Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

BẾP TU SĨ ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO

BẾP TU SĨ ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO

TGPSG -- Niềm vui của phục vụ, hạnh phúc của sẻ chia, hy vọng của phục hồi, sự sống của anh em, bình an của Sài Gòn… đã là động lực cho chị em Đức Bà Truyền Giáo và các tu sĩ...

Mấy hôm nay cả cộng đoàn đang bừng lên bầu khí “vội vã lên đường như Đức Maria”. Các chị em đăng ký vào nhóm thiện nguyện đợt II đã sẵn sàng, chỉ chờ thông báo của văn phòng Tu sĩ là đeo balô lên vai và lên đường. Chị em đùa vui với nhau: “Chúng ta đang sống mùa Vọng giữa mùa Thường niên năm B”.

Ngẫu nhiên chị em trong cộng đoàn được phân ra hai nhóm, nhóm chị em dưới 50 tuổi và nhóm chị em “cao niên và hơi cao niên”, nghĩa là những chị U60, U70, U80… không được tuyển chọn ra tuyến đầu. Cộng đoàn có hơn một nửa là U50 đã đăng ký lên đường, sứ mạng rõ ràng nên tinh thần phấn chấn và hăng hái. Các chị cao niên còn lại tự nhận mình là “hậu phương”, sẽ chu toàn sứ mạng cầu nguyện cách đặc biệt cho các em thiện nguyện ở tuyến đầu là các bệnh viện điều trị và bệnh viện dã chiến.

Chợt tin khẩn cấp đến, chị Giám tỉnh thông báo: Cha Đào Nguyên Vũ - Thư ký Uỷ ban Mục vụ Di dân của Hội đồng Giám Mục - có trao đổi thông tin về những khó khăn và nhu cầu của người Sài Gòn trong thời gian đối diện với dịch bệnh, và mời gọi các Hội Dòng cộng tác. Ngài nói: “Từ đầu mùa dịch năm ngoái và trong đợt dịch này, cũng như mọi khi, nhiều cộng đoàn đã chủ động nhiều cách thế chia sẻ với bà con lao động, thất nghiệp, cách ly, phong toả. Nhưng nhu cầu ngày càng nhiều và càng rộng. Kể cả các y bác sĩ đang phục vụ tuyến đầu hoặc ở lại tuyến cuối (các bệnh viện điều trị) cũng nhiều ngày nhọc mệt, đói lả… Chúng ta có thể thiết lập một lực lượng ứng cứu để đáp ứng nhu cầu bữa ăn của bất kỳ hoàn cảnh nào đang cần… Vì vậy, chúng ta kết nối với nhau và đáp lại tiếng gọi của Chúa mà Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đang trăn trở: Anh (chị) em hãy cho họ ăn.”

Vậy là cụm từ “bếp tu sĩ” được nhanh chóng truyền đi. Các chị U60, U70, U80 đã bắt đầu cảm thấy phấn khởi vì mỗi ngày sẽ giúp làm bếp để cho “ra lò 300 phần ăn”. Chị phụ trách cộng đoàn đã nhanh nhẹn phân chia danh sách: Nhận thực phẩm tươi sống, nhặt rau, nấu cơm, nấu canh, làm thức ăn mặn, đóng hộp, dọn dẹp… Sứ mạng đã rõ ràng, và nhóm các chị này không phải “sống mùa Vọng giữa mùa Thường niên năm B” như các chị U50 nữa. Công việc bắt đầu từ 6g30 sáng đến 10 giờ là giao cơm cho xe đến lấy, sau đó nghỉ một tí lo việc thiêng liêng và cá nhân xong, đến 3 giờ chiều xuống bếp lại để chuẩn bị vật liệu cho ngày mai.

Thực đơn hôm nay gồm có: Canh cà chua trứng, bắp cải - cà rốt xào, cá kho tiêu… “Tưởng dễ mà không dễ tí nào!”, mồ hôi nhễ nhại, đôi tay thoăn thoắt, miệng không được nói (không được nói chuyện, chỉ nói điều cần thôi), đúng giờ, đúng hẹn, giữ đúng 5­K, sạch sẽ trong ngoài… Các chị cao niên bắt đầu “cầu viện” và lệnh “tổng động viên” được ban hành, vậy là “Bếp Tu sĩ” nhà ta có thêm một số em Đệ tử và Tập sinh giúp sức.

Niềm vui của phục vụ, hạnh phúc của sẻ chia, hy vọng của phục hồi, sự sống của anh em, bình an của Sài Gòn… đã là động lực cho chị em Đức Bà Truyền Giáo và các tu sĩ các Hội dòng dấn thân không mệt mỏi, dù ở tuyến đầu hay hậu phương.

Tạ ơn Thiên Chúa đã gợi lên những sáng kiến tuyệt vời cho các nhà lãnh đạo ở mọi lãnh vực và mọi cấp độ để chăm sóc anh chị em của mình. Cám ơn Đức Tổng Giám mục Giuse và quý cha đã luôn đồng hành, hướng dẫn và chăm lo cho đoàn dân Chúa vượt qua đại dịch.

Sr. Tuyết Mai- Rndm

Một số hình ảnh từ “Bếp Tu sĩ Đức Bà Truyền Giáo”

Nhóm sơ chế thức ăn và chuẩn bị đũa, khăn ăn:

 

Nhóm nấu thực phẩm trong bếp:

 

Nhóm đặt thức ăn vào hộp:


Nhóm đưa thành phẩm lên xe:


 (WGPSG)

"TẠ ƠN NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU"


"TẠ ƠN NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU"

TGPSG-- Mỗi khi chiều về, anh em tu sĩ thiện nguyện không được “ngồi hát bên dòng sông”, mặc dù bệnh viện dã chiến nơi chúng tôi phục vụ rất gần sông Sài Gòn thơ mộng. Tuy nhiên, chúng tôi lại được nhìn thấy, được chứng kiến và được chia sẻ niềm vui sướng, hạnh phúc với những anh chị em được xuất viện sau quá trình điều trị Covid.

Có những tu sĩ trong khâu tiếp nhận đã từng phải chứng kiến những giọt nước mắt buồn phiền, lo lắng xen lẫn hoang mang của các chị em bệnh nhân mới nhập viện. Họ sợ vì không biết mình sẽ như thế nào khi chiến đấu với con virus này và họ lo vì không biết những người thân ở nhà ra sao…Nhưng rồi, mấy hôm nay chúng tôi lại được chứng kiến những nụ cười và ánh mắt bình an rạng ngời của các anh chị em đã bình phục và được xuất viện. Các tu sĩ chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho họ và cho cả các bệnh nhân còn đang điều trị. Theo số thống kê của bệnh viện, trong 5 ngày gần đây đã có hơn 600 bệnh nhân được xuất viện.


 Trong lúc quan sát các anh chị em xuất viện ra về đang đứng đón xe, tôi thấy một chiếc xe 50 chỗ lao đến giữa mấy chiếc taxi. Bác tài trong bộ quần áo bảo hộ đã đến gần từng nhóm người và nói to: “Lên xe về nè, hổng lấy tiền đâu!”. Và mọi người leo lên xe để được đưa về miễn phí. Với tôi, có lẽ đó là câu nói hay nhất và “đốn tim” nhất trong ngày. Tự nhiên, tôi thấy yêu cuộc sống này, vì đây đó trong cơn kinh hoàng của đại dịch vẫn còn rất nhiều "tấm lòng vàng", làm ánh lên màu hy vọng và mến thương cho đời.

Với lòng Tin, tôi đã nhìn lên Chúa Giêsu để tạ ơn. Bởi vì, đang khi trần gian chìm trong bóng đêm của tội lỗi và sự chết, con người dường như ngụp lặn trong đau khổ và tuyệt vọng thì Chúa Giêsu đã đến, đã ôm lấy tất cả và đưa lên chuyến xe nghĩa tình là thập giá và đem tất cả về đoàn tụ trong gia đình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Tình yêu, là Hy vọng và là Vị Lương Y chữa lành mọi bệnh tật linh hồn và thể xác. Tôi xin mượn lời hát của Lm Vũ Khởi Phụng để hát lên lời tạ ơn Chúa:

“Tạ ơn nghĩa nặng tình sâu,
Muôn phương Lời nối nhịp cầu tin vui.
Tháng năm xuôi ngược dòng đời
Có Trời có đất, có người có ta.”
(Lm. Vũ Khởi Phụng)


Bệnh viện dã chiến số 12, ngày 4 tháng 8 năm 2021
Jos. Lương Tùng, CSsR.
(WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 04.8.2021


HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ CHỢ QUÁN: THÔNG BÁO VỀ VIỆC TIN GIẢ MẠO NGÀY 04.8.2021


HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ CHỢ QUÁN: 
THÔNG BÁO VỀ VIỆC TIN GIẢ MẠO NGÀY 04.8.2021

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ CHỢ QUÁN
118 Trần Bình Trọng, P2, Q.5, TPHCM

THÔNG BÁO
V/v tin giả mạo


11 giờ ngày 04 tháng 08 năm 2021

Kính gởi Quý Đức cha, Quý cha, Quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân.

Hiện nay trên mạng xã hội một số cá nhân đã đưa tin về tình hình lây nhiễm dịch bệnh và kêu gọi giúp đỡ Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Nhà Dòng xin xác định đây là thông tin giả mạo.

Kính xin Quý Đức cha, Quý cha, Quý tu sĩ Nam Nữ và anh chị em giáo dân cầu nguyện cho chúng con trong tình trạng đại dịch chung của toàn Thành Phố đang gặp khó khăn.

Xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót gìn giữ dân Chúa.

Chúng con xin cám ơn quý vị đã quan tâm đến Hội Dòng chúng con.

T/M Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán
Nt. Maria Trương Thị Thu Hương
Tổng Phụ Trách
 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 04.8.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 04.8.2021
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 18 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 04.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 04.8.2021


Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 18 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Ba, ngày 03.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 18 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 02.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

NHẬT KÝ TÌNH NGUYỆN: NƠI BÊNH VIỆN DÃ CHIẾN

 
NHẬT KÝ TÌNH NGUYỆN: 
NƠI BÊNH VIỆN DÃ CHIẾN

Nữ tu Trinh Vương

WGPBC (30.7.2021) - Thế là đã gần một tuần lễ trôi qua kể từ khi tôi bước chân lên đường trở thành một tình nguyện viên phục vụ các bệnh nhân trong đại dịch Covid đang diễn ra hết sức nghiêm trọng nơi bệnh viện dã chiến. Với tôi, ngày đầu thời gian dài lê thê. Tôi thật sự sốc nặng khi được chứng kiến cận cảnh những con người đang phải một mình quằn quại đấu tranh cho sự sống bên cạnh chiếc máy thở, không một người thân, không gì hết… một sự rùng mình và thoáng trong suy nghĩ của tôi: sự sống thật mỏng manh và chính mình cũng đang phải đối diện với cái chết, sự mạo hiểm rằng mình cũng có thể bị lây nhiễm thì sẽ như thế nào đây?

Đã có lúc tôi tự hỏi “Phải chăng đầu tôi đang có vấn đề, khi tôi lựa chọn một công việc mà ở thời điểm hiện tại cực kỳ nguy hiểm, bỡi lẽ trong khi hàng ngàn người đang tìm cách rời khỏi những khu vực dịch bệnh nguy hiểm, thì tôi lại tìm đến những nơi nguy hiểm nhất…”

Một ngày, hai ngày… và rồi tôi nhận ra rằng: tình yêu của Chúa là sức mạnh, là nghị lực cho tôi lăn xả phục vụ. Lúc này tôi không còn sợ hãi và không còn một chút e ngại nào. Thay vào đó tôi đã học và hiểu được một thứ ngôn ngữ hơn cả thứ ngôn ngữ bằng lời, đó là thứ ngôn ngữ của tình yêu: giọt nước mắt của bệnh nhân.

 
Tưởng chừng trong bệnh viện, ai cũng giống ai: một bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, là tu sĩ hay là ai đi chăng nữa thiết tưởng, chẳng có ai nhận ra. Thế nhưng, thứ ngôn ngữ không lời trong tình yêu của người phục vụ vẫn đủ để người ta nhận ra người của Chúa. Vẫn chỉ là những cử chỉ lau lọt, nâng lên hạ xuống, những thìa cháo mang chút hơi ấm,… hết sức bình thường mà giờ đây nó trở thành một thứ ngôn ngữ không lời và truyền tải tình yêu đến người khác. Và đã là thứ ngôn ngữ của tình yêu thì chỉ có thể đáp trả lại bằng tình yêu: giọt nước mắt. Đã có một cuộc đối thoại ngắn gọn nhưng cũng đủ để cả hai hiểu rằng cuộc đời này thật đẹp, thật đáng sống:

- Cô là người có tâm, nếu còn sống tôi nhất định sẽ đáp ơn Cô!
- Không Bác ơi! Công xá chi. Con tình nguyện phục vụ mà, con là người đi tu đạo Chúa…
Và rồi những giọt nước mắt…. trong sự nghẹn ngào:
- Cô… nói… Chúa… cho tôi.

Tôi như bị khựng lại một lúc vì tự nhiên lúc đó bao nhiêu thứ thần học đã được học, những hiểu biết về Chúa đi đâu hết mà chỉ còn lại sự im lặng và sự im lặng. Im lặng trong sự hạnh phúc trào dâng khi một người họ muốn biết về Chúa. Bất giác tôi trả lời:

- Bác ơi! Bác cứ nghỉ ngơi đi ạ. Chúa của con nói Chúa yêu bác nhiều lắm nên mới gửi con đến chăm bác…

Một cuộc đối thoại ngắn nhưng nó đã trở thành động lực lớn để tôi tiếp tục phục vụ. Tôi biết rằng tình yêu của Chúa vẫn đong đầy cuộc sống của tôi. Chúa không ở đâu xa xôi, nhưng ở ngay trong thực tại mà có những lúc ta đã lãng quên.

Nếu chúng ta còn có cơ may được sống cùng với những người thân bên cạnh dù đau yếu hay khỏe mạnh, chúng ta hãy tận dụng để trao tặng nhau thứ ngôn ngữ của tình yêu: một nụ cười, một ánh mắt quan tâm, một lời khích lệ… Tôi thiết tưởng những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của họ vì sự hạnh phúc mà họ đã nhận được là biểu hiện của tình yêu và lòng biết ơn.

Cảm tạ Chúa đã cho chúng con một cuộc đời để sống, để yêu ngay cả trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, mỗi chúng con đều cảm nghiệm được hạnh phúc, dù thiếu thốn vật chất, nguy hiểm cho tính mạng hay mất phương hướng cho tương lai…, chúng con vẫn còn có khả năng để yêu thương và đón nhận sự quan tâm của người khác.

Nguồn: gpbuichu.org
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 02.8.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 18 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Hai, ngày 02.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon