Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: 19 TÌNH NGUYỆN VIÊN CÔNG GIÁO VÀ PHẬT GIÁO THAM GIA PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỢT 7


19 TÌNH NGUYỆN VIÊN CÔNG GIÁO VÀ PHẬT GIÁO
THAM GIA PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỢT 7

TGPSG --“Phật pháp và giáo lý Giáo hội Công giáo có chung một điều rất quen thuộc, đó là tình thương”

Lm Giuse Đào Nguyên Vũ chia sẻ như thế trong buổi lễ 'ra quân' đợt 7 của các tình nguyện viên (TNV) tôn giáo tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Buổi lễ do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM phối hợp tổ chức vào lúc 10g ngày 22-9-2021 tại Hội trường Ủy Ban Nhân dân Quận 10.

Đợt 'ra quân' này có 19 TNV được phân công:
  • phục vụ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định ở Q. Bình Thạnh: 1 linh mục và 3 tu sĩ dòng La San;
  • phục vụ tại Bệnh viện Trưng Vương ở Q.10: 8 nữ tu của các Hội dòng / Tu hội (Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Foyer Bình Triệu, Đa Minh Pompei, Mến Thánh Giá Tân Lập), cùng với 7 tu sĩ và tín đồ Phật giáo.
Mở đầu lễ ‘ra quân’, Bà Phan Thị Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - chia sẻ với các TNV những công việc mà các TNV đã phục vụ trong 6 đợt ra quân vừa qua:

“Không phân biệt là tôn giáo nào khi phục vụ bệnh nhân covid, chúng ta sẽ cùng nhau giúp vệ sinh cho bệnh nhân, chăm sóc cho bệnh nhân trở nặng, thực hiện công tác an táng cho các bệnh nhân tử vong. Đó là những việc rất ý nghĩa”.

Trải qua 7 đợt với 587 TNV, Bà Phó chủ tịch ước mong các TNV luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình với mục tiêu: giảm tỷ lệ tử vong, tăng tỷ lệ xuất viện, tạo niềm tin cho người nhà của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Tiếp theo, các vị đại diện cho TNV Phật giáo và Công Giáo bày tỏ tâm tư tình cảm. 

Đại diện Phật giáo, Đại đức Thích Nguyên An của Chùa Phổ Minh phát biểu:

“Được sự chỉ dạy của Hòa Thượng Pháp Chủ, cũng như lời kêu gọi của MTTQ, để theo tinh thần Bồ Tát - sống hết mình vì người, thậm chí quên bản thân, ngày hôm nay, các TNV - bao gồm chư tôn đức tăng, chư tôn đức ni - mang tới chương trình tình nguyện này tâm tư tha thiết vô cùng dũng mãnh. Chúng con nguyện hết lòng hết sức. Cho đến khi nào bệnh viện không còn những bệnh nhân do dịch bệnh Covid, chúng con mới hoàn thành tâm nguyện.”

Đại diện Công giáo, Lm Martino Trịnh Quang Khải của Giáo xứ Chợ Quán phát biểu:

“Chúa Giêsu đã dạy chúng tôi rằng ‘nhờ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, đó là anh em hãy yêu thương nhau’. Nhiều tháng qua, theo dõi trên các phương tiện truyền thông, tôi được biết: có nhiều bệnh nhân không được người thân chăm sóc; cơ sở y tế còn thiếu thốn cùng với sự cực khổ và quá tải của các bác sĩ và điều dưỡng. Chúng tôi muốn đóng góp một chút sức lực, đồng thời cũng theo lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục, chúng tôi sẽ ‘làm phép chia, chính Thiên Chúa sẽ làm phép nhân’. Chúng tôi chỉ đóng góp một chút nhỏ bé của chúng tôi như những hạt muối giữa biển rộng. Chúng tôi tin chắc Thiên Chúa sẽ thực hiện tình thương lớn lao để dịch Covid được khống chế.”

Sau đó là những chia sẻ tâm tình của đại diện lãnh đạo tổ chức tôn giáo đưa TNV tham gia phục vụ tại các bệnh viện điều trị Covid-19.

Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - Đại diện tòa Giám mục TGP Sài Gòn - phát biểu:

“Phật pháp và giáo lý Giáo Hội Công giáo có chung một điều rất quen thuộc, đó là tình thương. Con người ai cũng có bản năng yêu thương người khác. Đây là cơ hội để chúng ta làm chứng và thể hiện tình thương. Cùng với lời cảm ơn, chúng tôi xin trao gửi các TNV của chúng tôi nơi các y bác sĩ của 2 bệnh viện. Xin các anh chị trao cho chúng tôi bất cứ việc gì: ‘Trao nhiều, chúng ta làm nhiều; trao ít, chúng ta làm ít’. Làm sao từng ngày, từng giờ, chúng ta phục vụ mà giới thiệu được dung mạo đầy yêu thương từ Chúa, nơi công việc của mình. Mong các TNV vượt qua những lạ lẫm của những ngày đầu. Mọi người ở bệnh viện cần sự hiện diện của chúng ta. Cảm ơn các cấp chính quyên, cảm ơn Giáo hội Phật giáo mở rộng lòng để chúng ta cùng nhau phục vụ trong lúc ngặt nghèo này.”

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM, Trưởng ban điều phối lực lượng TNV Phật Giáo - phát biểu:

“Chúng ta mới trải qua 60 ngày - tính từ ngày thứ nhất 22-7, khi các TNV tôn giáo bắt đầu tham gia phục vụ các bệnh viện điều trị Covid. Tâm hồn họ rất tích cực và làm tốt nhiệm vụ hộ lý cách chuyên nghiệp với cả tấm lòng từ bi, như Chúa Giêsu dạy: ‘tình thương là mến Chúa yêu người’.

“Chúng ta tích cực tham gia phục vụ ở tuyến đầu, cho dù có một vài rủi ro bị phơi nhiễm. Đức Phật dạy rằng mạng sống con người là quý báu, sức khỏe và tuổi thọ là tài sản quý giá của một kiếp người. Sống trong một kiếp người, hãy làm những việc tốt nhất có thể, kiên trì không gián đoạn thì các ước mơ sẽ trở thành hiện thực trong tầm tay.

“Ước mong các TNV vững tâm lý, an tinh thần, để truyền năng lượng tích cực bằng lòng tư bi, bằng tình thương yêu, để giúp cho các bệnh nhân, dù có trở nặng, vẫn được bình an, không sợ hãi, không căng thẳng. Đây là sứ điệp quan trọng mà Chúa và Phật đều dạy thế.

“TNV Phật giáo và Thiên Chúa giáo tham gia vào tuyến đầu sẽ khích lệ tinh thần cho các bệnh nhân, trở thành những người thầm lặng đồng hành trực tiếp với các bác sĩ và nhân viên y tế.”

Tiếp theo, Tiến sĩ điều dưỡng Thân Thị Thu Ba - Trưởng phòng điều trị Covid của Bệnh viện Trưng Vương - nói lên niềm vui mừng được đón tiếp các TNV.

Tiến sĩ Thu Ba cho biết: Mọi người có thể yên tâm với việc tổ chức của bệnh viện Trưng Vương. Các TNV sẽ được test an toàn.

Về phân công:
  • 1 linh mục và 3 tu sĩ dòng La San sẽ phục vụ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định Quận Bình Thạnh
  • 8 nữ tu của dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Foyer Bình Triệu, Đa Minh Pompei, Mến Thánh Giá Tân Lập, cùng 7 tu sĩ phật tử Phật giáo sẽ phục vụ tại Bệnh viện Trưng Vương Quận 10.
Tất cả đều được huấn luyện cơ bản trước khi vào chăm sóc bệnh nhân Covid

Bệnh viện Trưng Vương là bệnh viện đầu tiên chuyển công năng điều trị bệnh nhân nhiễm Covid. Đã gần 3 tháng, công việc cũng thuận lợi. Và bệnh nhân rất cần các TNV chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh tốt, vận động tốt để bệnh nhân mau bình phục.


 
Kết thúc ‘lễ ra quân’, các TNV được nhân quà tặng từ lãnh đạo Thành phố và Giáo hội Phật giáo TPHCM.

 
Các TNV được Ban tổ chức 2 bệnh viện đưa về bệnh viện để xét nghiệm. Các TNV sẽ phục vụ trong 6 tuần.

Bài và ảnh: Sơn Nữ SPC (TGPSG)
 
 
 
(WGPSG)

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 25 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Piô Pietrelcina, linh mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Năm, ngày 23.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÔI LỜI TRĂN TRỞ TỪ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN TRỞ VỀ

ĐÔI LỜI TRĂN TRỞ TỪ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN TRỞ VỀ

TGPSG -- Rời bệnh viện, về khu cách ly, ngồi ngẫm nghĩ lại, một tháng qua trôi vèo trong chốc lát. Thế nhưng, những hình ảnh thân thương lẫn xao xuyến của những ngày làm việc tại bệnh viện khó quên làm sao. Xin gửi lại nơi đây đôi điều trăn trở.

Trước hết, có lẽ người viết đã đối diện với sự mong manh của phận người quá đỗi mà từ trước tới nay chưa bao giờ gặp như trong thời “đại dịch Covid” này. Chỉ trong phút chốc thôi, có những người bệnh đang nói đó, đang ăn uống đó, nhưng nào ngờ giờ lâm vào cảnh hấp hối. Đội ngũ y bác sĩ hỗ trợ, cấp cứu tích cực, nhưng người bệnh vẫn không qua khỏi. Họ vĩnh viễn ra đi mà không kịp nói một lời từ biệt.

Người bệnh khi vướng vào căn bệnh của đại dịch này có lẽ cũng đã cảm nhận được rằng, giờ đây giàu có đâu còn là quan trọng, chức quyền cũng chẳng có ý nghĩa gì, danh tiếng cũng chẳng để làm chi, chỉ mong sao bác sĩ cứu mình được sống như là bản năng của sự sinh tồn. Thế nhưng, chị Côvi nào có kiêng nể chi ai. Chị tấn công bất ngờ người chị ưa thích và cướp đi tất cả những gì chị muốn. Nếu như người bệnh cố gắng gượng, cố níu kéo, cố ôm lấy những gì mình có, thì đến lúc này cũng không thể được nữa rồi. Ta đi vào thế gian với hai bàn tay trắng và rời thế gian cũng trắng tay. Điều này đội ngũ y bác sĩ và những người phục vụ ở bệnh viện dã chiến có lẽ cũng đã nhìn thấu: “Tình cảnh của bệnh nhân hôm nay, ngày mai có thể xảy đến với mình”. Cuộc đời bèo bọt làm sao! Bởi đó, câu danh ngôn: “Hãy cho đi khi bạn còn có thể” lúc này thật thấm nhường nào!

Phải chăng, chính điều này mà các y bác sĩ, nhân viên y tế... đã làm việc hết mình không chỉ là bổn phận, trách nhiệm, lương tâm, mà còn là không biết ngày mai mình còn có cơ hội phục vụ, có cơ hội cống hiến nữa không. Vì cho đi thì còn, giữ lại thì mất.

Cũng chính tinh thần phục vụ hết mình ấy đã để lại một nét đẹp trao ban mang căn tính cốt lõi của bản tính người: Thiên Chúa tạo dựng nên bạn vì chính bạn, nhưng bạn chỉ tìm gặp được chính mình khi thành thật tự do dâng hiến (X. MV. Số 24).

Từ trải nghiệm thực tế và khi ngẫm nghĩ lại, chúng ta nhận ra được rằng, giây phút đẹp nhất trong cuộc đời chính là lúc chúng ta biết cho đi. Càng cho đi, đời chúng ta càng đẹp. Điều này thánh Luca đã chẳng nói trong Sách Công Vụ Tông Đồ đó sao: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Chính trong phục vụ trao ban - như căn tính vẽ nên đời mình - lại làm sáng lên nét đẹp của tình yêu.

Tình yêu thương không chỉ nằm lại nơi lời nói, nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng cần phải được thực thi. “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có lợi ích gì” (Gc 2,15-16).

Chính sự trao ban là tiếng nói mạnh mẽ và vang vọng nhất của tâm tình dâng hiến phục vụ. Và sự trao ban chính mình là đỉnh cao của mọi tình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Đây chính là lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong diễn từ tiệc ly và cũng là lời Ngài dạy chúng ta. Ngài dạy chúng ta không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, bằng chính cuộc sống của Ngài. Ngài đã tự hiến chính bản thân mình cho nhân loại, chết cho nhân loại và nhờ tình yêu hy hiến của Ngài mà nhân loại được sống.

Sự hy sinh, dấn thân phục vụ và phục vụ tha nhân đến độ quên cả bản thân mình là lý tưởng của mỗi người Kitô hữu nói riêng và có lẽ của mỗi người nói chung. Nhân loại khắp nơi trên thế giới vẫn ca ngợi những người hy sinh vì thế giới, vì quê hương mình. Phục đến độ quên mình vẽ nên nét đẹp cao vời của tình yêu là vậy. Tinh thần yêu thương phục vụ quên mình này là chất keo gắn kết con người lại với nhau.

Chính trong hoàn cảnh éo le của đại dịch hôm nay, trong những khốn khó trăm bề mà nhiều người đang phải gánh chịu, lại sáng lên biết bao nghĩa cữ cao đẹp của tình tương thân tương ái, của đùm bọc sẻ chia của mọi người khắp nơi trên thế giới và trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Cám ơn một tháng ngắn ngủi đã được trực diện chứng kiến và trải nghiệm nét đẹp cuộc đời trao ban của tình yêu thương phục vụ nơi chốn mong manh của phận người.

Xin mượn lời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để kết thúc nỗi lòng trăn trở: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Hãy trao nhau tình yêu qua cuộc đời dấn thân phục vụ để vẽ nên nét đẹp đời mình.

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Quý, OP.
(WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 22.9.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 22.9.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 22.9.2021
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 25 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Tư, ngày 22.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 22.9.2021


MỘT CHÚT TÂM TƯ CỦA Y BÁC SĨ CÔNG GIÁO NƠI TUYẾN ĐẦU

MỘT CHÚT TÂM TƯ CỦA Y BÁC SĨ CÔNG GIÁO 
NƠI TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- "Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ..."

Bao tháng ngày qua, dịch bệnh hoành hành kéo dài không dứt, với con số người nhiễm bệnh vẫn cứ tăng cao. Trong bao tháng ngày của đại dịch đó, các y bác sĩ phải ngày đêm gồng mình đi phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, tạm xa gia đình người thân, gác lại những dự tính của cá nhân, quên mình vì người khác... Các vị đã hi sinh âm thầm lặng lẽ, chỉ mong sao cứu sống các bệnh nhân mà mình đang chăm sóc.

Khi làm thiện nguyện viên, tôi có làm việc chung với nhiều y bác sĩ là người Công giáo tại bệnh viện Hồi Sức Cấp Cứu. Tôi thấy họ vất vả làm việc, không than vãn, cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch, âm thầm cầu nguyện cho các bệnh nhân sắp ngưng thở... Tôi hỏi về tâm tư của các anh chị thì có một nữ bác sĩ trẻ chia sẻ chút tâm tư:

“Hôm nay nhận được tin nhắn từ một thầy đã từng tham gia thiện nguyện trong mùa Covid, được hỏi về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, về tâm tư khi đi chống dịch, bất chợt trong lòng tôi có một chút bâng khuâng. Mỗi người, một nỗi niềm riêng; để trong lòng hay nói ra thì đó cũng là chuyện riêng tư…

Với tôi, ở nơi xa ấy có người cha già đau yếu, ngày ngày chống chọi với căn bệnh mãn tính. Anh chị tôi làm công nhân cũng vật lộn với cái khó chung của xã hội. Dù ít nói chuyện, ít gặp gỡ, nhưng có một mối dây vô hình là tình thương bao bọc lẫn nhau.

Còn với tính cách của tôi, tôi vẫn lặng lẽ dõi theo, âm thầm quan tâm đến người thân, vì với gia đình, tôi không đủ can đảm và mạnh mẽ như bên ngoài mà mọi người vẫn thấy. Thậm chí có lúc tôi còn làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi vẫn mong rằng mọi người sẽ vì thế mà bớt quan tâm tới tôi. Tôi đã nợ họ quá nhiều, nhiều hơn rất nhiều so với những điều tôi làm được cho họ.

Dần dần tôi nhận ra, thời gian sẽ qua đi, nên tôi muốn cho tình yêu được thể hiện nhiều hơn theo đúng nghĩa của nó. Vì thế, tôi đã khác, tôi đã cho người thân trong gia đình thấy tôi cười nhiều hơn. Chỉ vậy thôi nhé, tôi xin phép không nhắc đến những mất mát, những thương tích của những người thân yêu ấy.

Lần này tôi đi theo tiếng gọi của đất nước, cũng là đi theo tiếng lòng muốn dấn thân của tôi. Tôi đã nguyện dâng và phó thác mọi sự cho Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ của đời tôi. Gia đình thân yêu của tôi, chắc chắn Mẹ Maria đã thay tôi chăm sóc và Mẹ còn ban ơn cho gia đình tôi nhiều hơn những gì tôi có thể nghĩ ra được.

Tôi cũng không nhớ nhà, chỉ có chạnh lòng mỗi lúc nghe tin cha tôi trở bệnh. Nhưng tôi vẫn tin có Mẹ Maria lo cho cha tôi. Tôi đã nói dối gia đình rằng: tôi không tiếp xúc với bệnh nhân Covid vì sợ mọi người lo lắng. Đó là tôi sợ thôi, chứ biết đâu họ lại rất mong tôi làm việc có ích như thế thì sao nhỉ? Nhưng dù sao, tôi vẫn cứ sợ họ lo lắng…

Nhưng vào đây rồi, đã qua một khoảng thời gian không ngắn không dài, tôi xác tín: Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ. Có nỗi đau nào như nỗi đau chia ly: lúc yếu đuối nhất, chính là giờ phút cuối đời, cũng không gặp được người mình thương. Những bệnh nhân covid đã trải qua những nỗi đau thật đau ấy. Vậy nỗi đau, nỗi sợ riêng tư của tôi đâu có là gì. Không là gì cả!

Tôi lại nhận ra rằng: Tình yêu thương sẽ là liều thuốc tốt, cùng với các trị liệu khác, sẽ cho bệnh nhân thêm chút an lòng. Tình yêu sẽ lớn hơn mọi nỗi sợ hãi và đớn đau. Tôi cũng học được điều đó nơi những đồng nghiệp, những tình nguyện viên đang trao gửi yêu thương ở đây.

Đó là một chút tâm tư cá nhân. Tôi chia sẻ một chút thôi, không đại diện cho tổ chức, không đại diện cho một ai khác, mà chỉ là tâm tư của cá nhân tôi.

Hy vọng bầu trời xanh mãi xanh, tình yêu mãi là tình yêu chân thành. Trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh, dù có ra sao, hãy tin rằng một vầng sáng tươi đẹp vẫn ở đâu đó. Nếu bạn thực sự muốn tìm, bạn sẽ thấy. Nguyện chúc bình an của Đức Kitô đến cho tất cả mọi người.”

Trong nơi bệnh viện này, các y bác sĩ không phân biệt bệnh nhân là ai, từ đâu đến, họ luôn chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình. Một chị điều dưỡng chia sẻ:

"Con đang trực đêm tại bệnh viện, có một bác 65 tuổi mới vô, đang ngủ và được theo dõi sát, mà bác đó không ăn cơm, còn mặc đồ lịch sự thắt dây nịt. Tự nhiên con nhớ đến ba con. Xong rớt nước mắt, mong ba mẹ luôn bình an trong sự quan phòng của Chúa.

Chỉ cần nhìn thấy các bác lớn tuổi, mà một thân một mình vô bệnh viện vì Covid là lòng con lại nghĩ đến ba mẹ ở nhà. Trong đại dịch này, con cảm nhận được Chúa muốn dùng con làm việc của Chúa, dù con yếu đuối... nên Chúa ơi, Chúa cùng con làm việc của Chúa. Vậy xin Chúa gìn giữ những người con thương yêu, Chúa nhé!”

Xin cám ơn tấm lòng, trái tim của các y bác sĩ - đã dành cho bệnh nhân là chính anh em của mình như Chúa đã dạy “hãy yêu thương nhau”.

Xin Chúa luôn đồng hành cùng các anh chị trên con đường phục vụ này.

Xin Chúa ra tay ngăn chặn cơn dịch bệnh để các anh chị trở về với gia đình, trở lại cuộc sống bình thường. Cái ‘bình thường cũ’ đã qua đi rồi, chúng ta cùng sống trong cái ‘bình thường mới’...

Antôn Chung Chí Tâm, LaSan (TGPSG)
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 25 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Tư, ngày 22.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon