thánh Phaolô quả quyết “Các chi thể chăm sóc lẫn nhau” (1 Cr 12,25), vì chúng ta là một thân mình. Đức bác ái đối với anh em, như được diễn tả qua việc làm phúc - là việc thực hành tiêu biểu trong Mùa Chay, cùng với kinh nguyện và chay tịnh - ăn rễ sâu trong sự cùng thuộc về thân mình như vậy. Cả khi lo lắng cụ thể cho những người nghèo khổ nhất, mỗi tín hữu Kitô có thể biểu lộ sự tham phần của mình vào thân thể duy nhất là Giáo Hội. Quan tâm đến tha nhân trong tinh thần hỗ tương cũng là nhìn nhận điều thiện hảo mà Chúa làm nơi họ và cùng với họ cảm tạ vì những kỳ công ân phúc mà Thiên Chúa nhân lành và toàn năng tiếp tục thực hiện nơi các con cái của Ngài. Khi một Kitô hữu nhận thấy nơi tha nhân hoạt động của Chúa Thánh Linh, thì họ không thể không vui mừng vì điều đó và tôn vinh Chúa Cha trên trời (Xc Mt 5,16).

3. “Để khích lệ lẫn nhau trong đức bác ái và trong việc lành”: cùng nhau tiến bước trong sự thánh thiện.

Thành ngữ này của Thư gửi Tín hữu Do thái (10,24) thúc đẩy chúng ta cứu xét ơn kêu gọi tất cả mọi người nên thánh, hành trình liên lỷ trong đời sống thiêng liêng, khao khát những đoàn sủng cao cả hơn và một đức bác ái ngày càng cao và phong phú hơn (Xc 1 Cr 12,31-13-13). Sự quan tâm đối với nhau có mục đích là thúc đẩy nhau tiến đến một tình yêu thương thực sự hữu hiệu ngày càng mạnh mẽ hơn, “như ánh sáng bình minh gia tăng huy hoàng cho đến chiều” (Cn 4,18), trong khi chờ đợi sống ngày không bao giờ tàn trong Thiên Chúa. Thời gian được ban cho chúng ta trong cuộc sống thật là quí giá để khám phá và chu toàn việc lành, trong tình yêu Thiên Chúa. Như thế chính Giáo Hội tăng trưởng và phát triển để đạt tới sự trưởng thành trọn vẹn của Chúa Kitô (Xc Ep 4,13). Chính trong viễn tượng tăng trưởng năng động như thế có lời chúng ta khuyên bảo và khích lệ nhau đạt tới tình yêu viên mãn và các việc lành.

Đáng tiếc là vẫn luôn có cám dỗ sống trong nguội lạnh, bóp nghẹt Thánh Linh, từ khước không làm sinh lợi những nén bạc đã được ban cho chúng ta để mưu ích cho bản thân và tha nhân (Xc Mt 25,25ss). Tất cả chúng ta đã nhận lãnh những phong phú tinh thần hoặc thể chất hữu ích để chu toàn kế hoạch của Chúa, để mưu ích cho Giáo Hội và phần rỗi bản thân (Xc Lc 12,21b; 1 Tm 6,18). Các bậc thầy linh đạo nhắc nhớ rằng trong cuộc sống đức tin ai không tiến tức là lùi. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi luôn có tính chất thời, đó là hướng đến “mức độ cao của đời sống Kitô” (Gioan Phaolô II, Tông thư Ngàn Năm mới đang đến - 6/1/2001-, n.31). Sự khôn ngoan của Giáo hội - khi nhìn nhận và công bố Chân phúc và sự thánh thiện của một số Kitô hữu gương mẫu-, cũng có mục đích khơi dậy ước muốn noi gương nhân đức của các vị. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh chị em hãy thi đua quí chuộng lẫn nhau” (Rm 12,10).

“Đứng trước một thế giới đang đòi hỏi các tín hữu Kitô một chứng tá được đổi mới về tình yêu thương và lòng trung thành với Chúa, tất cả chúng ta cảm thấy sự cấp thiết phải nỗ lực thi nhau làm việc bác ái, phục vụ và làm việc lành (Xc Dt 6,10). Lời kêu gọi này đặc biệt mạnh mẽ trong mùa thánh chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh”. Với lời cầu chúc một Mùa Chay thánh thiện và phong phú, tôi phó thác anh chị em cho Đức Trinh Nữ Maria và thành tâm ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.
Vatican ngày 3 tháng 11 năm 2011
Biển Đức 16, Giáo Hoàng
(WGPS)

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật V thường niên năm B.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng ).
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.


 

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B (Mc 1, 29-39)



XIN CHO CON MỘT TẤM LÒNG NHƯ CHÚA

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Văn hoá Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến, vẫn đề cao tình làng nghĩa xóm: “tối lửa tắt đèn có nhau”. Sự liên đới yêu thương đùm bọc lẫn nhau tha thiết đến độ: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Sự liên đới đó không chỉ dừng lại ở thôn xóm, dòng tộc mà bao quát cả dân tộc trong tình thương giữa người với người như câu ca dao ngày nào vẫn phảng phất du dương: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thế nhưng, truyền thống đó đang mất dần trong thế giới hôm nay. Một thế giới ích kỷ và hưởng thụ. Một thế giới theo chủ trương “Mackeno” (mặc kệ nó) đang làm tan rã tình người. Người ta lo cho bản thân. Người ta sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà chà đạp lên người khác, mà chồng chất nỗi đau lên tha nhân. Con người hôm nay chỉ nghĩ đến mình nên nhẫn tâm bỏ rơi đồng loại trong khổ đau và tuyệt vọng. Sống bên nhau, nhưng thương nhau thì ít mà đầy đoạ nhau thì nhiều. Sống với nhau nâng đỡ nhau thì ít mà loại trừ nhau thì nhiều. Đỉnh cao của sự tàn nhẫn, vô tâm trước khổ đau của đồng loại chính là thái độ thiếu trách nhiệm với nỗi khỗ của anh em. 
 
Có một tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1A, một chiếc xe vận tải chở gỗ tràm đi theo hướng từ Bắc vào Nam, đã đâm trực diện một chiếc xe vận tải chở trái cây, chạy theo hướng từ Nam ra Bắc. Vụ tai nạn này đã khiến buồng lái của chiếc xe Bắc vào Nam bị bẹp dúm, còn chiếc xe từ Nam ra Bắc thì bị lật ngang, trái cây đổ tung tóe trên đường. Ðáng lưu ý là trong khi cả hai tài xế và hai phụ xe của hai chiếc xe cùng bị trọng thương, cần cấp cứu thì dân chúng quanh đó lại đổ đến để... cướp trái cây. Mặc người bị nạn. Điều người ta quan tâm chính là hôi của, là ăn cắp hội đồng. 
 
Xem ra cuộc sống hôm nay quá vô tâm! Có phải vì đói, vì thèm khát một quả trái cây mà hành động như vậy chăng? Chắc chắn là không. Chắc chắn là không ai nghèo đói đến độ không có một quả trái cây mà ăn. Có chăng là vì họ thiếu vắng tình người, sự liên đới và trách nhiệm với tha nhân! Không ai nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm trước sự sống còn của tha nhân. Không ai bận tâm trước những rủi ro bất hạnh của anh em. Tình người xem như đang mất dần trong xã hội đề cao vật chất và hưởng thụ hôm nay.  
 
Phải chăng cách hành xử thiếu tình người đó đang là vấn đề cần phải cải thiện của xã hội hôm nay? Phải chăng khi người ta đề cao vật chất thì tình người lại bị coi thường và chà đạp? Dường như là vậy. Nhiều người quá đau khổ vì không tìm được sự nâng đỡ cùa anh em trong những lúc gian nan. Nhiều người quá tuyệt vọng vì sự lạnh lùng, thờ ơ và bỏ rơi của gia đình và bạn bè. 
 
Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giê-su. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà nhạc mẫu Phê-rô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Cả ngày dường như Ngài chẳng nghỉ ngơi. Ngài đã dùng cả thời giờ của một ngày để phục vụ cho lợi ích tha nhân.  
 
Vâng, nếu cuộc đời hôm nay có nhiều tấm lòng vị tha như Chúa, thì dòng đời sẽ không còn những cái khổ triền miên như ông Gióp. Nếu cuộc đời ai cũng biết có trách nhiệm với nhau, sẽ không còn những nỗi đau của cô đơn và tuyệt vọng như ông Gióp. Ông Gióp khi đối diện với nghịch cảnh của dòng đời đã không tìm được sự nâng đỡ từ bạn bè và người thân, ông còn bị người đời chế giễu và vợ con bỏ rơi. Nỗi khổ đau và sự cô đơn đã khiến ông kêu lên trong u buồn, sầu thảm: “Số phận của tôi phải chăng là những đêm đau khổ ê chề?”. 
 
Vâng, số phận của ông Gióp và số phận của hàng vạn người quanh ta vẫn đang cô đơn và tuyệt vọng vì lối sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Vẫn còn đó những người chồng, người vợ đang tuyệt vọng vì đời sống thiếu trách nhiệm của người bạn đời. Vẫn còn đó những người con mặc cảm, tủi hận vì cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Vẫn còn đó tiếng khóc than cho phận số nghèo đói, bệnh tật, già nua đang bị anh em đồng loại bỏ rơi.  
 
Ước gì mỗi người chúng ta có được trái tim như Chúa để có thể chạnh lòng thương xót những mảnh đời khổ đau của anh em. Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Amen 
 
(tinmung.net)

 

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

VIDEO THÁNH LỄ TÂN NIÊN GIÁO XỨ THUẬN PHÁT 01

Video Thánh Lễ Tân Niên ( Nhâm Thìn - 2012 ) Giáo Xứ Thuận Phát, được cữ hành lúc 6 giờ ngày mồng 1 Tết ( 23-01-2012)
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Giới trẻ Dâng Lễ Vật.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.


Hữu Toàn.

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật IV thường niên năm B.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.