Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 19 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Sáu, ngày 13.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

“ĐI HÀNH HƯƠNG” LA VANG

 “ĐI HÀNH HƯƠNG” LA VANG

WGPH (12.8.2021) - Cứ mỗi tháng Tám, vào dịp lễ Mẹ Lên Trời, nhiều tín hữu khắp nơi trên quê hương Việt Nam về bên Mẹ La Vang để kín múc sức mạnh và hy vọng. Hành hương kính viếng Đức Mẹ đã trở nên một truyền thống và nhu cầu của Kitô hữu Việt Nam.

Hành hương về La Vang là đi về nhà Mẹ. Về bên Mẹ và thể hiện lòng yêu mến của con cái dành cho Mẹ. Những ai hành hương khi đến với La Vang vào dịp trung tuần tháng Tám mỗi năm, có lẽ cảm nhận xúc động nhiều nhất là những lúc ở trong bầu khí thánh thiêng đạo đức. Đó là lúc mà chính bản thân và từng lớp người quỳ cầu khẩn Đức Mẹ tại linh đài, hay lần chuỗi Mân Côi, dâng hoa, rước kiệu Đức Mẹ, và đặc biệt tham dự Thánh lễ,…

Về bên Mẹ La Vang thực sự là đi vào trong sự chiêm nghiệm, và điều này, có khả năng giúp khơi dậy những cảm xúc đạo đức trong lòng mỗi người. Đi vào cuộc hành hương, sâu xa hơn nữa, còn là lời tuyên xưng đức tin, và là hành động biểu lộ lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa vì muôn ơn lành Người đã thương ban cho mỗi người, mỗi gia đình qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ.

Trở lại với bối cảnh Đức Mẹ đã hiện đến với cha ông chúng ta, dưới triều vua Cảnh Thịnh, ngày 17/8/1798, nhà vua ra sắc chỉ cấm đạo. Giáo dân Quảng Trị chạy trốn vào vùng rừng thiêng nước độc, thiếu thốn trăm bề, lại còn phải chịu nhiều thứ bệnh tật. Trong bối cảnh ấy, Đức Mẹ hiện đến, an ủi và khích lệ con cái kiên trì giữ vững đức tin.

Đức Mẹ hiện đến, nhắn bảo con cái: “Các con hãy tin tưởng, hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.” Sứ điệp của La Vang là sứ điệp hy vọng. Trước đây và trong hiện tại vẫn mãi là sứ điệp gieo niềm hy vọng. Dù Giáo hội phải đối diện với bao thử thách, dù mỗi người và mỗi gia đình vẫn phải đương đầu với bao hiểm nghèo, dịch bệnh hoành hành, chúng ta đừng để mình bị nhận chìm trong thất vọng. Cứ vững tin vào lời Đức Mẹ đã hứa.

Người giáo hữu xác tín và cảm nhận sâu xa về tình thương từ mẫu của Đức Mẹ, và chính cảm nhận đức tin đó đã biến La Vang xa xôi và hẻo lánh xưa, nay thành Trung tâm Hành hương. Năm nay, tròn 60 năm kỷ niệm sự kiện ý nghĩa: vào năm 1961, La Vang được Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn là Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc, và dâng Đền thánh cho trái tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Cũng trong thời gian này, linh địa La Vang thật thanh tịnh và vắng bóng người… vì đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi trên thế giới, tại Việt Nam và cách riêng ở Miền Nam. Như một màn đêm u tối đang bao phủ địa cầu, cơn dịch bệnh đang làm nhân loại bước đi mờ mịt và mong manh trong hành trình đức tin.

Trong tình cảnh bi thương ấy, giáo hữu Việt Nam khắc khoải hướng về Mẹ. Xa Mẹ đoàn con biết cậy trông vào ai? Tuy không về bên Mẹ được, đoàn con “đi hành hương” trong tinh thần khao khát, quyết tìm về nương ẩn bên Mẹ, xin được mang lấy tâm tình và thái độ của Mẹ dưới chân Thánh Giá Chúa, để đau cùng anh chị em và hiệp dâng tất cả những nỗi niềm này lên Cha, đoàn con muốn thưa với Mẹ rằng: Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, đầy muôn ơn phước, ngời chói vạn hào quang… nhờ lời Mẹ cầu bàu, xin Chúa ban ơn bình an cho nước Việt thân yêu, cầu mong một ngày bình yên để con cái muôn phương về với Mẹ hiền dấu yêu. 
 
Ban Truyền Thông TGP Huế
(WHĐ)

LÀM GÌ TRONG NHỮNG NGÀY PHONG TỎA?


LÀM GÌ TRONG NHỮNG NGÀY PHONG TỎA?

Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (12.8.2021) - Minh sư thường hay trêu những đệ tử suy nghĩ miên man trước khi quyết định. Ngài nói thế này: “Những ai suy nghĩ cho đến độ chín muồi trước khi bước tới một bước thì sẽ đứng mãi trên một chân cho đến suốt đời.”

Trò chuyện thiêng liêng:

Em gửi tin nhắn đến tôi, kèm với một bức hình một cuốn sách. “Em mong thầy thêm lời cầu nguyện cho em, vì em đang ở trong khu cách ly tập trung. Tuy bị nhiễm Covid-19, nhưng triệu chứng không nhiều nên em có giờ đọc sách.”

Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho em và cả những ai đang trong cơn nguy kịch của căn bệnh khủng khiếp này. Cảm ơn em đã cho tôi có tâm tình để chia sẻ với các bạn trẻ và cho chính tôi. Số là những ngày phong tỏa cửa đóng then cài này, nhiều bạn trẻ không biết làm gì cho hết thời gian. Tệ hơn, nhiều bạn than ngắn thở dài, suốt ngày với chiếc điện thoại. Chính tôi và nhiều bạn trẻ cũng muốn làm điều gì đó để cuộc sống tươi đẹp hơn. Chúng ta suy nghĩ, đắn đo rồi lại thôi...! Phải chăng tình cảnh này giống câu chuyện trên đây của cha Anthony de Mello. Bước tới hay bước lui, làm hay không làm, v.v... suy nghĩ mãi mà chưa thể đưa ra quyết định. Tới lúc nhận ra đã quá muộn màng, bởi thế mà câu “giá mà, nếu như, hoặc biết thế...” cứ được giới trẻ dùng hoài.

Bạn thân mến,

Chúng ta thử mạnh bạo một mình đưa ra những quyết định cho riêng mình trong thời gian đặc biệt này. Chỉ có bạn biết bạn muốn làm điều gì. Đừng đưa ra mục tiêu quá cao, nhưng hãy nhìn vào hiện tại của khung cảnh mình đang sống, để đưa ra quyết định. Như bạn trên đây, đọc sách là cách dễ nhất. Nếu không có sách in, lên Internet tải cuốn sách hay (dạng PDF), về đọc. Dặn với lòng trong 1-3 ngày là có thể đọc hết cuốn sách.

Thử mạnh dạn đứng lên phụ gia đình nấu ăn. Hỏi mẹ cách nấu chè, hỏi chị cách làm bánh hoặc hỏi ba cách nấu một nồi lẩu để đãi cả nhà. Lúc ấy sao nhỉ, cả nhà ngỡ ngàng với hành động của bạn? Không sao! Nói với họ là bạn đang có nhiều giờ nên muốn làm cái gì đó. Rồi với quyết định này, bạn sẽ giúp cả nhà rộn ràng trong khuôn viên bếp núc. Hy vọng sau đó ai cũng được ăn một bữa ngon từ “tay đầu bếp” nghiệp dư chuẩn bị với rất nhiều tình yêu.

Hoặc lâu rồi bạn không gọi điện cho đứa bạn, hoặc ông bà ở xa. Hôm nay quyết định chuẩn bị tư thế để gặp họ qua điện thoại. Có thể là lời hỏi thăm, chuyện trò về cuộc sống mới như thế nào. Kể cho họ về cuộc sống trong gia đình của bạn. Tôi tin với trí thông minh của người trẻ, bạn có nhiều đề tài để tạo dựng tình thân. Xin đừng đóng cửa tâm hồn mình lúc này. May mắn vì chúng ta đang ở thời 4.0, muốn gặp ai đều có thể gọi điện cho họ được. Rồi sau cuộc trò chuyện ấy, dừng lại với Thiên Chúa để cầu nguyện cho họ.

Rồi quyết định làm gì nữa? Thử xem một thánh lễ qua mạng Online thật sốt sắng. Đó không chỉ là ngày Chúa nhật, nhưng còn là những thánh lễ ngày thường. Thay vì đến nhà thờ gặp Chúa, chính Đức Giêsu tìm đến tận mỗi gia thất của chúng ta lúc này. Một lý do đơn giản: gia đình bạn và tôi cần Chúa đến lúc này. Khi dấu hiệu đại dịch mỗi lúc một tăng, van xin Chúa hiện diện là điều cần thiết. Trong khi tham dự lễ online, xin đừng giam Chúa trong chiếc điện thoại, máy tính hoặc nơi TV. Qua những phương tiện truyền thông, chúng ta tin rằng Thiên Chúa cũng thực sự đến với mỗi người. Chẳng phải mỗi người chúng ta là một đền thờ của Chúa Thánh Thần sao? (1 Cr 6,19–20). Chẳng phải gia đình cũng là Giáo hội thu nhỏ đó sao? Dù Virus có khủng khiếp đến đâu, với Chúa và trong Chúa, hy vọng tình thế sẽ tươi sáng hơn nhiều.

Quyết định sau đây chỉ dành cho những bạn muốn phiêu lưu với Chúa: cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ chăm chú đọc Kinh, lần hạt Mân Côi, nhưng đó còn là đọc Lời Chúa nữa. Từ lâu bạn nghe loáng thoáng về những câu chuyện trong Kinh Thánh. Nhiều lần nghe cha giảng về bài Tin Mừng. Vậy hôm nay, tôi thử mở Kinh Thánh ra đọc xem sao. (Nếu không có sách, xem theo Link này[1]). Cuốn sách đó là bức thư tình[2] mà Thiên Chúa gửi cho bạn và cho chúng ta. Nếu bạn chưa hiểu về Thiên Chúa nhiều, cứ mở Sách Thánh ra đọc, Chúa sẽ giới thiệu về chính Ngài cho bạn. Người có kinh nghiệm chia sẻ với chúng ta rằng: cần đọc Kinh thánh với tâm hồn yêu mến và lắng đọng tâm hồn để nghe được tiếng Chúa. Tiến trình đó thường được gọi là suy gẫm, nghĩa là “để cho Chúa Thánh Thần làm thầy của bạn, bạn sẽ thấy tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng của loài người, bạn sẽ đạt tới chiêm ngắm Thiên Chúa thật, và nhìn mọi biến cố bằng con mắt của Chúa, bạn sẽ được nếm một niềm vui dồi dào phát xuất từ sự thật.” (Đức Bênêđictô XVI). Mỗi lời trong Kinh Thánh có thể là tiếng Chúa nói với bạn lúc này.

Và sau cùng, Làm gì trong những ngày này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Đừng để ngày sống trôi qua vô ích. Cũng đừng để mối bận tâm virus lấy đi nhiều sáng kiến, những quyết định tốt của bạn. Tôi và bạn cùng nghe lại những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn cho người trẻ, cho chúng ta lúc này:

“Hỡi những người trẻ, đừng bỏ mất những năm tốt nhất của tuổi trẻ, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Đừng lầm lẫn hạnh phúc với một chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời trước màn ảnh. Đừng trở nên cảnh tượng đau lòng của một chiếc xe phế thải. Đừng trở thành những chiếc xe đang đậu, thay vào đó hãy để cho những giấc mơ nở hoa và hãy có những quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả khi các con thất bại. Đừng sống sót với tâm hồn tê mê và đừng nhìn thế giới như thể các con là du khách. Hãy gây tiếng ồn ào! Hãy xua tan những nỗi lo sợ làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy cho mình những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở cửa lồng và hãy bay đi! Làm ơn đừng về hưu non.”[3]

Tái bút: Thể dục vận động lúc này cũng là quyết định sáng suốt...

(Bài viết được tác giả gửi đến Ban biên tập website hdgmvietnam.com
tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)

[1] http://giaoxuvinhson.info/# (trong đó có mục Kinh Thánh, nên đọc phiên bản của Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

[2] Soren Kierkegaard (1813-1855), triết gia Đan Mạch [3] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 143.
 
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 12.8.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 12.8.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 12.8.2021


BUỔI TIẾP NHẬN 8 NỮ TU TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI PHỤC VỤ BỆNH NHÂN COVID

  
BUỔI TIẾP NHẬN 8 NỮ TU TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI 
PHỤC VỤ BỆNH NHÂN COVID

TGPSG -- “Chúng ta không có chuyên môn nhưng chúng ta là dân chuyên Tu”. Đó là lời động viên của linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Tòa Giám mục TGP Sài Gòn trong buổi tiếp nhận đợt 2, Tình Nguyện Viên (TNV) các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Đợt 2 có 70 tình nguyện viên thuộc 19 dòng tu được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức tiếp nhận 2 ngày: ngày 11-8-2021 gồm 62 tu sĩ phục vụ bệnh viện dã chiến số 16 - Trung tâm hồi sức Trung Ương Bạch Mai, Quận 7; ngày 12-8-2021 gồm 8 nữ tu thuộc Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn (THBATVS) phục vụ tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (BVNDGĐ).

Trong khâu tổ chức đợt 2, các TNV được bố trí lưu trú tại 2 khách sạn trong Quận 1: Khách Sạn Viên Gạch Nhỏ, 18 Bùi Thị Xuân; Khách sạn Majestic, 1 Đồng khởi.

 

 

Tiếp nhận

Ngày 12-8-2021, nghi thức tiếp nhận 8 nữ tu Tu Hội Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn tại phòng khách của Khách sạn Majestic, có sự hiện diện của bà Phan Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TPHCM, bà Nguyễn Kim Ngọc - Phó Trưởng phòng Dân Tộc, Tôn giáo - Phó ban Dân vận Thành ủy, ông Vũ Mạnh Hải - Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo UBMTTQ TPHCM, Ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP, Ông Trương Đức Hùng - phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, ông Phùng Văn Mỹ Giám đốc khách sạn Majestic. Bác sĩ Trần Quốc Hưng - Chủ tịch Công đoàn BVNDGĐ. Về phía Công Giáo có linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, linh mục Giuse Ngô Vũ Anh Tuấn đại diện Tòa Giám mục.

Phát biểu

Bà Phan Thị Thanh Hương - phó chủ tịch MTTQ Việt Nam TPHCM đã phát biểu: “Với tinh thần chúng ta cùng chung tay chống dịch, mỗi người mỗi việc. Hôm nay Công Giáo tham gia ra quân lần 2, với thiện nguyện sẵn có của các sơ luôn sẵn sàng cùng chung sức với ngành y tế, với vai trò của các Y Bác sĩ thì trực tiếp điều trị bệnh với chuyên môn, tuy nhiên phải có thêm các tình nguyện viên vì những bệnh nhân bị nhiễm bệnh Covid không có người thân bên cạnh, các sơ không chỉ là người làm công việc của TNV mà xem như là người thay mặt người thân để động viên tinh thần bệnh nhân, vì trong điều trị bệnh Covid ngoài các phương pháp điều trị cho bệnh nhân Covid, thì rất cần các phương pháp điều trị về tinh thần: bằng tình cảm, lời nói, hành động để xoa dịu sự đau đớn của bệnh nhân đang điều trị Covid”.

Bà Phó Chủ tịch thay mặt MTTQVN đánh giá tinh thần phục vụ của các TNV các Tôn giáo rất cao, bà cũng cho biết thông tin từ bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 đang điều trị bệnh nhân Covid có các TNV đang giúp: “Nếu không có các TNV thì các vận hành tại bệnh viện sẽ không thực hiện được, với những công việc rất thầm lặng đòi hỏi các TNV phải hy sinh sức khỏe”. Bà Phó Chủ tịch cũng ước mong các nữ tu tiếp tục dâng hiến để cùng với ngành y tế thành phố cùng chung sức điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất và chúng ta sẽ vui mừng khi chứng kiến các bệnh nhân được ra viện.

Tiếp theo, Nữ tu Maria Phạm Thụy Cẩm Tú thay mặt các TNV phát biểu: “Đáp ứng lại lời kêu gọi của tòa Tổng Giám mục trong việc cộng tác với Thành phố chống dịch, chị em NTBATVS hăng say nhiệt tình cộng tác dù không có chuyên môn, nhưng với sự sẵn sàng của mình, chúng con tin Chúa sẽ soi sáng và dẫn dắt, chỉ đường, chúc lành cho chúng con. Theo tinh thần của nhà Dòng: “Epphata , hãy mở ra để đến với tha nhân, chúng con sẽ cộng tác và cố gắng hết sức mình trong những công việc mà bệnh viện được giao phó, mỗi người một tay cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn này.”

Sau đó, Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đại diện Tòa Giám mục động viên các TNV: “Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các bệnh viện nơi tiếp nhận các chị em tu sĩ đợt đầu rất cảm ơn các tu sĩ. Chúng ta không tự hào nhưng chúng ta hạnh phúc vì chúng ta có một cơ hội rất đặc biệt, chúng ta không có chuyên môn nhưng chúng ta là dân chuyên Tu, chúng ta đi tu nên không vướng bận gia đình, chúng ta không có mục tiêu phải cơm áo, gạo tiền. Chúng ta tiếp tục đón nhận lời động viên và lời cảm ơn của chính quyền các cấp, chắc chắn có những khó khăn trong những ngày đầu, chúng ta chăm bệnh nhân Covid không giống như chăm các bệnh nhân trước đây, những phương tiện làm việc, sinh hoạt không như chúng ta thấy trong phim hay nghe nói từ trước đến giờ. Chúng ta mang trái tim Chúa Giêsu, chúng ta thích ứng trong mọi hoàn cảnh, miễn là anh chị em của chúng ta được sống. Vừa là người chăm sóc, vừa là người động viên tinh thần, vừa là người thân của bệnh nhân, làm sao những ai chúng ta phục vụ được cảm nghiệm đầy tình yêu của chúng ta. Hành trang lên đường của chúng ta là quả tim yêu thương, nếu lúc nào cạn hụt chúng ta đừng quên chúng ta đang có Chúa cùng đồng hành”.

Tiếp đến đại BVNDGĐ, chủ tịch Công Đoàn - Bác sĩ Trần Quốc Hưng phát biểu: “Chúng tôi rất trân quý sự nhiệt huyết của các sơ, chính các sơ là hàng xóm của BVNDGĐ, các sơ đã đề nghị được phục vụ tại BVNDGĐ, chúng tôi đã đề xuất lên các ban lãnh đạo để xin các sơ về bệnh viện để hỗ trợ, giúp cho người bệnh. Về chuyên môn chúng tôi rất nỗ lực, nhưng chăm sóc người bệnh chúng tôi rất cần sự cộng tác nhiệt tình của các TNV”. Bác sĩ Quốc Hưng cũng cho biết chương trình tập huấn cho các sơ sẽ vào buổi chiều cùng ngày, các sơ cũng đã được tiêm ngừa và là xét nghiệm trước khi vào việc.


Kết thúc buổi tiếp nhận, các lãnh đạo ban ngành tặng quà cho các tình nguyện viên.

Các nữ tu sẵn sàng chuẩn bị phục vụ cho bệnh nhân nhiễm Covid trong tinh thần phục vụ như Thầy Giêsu.

Bài & Ảnh: Sơn Nữ, SPC


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 19 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 18g00 Thứ Năm, ngày 12.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

CHÚA SỐNG TRONG CON


CHÚA SỐNG TRONG CON

TGPSG-- Nhờ ơn Chúa, con đã được đến tuyến đầu của căn bệnh Sars-CoV-2

Nhờ đâu con có được một ý chí mạnh mẽ để quyết định đến đây? Nhờ đâu con có được một sức khỏe tốt để sẵn sàng phục vụ? Nhờ đâu con có thể vượt qua được rào cản của sự sợ hãi để tiếp xúc và chăm sóc cho các bệnh nhân?... Và con đã từng bước tìm ra được câu trả lời: Đó là nhờ Ơn Chúa.

Nếu không có ơn Chúa giúp, con chẳng làm gì được, như lời Chúa Giêsu đã phán: "Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5). Nhờ ơn của Chúa, con đã được đến tuyến đầu của căn bệnh Sars-CoV-2 qua sự chấp thuận của bề trên và của gia đình con. Nhờ ơn Chúa, con có sức khỏe ổn định để sẵn sàng lên đường dấn thân và đặc biệt con đã "dám" làm những việc mà trước đây con chưa từng làm.

Con vốn rất ngưỡng mộ các y bác sĩ. Đối với con, họ là một "người hùng" của thời đại. Nhưng... con sợ bệnh viện, con sợ nơi vẫn được gọi là "vào sinh ra tử", nơi chứa rất nhiều niềm vui nhưng đồng thời cũng tạo ra quá nhiều nước mắt. Con sợ những tiếng bip... bip... dần to lên và dần nhỏ lại, dần nhanh lên cũng như dần chậm lại. Con cũng sợ những áp lực mà một bác sĩ phải gánh vác, con sợ... rất sợ... Nhưng cuối cùng, con đã vinh dự được trở thành một nhân viên y tế "bất đắc dĩ" trong lúc cấp bách của xã hội hiện tại. Nhờ ơn Chúa, con đã vượt qua được chính những trở ngại tâm lý của bản thân để tiếp xúc, để chăm sóc và để phục vụ các bệnh nhân FO ở cự ly rất gần.

Dù biết rằng đó chỉ là công việc "hậu cần" bé nhỏ nhưng con cảm thấy rất hạnh phúc vì được làm những điều hữu ích. Mẹ Thánh Têrêsa thành Calcutta đã nói: "Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại". Bản thân con không phải là một bác sĩ hay một điều dưỡng để thực hiện được những điều vĩ đại trong thời điểm này, con chỉ là một thỉnh sinh nhỏ bé của Hội Dòng, nhưng như một người nữ tỳ của Chúa, con có thể làm được tất cả những công việc hết sức bình thường: thu dọn rác, lau phòng bệnh, thay drap, thay tã, lau người cho những bệnh nhân hôn mê... với tình yêu phi thường.

Chúa biết đó, các bệnh nhân mà con phục vụ đều trong tình trạng hôn mê và không thể nhận thức được. Nguồn sống duy nhất của họ giờ đây chỉ là chiếc ống kéo dài đến một cái máy cồng kềnh kèm theo tiếng kêu bip...bip...Do đó, họ cần đến sự phục vụ từ người khác. Những công việc nhỏ nhặt của con được Chúa chắp thêm một chút tình yêu, một chút chân thành, một chút thương cảm để con tạo ra một điều "vĩ đại" đối với bản thân con và để con lan tỏa ra cho những bệnh nhân con được tiếp xúc và phục vụ.

Làm việc nơi đây, cũng có lúc con cảm thấy mình bất lực, vô dụng khi chỉ có thể đứng nhìn bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, trong khi đó các bác sĩ thì chạy đôn chạy đáo để lấy đồ nghề cấp cứu cho họ. Vậy mà tại sao Chúa lại đặt con vào trong môi trường này? Chúa muốn dạy con điều gì trong hoàn cảnh ấy? Có lẽ Ngài muốn con trải nghiệm và thấu hiểu cho sự nhiệt huyết của các chiến binh áo trắng, sự đau đớn mệt mỏi của các bệnh nhân và có lẽ Ngài cũng muốn con thêm lời cầu nguyện cho các bệnh nhân, để trong chính giờ phút đau đớn ấy, họ được kết hợp mật thiết hơn với cuộc Khổ Nạn của Chúa.

 Có nhiều lúc con tự hỏi bản thân: phải chăng con đã đạt tới niềm khao khát lớn nhất của đời mình khi con gặp được Chúa qua hình ảnh của các bệnh nhân. Còn hạnh phúc nào hơn khi được trải một tấm drap phẳng phiu để Chúa nằm lên, đắp một tấm chăn mới cho Chúa ấm, lau những giọt mồ hôi cùng máu mà Chúa đã phải đổ ra vì nhân loại. Lúc ấy, con đã rất tự hào: "Tuyệt quá, chính con là người chăm sóc Chúa đấy!" Rồi những suy nghĩ ấy lớn dần trong con, khiến con từng ngày, từng ngày trở nên mạnh dạn hơn, thích nghi nhanh hơn với những công việc mới của mình. Qua sự hướng dẫn tận tình, vui vẻ của các điều dưỡng, hộ lý, công việc đã trở nên thuận tiện cho con hơn rất nhiều. Con đã quen và làm việc một cách có hiệu quả hơn.

Nơi đây, con cảm nhận được sự vui mừng hiện rõ trên đôi mắt của các y bác sĩ khi một bệnh nhân có sự tiến triển tốt hơn và được đưa đi hồi sức ở một nơi khác. Bên cạnh đó, nỗi buồn sầu, thất vọng của họ cũng thể hiện rõ khi bản thân đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân ấy vẫn không qua khỏi. Con cảm phục các y bác sĩ vì dù có những lúc họ quá mệt mỏi trong "lớp áo giáp" nhưng điều đó vẫn không thể ngăn cản lòng nhiệt huyết và cái "tâm" của họ đối với công việc mà họ đã chọn. Không chỉ có thế, họ còn phải hy sinh rất nhiều thời gian không kể ngày đêm, phải rời xa gia đình thân yêu của mình một thời gian dài để đến và giúp đỡ những bệnh nhân đang cần đến họ...

Con xác tín rằng: Nhờ sự trợ giúp của Chúa, các y bác sĩ, các nhân viên y tế đã vượt qua được những khó khăn và nỗ lực không ngừng để chiến đấu với cơn đại dịch quái ác này. Và cũng nhờ ơn Chúa thôi thúc mà từng người chúng con đã sẵn sàng dấn thân cộng tác trong công việc vô cùng ý nghĩa này.

Nếu con cứ mãi khép kín tâm hồn mình, nếu con cứ mãi không để cho Chúa hoạt động trong con thì con không cảm nghiệm được những bài học tuyệt vời như ngày hôm nay. Thánh Phaolô đã từng xác quyết: "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Quả thật, tất cả những gì con "là" và những gì con "có" đều do ơn Chúa ban. Những điều con đang đón nhận giờ đây cũng nhờ bởi ý Chúa, nên con sẽ cố gắng thật nhiều để luôn biết nhận ra và đón nhận thập giá tình yêu mà Chúa trao cho con.

Chúa ơi! Cảm tạ Chúa vì muôn hồng ân Ngài đã dành cho con. Nhờ có Chúa sống trong con, con không còn sợ hãi và con sẽ làm được những gì con không thể hoặc chưa thể. Xin Chúa tiếp tục đồng hành với con cách đặc biệt trong những ngày phục vụ còn lại tại nơi này, để con có thể đem Chúa đến với những người mà con được gặp gỡ và chăm sóc.

Maria Như Lan
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
(WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 11.8.2021

 

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 19 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Năm, ngày 12.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

GỞI NGƯỜI BẠN TU SĨ TRẺ LÊN ĐƯỜNG ĐI VÀO TÂM DỊCH

Hình: tgpsaigon.net

GỞI NGƯỜI BẠN TU SĨ TRẺ
LÊN ĐƯỜNG ĐI VÀO TÂM DỊCH

Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
Bạn thân mến,

Được tin các bạn tình nguyện lên đường theo tiếng gọi của Chúa - qua bề trên - để đi vào vùng tâm dịch: một số đông các bạn thuộc Tổng Giáo Phận Sàigòn và cả nhóm tu sĩ thiện nguyện của Giáo Phận Xuân Lộc nữa…

Dĩ nhiên là các bạn còn trẻ và còn mạnh, bởi người viết thấy là tại Sàigòn thì Tòa Giám Mục đã sàng lọc 430 đơn tình nguyện để chỉ nhận 185 người cho lần này thôi. Những ai quá 40 tuổi và có bệnh nền thì xin ở lại… chờ đến khi nào quá cần…

Và người viết, một lão già hưu dưỡng, nhắm mắt tưởng tượng niềm vui lên đường của các bạn mà thấy lòng mình cũng rạo rực lây!

Điều tuyệt vời là hầu hết các bạn đều là những “chuyên viên” ngành y bài bản cộng với thiện tâm của người tu sĩ thì chắc chắn là bệnh nhân sẽ gặp được Chúa Kitô - Đấng Chữa Lành cho mọi người và tại mọi nơi.

Dĩ nhiên những anh chị em thiện nguyện khác cũng rất tuyệt vời với công việc lăn xả của mình để phục vụ bệnh nhân giữa tâm dịch và họ cũng phải hy sinh nhiều lắm.

Thế nhưng ở nơi các bạn trẻ tu sĩ, điều quan trọng là “chúng ta không còn gì để mất”, bởi chúng ta đã trao tặng Chúa tất cả rồi và vì thế, chắc chắn là bệnh nhân sẽ nhận được nơi chúng ta sự phục vụ cùng với nụ cười thật tươi và ánh mắt thật nồng nàn, những thứ còn có sức chữa lành nhiều hơn cả thuốc thang nữa.

Các bạn làm lão già nghỉ hưu này nhớ lại hình ảnh anh chàng thanh niên ngày nào cách đây trên dưới 60 năm… và 46 năm…

60 năm - là khi vừa được mang chiếc áo dòng đen để đi giúp xứ…

Người viết khi ấy cũng đầy nhiệt huyết, chẳng có chút ý niệm nào về vùng này, vùng khác nên bề trên sai đến một vùng ngày ấy được cho là “nơi không ai muốn tới” với tình trạng ngày thì thế này/đêm thì lại khác. Người viết vui vẻ lên đường và dần dần làm quen với chuyện đắp mô, phân biệt được “départ” của một quả đạn, biết được khi nào thì nó sắp rơi và nổ cùng những đêm chấm bài học trò với ngọn đèn dầu tù mù và những lằn đạn réo của cả đôi bên cỡ khoảng nửa tiếng như để chúc nhau: “ngủ ngon!”. Người viết theo lệnh bề trên ở lại đó hai năm, bởi theo vị bề trên: xứ này heo hút và thiếu thốn quá mà cha sở lại cần phải được thuyên chuyển nên con chịu khó ở lại để cha sở mới có người cũ giúp đỡ và có thể quen dần…

46 năm - là khi ngay sau tháng 4/1975, người viết vừa được “đặt tay” và sai về một giáo xứ vùng độn để giúp một cha già đang lâm bệnh. Vậy là người viết có 14 năm rưỡi làm Phó tại đấy với những ngày tháng thoải mái vì chẳng lo nghĩ gì cứ thế mà sống. Thật là tuyệt, một cuộc sống “không có gì để mất” của một người theo Chúa với mảnh tem phiếu to bằng móng tay một năm / một mét vải… như mọi người!

Tin các bạn lên đường làm lão nghĩ đến những ngày tháng ấy và thấy lòng mình rực lửa. Thì ra Giáo Hội luôn sẵn “những tấm lòng” và “những tay nghề” cho mọi hoàn cảnh. Đã có một thời người viết đau đáu chuyện về “những chuyên môn” có thể đáp ứng được cho nhiều cảnh sống với Chúa Kitô trên khuôn mặt, trong nụ cười và qua việc làm giúp những người quanh ta gặp được Ngài mà chẳng cần phải thuyết giảng. Bởi thuyết giảng mà không có “những thực tế” đụng chạm được ở từng ngày sống, qua từng công việc thì – như thánh Phaolô chia sẻ - tất cả chỉ là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).

Người viết rất thích những nét vẽ được chọn minh họa cho những tâm tình này: hớn hở lắm những tu sĩ vội vã khoác vào mình bộ y phục bảo hộ cho công việc tại tâm dịch, bộ y phục mà người ta cố gắng làm cho nó nhẹ hơn, mát hơn; nhưng dĩ nhiên là vẫn “không như ý muốn” được.

Có lẽ khi khoác các bộ y phục ấy vào, các bạn không có được tâm trạng của giây phút nhận tu phục đâu, bởi ngày ấy, quang cảnh thánh đường và sự hiện diện của nhiều nhiều những người thân thương cộng với những “diễn giải” rất linh thánh, làm chúng ta tự nhiên thấy thánh thiện. Thế nhưng, khi các bạn khoác vào mình bộ áo quần chuyên dụng này, các bạn thực sự đón cho mình Thánh Giá Chúa Kitô để cùng Ngài đến với những nơi cần và những người cần. Cười lên nhé và cứ nhìn vào mắt từng người, những người cần chúng ta giúp và những bạn tu sĩ đồng hành trong các tôn giáo bạn, với cánh tay dang trên Thánh Giá mà ôm lấy tất cả. Ngày xưa người viết cũng có một vị hòa thượng bạn. Cứ mùng hai Tết là vị ấy lại xuống với người viết để rồi cả hai dắt tay nhau đi chúc tết bà con lương cũng như giáo. Bà con vui lắm khi được cả Thầy lẫn Cha mang bình an đến cho họ. Chúa còn mong muốn chi hơn nữa?

Ở nhà hưu dưỡng, anh em nào còn có thể thì phụ trách chủ tế một Thánh Lễ sáng trong tuần. Người viết phụ trách ngày thứ ba, và thứ ba này là lễ thánh Laurenso, Phó Tế, Tử Đạo. Bạn có biết người viết thích điều gì nơi vị thánh Tử Đạo này không? Dĩ nhiên cảnh được nướng trên giường sắt và câu nói hài hước của Ngài xin lý hình “trở mình” Ngài để chín cho đều cũng rất ấn tượng. Nhưng người viết lại vô cùng hứng thú với cảnh Ngài đưa đến Tòa nhóm người nghèo lượm nhặt được trong thành và trả lời cho vị đại diện Hoàng Đế: đây là tất cả tài sản của Giáo Hội. Bởi vì Hoàng Đế muốn Ngài phải nộp tài sản của Giáo Hội cho ông!

Vậy nhé, bạn hãy thưa với Chúa và nói với mọi người rằng: những anh chị em cùng khốn của chúng ta chính là tài sản của Giáo Hội.

Như trong phim Hàn, người viết muốn ngập ngừng để xin bạn: tôi có thể ôm bạn một cái, được không???

(WHĐ)

LÊN ĐƯỜNG RA TUYẾN ĐẦU

 LÊN ĐƯỜNG RA TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Ngài đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng các môn đệ, những tu sĩ của thế kỷ 21…

Chiều dần buông, những hạt mưa phùn bay bay trong gió, rơi nhè nhẹ giữa lòng thành phố vắng. Thủ Đức vắng quá, Sài Gòn vắng quá, những con đường dài vắng quá!...

Nhưng có lẽ trái tim của các nữ tu Đức Bà Truyền Giáo (ĐBTG) và của các tu sĩ khác đang chờ đợi giây phút lên đường thì không vắng. Trái tim họ đang từng giây, từng phút hướng về các bệnh viện dã chiến, nơi họ được Chúa sai đến để đem bình an cho anh chị em của mình, những người đang phải chiến đấu trong cuộc chiến sinh tử với virus Corona.

Thông tin của Văn phòng đặc trách Tu sĩ TGP.SG liên tục được gửi đến:
- Đã có tin chính thức từ Ban Tôn giáo về ngày giờ các tu sĩ đi Bệnh viện số 16.
- Chúng ta sẽ được đón đến nơi tập trung, và có thể sẽ test covid tại đây nha!
- Chiều mai thứ Hai, hoặc sáng thứ Ba, xe sẽ đến cổng nhà dòng để đón nhé!
- Thưa Sơ, sáng thứ Ba chưa đi được, sáng thứ Tư nhé, khoảng 6.30 sáng.
- Những người chưa có tên trong đợt 2 này, xin bình tĩnh và kiên nhẫn chờ nhé, chúng ta sẽ lên đường sớm thôi!

Và rồi sáng thứ Tư, đồng hồ điểm 6.30 am. Các chị cao niên nôn nao: Xe chưa đến hả em? Dạ, chưa!

Thời gian đợi chờ không làm chạnh lòng người tu sĩ, không làm họ căng thẳng, không làm họ bồn chồn, vì chưa đến giờ lên xe thì vẫn còn thêm thời gian cầu nguyện với Mẹ Maria. Chị em quỳ trước tượng đài Đức Mẹ, bình tâm dâng lên Mẹ những gì sẽ đến và phải đến ở tuyến đầu đó.

Những chị cao niên nhìn các em quỳ bên Mẹ, chợt thấy đẫm ướt, không phải mưa rơi nhưng là những giọt nước mắt lăn dài, lăn dài trên những khuôn mặt đã in hằn nhiều dấu chân chim.

Đồng hồ vẫn đều đặn gõ nhịp: 7.00 am, 7.30 am… Cuối cùng thì xe cũng tới. Chị em bịn rịn chia tay. Muốn nhắn gởi thêm đôi điều nữa thôi, muốn siết chặt tay nhau một tí nữa thôi, nhưng không được vì vẫn phải giữ 5K.

- Chúng em đi, các Sơ ơi, ở nhà giữ sức khỏe nhé!
- Đi bình an! Chúa ở cùng em!
- Mẹ giữ gìn chúng em…

Những âm thanh vang vọng trong gió, lịm dần khi xe chuyển bánh. Những mái tóc đen đã lên đường rồi, sân tu viện còn lại những mái tóc bạc lặng lẽ bước trở về…

Bất chợt điện thoai rung nhẹ, có tin nhắn, đồng hồ điểm 9.10 am:

- Chúng em đi xe số 1, có các Sơ Đa Minh Rosa Lima, Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Đa Minh Tam Hiệp, Phaolô Sài Gòn nữa ạ!

Chưa kịp “thả tim” cho tin nhắn này, đã nhận được thêm một loạt hình ảnh và tin nhắn vội của nhóm chị em ĐBTG Thị Nghè:

- Xe số 2 đón chúng em tại cổng nhà thờ Thị Nghè.
- Umm, xe này có các thầy nữa đấy, dòng Thánh Thể và Chúa Cứu Thế.
- Các Sơ Tiểu Muội Chúa Giêsu, Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và Đa Minh Tam Hiệp đã lên xe đủ rồi ạ.

Những tấm hình chụp nhanh ghi khắc vội những giây phút đặc biệt của các tu sĩ, thật ấn tượng với những nụ cười trong sáng, thanh thoát và an bình hiện rõ trên từng khuôn mặt. Ở trung tâm tấm hình, tôi chợt nhận ra khuôn mặt thân quen: “Thầy đó!”, “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Ngài đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng các môn đệ, những tu sĩ của thế kỷ 21, những trái tim chỉ biết yêu thương và sẻ chia.

Ngày ấy, Chúa Giêsu đã thao thức: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Hôm nay trên những chuyến xe nghĩa tình này, có rất đông tu sĩ các hội dòng như những thợ gặt lên đường, nhưng có lẽ vẫn còn “ít”. Chúa Giêsu vẫn còn xao xuyến vì “Lúa chín đầy đồng”, các bệnh nhân cũng “đầy” trong những cánh đồng bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung, bệnh viện điều trị...

Nhưng Chúa Giêsu vẫn sai các môn đệ của Ngài lên đường với hướng dẫn cụ thể trong Lc 10,1-9:

- Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói…
- Vào nhà nào hãy nói: Bình an cho nhà này!
- Hãy ở lại nhà ấy, người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó…

Vâng lời Thầy, các môn đệ hôm nay đã dũng cảm và hăng hái lên đường. Đa số những con chiên hiền lành này không có chuyên môn về ngành y, không phải là bác sĩ, y tá hay điều dưỡng, có lẽ chỉ có một số ít tu sĩ chuyên ngành y, nhưng phải đối mặt và ở giữa “bầy sói virus Corona”. Những con sói hung dữ này đang ngập tràn, len lỏi trong từng ngóc ngách. Chúng không vô hình, chúng nhỏ xíu thôi nhưng có sức mạnh khủng khiếp, có thể cướp đi sự sống của một người trong tích tắc. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng, vì Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày…” (Mt 28,20).

Chúa Giêsu chỉ muốn các môn đệ của Ngài bận tâm một điều là đem bình an của Chúa đến cho muôn người, đến cho các bệnh nhân, đến cho các y bác sĩ, nhân viên y tế và thân nhân của các bệnh nhân nữa. Ngay cả việc người ta cho ăn gì, thì dùng thức đó: Cơm hộp thịt gà, trứng chiên hay mì gói ăn liền… đều ngon như nhau vì có thể chúng đến từ các “Bếp Tu sĩ” của TGP.SG mà!

Đồng hồ đã gõ nhịp 12.30 pm. Không còn tin nhắn nào nữa. Có lẽ giờ này các môn đệ của Chúa Giêsu đã đến cánh đồng: Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, trực thuộc Sở Y Tế và Trung tâm Hồi sức Tích cực người bệnh COVID-19, trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, số 16 Đào Trí, Phường Phú Thuận, Quận 7, Tp. HCM.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”: có biết bao người cần được chữa lành về thân xác và tinh thần; có biết bao người cần được nghe một lời đem lại hy vọng để chiến đấu với tử thần; có biết bao người F1, F2 đang lo lắng, hồi hộp, sợ hãi cần ơn chữa lành; có biết bao bệnh nhân F0 đang hấp hối cần ơn bình an…

Lạy Chúa, nếu lúa chín đầy đồng mà không kịp gặt thì lúa sẽ rụng hết; chim trời sẽ đến và tha đi những bông vàng trĩu hạt; mây sẽ giăng ngang bầu trời, mưa sẽ rơi và sẽ có nhiều nước mắt của những trái tim tan vỡ.

Xin Chúa ban sức mạnh, sự can đảm, tình yêu và lòng nhiệt thành cho các thợ gặt của Chúa đã lên đường hôm nay. Xin bảo vệ anh chị em tu sĩ đang ở tuyến đầu trong những ngày chống dịch cam go này. Chúng con luôn xác tín rằng: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20) và an tâm với lời Thầy thì thầm: “Bình an cho các con!” (Lc 24, 36). Rồi thế giới sẽ bình an, quê hương sẽ bình an, mọi tâm hồn sẽ bình an và đại dịch sẽ chấm dứt.

Sr. Tuyết Mai, Rndm (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 11.8.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 11.8.2021