Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

60 NGÀY KỶ NIỆM ĐẸP TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN


60 NGÀY KỶ NIỆM ĐẸP TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

TGPSG -- Thấm thoắt hai tháng phục vụ tại bệnh viện dã chiến đã kết thúc. Nhớ ngày đầu tiên làm lễ ra quân, mưa xối xả, mưa như trút bầu tâm sự, mưa như tiếng khóc than bệnh nhân vẫy gọi. Hôm nay là giây phút chia tay, bầu trời lại thật trong xanh dọi chiếu những tia nắng ấm áp. Chúng tôi ra về nhưng lòng rạo rực sự xúc động khó tả. Tia nắng ấy báo hiệu với chúng tôi rằng mọi sự sẽ tốt đẹp, dịch bệnh sẽ mau chấm dứt, bệnh nhân sẽ sớm trở về với gia đình.

Giây phút chia tay 71 tình nguyện viên tại Nhà Thiếu Nhi diễn ra thật ấm cúng với những chia sẻ hết sức đơn sơ nhưng đong đầy ý nghĩa. Bác sĩ Lê Anh Tuấn - phó Giám đốc bệnh viện hồi sức covid - đã cảm ơn sự hiện diện của từng tình nguyện viên và cho biết số bệnh nhân được xuất viện khá nhiều. Thực vậy, khi phục vụ tại bệnh viện dã chiến, niềm vui lớn nhất của tôi là nghe tin bệnh nhân được trở về gia đình.

Giây phút này đây, tôi muốn tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Tổng Giám mục Giuse, cảm ơn Hội Dòng đã cho tôi có cơ hội được phục vụ. Khoảng thời gian quý báu tại đây đã cho tôi được trải nghiệm và dấn thân vào công việc tông đồ của Chúa, trở thành người cộng tác và là cánh tay nối dài để lan tỏa yêu thương. Bản thân tôi đã học được thế nào là yêu, thế nào là phục vụ, thế nào là loan báo Tin Mừng và thế nào là sự bất lực giữa ranh giới sự sống và cái chết. Những "hạt giống" mà tình nguyện viên đã gieo mầm, đã kết nối nơi bệnh viện dã chiến này chắc chắn sẽ lan tỏa tình yêu thương. Điều dưỡng Phước - người phục vụ tại khoa cấp cứu của bệnh viện Nhân Dân Gia Định - đã xúc động trong lúc chia tay các tình nguyện viên: "Xin cám ơn các sơ, các thầy - những tình nguyện viên xuất sắc, dũng cảm và nhiệt huyết đã cùng với chúng con chung sức đẩy lùi dịch Covid. Chúng con sẽ luôn nhớ đến mọi người, nhớ những kỉ niệm cùng nhau phục vụ bệnh nhân nơi đây. Các thầy, các sơ giữ gìn sức khỏe". Điều đó đã diễn tả được phần nào cảm xúc lưu luyến của người đi và nỗi nhớ của người ở lại. 
 
Bé Lan - một Phật tử nhí - ngậm ngùi: "Sơ về chúng con nhớ lắm... các bệnh nhân cũng nhớ sơ nữa, cứ hỏi sơ hoài. Sơ nhớ giữ liên lạc, nếu có dịp con sẽ đến thăm sơ...
 
Tuy thời gian hai tháng không phải là dài nhưng cũng không quá ngắn để mỗi người trong chúng tôi cảm nghiệm được sự nối kết yêu thương đặc biệt trong thời kỳ giãn cách này. Tại ngôi nhà thiếu nhi quận 9 đơn sơ nhưng ấm áp tình gia đình, chúng tôi đã không còn phân biệt tôn giáo để hòa chung nhịp đập yêu thương. Tuy giãn cách về không gian địa lý nhưng lòng lại gắn kết với nhau về mặt tinh thần. Hằng ngày, chúng tôi cùng đi làm, cùng ăn, cùng sẻ chia những kinh nghiệm để giúp bệnh nhân mau khỏe hơn. Vì thế, nơi đây thực sự đã để lại bao kỉ niệm đẹp về nhau trong mỗi người chúng tôi. Tôi sẽ khắc ghi trong tim những kỉ niệm đẹp này, sẽ nhớ mãi...nhớ để cầu nguyện, nhớ để quyết tâm hành động, nhớ để biến đổi cuộc đời.

Trong giây phút chia tay, chân bước đi nhưng đầu vẫn muốn ngoảnh lại. Ngoảnh lại một chút để nghe những lời chúc và nhắn nhủ giữa các tình nguyện viên đi về và ở lại, bùi ngùi và xúc động. Ngoảnh lại để thấy những cánh tay vẫy chào nhau đầy lưu luyến. Ở đó có cả lời chào, lời chúc phúc và cả nỗi buồn đọng trên mí mắt của cả hai. Ngoảnh lại để chào chỗ ở thân quen, ghế bố, hàng cây, sân rộng; chào những người bạn thân thương, từ xa lạ đã trở nên thân quen. Ngoảnh lại để mang theo, ôm tất cả vào trong lời cầu nguyện và lời cầu chúc bình an. Ngoảnh lại để cảm ơn các bạn đã cùng làm việc và luôn sống chan hòa tình yêu thương.

Ngồi trên xe, tôi bắt đầu hồi tưởng và cảm thấy mọi thứ trôi qua thật nhanh. Nhớ ngày đầu, bao nhiêu bỡ ngỡ trước sự cập rập, chuẩn bị không chu đáo; bỡ ngỡ trước người bên cạnh; bỡ ngỡ trước công việc chưa từng làm qua. Ngày đầu đó, cớ sao dài đằng đẵng. Ngày qua ngày, từng bước một quen dần nhịp sống, thì đã đến giờ chia tay. Quả thật, từ khắp mọi nơi không hẹn mà gặp, những tình nguyện viên đầy vui tươi và nhiệt huyết đã cùng nhau hội tụ tại đây để chung tay đẩy lùi nạn dịch. Họ đến với nhau bởi tình yêu thương giữa con người với con người, bên nhau như những người đồng đội, cùng chung một mục đích, cùng nhau vượt qua những khó khăn, vất vả để rồi khép lại một hành trình thật đẹp với nhiều ý nghĩa.

Đối với mỗi tình nguyện viên, bệnh viện dã chiến như một gia đình thứ hai, nơi nuôi dưỡng, vun đắp những tâm hồn cho bệnh nhân, nơi có những người bạn không phân biệt tôn giáo đã ngày đêm gắn bó trong tình yêu thương, trách nhiệm, sự đoàn kết trong suốt quá trình phục vụ. Vì thế, chuyến đi tình nguyện này đã giúp tôi trưởng thành và tự tin hơn để vững bước trên con đường phía trước và thấm thía hơn tình yêu mà Giêsu đã dành cho tôi.

Chắc hẳn chuyến phục vụ này không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều nhận được rất nhiều, có khi những gì nhận được còn lớn hơn cả những gì đã cho đi: nhận về sự chúc lành, lời cầu nguyện, sự động viên nơi hậu phương vững chắc; nhận về những mối quan hệ mới với nhân viên y tế, gia đình bệnh nhân và tình nguyện viên; nhận về những ánh mắt sáng lên niềm vui, những cái nháy mắt, gật đầu chào nhau qua bộ đồ bảo hộ.

Giờ đây, tôi về trước, nhưng tôi vẫn là "hậu phương" vững chắc để đồng hành và gắn bó với các bạn còn ở lại qua lời cầu nguyện và hướng về mục đích chung là mong cho các bệnh nhân sớm được trở về bên gia đình thân yêu của họ.

 
 
 
 
Teresa Nguyễn Vui
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục


(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 25 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Bảy, ngày 25.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

NỢ ÂN TÌNH

NỢ ÂN TÌNH

TGPSG -- Có những kinh nghiệm chỉ một lần trải qua, có những cảm xúc chỉ một lần chạm tới và có những con người chỉ một lần chúng ta gặp gỡ trong đời... vậy thôi cũng đủ để chúng ta nợ nhau.

Hai tháng đi tình nguyện đã kết thúc. Tháng đầu tôi được phục vụ ở khoa cấp cứu. Đây là nơi dành cho các bệnh nhân nặng, rất nhiều người trong số họ đã ra đi. Qua tháng thứ 2, tôi được chuyển tới phục vụ ở khoa dành các bệnh nhân chuẩn bị xuất viện. Hai khoa với hai kinh nghiệm đưa tiễn thật khác nhau: một bên đưa tiễn trong ngậm ngùi xót xa và không một lời chào tạm biệt, một bên đưa tiễn trong niềm hạnh phúc trào dâng khi các bệnh nhân chuẩn bị được đoàn tụ cùng gia đình: “Sơ ơi! hôm nay tôi được xuất viện, vui quá, cảm ơn các sơ và mọi người rất nhiều, chúc mọi người ở lại làm việc bình an nhé!”.

Hàng ngày, tôi vẫn được diễm phúc lắng nghe rất nhiều lời nói chất chứa niềm vui và hạnh phúc của các bệnh nhân chuẩn bị xuất viện. Quả thật, còn gì hạnh phúc hơn khi biết mình đã chiến thắng thần chết và ngày đoàn tụ bên gia đình sắp trở thành hiện thực. Cảm nhận được niềm hạnh phúc biểu lộ trên gương mặt của họ, tôi cũng biết rằng: có lẽ ngay từ giây phút này đây, họ sẽ có một thái độ sống mới, sống với tình yêu thương đong đầy. Những buồng bệnh thưa dần bệnh nhân đã cho tôi hy vọng về một Sài Gòn đang hồi sinh và sức sống mới đang được bắt đầu.

Được lắng nghe biết bao tâm sự của các bệnh nhân trong 2 tháng qua là một phúc lành riêng mà tôi đã nhận được. Tôi cảm thấy mình nợ họ rất nhiều vì sự trân trọng và lòng tin tưởng họ đã dành cho tôi mỗi khi tôi lắng nghe họ trải lòng. Những lời hối hận của biết bao người con vì đã làm cha mẹ phải khổ mà nay không còn cơ hội đền đáp, những tiếng nấc nghẹn ngào của những người cảm thấy đã trễ để có thể bắt đầu lại, những lời xin lỗi muộn màng dành cho những người thân đã ra đi mà không được gặp mặt,… Bao nhiêu những hối tiếc dường như ập đến trên các bệnh nhân trong lúc đúng ra họ rất cần một tinh thần thanh thản để lo chữa trị bệnh.

Là một tu sĩ sống linh đạo “Hòa Giải” của Chúa Chiên Lành, trong hoàn cảnh này tôi tự hỏi mình cần phải làm gì để có thể giúp họ. Và tôi biết, lắng nghe là một cách để tôi có thể giúp họ hòa giải với chính mình. Tôi đã giúp họ kết nối với người thân qua những cuộc điện thoại, động viên họ bày tỏ lời yêu thương với người thân, thay mặt họ đi thăm người thân của họ đang điều trị ở các khoa khác để cập nhật thông tin về tình hình sức khỏe người thân cho họ, hay cộng tác với nhóm trong việc kết nối để các cha kịp ban các Bí tích cuối cùng cho các các bệnh nhân nặng,… Đó là tất cả những việc tôi và các thành viên trong đoàn có thể làm với hy vọng đem lại nguồn bình an thanh thản cho các bệnh nhân. Có những khoảnh khắc tôi cảm thấy mình được cho phép đi vào thế giới tâm hồn của người khác. Điều này giúp tôi càng trân trọng các bệnh nhân hơn, để cùng với họ mang vác những nỗi đau về thể xác cũng như tâm hồn, giống như lời Đức Tổng Giuse đã nhắn nhủ: “ngay khi tôi đang khỏe mạnh thì cũng là lúc tôi mang nợ những người đang bệnh – họ mang bệnh thay cho chúng tôi”.

Kinh nghiệm của các bệnh nhân trong thời đại dịch cũng cho tôi một cảm nghiệm rất sâu về cuộc sống. Với thân phận con người, ai trong chúng ta cũng có một "món nợ". Ngoài món nợ là sự sống và tình yêu cứu độ của Chúa, chúng ta còn nợ công ơn dưỡng dục của cha mẹ, nợ thầy cô đã dày công dạy dỗ và nợ ân tình của những người đã đi qua cuộc đời mình…Chúng ta không chỉ nợ những người đã yêu thương chúng ta mà chúng ta còn nợ cả những người đã từng làm chúng ta bị tổn thương. Bởi vì, tất cả họ đều là những người thầy đã dạy chúng ta bài học về cuộc sống. Vì vậy, ước mong mọi người hãy trân trọng thời gian còn ở bên nhau, ai muốn bày tỏ những lời yêu thương hay những hành động quan tâm đối với người thân thì hãy làm ngay khi có thể, đừng để nó trở nên muộn màng rồi lại tiếc nuối.

Sau 2 tháng phục vụ, tới nay tôi vẫn luôn bình an. Vì vậy, tôi cũng đang nợ các y bác sĩ, những người đã tận tình hướng dẫn tôi trang bị đồ bảo hộ cho đúng cách từ những ngày đầu tiên, nợ các bệnh nhân đã cho tôi cơ hội để đụng chạm đến thân thể cũng như tâm hồn họ, nợ các bác tài đưa đón chúng tôi hàng ngày, nợ bác bảo vệ cho chúng tôi ở một nơi thật an toàn, nợ những người thân yêu xa gần luôn cầu nguyện và hỗ trợ chúng tôi về cả tinh thần lẫn vật chất... Hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận mình có những món nợ đầy ắp yêu thương, như lời thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề luật” (Rm 13, 8). Ước mong rằng sẽ đến lúc người ta không còn dốc sức ganh đua để chạy theo món nợ danh vọng tiền bạc nữa, nhưng thay vào đó là theo đuổi những "món nợ yêu thương". Khi đó tất cả chúng ta sẽ được sống cảnh giới thiên đàng tại trần gian.

Nay đã hoàn thành sứ mạng của người tình nguyện viên, tôi sẽ trở về cuộc sống của người tu sĩ trong cộng đoàn êm ấm, bình an hơn. Tuy nhiên, tôi biết rằng mình vẫn mang rất nhiều món nợ ân tình mà mọi người đã dành cho tôi. Cảm ơn về tất cả, tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình với mọi người trong tâm tình hiệp thông thiêng liêng. Tạ ơn Chúa, cảm ơn mọi người!

Sr. Francesca Do
Dòng Chúa Chiên Lành
(WGPSG) 

VĂN HÓA VÀ BÁC ÁI KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI

VĂN HÓA VÀ BÁC ÁI KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI

TGPSG -- Những việc này rất nhỏ nhưng lại thể hiện nét văn hóa ứng xử đẹp tuyệt vời…

Tôi rất thích đọc những comment khi xem những video clip hoặc những bài viết trên mạng xã hội. Có những comment rất hay, rất thú vị và hữu ích, giúp ta có cái nhìn đa chiều trước một vấn đề trong cuộc sống. Có những comment có thể thay đổi tư duy não trạng của ta về một con người hay một lãnh vực nào đó của xã hội. Có những comment rất hài hước dí dỏm đem lại niềm vui tiếng cười cho người đọc. Nhưng cũng có những comment rất tiêu cực kích hoạt bạo lực, chia rẽ, tức giận, hận thù, ghen ghét...

Xin anh chị em là những người Kitô giáo hãy “nói không” với những comment tiêu cực: chửi bới, lăng mạ, phỉ báng, a dua, hay xúc phạm danh dự và phẩm giá của người khác. Nếu có comment thì hãy cho những comment tích cực lan tỏa sứ điệp yêu thương của Tin Mừng, ngay cả khi phải phê phán những điều xấu xa nào đó. Và xin hãy share (chia sẻ), hãy pass (chuyển tiếp) những thông điệp tích cực mang lại giá trị chân thiện mỹ cho cuộc sống.

Tôi cũng rất thích ngay bên dưới hoặc bên cạnh các tin bài, hình ảnh, hoặc video clip có lập trình sẵn nút LIKE hoặc nút TIM để cho người đọc hay người xem có thể “tương tác nhanh” với những người là tác giả của các “sản phẩm tinh thần” đó. Thiết nghĩ ngày hôm nay, mạng xã hội “sống tốt” và “sống một cách sung mãn” chính là nhờ “những tương tác” này, dù có người cho là “ảo”. “Ảo” nhưng lại có liên hệ tới những con người thật.

Anh chị em có thể bày tỏ sự tán thưởng đối với những người tốt - việc tốt mà anh chị em thấy trên mạng, hoặc biểu lộ lòng biết ơn đối với những người đã bỏ công sức làm ra những video clip hay - đẹp - thú vị để cho ta xem, hoặc những người đã chịu khó viết các bản tin thời sự, hay vắt óc suy nghĩ viết ra những bài viết tốt - có giá trị để cho ta đọc, bằng cách bấm nút LIKE cho họ, hoặc cho họ một comment tích cực. Anh chị em cũng có thể thể hiện tình yêu thương đối với họ bằng việc thả một TIM HỒNG cho họ. Chỉ đơn giản thế thôi, mà có khi lại khó đối với nhiều người!

Anh chị em có thể làm điều này với cả những người đã chia sẻ, hay chuyển tiếp những video clip, những hình ảnh, hoặc những bài viết ấy cho mình. Họ cũng xứng đáng để được ta biết ơn, dù là “ơn nho nhỏ”.

Đây cũng là hành vi diễn tả tình bác ái ngay trên mạng. Vì thế, hãy “rộng rãi chớ hà tiện” với việc làm này.

Anh chị em có biết rằng những nút LIKE, hay nút TIM ấy chính là nguồn động lực cho những người làm ra các video clip, hoặc cho những người viết các bài viết để họ tiếp tục có những sản phẩm khác tốt hơn không?

Anh chị em có biết rằng những nút LIKE hạy nút TIM ấy cũng là sự khích lệ cho những người đã góp phần chia sẻ, chuyển tiếp những video clip, những hình ảnh, hay những bài viết cho ta, để rồi họ có thêm niềm hứng khởi tiếp tục chia sẻ cho ta những điều hay điều tốt trong cuộc sống không?

Những việc này rất nhỏ - ‘nhỏ như con thỏ thôi’ - nhưng lại thể hiện nét văn hóa ứng xử đẹp tuyệt vời – như ông mặt trời trên mạng xã hội đấy nhé!

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long (TGPSG
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 24.9.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 24.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon