Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nineteenth Sunday of Ordinary Time - English Mass (Live-streamed)

Bắt đầu lúc 09g30 Chúa Nhật, ngày 08.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
at 9:30 AM on Sunday, August 8th, 2021,
at Notre Dame Cathedral of Saigon.
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lễ Thiếu Nhi.

Bắt đầu lúc 07g30 Chúa Nhật, ngày 08.8.2021
tại Nhà thờ Tân Phước
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 07g00 Chúa Nhật, ngày 08.8.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: SIÊU THỊ MINI 0 ĐỒNG NGÀY 05.8.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: 
SIÊU THỊ MINI 0 ĐỒNG NGÀY 05.8.2021

TGPSG -- Dự án “Thương quá Sài Gòn ơi” của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã và sẽ tiếp tục trao 24.000 “Tấm vé nghĩa tình” với tổng giá trị 8 tỷ đồng cho người lao động khó khăn, người nghèo khổ trong đại dịch Covid-19 tại hơn 10 Quận / Huyện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh thông qua chương trình Siêu Thị Mini (STMN) 0 đồng.

Mỗi ngày STMN 0 đồng phục vụ cho 200 người có phiếu. Mỗi người được tự do lựa chọn các sản phẩm mình thích trong số hơn 30 mặt hàng thiết yếu đã được các nhân viên đặt trên kệ hàng. Ban tổ chức cũng khuyến cáo người mua thực hiện nguyên tắc 5K để phòng tránh lây lan dịch bệnh, đồng thời thực hiện các quy định khác để cùng tôn trọng lợi ích chung của cộng đồng.


Ngày 26-7-2021 là ngày khai trương lần đầu của STMN 0 đồng, Ban tổ chức đã trao 1000 phiếu mua hàng cho người dân Q. Tân Phú, mỗi phiếu có trị giá 400.000 đồng. Sau đó, STMN 0 đồng liên tiếp mở tại các Quận / Huyện: Bình Chánh, Bình Thạnh, Củ Chi, Gò Vấp, Quận 8. Mỗi đơn vị 1000 phiếu mua hàng.

Sau ngày 31-7-2021, toàn Tp. Hồ Chí Minh lại tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg thêm 14 ngày. Vì thế, STMN 0 đồng không thể tổ chức theo hình thức phát phiếu đến mua hàng như trước, Ban tổ chức (BTC) PNJ liền chuyển sang hình thức trao quà tận nơi.

Vào ngày 31-7-2021, tại Q. Bình Tân, 2000 phần quà đã được chuyển đến cho 3 phường: Bình Trị Đông 400 phần, Bình Trị Đông B 800 phần và phường An Lạc A 800 phần. Sau đó, các phường sẽ chuyển quà đến các khu phố, tổ dân phố, rồi tổ dân phố sẽ trao thư mời hoặc trao tận nhà người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Vào lúc 14g ngày 5-8-2021, tại UBND phường Bình Trị Đông B, ông Huỳnh Văn Tẩn - Phó Ban tổ chức STMN 0 đồng thuộc công ty PNJ (đơn vị tổ chức và thực hiện STMN 0 đồng) - đã trao các phần quà cho người đại diện là ông Phan Văn Hai - Ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Bình Trị Đông B - tấm ngân phiếu 600.000.000 đồng là trị giá của 2000 phần quà mà Giáo hội Công giáo (GHCG) tài trợ. Về phía Quận đoàn, ông Nguyễn Lê Trung Hiếu - Phó Bí thư Quận Đoàn Bình Tân đã trao “Thư cảm ơn” cho ông Huỳnh Văn Tẩn - Đại diện cho Đơn vị tổ chức PNJ.


Sau đó, lúc 14g30 tại UBND phường An Lạc A (số 1, đường 7B); bà Nguyễn Thị Như Khoa - Phó Chủ tịch MTTQ phường đã tiếp đón ông Huỳnh Văn Tẩn. Bà gởi lời cảm ơn đến BTC PNJ và GHCG đã tài trợ những phần quà nghĩa tình đến những người dân nghèo khó của phường.

Mặc dù BTC PNJ gặp không ít khó khăn trong giai đoạn giãn cách và có nguy cơ lây nhiễm cao này, nhưng không vì thế mà tấm lòng nhiệt huyết của BTC PNJ, của “Vòng tay Việt” bị ngăn cản. Họ vẫn muốn trao gởi tình nhân ái đến những người dân đang phải chịu nhiều hệ lụy do Covid gây ra.

Từ ngày 1-8-2021 cho đến trung tuần tháng 8-2021, BTC PNJ vẫn sẽ tiếp tục trao 1000 phần quà đến cho các quận/huyện: Tân Phú (đợt 2), Bình Chánh (đợt 2), Củ Chi (đợt 2), Tân Bình, Quận 4 và Quận 5, giá trị mỗi phần quà là 300.000 đồng. Riêng Quận 12 và Thủ Đức, mỗi đơn vị sẽ nhận được 2000 phần.

Như vậy theo ước tính, GHCG sẽ trao 24.000 món quà với tổng giá trị 8 tỷ đồng. Nguồn tài chánh này có được do tấm lòng hảo tâm và sự đóng góp của các Giáo phận, giáo xứ và của rất nhiều người đã đáp lại lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse - Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - nhằm cứu trợ cho người dân Thành phố trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid gây ra.

Lời kết

Việc chống chọi với đại dịch Covid từ ngày đầu cho đến hôm nay đã khiến nhiều người lâm vào tình cảnh tang thương. Sài Gòn đang "hao gầy" nên có nhiều người nghèo lo sợ hỏi: “Có thể giúp chúng tôi được bao lâu?”. Thật khó trả lời, nhưng với lòng tin vào Thiên Chúa và Lời Ngài nhắc nhở: “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó” (Hc 7, 32) nên trong Thư mục vụ ngày 27-7-2021, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã mời gọi cộng đoàn dân Chúa trong TGPSG: “Trước tình cảnh này, chính Chúa lên tiếng: “Thầy chạnh lòng thương đám đông… họ không có gì ăn” (Mc 8, 2) ... “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6, 37).


 Tiến Hương
(WGPSG)

TƯƠNG QUAN TRONG GIA ĐÌNH THỜI ĐẠI DỊCH

Gia đình dự lễ trực tuyến, Ảnh: tgpsaigon.net

TƯƠNG QUAN TRONG GIA ĐÌNH THỜI ĐẠI DỊCH

Tác giả: Xuân Giang

WGPBC (5.8.2021) - Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, kéo theo biết bao hậu quả đau thương. Nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài. Việc hạn chế đi lại cùng với những thay đổi trong thói quen hàng ngày đã có tác động rất lớn tới đời sống các gia đình, nhưng đây lại là cơ hội để mỗi người biết nhìn nhận những giá trị của cuộc sống, đặc biệt là các giá trị của gia đình, đồng thời cũng là thách đố rất lớn để các thành viên có thể vun đắp hạnh phúc thực sự trong gia đình.

Đại dịch là lúc mà hầu hết mọi người phải ở nhà, không còn luẩn quẩn trong vòng xoáy ồn ào, vội vã, tất bật mưu sinh. Người chồng không còn vướng bận vào những cuộc nhậu liên miên; người vợ không còn mải lo mua sắm, làm đẹp; con cái thì cũng giảm bớt những gánh nặng học hành chồng chất. Có thể nói, đây là thời gian thuận tiện giúp mỗi thành viên dành thời gian cho nhau để hiểu nhau hơn, để củng cố tình nghĩa gia đình và làm mới lại sự gắn kết yêu thương lâu nay có vẻ hơi nhạt nhoà. Vợ chồng cùng nhau chia sẻ công việc nhà, cùng nhau quan tâm chăm sóc và giáo dục con cái. Hạnh phúc nhiều khi chỉ đơn giản là nấu ăn chung và đông đủ thành viên quây quần đầm ấm bên mâm cơm gia đình, hay vợ chồng con cái cùng hiện diện trong giờ kinh chung nhưng rất nhiều người lại thường lãng quên.

Thời gian cùng ở nhà với nhau cũng giúp mỗi người nhìn nhận lại giá trị của các thành viên trong gia đình mình. Người già trước kia bị “văn hoá thải loại” như thể xếp vào hàng thừa thãi, vướng vít thì nay con cái biết thêm trân trọng sự hiện diện của ông bà cha mẹ trong gia đình, bởi lo lắng về cảm nghiệm xa cách trước những nguy cơ tấn công của dịch bệnh, tử thần rình rập. Những đứa con sống bên cạnh cha mẹ nay mới có cơ hội để nhận ra những vết nhăn nheo trên khuôn mặt đấng sinh thành vì vất vả, nhọc nhằn mà bấy lâu chúng không quan sát thấy. Những người làm chồng cũng ngỡ ngàng nhận thấy những đốm tàn nhang, đồi mồi trên gò má người bạn đời vì thời gian tuổi tác, vì gánh nặng cuộc sống gia đình mà nọ nay ẩn sâu dưới lớp phấn son trang điểm khiến họ không để ý tới. Những người vợ cũng khám phá thêm những nét dễ thương dễ mến nơi người chồng của mình chứ không đến nỗi khô khan, lạnh nhạt như bề ngoài của họ.

Quả thật, một cách nào đó, đại dịch nhắc nhở con người về giá trị cốt lõi của gia đình mà suốt thời gian qua mình không chú ý xây đắp, về những tình cảm cao quý mà mình đã không coi trọng đúng mức. Những mối tương quan đôi khi không cần thiết, não trạng hưởng thụ ích kỷ, sự hấp dẫn của những phương tiện truyền thông xã hội đã chiếm mất thời gian dành cho gia đình. Người ta nói rằng khi những bữa ăn chung đang dần trở nên hiếm hoi thì điều mà mọi người thèm khát hơn là việc mỗi thành viên biết đặt điện thoại xuống để đối thoại với nhau trong những bữa cơm gia đình.

Thời gian đại dịch cũng chứng kiến một thực tế thật đáng buồn. Theo con số thống kê ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, trong bối cảnh dịch Covid-19, bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, gia tăng trong thời gian giãn cách xã hội. Đường dây nóng phản ánh các trường hợp bị bạo hành luôn trong tình trạng quá tải[1]. Thật nghịch lý, trong khi mọi người được kêu gọi ở nhà chống dịch, là dịp dành thời gian cho những người thân yêu thì bạo hành lại leo thang đột biến. Thay vì trao nhau niềm vui nụ cười thì lại ném vào mặt nhau những cái nhìn hằn học, tức tối và không thể kiềm chế tay chân. Thay vì yêu thương vợ con để cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn này thì có những người làm cha, làm chồng lại đang biến gia đình thành cảnh địa ngục trần gian. Thay vì là chỗ dựa tin cậy cho vợ con thì lại trở thành nỗi khiếp đảm trong mắt họ. Jeremy Taylor nói rằng: “Không yêu vợ con là nuôi trong nhà một con sư tử cái và ấp một tổ chim đau buồn”.

Có thể nhận thấy với thời tiết nóng bức như hiện nay, việc tất cả các thành viên cùng ở trong một không gian đôi khi chật hẹp trong một thời gian dài, ra chạm mặt nhau, vào lại cũng giáp mặt nhau thì rất dễ xảy ra những bức xúc, bực dọc. Lệnh giãn cách xã hội làm hạn chế tự do đi lại, hạn chế những thú vui giải trí khiến nhiều người cảm thấy tù túng, khó chịu. Cùng với đó là vô vàn áp lực từ cuộc sống, vốn đã có quá nhiều thứ hoá đơn, nay lại trở nên khó khăn, thiếu thốn vì hết tiền, thất nghiệp hay không thể đi làm. Những nguy cơ làm rạn nứt tình cảm gia đình là hiển hiện trước mắt nếu như không tìm được tiếng nói chung trước những khó khăn, bất đồng trong ứng xử. Như thế, nhiều khi rất gần nhau nhưng thực ra lại rất xa nhau, “gần nhau trong gang tấc mà cách nhau trời vực”. Sự gần gũi về mặt thể lý không đương nhiên dẫn tới sự gắn kết trong tâm hồn. Đại dịch Covid-19 không chỉ đang huỷ hoại sức khoẻ, gây thiệt hại về kinh tế, cản trở thực hành đời sống đạo, mà còn có nguy cơ phá huỷ các gia đình.

Trước đây người ta vẫn thường đổ lỗi việc gây sứt mẻ, đổ vỡ các mối tương quan trong gia đình là do các thành viên không dành thời gian cho nhau và cho gia đình, thì trong và sau đại dịch Covid-19, chúng ta cần xem xét lại. Dành thời gian cho gia đình chưa đủ mà là dành thời gian như thế nào. Vấn đề không chỉ là lượng thời gian mà còn ở chất lượng thời gian đó. Hiện diện thôi chưa đủ mà cần hiện diện với đầy đủ trách nhiệm và tình yêu.

Những năm gần đây, người ta cũng nói đến hiện tượng “ly hôn xanh”[2] mà rất nhiều trong số đó xuất phát từ những nguyên nhân hết sức lặt vặt. Đôi khi chỉ những khác biệt nhỏ trong thói quen sinh hoạt cá nhân đã dẫn tới việc phóng đại khuyết điểm và gây ra những xích mích, cãi vã không đáng có. Hay do quá đề cao cái tôi mà không chịu thay đổi, không biết chấp nhận bạn đời của mình nên vội vàng đưa nhau ra toà. Nếu như không có cách hoá giải, nhiều rắc rối nhỏ sẽ tích tụ thành những mâu thuẫn lớn. Nhiều vết mốc nhỏ sẽ làm hư một chiếc áo.

Cổ nhân từng nói: “Tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu”, hay “Tiểu bất nhẫn bất thành đại sự”, nghĩa là đối với những chuyện nhỏ, việc nhỏ mà không thể kiềm chế, chịu đựng và nhẫn nại thì ắt sẽ làm hỏng việc lớn, khó có thể thành công. Trong đời sống hôn nhân gia đình cũng vậy, rất nhiều những mâu thuẫn, xung đột đến từ việc các thành viên không có khả năng chịu đựng, thiếu lòng vị tha, hy sinh. Chỉ khi nào tình yêu đủ lớn và biết chịu đựng nhau thì gia đình mới có thể trở thành tổ ấm. Dĩ nhiên sự hy sinh đó cần đến từ cả hai phía và cũng không đòi phải cam chịu một cách mù quáng. Nếu hy sinh là một đức tính, phẩm chất tốt đẹp và lại là hy sinh cho những giá trị cao cả thì không đến mức phải rộ lên hô hào thông điệp: “Phụ nữ ơi, hãy ngừng hy sinh!” đã một thời gây sốt. Hạnh phúc gia đình luôn đòi hỏi phải biết chấp nhận và chịu đựng lẫn nhau. Ở đây, Kinh Thánh dạy các gia đình một nguyên tắc nền tảng: “Mau nghe, đừng vội nói và khoan giận” (Gc 1,19). Bởi đức mến sẽ giúp mỗi thành viên tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả và chịu đựng tất cả (x. 1Cr 13,7). Đời sống chung không luôn dễ nhưng hoàn toàn có thể xây dựng được.

Sống thời đại dịch là kinh nghiệm thử thách không mấy dễ dàng đối với các gia đình. Thời gian khó khăn này sẽ trở nên nhẹ nhàng, êm ái hơn khi mỗi thành viên biết học cách lắng nghe, thấu hiểu, thông cảm và tha thứ, học cách quan tâm, ứng xử với trái tim yêu thương. Như thế, mái ấm gia đình luôn có Chúa hiện diện, tràn đầy niềm vui, bình an và đủ sức mạnh vượt qua đại dịch, thực sự trở thành Hội Thánh tại gia, là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, là trường lớp dạy các đức tính nhân bản và yêu thương[3].
 
Nguồn: gpbuichu.org
(WHĐ)

NỮ TU ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO (RNDM) VIẾT TỪ KHU CÁCH LY

Ảnh chụp từ tầng 14 khu cách ly
 
NỮ TU ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO (RNDM) 
VIẾT TỪ KHU CÁCH LY

TGPSG -- Đã một tuần rồi tôi tạm dừng công việc phục vụ các bệnh nhân và rời anh chị em tu sĩ thiện nguyện tại bệnh viện dã chiến để ở lại trong khu vực cách ly vì dương tính với Covid 19.

Màn đêm dần buông, Sài Gòn có chìm vào giấc ngủ say không hay đang quằn quại trở mình đau đớn. Nhìn về phía Tây Nam của Thành phố, tôi thấy rực lên ánh sáng trong các căn phòng, toà nhà, nơi biết bao gia đình đang quây quần tụ họp bên nhau, nơi đó cũng có các chị em Đức Bà Truyền Giáo của tôi đang nguyện cầu cho chúng tôi và cho đất nước Việt Nam thân yêu. Tôi cảm nhận được sự ấm áp của chính Chúa Giêsu là ánh sáng đang chiếu soi giữa màn đêm chập chùng đó.

Xa xa, thấp thoáng có những ánh đèn nho nhỏ nhấp nháy, nhấp nháy như những vì sao trong đêm Chúa giáng trần, trong tôi chợt sáng lên một niềm vui: “Ngôi Lời nhập thể và ở giữa chúng ta”. Những ánh đèn nhỏ xíu lung linh đó gợi nhớ cho tôi một điều kỳ diệu: Thiên Chúa đang ở giữa dân người, Thiên Chúa đang ở giữa các bệnh nhân, Thiên Chúa đang ở giữa chúng tôi trong khu vực cách ly này, Người đang chiếu sáng những nơi còn đang chìm ngập trong bóng tối và đem đến cho con người một niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Ngay lúc này, Người vẫn đang tỏ mình trong sự tĩnh lặng và cô tịch của không gian, thời gian, trong những tâm hồn đang còn khắc khoải, khổ đau và cả những tâm hồn đang đi vào giấc mộng say ngoài kia.

Vạn vật đang được bao phủ trong ân tình của Thiên Chúa, không còn nghe thấy những âm thanh ồn ào của xe cộ, của tiếng người trò chuyện, chỉ còn đâu đó tiếng kêu khe khẽ như những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương của muôn loài côn trùng đang ca ngợi Thiên Chúa.

Cách ly trên tầng thứ mười bốn của toà nhà Novaland - nơi được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến, tôi bỏ lại những hoạt động thường ngày của một thiện nguyện viên, lánh riêng ra một nơi cô tịch với Chúa, ở lại với Chúa nhiều giờ hơn.

Ngày ngày, cùng với các chị em tu sĩ khác cũng bị nhiễm Covid, chúng tôi dâng lên Chúa lời ca khen, chúc tụng, chúng tôi hiệp thông cầu nguyện cho đội ngũ y bác sĩ, các nhân viên đang ngày đêm phục vụ và các bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến này, cũng như trên quê hương Việt Nam và trên toàn thế giới. Nguyện xin Chúa gia tăng nơi mọi người ơn sức mạnh, niềm tin và ghé mắt nhân từ xem đến những người con đang đau khổ của Chúa, xin ban ơn bình an và chữa lành.

Thế giới của tôi giờ chỉ còn giới hạn trong bốn bức tường màu trắng khép kín, nhưng tôi lại được Chúa dẫn tới một thế giới rộng lớn hơn. Nơi đó, tôi thấm thía hơn nỗi đau của những người nghèo, những bệnh nhân đang nguy tử, những người đang thất vọng, chán chường, sợ hãi. Nơi đó, tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình Chúa, tình người, của biết bao người đã, đang và sẽ giang rộng vòng tay để ôm lấy và cứu giúp những mảnh đời đau khổ.

Lạy Chúa, một ngày nữa lại trôi qua, tạ ơn Chúa vì hôm nay con được vui chung với niềm vui của những người được xuất viện trở về gia đình. Con cũng cưu mang những nỗi buồn và sự hoang mang của những người mới đến đây để được điều trị. Dù bị nhiễm Covid nhưng con cảm thấy rất bình an vì trong sâu thẳm, con tin rằng Chúa luôn ở bên con và đã chữa lành con.

"Lạy Chúa, ở đây thật là hay!" con nhận được bài học của sự kiên nhẫn, chữa lành và hiệp thông. Xin cho những điều con cảm nghiệm nên nguồn sức mạnh thiêng liêng để khi "xuống núi", con trở nên tông đồ nhiệt thành của Chúa trên mọi nẻo đường truyền giáo.

Sr. NPL, Rndm (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 19g00 Thứ Bảy, ngày 07.8.2021
tại Nhà thờ Tân Phước
 


LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B (Ga 6,41-51)

 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN HẠT MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 07.8.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 07.8.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 18 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Bảy, ngày 07.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

NỮ TU ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO (RNDM) CẢM NHẬN TỪ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

NỮ TU ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO (RNDM) 
CẢM NHẬN TỪ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

TGPSG -- Một buổi sáng, tôi cảm thấy mệt, hơi nhức đầu và có lẽ đã bị sốt, tôi được test nhanh và rồi chuyện gì đến sẽ đến thôi: Tôi đã dương tính với Covid 19…

Đại dịch Covid 19 bùng phát trở lại, đây là lần thứ tư cả đất nước oằn mình dưới sức nặng của nó. Sài Gòn thân thương không ngoại lệ, nhưng Sài Gòn vẫn kiên cường, vẫn chiến đấu, vẫn nắm chặt tay nhau cùng vượt qua đại dịch.

Sau hơn một tuần phục vụ trong bệnh viện dã chiến số 10, tôi bắt gặp nhiều bệnh nhân với nỗi sợ hãi rất riêng. Tôi bắt gặp những khuôn mặt căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi… và tôi cũng nhìn thấy những đôi mắt ánh lên niềm hy vọng, những bàn tay dịu dàng chăm sóc và những đôi chân bước nhanh vội vã trong những bộ đồ bảo hộ màu xanh và màu trắng rất đặc trưng.

Khi tình nguyện tham gia vào chương trình "thiện nguyện" do Tổng Giáo Phận Sài Gòn và Ban Tôn Giáo Thành Ủy tổ chức, tôi hiểu hơn tình trạng của những bệnh nhân trong khu cách ly, mỗi người được hưởng những nhu cầu cần thiết và cấp bách, được chăm sóc về sức khoẻ thể xác cũng như được đội ngũ các y bác sĩ, các nhân viên phục vụ động viên, thăm hỏi.

Lần đầu tiên tiếp xúc với các bệnh nhân khi chuyển các bữa ăn đến tay họ, lòng tôi có chút hoang mang lo lắng về sự lây nhiễm của vi rút Covid 19 này, lúc đó tôi chỉ biết cầu nguyện và dâng lên Chúa tất cả và Chúa đã ở bên tôi, giúp tôi vượt qua nỗi sợ.

Những ngày tiếp theo, cảm nhận được niềm vui phục vụ và chia sẻ, tôi chợt cảm thấy hạnh phúc tràn về, tự hào vì mình là một môn đệ Chúa Kitô, cùng phục vụ bên cạnh các anh chị em tu sĩ khác. Niềm vui rất riêng của tôi là tôi đang sống Sứ vụ thần linh trong tinh thần nữ tu Đức Bà Truyền Giáo: "Sẵn sàng được sai đến bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì."

Sự lạc quan, vui vẻ của các bệnh nhân cũng cho tôi thêm sức mạnh, lòng nhiệt thành dấn thân phục vụ. Tôi cảm nhận mình không làm việc một mình nhưng cùng làm với Chúa, với các y bác sĩ, với các nhân viên phục vụ, với anh chị em tu sĩ trong cuộc chiến chống lại đại dịch nguy hiểm này, mỗi người đều góp một phần của mình tạo nên sức mạnh vô hình giúp bảo vệ chính anh chị em đồng loại.

Một lần nọ, khi chuyển thức ăn đến các bệnh nhân, có một chú nói với chúng tôi trong sự bức xúc:

- Đồ người thân gửi đến sao tôi vẫn chưa nhận được?

Tôi nhẹ nhàng trả lời:

- Chú ơi, con thấy có rất nhiều đồ của mọi người ở dưới tầng trệt, nhưng phải sau giờ chuyển cơm thì các em dân quân mới chuyển lên được, chú kiên nhẫn chờ thêm một chút nữa nhé!

Lập tức, tôi nhận thấy nét mặt chú dịu lại và chú nói:

- Vì đợi lâu quá nên tôi mất kiên nhẫn.

Tôi cảm nhận được phần nào tâm trạng của bệnh nhân trong khu điều trị tại bệnh viện dã chiến. Hơn bao giờ hết, họ rất cần sự quan tâm, nâng đỡ của mọi người. Một lời hỏi thăm, động viên nho nhỏ cũng đủ sưởi ấm lòng họ, họ sẽ bình an, vui vẻ, lạc quan và sẽ mau khỏi bệnh.

Tôi cảm thấy vui về chứng tá của những người môn đệ Chúa Giêsu nơi đây và về sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa lòng tâm dịch, sự hiện diện đem lại bình an, niềm vui và sự chữa lành cho mọi người. Tâm hồn tôi chợt thanh thản dù thân xác tôi đã mệt nhoài sau một ngày dài phục vụ.

Một buổi sáng, tôi cảm thấy mệt, hơi nhức đầu và có lẽ đã bị sốt, tôi được test nhanh và rồi chuyện gì đến sẽ đến thôi: Tôi đã dương tính với Covid 19.

Tôi được cách ly cùng với vài tu sĩ khác cũng bị dương tính. Nhưng vì đã được tiêm một mũi vaccine trước nên tình hình sức khỏe của tôi không nguy hiểm lắm.

Tôi và các tu sĩ khác tận dụng thời gian cách ly dự lễ trực tuyến, đọc kinh, chia sẻ Lời Chúa với nhau để cầu nguyện cho bệnh nhân và cho anh chị em khác đang phục vụ. Tôi mong ước sau điều trị và nếu được phép, tôi sẽ xin ở lại để tiếp tục phục vụ anh chị em bệnh nhân nơi bệnh viện dã chiến này.

Bây giờ chỉ mới là ngày thứ mười. Phía trước còn 50 ngày nữa: “Cố lên, tôi ơi! Hy vọng lên Việt Nam ơi! Sau cơn mưa trời lại sáng! Sài Gòn trở mình, đã hơn 11 giờ đêm rồi… nghỉ thôi!”

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con giấc ngủ bình an. Xin ban cho chúng con niềm vui phục vụ. Xin ban cho chúng con sức mạnh cùng sự can đảm để chia sẻ bớt gánh nặng của anh chị em con, của quê hương con và xin Chúa cho đại dịch chấm dứt.

Sr. NPL, Rndm (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)

Ghi chú: RNDM (Religieuse de Notre Dame des Missions) - Nữ tu Đức Bà Truyền Giáo

(WGPSG)