Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

HỒI KÝ: PHỤC VỤ TẠI KHU CÁCH LY


HỒI KÝ: PHỤC VỤ TẠI KHU CÁCH LY

TGPSG -- “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24).”
 
Cơ duyên làm tình nguyện viên chống dịch

Ngày 10-7-2021, khi đang xem tin tức, tình cờ tôi thấy mẫu tin tuyển tình nguyện viên (TNV) tham gia chống dịch Covid-19 của trung tâm Y tế Thủ Đức (TTYT Thủ Đức).

Tôi ngay lập tức có ý định đăng ký tham gia, nhưng chợt phân vân với suy nghĩ: “Chọn ở nhà bình an, quây quần với người thân, hay chọn mạo hiểm cùng với các chiến sĩ áo trắng áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch? Con đường nào tôi nên đi? Sự nhiệt thành dấn thân phục vụ, có khi phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình và những hệ lụy cho gia đình sau này. Mình không thể quyết định theo cảm tính được.”

Rồi một suy nghĩ khác hiện ra, xóa hẳn sự phân vân: “Mình là con cái Chúa, mà Chúa thì thường xuyên dạy tôi và mọi người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24).” Chúa đã mạc khải cho thấy con đường theo Ngài đầy gian nan thử thách, thậm chí là cái chết khổ hình.

Tôi cầu nguyện, tâm sự với Cha sở và người thân về ý định tham gia TNV. Sau khi xác định dấn thân phục vụ với lòng tín thác vào Chúa, tôi đăng ký tham gia. Sau khi được “phỏng vấn” qua điện thoại với bác sĩ phụ trách tuyển, tôi vui vẻ tự trấn an: “Con đã được chọn, xin phó thác mọi sự cho Chúa!”

Những ngày đầu, tôi được xếp làm công việc quản lý dữ liệu trong một căn phòng ít người, vì vậy tôi chưa cảm nhận được mức độ nguy hiểm của con virus này, chưa có cảm giác “tận hưởng hơi thở Covid”!

Đến tối ngày 14-7-2021, Ban giám đốc TTYT gửi tôi tờ lệnh làm việc tại khu cách ly. Lúc này tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn, lo lắng: Vậy là thời gian “thực tập” đã xong, “hơi thở Covid” đến rồi! Nhưng niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa giúp tôi bình tâm. Sáng thứ năm 15-7-2021, tôi vác ba lô lên đường.

Và thật lạ lùng, tôi không rõ khi xưa, quang cảnh Chúa vác thập giá như thế nào, có ảm đạm không, nhưng hôm nay, khung cảnh tĩnh lặng của phố phường buổi sớm ở đây khiến tôi cảm thấy lạc lõng, bơ vơ nơi chính mảnh đất Thủ Đức quê tôi: Không bóng dáng công nhân vệ sinh, không người đi lại trên phố; hàng quán đóng cửa, không còn những âm thanh ồn ào, huyên náo... Một thoáng buồn, cứ như mọi người đang giận dỗi tôi, không muốn ra đường gặp tôi vậy!

Khu cách ly

Đến khu cách ly (KCL), không vội vào, tôi dựng xe bên vỉa hè, quan sát nơi mình sẽ làm việc. Quang cảnh nơi đây làm tôi nhớ đến Lời Chúa: “Người bảo họ: ‘Ðến mà xem’. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều.” (Ga 1, 35-42)

Quả thật, đến xem và trải nghiệm thực tế là một chuyện, có tiếp tục ở lại hay không là chuyện khác. Tôi cúi đầu, làm dấu thánh giá, và xin Chúa luôn đồng hành cùng tôi.

Nơi tôi sẽ làm việc là ký túc xá sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM - khu vực 2, là một trong những nơi được trưng dụng để tập trung sàng lọc, chăm sóc những người nhiễm và nghi nhiễm Virus Sars-Cov-2.

Nơi làm việc của Ban quản lý (BQL) đúng là ‘dã chiến’. Bên phải là căn tin ký túc xá, được chuyển thành văn phòng, diện tích khá rộng, còn đủ chổ chứa các thùng nước khoáng, đồ bảo hộ. Sân trước căn tin thành nơi tập kết cơm cho người đi cách ly (NĐCL). Chính diện là dãy lầu, có thang máy lên 9 tầng. Dọc hành lang là nơi để các vật dụng như chăn, mềm, gối, chổi, bọc đựng rác.. và vài loại vitamin, thuốc men, nước khoáng…


BQL có một bác sĩ tổng phụ trách, một y tá, một điều dưỡng, và 3 TNV - kể cả tôi. 

Ba TNV chúng tôi phụ trách hậu cần, chuyên điều tiết và cung cấp thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ những NĐCL và BQL. Ngoài ra còn có một tổ dân quân hỗ trợ chúng tôi trong việc phát cơm ăn, nước uống… 

Nơi tôi ngủ nghỉ là phòng trong ký túc xá, có nhà vệ sinh riêng, biệt lập với khu cách ly.

Khởi đầu một ngày làm việc

Thường 5g sáng là tôi thức giấc, đọc kinh, cầu nguyện cho công việc của mình. Sau đó xuống căn tin pha cà phê.

Buổi sáng yên ắng lắm, không tiếng động, dù chung quanh nơi tôi đang đứng có vài trăm người. Giờ này những NĐCL còn yên giấc sau một đêm thức khuya. Ba TNV chúng tôi, vừa uống cà phê, vừa tranh thủ “quẹt điện thoại” xem tin tức. Thỉnh thoảng nghe thốt lên một tiếng “ồ”, “căng quá”, “nhiều quá”... không cần nói cũng biết, chúng tôi đang xem tin Covid!

Đúng 7g, xe chở bữa ăn sáng vào. Chúng tôi chuyển đồ ăn xuống, kiểm tra, ký nhận. Khi là xôi, lúc là bánh ướt kèm bịch sữa. Chúng tôi sắp xếp, ghi số phòng,...

Các em dân quân dùng xe đẩy thức ăn đến thang máy. Mọi người bắt đầu chuyển thức ăn lên từng tầng. Đến tầng nào, đại diện tầng đó ra nhận, rồi cứ tiếp tục như thế cho đến tầng 9. Thời gian chuyển hết cho các phòng là khoảng hơn một giờ.

Sau khi hoàn thành, tất cả xuống sân, cởi bỏ ngay đồ bảo hộ vào túi rác y tế, sát khuẩn tay rồi mới tự do đi lại trong vùng an toàn.
 
Phát nước uống

Cứ 3 ngày, chúng tôi phát nước một lần, mỗi người một bình 6 lít. Chúng tôi lần lượt chuyển lên từng tầng như chuyển bữa ăn sáng, khoảng gần hai tiếng mới xong. Tôi thấy các em dân quân nhễ nhại mồ hôi, làm liên tục, quan sát và hỗ trợ nhau từng chút, xong việc là các bạn bơ phờ, ngồi bệt ra sân, nhưng vẫn vui cười, rôm rả nói chuyện.

Chuyển quà tiếp tế và phục vụ những NĐCL

Người thân của NĐCL khi đem quà tiếp tế đến, họ được hướng dẫn nơi để quà và... ra về, không tiếp xúc với bất cứ ai. Tôi hay quan sát họ, sau khi giao quà, họ không vội về mà cứ nhìn lên các dãy lầu, ánh mắt như dõi tìm, cố hình dung xem người thân đang ở phòng nào, rồi họ thở dài quay ra. Không hiểu sao, tôi rất ngại nhìn vào ánh mắt họ lúc đó.

BQL đã tạo mỗi tầng một group zalo, những NĐCL sẽ gửi thông tin vào đó để BQL xem và hỗ trợ. Lúc đầu chưa quen, tôi choáng luôn: các tin nhắn ghi “đủ thứ trên đời”, từ ăn, uống, thuốc, rồi xin dụng cụ, báo sốt, thậm chí bàn luận cả chuyện bên Afghanistan trong group zalo! Đúng như bạn TNV trong tổ đã cảnh báo: “Anh chưa quen sẽ choáng khi xem tin nhắn, anh cứ sàng lọc, rồi sẽ quen.”

Chúng tôi thu thập tất cả thông tin do các NĐCL yêu cầu, nào là “cho phòng 603 bọc đựng rác”, “522 xin chổi quét nhà ad ơi”, “phòng 233 có người sốt ad ơi, sẵn cho xin cuộn giấy vệ sinh”... Chúng tôi lướt qua tất cả các tin nhắn,và ưu tiên ngay những tin nhắn cấp thiết.

Tôi thống kê, ghi lại, thỉnh thoảng điện thoại lại tít tít, có thêm phòng xin bổ sung...

Việc chuyển lên cũng đơn giản và an toàn. Chúng tôi gọi từng tầng, sau đó để đồ vào thang máy, bấm cho thang máy chuyển đến tầng đó. Người đại diện tầng sẽ ra nhận và để trước cửa từng phòng, xong việc thì thông báo cho người trong phòng ra lấy. Tuy việc không nặng nhọc, nhưng mất khá nhiểu thời gian.

Ăn trưa 
 
Chúa đã dạy: “Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40). Quả vậy, nếu không nhớ lời này của Chúa, tôi sẽ không chịu nổi những lời trách móc, kiện tụng của NĐCL. Áp lực công việc khiến chúng tôi có thể bộc phát sự bực bội bất cứ lúc nào.
 
Phát cơm trưa cũng gần giống phát bữa sáng, các công đoạn luôn nghiêm ngặt. Phục vụ cơm trưa vất vả nhất trong ba buổi cơm. Thời gian để chuẩn bị quá ngắn, nếu không nhanh, cơm trưa đến tay NĐCL sẽ như cơm chiều, họ sẽ “la làng” ngay. Có hôm việc nhiều, không kịp uống nước, nghỉ ngơi, chúng tôi phải vội lên danh sách “cơm, cháo” cho kịp. Vì vậy, thỉnh thoảng sơ sót: lúc dư cháo thiếu cơm, lúc dư cơm thiếu cháo. Những lúc như vậy, chúng tôi luôn ưu tiên nói lời “xin lỗi” và nhanh chóng điều chỉnh cho mọi người có đúng thứ họ cần. Thậm chí chúng tôi phải kiên nhẫn nghe NĐCL “lên lớp”, và không cần biết lỗi do ai, chúng tôi cứ luôn chỉ biết “Vâng, tụi anh xin lỗi, sẽ rút kinh nghiệm”, sau đó chúng tôi ngồi với nhau để xem xét điều chỉnh.

Đến hơn 13g30, chúng tôi thống kê những yêu cầu về bữa ăn chiều. Sau đó soạn đồ chuyển lên, rồi kiểm tra hàng tồn, kịp báo về trung tâm xin hỗ trợ.

Buổi chiều

Hôm nào NĐCL ít yêu cầu hỗ trợ, chúng tôi có thời gian giải lao, bằng không thì phải quay như chong chóng. May mà chúng tôi luôn hỗ trợ nhau, chăm sóc và động viên nhau, nên tôi luôn thấy thoải mái vượt qua áp lực từ công việc.

Sau khi lo xong cho bữa cơm của mọi người, tôi ra ghế đá ngồi ghi chép, thống kê các hạng mục đã làm trong ngày. Đến 18g, tôi mới bắt đầu bữa tối với lời kinh tạ ơn.

Tôi rất quý trọng tình đồng đội của hai bạn trẻ Phong và Vũ. Tôi cố gắng tỉ mỉ và chia sẻ cùng hai bạn, tạo niềm vui và tiếng cười khi đang cùng làm việc. Ba chúng tôi buổi chiều hay ngồi ghế đá chia sẻ, hỏi thăm nhau…

Phong tâm sự: “Em là hướng dẫn viên du lịch. Em làm TNV ngay từ những ngày đầu. Mẹ em cũng lo lắm, vì việc này đâu có liên quan nghề của em. Nhiều đêm ngồi một mình, em nhớ mẹ lắm. Rất lâu rồi em không về nhà, nhớ lắm, nhưng biết làm sao?!”

Tôi nghe cũng chạnh lòng, chỉ biết an ủi động viên em. Tôi biết rõ tâm trạng của Phong, vì đêm khuya, thỉnh thoảng nhìn ra ghế đá, tôi vẫn thấy Phong ngồi đó một mình..

Vũ thì trẻ hơn, mở quán cà phê tại nhà, mới 23 tuổi, đúng là tuổi trẻ vô tư hồn nhiên. Em ấy nói: “Em giấu mẹ đi TNV đó anh! Khi được nhận, em ôm ba lô ra, mới nói cho mẹ hay. Mẹ trách, em cười thôi, rồi mẹ cũng cho em đi”. Nói xong Vũ lại cười khà khà…

Tôi hỏi: “Vậy em mất thu nhập, ai lo cho mẹ khi em đi?”

Vũ chợt buồn, nói: “Em nhờ chị chăm sóc. Khi bán cà phê, em vui lắm, lo cho mẹ, đi tùm lum chỗ để tìm hiểu người ta làm thế nào, về bắt chước. Bây giờ, em phải dừng mọi thứ vì Covid, buồn chứ anh! Không gặp bạn bè, không lo gì được cho mẹ… Tối nào cũng vậy, đúng 20g em gọi cho mẹ, vì đó là “giao kèo”, không gọi là mẹ lo…”

Tôi rơi vào im lặng, cố tưởng tượng hình bóng hai người mẹ hằng đêm ngồi nhìn điện thoại, chờ con gọi về. Và tôi biết, có rất nhiều người mẹ, người cha, ông bà cô chú, thậm chí là vợ, chồng cũng trong hoàn cảnh chờ cuộc gọi như mẹ của hai em.

Buổi tối

Buổi tối chúng tôi gọi điện cho người thân, bạn bè, trao đổi với NĐCL qua Zalo... Tôi ra ghế đá ngồi, gọi điện về nhà, rồi lần hạt, tạ ơn Chúa đã cưu mang và “xin Chúa luôn đồng hành với con, chăm sóc mọi người…”

Tiếp đón và tiễn chân người được cách ly

Đây là công việc chiếm nhiều cảm xúc của tôi nhất. Thường xe đưa NĐCL vào đây sau 21g. Những NĐCL bước xuống xe và tập trung ngoài sân. Chúng tôi đứng cách khá xa, dùng loa hướng dẫn mọi người lần lượt lên phòng, sau đó chuẩn bị chăn màn và vài vật dụng cần thiết chuyển lên. Những thứ khác sẽ được cấp ngay sáng hôm sau.

Việc chuyển lên tuyến trên hay về nhà tự cách ly cũng tương tự: tập trung ngoài sân, gọi tên, làm thủ tục và lên xe. Một điều lạ là: khi ở đây, các NĐCL nhiều lúc xích mích với nhau, thậm chí giận dỗi, nhưng khi rời đi, mọi người lại có sự quyến luyến rõ rệt, chào tạm biệt và nhắn nhủ đủ điều, thậm chí nhiều em rơi nước mắt. Tôi thường dành thời gian quan sát mọi người lúc này.

Cũng có chuyện cười ra nước mắt như trường hợp một bạn F1, sau 14 ngày âm tính, được cho về, lại dứt khoát không chịu về, với lý do: “chưa cách ly đủ 21 ngày, không về!”. Bác sĩ giải thích mãi cũng không chịu. Cuối cùng, bạn ấy nói: “Giờ ra ngoài cũng ở nhà cách ly, không đi làm được, rồi phải lo lắng đủ thứ... Em xin ở đây đủ 21 ngày, có các anh chăm sóc tốt, vậy cho khỏe!”. 
Công tác vệ sinh

Rác thải y tế nơi đây là thứ được xem là nguy hiểm nhất. Một nhóm công nhân vệ sinh chuyên môn cao phụ trách mảng này, được trang bị bảo hộ “tận răng”. Họ thu dọn từng tầng, chuyển xuống và tập kết ra bãi. Khi bãi đầy, lập tức xe đến chuyển đi ngay. Phạm vi di chuyển và giờ giấc của nhóm này rất rõ ràng, được test kiểm tra thường xuyên.
 
Lời kết: Chúng ta là một gia đình

Chúa nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10, 43). Thời gian ở KCL đã tác động rất lớn trên tôi, vì tôi được trải nghiệm những thứ mà tôi không bao giờ mong sẽ được trải nghiệm lần nữa, giúp tôi biết hoán cải sâu hơn, phục vụ xa hơn.

Chúa đã làm gương và dạy rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Những ngày làm việc nơi đây, tôi có thêm nhiều bạn bè là đồng nghiệp, là NĐCL, Bác sĩ, Y tá, các em dân quân... Họ vừa là đồng đội, vừa là anh em.

Sự quan tâm chăm sóc nhau là điều giúp chúng tôi an toàn và có tinh thần tốt. Chúng tôi để ý “nâng khăn sửa túi” nhau rất kỹ, chỉnh sửa bảo hộ cho nhau, nhắc nhở nhau từng chút trong công việc, chia sẻ với nhau về gia đình, cuộc sống bên ngoài. Và sau mỗi buổi chia sẻ, chúng tôi luôn có vài phút lắng đọng, cầu mong dịch bệnh mau qua đi, để mỗi chúng tôi và tất cả mọi người tiếp tục theo đuổi hoài bão của mình.

Thời gian ở KCL, tôi thấy việc trao đổi và động viên những NĐCL là việc khó khăn nhất. Hành trình cuộc sống của họ bị khựng lại, bị thay đổi đột ngột, con xa cha mẹ, vợ xa chồng... Nên tâm lý, trạng thái của NĐCL là điều chúng tôi ngại đối diện nhất. Họ đã mệt mỏi, tinh thần không còn tốt. Vì thế, sau khi đã hết lòng tận tâm phục vụ, mồ hôi đã nhễ nhại rồi, chúng tôi vẫn dùng những câu bông đùa, mong phần nào xoa dịu sự căng thẳng của mọi người.

Có những đêm mệt mỏi thiếp ngủ, bỗng dưng bị đánh thức vì những chuyện ‘không đâu’. Nửa đêm, bỗng có nhiều tiếng la thất thanh trên lầu, tiếng chân chạy ầm ầm. Chúng tôi vội bật dậy, chuẩn bị mọi thứ cần thiết, chạy vội lên xem. Thủ phạm khiến cho phòng có ba cô bé la toáng lên là một... con gián. Sau khi “xử lý con gián tội phạm”, chúng tôi quay về phòng, mọi người im lặng nhìn nhau, rồi không nhịn nổi, phải cười bò càng.

Có người thì cứ tối đến là hát cải lương. Chung quanh “ném đá” tơi bời, anh chàng vẫn hát. Chúng tôi cũng không biết phải làm sao, chỉ biết nhắc nhở: hát nhỏ nhỏ thôi. Anh trả lời: “Cải lương hát nhỏ, sao đủ hơi?”. Bó tay luôn! Cũng may mọi người riết rồi cũng quen, còn bảo anh chàng đó: “Sao không hát to lên cho mọi người nghe?”

Thời gian ở đây, tôi học được rất nhiều từ những người xa lạ. Nhờ sát vai nhau, tôi có thêm bạn bè; nhờ lắng nghe họ, tôi trở thành người làm nhiều nói ít; nhờ học hỏi nơi họ, tôi thấy mình hiểu biết thêm; nhờ tận tâm chăm sóc họ, tôi thấy mình luôn được Chúa chăm sóc.

Chúa là Cha nhân ái, khoan dung. Chúa sẽ mãi gìn giữ tất cả chúng con.

Fx. Hoàn Mỹ (TGPSG
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 02.9.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 02.9.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 02.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 22 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Ngày Quốc Khánh. Cầu cho Tổ Quốc.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Năm, ngày 02.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐẠI DỊCH COVID-19 DẠY CHO CHÚNG TA ĐIỀU GÌ?


ĐẠI DỊCH COVID-19 DẠY CHO CHÚNG TA ĐIỀU GÌ?

Tác giả: An Bình, C.Ss.R.

WHĐ (02.9.2021) - Khi đứng trước một vấn đề, một biến cố hay sự kiện chúng ta có thể đánh giá nó ngang qua việc quan sát từ phía trước hoặc từ phía sau, nghĩa là, hoặc nhìn từ những nguyên nhân hoặc nhìn từ những kết quả của nó. Cũng vậy, khi đối diện với sự dữ, cụ thể là đại dịch Covid-19, chúng ta có thể nhìn ở góc độ nguyên nhân hoặc kết quả. Về nguyên nhân, virus đến từ tự nhiên hay được tạo ra bởi con người vẫn là lời hỏi bị bỏ ngỏ, vì cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta có thể khẳng định rằng con người vẫn là chủ thể chịu trách nhiệm chính cho sự lây lan của virus. Dù con người không trực tiếp tạo ra virus, nghĩa là virus đến từ tự nhiên, thì con người vẫn là tác nhân đưa virus vào trong cơ thể mình, cách vô tình hay hữu ý. Bởi đơn giản con virus nhỏ bé kia không đủ khôn ngoan để xâm nhập vào sống ký sinh trong cơ thể con người, nhưng nó phải qua trung gian con người. Từ một người hoặc một nhóm người đã làm lây lan cho hằng trăm triệu người trên thế giới.

Cũng như động đất, sóng thần, bão tố, núi lửa, bệnh tật… đại dịch Covid-19 được xem là một sự dữ tự nhiên (nếu virus đến từ tự nhiên). Nghĩa là con người không phải là tác nhân gây ra sự dữ nhưng con người buộc phải lãnh lấy hậu quả. Để không bị bế tắc trong vấn đề này chúng ta tiếp cận nó theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Thế giới chúng ta đang sống chưa hoàn thiện nhưng nó đang trên đường tiến đến sự hoàn thiện [x. GLHTCG, #301-302], trên hành trình đó diễn ra quá trình chọn lọc tự nhiên. Do đó, con người, động vật và thực vật có mối quan hệ mật thiết, bình đẳng và tuân theo quy luật mạnh được yếu thua. Trong quy luật tự nhiên đó, con người được phú ban cho trí khôn vượt trội hơn mọi loài khác. Và trong cuộc đấu tranh sinh tồn, con người chiếm lợi thế, hay nói đúng hơn, con người có quyền quyết định sự sống còn của đại đa số loài khác. Con người không thể tồn tại nếu không biến các loài động-thực vật khác thành lương thực. Khi con người cố gắng bảo tồn sự sống của mình thì cũng đồng nghĩa với việc nhiều loài động-thực vật có nguy cơ bị giết chết. Ngược lại, nhiều loài động vật, thực thật khó có thể tồn tại nếu không có bàn tay của con người chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo tồn. Cũng vậy, vì bản năng sinh tồn, nên trong thế giới động vật, loài nhỏ bé và yếu ớt hơn trở thành mồi ngon cho loài to lớn và hung dữ hơn. Cá bé trở thành thức ăn nuôi sống cá lớn. Các loại hoa trái, rau cỏ và thảo mộc lại trở nên thức ăn cho động vật. Các loài cây nhỏ phải chịu thiếu ánh sáng mặt trời khi núp dưới bóng của loài cây lớn hơn. Như vậy, trong thế giới tự nhiên, con người, động vật và thực vật tác động lên nhau và hỗ tương lẫn nhau. Do đó, tất cả đều phải tuân theo quy luật tự nhiên mà mỗi loài là thành phần trong đó.

Con virus Corona dù nhỏ bé, nhưng nó cũng là một thành phần trong thế giới tự nhiên, nó cũng cần có môi trường để tồn tại. Xét về mặt sinh học, virus không phải là một động vật vì nó không có cấu trúc tế bào và không diễn ra quá trình trao đổi chất. Nhưng chắc chắn, nó giống con người và động vật khác, đơn giản vì nó là một sinh vật sống, nó sinh sản bằng cách tự nhân đôi và phát triển theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Nó là sinh vật sống ký sinh, do đó, khi con người và virus gặp nhau, con người trở nên môi trường thuận lợi để virus phát triển. Trong cuộc gặp gỡ đó, loài nào có khả năng tiêu diệt đối thủ hơn, loài đó sẽ thắng. Theo quy luật này, con người phải biết đón nhận, thích nghi và tự tìm cách diệt trừ virus theo khả năng được phú ban, hoặc tạo kháng thể tự nhiên hoặc tạo kháng thể nhờ vaccine. Mặt khác, virus không phải là loài có trí khôn nên nó không có ý định gây hại cho con người, nhưng vì bản năng sinh tồn, nó ký sinh trên cơ thể con người để duy trì sự sống. Đó là thực tế mà con người cần phải chấp nhận.

Nhìn từ kết quả hay hệ quả trước mắt, thoạt nhìn chúng ta có thể khẳng định rằng virus là “đối thủ” chứ không bao giờ là “đồng minh” của con người. Bởi vì từ khi xuất hiện đến nay (sau gần 2 năm), con virus nhỏ bé đã làm đảo lộn trật tự và làm tổn thương thế giới. Nó ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống con người. Hằng triệu người đã bị chết. Hằng trăm triệu người đã bị nhiễm bệnh, bị thất nghiệp, bị đói khát, bị mất người thân. Hằng tỉ người phải sống trong tình trạng lo lắng, sợ hãi, bất an. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty tạm thời ngưng sản xuất. Nhiều tập đoàn kinh tế đã hoặc đang đứng bên bờ vực phá sản. Biên giới giữa các quốc gia hay thậm chí trong phạm vi nội địa bị đóng cửa. Mọi giao thương bị trì trệ hoặc tạm dừng… Tất cả những nguyên nhân đó đều do con virus Corona gây ra. Câu hỏi đặt ra là có phải đại dịch Covid-19 hoàn toàn để lại những hậu quả mà không để lại bất kỳ hiệu quả nào hay sao? Câu trả lời tùy thuộc vào cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của mỗi người.

Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những hậu quả của con virus Corona để lại, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái bi quan-thực dụng. Nghĩa là chúng ta chỉ bận tâm đến những hậu quả minh nhiên mà đại dịch đã gây ra và phản ứng lại với thái độ bi quan, tuyệt vọng, than trách, đổ lỗi. Từ đó, khiến con người sống trong sự sợ hãi và bất an. Điều này cũng dễ hiểu, vì những hậu quả đó ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, gia đình và quốc gia của mỗi người. Thật vậy, những thống kê về hậu quả của trận đại dịch gây ra khiến người ta có lý do để xao xuyến, để bận tâm. Và nhân loại đang tìm mọi cách để đẩy lùi virus ra khỏi thế giới này càng sớm càng tốt nhằm đưa mọi thứ trở về trạng thái hoạt động bình thường. Sau gần 2 năm nỗ lực, các nhà khoa học đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại vaccine nhằm làm hạn chế sự lây lan dịch bệnh và số ca tử vong. Đó là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu con người cứ loay hoay đi tìm giải pháp nhằm khắc phục hậu quả mà không tìm những điểm tích cực để từ đó rút ra cho mình những bài học trong tương lai thì quả thật là đáng tiếc.

Tạm gác lại những hậu quả, bây giờ chúng ta đề cập đến những hiệu quả hay tính tích cực mà đại dịch mang lại cho thế giới. Ngay cả khi đại dịch chỉ để lại hậu quả, chúng ta cũng phải suy nghĩ tích cực về những hậu quả đó để tiếp tục sống. “Chúng ta không được xóa bỏ bất kỳ ngày sống nào của đời mình. Bởi vì, những ngày tươi đẹp nhất tặng chúng ta hạnh phúc, những ngày đen tối nhất cho chúng ta kinh nghiệm và những ngày tồi tệ nhất dạy chúng ta sống” (Khuyết danh). Vì vậy, chúng ta hãy để đại dịch Covid-19 dạy cho chúng ta những bài học cho hiện tại và tương lai.

1. Về vấn đề môi trường, khi mà mẹ thiên nhiên đang “gào thét” vì sự tàn phá vô trách nhiệm của con người thì đại dịch xuất hiện. Nếu như con người không thể “nghe thấu tiếng kêu gào của thiên nhiên”, không thể cùng nhau ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, sự tan chảy của băng ở hai cực và sự ô nhiễm môi trường do khói bụi và rác thải… thì virus làm được. Nhờ các nhà máy, các công ty, các cơ sở sản xuất, các phương tiện giao thông tạm ngưng mà “trái đất bắt đầu thở trở lại”. Có thể nói, chính nhờ con người “nghỉ” mà mẹ thiên nhiên được phục hồi. Hãy quan tâm đến mẹ thiên nhiên – ngôi nhà chung của chúng ta nhiều hơn!

2. Nhiều năm trước khi đại dịch bùng phát, con người dường như bất lực trong việc giải quyết những xung đột biên giới, hận thù và chia rẽ giữa các quốc gia, vùng miền và sắc tộc, nhưng nay virus đã làm được. Thật thế, từ khi con virus Corona xuất hiện, nhân loại không còn chứng kiến tình trạng bạo loạn, khủng bố và xung đột biên giới trên thế giới, đặc biệt tại các nước Trung Đông, cách thường xuyên như trước đây nữa. Để có hòa bình và hòa giải người ta phải biết đặt nền tảng trên sự tôn trọng nhân phẩm của người khác cũng như của chính mình!

3. Đại dịch cũng dạy cho nhân loại biết rằng, việc trang bị vũ khí tối tân hiện đại hay xây dựng những tập đoàn kinh tế khổng lồ không đảm bảo được sự sống. Thay vào đó hãy trang bị và xây dựng thế giới dựa trên tình yêu và lòng bác ác. Chỉ với “vũ khí tình yêu” mới có khả năng giải quyết những cuộc xung đột và sự chết chóc!

4. Vấn nạn tai nạn và tắc nghẽn giao thông ở các nước đông dân số, đặc biệt tại Việt Nam, chưa thể giải quyết cách rốt ráo, thì nay virus làm được. Nhờ việc hạn chế đi lại mà số lượng ca tử vong do tai nạn giao thông không còn được thường xuyên cập nhật trên các phương tiện truyền thông nữa. Hãy học cách tôn trọng sự sống của chính mình và người khác!

5. Tình trạng thiếu hụt vật tư y tế, trang thiết bị và bệnh viện để cứu sống người trong hoàn cảnh hiện tại phải dạy cho chúng ta rằng thay vì xây dựng tượng đài, cổng chào, khu vui chơi giải trí… chúng ta cần phải xây dựng nhà thương và đầu tư trang thiết bị y tế để phục vụ con người. Hãy biết nhận ra cái gì cần thiết, cái gì chính, cái gì phụ!

6. Nhiều bệnh nhân ở trong tình trạng nguy tử vì thiếu bình oxy. Trong khi đó, chúng ta là những người khỏe mạnh đang được xài oxy cách miễn phí và dư thừa. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta phải tỏ lòng biết ơn và cùng nhau gìn giữ môi trường để mọi người được hít thở một bầu không khí trong lành. Mỗi hơi thở hãy ý thức và thầm tạ ơn rằng mình đang được nuôi dưỡng bằng oxy miễn phí!

7. Sự thiếu hụt thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết cũng dạy cho chúng ta bài học về sự tiết kiệm khi no đủ. Đi xa hơi, nó mời gọi chúng ta sống tình liên đới và chia sẻ khó khăn với nhau. Những người đang có của ăn hãy nghĩ về những người đang đói khát ở những khu cách ly để đồng cảm và sẻ chia với họ. Hãy loại bỏ thái độ vô cảm, thờ ơ, thay vào đó hãy sống quan tâm và nghĩ đến người khác nhiều hơn!

8. Sự ra đi của những người bị nhiễm virus không vô nghĩa, nhưng nó dạy cho những người còn sống rằng: con người thật quá yếu ớt và dễ bị tổn thương. Sự ra đi của họ cũng dạy chúng ta rằng sức khỏe là thứ quý hơn vàng, hơn bạc, hơn nhà lâu, hơn xe hơi... Do đó, đừng lãng phí sức khỏe vào những cuộc vui chơi vô bổ, nhưng hãy biết chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người khác. Bao lâu còn được sống hãy biết quan tâm đến sức khỏe và quý trọng sự sống!

9. Sự ra đi trong cô đơn, lặng lẽ không có người thân bên cạnh, không áo quan, không cờ, không trống, không vòng hoa kính viếng của những người trong các bệnh viện dã chiến, trong các khu cách ly phải dạy cho người đang sống bài học về mối tương quan giữa người với người. Bao lâu còn sống, hãy đến với nhau, hãy dành thời gian cho nhau, hãy quý trọng những giây phút ở bên nhau. Hãy yêu thương, quan tâm và chia sẻ với nhau khi còn có thể!

10. Virus không phân biệt giàu hay nghèo, già hay trẻ, thành thị hay nông thôn, cán bộ hay dân thường… điều đó cũng đồng nghĩa rằng sự chết không từ chối bất kỳ ai và nó xảy đến cách bất ngờ. Vì vậy, sống là phải luôn sẵn sàng cho ngày chết, chứ đừng bao giờ sống như mình chẳng bao giờ chết. Đồng thời, sự chết cũng chỉ ra rằng khi chết chúng ta chẳng mang theo được gì thuộc về thế giới này. Tất cả tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, địa vị, sự thành công và của cải vật chất mà chúng ta nghĩ là mình đã có được trong thế giới này, chúng sẽ ở lại trong thế giới này. Những gì chúng ta có thể mang theo khi ra khỏi thế giới này là tình yêu và việc lành phúc đức. Hãy sống như thể ngày mai bạn không còn được sống!

11. Đại dịch đã đột ngột thức tỉnh cá nhân và tập thể đang chạy theo sự ảo tưởng toàn năng và sức mạnh. Con người lầm tưởng về khả năng làm chủ thế giới của mình. Họ tìm cách thể hiện sức mạnh bằng việc chạy đua vũ trang và khoa học kỹ thuật. Nhưng virus khẳng định và nhắc nhở rằng con người không phải là chủ nhân nhưng chỉ là thành phần của thế giới này mà thôi. Hãy biết khiêm tốn để nhận ra sự giới hạn của bản thân!

12. Đại dịch gây ra tình trạng giãn cách xã hội, nếu chúng ta biết tận dụng khoảng thời gian này để hâm nóng lại mối tương quan gia đình, thì việc giãn cách không phải là vô ích. Hãy làm một cuộc thay đổi! Hãy biến mối tương quan xã hội không cần thiết với bạn bè, đồng nghiệp được xây dựng nơi công sở, hay những cuộc hội họp ở nhà hàng, quán nhậu thành mối tương quan quan trọng hơn, là mối tương quan gia đình. Nơi đó, chúng ta xây dựng tình thương ngang qua việc quy tụ bên nhau nơi bàn cơm, phòng chung hoặc nơi phòng cầu nguyện. Chắc chắn rằng hoa trái tình yêu sẽ được trổ sinh trong sự gặp gỡ và phục vụ lẫn nhau. Gia đình là nơi để sống, là tổ ấm yêu thương chứ không phải nơi để ở!

13. Cũng nhờ giãn cách xã hội mà con người biết tự chăm sóc cho bản thân, cả về nhan sắc lẫn sức khỏe. Thật vậy, trước đây chỉ cần có tiền là người ta có thể ăn ngon, mặc đẹp, biết thưởng thức cuộc sống nhờ người khác mang lại. Nhưng nay, vì hàng quán đóng cửa, các khu vui chơi giải trí, các spa làm đẹp cũng ngưng hoạt động nên nhiều bà mẹ, ông bố phải tự mình vào bếp, tự chăm sóc lấy bản thân và gia đình, tự tạo môi trường để giải trí. Từ đó, vực dậy bản năng sinh tồn nơi mỗi người. Hãy tự bước đi trên đôi chân của mình, đừng quá phụ thuộc vào người khác!

14. Con người đang sống vội, sống ảo nhưng nay nhờ giãn cách xã hội mà họ sống chậm lại, sống thật với chính mình. Qua đó, giúp họ biết suy nghĩ và nhận ra đâu là giá trị và ý nghĩa đích thực của đời người, cái gì là hư ảo, là thiếu thực tế. Hãy sống thật với chính mình!

Như vậy, đứng trước biến cố đại dịch Covid-19. Nếu chúng ta chỉ loay hoay đi tìm kiếm nguyên nhân, hay chỉ nhìn vào những hậu quả trước mắt thì chúng ta sẽ bế tắc, tuyệt vọng, bất an. Nhưng nếu chúng ta biết đón nhận và nhìn biến cố đó theo chiều hướng tích cực, chúng ta sẽ tìm được ánh sáng ở cuối đường hầm. Theo cách này, chúng ta sẽ nhận ra rằng đại dịch Covid-19 không phải là một thảm họa nhưng nó có tính chất thức tỉnh và lời cảnh báo cho thế giới. Bởi lẽ, nhân loại đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ các mối tương quan: tương quan với Thượng Đế, tương quan với tha nhân, tương quan với vũ trụ vạn vật và tương quan với chính mình. Đại dịch như một lời cảnh báo và lời mời gọi con người thay đổi cả cách suy nghĩ và hành động. Quả vậy, ngoài việc chứng kiến những hậu quả của con virus Corona, nhân loại đã và đang chứng kiến nhiều loại “virus” nghiêm trọng khác ở cấp độ và quy mô nhỏ hơn, nhưng tất cả đều đe dọa đến sự sống còn của con người và nền hòa bình của thế giới. Các loại virus đó là: chiến tranh, tích trữ vũ khí, bạo lực, khủng bố, phân biệt chủng tộc, tranh giành quyền lực chính trị, hận thù, chia rẽ và đặc biệt là vấn nạn tàn phá môi trường. Chúng như những khối ung nhọt, hay những con virus đang ngày đêm gặm nhấm thế giới. Điều đáng nói ở đây, chúng không đến từ tự nhiên, nhưng đến từ chính con người. Do đó, chúng ta cũng cần phải chú ý và ý thức đầy trách nhiệm về những vấn đề này. Nếu không thức tỉnh, nếu không cùng nhau giải quyết vấn đề thì sớm hay muộn, con người sẽ nhận hậu quả do chính mình gây ra. Vượt lên trên mọi cảnh báo, đại dịch Covid-19 là lời cảnh báo đanh thép và cụ thể nhất cho nhân loại. Nếu chúng ta không cùng nhau xây dựng hòa bình dựa trên sự tôn trọng phẩm giá của con người, nếu chúng ta không sử dụng những gì “mẹ thiên nhiên” ban tặng trong tinh thần trách nhiệm, nếu chúng ta không cùng nhau bảo vệ thiên nhiên – ngôi nhà chung của chúng ta, thì một ngày nào đó nhân loại sẽ lãnh nhận những hậu quả tàn khốc tương tự như đại dịch Covid-19. Những hậu quả đó có thể đến từ sự “trừng phạt” của mẹ thiên nhiên, nhưng cũng có thể đến từ sự trừng phạt lẫn nhau giữa con người với con người.
 
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 01.9.2021

/>

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 22 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Ngày Quốc Khánh. Cầu cho Tổ Quốc.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Năm, ngày 02.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

THIỆN NGUYỆN VIÊN: TÂM TÌNH VỚI BẠN TRẺ


THIỆN NGUYỆN VIÊN: TÂM TÌNH VỚI BẠN TRẺ

TGPSG -- Tuổi trẻ là một giai đoạn trong cuộc đời; nhưng trước hết tuổi trẻ là một tình trạng của tâm hồn…

Bạn thân mến! Có lẽ trong hai năm qua, từ ngữ được tìm kiếm nhiều nhất trên google là Covid - nỗi ảm ánh của người trẻ như bạn, nhất là những người thích đi đây đi đó, thích tham gia vào các hoạt động hội đoàn.

Thời gian này, có thể bạn đang ở nhà với cha mẹ và người thân, cũng có thể bạn đang mắc kẹt tại phòng trọ. Có thể bạn đang cảm thấy khó chịu vì không được đến trường, không được đi đây đi đó, không được đến nơi làm việc. Có những bạn háo hức để được làm tân sinh viên sau bao nỗ lực và đợi chờ, có bạn đang hồi hộp để được vào lớp 10 với cảm giác mình lớn hơn, trưởng thành hơn. Cũng có bạn đã chuẩn bị ra trường sau quãng đường đại học với những tấm hình lưu niệm trong bộ đồ cử nhân… Nhưng mọi kế hoạch như thành bong bóng vì Covid, vì giãn cách.

Tôi hiểu và thông cảm cho những cảm xúc rất thật, khó diễn tả và cũng có cơ sở của các bạn vì tôi cũng vừa tốt nghiệp thần học và đang háo hức để được làm lễ ra trường.

Hôm nay trong không gian của màn đêm bệnh viện, tôi muốn tâm sự với các bạn, những người em, người bạn rất thân thương.

Xung quanh tôi lúc này có nhiều thiện nguyên là những sinh viên, những thực tập viên... Các bạn ấy đến từ nhiều trường đại học khác nhau, nhiều vùng miền khác nhau và cũng với nhiều tôn giáo khác nhau. Nhưng họ đều có chung một điểm, đó là mong muốn đóng góp một chút sức lực nhỏ bé của mình, để cộng tác với các bác sĩ và nhân viên tế, cũng như với toàn thể xã hội, mà xoa dịu và giúp đỡ những bệnh nhân đang điều trị Covid.

Giờ đây, có thể bạn đang cảm thấy khó ngủ, dù đang ở trong gia đình - nơi quen thuộc nhất và được yêu thương nhiều nhất, hay ít là ở trong phòng trọ - nơi có thể an toàn hơn trong thời kì dịch bệnh như thế này.

Còn các bạn thiện nguyện ở đây đang ngồi nơi những hành lang. Có bạn may mắn hơn thì tìm được một cái phòng trống trải, có sẵn một tấm carton để ngả lưng chút đỉnh trước khi vào ca trực. Có bạn tìm được chiếc ghế bệnh viện để chợp mắt một chút, như thế là hạnh phúc lắm rồi.

Các bạn ở nhà cũng tâm sự với tôi: nhớ trường nhớ lớp quá đỗi, nhớ những ngày vui với bè bạn và ở trong nhà mãi một chỗ chán quá, không được đi đây đi đó. Tôi biết và rất hiểu nỗi chán chường của các bạn. Nhưng ít nhất các bạn vẫn còn một không gian quen thuộc để đi lại, được ăn những bữa cơm do mẹ hay chính bạn lựa chọn và nấu.

Còn các bạn ở đây, cứ bắt đầu ca trực thì lên xe di chuyển từ chỗ ở đến bệnh viện. Các bạn ấy ăn cơm không đúng giờ, có khi ăn cơm trưa lúc 3g chiều, ăn tối vào 10g đêm. Ăn cơm cũng phải có vách ngăn để tránh lây nhiễm, vào ca làm việc thì mặc đồ bảo hộ kín mít. Phục vụ xong thì lại ngồi vất vưởng nơi đâu đó để chờ tới giờ lên xe về lại chỗ nghỉ.

Điều tôi cảm thấy rất cảm phục các bạn trẻ nơi đây là, sau ca làm việc, dù công việc khá nhiều, nhưng ra khỏi phòng, sau khi thay quần áo, mọi người lại cười cười, nói nói, rất vui vẻ…

Trong êkíp làm việc của tôi, có một bạn sinh viên đại học Hoa Sen, người Tiền Giang, đã tham gia công việc này ngay từ khi Sài Gòn mới bắt đầu mời gọi tham gia thiện nguyện viên. Bạn còn khuyến khích tôi đừng sợ, bạn bảo: “Không sao đâu chú ạ!” Bạn nói là rất vui vì được cộng tác một chút với xã hội và mọi người.

Khi bắt chuyện với các bạn sinh viên, hay các điều dưỡng viên trẻ tuổi, tôi thấy thật đúng lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tuổi trẻ là một giai đoạn trong cuộc đời; nhưng trước hết tuổi trẻ là một tình trạng của tâm hồn”[1].

Tôi cũng biết nhiều người trẻ Công giáo trong các giáo xứ hay các khu phố đang cộng tác vào chuyến thiện nguyện này, hay những việc thiện nguyện khác như đi hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hỗ trợ cấp phát thuốc...

Có nhiều bạn trẻ cũng tâm sự: mong được vào chăm sóc những bệnh nhân nơi các bệnh viện. Nghe những tâm sự như thế, tôi thấy tâm hồn các bạn đẹp quá!

Các bạn ạ! Ước mơ luôn đẹp, nhưng sống giây phút hiện tại với hoàn cảnh hiện tại lại càng đẹp hơn và đòi hỏi sự can đảm của các bạn nhiều hơn. Vùng đất nào cũng cho các bạn cơ hội để yêu thương, cho các bạn gieo trồng hạt giống. Sự vĩ đại không ở việc các bạn làm nhưng ở tình yêu và tâm huyết các bạn đặt vào trong đó, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, nơi những con người các bạn gặp gỡ và ở cạnh bên. Một Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng chỉ sống trong ước mơ với những việc rất nhỏ nhặt hằng ngày trong bốn bức tường tu viện đã trở thành một Tiến Sĩ Hội Thánh. Như tâm niệm của Mẹ Têrêxa Calcuta “Trong cuộc đời này, chúng ta không thể làm những điều vĩ đại. Chúng ta chỉ có thể làm những điều bé nhỏ với tình yêu vĩ đại mà thôi”[2]. Hơn thế nữa, khi đặt tình yêu vào công việc, “chúng ta sẽ yêu quý những gì được tạo ra từ công việc ấy. Ta sẽ cảm thấy sảng khoái, tràn đầy năng lượng thay vì cảm giác buồn chán, tẻ nhạt, mệt mỏi thường gặp”[3].

Chắc chắn những thiện nguyện viên ở đây, cũng như tôi, có lúc mệt mỏi, có lúc ước mong có được bữa cơm với gia đình, với cộng đoàn hay ít là với những người bạn trong một không gian thoải mái là nhà của mình. Những lúc đó, tôi lại nhớ đến lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chúng ta có thể thôi phàn nàn và hướng về phía trước cùng với Đức Kitô”[4].

Một bạn sinh viên còn nói với tôi rằng, lúc đầu đi thế này cũng sợ, cũng lo lắng. Nhưng khi vào phía trong rồi, mới cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang có - ít là mình còn mạnh khỏe, còn đi lại được và còn được hít thở không khí của bầu trời. Bạn nói với tôi rằng, bạn nhớ đến lời của nhà văn Helen: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi thấy một người không có chân để đi giày!”

Kể những câu chuyện này với bạn, tôi mong chính trong thời gian giãn cách, bạn sẽ chọn lựa một năng lượng sống tích cực và lan tỏa đến với tất cả mọi người.

Một bạn trẻ trong đoàn của tôi, vừa đi phục vụ thiện nguyện, vừa tranh thủ tìm hiểu thêm về Đông y. Bạn cho biết là, muốn tìm hiểu thêm để có thể hữu ích hơn trong việc giúp đỡ bệnh nhân.

Tôi cũng biết nhiều bạn tân sinh viên đã đăng kí những khóa học Tiếng Anh online để chuẩn bị cho hành trang sắp tới. Có những bạn bắt đầu vào lớp 10 tham gia viết bài gửi cho Alpha Book để nói lên nỗi lòng mình, trồng thêm những dãy hoa trước nhà, tập làm những món ăn cho gia đình.

Có bạn thì tìm cách để giúp gia đình, làng xóm, nhất là những người già biết cách tăng đề kháng cho cơ thể, phụ giúp những việc có thể cho những người xung quanh.

Có bạn lại tìm cách đọc thêm nhiều quyển sách để có thể chia sẻ với các bạn thiếu nhi trong giáo xứ. Bạn kể cho tôi như đang reo vui trong ánh mắt khi đọc được những dòng này: “Thay vì than thở vì bóng tối, hãy tự nhen lên ánh sáng và tiến bước. Đừng bao giờ phó mặc hạnh phúc của mình cho kẻ khác mà hãy tự mình hành động một cách tích cực”[5].

Câu trích dẫn của bạn trẻ này làm tôi quay về với bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu cũng đang mời gọi bạn và tôi “Hãy đứng dậy và cùng Thầy tiếp tục ra khơi thả lưới”. Dù có thể bạn đã giặt lưới sau khi đi về nơi an toàn là gia đình. Có thể bạn bàng quan với mọi người xung quanh vì sợ hãi và lo lắng cho bản thân vì Corona. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi bạn:

“Các bạn hỡi, đừng đợi đến ngày mai mới đóng góp năng lực, sự gan dạ và sự sáng tạo của các con cho việc biến đổi thế giới này. Tuổi trẻ của các con không phải là một ‘thời gian chuyển tiếp’. Các con là hiện tại của Thiên Chúa, Ngài muốn các con trổ sinh hoa trái. Vì chính khi ‘cho đi là lãnh nhận’ và cách hay nhất để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp là sống tốt hiện tại với tinh thần dâng hiến và quảng đại”[6].

Hãy đứng dậy và bước đi bạn nhé. Không phải là bước đi về mặt địa lý, nhưng là ra khỏi chính ốc đảo của mình, ra khỏi những sự sợ hãi, co cụm, ra khỏi sự ươn lười. Bước đi và sống trọn niềm vui đích thực của yêu thương.

Cách sử dụng thời gian của bạn trong hiện tại chính là cách bạn sử dụng cuộc đời mình. Khi nhận ra bạn có thể lấp đầy khoảng thời gian chờ đợi bằng trái tim mình, cái hiện tại mà bạn đang sống sẽ có sự sung túc đầy đủ mà từ trước tới nay chưa từng có.

Chính trong lúc giãn cách, các bạn thử cảm nghiệm bằng con tim, sống những khoảnh khắc bên gia đình, với tình làng nghĩa xóm, cảm thấu tình mẹ cha, tình anh chị em cũng như với những cụ ông cụ bà, mà ngay lúc này những thiện nguyên viên đang ao ước.

Và lúc lắng nghe cũng như chiêm nghiệm cuộc sống bằng con tim trong sự chậm rãi, các bạn sẽ khám phá ra những nét đẹp rất bình dị mà bấy lâu có thể vì quá vội vàng các bạn chưa bao giờ nhận ra:

"Có một vẻ đẹp kỳ diệu của một gia đình nhỏ hoà hợp quây quần bên mâm cơm gia đình dù rất đạm bạc nhưng biết chia sẻ quảng đại cho nhau.

Có vẻ đẹp nơi một người vợ, dẫu hơi nhếch nhác và hình hài đã in dấu thời gian, nhưng vẫn tận tụy chăm sóc người chồng ốm đau, mặc cho đã tuổi cao sức yếu.

Dẫu mùa Xuân của thời “lưu luyến ấy” đã qua đi, vẫn có một vẻ đẹp của các cặp đôi trung thành yêu thương nhau đi qua mùa thu của cuộc đời và vẻ đẹp của các cụ ông cụ bà vẫn nắm tay sánh bước bên nhau đến cuối cuộc đời.

Có một vẻ đẹp, vượt trên cái đẹp ngoại hình và thời trang, nơi những người nam và người nữ theo đuổi ơn gọi của mình với tình yêu, để phục vụ quên mình vì cộng đồng và đất nước, nơi những người làm việc quảng đại để xây dựng một gia đình hạnh phúc, nỗ lực làm việc chăm chỉ trong âm thầm vô vị lợi để tái thiết một xã hội hoà hợp tiến bộ.

Khám phá, bộc lộ và biểu dương những vẻ đẹp này, vốn là những phản chiếu sống động vẻ đẹp của Đức Kitô trên thập giá, là ta đã đặt nền tảng cho sự liên đới xã hội đích thật và cho nền văn hoá gặp gỡ”[7].

Khám phá ra vẻ đẹp nơi cuộc sống đời thường, ban sẽ thấy hạnh phúc hơn, bạn sẽ không quá căng thắng với sự giãn cách, tự giam hãm mình trong bốn bức tường của căn phòng trống trải vì bạn biết có một Đấng luôn yêu bạn, Ngài trẻ trung và cái gì Ngài chạm vào sẽ trở nên tươi mới. Bạn sẽ tìm được hạnh phúc và niềm vui nơi Ngài.

Hạnh phúc, niềm vui đích thực của bạn là ở tâm hồn, đó là niềm vui không gì cướp mất của các bạn được. Niềm vui đó có được khi các bạn biết sống kinh nghiệm trong tương quan tình bạn với Đức Kitô, Người luôn nói với các bạn “Tôi yêu bạn” và thực sự là thế. Trong Đức Kitô, bạn sẽ sống đích thực, một sức sống đầy năng lượng và sáng tạo.

Không gian mạng cho các bạn thỏa sức sáng tạo, để các bạn có thể tạo ra những kênh hữu ích cho mọi người như làm sao để sống khỏe hơn, truyền năng lượng tích cực đến cho mọi người, giúp những người cao tuổi hiểu thêm về covid và cách ngăn ngừa.

Trau dồi kĩ năng và kiến thức, cũng như mở ra những trang web giúp việc học cho các bạn trẻ khác, thay vì đi tìm những thông tin hot mà không ăn nhập với cuộc đời của bạn, tương lai của bạn.

Có khi các bạn lạc lõng chính trong ngôi nhà của các bạn vì các bạn quá quan tâm đến những người chẳng mấy liên quan với cuộc đời các bạn như các ngôi sao bóng đá, các người hoạt động showbiz nhưng lại quên đi cha mẹ và gia đình, ông bà, làng xóm, những người là quá khứ, hiện tại và cũng là tương lai của cuộc đời bạn.

Hơn thế nữa, bạn là người có đức tin, là người luôn mang trong mình sứ mạng rao giảng niềm hi vọng Kitô giáo cho toàn thế giới. Năm học mới này có lẽ sẽ là một màu xám với người không có đức tin, nhưng đó là cơ hội cho bạn và tôi làm sáng lên chứng nhân của niềm vui Tin Mừng, “chính những chứng tá của các bạn sẽ có thể chạm đến trái tim của những người thân cận và mọi người”.

Đây cũng là dịp cho các bạn đi vào một tương quan tốt đẹp và đích thực hơn với Thiên Chúa. Các bạn trưởng thành hơn trong đời sống đức tin. Các bạn có môi trường để lan tỏa đức tin đến mọi người, xây dựng những kênh thông truyền sứ điệp Lời Chúa và trên hết các bạn trở thành con người cầu nguyện chứ không phải là người của trào lưu, của lễ nghi và đám đông như Mẹ Têrêsa gợi nhắc: “Con đừng chỉ là người xướng lên những lời cầu nguyện. Hãy thực sự trở thành người nguyện cầu những điều tốt đẹp”.

Hoàn Phạm - Hội Thừa Sai (TGPSG)

[1] Tông huấn 'Đức Kitô đang sống', # 34.

[2] Trích lại trong quyển ‘Đời bạn không sống, ai sống dùm bạn’.

[3] 'The Carpenter – Người Thợ Mộc Lạ Lùng: Sức Mạnh Của Sự Thông Thái'.

[4] Tông huấn 'Đức Kitô đang sống', # 11.

[5] Đời bạn, bạn không sống thì ai sống dùm.

[6] Tông huấn ‘Đức Kitô đang sống’ # 178.

[7] Tông huấn ‘Đức Kitô đang sống', # 183.

(WGPSG)

THIỆN NGUYỆN VIÊN: LÒNG CON VẪN Ở NƠI ẤY…


THIỆN NGUYỆN VIÊN: LÒNG CON VẪN Ở NƠI ẤY…

TGPSG -- Hồi tưởng lại những khoảnh khắc họ tâm sự với thiện nguyện viên chúng tôi, nhớ làm sao những ánh mắt đang cần sự san sẻ. Nhớ những cái nắm tay ấm áp đong đầy tình thương và sức mạnh...

Một tháng dấn thân phục vụ tại bệnh viện Covid đã để lại trong các anh chị em thiện nguyện viên (TNV) chúng tôi nhiều kí ức hòa lẫn với những lưu luyến. Nhiều anh chị em đã xin ở lại thêm tháng thứ hai và có thể thêm nhiều ngày hơn nữa. Có người còn nói: khi nào hết dịch thì mới trở về…

Còn chúng tôi, bận việc này việc nọ nên chân bước về mà lòng còn ở lại. Công việc nơi bệnh viện, chúng tôi đành để lại cho anh chị em TNV mới đến. Trước khi trở lại cộng đoàn của mình, chúng tôi ở nơi cách ly từ 7 đến 14 ngày.

Một số nam tu sĩ TNV chúng tôi cách ly tại Đan viện Biển Đức Thiên Phước. Thời gian cách ly là thời gian chúng tôi được nghỉ dưỡng bên Chúa sau chuyến hành trình vất vả dấn thân phục vụ, như xưa Chúa mời gọi các Tông đồ vào nơi hoang vắng để tìm sự nghỉ ngơi sau sứ vụ mệt mỏi: “Các Tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: 'Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút' (Mt 6,30-31)".

Ở bên Chúa cách đặc biệt nơi cách ly này, chúng tôi thực sự được hưởng những giây phút êm đềm, tận hưởng nguồn hạnh phúc như lời bài hát “Về Bên Chúa” của nhạc sĩ Trầm Hương: “Tìm đâu giây phút dịu êm hơn bên Chúa đây. Lặng nghe khúc hát tình yêu ngây ngất say. Về đây bên Chúa tình yêu, con lắng nghe, Chúa nói đi, giây phút này! Hồn con vươn tới trời quê hương, ôi sướng vui hạnh phúc Thiên đường…”

Nơi đây quả thật là nơi nghỉ dưỡng và tĩnh tâm lý tưởng để tôi có thể tìm về nội tâm của chính mình, lắng đọng để nhìn lại chặng đường mình đã đi và phó thác tương lai vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

Cơn dịch bệnh lịch sử chắc chắn đã để lại trong mỗi người TNV chúng tôi nhiều ưu tư và thao thức. Những nỗi nhớ, niềm thương dành cho tuyến đầu còn vấn vương mãi. Đúng như thế, từ nơi cách ly của các nữ tu sĩ, Sơ Têrêsa Thủy Tiên đã nhắn gửi lời chia sẻ rằng:

“Nhớ nhất là các bệnh nhân, không biết trong thời khắc này, họ đang như thế nào nhỉ? Hồi tưởng lại những khoảnh khắc họ tâm sự với chúng tôi, nhớ làm sao những ánh mắt đang cần sự san sẻ. Nhớ những cái nắm tay ấm áp đong đầy tình thương và sức mạnh. Lòng tôi xao xuyến khi nghĩ về họ, bỗng bồn chồn lo lắng, không biết họ ra sao rồi? Quả thật, tôi không thể làm được gì hơn cho họ, ngoài những lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa tại nơi cách ly này. Mong rằng cơn đại dịch mau qua đi và sớm trả lại sự bình yên cho con người.”

Còn riêng tôi, tôi nhớ như in ngày đầu tiên lên đường đi đến tuyến đầu mà trong lòng mang một niềm phó thác như Abraham, tưởng tượng đủ điều rằng mình có thể sẽ bị nhiễm virus… Rồi tất cả đều đã qua. Tôi đã thực sự được Chúa gìn giữ.

Giờ đây, ngồi bên Chúa, tôi nhớ về bộ đồ bảo hộ khó thở với nhiều kỉ niệm. Nhớ phòng bệnh có các anh chị bác sĩ điều dưỡng bận rộn chăm sóc bệnh nhân. Nhớ những lúc lau dọn hay thay ga giường, thay tã cho bệnh nhân. Và có những lúc rảo quanh qua các khoa khác để thăm bệnh nhân. Nhớ lắm những ca trực đêm, thức khuya dậy sớm, mắt mở không nổi nhưng vẫn cố gắng, vừa làm vừa ngáp… Tất cả đã tạm dừng và chuyển trao lại cho những anh chị em khác. Tôi không mong gì sẽ trở lại nơi đó lần nữa, nhưng mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn.

Tôi thầm nghĩ, mình sung sướng an tĩnh ở chốn này, có thời gian nghỉ dưỡng bồi bổ thể xác lẫn đời sống thiêng liêng, còn những anh chị em TNV của mình đang vất vả, đang gặp khó khăn hơn, mà thấy trong lòng một nỗi niềm nào đó, bâng khuâng phủ kín… Tôi muốn nói với họ thật nhiều điều: “Mình về không phải vì sợ, nhưng vì sứ vụ Hội dòng đã trao… Mình vẫn nhớ đến các bạn trong những lời cầu nguyện hằng ngày, ngay tại lúc này và ở nơi đây.”

Con xin tri ân Chúa đã gìn giữ và giúp sức cho chúng con hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Hy vọng những gì chúng con cảm nhận được sẽ là bài học quý giá, giúp chúng con lớn hơn trên con đường phụng sự Chúa.

Xin Chúa gìn giữ những người bạn TNV của chúng con, các y bác sĩ và tất cả mọi người không ai bị nhiễm bệnh. Con tha thiết khẩn nài lòng thương xót của Chúa, xin Ngài ra tay ngăn chặn dịch bệnh. Con tin bàn tay Chúa đã dựng nên tạo vật này thì chính bàn tay đó sẽ ra tay cứu chúng con khỏi cơn nguy khốn này. Amen.

Antôn Chung Chí Tâm, La San (TGPSG)
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 22 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 01.9.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 01.9.2021

 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 22 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Tư, ngày 01.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon