TU SĨ KHÔNG TU PHỤC: NGƯỜI MẸ THỨ HAI CỦA TÔI
TGPSG -- Mang danh là tu sĩ mà dường như chẳng mấy ai biết, vì chẳng có tu phục lẫn đời sống cộng đoàn. Cùng chiến đấu sống giữa thế gian mà chẳng thuộc về thế gian để sống trọn vẹn ba lời khuyên Phúc âm.
Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo, ở vùng quê, hằng ngày vất vả mưu sinh trên cánh đồng lúa. Dù chẳng được sống trong gấm vóc lụa là, mâm cao cỗ đầy, nhưng gia đình tôi luôn tràn đầy niềm vui, bình yên và hạnh phúc. Tôi được cha mẹ giáo dục, dạy dỗ trở nên người tốt và nhất là được học biết về Thiên Chúa là người Cha đầy nhân hậu và từ bi.
Nơi tâm trí của tôi, luôn có hình ảnh một người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra tôi. Tôi vẫn thầm cảm tạ Chúa đã cho tôi được làm con của mẹ, và qua mẹ, tôi được làm con của Chúa. Ngoài ra, tôi còn có một người mẹ thứ hai, chẳng phải là người đã sinh ra tôi, nhưng lại có tầm ảnh hưởng rất lớn trên cuộc đời tôi. Đó là cô của tôi. Tuy cô là chị gái của mẹ tôi, nhưng chúng tôi vẫn quen gọi là cô, vì những người trong giáo xứ vẫn quen gọi cô như thế.
Trong nhà ngoại, cô là người con thứ hai, nên việc chăm sóc các em và các cháu đã trở thành như là một bổn phận mà Chúa muốn cô phải chu toàn. Cô không lập gia đình, cô sống với ông bà ngoại để chăm sóc ông bà. Hằng ngày cô làm việc nhà, nấu nướng và làm ra những sản phẩm từ tre, nứa, mây… Với công việc như thế, cô có nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho các cháu.
Cô chọn cho mình một hướng đi là sống độc thân vì Nước Trời theo linh đạo của tu hội ‘Tôi tá Thánh Tâm Chúa Giêsu’. Mang danh là tu sĩ mà dường như chẳng mấy ai biết, vì chẳng có tu phục lẫn đời sống cộng đoàn. Cùng chiến đấu sống giữa thế gian mà chẳng thuộc về thế gian để sống trọn vẹn ba lời khuyên Phúc âm. Điều đó phần nào nói lên tính cách khiêm nhường, âm thầm, nội tâm sâu xa nơi con người cô tôi. Và đặc biệt hơn hết, cái tên cúng cơm “cô Thép” mà mọi người gọi cô làm cho cô thêm cứng cỏi trong hành trình lữ thứ trần gian của mình.
Tuổi thơ của tôi hầu hết là được ở bên cạnh cô. Vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ tôi phải vất vả với cuộc sống mưu sinh, lặn lội với cánh đồng lúa kiếm miếng cơm từng ngày từ sáng sớm đến khi chiều tà, nên phần lớn thời gian tôi ở bên nhà ngoại với sự chăm sóc của cô. Ngay từ những ngày còn nằm trên nôi, tôi đã được nghe cô ru ngủ, với giọng ca trầm ấm. Lớn lên một chút, cô bắt đầu kể chuyện cho tôi nghe, những câu chuyện về nhiều khía cạnh của cuộc sống như lòng hiếu thảo, đền ơn đáp nghĩa, yêu thương… và nhất là những câu chuyện về hạnh các thánh giúp cho tôi dần dần nhận biết về Thiên Chúa, về con đường mà Thiên Chúa mời gọi các Kitô hữu là hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô trên quê hương vĩnh cửu Nước Trời.
Vì sống đời tu nên cô tôi rất yêu mến Chúa. Cô tham dự thánh lễ mỗi ngày. Cô là ca trưởng một ca đoàn trong giáo xứ nên lời ca tiếng hát trở nên như lời ngợi khen, chúc tụng tuyệt hảo mà cô dành cho Chúa, qua đó, giúp tôi ý thức tham dự phụng vụ cách sinh động và kết hiệp mật thiết với Chúa, như lời Thánh Augustinô đã nói: “Hát hay là hai lần cầu nguyện”.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô dạy tôi làm dấu thánh giá khi tôi mới biết phân biệt bên phải bên trái. Như một số đứa trẻ khác, tôi cứ quen tay làm dấu bên trái. Không một lời la mắng, hay thất vọng, cô vẫn kiên nhẫn cầm tay tôi và giúp tôi làm dấu, như Chúa Giêsu kiên nhẫn giảng giải cho các môn đệ những dụ ngôn mà các tông đồ không hiểu. Cô nói: “Khi con làm dấu là lúc con tôn vinh danh Chúa Ba Ngôi và xác tín niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Nếu con nhìn thấy ai làm dấu thánh giá thì đó là dấu chỉ cho thấy người đó là Kitô hữu, là anh chị em với chúng ta”. Những lời nói đó, khi ấy, tôi chưa hiểu hết. Lớn lên rồi, mỗi lần làm dấu thánh giá, tôi lại nhớ đến cô. Qua cô, tôi nhận ra được Thiên Chúa mà tôi tôn thờ cũng yêu thương con người như thế.
Chính từ nơi cô, tôi được nhận biết về tình yêu Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng những hành động cụ thể dù rất nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày mà đôi khi tôi đã đánh mất cơ hội không làm.
Cô hay nhắc câu lời Chúa mà cô đã chọn làm phương châm cuộc sống của mình: “Ai cho một trong những kẻ bé mọn này, dù chỉ một chén nước lã thôi vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42). Cô sẵn sàng chia sẻ vật chất cho những người nghèo khổ sống bên cạnh cô, dù cuộc sống của chúng tôi chẳng khá giả gì. Hằng tháng, cô dành ít chút thời gian để đi thăm viếng những người ốm đau bệnh tật trong giáo xứ. Những điều đó đã khắc ghi vào trong tâm trí của tôi rất nhiều, nó ảnh hưởng cả đến ơn gọi tu trì của tôi sau này.
Bây giờ, là nữ tu của Hội Dòng với linh đạo ‘sứ mạng trợ thế’ - chăm sóc các bệnh nhân tâm thần, khuyết tật - tôi mới nhận ra điều cô dạy thật hữu ích. Việc chăm sóc các bệnh nhân đòi hỏi tôi phải nhận ra được hình ảnh của Đức Kitô nơi những khuôn mặt xấu xí, tính tình thất thường… Điều này thật chẳng dễ chút nào. Để làm được điều đó, tôi phải có một niềm tin mạnh mẽ vào tình yêu của Chúa Giêsu. Chính những việc làm bác ái của cô tôi đã chuẩn bị cho tôi hành trang của con đường tu trì. Đây là điều quan trọng mà cô luôn muốn tôi nhớ đến hằng ngày: “Là con cái Chúa, tôi phải biết sống điều răn mới của Chúa: Hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em.”
Suốt cuộc đời, cô đã nỗ lực hoạt động tông đồ như không biết mệt mỏi: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân” (Ga 2,17). Ngoài những giờ làm việc bổn phận ở nhà, hầu hết khoảng thời gian còn lại cô dành cho công việc nhà Chúa: phụ trách giáo lý, tham gia ca đoàn, thăm viếng bệnh nhân và người nghèo... Từng việc, cô chu toàn cách âm thầm khiêm tốn, với tất cả lòng yêu mến, không hề mong được ca ngợi hay cám ơn. Cô noi gương thánh bổn mạng Têrêsa nhỏ bé của mình, thao thức mang Lời Chúa đến cho mọi người bằng chính những việc nhỏ bé hằng ngày, ngay cả việc chăm sóc các cháu, mà cô đã chăm sóc như một người mẹ thực sự. Cô luôn ý thức mình là người tông đồ của Chúa, được Chúa tha thiết mời gọi: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) và loan báo bằng những việc làm cụ thể, dù rất nhỏ bé, chẳng được ai biết đến.
Cô tâm đắc lời của thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,8-9)
Mỗi buổi tối, tôi vẫn thấy cô cặm cụi cần mẫn ghi chép, soạn bài giáo lý, hay những bài hát được cô kẻ nhạc, vì thời đó, nơi tôi ở là vùng quê, không có máy in, nên tất cả đều phải viết tay. Cô ý thức công việc cô làm không chỉ là để hướng dẫn một thế hệ con người phát triển về nhân cách, nhưng còn đem con người đó đến với Chúa, kết hợp với Ngài, và chu toàn bổn phận là người con của Chúa. Cô đã gieo vãi hạt giống đức tin cho thế hệ trẻ và chính bản thân tôi cũng được đón nhận niềm tin ấy đang ngày càng lớn dần lên trong sự hướng dẫn của cô. Nhờ cô, tôi nhận biết về Thiên Chúa nhiều hơn, về tình yêu Ngài dành cho tôi. Cô không chỉ là một người mẹ hiền chăm lo từng chút cho tôi, mà còn là người cha cho tôi chỗ dựa vững chắc trong đức tin nữa.
Điều khiến tôi suy nghĩ và ái ngại nhiều đó là: việc cô hoàn thành xuất sắc công việc, lại khiến cho nhiều người ganh tị. Có những ca viên, vì ganh ghét, đã nói xấu, giận dỗi với cô. Họ muốn cô tôi không giữ chức ca trưởng nữa.
Trước những thái độ ấy, cô vẫn giữ thái độ ân cần, lắng nghe, đón nhận những lời đóng góp, nhưng cũng rất cương quyết giữ vững lập trường của mình. Cô làm mọi việc không vì lợi ích cá nhân, nhưng là vì tập thể và nhất là vì đó là công việc nhà Chúa mà Chúa muốn cô thi hành. Như cái tên “Thép” của mình, nhờ niềm tin vào ơn trợ giúp của Chúa, cô vượt qua mọi rào cản của cuộc sống, như lời Chúa nói trong thư của thánh Phaolô tông đồ: “Ơn ta đủ cho con”.
Nhưng dù luôn mang khuôn mặt cứng cỏi, bình tĩnh bên ngoài, bên trong của cô lại là một tâm hồn nhạy cảm. Tôi đã từng thấy cô khóc trước tượng Chúa Kitô chịu nạn. Cô đang cô đơn, và chỉ có Chúa mới thấu suốt tâm hồn cô. Chắc có lẽ lúc đó cô đang nhủ thầm cùng Chúa “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con?”.
Qua những sự việc diễn ra trong ca đoàn, tôi thấy cô rất vững chắc trong cách ứng xử với mọi người. Cô im lặng hơn là phản kháng, có lẽ cô muốn để thời gian trả lời cho những gì cô làm: không phải vì lợi ích cá nhân nhưng là để thực thi thánh ý Chúa.
Cuối cùng, điều thật buồn đã đến: Chúa đã gọi cô rời trần gian về cùng Chúa, khi tuổi đời của tôi chưa đủ lớn. “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”, đúng thế, nhưng làm sao vui được đối với một đứa trẻ như tôi. Tất cả các thành viên trong gia đình chúng tôi đã trải qua một cơn sốc nặng. Chúa đã thử thách niềm tin của chúng tôi qua biến cố này. Dù sao, với sự ra đi mãi mãi của cô, Chúa đã muốn chúng tôi phải sống thật tốt những lời cô dạy, noi gương bắt chước các nhân đức cô để lại, nhất là đức ái tuyệt hảo đối với tha nhân.
Những lời cuối cùng cô dặn dò tôi: “Hằng ngày con phải tham dự thánh lễ và chăm sóc các em thật tốt nhé!” Mỗi khi bước chân vào nhà thờ, tôi lại nhớ đến cô. Dù không có người con nào, nhưng sự ra đi của cô đã để lại cho biết bao người sự luyến tiếc. Các ca viên, huynh trưởng, giáo lý viên cùng các em thiếu nhi mà cô đã hướng dẫn, dạy dỗ, đã khóc thật nhiều trước linh cữu của cô. Thánh lễ an táng, là thánh lễ cuối cùng chúng tôi cùng cô tham dự, đã diễn ra thật sốt sắng nhưng cũng đầy nghẹn ngào, đau đớn. Trước khi nấm mồ của cô khép lại, chúng tôi đã có những lời cuối cùng với cô, vì chúng tôi tin cô đang ở bên chúng tôi trong vào lúc ấy.
“Nhìn lại quá khứ với tâm tình biết ơn”, đó là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxixô trong năm Đời sống thánh hiến 2015. Vâng, nhìn lại những năm tháng sống bên cô, tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi một người cô thật tuyệt vời. Giờ đây, khi chọn cho mình con đường theo Chúa trong ơn gọi tu trì, nhiều bài học mà tôi nhận lãnh từ nơi cô đã trở nên hữu ích cho tôi trong đời sống cộng đoàn. Tôi chỉ biết đáp đền tấm lòng của cô bằng lời cầu nguyện mỗi ngày. Xin cho linh hồn cô tôi được hưởng ánh sáng vinh quang của Chúa. Tôi quyết tâm sống thật tốt sự lựa chọn của mình, và chắc chắn đó cũng chính là điều cô hằng mong ước nơi tôi.
Agata Kiều Minh Thư, HSC (TGPSG - NSTM 43)
(WGPSG)