Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE

Tháng 3 : Tháng kính Thánh Giuse
 
Ý chung: Cầu cho nữ giới. Xin Chúa cho thế giới nhận biết sự đóng góp của phụ nữ trong việc phát triển xã hội.
 
Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại. Xin Chúa Thánh Thần ban sức chịu đựng cho những người bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi, hoặc phải chết vì Danh Chúa Kitô, nhất là ở Á châu.
 
Theo truyền thống, Giáo hội Công giáo dành riêng tháng Ba để tôn kính Đức Thánh Giuse, Phu quân của Đức Trinh nữ Maria và Dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Đặc biệt là những người cha nên phát triển lòng sùng kính Đức Thánh Giuse, vì chính Đức Thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn để chăm sóc Chúa Con. Các kinh nguyện nên kết hợp với lời cầu xin cùng Đức Thánh Giuse, đặc biệt trong tháng Ba này.
 
Kinh cầu này đã được Thánh GH Piô X (1903-1914) phê chuẩn, cho thấy lòng sùng kính Đức Thánh Giuse được phát triển từ thế kỷ XX. Có nhiều phép lạ và nhiều danh xưng dành cho Đức Thánh Giuse, điều đó nhắc chúng ta rằng Dưỡng phụ của Chúa Giêsu là mẫu gương hoàn hảo về đời sống Kitô giáo. Như các kinh cầu khác, Kinh cầu Ông Thánh Giuse được làm ra để đọc chung, nhưng vẫn có thể đọc riêng. Trong đó dùng nhiều tôn danh và nói đến nhiều nhân đức của vị thánh “không nói, làm nhiều” này.
 
Chân phước GH Gioan XXIII (1958-1963) cũng yêu mến Đức Thánh Giuse và đã soạn một kinh dâng những người lao động cho ngài, vì ngài là một người lao động bằng nghề thợ mộc, tuy nghèo nhưng chân chính. Vì thế, ngài là thánh bổn mạng của giới lao động và là Đấng bảo trợ những vụ khó khăn, đặc biệt là bầu cử cho chúng ta trong cơn hấp hối. Là người “chống mũi chịu sào” đưa Thánh Gia vượt qua mọi giông tố cuộc đời, ngài còn là mẫu gương về đức khiết tịnh – Nhánh Huệ Nước Trời.
 

Chúng ta không biết nhiều về ngài. Có lẽ ngài quá khiêm nhường, không hề nói gì, sử sách cũng không ghi chép gì nhiều về ngài. Chúng ta chỉ có thể thấy “bóng dáng” ngài trong Phúc âm: Phu quân của Đức Trinh nữ Maria và Dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Kinh thánh tôn vinh ngài là “người công chính”, và Giáo hội đã hướng về ngài để xin ngài bảo trợ. Trong Tông thư Quamquam Pluries(Về lòng sùng kính Đức Thánh Giuse)năm 1889,ĐGH Leo XIII giải thích lý do chúng ta đặt niềm tín thác vào Đức Thánh Giuse:

 
“Khi trao Đức Mẹ cho Đức Thánh Giuse để làm Hiền thê, Thiên Chúa không chỉ đặt ngài làm bạn đời của Đức Mẹ, mà còn làm nhân chứng cho sự trinh khiết của Đức Mẹ, bảo vệ danh dự của Đức Mẹ, đồng thời thể hiện nhân đức trong hệ lụy hôn nhân và tham dự vào phẩm giá tuyệt vời của Đức Mẹ. Đức Thánh Giuse quan tâm chăm sóc mọi nhu cầu của gia đình tại Nadarét và bảo vệ gia đình ấy, ngày nay ngài sẽ phủ áo choàng bảo vệ của ngài để bảo vệ Giáo hội của Chúa Giêsu”.
 
Một trăm năm sau, ĐGH Gioan Phaolô II đã tiếp bước vị tiền nhiệm bằng cách công bố Tông huấn Redemptoris Custos (Người Chăm Nom Đấng Cứu Thế) vào ngày 15-8-1989, với hy vọng rằng mọi người có thể phát triển lòng sùng kính Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ. Ngài bảo trợ nhiều người, nhiều thứ. Ngài bảo trợ những người hấp hối vì Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã ở bên ngài khi ngài hấp hối. Ngài cũng là bổn mạng các gia trưởng, các thợ thuyền, và những người hoạt động vì công bình xã hội. Nhiều dòng tu cũng tôn ngài làm Đấng bảo trợ đời sống tu trì.
 
Giáo hội khuyến khích chúng ta sùng kính Đức Thánh Giuse vì ngài là mẫu gương anh dũng trong việc thực hành các nhân đức. Đọc Phúc âm chúng ta có thể thấy đức tin, đức cậy và đức ái của ngài trong những hoàn cảnh khó khăn. Ngài cẩn trọng khi chăm sóc vợ con, ngài tỏ ra có tài lãnh đạo khi bảo vệ và giúp đỡ vợ con. Ngài đạo đức, tinh tế và chân thật. Ngài công chính khi đối xử với Thiên Chúa và con người, đồng thời nổi bật về sức chịu đựng và can đảm, đặc biệt về đức khiết tịnh. Ngài còn bảo vệbênh vực nhân đức của Đức Mẹ khi còn đang thời gian đính hôn và khi sống đời hôn nhân. Cả hai đều khấn giữ đồng trinh vì Chúa, đám chìm trong tình yêu Thiên Chúa. Thời gian trôi qua, Giáo hội minh định rằng Đức Thánh Giuse không chỉ là thánh nhân đối với một số người mà ngài còn giúp đỡ mọi người (Cuốn St. Joseph: a Theological Introduction của Michael D. Griffin, Dòng kín Camêlô). Từ cuối thế kỷ XIX, người ta còn có cách sùng kính ngài bằng phong trào đạo đức là Bảy Ngày Thứ Tư.
 
Lễ trọng mừng Đức Thánh Giuse (19-3) rơi vào Mùa Chay, khi Giáo hội tập trung vào việc chuẩn bị kính nhớ Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Phụng vụ muốn mọi người nhận biết tầm quan trọng của ý nghĩa Mùa Chay, do đó việc sùng kính Đức Thánh Giuse trong tháng Ba nhằm khuyến khích mọi người noi gương sống thánh thiện của ngài nhiều hơn theo tinh thần Mùa Chay.
 
Tháng Ba nhắc nhở chúng ta điều quan trọng:“Hãy đến cùng Giuse – Ite ad Joseph” (St 41:55). Thánh nữ Têrêsa Avila (Tiến sĩ Giáo hội) cũng nhắc nhở: “Tôi xin Đức Thánh Giuse cái gì cũng được. Ai không tin, hãy thử mà xem”.
 
Lạy Thiên Chúa, xin dạy chúng con biết kính yêu ông bà và cha mẹ như Chúa Giêsu đã sống hiếu thảo với Đức Mẹ và Đức Thánh Giuse, xin giúp chúng con biết noi gương Đức Thánh Giuse là can đảm sống ngay chính trong mọi hoàn cảnh và không ngừng canh tân đời sống. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
 
TRẦM THIÊN THU
(gpphanthiet.com)

THÔNG CÁO CHUNG VỀ HỌP VÒNG 3 VIỆT NAM - TOÀ THÁNH

Thông cáo chung của Phái đoàn Việt Nam và Phái đoàn Tòa Thánh 
về Cuộc họp Vòng 3 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh

Họp vòng 3 Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa Thánh –- Ảnh: TTXVN
 WHĐ (29.02.2012) / VATICAN RADIO Các giới chức của Tòa Thánh của chính phủ Vit Nam đã kết thúc cuộc họp hai ngày vào thứ Ba 28-02-2012. Tại cuộc họp, Tòa Thánh bày tỏ mong muốn tăng cường và mở rộng vai trò và sứ vụ của mình để củng cố mối dây liên kết giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, cũng như mong muốn phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh.. Kết thúc cuộc họp, hai bên nhận định rằng quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh đã đạt được những phát triển tích cực dựa trên căn bản thiện chí và đối thoại xây dựng, cũng như tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ.
Sau đây là toàn văn Thông cáo chung:


Thông cáo chung về Cuộc họp Vòng 3
của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh
(Hà Nội, 27-28 tháng Hai 2012)


Như đã thỏa thuận tại cuộc họp Vòng 2 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh tại Vatican (tháng Sáu 2010), cuộc họp Vòng 3 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 và 28 tháng Hai 2012. Hai vị đồng chủ trì cuộc họp là Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam, và Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Tòa Thánh.

Hai bên đã xem xét những vấn đề quốc tế, thông báo cho nhau về tình hình mỗi bên, điểm lại những tiến bộ trong quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh từ sau cuộc họp Vòng 2 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh, và thảo luận về những vấn đề liên quan tới Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân; khuyến khích Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam tham gia tích cực và thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, kinh tế và xã hội hiện nay.

Về phần mình, Phái đoàn Tòa Thánh ghi nhận những quan điểm đó và bày tỏ sự trân trọng mối quan tâm của chính quyền đối với hoạt động của Giáo Hội Công giáo, đặc biệt trong việc cử hành Năm Thánh 2010, và trong các cuộc viếng thăm mục vụ của vị Đại diện không thường trú, Tổng giám mục Leopoldo Girelli.

Tòa Thánh bày tỏ mong muốn tăng cường và mở rộng vai trò và sứ vụ của mình để củng cố mối dây liên kết giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, cũng như mong muốn phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh.

Cả hai bên đã đồng ý tạo điều kiện cho Tổng giám mục Girelli thi hành tốt hơn sứ vụ của mình.

Ngoài ra, cả hai bên đã nhắc lại giáo huấn của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI về việc sống Phúc Âm giữa dân tộc, và những lập trường của ngài về việc là một người Công giáo tốt và là một công dân tốt; nhấn mạnh cần tiếp tục có sự hợp tác giữa Giáo Hội Công giáo và chính quyền, để thực thi những giáo huấn ấy một cách cụ thể và thiết thực trong mọi hoạt động.

Hai bên nhận định rằng quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh đã đạt được những phát triển tích cực dựa trên căn bản thiện chí và đối thoại xây dựng, cũng như tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ.

Cuộc họp đã diễn ra trong bầu khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.

Hai bên đã thỏa thuận cuộc họp Vòng 4 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh sẽ tiến hành tại Vatican. Thời gian của cuộc họp sẽ được ấn định qua các kênh ngoại giao.

Nhân dịp viếng thăm Việt Nam, Phái đoàn Tòa Thánh đã đến thăm xã giao Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân, thăm Bệnh viện Nhi quốc gia, nơi đang hợp tác với Bệnh viện Bambino Gesù (Chúa Hài Đồng Giêsu) của Tòa Thánh tại Roma, cũng như một số cơ sở Công giáo tại Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, và giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai.


(WHĐ)

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 06

CÁC HOẠT ĐỘNG NGÀY 27-02-2012 CHUẨN BỊ CHO THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY MỚI NHÀ THỜ THUẬN PHÁT

Ban tiếp tân và ban trật tự họp

Mẫu đá nguyên liệu.

Sáng ngày thứ hai 27-02-2012 các thành viên trong Ban Tổ Chức, Ban Tiếp Tân,  Ban Khánh Tiết, Ban Thư Ký... tiếp tục công việc thật hăng say với tinh thần trách nhiệm cao.

Ban Khánh Tiết đã sắp xếp nhân sự cho tiến hành cắt bỏ một số cây xanh ở sân nhà thờ để chuẩn bị mặt bằng cho công tác tổ chức buổi Lễ, và cũng là nơi sẽ xây nhà thờ tạm sau này. 

Ban Thư Ký đã chốt danh sách các vị được mời tham dự Nghi Thức Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới sắp diễn ra. Căn cứ vào danh sách trên Ban Khánh Tiết đã tiến hành việc khắc tên các vị vào các viên đá chuẩn bị cho buổi Lễ. Được biết, đến 19 giờ 30 Ban Khánh Tiết cũng thi công hoàn thành bệ để đặt các viên đá.

19 giờ 30 ông phó CT.HĐMVGX Trần văn Nam đã chủ trì cuộc họp các thành viên trong Ban Tiếp Tân và Ban Trật Tự với sự hiện diện của ông CT.HĐMVGX để hướng dẫn công việc cụ thể cho các thành viên.

Cùng giờ, Giới Trẻ tập trung luyện tập các bài múa trong chương trình văn nghệ giúp vui phục vụ tiệc mừng Ngày Đặt Viên Đá xây nhà thờ mới.
Tất cả các thành viên trong các ban tiếp tục công việc được giao trong âm thầm, ráo riết chuẩn bị cho ngày lễ.

Hữu Toàn.


PHÁI ĐOÀN TOÀ THÁNH THĂM VÀ CỬ HÀNH THÁNH LỄ TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ HÀ NỘI

Phái đoàn Toà Thánh thăm và cử hành Thánh Lễ
tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội
 

WTGPHN - Vào lúc 18h00, Chúa Nhật I Mùa Chay, ngày 26 tháng 02 năm 2012, Phái đoàn Toà Thánh do Đức ông Ettore Balestrero, thứ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh dẫn đầu, cùng đi có Đức ông F.X. Cao Minh Dung, thuộc Bộ ngoại giao  và Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân tộc, đã đến thăm và cử hành Thánh lễ tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội. Cùng hiện diện, có Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam. Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ tế, cùng đồng tế còn có các cha thuộc Toà Tổng Giám Mục và Đại Chủng Viện Hà Nội. Trong thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục đã cử hành nghi lễ tuyển chọn Dự Tòng (ghi danh). Thánh lễ có sự tham dự của nhiều nữ tu và đông đảo giáo dân, đặc biệt có sự hiện diện của 52 bạn dự tòng được ghi danh trong Thánh lễ.


(WTGPHN)

PHÁI ĐOÀN TOÀ THÁNH ĐẾN VIỆT NAM

Phái đoàn Tòa Thánh đến Hà Nội


WTGPHN - Chúa Nhật, ngày 26/02/2012, phái đoàn Tòa Thánh đã đến Hà Nội. Lúc 11h30, phái đoàn dẫn đầu bởi Đức Ông Ettore Balestrero - Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, cùng đoàn có Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli - Đại diện không thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Ông F.X. Cao Minh Dung thuộc Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh và Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương thuộc Bộ Truyền Giáo, đã đến viếng thăm Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và gặp gỡ 11 Giám Mục trong Giáo Tỉnh Hà Nội.

Mời xem chi tiết và hình ảnh >>

(WTGPHN)

THÔNG BÁO CỦA TOÀ THÁNH

Thông báo của Tòa Thánh 
về cuộc họp lần thứ ba với Việt Nam 
 
 
Đức ông Ettore Balestrero
WHĐ/VIS (25.02.2012) – Ngày 24-02-2012, tại Vatican, Cha Federico Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã đưa ra tuyên bố sau: 
 
“Theo thỏa thuận đạt được khi kết thúc cuộc họp lần thứ hai của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh, diễn ra tại Vatican, từ ngày 23 đến 24 tháng Sáu 2010, cuộc họp lần thứ ba của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28 tháng Hai 2012 tới đây tại Hà Nội. Cuộc họp sẽ tăng cường và mở rộng quan hệ song phương sau những chuyến viếng thăm Việt Nam của Vị Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”. 
 
Theo thông tin từ phía chính phủ Việt Nam, tại cuộc họp lần này, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn, Đoàn Tòa Thánh Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Ettore Balestrero làm Trưởng đoàn.
 
(WHĐ)

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 05

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

GIÁO XỨ THUẬN PHÁT CHUẨN BỊ THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG NHÀ THỜ MỚI 03-3-2012

Cha Chánh xứ, HĐMVGX và đại diện các hội đoàn họp.

Ban phụng vụ và các ca đoàn họp.

Sau thời gian dài chuẩn bị cho việc tổ chức Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng mới nhà thờ Thuận Phát (03-3-2012), 19 giờ 30 ngày 24-02-2012 Cha Chánh xứ, HĐMVGX và đại diện các hội đoàn trong giáo xứ đã có cuộc họp sơ kết công tác chuẩn bị. Lần lượt các ban trực thuộc ban tổ chức báo cáo phần việc của ban, đã triển khai công việc đến đâu, nêu lên các khó khăn để ban tổ chức có hướng giải quyết, bàn thảo và nhận các ý kiến chỉnh sửa, các ý kiến đóng góp thêm từ Cha Chánh xứ cũng như của các thành viên trong cuộc họp. 

Sau cuộc họp các ban đã thông suốt và khẩn trương tiếp tục các phần việc còn lại một cách sốt sắng. Tâm trạng mọi người hiện nay tham gia công việc với tinh thần trách nhiệm thật cao, với mong muốn Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới sẽ diễn ra tốt đẹp.

Hữu Toàn.

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật I mùa Chay năm B.
Cha Đaminh Ninh Nguyễn Thông Phán, Giám đốc Kinh viện, Dòng Thánh Gia VN dâng Lễ.
Ca đoàn Đức Mẹ hát Lễ.



Hữu Toàn.

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 04

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY B (Mc 1, 12-15)



CHIẾN THẮNG LÒNG THAM

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Thông thường con người chúng ta thường hay ghen ghét, bất hoà, tranh chấp và có khi giết hại lẫn nhau vì những điều gì?

Thưa, về danh vọng và tiền tài. Ngay trong gia đình cũng có thể bị đảo lộn tất cả những nề nếp gia phong vì danh vọng và đồng tiền. Con cái bỏ cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái. Vợ kết án chồng, chồng ruồng bỏ vợ, anh em bạn hữu chém giết nhau cũng chỉ vì đồng tiền, bát gạo, và người ta cũng có thể chà đạp nhau, bất kể là thân hay quen, là bạn hữu xa gần chỉ vì một ngai vàng là địa vị, là quyền lực trong xã hội.

Thực vậy, có những kẻ vì tiền mà mê muội. Có những người vì tình mà hoá dại. Có những người vì quyền lực mà đánh mất tính người. Nhưng có lẽ, cái cám dỗ lớn nhất của con người qua mọi thời đại chính là đồng tiền, vì có tiền là có tất cả.

Vì tham lam đồng tiền mà họ sẵn sàng đánh đổi tất cả: danh dự, phẩm giá và tình làng nghĩa xóm, tình cha nghĩa mẹ, tình nghĩa thầy trò cũng không bằng ma lực của đồng tiền, như cha ông ta đã từng nói : “Còn tiền còn bạc còn đệ tử – Hết cơm hết gạo hết ông tôi”. Thật vậy, có biết bao kẻ đã bạc tình, bạc nghĩa chỉ vì đặt đồng tiền lên trên mọi mối quan hệ giữa người với người. Đồng tiền là đối tượng duy nhất để tôn thờ vì thế dân gian mới có câu: “Ông tiền , ông Phật, ông Tiên – Ba ông đứng lại, ông tiền cao hơn”.

Ngày xưa, có người ở nước Tề thích vàng đến mê vàng. Sáng sớm thay áo quần đi ra chợ. Tới hàng đổi tiền, thì liền chộp vội một khối vàng rồi chạy đi. Người ta bắt anh ta lại và hỏi :

- Tại sao giữa đám đông mà anh lại dám cướp vàng của kẻ khác như thế?

Anh ta trả lời :

- Lúc thấy vàng, tôi đâu còn thấy thiên hạ chung quanh nữa. Trước mặt tôi, chỉ có vàng mà thôi.

Đồng tiền liền khúc ruột nên họ lao mình vào lửa, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, bất chấp mọi thủ đoạn mánh mung, cho dù phải chà đạp lên người khác bằng những phương thế bóc lột và bất công, miễn sao vơ vét, vun quén về cho đầy túi tham của mình.

Bài Phúc Âm hôm nay, thánh Marco nói về việc Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Vậy ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu điều gì? Thưa, ma quỷ đã tìm cách lôi kéo Chúa Giêsu quay lưng lại với Chúa Cha. Từ khước sống vâng phục thánh ý Chúa để được thoả mãn cái bụng của mình. Nó hướng mở cho Chúa một tương lai đầy hứa hẹn không chỉ có của ăn dư đầy từ những hòn đất hòn đá cũng biến thành của ăn, từ sỏi đá cũng thành cơm, mà vượt xa hơn nữa là nắm gọn trong tay thiên hạ, kẻ hầu người hạ và thừa hưởng mọi vinh hoa lợi lộc trần gian. Năm xưa trong vườn địa đàng nó đã thắng ông bà nguyên tổ, khi nó đưa ra những lời dụ dỗ đầy ngọt ngào, đầy hấp dẫn, nhưng hôm nay, màn trình diễn này đã hoàn toàn thất bại bởi người Con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Ngài không những đã khước từ những lời mời mọc của ma quỷ nhưng còn cho ma quỷ nhận ra rằng không có gì cao quý hơn là được sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa, sống trong sự quy phục Thiên Chúa, vì người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Những cám dỗ mà ma quỷ tuy đã thất bại với Chúa Giêsu nhưng nó vẫn dùng những chiêu thức đó để tấn công con người hôm nay. Trước tiên nó gieo vào lòng ta mối nghi ngờ Thiên Chúa, về lòng thương xót và quan phòng của Thiên Chúa. Nó mở ra cho chúng ta một sự so sánh, tính toán thiệt hơn và cuối cùng là đưa ra một con mồi để quyến rũ chúng ta là: danh vọng, tiền tài, địa vị, thú vui. Kết quả là nhiều người vì ham tiền, ham lợi lộc đã trở thành tay sai cho ma quỷ, không chỉ mình làm điều ác mà còn lôi kéo, dẫn dụ nhiều người khác đi vào con đường tội lỗi. Ma quỷ đã thành công khi sai khiến chúng ta làm sự dữ, là những điều trái với luân thường đạo lý như: trộm cắp, đánh nhau, hận thù ghen ghét, tự cao tự đại... Đó là những mối tội đầu đã gây nên biết bao đau khổ cho chính mình và những người chung quanh.

Ở khởi đầu Mùa Chay khi cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ, Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của mình và sức mạnh của sự dữ, của ma quỷ luôn rình rập để lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi trong tối tăm của đam mê lầm lạc. Vì thế, chúng ta luôn phải sám hối và tin vào tình yêu của Chúa. Sám hối để nhận ra sự khiếm khuyết của mình mà cầu xin ơn Chúa bổ túc những thiếu sót của chúng ta. Sám hối để canh tân đời sống sao cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Sám hối để chúng ta nhận ra sự giới hạn của kiếp người để nhờ ơn Chúa giúp chúng ta sẽ hoàn thiện con người của mình nên thánh thiện tinh tuyền như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con giống hình ảnh Chúa. Xin cho con biết gìn giữ phẩm giá con người của mình bằng việc tránh xa những thói hư tật xấu, luôn nói không với tội lỗi và luôn giữ lòng trong sạch để xứng đáng nhìn xem Thiên Chúa. Amen

(tinmung.net)

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 03