Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #7

Thể thức để nhận ơn Toàn Xá qua TV, Radio, Websites, Twitter 
trong dịp WYD 2013

Lần đầu tiên trong lịch sử, những ai theo dõi các diễn tiến trên TV, Radio và các phương tiện truyền thông xã hội về Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013 có thể được hưởng ơn Toàn Xá, mỗi ngày một ơn.

Có nghĩa là, mặc dù không thể đi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại chỗ được, những người ở xa vẫn có thể hưởng những ơn ích bằng cách thông công qua các phương tiện truyền thông.


Theo nghị định ban hành tại Rôma của Tòa Ân Giải Tối Cao, ngày 24 tháng 6, năm 2013, vào dịp lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, thì:

a) - ơn Toàn Xá áp dụng cho mọi tín hữu, với lòng hối cải, tham gia vào các lễ nghi sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro, có thể được hưởng mỗi ngày một lần trong những điều kiện bình thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha). Có thể áp dụng ơn này để giảm hình phạt cho các linh hồn.

Những tín hữu có ngăn trở hợp pháp vẫn có thể được hưởng ơn toàn xá miễn là, đã hoàn thành các điều kiện bình thường - xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha - và tham gia trong tinh thần các diễn tiến thiêng liêng trong ngày, và thông công với các nghi thức và thực hành đạo đức qua truyền hình và đài phát thanh hay, với một lòng thành kính thích hợp, qua các phương tiện truyền thông xã hội mới.


Một câu hỏi được đặt ra là nếu một người tò mò, đơn giản vặn TV để xem tin tức về ngày đại hội ở Rio, thì có thể được hưởng ơn Toàn Xá không?

"Bạn không được ơn Toàn Xá giống như bạn mua cà phê từ một máy bán hàng tự động," Đức ông Claudio Maria Celli, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội, cho biết. "Chỉ xem một Thánh Lễ trực tuyến hoặc theo dõi Đức Thánh Cha qua truyền hình trên iPad hoặc trên website Pope2You.net mà thôi thì không đủ"

"Những phương tiện đó chỉ là các thiết bị mà thôi. Điều quan trọng là những hoa quả thiêng liêng và chân thành trong trái tim cuả từng người, được phát sinh ra từ những hình ảnh cuả ngày Giới Trẻ hoặc các Tweet cuả Đức Thánh Cha."

Nói cách nôm na, để có thể hưởng những ơn Toàn Xá dành cho những người ở xa này, chúng ta hãy:

1- Xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha.

2- Theo dõi các diễn tiến cuả đại hội WYD trên TV, Radio, Youtube, Twitter và

3- Dục lòng thông công với các chủ đề cuả đại hội.

Sau đây là những chỉ dẫn để theo dõi trực tuyến:

Dùng twitter trên computer hay IPhone:

Ghi danh vào Twitter và theo dõi (following) @Pontifex.

hoặc Nhấn vào đây

Dùng Internet:

Vatican Youtube

Trực tiếp từ ĐGH

Dùng Youtube:

Vatican Youtube

Các diễn biến sau đây đã có trên Youtube và đang đếm giờ để bắt đầu:

Lể đón tiếp ĐGH tại Brazil (Starts:July 22, 2013)

Lể khai mạc World Youth Day (WYD) (Starts:July 23, 2013)

Hành hương và lể đức Mẹ Aparecida (Starts:July 24, 2013)

ĐGH viếng nhà thương São Francisco De Assis Na Providência (Starts:July 24, 2013)

ĐGH nhận chià khoá thành phố (Starts:July 25, 2013)

ĐGH thăm khu ổ chuột (Starts:July 25, 2013)

Giới trẻ đón tiếp ĐGH (Starts:July 25, 2013)

ĐGH chúc mừng trong buổi đọc kinh Truyền Tin (Starts:July 26, 2013)

ĐGH đi đàng Thánh Giá (Starts:July 26, 2013)

ĐGH cử hành thánh lể với các giám mục, linh mục, tu sĩ và chủng sinh (Starts:July 27, 2013)

ĐGH hội đàm với các nhà lãnh đạo (Starts:July 27, 2013)

ĐGH đự buổi kinh tối với giới trẻ (July 28, 2013)

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C (Lc 10, 38-42)


NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #6

Chương trình chi tiết chuyến tông du Giáo Hoàng 
cho ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013

WYD : Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du chuyến đầu tiên trong triều Giáo Hoàng ra nước ngoài bắt đầu vào ngày Thứ Hai 22/7 cho ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Brazil, sau đây là chương trình chi tiết theo giờ địa phương.

Thứ Hai, 22/7 (Rome, Rio)

-- 8:45 a.m. Khởi hành từ Phi Trường Quốc Tế Leonardo da Vinci tại Roma đi Rio de Janeiro.

-- 4 p.m. Buổi lễ chào mừng tại Phi Trường Quốc Tế Galeao-Antonio Carlos Jobim tại Rio

-- 5 p.m. (4 p.m.) Buổi lễ tiếp tân tại khu vườn Guanabara Palace. Đức Thánh Cha ban huấn từ.

-- 5:40 p.m. Viếng thăm bà Tổng Thống Rousseff tại dinh Guanabara.

Thứ Ba, 23/7 (Rio)

Đức Giáo Hoàng có chương trình riêng tại dinh thự Sumare.

Thứ Tư, 24/7 (Rio, Aparecida)

-- 8:15 a.m. Khởi hành bằng trực thăng từ Rio đi Aparecida.

-- 9:30 a.m. Tới Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Aparecida.

-- 10 a.m. Kính viếng tượng Đức Mẹ Aparecida tại Đền Thờ Mười Hai Thánh Tông Đồ.

-- 10:30 a.m.Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Aparecida. Đức Giáo Hoàng ban bài giảng.

-- 1 p.m. Ăn trưa với các Giám Mục và các Đại Chủng Sinh trong tỉnh tại Tu Viện Bom Jesus.

-- 4:10 p.m. Trở về Rio bằng trực thăng.

-- 5:25 p.m. Tới Rio.

-- 6:30 p.m. Viếng thăm Bệnh viện thuộc Dòng Phan Sinh. Đức Giáo Hoàng ban bài huấn dụ.

 

Thứ Năm, 25/7 (Rio)

-- 9:45 a.m. Đức Giáo Hoàng nhận chìa khóa Thành Phố và chúc lành lá cờ Thế Vận Hội tại Đại Sảnh Đường của Thành Phố Rio.

-- 11 a.m. Viếng thăm dân cư Varginha tại khu nhà ổ chuột Manguinhos. Đức Thánh Cha ban bài huấn dụ.

-- 6 p.m. Buổi lễ tiếp đón với các bạn trẻ tại bờ biển Copacaban ở Rio. Đức Thánh Cha ban bài huấn dụ.

Thứ Sáu, 26/7 (Rio)

-- 10 a.m. Đức Giáo Hoàng ngồi toà giải tội, ban Bí Tích Hòa Giải cho các bạn trẻ đến xưng tội tại Công Viên people Quinta da Boa Vista ở Rio.

-- 11:30 a.m. Gặp gỡ các tù nhân trẻ tại Tòa Tổng Giám Mục ở Rio.

-- 12 giờ trưa. Đức Giáo Hoàng đọc kinh Truyền Tình và ban bài huấn dụ từ ban công Tòa Tổng Giám Mục.

-- 12:15 p.m. Gặp gở các Ban Tổ Chức, các Nhà Bảo Trợ cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 tại Tòa Tổng Giám Mục.

-- 1 p.m. (12 noon) Bữa cơm trưa với đại diện các bạn trẻ tại Tòa Tổng Giám Mục

-- 6 p.m. Đức Giáo Hoàng tham dự Đàng Thánh Giá với các bạn trẻ tại bờ biển Copacabana. Đức Thánh Cha ban huấn từ.

Thứ Bảy, 27/7 (Rio)

-- 9 a.m. Chủ tế Thánh Lễ với sự tham dự của các Giám Mục, các Linh Mục Tu Sĩ và các Tu Sinh tại Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Sebastian tại Rio. Đức Thánh Cha ban bài giảng.

-- 11:30 a.m. Gặp gỡ và ban bàn huấn từ tới các “nhà cầm quyền tại Brazil“ tại Nhà Hát Thành Phố Rio.

-- 1:30 p.m. Ăn trưa với các vị Hồng Y Brazil các vị lãnh đạo trong Hội Đồng Giám Mục tại Trung Tâm Dạy Học Sumare ở Rio.

-- 7:30 p.m. Tham dự buổi canh thức với các bạn trẻ tại

“Campus Fidei" ở Guaratiba. Đức Thánh Cha ban bài huấn dụ.

Chúa Nhật, 28/7(Rio)

-- 10 a.m. Thánh Lễ đại trào và đọc kinh Truyền Tin tại "Campus Fidei," ở Guaratiba. Đức Thánh Cha giảng và ban bài huấn dụ.

-- 4 p.m. Gặp gỡ Ủy Ban Hội Đồng Các Giám Mục Châu Mỹ La Tin gọi tắt là CELAM tại khu Trung Tâm Dạy Học. Đức Giáo Hoàng ban bài huấn dụ.

-- 4:40 p.m. Khởi hành từ dinh thự Sumare.

-- 5:30 p.m. Gặp gỡ các thiện nguyện viên tại Trung Tâm Rio. Đức Thánh Cha ban bài huấn dụ.

-- 6:30 p.m. Buổi lễ tiễn đưa tại Phi Trường Quốc Tế Galeao-Antonio Carlos Jobim. Đức Thánh Cha ban bài huấn từ.

-- 7 p.m. Khởi hành trở về Rome.

Thứ Hai, 29/7 (Rome)

-- 11:30 a.m. Tới Phi Trường Ciampino ở Roma. 

Trung Ngọc
(VietCatholic News)

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #5

Ngày Giới trẻ Thế giới Rio 2013 qua những con số

WHĐ (17.7.2013) – Những ngày này, khi hàng trăm ngàn bạn trẻ Công giáo lũ lượt tuốn về Brazil, cũng là lúc các điều phối viên Ngày Giới trẻ Thế giới (GTTG) Rio de Janeiro đang hoàn tất những chuẩn bị cuối cùng cho Đại hội dự kiến sẽ đón tiếp đến 2,5 triệu người.

Tính đến ngày 15 tháng Bảy, hơn 320.000 người đã ghi danh tham dự sự kiện này. Điều phối viên truyền thông Carol Castro cho biết nhiều người sẽ ghi danh khi đến nơi, và sẽ có nhiều người tham gia các sự kiện mà không ghi danh.

Các quốc gia có số người ghi danh đông nhất là Brazil, Argentina và Hoa Kỳ, nhưng cũng có những bạn trẻ đến từ những nơi xa như Slovakia, Philippines và Việt Nam.

Hơn 8.400 linh mục từ khắp nơi trên thế giới đã xin xác nhận để tham gia sự kiện này. Khoảng 5.500 phóng viên đã được cấp phép để tường thuật chuyến tông du quốc tế đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong số người tham dự đã ghi danh có 55 phần trăm là nữ và 60 phần trăm trong độ tuổi từ 19 đến 34. Khoảng 300.000 giường tại các gia đình, trung tâm thể thao và trường học ở Rio được dành sẵn cho các tham dự viên Ngày GTTG.

Ban tổ chức cho biết có hơn 270 địa điểm giảng dạy giáo lý bằng 26 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Ba Lan, Latvia, Quan Thoại và Flemish.

Trong suốt tuần lễ Đại hội, sẽ có 60.000 tình nguyện viên, trong đó 7.000 là người nước ngoài, sẵn sàng giúp đỡ và hướng dẫn khách hành hương đến các địa điểm diễn ra các sự kiện ở Rio. Gần 800 ca sĩ, vũ công, diễn viên và nhạc sĩ sẽ tham gia vào những sự kiện chính.

Ban tổ chức đã chuẩn bị 4 triệu bánh lễ và 100 tòa giải tội.

Ngày 25 tháng Bảy, Đức Thánh Cha sẽ chào đón khách hành hương trên một lễ đài nhìn ra bãi biển Copacabana. Để phục vụ những người không thể đến được khu vực chính, ban tổ chức đã đặt 2 màn hình lớn và 16 màn hình nhỏ hơn cùng với 26 tháp âm thanh.

Đêm canh thức 27 tháng Bảy được tổ chức bên ngoài thành phố, tại một khu vực rộng tương đương 150 sân bóng đá, được gọi là Campus Fidei (Cánh đồng Đức Tin). Đây cũng là nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ bế mạc vào ngày 28 tháng Bảy. Có 33 màn hình lớn ngoài trời giúp mọi người dễ dàng tham dự Thánh lễ.

Những người nghỉ qua đêm tại khu vực này sẽ có thêm tiện nghi thoải mái với 4.673 phòng tắm di động, trong đó có 270 phòng thiết kế cho người khuyết tật.

Hơn 12 triệu lít nước được cung cấp cho các khách hành hương, phân bố ở 177 địa điểm trên khắp khu vực.

Lực lượng vũ trang của Brazil chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho những người hành hương tại Campus Fidei. 1.500 binh sĩ sẽ đóng quân bên trong Campus Fidei trong khi lực lượng an ninh quốc gia có 1.300 người tuần tra cả bên trong và bên ngoài khu vực canh thức.

Trong suốt thời gian diễn ra Đại hội, hơn 10.200 đơn vị quân đội sẽ phụ trách giữ an ninh cho khách hành hương. Số thành viên của các lực lượng vũ trang được huy động để bảo đảm an ninh cho khách hành hương đã tăng thêm (từ 8.500) sau các cuộc biểu tình chính trị-xã hội gần đây tại một số thành phố ở Brazil. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được 600 nhân viên quân sự và 80 người thuộc cảnh sát liên bang Brazil bảo vệ, không kể cảnh sát Vatican cùng đi với ngài.

(Theo CNS)
Minh Đức

(WHĐ)

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO - THÁNG 7.2013

Tháng 7 mưa ngâu, những cơn mưa tắm gội núi đồi Tàpao để rừng cây thẩm xanh, ruộng vườn ngát lên màu lá mới. Hàng ngàn khách hành hương từ chiều ngày 12 đáp lại ước hẹn, cùng về bên Đức Mẹ Tàpao để dâng lên Mẹ lời cảm tạ vì những hồng ân đã lãnh nhận. Trời thật đẹp, mây nhẹ nắng trong gió dịu mát.


07giờ tối, Cha Tổng đại diện GB Hoàng Văn Khanh đặt Mình Thánh Chúa khởi đầu giờ chầu Thánh Thể. Ngàn ngàn ngọn nến lung linh giữa trời đêm đại ngàn, đẹp huyền diệu. Cộng đoàn lần chuỗi hạt Mân Côi. Sau mỗi chục kinh, những ngọn nến vươn cao theo lời bài hát dâng Mẹ Tàpao. Nổi bật giữa muôn ngàn ngọn nến sáng, kiệu Thánh Thể rước quanh quãng trường hòa trong lời ca ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa. Gần 9g đêm, giờ chầu kết thúc bằng phép lành Thánh Thể. Nhiều đoàn hành hương tiếp tục lên linh đài cầu nguyện bên MẹTàpao.


Sáng 13-7, sau giờ khấn Đức Mẹ, thánh lễ do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ tế, có 30 linh mục đồng tế, hàng chục ngàn khách hành hương hiệp dâng thánh lễ tạ ơn.


(gpphanthiet.com)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #4

Kinh Nguyện Chính Thức Của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013 
tại Rio De Janeiro

LTS: Trong cuộc họp báo ngày 9 tháng 7, Tòa Ân Giải Tối Cao đã đưa ra lời mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới cầu nguyện cho biến cố trọng đại này, sốt sắng khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Brazil, dưới tước hiệu “Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Aparecida”, và kêu cầu các vị Thánh Bổn Mạng và các vị Chuyển Cầu của Ngày Quốc Tế giới trẻ, để khích lệ các bạn trẻ củng cố đức tin và sống đời thánh thiện.

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em Kinh Cầu cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã được linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng dịch từ bản tiếng Anh của Tòa Thánh và đã được Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Melbourne, Australia imprimatur. Mỗi khi chúng ta hướng về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp diễn ra và đọc kinh cầu này chúng ta được ơn xá bán phần có thể nhường cho các linh hồn, miễn là xưng tội, rước lễ, và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Cũng xin lưu ý thêm là trong suốt thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, nếu theo dõi các biến cố qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh và các phương tiện truyền thông mới như Internet, chúng ta nhận được ơn toàn xá miễn là xưng tội, rước lễ, và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.


Lạy Cha, Cha đã sai Con Hằng Hữu của Cha đến cứu độ thế giới, và Cha đã chọn ra những người nam nữ, để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, họ có thể loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước. Xin ban cho chúng con những ơn cần thiết, để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, niềm vui của những người loan báo Tin Mừng, mà Giáo Hội đang rất cần tới trong Thiên Niên Kỷ Thứ Ba này, có thể tỏa sáng trên khuôn mặt của tất cả những người trẻ.

Lạy Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, hình ảnh vòng tay rộng mở của Chúa trên đỉnh đồi Corcovado, đang chào đón tất cả mọi người. Trong hy lễ vượt qua của Chúa, Chúa đã dẫn dắt chúng con, qua Chúa Thánh Thần, đến gặp Chúa Cha như những con cái của Ngài. Những người trẻ, đang được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, những người đang lắng nghe Lời Chúa, và đang gặp gỡ Chúa như người anh cả của mình, cần đến lòng thương xót vô hạn của Chúa, để tiến bước trên khắp nẻo đường thế giới, như những môn đệ và những nhà truyền giáo của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa.

Lạy Chúa Thánh Thần, là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, với sự huy hoàng của chân lý và ngọn lửa tình yêu, xin chiếu rọi ánh sáng trên tất cả những người trẻ, để nhờ đó khi được linh hứng từ cảm nghiệm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, họ có thể mang lại niềm tin, hy vọng và bác ái đến khắp mọi chân trời góc bể, trở thành những nhà kiến tạo lớn của một nền văn hóa sự sống và hòa bình, và là chất xúc tác của một thế giới mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Chúa chúng con. Amen!

 
Imprimatur
+ Bishop Vincent Long Van Nguyen OFMConv
Auxiliary Bishop of Melbourne  
Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng
(VietCatholic News)

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C 14-7-2013.

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XV thường niên năm C 14-7-2013.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.




LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C (Lc 10, 25-37)


TƯỢNG

Nét đẹp văn hóa, nét đẹp của lòng người dành cho những người có công với tổ quốc, với dân tộc đó là tạc tượng của những người có công đó để như là ghi ơn, nhớ ơn của họ. Khi bức tượng được tạc xong người ta sẽ tìm vị trí đẹp để đưa bức tượng đó vào để cho mọi người đi qua chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, ghi ơn.
 

 Ngày 9 tháng 7 vừa qua, trong khu vườn Vương Cung Thánh Đường Buenos Aires - nơi mà trước đây Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đã cai quản trước khi trở thành vị Giáo hoàng của Mỹ Châu Latin đầu tiên trên thế giới - xuất hiện bức tượng chân dung ĐGH Phanxicô. Bức tượng chân dung này do nghệ sĩ Fernando Pugliese thiết kế. Khi hay tin như vậy, Đức Thánh Cha đã gọi điện thoại cho những vị cai quản Thánh Đường phải gỡ bỏ ngay lập tức bức tượng chân dung của Ngài ra khỏi khu vườn.

Dĩ nhiên những người có thành ý tạc tượng Đức Thánh Cha cũng do lòng thành kính và ngưỡng mộ của Ngài nhưng họ không ngờ rằng họ đã làm phật lòng của người được tạc. Họ quên rằng một Phanxicô khó nghèo thời đại đang sống giữa họ. Họ vì nhiệt thành quá nên quên tấm lòng của người thay mặt Chúa hướng dẫn Hội Thánh. Phần Đức Thánh Cha, chắc có lẽ Ngài rất khó chịu nên ra lệnh gỡ bỏ ngay bức tượng. Khó chịu bởi lẽ quan niệm sống của Ngài rất rõ ràng, lập trường sống của Ngài rất rõ ràng về Giáo Hội, và đặc biệt là một Giáo Hội của những con người nghèo.

Những bài học giản đơn từ Đức Thánh Cha Phanxicô đã, đang và sẽ được chuyển tải đến trong Giáo Hội bằng cách này cách khác, bằng những nẻo đường nhân sinh của cuộc đời.

Trong khi giữa cuộc đời này, người ta vẫn vội vàng, vẫn ganh đua nhau để làm điều gì đó được nổi tiếng, được thành công để nhân loại ghi ơn nhớ đời. Ấy vậy mà Phanxicô - một Giáo Hoàng của người nghèo - đã làm ngược lại. Không chỉ bằng lời nói nhưng cả một tinh thần mạnh mẽ, triệt để về lối sống khó nghèo và khiêm hạ ngày mỗi ngày được diễn tả trên cuộc đời của Đức Thánh Cha.

Một lần nữa, câu chuyện bức tượng Đức Thánh Cha bị tháo dỡ là bài học cho mỗi người chúng ta.

Trong cuộc sống, nhiều lần nhiều lúc chúng ta đã quên đi thần tượng duy nhất và chỉ có một mà thôi đó chính là Thiên Chúa. Thế nhưng trong thực tại cuộc sống, ta có tôn sùng Thiên Chúa là Chúa, là Chủ cuộc đời của ta hay ta lại đi tìm cho mình những ông thần, những ông chúa của quyền lực, của vật chất, của địa vị, của danh vọng.

Và, đôi khi ta mong người khác tạc cho ta những bức tượng thật lớn, bia ghi công thật dài và những bài sớ ca tụng về những kỳ công ta đã thực hiện. Với tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta làm âu cũng là ân huệ nhưng không mà Thiên Chúa ban cho ta. Thế nên, đừng để cho bất cứ ai tạc tượng hay ghi công cuộc đời của mình cả. Có chăng hãy tạc tượng, hãy ghi công Thiên Chúa là Đấng là Chúa, là Chủ cuộc đời của ta.

Có những người chưa chết nhưng đã được dựng lên bức tượng như đã dựng nên tượng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Có những người chưa kịp chết nhưng người ta đã viết một tiểu sử thật dài để ca ngợi công ơn của những người đó.

Có những người chưa được chết mà người ta đã xây lăng tẩm và đã tạc bia đá thật lớn để ghi công.

Tất cả những điều đó sẽ rất đẹp, rất tốt với thế gian, với người đời nhưng với Thiên Chúa thì lại khác. Thiên Chúa biết rõ từng người một của chúng ta.

Chuyện quan trọng là ta có được một chỗ nào trong cung lòng của Thiên Chúa hay không mà thôi. Chuyện quan trọng là ta có được Thiên Chúa ghi tạc hình ảnh của ta vào cung lòng của Ngài hay không mà thôi. Và chuyện quan trọng là khi ta nhắm mắt lìa đời ta có được hưởng nhan Thánh của Ngài hay không mà thôi.

Sống trên đời, không hệ tại ở giàu hay nghèo, sang hay hèn, giáo hoàng hay không giáo hoàng, linh mục hay không linh mục. Chuyện quan trọng là ta có được hưởng ơn cứu độ mà Thiên Chúa trao ban hay ta khước từ ơn cứu độ từ nơi Thiên Chúa mà thôi.

Anmai, CSsR
(VietCatholic News)

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #3

WYD: lịch sử cây Thập Giá và bức Linh Ảnh Đức Mẹ Quan Phòng cuả giới trẻ.

Ngày 6 tháng 7 vừa qua, hai biểu tượng cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) là cây thập giá* và bức linh ảnh ĐM đã được rước về Rio de Janeiro.


*(gọi là thập giá (cross) thay vì thánh giá (crucifix) vì không có tượng Chuá bị đóng đinh)

Hai biểu tượng đã mau chóng trở thành biểu tượng cuả giới trẻ, được du hành vòng quanh Thế Giới đã 30 năm, di chuyển bằng mọi phương tiện từ máy bay cho đến thuyền đánh cá, từ xe hơi cho đến xe kéo chó và dừng chân ở mọi ngõ ngách từ các đại thánh đường nguy nga cho đến những nhà tù tăm tối, từ các trung tâm thương mại nhộn nhịp cho đến những công viên quốc gia hiu quạnh.

Đức Tổng Giám Mục Orani Tempesta chủ sự thánh lễ tiếp nhận tại nhà thờ chính tòa St Sebastian cho biết "kể từ Tháng Chín năm 2011, (hai biểu tượng) đã du hành khắp Brazil, đến thăm không chỉ các giáo phận nhưng cũng tới các trường học, nhà tù, quảng trường và các bộ lạc cuả dân bản xứ," Đức Tổng Giám Mục nói "Bằng cách này, thông điệp của Chúa Kitô đã tới với tất cả mọi người đàn ông và phụ nữ của Brazil."

"Đây là những biểu tượng cho thấy vẻ đẹp của đức tin Kitô giáo, sự phục sinh của Chúa Kitô qua thập giá, qua cuộc sống của tất cả chúng ta, và cùng một lúc niềm vui của những người trẻ, những người mà trong những năm qua đã nhìn thấy thêm một chút gì về cuộc đời của mình, ước mơ của mình, công việc của mình, niềm vui của mình, qua các biểu tượng này".

Khi hàng triệu thanh thiếu niên tập trung tại đại hội Ngày Giới Trẻ ở Rio, cây thập giá và bức linh ảnh ĐM sẽ đồng hành với họ trong mọi chương trình sinh hoạt và sẽ đem lại nhiều ơn ích như đã từng xảy ra trong lịch sử.

Lịch sử cây thập giá WYD

Cây thập giá WYD có nhiều tên gọi: Thập Giá Năm Thánh, Thập Giá Thánh Du, Thập Giá Giới Trẻ.

Cây Thập Giá là kỷ vật cuả năm 1984, Năm Thánh Cứu Chuộc. Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quyết định rằng cần có một cây thập giá, biểu tượng cho đức tin, đặt gần bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, để mọi người có thể nhìn thấy suốt năm, thì người ta đã dựng lên một cây thập giá bằng gỗ lớn, cao 3.8 m, đúng như ý ngài mong muốn.

Vào cuối Năm Thánh, sau lễ đóng cửa đền thánh (cửa giữa cuả đền thánh), Đức Giáo Hoàng đã trao cây thập giá này cho các người trẻ trên thế giới, đại diện bởi những thanh thiếu niên đang sinh hoạt tại Trung tâm Thanh niên quốc tế Saint Lawrence ở Rôma. Lời nói của ngài nhắn nhủ trong dịp này là: "Các bạn trẻ thân mến, trong dịp bế mạc Năm Thánh, tôi phó thác cho các bạn dấu hiệu của Năm Thánh này: Thập Giá của Chúa Kitô! Hãy đưa nó đi vòng quanh thế giới như là dấu hiệu của tình yêu của Chúa Giêsu đối với nhân loại và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ qua sự chết và sự sống lại cuả Chúa Kitô mới có ơn cứu chuộc và sự cứu rỗi ".

Các bạn trẻ đã thực hiện ước nguyện của Đức Thánh Cha, là đưa cây Thập Giá đi vòng quanh thế giới. Trung tâm Saint Lawrence trở thành nhà ở của cây thập giá mỗi khi không có chương trình hành hương.

Cuộc du hành đầu tiên là đến Munich ở Đức để tham dự "Katholikentag" (Ngày Công Giáo) cử hành vào tháng Bảy năm 1984. Vì chỉ là một cây thập giá bằng gỗ thô sơ cho nên lúc đầu không ai chú ý đến nó. Chỉ sau khi những quan chức nhận ra rằng đây là một kỷ vật mà Đức Thánh Cha có lòng lưu luyến thì nó mới được đưa lên cạnh bàn thờ cho mọi người nhìn thấy.

Sau đó, cuộc du hành đã đi qua Lourdes, Paray-le-Monial và nhiều nơi ở Pháp rồi lại về Đức một lần nữa. Khi nghe điều này, Đức Giáo Hoàng nói, "Họ nên mang nó qua Prague cho Đức Hồng Y Tomasek". Lúc đó, Tiệp Khắc còn là một quốc gia sau bức màn sắt và mãi đến tháng Giêng năm sau, 1985, một nhóm thanh niên Đức mới có thể đưa cây thập giá đến Prague theo như ước nguyện của Đức Thánh Cha.

Năm 1985 cũng là Năm Thanh Niên Quốc tế được công bố bởi Liên Hiệp Quốc, và 300.000 người trẻ đã gặp gỡ Đức Thánh Cha tại quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật Lễ Lá. Cây Thập Giá một lần nữa lại xuất hiện tại cuộc họp đó, rồi sau đó, được rước đi nhiều cuộc họp thanh thiếu niên, nhiều cuộc hành hương, và dẫn đường nhiều đoàn rước trên đường phố của châu Âu: Ý, Pháp, Luxembourg, Ireland, Scotland, Man-ta và Đức.

Những sự kiện như thế dẫn tới ý tưởng tổ chức những ngày hội cho Thanh Thiếu Niên. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ý định tổ chức hằng năm các Ngày Thanh Niên Thế Giới, bắt đầu mỗi năm vào dịp lễ Lá.

Thế là Chuá Nhật Lễ Lá năm 1986, cây thập giá đã có mặt ở Rôma cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ nhất, và từ đó luôn luôn đồng hành với tất cả các Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Năm 1987 Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 2 được tổ chức tại Buenos Aires ở Argentina vào tháng Tư. Đây là lần đầu tiên cây Thập Giá đến châu Mỹ.

Năm 1988, trong chương trình luân phiên cuả Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 3, cây Thập Giá đã vượt Đại Tây Dương đến Steubenville Hoa Kỳ.

Năm 1989, Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 4, cây thập giá thực hiện chuyến viếng thăm Châu Á lần đầu tiên, tới dự Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Seoul Hàn Quốc.

Chúa Nhật Lễ Lá năm 1992, nhân ngày khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 7 tại Rôma, một phong tục mới khởi đầu, đó là cây thập giá đã được các thanh niên Ba Lan trao tận tay cho ban tổ chức Ngày Giới Trẻ kế tiếp, là các thanh niên Hoa Kỳ.

Cây Thập Giá du hành qua toàn nước Mỹ trong năm 1993, tham dự các lễ kỷ niệm, các cuộc biểu tình, hội nghị, hành hương, và có mặt tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 8 tổ chức tại Denver vào tháng Tám.

Chúa Nhật Lễ Lá năm 1994, khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 9 tại quảng trường Thánh Phêrô, một đại diện của giới trẻ Hoa Kỳ đã trao cây thập giá cho các đại biểu thanh niên Philippines.

ở Philippine, cây Thập Giá đã thực hiện cuộc hành hương xung quanh 79 giáo phận của Phi Luật Tân, di chuyển bằng thuyền, trên vai của các thanh niên địa phương, hoặc bằng bất cứ phương tiện giao thông vận tải nào có sẵn.

Năm 2001, cây Thập Giá đã bay qua Đại Tây Dương và bắt đầu cuộc hành hương dài chung quanh nước Canada rộng lớn, di chuyển bằng máy bay thương mại, máy bay hạng nhẹ, chó kéo xe, xe tải, máy kéo, thuyền buồm và thuyền đánh cá. Đã đến thăm các nhà thờ giáo xứ, các trung tâm cải tạo thanh thiếu niên, nhà tù, trường học, trường đại học, di tích lịch sử quốc gia, trung tâm mua sắm, trung tâm thành phố, quận lỵ, hộp đêm và công viên.

Cuộc hành trình chung quanh Canada bị gián đoạn ba ngày trong năm 2002 để người ta đưa cây Thập Giá đến Ground Zero ở New York như một dấu hiệu của hy vọng cho người dân Hoa Kỳ sau thảm kịch 11 tháng 9.

Từ đó cây Thập Giá đã trở thành một biểu tượng cuả hy vọng, ở đâu cũng vậy, người ta chen nhau đến để được chạm vào nó, nắm lấy nó, và cầu nguyện chân thành.

Có rất nhiều người đã xúc động sâu sắc khi đứng trước cây Thập Giá. Những năm gần đây, số nhân chứng tăng vọt có lẽ nhờ ở phương tiện Internet dối dào. Những lời khai được lưu trữ tại Trung tâm Thanh niên Quốc tế Saint Lawrence, và trên các ấn phẩm cuả các Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Một số người đã thắc mắc là làm thế nào mà hai miếng gỗ có thể có tác dụng như vậy về cuộc sống của một người., Bất cứ nơi nào nó đi qua, mọi người hỏi rằng bao giờ nó trở lại. Người ta nhìn thấy sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa. Thông qua Thập Giá, nhiều người trẻ có thể hiểu được Mầu Nhiệm Phục Sinh và một số có thêm can đảm để lựa chọn một cuộc sống khác tốt hơn.

Một thanh niên trẻ tuổi Canada cho biết: "Cây Thập Giá này có một tác động to lớn trên tất cả các quốc gia mà nó đi tới. Điều này trở thành hiển nhiên đối với tôi qua buổi lễ trao Thập Giá từ những bạn người Ý. Họ (các bạn trẻ Ý).. rất cảm xúc, khóc sướt mướt vì nỗi buồn phải xa rời nó. Chúng tôi, mặt khác, cũng khóc với những giọt nước mắt mừng vui vì chúng tôi đã nhận được một biểu tượng mạnh mẽ mà chúng tôi biết là sẽ có ảnh hưởng đến quốc gia của chúng tôi."

Bức Linh Ảnh Đức Mẹ Quan Phòng.

Sau năm 2003, cây Thập Giá không còn phải đi du hành đơn độc một mình nữa. Nó sẽ luôn luôn được đi kèm với một biểu tượng của Đức Trinh Nữ Maria (như chính Chúa Kitô đã đi cùng với mẹ mình trong lịch sử.)

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá tại Rôma năm 2003, khi đoàn đại biểu Canada trao thập giá cho những thanh niên Đức, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trao phó cho họ thêm một biểu tượng về Đức Mẹ.

Biểu tượng mới là một bản sao bức linh ảnh cổ có tên là Mary Salus Populi Romani (đấng quan phòng cuả nhân dân La Mã ). Đức Giáo Hoàng nói: "Hôm nay tôi cũng phó thác cho đoàn cuả nước Đức một biểu tượng của Mẹ Maria. Từ giờ trở đi nó sẽ đi kèm với Thập Giá cuả Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Này, đây là mẹ của các bạn! Nó sẽ là dấu hiệu của tình mẫu tử của Mẹ Maria ở gần gũi với những người trẻ, những người được ủy thác, như Thánh Gioan Tông đồ đã được ủy thác, để đón tiếp Mẹ vào trong cuộc sống của mình."

Phiên bản gốc của Bức Linh ảnh ĐM được giữ trong Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả tại Rôma. Bức ảnh cao 5 feet rộng 3 1/4 feet (1.5m x 1m), được vẽ trên một mặt gỗ dày (loại gỗ thông cedar).

Đây là bức ảnh Đức Mẹ quan trọng nhất ở Rôma, mặc dù ngày nay số người sùng kính những bức linh ảnh khác như Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có vẻ vượt trội hơn, nhưng qua nhiều thế kỷ trước, bức linh ảnh này đã có một lịch sử huy hoàng.

Bức linh ảnh Salus Populi Romani, đã có thời được gọi là Regina Caeli (Nữ Vương Thiên Đàng) là một trong những bức ảnh mà theo truyền thuyết được gọi là "ảnh cuả thánh Luca", nghĩa là do chính thánh Luca vẽ khi còn sống. Truyền thuyết kể rằng "sau khi Chúa bị đóng đinh, Đức Mẹ dọn về ở với Thánh Gioan, mang theo một vài món đồ yêu thích, trong số đó là một cái bàn do chính Chuá Giêsu đóng khi còn làm việc trong xưởng thợ cuả Thánh Giuse. Thánh Luca đã dùng chính mặt bàn này để vẽ một bức chân dung của Đức Mẹ đang bế Chuá Giêsu hài đồng. Và Thánh Luca đã vừa vẽ vừa cẩn thận lắng nghe những lời cuả Đức Mẹ kể về cuộc sống của con trai mình, do đó mà chúng ta có những sự kiện Giáng Sinh được Thánh Luca ghi lại trong Tin Mừng."

Không chắc chắn bức linh ảnh Salus Populi Romani có là bức ảnh cổ trong truyền thuyết đó không? Những khảo nghiệm trên gỗ cho biết bức ảnh có thể cũ từ khoảng thế kỷ thứ 5 cho đến thế kỷ 12 mà thôi, nghiã là không cũ đủ để được ở cùng thời với ĐM và Thánh Luca.

Dù sao thì ngay từ thời cổ bức ảnh đã được coi là kỳ diệu và đã được rước kiệu xung quanh Rôma nhiều lần. Năm 593 Thánh Giáo Hoàng Gregory đã rước qua mọi khu phố Rôma để cầu nguyện chấm dứt nạn dịch Black Plague. Đức Giáo Hoàng Piô V vào năm 1571 đã cầu nguyện cho được chiến thắng trận Lepanto và Giáo hoàng Gregory XVI vào năm 1837 đã cầu nguyện cho hết nạn dịch tả.

Năm 1953, người ta rước ảnh Mẹ qua Rôma để khai mạc năm thánh mẫu đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Năm 1954, bức ảnh được Đức Giáo Hoàng Piô XII trao một vương miện khi ngài thiết lập một ngày lễ mừng ĐM mới, lễ Mẹ Nữ Vương.

Các vị Giáo Hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đều đến viếng linh ảnh Salus Populi Romani nhiều lần. Riêng Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô đã đến kính viếng ngay ngày đầu tiên sau khi được bầu.

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ YÊU CẦU GỠ BỎ NGAY BỨC TƯỢNG CHÂN DUNG CỦA NGÀI Ở ARGENTINA

Buenos Aires 9/7/2013.- Nguồn tin thông tấn xã ANSA của Ý cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu phải gỡ bỏ ngay bức tượng chân dung của Ngài ra khỏi khu vườn ở nhà thờ chính tòa ở Buenos Aires, Á Căn Đình.

Bức tượng chân dung ĐGH Phanxicô do nghệ sĩ Fernando Pugliese thiết kế để đặt trong khu vườn Vương Cung Thánh Đường mà trước đây Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đã cai quản trước khi trở thành vị Giáo hoàng của Mỹ Châu Latin đầu tiên trên thế giới.

Tờ báo Clarin phát hành ở Buenos Aires cho biết bức tượng đã được đặt trong vuờn cách đây 10 ngày và ngày 9 tháng 7 năm 2013, khi vừa nghe tin Vương Cung Thánh Đường ở Buenos Aires đặt bức tượng của mình, Đức Thánh Cha từ Roma đã điện thoại ngay về cho giới chức cai quản Thánh Đường nói trên mà theo nguyên văn lời Ngài là “phải gỡ bỏ ngay lập tức” bức tượng chân dung của mình ra khỏi khu vườn Vương Cung Thánh Đường.

Tờ báo cũng đặt thêm câu hỏi là liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người luôn thể hiện tinh thần khó khăn, nhiệm nhặt, có cho phép giới chức lãnh đạo Giáo Hội ở Nam Mỹ mở một bảo tàng ở Argentina để vinh danh Ngài không?

Nguyễn Long Thao
(VietCatholic News)

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 05 - 11.7.2013

ĐỨC CHA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN QUANG SÁCH TỪ TRẦN #3

THÁNH LỄ AN TÁNG
Đức Cha Phanxicô Xaviê NGUYỄN QUANG SÁCH
Nguyên Giám mục GP Đà Nẵng
11.7.2013


Thánh Lễ an táng Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách đã được cử hành vào sáng sớm Thứ Năm ngày 11 tháng 7 năm 2013 tại tiền đường Nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng trong bầu khí trang nghiêm sốt sắng.


Đoàn rước gồm 15 giám mục, 120 linh mục đồng tế, cùng với đại diện tang quyến, tu sĩ và giáo dân, đã đưa linh cửu của Đức Cha từ cung thánh Nhà thờ Chính Tòa tiến ra lễ đài, rẽ qua giữa hàng ngàn tín hữu đang thổn thức, như mục tử đi vào giữa đàn chiên của mình. Lễ đài lộ thiên trong không khí mát dịu buổi sáng sớm của thành phố biển Đà Nẵng đang lung linh ánh điện làm cho bầu khí cử hành thêm lắng đọng tâm tình. 


Khi mọi người đã an vị, Cha Phaolô Đoàn Quang Dân, Hạt trưởng Trà Kiệu, đọc tiểu sử của Đức Cố Giám mục với những điểm nhấn quan trọng trong cuộc đời mục tử của Ngài. Cha Bonaventura Mai Thái, Hạt trưởng Hội An, tuyên đọc những điện văn quan trọng từ Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Thánh Bộ loan báo Tin Mừng và Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thánh lễ do Đức Tổng Giám muc Léopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam chủ sự, đứng cạnh Ngài là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN và Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng.

Xem chi tiết và hình ảnh>>

(giaophandanang.org)

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

THÁNH LỄ GIA NHẬP KYTÔ GIÁO CỦA LỚP GIÁO LÝ DỰ TÒNG KHOÁ 24

TPB (12.7.2013) - 17g30 ngày 12.7.2013, Cộng Đoàn Giáo xứ Thuận Phát đã hân hoan đón mừng 48 anh chị em Dự Tòng gia nhập cộng đoàn Dân Chúa. Cha Chánh Xứ Gioakim Lê Hậu Hán và Cha Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa đã cử hành Thánh Lễ, Rửa Tội và Ban Bí Tích Thêm Sức cho các anh chị.

48 anh chị em này là những người đã tự nguyện theo học Lớp Giáo Lý Dự Tòng Khoá 24 khai giảng ngày 26.02.2013, mỗi tuần học 02 buổi : tối thứ Ba và tối Thứ Bảy từ 19g00 đến 21g00.

Xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các anh chị em Tân Tòng hôm nay được ơn bền đỗ, Đức Tin ngày càng vững mạnh, nên nhân chứng cho Chúa trong môi trường xã hội ngày nay.

Ca đoàn Đức Mẹ hát Lễ.

Hình ảnh Thánh Lễ


Hữu Toàn,