Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU KỲ 10 (4)

Ngày 10.12.2012 : Đến Xuân Lộc

 WGPSG - Sau khi chào thăm Chính quyền Việt Nam tại Hà Nội, ĐHY Oswald Gracias (Tổng thư ký FABC), ĐHY Gaudencio Borbon Rosales (Đặc sứ của Đức Giáo hoàng tại Đại hội X FABC), ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn và ĐTGM Nguyễn Văn Nhơn (Chủ tịch HĐGM VN) đã đáp chuyến bay từ Hà Nội về đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 15g thứ hai 10.12.2012.



ĐHY Gracias, ĐHY Rosales và ĐTGM Nguyễn Văn Nhơn đã được Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu cùng phái đoàn giáo phận Xuân Lộc đón về đến Tòa GM Xuân Lộc lúc 18g15 và nhận được sự chào mừng nồng nhiệt.

Riêng ĐTGM Leopoldo Girelli (Đại diện không thường trú của ĐGH tại Việt Nam) đã đáp chuyến bay khác về đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 17 giờ cùng ngày. Ngài đã được Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo và phái đoàn giáo phận Xuân Lộc đón về tới TGM Xuân Lộc lúc 18g40 và cũng nhận được sự chào mừng nồng nhiệt không kém.

Trước đó, vào buổi sáng, một số đông Hồng y, Giám mục và chuyên viên của FABC đã từ phi trường Tân Sơn Nhất đến tập trung tại Trung tâm mục vụ TGP TPHCM , rồi lên đường đi Long Khánh trên hai chuyến xe, lần lượt đến Tòa Giám mục Xuân Lộc lúc 15g40 và 16g30 cùng ngày.

ĐHY Phạm Minh Mẫn cũng đã đến Tòa Giám mục Xuân Lộc lúc 21g30. Một phái đoàn khác đã rời Trung tâm mục vụ TGP TPHCM vào lúc 21g để đến Xuân Lộc lúc 23g10. Tất cả đã sẵn sàng cho lễ Khai mạc Đại hội vào ngày mai 11-12-2012.
(WGPSG)

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU KỲ 10 (3)

Ngày 09.12.2012 : Đến Saigon

 WGPSG – Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng thư ký Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), cùng với một số Giám mục và chuyên viên của FABC đã đến Trung tâm Mục vụ TGPTPHCM vào sáng Chúa nhật 9-12-2012 để chuẩn bị tham dự Đại hội toàn thể FABC lần thứ X, tổ chức tại Việt Nam.




Vào lúc 16g chiều, các vị đã cùng lên đường đi đến Toà Giám mục Xuân Lộc, nơi sẽ diễn ra các buổi họp của Đại Hội.
Riêng ĐHY Oswald Gracias sẽ cùng ĐHY Gaudencio Borbon Rosales (Đặc sứ của Đức Giáo hoàng tại Đại hội X FABC), ĐTGM Leopoldo Girelli (Đại diện không thường trú của ĐGH tại Việt Nam), ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn và ĐTGM Nguyễn Văn Nhơn (Chủ tịch HĐGM VN) sẽ ra Hà Nội để chào thăm Chính quyền Việt Nam trước khi Đại hội X FABC khai mạc.

Đây là lần đầu tiên Đại hội toàn thể FABC được tổ chức tại Việt Nam. Lễ khai mạc và các buổi hội thảo sẽ diễn ra tại Toà Giám mục Xuân Lộc từ chiều 10 đến sáng 15/12. Chiều 15/12, phái đoàn FABC sẽ chia ra thành 15 nhóm để đến thăm và dâng lễ tại Đại chủng viện và 14 giáo hạt của TGP.TPHCM. Thánh lễ bế mạc trọng thể sẽ được cử hành tại Nhà thờ chính toà của TGP.TPHCM vào 9g sáng Chúa nhật 16-12-2012.

(WGPSG)

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU KỲ 10 (2)

Công bố thư bổ nhiệm ĐHY đặc sứ của Đức Giáo Hoàng 
tại Đại hội Toàn thể Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC) 
tại Xuân Lộc, Việt Nam

VATICAN. Hôm 1-12-2012, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thành phần Phái đoàn Tòa Thánh tham dự Đại Hội kỳ 10 của Liên HĐGM Á châu sẽ tiến hành từ ngày 11 đến 16-12 tới đây tại Xuân Lộc, Việt Nam, và thư bổ nhiệm ĐHY Đặc Sứ.

Phái đoàn Tòa Thánh do ĐHY Đặc Sứ Gaudencio Rosales, nguyên TGM giáo phận Manila, thủ đô Philippines, hướng dẫn và có 2 vị tháp tùng là Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Phụ trách Đài Chân Lý Á châu với trụ sở tại Quezon City, Philippines, và LM Antonio Maralit, cha sở giáo xứ thánh Phanxicô đệ Salê, thuộc Tổng giáo phận Lipa, cũng tại Philippines.

Ngoài ra, thư ĐTC bổ nhiệm ĐHY Rosales làm đặc sứ của ngài cũng được công bố với nội dung như sau:

Mến gửi Hiền Đệ Đáng Kính Hồng Y Rosales Gaudencio,
Nguyên TGM chính tòa Manila

Đề tài tái truyền giảng Tin Mừng mà Chúng Tôi muốn đề nghị với mọi tín hữu Kitô là điểm rất đặc thù trong triều đại Giáo Hoàng của Chúng Tôi và mang lại cơ hội đặc biệt cho toàn thể Giáo Hội để cứu xét cách thức chu toàn sứ mạng của mình một cách tốt đẹp hơn. Và Chúng Tôi nhận thấy các Giám Mục trên toàn thế giới đã bắt đầu làm mọi sự để kiện toàn việc loan truyền Tin Mừng và Chúng Tôi tháp tùng các hoạt động ấy bằng lời cầu nguyện.

Vì thế, với tâm tình hân hoan và biết ơn, Chúng Tôi được biết trong tháng 11 tới đây tại Việt Nam có đại hội kỳ 10 của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, một tổ chức được thành lập cách đây 40 năm, trong Đại Hội đó các vị Chủ Chăn sẽ bàn về ”việc rao giảng Tin Mừng, hội nhập văn hóa, đối thoại tại Á châu”, cứu xét hành trình thiêng liêng của các dân tộc thuộc đại lục này đưới các khía cạnh khác nhau.

Vì đây là một biến cố rất quan trọng, nên các Hiền Đệ đáng kính của Chúng Tôi, Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, TGM giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, và Hồng Y Osvald Gracias, TGM Bombay và cũng là Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu, đã tha thiết thỉnh cầu Chúng Tôi bổ nhiệm một Hồng Y trổi vượt đến tham dự Đại Hội ấy và trình bày những huấn dụ thiêng liêng. Rất vui lòng chấp nhận những lời thỉnh cầu ấy, Chúng Tôi nghĩ đến Hiền Đệ là người con rất nổi bật của Philippines, vốn quan tâm theo dõi các vấn đề của Á châu. Và với thư này, Chúng Tôi bổ nhiệm Hiền Đệ làm Đặc Sứ của Chúng Tôi tại Đại hội kỳ 10 của Liên HĐGM Á châu, sẽ tiến hành từ ngày 11 đến 16 tháng 12 tới đây tại Trung Tâm Mục Vụ của Giáo phận Xuân Lộc và sẽ kết thúc trọng thể tại Nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh.

Trong tư cách là đại diện của Chúng Tôi, Hiền Đệ hãy bày tỏ lòng thương mến của chúng tôi đối với các vị Chủ Chăn và các tín hữu quí mến của Á Châu, nhắn nhủ mọi người hãy chuyên cần hơn trong việc noi gương Chúa Kitô: bởi vì cần chứng tỏ bằng những năng lực và lòng hăng say mới mẻ lòng yêu mến đặc biệt đối với Chúa Kitô, Giáo Hội và Tin Mừng, và với đức tin nồng nhiệt, phổ biến nền văn hóa nhân bản và chuyên cần theo đuổi cuộc đối thoại giữa các dân tộc. Hiền Đệ Đáng Kính, Chúng Tôi sẽ tháp tùng Hiền Đệ bằng lời cầu nguyện trong khi Hiền Đệ thi hành sứ mạng. Sau cùng Chúng Tôi vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh cho Hiền Đệ như dấu chỉ lòng từ ái của Chúng Tôi đối với Hiền Đệ và bảo chứng các thiên ân, Phép Lành này Hiền Đệ chuyển lại cho mọi người tham dự Đại Hội.

Từ Điện Vatican ngày 24 tháng 10 năm 2012, Năm Thứ 8 triều đại Giáo Hoàng của Chúng Tôi.

ký tên: Biển Đức 16 Giáo Hoàng
 

LM. Trần Đức Anh OP


Hình ảnh Xuân Lộc sửa soạn đón tiếp các Giám mục Á châu 
 (VietCatholic News)

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU KỲ 10 (1)

Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu:
Cùng nhau nhận định thực trạng
của những thách đố và giúp nhau giải quyết 

(Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh trả lời phỏng vấn của WHĐ)

WHĐ (8.12.2012) – Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Tòa giám mục Xuân Lộc. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày trọng đại này đối với các Giáo hội tại châu Á nói chung và với người Công giáo Việt Nam nói riêng. Chúng tôi đã gặp và được Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, giám mục giáo phận Xuân Lộc cho biết:
 
1. Chúng con được biết: đây là lần đầu tiên, Liên Hội đồng Giám mục Á châu tổ chức Hội nghị toàn thể tại Việt Nam và đã chọn Toà Giám mục Xuân Lộc làm nơi tổ chức Hội nghị. Đức cha có cảm nghĩ gì về sự chọn lựa này?
 
Chúng tôi rất vui và hãnh diện vì được Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn làm nơi tổ chức Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC: Federation of Asian Bishops’ Conferences) lần thứ mười. Đây là một hội nghị lớn của Công giáo Á châu, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Nhiều người Công giáo Việt Nam chưa bao giờ được nghe nói tới hoặc chỉ biết rất ít về FABC. Đây là cơ hội cho cộng đồng dân Chúa Việt Nam được hiểu biết đầy đủ hơn về FABC. Đối với chúng tôi, đây là một trách nhiệm rất lớn, đòi chúng tôi phải cố gắng nhiều trong việc chuẩn bị để Hội nghị có thể đạt kết quả tốt đẹp.
 
2. Để đón tiếp một hội nghị có tầm vóc khu vực như thế, chúng con hình dung Đức cha phải lo lắng và vất vả nhiều. Đức cha có thể cho chúng con biết đôi chút về sự chuẩn bị đó không?
 
Đúng là chúng tôi rất lo lắng và vất vả. Nhà cửa, phòng ốc phải tu sửa lại, các trang bị nội thất cũng phải coi lại, phải bổ sung hoặc thay thế. Chẳng hạn phải trang bị cho phòng họp chính và 9 phòng họp nhóm của Hội nghị, các phòng phải được trang bị máy lạnh v.v… Chúng tôi chưa có kinh nghiệm về việc tổ chức một hội nghị như thế này nên nhiều khâu chuẩn bị phải dò dẫm. Việc trang trí cho Hội nghị cần nhiều sáng tạo, công phu. Chúng tôi có nhờ những chuyên gia nghệ thuật trợ giúp, để nhân đó, trình bày cho Hội nghị những nét văn hoá nghệ thuật đặc trưng của dân tộc; rồi khâu ẩm thực chẳng hạn, cũng là một vấn đề rất phức tạp.
 
3. Xin Đức cha cho chúng con biết chương trình tổng quát của Hội nghị.
 
Các tham dự viên sẽ đến Toà Giám mục Xuân Lộc vào thứ Hai, ngày 10 tháng 12. Lễ Khai mạc Hội nghị diễn ra vào sáng thứ Ba, ngày 11 tháng 12, và Hội nghị sẽ kéo dài đến trưa thứ Bảy, 15 tháng 12, sau đó, các tham dự viên trở về thành phố Hồ Chí Minh, và thánh lễ Bế mạc sẽ diễn ra vào Chúa nhật 16 tháng 12, tại Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn.
 
4. Đức cha mong chờ điều gì nơi Hội nghị này, cách riêng cho Giáo hội Việt Nam?
 
Châu Á của chúng ta là một lục địa với nhiều nền văn hoá, tôn giáo lâu đời và phong phú, có những thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều thách đố cho việc loan báo Tin Mừng. Hiện nay dân số Á châu chiếm tới 60% dân số thế giới, nhưng người Công giáo tại Á châu mới chỉ vào khoảng 3,12% dân số toàn châu lục. Như chủ đề của Hội nghị lần này: Kỷ niệm 40 năm thành lập - FABC trước những thách đố của châu Á, cho thấy Hội nghị nhằm giúp các Giáo hội tại châu Á cùng nhau nhận định thực trạng của những thách đố, khó khăn chung, đưa ra những đường hướng và cùng giúp nhau giải quyết. Vì vậy, tôi ước mong Hội nghị lần này, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, sẽ mở ra cho chúng ta những hướng đi tích cực và các Giáo hội tại châu Á cùng hợp tác với nhau thực hiện, để Hội nghị thực sự mang lại những thành quả tốt đẹp.
 
5. Ngoài những điều trên đây, Đức cha còn muốn nói thêm điều gì với mọi người?
 
Tôi xin những ai được biết đến Hội nghị này, hãy cùng nhau hy sinh cầu nguyện như Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi, để các Đấng tham dự Hội nghị được khoẻ mạnh, được tràn đầy ơn Thánh Thần, hầu có thể sáng suốt đưa ra những đường hướng thích hợp nhất, đúng thánh ý Chúa nhất cho cộng đồng Dân Chúa tại châu Á trong việc sống đức tin và loan truyền đức tin cho anh chị em mình như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đang tha thiết mời gọi trong Năm Đức Tin.
 
Gm Đa Minh Nguyễn Chu Trinh
 (WHĐ)

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 1-6)



ĐỔI MỚI

Có thể nói, cuộc đời của mỗi người chúng ta được ví như một con đường. Và trên con đường ấy, mỗi người phải tiến về cùng đích của mình. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa nếu ta biết chọn cho mình đường đi đúng đắn. Cho nên, cuộc sống mỗi người cũng là quyết định của một sự chọn lựa tự do. Chúa muốn mỗi người trong chúng ta hãy tự quyết định phần rỗi cho chính mình. Ngài là Người Cha đầy yêu thương và cũng ban đủ mọi phương thế để giúp chúng ta chọn lựa con đường đúng đắn nhất để chúng ta có thể trở về với Ngài. Cũng có những chọn lựa thật đúng đắn, khôn ngoan ; nhưng cũng có những chọn lựa lệch lạc, chủ quan dẫn tới những sai lầm, khiến chúng ta ngày càng xa Thiên Chúa, lắm khi trở thành kẻ đối nghịch với Ngài. Vì thế, mỗi năm vào mùa vọng chúng ta luôn được nghe lại lời kêu mời của Thánh Gioan Tẩy Giả là “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” để nhắc nhở chúng ta hãy uốn nắn con đường tâm hồn, cách sống cho thích hợp, để sẵn sàng đón chào ngày Chúa đến.

Chúa muốn chúng ta “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”, bởi Ngài không thích và không muốn chúng ta đi trong sự quanh co, sống trong sự lừa đảo và lệch lạc. Thiên Chúa, Ngài muốn con cái của mình luôn sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường dẫn đến sự sống. Gioan Tẩy giả đã dùng lời tiên tri Isaia mà kêu gọi “hãy lấp mọi hố sâu, bạt mọi núi đồi, nắn lại con đường cong queo, san bằng con đường gồ ghề”. Chúa muốn chúng ta hãy sống trong sự công chính, trong sự thánh thiện và cũng đừng chậm trễ thi hành những giới luật của Chúa, vì “ngày của Chúa đến như kẻ trộm”. Chúa muốn ta sống trong sự trung thực, thẳng thắn.

“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Chúa đang đến gần và thực sự Ngài đang bên cạnh, ngày đêm chờ đợi sự sám hối, ăn năn của mỗi người chúng ta. Chúa không muốn chúng ta đánh mất cuộc đời mình bằng “sự thiếu hiểu biết”. Chính Ngài đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, để chỉ mong chúng ta sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường sự thật dẫn đến sự sống. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết nắn lại cho thẳng những gì đang quanh co của gian dối, lừa đảo; lấp đi mọi hố sâu đam mê, ích kỷ, tham vọng; bạt đi mọi gò nổng kiêu ngạo, tự mãn, để tâm hồn chúng ta thật xứng đáng và bình an đón nhận tin mừng cứu rỗi của Chúa.

“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” Chúa muốn đến với tất cả chúng ta bằng con đường thẳng, ngắn nhất, bởi con đường mà Ngài giới thiệu và sống chính là con đường của tình yêu, của tha thứ và cứu độ. Chính bản thân Ngài đã không chọn lựa con đường nào ngoài con đường của thí mạng, để làm gương cho tất cả chúng ta. Chính khi yêu thương là lúc chúng ta đang đi đúng con đường của Chúa. Chính khi yêu thương và tha thứ cho anh em, là chúng ta đang đến gần hồng ân cứu rỗi và thuộc trọn về Ngài.

Lời mời gọi “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” đang đặt ra cho chúng ta sự lựa chọn : ưu tiên cho những gì thuộc về Chúa, loại trừ ra khỏi tâm hồn chúng ta sự dối trá, quanh co. Uốn nắn những gì lệch lạc, điều đó luôn đòi hỏi mỗi chúng ta phải nỗ lực hằng ngày để cải thiện cuộc sống, đổi mới cách sống để xứng đáng hơn với tình thương của Chúa. Chúa đã và đang đến thật gần với từng người chúng ta, đừng chậm trễ, đừng ươn hèn trong chính những lẫm lỗi của mình, nhưng can đảm và quảng đại để ngày càng xứng đáng hơn với tình yêu của Thiên Chúa.

Dọn đường cho Chúa bằng cách lấp đầy những thung lũng, bạt những núi cao ấy và sửa lại những con đường quanh co hiện đang ở trong tâm hồn từng người chúng ta. Đó là những trở ngại khiến cho Chúa không đến được với ta. Những trở ngại ấy ở từng người không ai giống ai. Nhưng chắc chắn có chung một điểm : để chuẩn bị một con đường cho Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta không gì khác hơn là chúng ta phải luôn ý thức được tình trạng yếu đuối và tội lỗi của mình để sám hối và thay đổi. Thay đổi cuộc sống, thay đổi lối nhìn, thay đổi cách suy nghĩ. Chúng ta thường nhìn người khác bằng những định kiến, những nhãn hiệu do chính chúng ta tạo nên. Những định kiến đó là những lũng sâu tăm tối, nơi thiếu vắng ánh sáng tình yêu làm chúng ta không thể đến với tha nhân.

Chúng ta thường vô cảm trước những nhu cầu của người khác, nhưng chỉ lo toan tính tìm lợi ích cho bản thân mình. Những toan tính ích kỷ đó, là những khúc quanh co, những mấp mô, lồi lõm của tâm hồn khiến chúng ta không thể mở rộng cõi lòng để cảm nhận và chia sẻ những nhu cầu của người khác.

Chúng ta thường tự mãn về những khả năng và thành quả mình thủ đắc được. Chúng ta luôn xem mình là “trung tâm”, luôn muốn áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình trên người khác nhằm thỏa mãn khát vọng thống trị của bản thân. Những khát vọng đó, là những núi đồi ngạo nghễ của tự cao, tự mãn làm chúng ta không thể khiêm nhường đến với người khác.

Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Đổi nơi sinh sống thì dễ, nhưng thật khó mà thay đổi lối sống. Ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức rằng: con đường sám hối và thay đổi bản thân mỗi ngày chính là con đường xứng đáng để Chúa ngự vào tâm hồn mỗi người chúng ta, để từ đó chúng ta biết từ bỏ những ham muốn ích kỷ của bản thân để có thể nhạy cảm hơn trước những nhu cầu của người khác và khiêm nhường mở rộng tâm hồn chia sẻ với tha nhân. Amen.
 
Lm Nguyễn Nguyên
(thanhlinh.net)

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Ngày 8/12
Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội


Tín điều về “Đức Trinh Nữ Maria ngay từ thuở ban đầu đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ”, qua thời gian càng ngày càng rõ rệt.

Thánh Kinh không chỗ nào nói rõ điểm này cả, nhưng Hội Thánh qua thời gian (Thánh Truyền) đã hiểu những lời Thánh Kinh và giải thích: Đức Trinh Nữ Maria là thụ tạo trong sạch nhất và có thể nói “thành công” nhất của Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Maria được ví như Eva Mới, không vương nhiễn đến tội và trở thành “Mẹ của chúng sinh”.

Dù vậy chúng ta phải nắm vững :

1. Đức Maria cũng được sinh ra một cách bình thường như mọi người khác.

2. Đức Maria được hưởng hồng ân lớn lao này là nhờ Đức Giêsu Kitô, qua công nghiệp cứu độ của Người là chết trên thập giá.

Về Phụng Vụ, chúng ta đã thấy có những thánh lễ tôn kính Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ IX, bắt đầu từ Constantinople tràn sang miền Nam Ý và Sicile. Nhưng rõ nét nhất là thánh Anselmô thành Canterburry đã du nhập thánh lễ này vào giáo phận của ngài.

Vào năm 1476 Đức Giáo Hoàng Sixtus IV, xuất thân từ dòng Anh Em Hèn Mọn, đã đem thánh lễ này vào Giáo Hội La Mã.

Ngày 8.12.1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX trong Thông Điệp “Ineffabilis Deus” đã long trọng công bố tín điều “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo.

Lm. Nguyễn Văn Trinh

(WGPSG)

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

DÒNG TÊN PHONG CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ

Thánh Lễ phong chức Phó tế và Linh mục 
tại Dòng Tên Việt Nam 03.12.2012

SJVN Hôm nay, nhân dịp lễ thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, tại nhà thờ Hiển Linh, Thủ Đức, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn, đã chủ sự Thánh lễ phong chức phó tế cho 4 tu sĩ thuộc Dòng Tên (SJ), 2 tu sĩ thuộc Tu đoàn Giáo sĩ Nhà Chúa (ODD), 1 tu sĩ thuộc Dòng Biển Đức (OSB), 1 tu sĩ thuộc Dòng Cát Minh (O.carm) và phong chức linh mục cho 3 thầy phó tế Dòng Tên.

Các tiến chức phó tế
Các tiến chức linh mục
Các tân chức cùng với ĐGM phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm và quý cha đồng tế


(SJVN)

THỀ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 01 - 06.12.2012

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN PHONG CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ

Thánh lễ truyền chức Linh mục và Phó tế 
tại Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn

Đơn Dương, Lâm Đồng - Ngày lễ thánh Phanxico Xavier, Thứ 2 ngày 3 tháng 12 năm 2012, vào lúc 9 giờ sáng, tại nhà nguyện của Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương đã diễn ra thánh lễ truyền chức Linh mục và phó tế cho các đan sĩ của dòng. Thánh lễ đại trào do Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám Mục Giáo phận Đà Lạt chủ lễ và chủ sự nghi lễ phong chức. Cùng đồng tế với Đức Cha Antôn, có Viện Phụ Ephrem và qúi linh mục thuộc Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương, Viện phụ Bosco - Đan viện Châu Thủy, khoảng 70 Cha khác đến từ các cộng đoàn thuộc Hội dòng Xitô Thánh Gia, Linh mục đoàn của Giáo phận Đà Lạt, và quí Linh mục khách là thân nhân, bạn hữu của các tiến chức. 


 
Ngoài ra về tham dự thánh lễ truyền chức cho 3 linh mục và 8 phó tế của Đan Viện Xitô Châu Sơn còn có các Đan sĩ Sinh viên đến từ hai cơ sở 1 và 2 của Hội Dòng Xitô Thánh Gia, các tu sĩ nam nữ của các Hội dòng Biển Đức, Đa minh, Mến Thánh Giá Vinh, Thanh Hóa, Chợ Quán, Thủ Thiêm, Phan Sinh, Mân Côi, Nữ Vương Hoà Bình.... và rất đông các vị ân nhân, thân nhân, gia đình và bạn hữu của nhà dòng và của các tiến chức.

Mặc dù tinh thần của Xitô luôn đề cao tinh thần đơn sơ giản dị nhưng không vì thế mà thánh lễ phong chức thiếu đi bầu khí trang nghiêm, nhịp nhàng và thánh thiện. Những người tới tham dự thánh lễ phong chức tuy chỉ lưu lại Đan viện một khoảng thời gian ngắn nhưng họ cảm thấy rất vui và được khích lệ rất nhiều.

Ngỏ lời với cộng đoàn trong phần đầu lễ, Đức Cha Antôn mời gọi các đan sĩ tiếp tục sống đời sống chứng tá và sứ mệnh truyền giáo theo ơn gọi của mình để trở nên những tông đồ truyền giáo không giống như thánh Phanxicô Xavier nhưng như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Dựa vào ý tưởng các các bài đọc trong thánh lễ, trong bài giảng, Đức Giám Mục chủ tế khai triển những yếu tố nòng cốt trong mầu nhiệm ơn gọi; qua đó mời gọi các tân chức ý thức ơn gọi của mình để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, đồng thời đáp lại ơn huệ trọng đại đó bằng cách nỗ lực thi hành sứ mạng của mình bằng sức sống của Thiên Chúa: sống đời tư tế một cách tích cực noi theo gương tư tế đời đời - Đức Giêsu Kitô. Ngoài ra, chắc hẳn mỗi tiến chức cũng ý thức mình sẽ là ai theo tinh thần của Tu Luật thánh Phụ Biển Đức: đòi hỏi nhiều hơn về tư cách và đời sống của những người được tuyển chọn lên chức thánh. Đức cha Antôn cũng khuyến khích cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt các ông bà cố sốt sắng cầu nguyện cho tất cả các linh mục, nhất là các tân chức của Đan viện được sức mạnh và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để các tân linh mục và phó tế tận tâm tận lực phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và phục vụ mọi người.

Những tâm tình đơn sơ và những câu chuyện dí dỏm của Đức giám mục giáo phận Đà Lạt tiếp tục được quảng diễn và cô đọng qua tâm tình các lời ca trong các bài thánh ca xoay quanh chủ đề tạ ơn và thánh hiến do ca đoàn các thầy trong Đan Viện đảm nhiệm.

Với lễ phong chức này, ba tân Linh mục và 8 tân Phó tế của Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương ghi dấu một giai đoạn quan trọng trên hành trình theo thầy Giêsu và qua đó cũng được mời gọi sống và phục vụ cộng đoàn và nhân loại trong sứ mạng mới: phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy và bác ái. Giáo hội và nhân loại chờ đợi "Họ là thừa tác viên của Đức Giêsu Kitô, Đấng ở giữa các môn đệ như người tôi tớ phục vụ; họ hãy hết lòng tìm thánh ý Chúa mà sống theo và hãy hân hoan phục vụ Chúa và quảng đại phục vụ tha nhân". Tất nhiên các tân chức sẽ thi hành các nghĩa vụ mới đó trong Đan viện của mình đúng theo ơn gọi và đặc sủng của người Đan sĩ Xitô giữa lòng Giáo hội và xã hội.

Sau phép lành cuối lễ, một trong ba tân linh mục thay mặt cho cộng đoàn Đan viện và các anh em tân chức ngỏ lời cảm ơn Đức Cha Giáo Phận, qúi bề trên của các Hội dòng nam nữ, quý cha đồng tế, quý tu sĩ, thân nhân ân nhân bằng lời cám ơn chân thành vì đã hy sinh giúp đỡ cách này hay cách khác cho các tân chức có được những điều kiện thuận lợi để tiến lên chức thánh phục vụ cộng đoàn, Giáo hội và dân Chúa trong ơn gọi Xitô.

Thánh lễ kết thúc vào khoảng 11 giờ 15. Sau thánh lễ, Đức Cha, quý Viện Phụ và quí cha đồng tế cùng gia đình và các thân nhân bạn hữu chụp hình lưu niệm với các tân chức tại gian cung thánh của nhà nguyện. Sau đó, mọi người cùng ra sân trước của Học viện để chia sẻ bữa tiệc huynh đệ trong tâm tình tạ ơn và chung niềm vui với Đan viện và các tân chức.
 
 Mai Thi
(VietCatholic News)
 

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

GIÁO PHẬN DALAT PHONG CHỨC LINH MỤC

Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục 
Tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Đàlạt 24.11.2012

Thiên chức Linh mục là một hồng ân vô cùng cao quý mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người. Hồng ân này biểu lộ tình yêu thâm sâu của Thiên Chúa, vì đây là Bí tích do chính Chúa Giêsu thiết lập đồng thời với Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu.

Hồng ân cao quý này được tuôn tràn trên Giáo phận Đàlạt khi Đức Cha Antôn, Giám mục Giáo phận, truyền chức Linh mục cho 20 thầy Phó tế, trong Thánh Lễ đồng tế trọng thể lúc 9 giờ 30 ngày 24.11.2012 tại Trung tâm mục vụ của Giáo phận. Càng thêm nhiều ý nghĩa khi trong Thánh Lễ này, Giáo Hội Việt Nam hân hoan ghi nhớ ngày thiết lập Hàng Giáo Phẩm (1960) với lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những chứng nhân trung kiên đã dùng chính mạng sống mình để bảo vệ đức tin, để minh chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, để rao giảng về một Đức Kitô đã chết và sống lại…



(simonhoadalat.com)

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu sĩ và Quý Cộng đoàn,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Thuận Phát vừa được tin :


Cha STÊPHANÔ
NGUYỄN TÍN (CHÂN TÍN), CSsR
sinh ngày 15.11.1920 tại Thừa Thiên-Huế

Ngày 02.08.1944: Khấn lần đầu trong DCCT
Ngày 06.06.1949: Lãnh sứ vụ Linh mục

Cha Stêphanô đã nhiều lần đến giúp mục vụ
tại Giáo Xứ Thuận Phát 

đã được gọi về nhà Cha lúc 16g15 Thứ Bảy, ngày 01.12.2012
tại Nhà Hưu Dưỡng - Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam,
số 38 Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, Saigon.


Hưởng thọ 93 tuổi.
68 năm tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế,
63 năm Linh mục.


Lễ Nhập Quan lúc 16g30, 
Chúa Nhật, ngày 02.12.2012.

Nghi thức di quan đến nhà thờ 
cử hành lúc 21 giờ 00, Thứ Hai ngày 03.12.2012.

Thánh lễ an táng cử hành lúc 6g00, 
Thứ Ba, ngày 04.12.2012, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon, 38 Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, Saigon.

Sau đó di quan đi hoả táng tại Bình Hưng Hoà, Bình Tân, TP.HCM

Kính xin Quý Cha, Quý Tu sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Linh Hồn Cha STÊPHANÔ sớm được hưởng Thánh Nhan Chúa.
Kính Báo 
Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát


Cha Stêphanô đi cấp cứu
Cha Stêphanô an nghỉ trong Chúa
ĐHY Gioan Bt Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục, TGP Saigon viếng Cha Stêphanô
 (VRNs)

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

LỜI CHỦ CHĂN THÁNG 12.2012

Tháng 12.2012
Tòa TGM thành phố HCM
 
LỜI CHỦ CHĂN
Sống phẩm vị làm người

Kg linh mục, tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận 

Anh chị em thân mến,
1. Tháng 12 là thời gian chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Con Thiên Chúa giáng thế làm người trong thiên hạ. Một biến cố trọng đại trong lịch sử thế giới loài người. Trọng đại, không chỉ vì lễ Giáng Sinh trở thành lễ hội trong xã hội, thành cơ hội cho mọi người, mọi gia đình sum vầy, chúc mừng và tặng quà cho nhau. Song trọng đại nhất là vì Con Thiên Chúa làm người mời gọi con người đảm nhận sứ mạng làm người con Thiên Chúa và làm anh em với nhau trong trời đất, đồng thời tạo điều kiện cho con người được tự do sống phẩm vị làm người trong thiên hạ. Đức Giêsu Kitô mời gọi và tạo điều kiện như thế là nhằm đáp lại khát vọng của lòng người mong muốn được thoát ra khỏi bóng tối sự dữ, và được sống dồi dào trong ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an.
 
2. Lịch sử loài người xác minh rằng những gì con người tự nghĩ ra, phát minh, sáng chế, làm ra, có góp phần cho sự tiến bộ của nhân loại, nhưng đồng thời luôn để lại những vấn đề nghiêm trọng cho đời sống con người, để lại những bất ổn và xáo trộn cho gia đình, những tiêu cực và bất công, những chia rẽ, chống đối và loại trừ nhau trong xã hội. Nguyên nhân sâu xa làm cho đời sống con người bị che phủ bởi bóng tối của văn hóa sự chết, có thể : 
  •  do lòng trí và tầm nhìn con người bị hạn chế.
  • do tình trạng sa mạc hóa tinh thần làm cho đời sống con người thiếu vắng ánh sáng chân lý, thiếu lửa tình yêu vị tha, thiếu ý thức tôn trọng sự sống cùng phẩm giá con người.
  • do lối sống của nhiều người lệ thuộc vào lòng tham sân si cố hữu cùng bản năng tự vệ bẩm sinh mang tính khép kín và đối kháng chống lại những gì ngược lại lòng ham muốn của họ.
3. Chính vì thế mà trong Năm Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI kêu gọi mọi người hãy trở về với Đức Giêsu Kitô là nguồn ánh sáng chân lý, là cội nguồn sự sống và niềm tin. Trở về với quyết tâm đáp lại lời mời gọi của Ngài, bước đi trong đường lối của Ngài, đưa Lời Ngài là Lời ban nguồn nước hằng sống, Lời ban ánh sáng chân lý và tình yêu, đưa vào trong suy nghĩ và hành động thường ngày để Phúc Âm hóa canh tân đổi mới đời sống.
  • Trước hết, Phúc Âm hóa có nghĩa là ý thức sống luật Chúa truyền: thay vì chống đối và loại trừ nhau, hãy yêu thương và tôn trọng nhau, quảng đại bao dung, đồng cảm và tương thân tương trợ, mở đường cho nhau sống theo Lời Chúa dạy, theo gương Chúa đã sống.
  • Sống theo Lời Chúa dạy hãy cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới theo hình mẫu Con Người Mới chính là Ngài. Con người cũ là con người sống lệ thuộc lòng ham muốn mang tính khép kín và đối kháng. Con người mới là con người sống theo lòng nhân, lòng đạo, lòng tin nơi Chúa Giêsu Kitô, sống theo ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa, trong suy nghĩ và hành động thường ngày của mình.
  • Sống theo gương Chúa đã sống. Công trình cứu độ của Chúa Giêsu là phục hồi phẩm giá con người, mở đường cho con người được tự do sống phẩm vị làm người. Hãy ý thức sống theo gương Chúa, đặc biệt trong gặp gỡ và đối xử với những con người bị xã hội kết án, loại trừ. Hãy học cách Ngài đối xử với ông Gia kêu là người bị xã hội kết án làm giàu cách bất công bóc lột kẻ khác. Cách Ngài đối xử với người phụ nữ làng Xamari bị dân làng khai trừ vì sống với nhiều người đàn ông không phải là chồng mình. Cách Ngài đối xử với người phụ nữ bị mang đi xử tử vị tội ngoại tình. Cách Ngài đối xử với những môn đệ phản thầy, chối thầy, bỏ cuộc... Tất cả những cách đối xử đó vừa tạo điều kiện cho con người được sống, sống trong sự tôn trọng phẩm vị làm người, vừa mở đường cho chúng ta vượt qua những vấn đề trong xã hội, để loan báo Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương, cùng góp phần xây đắp nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương cho xã hội và thế giới hôm nay.
4. Lịch sử cũng xác minh loài người trong thế giới xưa nay cũng có cung nhiều loại nước khác nhau, nước ít nhiều trong lành, nước ô nhiễm và độc hại. Chỉ có Chúa Giêsu cùng Lời của Ngài cung cho con người nguồn nước chắc chắn là trong lành, đáp lại những khát vọng, những nhu cầu sâu xa của lòng người. Công cuộc Phúc Âm hóa và canh tân đổi mới đời sống, tạo cho chúng ta khả năng phân định và chọn nguồn nước thật sự trong lành, khả năng trở nên giếng nước đầu làng, trở nên người đã đón nhận nguồn nước trong lành, và trở về chia sẻ những cảm nghiệm của lòng mình cùng loan báo Tin Mừng Sự Sống cho dân làng.
 
5. Trong Mùa Giáng Sinh cũng như trong Năm Đức Tin, tôi cầu mong cho mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đoàn, trở nên giếng chứa nước trong lành, đồng thời trở nên sứ giả loan báo Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương của Chúa Giêsu Kitô, thông truyền cho nhau Lời hằng sống ban ánh sáng chân lý và tình yêu cho bà con láng giềng, cho đồng bào và đồng loại của mình. Nguồn nước đó, Lời ban sức sống mới đó, sẽ tạo khả năng cho mọi người chủ gia đình, mọi người đứng đầu các tổ chức đạo đời, xã hội, kinh tế, chính trị, mọi người tham gia việc quản lý đất nước và thế giới hôm nay, chu toàn bổn phận tu thân và giáo dục, tề gia và trị quốc, phát triển xã hội và kinh tế, vừa thuận ý trời (thiên thời), vừa hợp với truyền thống văn hóa và giáo huấn của đạo làm người (địa lợi), vừa hòa với lòng nhân, lòng đạo của con người (nhân hòa). Cầu mong nhờ sự đổi mới đời sống con người, lời chúc Một Mùa Giáng Sinh an bình cùng Một Năm Mới an khang thịnh vượng, trở thành hiện thực trong mỗi gia đình cùng xã hội và thế giới hôm nay.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám Mục

CẦU CHO NHAU SỐNG PHẨM VỊ LÀM NGƯỜI

Lạy Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân hậu,
Cha đã cho Con Cha làm người ở giữa chúng sinh.
Để soi dẫn con người sống phẩm vị làm con Cha,
Cùng sống tình huynh đệ bốn biển anh em một nhà.

Đức Giêsu Con Cha đã trao tặng cho con người
Lời hằng sống ban ánh sáng chân lý và tình yêu,
Mở đường cho mọi người vượt qua lòng tư kỷ và hận thù,
Và ý thức tôn trọng phẩm vị làm người trong thiên hạ.

Xin cho mọi người sống trong sự tôn trọng lẫn nhau,
Đồng cảm, yêu thương phục vụ và tương thân tương trợ,
Một lòng xây đắp nền văn hóa sự sống và tình thương,
Cùng nhau kiến tạo nền hòa bình chân chính và vững bền.

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN KONTUM (6)

Ngày Cuối Chuyến Viếng Thăm Mục Vụ
Của Đức Tổng Giám Mục Léopoldo Girelli
Tại Giáo Phận Kon Tum

Chuyến Viếng Thăm Mục Vụ của Đức Tổng Giám Mục Léopoldo Girelli Tại Giáo Phận Kon Tum đã hoàn tất vào sáng Thứ Bảy, 24/11/2012.

Đây quả là một Chuyến Viếng Thăm rất đầy tràn và rất sinh động đối với Vị Đại Diện Đức Thánh Cha.

Với những con đường gồ ghề, quanh co, khúc khuỷu…, với những Giáo Xứ, Giáo Họ từ Trung tâm Thành Phố đến tận mút cùng địa giới của Giáo Phận…, từ vùng núi cao xuống các lòng chảo…, Đức Giám Mục Giáo Phận đã hướng dẫn Ngài đi thăm tất cả gồm 9 Huyện và hai Thành Phố chính cùng các Thị Xã thuộc hai Tỉnh Kon Tum và Gia Lai trong năm ngày.


Điều để chúng ta chú ý là, trong chuyến Viếng Thăm này, Vị Đại Diện của Đức Thánh Cha không chỉ đi qua như kiểu cưỡi ngựa xem hoa, mà là với những cuộc tiếp xúc, với những bài Huấn Từ không nơi nào giống nơi nào..!


Để thực hiện được chuyến viếng thăm đầy ắp này, Đức Tổng Giám Mục Léopoldo Girelli đã phải vượt qua biết bao cây số ngàn nếu tính tổng cộng lại… Thế nhưng từ đầu và cho đến phút cuối này, Ngài vẫn luôn tươi cười và không hề để lộ ra chút gì là mệt mỏi! Đúng là Người Chúa đã ủy thác và sai đi!


Sáng hôm nay, cùng với bình minh của ngày thứ bảy, 24/11/2012; Ngài đã thức dậy thật sớm để cùng với Giáo Hội Việt Nam cử hành Thánh Lễ Mừng Kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Trung Tâm Truyền Giáo PleiChuet.


Tất cả các Cha vùng Gia Lai, và có một số Cha từ Kon Tum đã về để cùng dâng Thánh Lễ với Đức Tổng Giám Mục; và đồng thời cũng để thay mặt toàn Giáo Phận Kon Tum cảm ơn về chuyến viếng thăm, và để tiễn Người lên đường về lại Singapore.





(giaophankontum.org)

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C 02-12-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật I Mùa Vọng năm C 02-12-2012.
Cha Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng )
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C (Lc 21, 25-28, 34-36)



HƯỚNG VỀ NGÀY CHÚA ĐẾN

Hôm nay Giáo Hội bước vào chu kỳ Năm Phụng vụ mới bắt đầu với Mùa vọng. “Mùa vọng” là danh từ “Nôm”, “vọng” (望) là chữ mượn Hán, có nghĩa là: hướng đến, trông chờ, mong đợi. “Mùa vọng” tiếng La tinh là “Adventus”, có nghĩa là: đến, hiện diện hay hiển trị. Trong cử hành phụng vụ, Mùa vọng gồm 4 Chúa nhật và chia làm hai giai đoạn: giai đoạn một từ Chúa nhật I Mùa vọng đến hết ngày 16/12 là thời gian hướng tâm hồn người tín hữu đến ngày Quang lâm, ngày Chúa Kitô trở lại lần thứ hai trong vinh quang; giai đoạn hai từ ngày 17 – 24/12, là tuần lễ chuẩn bị trực tiếp mừng lễ Giáng sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người.

Cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn hướng về “Ngày Chúa đến”.

Bài đọc 1, tiên tri Giêrêmia tuyên sấm về một Đấng Công chính mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại để giải thoát muôn dân: “Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực.” (Gr 33,15). Đấng Công chính ấy là Đức Giêsu Kitô giáng trần để ban cho nhân loại Tin Mừng Tình yêu cứu độ.

Bài đọc 2, Thánh Phaolô mời gọi dân thành Thêxalônica hãy sống Tin Mừng tình yêu để xứng đáng đón Chúa đến lần thứ hai. "Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết… Có như thế thì… anh em mới được bền tâm vững chí không có gì đáng chê trách… trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.” (1Tx 3,12-13).

Bài Tin Mừng, thánh Luca mượn ngôn ngữ khải huyền của Cựu Ước để nói về lần thứ hai Chúa đến, đó là ngày quang lâm. “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 34-36).

Thời gian gần đây (cuối tháng 11/2012) trên mạng lại bắt đầu râm ran tin tức đã gây ồn ào một thuở trước đây là ngày 21/12/2012 sẽ là ngày tận thế theo lịch người Maya cổ đại. Người ta lại nhân danh cả cơ quan Hàng không và Vũ trụ NASA của Mỹ làm vỏ bọc cho sự chính xác, củng cố niềm tin của độc giả. Tin tức này đã được các tờ báo hay các trang mạng lật tẩy sự “nửa vời”, không chính xác và thiếu thành thật. Thế nhưng nó cũng tạo ra một hiệu ứng hoang mang lo lắng cho một số người thiếu sự suy nghĩ chín chắn.

Chính Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 đã kêu gọi mọi người công giáo không nên dừng lại ở “sự tò mò về thời điểm và các lời dự báo” hôm 18/11/2012 tại Vatican. Từ bài Tin Mừng trong ngày Chúa nhật 33 Thường niên (Mc 13, 24-32), Chúa Giêsu tiên báo về “bầu trời trở nên âm u” và “các vì sao rơi rụng xuống từ trời”, ngài giải thích: Chúa Giêsu không hành động như một “nhà tiên tri” mô tả “ngày tận thế”, mà ngược lại muốn giải thoát vĩnh viễn các môn đệ khỏi các lời tiên đoán về thời điểm thế giới sẽ bị tận diệt; Chúa Giêsu “muốn mang lại cho các tín đồ chiếc chìa khóa cho sự suy ngẫm sâu sắc hơn, đúng bản chất hơn, và nhất là chỉ ra con đường phải đi hôm nay và ngày mai để bước vào cuộc sống vĩnh hằng”. Cuối cùng Ngài khẳng định: “Tất cả rồi sẽ trôi qua, nhưng lời của Chúa không hề thay đổi”.

Giả như ngày tận thế có xảy ra thật vào ngày 21.12.2012 thì cũng chẳng có gì phải lo lắng nếu sống đúng lời dạy trong trang Tin Mừng hôm nay là “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. “Đứng thẳng và ngẩng đầu lên” là sống bác ái, công bằng, thành thật theo Tin Mừng. “Tỉnh thức và cầu nguyện luôn” là luôn trong tư thế sẵn sàng, lòng qui hướng về Chúa, về đời sống mai sau mà vượt thắng mọi cám dỗ đam mê tội lỗi. Chúng ta chỉ hoang mang lo sợ ngày tận thế khi chúng ta đang ở trong tình trạng nặng nề, chìm đắm, buông thả, chạy theo những sự chóng qua của thế gian.

Ước mong Lời Chúa hôm nay soi dẫn để mỗi người chúng ta biết thức tỉnh, luôn ý thức mình là con cái Thiên Chúa có quê hương đích thực trên trời mà luôn quảng đại dấn thân sống yêu thương phục vụ theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu và luôn kết hiệp với Người trong mọi phút giây của cuộc sống. Có như thế chúng ta là những tín hữu “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”; là những chiến sĩ trong tư thế sẵn sàng chờ đợi Chúa trong ngày quang lâm chung thẩm. Amen.

Lm. Tôma Nguyễn Văn Hiệp
(thanhlinh.net)