Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

CHẦU THÁNH THỂ NĂM ĐỨC TIN

Thông báo về việc cử hành giờ Chầu Thánh Thể Năm Đức Tin
tại các Nhà thờ trong Tổng Giáo phận
(WHĐ, 19.05.2013) – Văn phòng tổ chức Năm Đức Tin của Tòa Thánh Vatican vừa gửi đến các giám mục Việt Nam lá thư về việc tổ chức Giờ Chầu Thánh Thể trên toàn thế giới, vào Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, ngày 2 tháng 6 năm 2013. Trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và với Giáo hội toàn cầu, chúng tôi kính gửi đến quý Đức cha và tất cả anh chị em tín hữu bản dịch lá thư này.

Văn phòng thư ký HĐGMVN



(WGPSG)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM C (Ga 16, 12-15)


Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

VIDEO ĐỨC HỒNG Y TỔNG GIÁM MỤC GIÁO PHẬN SAIGON CHÚC MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2013

KHI NICK VUJICIC GIẢNG THUYẾT Ở VIỆT NAM, BAN TỔ CHỨC CẤM THÔNG DỊCH VIÊN NHẮC ĐẾN DANH CHÚA

Sự kiện "người không chân tay" Nick Vucijic đến Việt Nam giảng thuyết vào ngày hôm qua thu hút mạnh sự chú ý của công luận. Nhiều người trong số chúng ta đã biết, dù đi đến đâu trên khắp thế giới, Nick đều trích dẫn Lời Chúa trong nội dung giảng thuyết của anh ta. Thế nhưng, khi Nick giao lưu giảng thuyết ở Việt Nam, ban tổ chức sự kiện này đã cấm người thông dịch viên bỏ đi những lời mà Nick nhắc đến Kinh Thánh và Danh Chúa.

Sau đây là lời bạch hóa của ông Vương Hữu Hùng (còn gọi là Francis Hùng) - một nhà giảng thuyết nổi tiếng ở Việt Nam, cũng là một tín hữu Tin Lành - về chi tiết này. Ông bị ban tổ chức loại khỏi vai trò thông dịch vì ông không đồng ý lược bỏ những đoạn mà Nick nói về Kinh Thánh và Danh Chúa. Toàn văn lấy từ trang Facebook cá nhân của ông Vương Hữu Hùng: https://www.facebook.com/vuonghuuhung/posts/10201168607967739

----

Như đã hứa trả lời cho công chúng lý do tại sao ban tổ chức sự kiện Nick mời tôi phiên dịch chính thức cho tất cả buổi nói chuyện của Nick nhưng cuối cùng tôi lại không tham gia. Trước sự kiện tôi có hứa là sẽ trả lời ngay sau khi sự kiện diễn ra, tối qua nếu các bạn có xem truyền hình trực tiếp thì đã phần nào biết được lý do. Và đây là sự thật:

Buổi họp cuối cùng trước khi sự kiện diễn ra có đại diện của Nick tại Việt Nam, công ty truyền thông và ban lãnh đạo Tôn Hoa Sen, có sự tham dự của anh Vũ người sáng lập Tôn Hoa Sen và là “ chủ xị” của sự kiện. Tất cả phiên dịch viên đều phải dự phỏng vấn và trải qua bài kiểm tra dịch trực tiếp từ Video trước khi được xác nhận ai là phiên dịch chính trên sân khấu và ai sẽ là phiên dịch dự phòng. Tôi hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra, thỏa mãn yêu cầu của ban tổ chức.

Buổi họp cuối cùng tôi đến trể có thông báo trước, khi bước vào phòng họp, sau vài câu xã giao thì anh Vũ nói với ban tổ chức: Tôi muốn các bạn bố trí em Hùng này là phiên dịch chính cho toàn bộ buổi nói chuyện trên sân khấu của Nick. Tôi thấy em Hùng phù hợp”.

Anh quay sang tôi nói tiếp: Hùng phải chuẩn bị lúc nào cũng có 3 bộ đồ để thay, đồ vest, sơ mi và quần Jean áo thun để phù hợp với bối cảnh , đây là sự kiện quan trọng mà chúng tôi đã tốn rất nhiều tiền để sự kiện được diễn ra”. Tôi nói, “dạ vâng”.

Anh Vũ nói tiếp: Có một điều kiện bắt buộc Hùng phải chấp thuận thì Hùng mới dịch được, điều kiện đó là “ KHÔNG ĐƯỢC NÓI ĐẾN DANH CHÚA, KHÔNG NÓI ĐẾN TÔN GIÁO, KỂ CẢ TRONG TRƯỜNG HỢP NICK NÓI THÌ ANH CŨNG PHẢI DỊCH KHÁC ĐI HOẶC LÀM THINH KHÔNG ĐƯỢC PHÉP DỊCH”

Sau đó anh tiếp tục thảo luận về mức phí tôi đưa ra, tôi nói với anh Vũ rằng: Em đã giảm một tỷ lệ % rất lớn mức phí để phục vụ cho sự kiện, và đây là mức phí phiên dịch của em…. Tuy nhiên, trong trường hợp ngân sách ban tổ chức eo hẹp không đủ tiền, thì em sẵn sàng hỗ trợ theo ngân sách của ban tổ chức”.

Anh Vũ nói: Ban tổ chức có thừa tiền, không bao giờ thiếu, tuy nhiên mức phí của em là không thể chấp nhận được, em làm cái này là vì cộng đồng hay là vì kinh doanh?

Tôi trả lời: Nếu phục vụ cộng đồng mà kèm theo mức phí tượng trưng thì vẫn tốt và vui hơn (vì cách em cống hiến cho cộng đồng rất khác so với cách của anh – tôi nghĩ thầm), anh vừa xác nhận với em là ban tổ chức thừa tiền chứ không thiếu. Một giờ nói chuyện của em đã là… $, ở sự kiện này em chỉ nhận tượng trưng… $ cho mỗi bài diễn thuyết của Nick, tuy nhiên anh đã quyết định ngân sách dành cho phiên dịch chỉ là… $ cho mỗi bài nói chuyện, em chấp thuận để cho sự thành công của chương trình tốt hơn.

Anh Vũ hỏi: Lý do nào mà Hùng nghĩ có thể dịch thành công cho Nick?

Tôi trả lời: Trước hết em là một diễn giả chuyên nghiệp, em hiểu cảm xúc sân khấu của một diễn giả, khả năng ngoại ngữ của em đã qua các vòng kiểm chứng của ban tổ chức và điều quan trọng nhất là EM CŨNG LÀ NGƯỜI TIN CHÚA NÊN SẼ DỊCH CHÍNH XÁC KHI NICK NÓI VỀ CHÚA.

Khuôn mặt của anh Vũ biến sắc, anh vội nói: Lần này không hợp tác được với anh Hùng, lần khác vậy. (Mặc dù trước đó chưa đầy 15 phút anh chỉ đạo cho ban tổ chức là chọn tôi dịch chính cho sự kiện). Anh Vũ theo đạo Phật nên tôi có thể hiểu.

Các bạn thân mến,

Là một Cơ-Đốc Nhân, tôi muốn làm chứng về việc Chúa cứu tôi khỏi phạm tội trước Ngài thông qua sự kiện này là như thế này:

• Nếu tôi hứa với anh Vũ không được phép dịch Danh của Chúa kể cả trong trường hợp Nick nói đến Danh của Chúa, mà tôi vẫn dịch thì tôi phạm tội không trung tín trong lời hứa

• Nếu tôi đồng ý với anh Vũ là sẽ không dịch, hoặc dịch khác đi khi Nick nhắc đến Chúa thì tôi sẽ phạm tội chối Chúa trước hàng triệu người. Lời Đức Chúa Jesus Christ đã nói rõ “ Ai chối Ta trước mặt thế gian, Ta sẽ chối người đó trước mặt Cha”.

Điều tuyệt vời Chúa cứu tôi là Ngài khiến cho anh Vũ không chọn tôi trước khi tôi đưa ra quyết định, lời cầu nguyện “ Xin giữ con khỏi mọi sự dữ” mà Chúa dạy cho chúng ta cầu nguyện, tôi thấy Ngài thực hiện điều đó (gìn giữ tôi khỏi sự dữ) thật là quá tuyệt vời. Cảm tạ Cha.

Và sự việc chưa dừng lại ở đây, theo kế hoạch ngày 26/5 (Sáng Chúa Nhật), Nick muốn đến thăm và có buổi nói chuyện ở nhà thờ Tin Lành Gia Định, ban tổ chức nói với tôi là nếu Bộ Công An và phía An Ninh cho phép, họ sẽ mời tôi dịch cho Nick ở nhà thờ Gia Định. Khi ở trong nhà thờ, thì Nick thoải mái nói về Chúa và tôi thoải mái dịch. Các anh chị em Cơ – Đốc nhân tiếp lời cầu nguyện cho sự kiện này có thể diễn ra nhé. Cho đến ngày hôm nay, phía An Ninh vẫn chưa đưa ra quyết định là có cho phép hay không

Ai chứng kiến chương trình tối qua thì sẽ thấy Danh Chúa Jesus Christ đã không được dịch , câu nói của Nick nói sau khi nữ khán giả chơi xong bản nhạc và Nick chào tạm biệt cô ấy là “ God Bless You” , phiên dịch viên đã không dịch câu này. Người phiên dịch viên không phải là con cái Chúa.

Toàn bộ sự việc đã diễn ra như vậy. Trong chương trình tối qua, khi Nick bị hạn chế không được diễn đạt đức tin của mình thì Nick “ không có gì nhiều để nói”, nhưng nếu Nick được thoải mái giảng lời Chúa thì bài nói chuyện sẽ khác đi, sẽ sinh động sẽ đầy sự khôn ngoan. Cho nên sáng Chúa Nhật này ngày 26/5 từ 6-8 giờ sáng tại nhà thờ Gia Định đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận, nếu sự kiện diễn ra bạn sẽ bắt gặp một Nick hoàn toàn khác, bạn sẽ học được nhiều điều sâu sắc hơn thay vì những câu khẩu hiệu suông trong chương trình tối qua.


-(hết trích)-

Gioan
(VietCatholic News)

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 17 - 23.5.2013




Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

VIDEO TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO SÁNG 13.5.2013

GIÁO HÔI CÙNG DÂNG LỜI CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN CƠN LỐC XOÁY Ở OKLAHOMA

Sau cơn lốc xoáy tàn phá Oklahoma city ngày 20 tháng 5, các cấp lãnh đạo Giáo Hội đã gửi lời phân ưu và cầu nguyện tới những người bị ảnh hưởng bởi cuộc thiên tai.

Xem hình>>

Đức Hồng Y Timothy Dolan của Tổng Giáo Phận New York, cũng là chủ tịch Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã gửi văn thư tới Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Oklahoma City như sau:

"Trước cảnh mất mát của các gia đình, nhà cửa, trường học, khu dân cư, và thậm chí cả một bệnh viện địa phương, những cảnh tàn phá ấy đã thôi thúc chúng tôi cùng sát cánh với ĐGM và tất cả những người dân tốt lành của thành phố Moore trong lời cầu nguyện cho những nỗ lực cứu trợ và xin ơn an ủi để làm giảm bớt nỗi đau khổ của những người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi thảm họa khủng khiếp này".

Xin cho những lời của Chúa Giêsu: 'Này Ta sẽ ở với các con luôn mãi', và việc Ngài đã dẹp yên các cơn bão, mang lại sự hy vọng và sự an ủi vào thời điểm nhạy cảm này trong lịch sử của giáo phận".

"Xin cho tất cả những người đang trong cơn đau buồn có thể cảm nhận được sức mạnh của Thiên Chúa và sự cảm thông của tất cả những người đang đứng sát cánh cùng họ, từ khắp nơi, ở tại địa phương cũng như từ hàng ngàn dặm xa xôi."

Riêng tại tổng giáo phận Oklahoma city, Đức Tổng Giám Mục Paul S Coakley đã lên tiếng cam kết với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cơn lốc rằng Ngài và các tín hữu Oklahoma sẽ cùng đi với họ "không chỉ là trong vài ngày tới, nhưng còn là trong nhiều tuần, tháng và năm để tái thiết".

ĐTGM nói: "Mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi là cho các nạn nhân đã thiệt mạng hoặc mất những người thân yêu hoặc bị thương tích hoặc mất mát tài sản, chúng tôi xúc động trước những nỗ lực cứu cấp đầu tiên, trước những người đã liều mạng sống của mình để giúp đỡ người khác trong thời gian cần thiết này. Chúng ta nợ họ một món nợ của lòng biết ơn và chúng tôi xin đảm bảo với họ những lời cầu nguyện của chúng tôi. Càng sớm càng tốt, tôi sẽ đến Moore để hỗ trợ và an ủi bất cứ ai cần hoặc muốn. Trong những thời buổi như thế này, chúng ta hãy lấy hy vọng từ lời mời gọi của Chúa Giêsu rằng hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến với Ngài và tìm thấy sự yên nghỉ".

Catholic Charities OKC và toàn thể tổng giáo phận sẽ làm việc với những người khác để đảm bảo một phản ứng trơn tru và toàn diện không chỉ cho những nhu cầu trước mắt của những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão dữ dội, nhưng cũng còn cho những nhu cầu dài hạn khi họ xây dựng lại cuộc sống. Chúng tôi sẽ ở lại đây trong một thời gian dài và thường thì chúng tôi là những người cuối cùng sẽ ra đi (khi xong việc.)

"Tổng Giáo Phận Oklahoma City đã nhận được rất nhiều lời thăm hỏi và lời cầu nguyện từ khắp đất nước và trên thế giới, từ Đức Giáo Hoàng, từ sứ thần Tòa Thánh, Tổng giám mục Carlo Maria Viganò và Đức Hồng Y Timothy Dolan, chủ tịch hội Đồng Giám Mục Công Giáo HK. Chúng tôi xin hết lòng tri ân".

"Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin và sẽ tiếp tục cầu nguyện cho tất cả những người mà cuộc sống đã bị xáo trộn bởi thảm họa này."

"Hội Hiệp Sĩ Columbus, một hội đòan Cộng Giáo dành cho qúi ông, ngày 21 tháng 5 đã công bố tất cả các đóng góp sẽ được dồn về cho các nạn nhân ở đây.

Nhắc lại, vào buổi chiều ngày 20 tháng 5, một cơn lốc xoáy với cường độ EF-5 đã quét qua vùng Oklahoma city. Tính đến chiều thứ Ba, có 24 nạn nhân xác nhận là thiệt mạng, trong đó có 9 trẻ em, và hơn 230 người bị thương tích trầm trọng.

Phần lớn các thiệt hại xảy ra ở Moore, Oklahoma, là vùng ngoại ô phía Nam của thành phố Oklahoma. Đây là cơn lốc xoáy lớn thứ năm đã tấn công vùng này kể từ năm 1998.

Có một số dân cư VN ở rải rác trong vùng, kể cả một giáo xứ VN là giáo xứ An Rê Dũng Lạc, nhưng chưa nghe thấy có báo cáo thiệt hại về tài sản hoặc thể chất nào. Trừ một cô giáo đang dậy lớp 3 tại trường tiểu học Plaza Towers elementary school, là ngôi trường đã bị phá xập hoàn toàn với gần 500 học sinh trong đó.

Cô giáo VN có tên là Jennifer Doan, 30 tuổi, hiện đang được cấp cứu và có hy vọng sẽ hồi phục hoàn toàn, cô bị gẫy xương nhiều nơi và nhiều thương tích khác.

Theo tin cuả CBS thì cô Jennifer Doan là một vị anh hùng đã lấy thân mình làm bia che chở cho các học sinh. Lúc đó cô đang giữ học sinh trong hành lang để đợi cha mẹ đón về. Khi cơn lốc xoáy bất ngờ đổ xuống thì vẫn còn 11 em ở với cô. Cô đã ôm lấy chúng và lấy lưng ra đỡ cho chúng khi bức tường xụp xuống.

Hai đưá bé được cô ôm vào lòng sống sót.

Nằm trong phòng cấp cứu cô không ngừng hỏi thăm về học sinh cuả mình, cô kể lại những tiếng kêu thất thanh cuả các em khi chúng không thể thở được hoặc chúng không còn bám viú vào đâu được nữa.

Theo AP thì cô Jennifer đang có thai được 8 tuần. Cầu xin cho cô được mẹ tròn con vuông.

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP ĐỘI BÓNG VÔ ĐỊCH Ý JUVENTUS

VATICAN – Chiều hôm qua, Thứ Ba, 21/05/2013, tại phòng khách Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến riêng phái đoàn câu lạc bộ bóng đá Juventus thành Turino, mà cách đây hơn hai tuần, đội đã thành công giữ lại cho mình chiếc cúp vô địch serie A Italia đạt được từ mùa giải năm trước.

Đây là lần đầu tiên, Juventus được tiếp đón tại Vatican. Có mặt trong đoàn gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Tòa Thánh Vatican bao gồm vị Chủ tịch câu lạc bộ Andrea Agnelli, các nhà quản trị câu lạc bộ như Giuseppe Marotta, Aldo Mazzia và Claudio Albanese, Huấn luyện viên trưởng Antonio Conte và thủ môn kiêm Đội trưởng, cầu thủ Gianluigi Buffon.

Ngỏ lời buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô và ông Chủ tịch câu lạc bộ Agnelli đã nhấn mạnh đến giá trị của thể thao như là một yếu tố hun đúc tình hiệp nhất giữa con người với nhau. Nhân dịp này Câu lạc bộ Juventus tặng Đức Thánh Cha chiếc áo cầu thủ của Buffon mang dòng chữ ghi tặng của toàn đội, cùng với bản sao chiếc cúp vô địch.

Khi còn là Hồng Y tại Buenos Aires, Đức Thánh Cha Phanxicô có thói quen đến sân vận động rất đều đặn để cổ động cho câu lạc bộ San Lorenzo. Từ khi làm giáo hoàng, ngài đã nhận được rất nhiều áo cầu thủ của các câu lạc bộ khác nhau trên khắp thế giới trong lúc đi chào mọi người đến tham dự buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần.

Sau buổi tiếp kiến riêng của Đức Thánh Cha, các đại diện câu lạc bộ đội bóng thành Turino còn gặp gỡ Hội Những Người Bạn thuộc Câu Lạc Bộ Juventus tại Tòa Thánh để ăn mừng danh hiệu Scudetto mà đội tuyển vừa đạt được trong mùa giải thi đấu năm nay.

Với chiến thắng trên sân nhà 1- 0 khi tiếp câu lạc bộ khách Palermo hôm 05/05/2013 ở lượt đấu thứ 35 của giải, Juventus đã sớm bảo vệ thành công chức vô địch khi mùa giải vẫn còn đến 3 trận đấu. Đây là danh hiệu Scudetto lần thứ 29 của Câu lạc Bộ.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
(VietCatholic News) 

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

THÁNG HOA ĐẾN VỚI ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN CỦA KONTUM

Tôi được diễm phúc hành hương Mẹ Măng-đen tại Kontum trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và cũng là những ngày trung tuần của tháng Năm- tháng Hoa kính Mẹ.
 
 
Từ Saigon đi mất khoảng 16 giờ đồng hồ với 700 cây số, vì quốc lộ 14 quá xuống cấp với nhiều ổ voi và ổ trâu.

Trung tâm hành hương Mẹ Măng-den của Gp. Kontum cách thành phố Kontum khoảng 50 km về hướng đông bắc.


Đường đi xấu và hiểm trở, tuy nhiên nỗi lòng nao nức khi được đến viếng mẹ đã chiến thắng được sự say xe, mệt mỏi của mọi người. Qua ngọn đèo Măng-đen là tới chân Mẹ !

Vừa tới nơi, chúng tôi được tham dự thánh lễ do cha Thịnh- dòng Chúa Cứu Thế- phụ trách trung tâm hành hương chủ tế.
 
 
Thánh lễ với khoảng gần 200 khách hành hương ngồi chung nhau dưới những tấm bạt che tạm giữa bạt ngàn núi rừng, giữa tiếng gió đại ngàn và nhưng cơn mưa rừng có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Mẹ đứng đó với khuôn mặt tiều tụy, với đôi tay không có bàn tay. Chẳng nơi nào có Đức Mẹ xấu thế này (con xin lỗi Mẹ !), nhưng Mẹ vẫn lôi cuốn người ta chạy đến với Mẹ.
 
 
Tôi không có diễm phúc ở bên Mẹ hàng ngày để thống kê số khách hành hương về với Mẹ, và cũng rất xa xôi để ở bên Mẹ lâu giờ. Tuy nhiên, những tấm bảng tạ ơn Mẹ đã làm bằng chứng hùng hồn cho những người được ơn của Mẹ.

Ngoài những tấm bảng đựơc gắn dưới chân của Mẹ, tôi bắt gặp hơn 12 tấm bảng gắn các bảng tạ ơn khác nữa, mà mỗi bảng cũng khoảng 20 bảng tạ ơn lớn nhỏ khác nhau. Rồi bảng tạ ơn gắn chung quanh vườn hoa, các dây hoa uốn quanh, lấp lối. Có hai bảng tạ ơn để lại ấn tượng cho tôi thật nhiều đó là tấm bảng một gia đình tạ ơn cho một em bé gặp tai nạn, hôn mê 3 tháng và nằm một chỗ 2 năm, nhờ lời cầu nguyện mà Mẹ đã cho lành bệnh. Tấm thứ hai, chẳng giải nghĩa gì ngoài một câu: “con tạ ơn Mẹ” trên một phiến đá trắng. Nhìn vào đó người ta nhận biết ngay là không phải thợ làm, có lẽ chính người được ơn của Mẹ đã ngồi khắc lên những dòng chữ này. Tuồng chữ rất mộc mạc, nhưng để khắc được trên đá như thế này, lại không phải là thợ thì người này phải mất rất nhiều thời gian và trong lúc khắc những lời tạ ơn như thế thì tâm tình của người khắc phải yêu mến Mẹ là nhường nào, với ơn lành mà anh hay chị đã nhận được từ nơi Mẹ.

Bức tượng trắng giản đơn với hai bàn tay cụt mà lôi kéo dân chúng đến rất đông. Bao nhiêu ghế đá chung quanh tượng của Mẹ, cũng là những bảng ân nhân của những gia đình được ơn, những ân tình của các gia đình được khắc trên lưng ghế đá, dâng kính Mẹ.

Nhìn những chàng thanh niên, những cụ bà, những thiếu nữ và những bà mẹ bế con trẻ lần lượt bước lên mấy bậc thang để vuốt vào tà áo Mẹ rồi áp lên mặt của mình, những cử chỉ thành kính ấy cũng đủ làm cho những người hiện diện thấy mình đang được chứng kiến những giây phút linh thiêng nhất, ngọt ngào nhất và diễn tả niềm tin cao vời nhất.

Ai cũng muốn dâng Mẹ những khắc khoải của lòng mình, của những người thân của mình. Ai cũng muốn vòng tay của Mẹ hướng đến gia đình mình. Ai cũng muốn Mẹ lắng nghe lời thầm thĩ van nài của mình...

Lời cầu xin, những tiếng thì thầm, những thánh vịnh, những tràng chuỗi Môi Khôi, những lời nguyện tắt, những bài thánh ca ngày mỗi ngày dát vào khu rừng, âm vang trong những thanh âm của rừng núi và chắc chắn đọng lại trong tâm hồn của Mẹ, tâm hồn thương xót kẻ khốn cùng.

Không chỉ Mẹ lôi cuốn được những người Công Giáo mà cả những người trước nay chưa từng biết đạo là gì cũng đến thành kính thắp nhang khấn vái với Mẹ. Anh tài xế chở chúng tôi nói: cứ nhìn thấy người nào thắp nhang cầm bằng hai bàn tay úp lại với nhau là biết người không Công Giáo. Quả đúng là như vậy. Đang trong thánh lễ, tôi thấy có những người tới trước tượng đài Mẹ thắp nhang và vái như thế. Tôi còn thấy họ mang theo trái cây để dâng Mẹ nữa. Con nhà có đạo không mang theo trái cây dâng cúng bao giờ và chỉ cầm nhang bằng hai đầu ngón tay trỏ và ngón cái.

Mẹ không chỉ là Mẹ của người Công Giáo mà Mẹ chung của mọi người. Ai có lòng tin vào Mẹ thì Mẹ sẽ chúc phúc và nhậm lời. Có lẽ vậy mà từ Quảng Ngãi, Gia Lai, Kontum, Quy Nhơn, ồng nai, Buôn Mê Thuột, Saigon... xa xôi hay từ khắp mọi nơi trên mọi nẻo đường đất nước, hễ ai có dịp lên vùng truyền giáo Kontum, hoặc có lòng yêu mến, đều tìm về hành hương bên Mẹ.

Hoa ở bên Mẹ có lẽ còn nhiều hơn cả hoa ở chợ Kontum gộp lại. Hoa ở chung quanh tượng đài Mẹ, rải rác các bình hoa trong khuôn viên của Mẹ.

Tôi chưa từng thấy một trung tâm hành hương nào như trung tâm hành hương Mẹ Măng-den. Trung tâm hành hương không nhà nguyện, không một nếp nhà, Mẹ đứng lồng lộng giữa gió trời, với những lán bạt sơ sài, với những bảng tạ ơn để khắp nơi, với những lời tạ ơn rất chân tình từ trái tim, và đặc biệt với một tượng Đức Mẹ chưa từng thấy ở nơi nào giống như thế.... vậy mà với một trái tim vô biên, Mẹ đã gọi mời được bao nhiêu người về với Mẹ. Câu nói vui mà người ta hay nói về Măng-đen là: “ ruồi vàng, bọ chó, gió Măng-đen”. Gió trên đại ngàn là như thế, mà Mẹ cứ chơ vơ giữa rừng thông, đứng chờ hết lớp người này đến đoàn con khác. Quả là một nơi hành hương của Mẹ có một không hai trên thế giới ! Tuy nhiên, dù hoang sơ và giữa núi rừng đại ngàn như thế mà không có một cái rác nào, một hình ảnh đẹp và văn minh!

Tạ ơn Chúa đã cho con được diễm phúc hành hương bên Mẹ trong những ngày cuối tháng Hoa của Mẹ. Xin cho con cái Mẹ khắp nơi luôn tìm được sự bình an trong bóng từ mẫu của Mẹ, và xin cho chúng con trở nên những cánh tay còn dang dở của Mẹ, để giúp đỡ những anh chị em bên cạnh chúng con. Amen

Maria Nguyễn Thị Minh Du
Congregation of Dominican Sisters of Saint Rose of Lima VIET NAM

(VietCatholic News)

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

NIÊN GIÁM TOÀ THÁNH 2013

Sáng thứ Hai 13 tháng 5, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh đã trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô Niên Giám Tòa Thánh 2013 và Thống Kê Giáo Hội Thường Niên (Annuarium Statisticum Ecclesiae) năm 2011.

Cả hai cuốn đều đã được soạn thảo bởi Đức Ông Vittorio Formenti, phụ trách Văn phòng thống kê Trung ương của Giáo Hội, Giáo sư Enrico Nenna và cộng tác viên khác. Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những đóng góp của các vị biên soạn.

Thống kê của Tòa Thánh cho thấy số người Công Giáo trên toàn cầu nhìn chung vẫn ở mức 1.214 tỷ, tăng chỉ cao hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu trong giai đoạn 2010/2011.

Số linh mục dòng và triều đã gia tăng, chủ yếu là do sự gia tăng ơn gọi ở châu Á và châu Phi đã giúp cân bằng xu hướng tiếp tục suy giảm ở châu Âu (-9% trong thập kỷ qua).

Tuy nhiên, tình trạng không được lạc quan mấy đối với số lượng nữ tu đã giảm đến 10% trong thập kỷ qua.

Số liệu thống kê đáng ngạc nhiên nhất được nêu trong Niên Giám Tòa Thánh năm 2013 là sự bùng nổ trong ơn gọi phó tế vĩnh viễn, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, nơi số phó tế đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua.

Niên Giám Tòa Thánh 2013 đã ghi lại các dữ liệu chính trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo trên thế giới, trong năm 2012, cho đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng vừa qua. Trong thời gian này Giáo Hội có thêm 11 Tòa Giám Mục, 2 giáo hạt Tòng Nhân, 1 hạt đại diện tông tòa và 1 miền phủ doãn tông tòa.

Bên cạnh đó một miền phủ doãn tông tòa đã được nâng lên bậc giáo phận và 2 miền phũ doãn dành cho các tín hữu theo nghi lễ Đông Phương được nâng lên hàng giáo phận.

Số người Công Giáo trên toàn thế giới đã tăng từ 1.196 tỷ trong năm 2010 đến 1.214 tỷ trong năm 2011, tức tăng 1.5%. Sự tăng trưởng này là chỉ cao hơn một chút so với sự tăng trưởng dân số của thế giới là 1.23%. Sự hiện diện của người Công Giáo trên thế giới chủ yếu vẫn không thay đổi, tức là vẫn ở mức 17.5%.

Số người Công Giáo Phi Châu tăng 4.3%. Châu Á tăng 2.3%. Sự tăng trưởng về số lượng người Công Giáo ở Mỹ và châu Âu vẫn ổn định, phù hợp với tăng trưởng dân số là 0.3%.

Trong năm 2011, tổng số người Công Giáo được rửa tội phân phối trên các lục địa là: 16.0% ở châu Phi, 48.8% ở châu Mỹ, 10.9% ở châu Á, 23.5% ở châu Âu và 0.8% ở Châu Đại Dương.

Số lượng các Giám Mục trên thế giới tăng từ 5104 đến 5132. Sự gia tăng đặc biệt có liên quan đến Châu Đại Dương (4.6%) và châu Phi (1.0%). Số các Giám Mục ở Mỹ và Châu Âu không thay đổi bao nhiêu và vẫn chiếm 70% số Giám Mục trên toàn thế giới.

Tính chung các linh mục triều và dòng, tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2001, Giáo Hội có 405,067 linh mục; một thập niên sau, tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2011, Giáo Hội có 413,418 linh mục.

Số phó tế vĩnh viễn đang bùng nổ trên toàn cầu. Tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2001, Giáo Hội có 29,000 phó tế. Một thập niên sau, Giáo Hội có 41,000 phó tế.

Các phó tế ở châu Âu tăng từ 9,000 trong năm 2001, đến 14,000 trong năm 2011, tức là tăng hơn 43%.

Ở Mỹ số lượng phó tế tăng từ 19,100 phó tế năm 2001 lên hơn 26,000 trong năm 2011.

Như vậy, số phó tế ở châu Âu và châu Mỹ chiếm 97.4% tổng số phó tế toàn cầu.

Số nữ tu đã giảm từ 792,000 trong năm 2001 còn 713,000 vào năm 2011.

Các chủng sinh trên toàn cầu tăng từ 112, 244 vào năm 2001 lên 120,616 vào năm 2011, tức tăng 7.5%. Sự phát triển rất khác nhau trong các châu lục. Trong khi châu Phi tăng 30.9% và châu Á tăng 29.4%, châu Âu sụt 21.7% và châu Mỹ đã sụt 1.9%.

Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO 13.5.2013

TỪ FATIMA – BỒ ĐÀO NHA TỚI TÀPAO – VIỆT NAM
 
Trưa ngày Chúa nhật 13.5.1917, Đức Mẹ đã hiện ra chói sáng trên ngọn cây sồi ở đồi Cova da Iria vớiba trẻ chăn chiên:Lucia 10 tuổi, Phanxicô 8 tuổi và Gianxita 7 tuổi ở làng Fatima - Bồ Đào Nha. Đức Mẹ xin các em cầu nguyện cho các tội nhân trở lại, chiến tranh sớm kết thúc và dặn các em trở lại vào ngày 13 mỗi tháng.


Sau đó vào các ngày 13 tháng 6,7,8,9,10, Đức Mẹ tiếp tục hiện ra và có những phép lạ kèm theo mà những người tham dự đều tận mắt chứng kiến. Đặc biệt ngày 13.10.1917, Đức Mẹ làm một phép lạ cả thể trước gần 100.000 người xem thấy hiện tượng lạ lùng: mặt trời quay tròn nhảy múa tung ra muôn vàn ánh sáng huy hoàng rực rỡ sắc màu. Sau một thời gian dài điều tra cẩn thận với những chứng từ kèm theo, ngày 13.10.1930, Đức Giám Mục Giáo phận Lêbia đã chính thức công nhận sự kiện Đức Mẹ Fatima và tổ chức việc tôn kính Đức Mẹ tại đây. Kể từ đó, Fatima đã trở thành một trong những trung tâm hành hương quan trọng bậc nhất của Giáo hội Công giáo thu hút rất nhiều tín hữu hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới.


Riêng với Việt Nam, theoBách khoa toàn thư mở Wikipedia trên www.Google.com.vn, Tượng Đức Mẹ trên núi TàPao tọa lạc tại xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận,Việt Nam, đang là một trong những trung tâm hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam. Quả không sai chút nào, bởi vì, như ước hẹn, cứ đến ngày 13 mỗi tháng, từng dòng người từ khắp nơi rộn ràng những bước chân trẩy về bên Đức Mẹ TàPao, leo lên hơn 400 bậc cao trên núi để chiêm ngắm, cầu nguyện và xin ơn…Và rồi từ đó, biết bao câu chuyện lạ và ơn lạ được tường thuật lại như những chứng từ ân sủng Thiên Chúa ban qua trung gian cầu bầu của Đức Mẹ TàPao. Ơn lạ cụ thể nhất không ai có thể chối cãi, đó là: nhờ lòng kính mến và thành tâm khẩn nguyện cùng Mẹ TàPao, mà bao linh hồn được ơn sám hối ăn năn, đổi mới cuộc đời, quay về nẻo chính đường ngay, bao gia đình tan vỡ được hàn gắn hoà thuận, bao kẻ âu lo thất vọng được an ủi và lấy lại niềm tin yêu cho cuộc sống hôm nay…

(gpphanthiet.com)

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN 12-5-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên 12-5-2013.
Cha Phaolô dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.