Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

VIDEO HAY NHẤT VỀ SỰ SỐNG TRONG BỤNG MẸ


VIDEO HAY NHẤT VỀ SỰ SỐNG TRONG BỤNG MẸ

TGPSG / Aleteia -- "Bé Olivia" là một phim ngắn trình bày cách chân thực nhất từ xưa đến nay về một em bé đang phát triển trong bụng mẹ.

Các bậc cha mẹ biết rằng ít có cảm giác nào kỳ diệu cho bằng niềm cảm xúc dâng trào khi nhìn thấy thai nhi con mình quẫy đạp và ngọ nguậy trên màn hình siêu âm. Những gì chưa thấy bỗng dưng xuất hiện ngay trước mắt họ một cách vô cùng sống động, kỳ thú và đáng kinh ngạc. Và đây, một video mới sẽ giúp mọi người, ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể chứng kiến ​​và cảm kích trước điều kỳ diệu này của cuộc sống con người.

Live Action - một tổ chức chuyên xây dựng văn hóa cuộc sống và thúc đẩy quyền con người - đã tập hợp các nghệ sĩ thị giác và chuyên gia y tế đẳng cấp thế giới, bao gồm cả các bác sĩ sản phụ khoa được công nhận, để tạo video “Bé Olivia” mới phát hành. Đây là phim ngắn về một em bé đang phát triển trong bụng mẹ, được mô tả cách linh hoạt, thực tế và chính xác nhất về mặt y học.

Đoạn video này cho thấy sự phát triển của một em bé, từ một đơn bào con người, trở thành một bào thai người, có tim đập, sóng não, ngón tay và ngón chân. Phim 3D này - do máy tính tạo ra - sử dụng công nghệ thâu chuyển động để quay chụp lại chuyển động thực của con người. Đây là một lời chứng đáng kinh ngạc cho tính nhân văn của những đứa trẻ chưa chào đời.

Live Action giải thích trên trang web của họ:

Trong video, chúng ta thấy hành trình của bé Olivia từ lúc khởi sự cho đến thời điểm thụ tinh và theo dõi nhịp tim đầu tiên của bé 22 ngày sau đó. Chúng ta thấy em bé nhảy nhót trong bụng mẹ ở tuần thứ 11 - trước cả khi mẹ bé có thể cảm nhận được những chuyển động của bé - và phản ứng với ánh sáng ở tuần thứ 27. Rồi chúng ta thấy bé chuẩn bị chào đời, sau đó bé sẽ có được một loạt trải nghiệm hoàn toàn mới về thế giới bên ngoài bụng mẹ.

Thật hấp dẫn khi xem “bé Olivia” đá chân, lắc lư và nhanh chóng phát triển cùng với phần lồng tiếng nhẹ nhàng giải thích các mốc phát triển quan trọng. Đoạn video mang đến sự ngạc nhiên khi nhìn thấy một em bé xuất hiện nhờ siêu âm của phòng thí nghiệm và bước vào đời thực, nơi có thể chạm đến vô số trái tim.

Video này đã tạo ra một tiếng vang lớn. Nó đã vượt qua 10.000 lượt xem trên YouTube trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi được công chiếu. Phim "Bé Olivia" đang được lan truyền mạnh mẽ.

Bà Lila Rose, chủ tịch của Live Action, chia sẻ lý do và động lực thực hiện video như sau:
  • Chúng tôi rất vui mừng khi thông báo sự ra đời của phim “Bé Olivia”. Phim này đã thay đổi những cảm nhận và suy nghĩ về việc phá thai.
  • Khi làm việc trong tổ chức Live Action và gặp gỡ hàng trăm nghìn phụ nữ, tôi luôn cảm thấy thất vọng vì tình trạng thiếu thốn kiến thức giáo dục thực sự về những phát triển trước khi sinh con. Là một phụ nữ từng mang thai, tôi biết việc nhìn thấy con mình qua siêu âm sẽ mang lại sức mạnh lớn lao, và tôi khao khát mang lại sự sống cho sinh linh nhỏ bé đang phát triển nhanh chóng trong từng tuần lễ.
  • Phim “Bé Olivia” mang đến cho cả thế giới một cái nhìn chưa từng thấy bên trong bụng mẹ. Chúng tôi đã làm việc với một nhóm các nhà làm phim tuyệt vời để ghi lại thật đẹp các chi tiết về cuộc sống của em bé trước khi chào đời, bao gồm nhịp tim, móng tay, lông mi và thậm chí cả nấc cụt.
  • Khi chuẩn bị cho vụ án ‘hợp pháp hóa phá thai một cách vô cớ’ - mang tên Roe v. Wade, Dobbs v. Jackson Women’s Health - sẽ được Tòa án Tối cao xét xử - nhóm chúng tôi đang nỗ lực để tất cả các bậc cha mẹ, các nhà lãnh đạo và các nhà lập pháp ở khắp mọi nơi sẽ được xem phim “Bé Olivia”.
  • Chúng tôi biết rằng phim “Bé Olivia” nằm ở cốt lõi của cuộc tranh luận về việc phá thai: Chúng ta có bênh vực cô bé không? Liệu chúng ta có bảo vệ quyền sống của cô bé đã được hiến pháp bảo vệ không? Phim “Bé Olivia” nên được gửi đến cho bất kỳ ai đang toan tính phá thai - trong trường học, tại các trung tâm hỗ trợ bào thai, tại các giáo hội, và trong các cuộc vận động bên lề. Chúng tôi rất mong nhìn thấy tác động của phim này.
Video này cũng sẽ rất tuyệt vời khi cho trẻ em xem, kể cả trong bối cảnh lớp học. Bên cạnh việc thể hiện tính nhân văn của một thai nhi, video còn nhẹ nhàng giải thích khoa học về sự phát triển của thai nhi trước khi sinh và nguồn gốc của tất cả chúng ta.

Hãy xem phim này ngay hôm nay và giới thiệu với bạn bè và gia đình. Bạn sẽ không bao giờ biết trước được phim “Bé Olivia” này có thể thay đổi trái tim của những ai đâu!


 Dưới đây là những lời thuyết minh trong phim “Bé Olivia”:

  • Đây là bé Olivia! Mặc dù bé chưa vẫy chào thế giới bên ngoài, nhưng bé đã hoàn thành một cuộc hành trình đáng kinh ngạc.
  • Đây là thời điểm cuộc sống bắt đầu. Một con người mới đã hiện hữu. Khi thụ tinh, giới tính, chủng tộc, màu tóc, màu mắt và vô số đặc điểm của bé đã được xác định.
  • Bé bắt đầu được gắn vào tử cung khoảng 1 tuần sau khi thụ tinh. Tế bào của bé đã tổ chức thành cái mà chúng ta gọi là phôi thai.
  • Khi được 3 tuần và 1 ngày, tức là 22 ngày sau khi thụ tinh, nhịp tim của bé Olivia đã có thể được nghe thấy.
  • Các chồi ở tay và chân của bé xuất hiện sau 4 tuần.
  • Sau khoảng 5 đến 6 tuần, bé bắt đầu cử động cách tự phát và phản xạ.
  • Vào 6 tuần sau thụ tinh, các hoạt động não của bé có thể được ghi lại và quá trình hình thành xương bắt đầu.
  • Lúc 7 tuần rưỡi, bé có thể nắm hai bàn tay vào nhau. Các ngón tay và ngón chân riêng biệt nổi lên. Bé cũng có thể nấc cụt.
  • Vào đầu tuần thứ 9, bé Olivia đã phát triển từ một tế bào đơn lẻ thành gần một tỷ tế bào; và bây giờ trở thành một bào thai, bé mút ngón tay cái và nuốt nước bọt, nắm lấy một đối tượng, chạm vào mặt, thở dài và vươn vai.
  • Sau 11 tuần, bé bắt đầu chơi trong bụng mẹ, bắt đầu di chuyển cơ thể và khám phá môi trường xung quanh.
  • Các tế bào vị giác của bé đã trưởng thành vào tuần thứ 12, nhưng vẫn còn nằm rải rác khắp miệng. Mẹ của bé lần đầu tiên cảm nhận được chuyển động của bé trong khoảng từ tuần thứ 14 đến 18 - một sự kiện được gọi là tăng tốc.
  • Bắt đầu tuần thứ 18, siêu âm cho thấy chuyển động của lời nói trong hộp thoại của bé.
  • Khoảng 20 tuần, với nhiều sự hỗ trợ, bé đã có thể sống bên ngoài tử cung của mẹ.
  • Ở tuần thứ 27, mắt của bé đã phản ứng được với ánh sáng. Bé có thể nhận ra giọng nói của bố mẹ và nhận ra ngay cả những bài hát ru và những câu chuyện.
Bé Olivia đã trải qua một hành trình đáng kinh ngạc trong suốt 9 tháng qua. Bé sẽ sớm báo hiệu cho mẹ biết đã đến giờ bé sinh ra và vẫy chào thế giới bên ngoài.
 
Theresa Civantos Barber (Aleteia)
Vi Hữu (TGPSG) chuyển ngữ
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 20 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Tư, ngày 18.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

"CHỈ VÌ TÌNH YÊU ĐỨC KITÔ THÚC BÁCH"

"CHỈ VÌ TÌNH YÊU ĐỨC KITÔ THÚC BÁCH"

TGPSG -- “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Lời dạy đó của Chúa Giêsu vẫn luôn vang vọng trong con tim người Kitô hữu ở mọi nơi và qua mọi thời.

Hình ảnh các tình nguyện viên lên đường đến với tuyến đầu chống dịch đã để lại trong lòng chúng ta nhiều ấn tượng tốt đẹp về tấm lòng và nghĩa cử cao quý mà họ đã thể hiện. Họ có phúc hơn ai hết vì họ là những người đang lắng nghe và thực hành lời dạy của Chúa cách sống động qua sự dấn thân, hy sinh bản thân vì sự sống của nhiều người. Vậy, những thiện nguyện viên đó là ai?

Vâng, đó là các Linh mục, tu sĩ - những người con ưu tú của Giáo hội Công Giáo, đã được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn người để trở nên muối men giữa lòng đời. Họ là những con người có tri thức, có nhân cách qua việc được tu luyện để trở thành những Linh mục, tu sĩ của Thiên Chúa và mọi người. Họ cũng có gia đình, bạn bè, có những người thân yêu, những ước mơ cao đẹp về một tương lai đầy triển vọng đang chờ họ phía trước. Và cũng như mọi người, họ khao khát được sống, được cảm thấy an toàn bên cạnh những người thân yêu. Thế mà giờ đây, họ sẵn sàng từ bỏ tất cả để lao mình vào cuộc chiến chống covid mà không hề sợ gian khó, hiểm nguy hay mất mạng. Vậy, điều gì đã thúc đẩy các linh mục, tu sĩ can đảm dấn thân vì sự sống của người khác như thế?

Câu trả lời chính là tình yêu Đức Kitô đã thúc bách họ. Tình yêu ấy khắc sâu trong trái tim họ đến nỗi họ không thể làm ngơ trước nỗi đau khổ của anh chị em đồng loại, làm ngơ trước lời mời gọi tha thiết của các mục tử để ra khỏi sự an toàn, đến với tuyến đầu chống dịch. Họ thực đúng là những con người “thánh thiện” như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Gaudete et exsultate: “Một người biết nhìn sự vật đúng như sự thật của chúng và biết cảm thông với những nỗi buồn đau, đó là người có thể chạm đến những chiều sâu của đời sống và tìm thấy hạnh phúc chân thực. Người ấy được ủi an, không phải bởi thế gian nhưng là bởi Chúa Giêsu. Những người như thế không ngại chia sẻ khổ đau của người khác; không trốn tránh các hoàn cảnh đau buồn. Họ khám phá ý nghĩa của đời sống qua việc đi đến giúp đỡ những ai đau khổ, cảm thông với nỗi khốn khó của người ta và đem lại sự xoa dịu. Họ cảm nhận rằng tha nhân là thịt bởi thịt mình, họ không sợ đến gần, ngay cả chạm đến những vết thương nơi người ấy. Họ chạnh lòng thương cảm người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Bằng cách đó họ sống giáo huấn của Thánh Phaolô: “Hãy khóc với người khóc” (Rm 12,15). Biết khóc than với tha nhân: đó là thánh thiện”[1]

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều đau thương cho thế giới, nhưng qua đó chúng ta thấy tình Chúa, tình người vẫn đang được thể hiện thật cụ thể, rõ ràng qua tinh thần liên đới của rất nhiều anh chị em chúng ta trong đại gia đình nhân loại, đặc biệt qua sự dấn thân, hy sinh âm thầm của các tình nguyện viên Linh mục, tu sĩ, giáo dân Kitô giáo và nhiều người thuộc các tôn giáo, hội đoàn khác. Những nghĩa cử hy sinh phục vụ cao đẹp của các tình nguyện viên sẽ là dấu chỉ hữu hiệu để Tin Mừng của Chúa được chạm đến trái tim nhiều người, đặc biệt là những ai chưa tin vào Chúa.

Và nếu một ngày nào đó, chúng ta không còn thấy một trong các tình nguyện viên ấy trở về đoàn tụ với gia đình, với cộng đoàn vì đã hy sinh sự sống cho anh chị em mình thì thay vì ưu sầu, thương khóc, chúng ta hãy hân hoan đón mừng một vị tử vì đạo của thế kỷ 21, một vị thánh đã hy sinh âm thầm cho sự sống của bao người vì tình yêu Đức Kitô.

Oanh Sương Mai, Sjp
(WGPSG)

"ĐỜI CON NHƯ TẤM BÁNH LUÔN ĐỂ DÂNG"

"ĐỜI CON NHƯ TẤM BÁNH LUÔN ĐỂ DÂNG"

TGPSG-- “Không ai nghèo đến nỗi không có gì đó để trao tặng người khác”.

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội loan truyền một đoạn video clip người đàn ông đi phát cơm từ thiện cho người vô gia cư đã vô tình bắt gặp người mẹ già đang đứng ở vỉa hè để đợi phát cơm 0đ và quà từ thiện. Hỏi ra mới biết, anh chàng này làm công việc giao cơm từ thiện cho một mạnh thường quân. Gia cảnh anh tuy nghèo nhưng anh vẫn muốn góp chút sức lực cho công việc thiện nguyện để giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh trong cơn đại dịch. Quả thật, khi người ta giàu tình thương yêu nhân ái thì người ta sẽ có đủ cách thế để giúp đỡ người nghèo khổ hơn mình.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Không ai nghèo đến nỗi không có gì đó để trao tặng người khác”. Đức Phật thì dạy rằng: “Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều sau đây: "Nhan thí"  - Bố thí nụ cười. "Ngôn thí"  -  Bố thí lời nói hay. "Tâm thí" - Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn. "Nhãn thí"  - Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ. "Thân thí"  - Bố thí hành động nhân ái. "Tọa thí"  - Bố thí chỗ ngồi cho người cần. "Phòng thí"  - Bố thí lòng bao dung".  Trên hết, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng sự trao tặng cao cả nhất chính là hiến dâng mạng sống mình vì bạn hữu (x. Ga 15,13) và chính Chúa đã thực hiện sự hiến dâng ấy vì yêu thương nhân loại tội lỗi.

Theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu, các tu sĩ, linh mục thiện nguyện đợt 2 (62 tu sĩ thuộc 19 hội dòng) và đợt 3 (16 tu sĩ và linh mục thuộc 7 hội dòng) đã hăng hái, an vui lên đường phục vụ các bệnh nhân Covid tại các bệnh viện dã chiến. Cuộc đời của anh chị em tu sĩ đã trở thành tấm bánh thơm để hiến dâng cho Thiên Chúa và nay được bẻ ra nuôi sống con người. Chắc chắn, các tu sĩ sẽ phải đối mặt với sự nguy hiểm, với những bấp bênh và thiếu thốn, với những nỗi niềm lo lắng và trăn trở, nhưng các tu sĩ không cô đơn vì luôn có Chúa đồng hành bên cạnh, có Đức Tổng Giuse, các linh mục, tu sĩ và cả cộng đồng dân Chúa đang hết lòng hết sức dõi theo, khích lệ và cầu nguyện không ngừng.

Xin tình yêu của Đức Kitô luôn thôi thúc tâm hồn các tu sĩ (x. 2Cr 5,14) và xin Thiên Chúa là nguồn Hy Vọng, ban tràn đầy bình an, niềm vui cho các tu sĩ trong từng ngày phục vụ.

Jos. Lương Tùng, CSsR.
 
 
(WGPSG)

 

NHỮNG TẤM BÁNH NHỎ NƠI TUYẾN ĐẦU

NHỮNG TẤM BÁNH NHỎ NƠI TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Tôi tin Chúa Giêsu sẽ làm phép lạ kỳ diệu từ những con số ít ỏi và giới hạn, cho Sài Gòn trở lại sức sống như xưa

Ráng chiều vàng rực rỡ cả khung trời, nhẹ nhàng đưa hoàng hôn xuống dần bên kia thành phố. Sài Gòn thân yêu đã lên đèn nhưng không còn quyến rũ như những ngày bình yên chưa có đại dịch. Sài Gòn đang trăn trở vì có những người con của Sài Gòn đang trở mình mệt nhoài, khát khao, đau đớn nơi các bệnh viện dã chiến và những khu vực cách ly, phong tỏa.

Ánh chiều vàng nhắc tôi nhớ về câu chuyện ngày xưa, nơi sườn đồi dốc đá, có đoàn người cũng bơ phờ, mệt nhoài, khát khao: Mệt nhoài trong thân xác và khát khao trong tâm hồn. Giữa đoàn người đang khát khao đó có Thầy Giêsu cầm lấy tấm bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và các môn đệ đã trao tấm bánh lại cho đoàn người. Năm chiếc bánh và hai con cá là thức ăn chỉ đủ cho một đứa bé nhà nghèo ăn chiều, nguồn tài nguyên thật ít ỏi, năng lực thật giới hạn, nhưng Chúa Giêsu đã làm phép lạ kỳ diệu từ con số ít ỏi và giới hạn đó (x. Mc 6, 34-44).

Các em của tôi lên đường thiện nguyện cũng có nguồn tài nguyên thật ít ỏi và năng lực thật giới hạn: thời gian, sức khỏe, sự can đảm, lòng tận tụy, sự nhiệt thành, khả năng chuyên môn… Số lượng y bác sĩ và thiện nguyện viên cũng thật ít ỏi, thật giới hạn so với con số bệnh nhân Covid tại các bệnh viện. Nhưng tôi tin Chúa Giêsu sẽ làm phép lạ kỳ diệu từ con số ít ỏi và giới hạn này cho Sài Gòn trở lại sức sống như xưa.

Những tin nhắn vội em gởi về có khi không tròn chữ, có khi chỉ gồm những ký hiệu, ngắn gọn, giản đơn, nhưng chúng cũng đã được kết lại để chúng tôi hiểu được những câu chuyện cảm động nơi tuyến đầu sóng gió. Em kể rằng nhóm 62 tu sĩ sẽ phân làm hai, một nhóm sẽ phục vụ tại bệnh viện Hùng Vương, và nhóm còn lại sẽ phục vụ tại bệnh viện Bạch Mai, nơi có các bệnh nhân trở bệnh nặng, phải thở bằng máy, được chuyển từ các bệnh viện khác tới - đây là “vùng đỏ” có nguy cơ lây nhiễm cao mà bất cứ ai bước vào khu vực này đều phải mặc áo bảo hộ màu trắng. Nhưng sau đó quyết định cuối cùng là tất cả sẽ cùng làm việc ở khu vực bệnh viện Bạch Mai vì nhu cầu khẩn thiết hơn.

Những lời khuyến nghị của các bác sĩ trong hai ngày tập huấn thật cảm động, chan chứa tình Chúa tình người:
  • Phải có tinh thần tốt, con tim tốt, sức khỏe tốt.
  • Cần tập trung bảo vệ sức khỏe của mình trên hết.
  • Nếu không bảo vệ và chăm sóc chính mình được, thì sẽ không bảo vệ và chăm sóc bệnh nhân được.
  • Chúng tôi mong muốn tất cả các thiện nguyện viên đều khỏe mạnh.
  • Trong nhóm nếu một người bị nhiễm, cả nhóm sẽ bị cách ly.
  • Quy trình mặc và thay áo bảo hộ rất quan trọng, vì sự lây nhiễm sẽ xảy ra vào lúc này nếu không thực hiện đúng quy trình.
Những lời hướng dẫn tận tình với tất cả con tim của các bác sĩ đã làm cho các thiện nguyện viên tập trung nhiều hơn vào việc thực tập quy trình mặc và tháo cởi những bộ đồ bảo hộ. Hình ảnh các em gửi về thật sự chạm đến trái tim tôi, nhìn em loay hoay với những bộ đồ bảo hộ trắng xanh, lòng tôi chợt thắt lại. Những thao tác nhỏ bé nhưng cực kỳ quan trọng, nó quyết định sự sống còn cả cho mình và cho người khác. Lưu tâm đến từng thao tác nhỏ bé như những tấm bánh nhỏ dâng lên Chúa để bảo vệ sự sống Chúa ban.

Tôi nhớ lại trước ngày lên đường, em cũng nhẹ nhàng với một việc làm nhỏ bé nhưng không kém phần quan trọng: Giống như nhiều bác sĩ trước khi ra tuyến đầu đã cắt ngắn những mái tóc đẹp của mình, em cũng đã cắt ngắn mái tóc đen tuyền như suối thơ để lên đường phục vụ - mái tóc em đã nâng niu suốt hơn 20 năm chưa một lần cắt ngắn. Em nói em thích mái tóc dài con gái nhưng giờ đây em đã hy sinh, dâng lên Thiên Chúa như tấm bánh nhỏ để Chúa làm nên những điều kỳ diệu cho dân Người. Tôi hỏi: “Có tiếc không?”, em vuốt mái tóc ngắn mỉm cười: “Cắt tóc rồi, em thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng và thanh thản lên đường, chắc Chúa Giêsu cũng thích kiểu tóc này của em.”

Tin em nhắn về, ngày mai chúng em sẽ chia ca làm việc: ca sáng từ 7g-14g, ca chiều từ 14g-21g, ca tối từ 21g-7g. Sáng hôm sau, các tu sĩ được chia làm 4 nhóm, thay ca xoay vòng. Công việc của chúng em là động viên các bệnh nhân an tâm điều trị, thăm hỏi những người còn khả năng nói chuyện, giúp họ liên lạc với người thân và gia đình, hỗ trợ các điều dưỡng cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân và tắm gội khô cho bệnh nhân, vệ sinh lau dọn các phòng bệnh, phân loại và thu gom rác thải. Một lần nữa tôi nhận ra những tấm bánh nhỏ, những công việc âm thầm, khiêm tốn của các tu sĩ đang tin tưởng dâng lên Thiên Chúa để Ngài làm những điều kỳ diệu trên dân Ngài.

Không phải tự sức mình mà các tu sĩ có thể can đảm làm chọn lựa này, nhưng từng bước trong đời, Chúa đã yêu thương dắt dìu; từng bước trong đời Chúa đã soi sáng hướng dẫn; từng bước trong đời Chúa đã gọi, đã chọn, đã thánh hiến và giờ đây Chúa sai lên đường. Chúa mời gọi các tu sĩ thiện nguyện bước vào một hành trình mới lạ mà họ chưa một lần trải nghiệm trong đời, để hiến thân cho Chúa và cho anh chị em đang nguy khốn vì đại dich trong các bệnh viện dã chiến, thu dung và điều trị.

Lạy Chúa, xin đón nhận sự hăng say, nhiệt thành, dấn thân, quảng đại, cùng những lo lắng, khắc khoải, e ngại, những giới hạn của các anh chị em tu sĩ trong hành trình đặc biệt này. Xin Chúa che chở, đồng hành, ban sức mạnh, sự can đảm, lòng kiên trì và đổ tràn niềm vui phục vụ trong tâm hồn các tu sĩ thiện nguyện nơi các tuyến đầu chống dịch.

Sr Tuyết Mai Rndm. (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)

(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 20 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 17.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 17.8.2021

 

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021