Thứ Tư, 14 tháng 7, 2021
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021
ĐỨC CHA LOUIS NGUYỄN ANH TUẤN: “HÃY THỂ HIỆN LÒNG BIẾT ƠN”
(WHĐ)
Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021
Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021
TÌNH YÊU MUỐN CHÚNG TA LÀM GÌ LÚC NÀY?
Tình yêu muốn chúng ta làm gì lúc này? Đây là câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra cho mình vào những lúc cuộc sống bị chấn động (vì tổn thương nhưng cũng vì phúc lành) đến mức độ chúng ta không còn muốn phản ứng một cách tốt lành và yêu thương nữa, vì mọi thứ trong lòng chúng ta chỉ muốn khép mình và lánh đời.
Chính vì thế…
- Khi tôi mất đi một người thân yêu vì tự tử, không phải chỉ là chết mà còn chết theo một cách khiến mọi ký ức về người đó bị phủ lên một màu khác hẳn, khiến tình yêu thương của tôi biến thành giận dữ, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi một đồng nghiệp sỉ nhục tôi tại một cuộc họp lớn, một lời vu khống khiến tôi giận sôi lên vì cảm thấy bất công, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi con cái tôi bác bỏ đức tin và các giá trị của tôi, muốn nói toạc ra rằng tôi ngây thơ và không theo kịp thế giới, rằng tôi chỉ là kẻ dễ thương thân trách phận và dễ dàng rút lại tình yêu thương và ủng hộ của mình, lúc đó, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi tôi bị chẩn đoán là sức khỏe của tôi sẽ thay đổi hoàn toàn, và toàn bộ cơ thể cũng như tinh thần tôi muốn đắm chìm trong giận dữ và sầu thảm, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi giáo hội đã cho tôi đức tin, giáo hội tôi sống trọn trong đó, bị phát giác là bất công, là kẻ gây tội lỗi, khi tôi thấy các lỗi lầm của nó và tự nhủ làm sao mình có thể ở lại trong một giáo hội với biết bao biến tướng như vậy, thì câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi tôi bị phụ tình, bị người tôi tin tưởng lừa dối, khi tôi muốn chìm vào cay đắng và không bao giờ tin tưởng ai nữa, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi chính tôi phản bội sự tin tưởng của người ta, khi tôi phạm tội vì phút yếu lòng, khi tôi muốn ghét bỏ chính mình hoặc muốn biện minh hay chối bỏ sự yếu đuối của tôi, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi cuộc bầu cử ở đất nước tôi đem lại một lãnh đạo mà nhân cách và chính sách đi ngược lại mọi điều tôi ủng hộ, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi thế giới nhỏ nơi tôi lớn lên bắt đầu nhường chỗ cho một thế giới đa tôn giáo, đa chủng tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ khiến tôi thấy mình bị tụt hậu, khi sự hoang tưởng và thủ thế khiến tôi tuyệt vọng bám vào những gì của thời xa xưa ấy, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi tôi sống với một người thân chẳng ra gì và tôi chỉ muốn tránh mặt người đó để sống cho yên thân, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi tôi phải đương đầu hàng ngày với người ghét tôi và lòng tôi chỉ muốn mắt đền mắt răng đền răng, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Tuy nhiên, không chỉ những điều tiêu cực mới khiến chúng ta phiền lòng, dẫn đưa chúng ta đến thù hận và lánh đời, khiến chúng rơi vào tình thế buộc phải phản ứng theo một cách mới; cả ân sủng lớn lao cũng có thể gây ra như vậy.
Chính vì thế…
- Khi tôi được chọn đứng ra phát biểu thay mặt cả niên khóa và đứng trên bục tận hưởng sự ngưỡng mộ của đám đông (thậm chí nhận thức được sự ghen tị từ các bạn học), biết bao cám dỗ sẽ vồ lấy tôi, hầu hết chúng đều không lành mạnh, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
- Khi ai đó đem lại cho tôi tình yêu, lòng biết ơn, sự công nhận, và lòng tôi cảm thấy muốn tôn mình lên, thì câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021
GIÁ TRỊ CỦA MÓN QUÀ
Đây là việc khẩn cấp nên tôi không thể từ chối. Thế nhưng, rời bỏ cái chăn ấm và cuốn sách hấp dẫn thì thật là uổng… Chần chừ vài phút, tôi đã quyết định lên đường. Chống chọi với thời tiết lạnh buốt và mưa bão, tôi lái xe đi đến trung tâm. Nơi tôi ở cách trung tâm khoảng 45 phút lái xe. Lúc này, lòng tôi thấy vui vui vì tôi nhận ra rằng mình đang chiến thắng sở thích cá nhân để hướng tới một việc làm của bác ái yêu thương.
Thình lình tiếng còi xe cảnh sát hú vang và chặn tôi lại. Tôi hết sức sợ hãi và bối rối vì đây là lần đầu tiên trong đời được cảnh sát gọi. Tôi không biết lý do tại sao. Người tôi toát mồ hôi, chân tôi run cầm cập khi đạp thắng xe. Cảnh sát ra lệnh quay kính xe xuống và sau khi tôi xuất trình giấy tờ, anh cảnh sát hỏi tôi:
- Bạn có biết lý do tại sao bạn được gọi dừng lại không?
- Thưa không.
- Giấy lưu hành xe của bạn hết hạn hơn 3 tháng rồi.
- Ô, Xin lỗi anh, Tôi chưa bao giờ làm chủ xe nên không biết chuyện phải đăng ký xe. Anh có cách nào giúp tôi không?
- Bạn cần đến trung tâm giao thông để được hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, bạn phải nộp phạt 150 đôla.
- Anh có cách nào để tha cho tôi không? Tôi là sinh viên, tôi cũng là một tình nguyện viên trên đường đến bệnh viện để giúp một bệnh nhân trong cơn khủng hoảng.
- Xin lỗi, tôi không thể làm thế nào khác. Nếu bạn không nhận giấy phạt bây giờ, bạn sẽ gặp cảnh sát khác và mức độ phạt sẽ là 300 đôla như luật định. Vậy bạn chọn phương án nào.
- Ơ, ơ…
Tuy biết rõ sự thiếu sót, nhưng tôi vẫn cố nài nỉ anh công an để xin tha. Năn nỉ đến hết lời, nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải nhận một phong bì đỏ chói có niêm phong và tiếp tục hành trình. Tôi vừa lái xe, vừa phàn nàn với Chúa rằng: “Con đang đi làm ơn, tại sao con lại gặp cái oán này vậy Chúa?” Không đăng ký giấy lưu hành xe là lỗi luật giao thông nhưng con đâu có cố tình phạm luật… Thật là tức bực anh cảnh sát vì tôi nghĩ, anh là người không biết khoan dung, không có quảng đại và tha thứ. Tôi van xin mãi mà cũng không tha cho.
Đến với bệnh nhân trong tâm trạng bất an như thế, nhưng tôi cố gắng nén lại để thi hành sứ vụ. Tôi không nhớ rõ lúc đó tôi hành xử thế nào với bệnh nhân. Tôi chỉ biết lúc ấy bệnh nhân đã coi tôi như một tư vấn tối cao, nên bà ấy đã xả hết bao uất ức đang giam hãm cuộc đời của bà khiến bà muốn kết liễu cuộc đời. Sau 45 phút nói chuyện, bệnh nhân này cảm thấy nhẹ lòng và hẹn với tôi cho gặp lại lần nữa.
Trên đường về nhà, lòng tôi vừa vui vừa buồn. Tôi vui vì đã hoàn tất nhiệm vụ với bệnh nhân và tôi buồn vì bị cảnh sát phạt. Về đến nhà tôi không thể giấu nỗi lòng của mình nên đem chuyện này ra kể lại cho các bạn sống chung cùng nhà. Vừa kể, tôi vừa mở phong bì đỏ ra cho họ xem. Ôi thật lạ, trong phong bì có một cái phiếu nộp phạt, kèm thêm 150 đôla và một sơ đồ chi tiết chỉ đường đến trung tâm giao thông để nộp phạt. Các bạn của tôi reo lên vì quá nhạc nhiên: sao lại có chuyện lạ như thế! Còn tôi, tôi không thể tin vào đôi mắt của mình bởi tôi đang mang trong mình sự phẫn nộ với anh cảnh sát.
Thật vậy, cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng thế, chúng ta đã và đang nhận được rất nhiều món quà giá trị, nhưng ít khi chúng ta nhận ra nó. Chúng ta thường trách móc hơn là chân thành nhận để tạ ơn. Chúng ta thường chê trách và tức bực hơn là đơn sơ đón nhận trong vui tươi. Nhìn chung, chúng ta thường muốn kêu xin những điều hợp ý muốn và sở thích của mình, và vùng vằng bực tức với cái mình không được như ý.
Trong khóa học vừa qua, chúng tôi cũng gặp nhiều câu chuyện tương tự. Những người bạn cùng lớp trao cho chúng tôi những món quà của sự quan tâm chăm sóc hay lời nói vui đùa, thì dường như mình cho đó là sự ồn ào náo động. Có những nụ cười hoặc lời nói hài hước góp vui, có khi chúng tôi nghĩ đó là sự mỉa mai hoặc châm chọc. Có những lời góp ý xây dựng, thì không ít lần, chúng tôi nghĩ rằng họ lắm điều, nhiều chuyện. Hoặc có những lời khuyên chân thành, đã biết bao lần chúng tôi xem là giả tạo hoặc đạo đức giả.
Có lẽ nhiều người trong chúng tôi để lý trí mình hoạt động nhiều hơn trái tim. Những người sống trong thành kiến, người ấy để lý trí suy diễn nhiều, họ không cho trái tim của họ có cơ hội cảm nhận được lòng nhiệt tâm của người khác. Do đó, những người này ít khi tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Ví dụ trong câu chuyện kể trên, tôi đã có thành kiến không tốt về những người cảnh sát. Tôi nghĩ rằng cảnh sát là người luôn chờ sơ hở của người khác để phạt. Do vậy, mặc dù đối thoại gần 20 phút, tôi vẫn không nhận ra đó là một bài học qúi giá tôi đã học được từ anh cảnh sát. Khi đưa tay ra để đón nhận 150 đôla, tôi cũng không cảm nhận được tấm lòng quảng đại của người trao tặng. Chính vì vậy, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra bản chất thực của anh cảnh sát.
Tạ ơn Chúa vì giữa mùa Đông giá lạnh, cũng có những tấm lòng bao dung, quảng đại và hết sức kiên nhẫn. Suy nghĩ về khóa học vừa qua, có nhiều lúc con đã tính bỏ cuộc vì quá bận rộn công việc. Có lúc buồn chán, mệt mỏi và căng thẳng, nhưng thực tế Chúa đã trao tặng cho con nhiều niềm vui trong lớp học qua qua sự tích cực dạy và truyền trao kiến thức của Cha, của Sơ, qua việc phục vụ tận tình của lớp trưởng và nhiệt tình đam mê học hỏi của các học viên. Nhờ vậy, con thêm lòng hăng hái và kiên trì hơn để đến với lớp học truyền thông cho dù có những ngày mỏi mệt, chân không lê được gót. Hơn nữa, chúng con có một bầu khí lớp học vui tươi, nhộn nhịp và đoàn kết. Đây là một sân chơi bổ ích cho chúng con và là chỗ tuyệt vời giải bớt căng thẳng, mỏi mệt sau một ngày làm việc. Chính nơi lớp học này, tôi học biết cách dùng phương tiện truyền thông để đem Chúa đến cho người khác. Và chính nơi lớp học này, tôi kín múc nhiều niềm vui tiếng cười và cũng là nơi tôi trao ban và nhận lãnh bao niềm vui.
Con thành thật xin lỗi Chúa vì bao món quà tình yêu Chúa trao cho con trong đời sống mà con chưa thật sự nhận ra. Xin Chúa tiếp tục trợ giúp và nâng đỡ để con bỏ đi thành kiến xấu và sống vui để đón nhận niềm vui thật Chúa trao tặng cho chúng con bậc sống của mình.
Và xin cho con cũng nhận ra những món quà đặc biệt Chúa trao, ngay cả trong thời kỳ đại dịch này...
THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN ƠI! - THƯ KÊU GỌI CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC GỬI ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO VIỆT NAM
THƯ KÊU GỌI CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
GỬI ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành ổ dịch lớn nhất nước với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Thủ Tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị 16, đặt thành Phố Hồ Chi Minh trong tình trạng giãn cách toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 09/07/2021. Phải quyết liệt như thế may ra có thể kìm hãm được phần nào thảm hoạ đang hung hãn lan tràn. Nhưng đây lại là một tình huống tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.
Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng : lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang… Thành phố đã từng mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là “đầu tầu kinh tế” đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai…. Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây? Công nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc đóng cửa?
Anh chị em hãy nhớ lại: chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn… Các tỉnh miền trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Saigon khắp hang cùng ngỏ hẻm. Trái tim Việt nam lúc nào cũng thì thào: một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước hãy thương nhau cùng. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Một cách cụ thể, mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, hãy khẩn trương lập một đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm Saigon đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh). Ngoài lương thực, đồng bào thành phố cũng cần hổ trợ tài chánh cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh v.v…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận hàng cứu trợ là: Văn Phòng Hội đồng Giám mục, tại số 72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3. Xin liên hệ với Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ qua đường dây nóng số 09.04.24.11.60. Sau khi nhận, Văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm phân phối hàng và tiền đến từ các tỉnh. Văn phòng cũng sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để giúp làm thủ tục vận chuyển hàng hoá vào thành phố. Tài khoản: Văn phòng Hội đồng Giám mục VN, VNĐ số 0602.5831.4789; USD số 0602.5831.7699; ngân hàng Sacombank – chi nhánh Gò Vấp.
Không biết khủng hoảng hiện nay sẽ kéo dài bao lâu, sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng đối với tín hữu Kitô, đây là một dấu chỉ thời đại đòi chúng ta phải tỉnh thức để nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa. Đại dịch tàn phá, nhưng chúng ta, cùng với đồng bào VN khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ thị lấy năm 2021 làm năm tôn vinh Thánh Giuse. Chúng Ta cầu nguyện cho Vị cha chung của chúng ta (đang tĩnh dưỡng tại bệnh viện Gemelli sau phẫu thuật đại tràng) sớm bình phục, nhất là cùng với ngài, chúng ta phó thác nhân loại và dân tộc vào đôi tay phù trợ của Thánh Cả Giuse.
Thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi cầu chúc mọi người được bằng an vượt qua đại dịch.
Đã ký và đóng dấu
+ Giuse NGUYỄN CHÍ LINH
Tổng Giám mục Huế
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021
KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH: LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN TRONG MÙA ĐẠI DỊCH
Linh mục Antôn Hà Văn Minh
WHĐ (08.7.2021) - Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, một phương thế được đặt ra: hạn chế tiếp xúc với người khác, có quan chức còn mạnh dạn đề nghị: “hãy coi người đối diện như người đang là F0”. Vâng dịch COVID-19 làm cho người ta sợ hãi và ngại tiếp xúc với nhau, tuy nhiên, người Kitô hữu chúng ta được sinh ra trong lòng Giáo hội, một cộng đoàn được Chúa quy tụ, chúng ta không thể không gặp gỡ Đức Kitô mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng ta, bởi đức tin của người Kitô hữu hệ tại ở việc gặp gỡ Đức Kitô, vì Người là nguyên lý của sự sống, là cội nguồn của ơn cứu độ và là nền tảng của sự hiệp thông Giáo hội. Vì thế, mỗi gia đình Kitô hữu là môi trường để các thành viên trong gia đình gặp gỡ Đức Kitô qua kinh nguyện gia đình.
Vâng, hơn bao giờ hết, chính lúc này đây, các bậc làm cha mẹ phải làm cho gia đình trở thành cộng đoàn cầu nguyện qua việc cử hành kinh nguyện trong gia đình. “Quả vậy, trong Hội thánh tại gia, mục đích quan trọng của kinh nguyện là bước dẫn nhập tự nhiên cho trẻ em bước vào kinh nguyện phụng vụ của toàn thể Hội thánh, vừa chuẩn bị chúng đi vào kinh nguyện phụng vụ vừa mở rộng vòng kinh nguyện này vào trong lĩnh vực đời sống cá nhân, gia đình và xã hội”[1].
Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung: vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau qua hai hình thức: kinh nguyện của Giáo hội gọi là Phụng vụ, hay kinh nguyện vay mượn những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một dân tộc hay một sắc tộc, nghĩa là thuộc văn hoá của họ được gọi là: lòng đạo đức bình dân.
Mặc dầu Phụng vụ là đỉnh cao trong lĩnh vực phụng tự của đời sống tín hữu và không có một hình thức cầu nguyện nào khác có thể so sánh được, nhưng các hình thức cầu nguyện thuộc hình thức “lòng đạo đức bình dân” cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người tín hữu kết hợp mật thiết với Chúa, qua cuộc gặp gỡ được diễn tả bằng những lời kinh, những tâm tình phù hợp với từng hoàn cảnh, ngôn ngữ và văn hoá của người tín hữu; nó khơi lên lòng đạo đức qua việc thực thi lời dạy dỗ của thánh tông đồ: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,17). Và như thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II khẳng định rằng, lòng đạo đức bình dân như là “kho tàng đích thực của dân Thiên Chúa”[2]. Bởi đó, các Giáo hội địa phương phải nỗ lực duy trì, cổ võ lòng đạo đức bình dân nơi hết thảy mọi người Kitô hữu.
Để đối phó với tình trạng giãn cách xã hội, không được tụ tập tại Nhà thờ nhằm tránh lây lan dịch bệnh, các gia đình Kitô hữu chúng ta phải cổ võ không ngừng đời sống cầu nguyện thuộc lĩnh vực lòng đạo đức bình dân như là phương thế hữu hiệu để nuôi dưỡng đức tin tại gia đình. Điều đó không là gì mới lạ, đó chỉ lập lại những kinh nghiệm lịch sử của một Giáo hội luôn đối diện với nhiều bách hại của những thù nghịch. Lịch sử chứng nhận rằng, đức tin của người tín hữu đã được nâng đỡ bởi những hình thức và thực hành đạo đức[3]. Lịch sử chung của Giáo hội toàn cầu cũng như lịch sử riêng của Giáo hội Việt Nam. Một thí dụ: nếu như không có lời kêu gọi khẩn thiết của Đức Giáo hoàng Piô V đến với mọi Kitô hữu trên thế giới về việc lần chuỗi Môi khôi để cầu xin cho cuộc chiến giữa đạo quân Hồi giáo và đạo quân Thánh giá, thì làm gì có cuộc chiến thắng lịch sử của đạo binh Thánh giá tại vịnh Lepante, vào 07/10/1511; hay là nếu không có những hình thức phụng tự được trình bày đơn sơ thuộc lĩnh vực lòng đạo đức bình dân, thì làm sao Giáo hội Việt Nam có thể đứng vững vượt qua cơn gian lao thử thách trong gần 300 năm? Quả thật “những thách đố nghiêm trọng mà thế giới phải đương đầu khi bước vào ngàn năm thứ mới, khiến chúng ta nghĩ rằng chỉ có sự can thiệp từ trên cao, có khả năng hướng dẫn tâm hồn những người sống trong những hoàn cảnh xung đột và những người nắm giữ vận mệnh các quốc gia, mới có thể cho chúng ta lý do để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn”[4]. Sự can thiệp từ trên cao đến được từ những lời cầu nguyện đơn sơ được thể hiện trong những hình thức cầu nguyện thuộc lòng đạo đức bình dân, như chuỗi Môi khôi.
Mong sao việc đọc kinh tại gia đình được các gia đình Kitô hữu nghiêm túc thi hành, vì “gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo hội trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng cầu nguyện lên Thiên Chúa”[5]. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đọc kinh chung trong gia đình. Bởi khi các thành viên trong gia đình cùng “đưa mắt hướng về Đức Kitô, cũng sẽ tìm lại được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, tỏ tình liên đới, tha thứ cho nhau, và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thần Khí của Thiên Chúa”[6].
Ngoài ra cần cổ súy giờ kinh nguyện gia đình cũng nên chú tâm vào trong việc cử hành Phụng vụ Các giờ kinh "vì đó là kinh nguyện công khai của Giáo hội, là nguồn mạch lòng đạo đức và là lương thực nuôi dưỡng kinh nguyện riêng"[7]. Trong việc khích lệ và bảo tồn lòng đạo đức bình dân, người tín hữu cần được chỉ dẫn cho biết về sự hiệp nhất trong Giáo hội, mọi hình thức phụng tự nên qui về cái chung hơn cái riêng. Trung tâm điểm của các hình thức phụng tự phải qui về chính là mầu nhiệm Chúa Kitô. Bởi đó việc đọc Các giờ kinh Phụng vụ vừa đáp ứng được tâm tình cầu nguyện riêng tư vừa cùng với Giáo hội cử hành hành vi Phụng vụ, tột đỉnh của mọi hình thức cầu nguyện. Quả thật, “Phụng vụ Các giờ kinh không phải là một hoạt động cá nhân hay riêng tư nhưng ‘thuộc về toàn thể Thân Mình Giáo hội[..]. Vì thế nếu các tín hữu được triệu tập để cử hành Phụng vụ Các giờ kinh và tụ tập cùng nhau hợp lòng hợp tiếng thì họ đang diễn tả Giáo hội đang cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô’. Sự chú ý đặc biệt đến kinh nguyện phụng vụ này không tạo ra căng thẳng với kinh nguyện bản thân. Trái lại, Phụng vụ Các giờ kinh giả định và đòi phải có kinh nguyện bản thân liên kết tốt đẹp với các hình thức khác của kinh nguyện cộng đồng nhất là nếu các hình thức ấy được Giáo quyền nhìn nhận và khuyến khích”[8].
Khi mà cả xã hội Việt Nam đang căng mình ra chống dịch covid-19, chúng ta, những Kitô không những nỗ lực cộng tác với toàn thể xã hội chống dịch theo khả năng, đóng góp công sức ủng hộ phòng chống dịch, nhưng chúng ta còn phải ý thức về đức tin công giáo của mình. Hãy nhớ lời Chúa phán: “không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 15, 5). Vì thế, chúng ta hãy chuyên chăm cầu nguyện trong từng gia đình của chúng ta, thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nhắc nhở: “phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Kitô hữu, xét như Hội thánh tại gia, chỉ có thể được sống với sự trợ giúp liên lỉ của Thiên Chúa, và sự trợ giúp này sẽ không bao giờ thiếu nếu người ta biết cầu nguyện khẩn xin với lòng tin cậy và khiêm tốn”[9].
[1] Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, ban hành ngày 22/11/1981, số 61.
[2] Gioan-Phaolô II, Bài giảng trong phần cử hành Lời Chúa tại La Serena (Chile), 2 trong: Insegnamentali di Gioavanni Paolo II, X/1 (1987), cit., tr. 1078.
[3] Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, số 11.
[4] Gioan-Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, ban hành tại Roma ngày 16/10/2002, số 40.
[5] Công Đồng Vat. II , Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (AA), số 11
[6] Gioan- Phaolô II, Tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, số 41.
[7] Công đồng Vat. II, Hiến chế về Phụng vụ thánh (SC), số 90.
[8] Gioan-Phaolô II, Tông thư kỷ niệm 40 năm ban hành Hiến chế Thánh Công đồng về Phụng vụ thánh, số 14.
[9] Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, ban hành ngày 22/11/1981, số 61.
(WGPSG)