Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: ĐÓN VÀ ‘TRI ÂN’ 76 TU SĨ CÔNG GIÁO PHỤC VỤ TUYẾN ĐẦU (đợt 4)

ĐÓN VÀ ‘TRI ÂN’ 76 TU SĨ CÔNG GIÁO 
PHỤC VỤ TUYẾN ĐẦU 
(đợt 4)

TGPSG -- Khi phục vụ bệnh nhân, ta xác định: không phải là mình đang cho họ cái gì, nhưng chính là mình đang nhận lãnh…

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã phát biểu như thế trong lễ “Đón và Tri ân các tình nguyện viên Công giáo” vào lúc 9g ngày 13-10-2021 tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động quận Tân Bình (2F Nguyễn Hiến Lê, Phường 13, Tân Bình).

Buổi lễ do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP HCM tổ chức để đón 76 tình nguyện viên (TNV) Công giáo kết thúc một tháng phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 và tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định: 
 
- Phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu) có 73 TNV thuộc các Tu hội / Hội dòng: Anh Em Hèn Mọn (1 linh mục (Lm) và 35 tu sĩ (Ts)), Ngôi Lời (1 Lm), Dòng Tên (1 Lm và 1 Ts), Đức Mẹ người nghèo (4 Ts), Thương Khó Chúa Giêsu (1 Ts), Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời (3 Ts), Thánh Phaolô Nhật Bản (1 Ts), Đaminh Rosa Lima (3 Ts), Con Đức Mẹ Phù Hộ (13 Ts), Con Đức Mẹ Đi Viếng (6 Ts), Foyer Bình Triệu (1 Ts), Mến Thánh Giá Khiết Tâm (1 Ts).
 
- Phục vụ tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có 3 nữ tu (Nt) của Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn.

Trước buổi lễ ‘Tri ân’

Trước khi buổi lễ ‘Tri ân’ diễn ra, một số TNV đã chia sẻ về “những dấu ấn” khi phục vụ bệnh nhân covid-19 trong một tháng qua.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Khang (Dòng Tên) tâm sự:
 
Lm Giuse Nguyễn Ngọc Khang (Dòng Tên)
Dấu ấn sâu đậm nơi tôi: đó là ‘khuôn mặt các bệnh nhân’ khi tôi trao ban các bí tích, đặc biệt là bí tích Xức Dầu - khoảnh khắc của ân sủng mà Chúa mời gọi tôi đồng hành với họ trong những lúc rất khó khăn của cơn bệnh. Tôi nhận thấy ánh mắt họ gửi gắm rất nhiều điều. Họ đặt tin tưởng nơi lời cầu nguyện của tôi. Tôi sẽ nhớ họ, nhớ những người thân của họ, những người đã xin tôi cầu nguyện…

Sau khi đọc Kinh Sáng cuối cùng trước lúc rời khỏi khách sạn Minh Tâm, Nt Maria Đào Thị Phượng - Dòng Đaminh Rosa Lima - nhớ lại một tháng thiện nguyện đã trôi qua:
 
Nt Maria Đào Thị Phượng
Dòng Đaminh Rosa Lima
Tôi ngồi thinh lặng mà lòng trào dâng tâm tình tạ ơn Chúa và Mẹ Mân Côi, vì tình thương của Chúa thật lạ lùng ở nơi này, đặc biệt vì trong các bệnh nhân, có một cụ bà năm nay 97 tuổi và là bệnh nhân lớn tuổi nhất tại bệnh viện hồi sức Covid 19. Sau khi biết được tình hình sức khỏe của cụ khá hơn rất nhiều và sắp được xuất viện, người nhà của bà cụ vô cùng vui sướng và ngạc nhiên vì biết được các TNV đã chăm sóc cụ rất chu đáo. Con trai cụ là cán bộ hưu trí, rơm rớm nước mắt nói với tôi: "Các sơ đúng là thiên thần của các cụ già và các bệnh nhân. Chú không ngờ bà lại được chăm sóc ân cần đến thế. Chú và gia đình không biết nói gì để tỏ lòng biết ơn." Lúc bà được xuất viện, chú nhắn tin cho tôi và nói: "Đúng phép lạ do các cháu – những người của Chúa cử đến giúp Bà, cháu nhỉ? Cảm ơn cháu nhiều, rất nhiều!”

Khi nghe những lời đó, tôi thầm nghĩ ngay đến Chúa và Mẹ Mân Côi chính là nguồn cội tình thương đã ban cho bà được như tình trạng hôm nay. Quả thật, trong suốt thời gian làm việc và chăm sóc bà, tôi thường thì thầm kêu xin Chúa và đọc lời kinh Mân Côi xin Mẹ chữa bà cụ. Tôi tin Chúa đã qua Đức Mẹ làm phép lạ chữa lành, vì ở độ tuổi 97 của bà mà chiến thắng được căn bệnh Covid, bình phục trở về là điều ngoài sức tưởng tượng và mong đợi của tất cả các y bác sĩ và mọi người.

Đệ tử Phêrô Nguyễn Đức Cảnh - Dòng Phanxicô - bày tỏ tâm tình:

Đối với con, chuyến đi này thật đặc biệt. Một tu sĩ thường sẽ đi mục vụ khắp nơi như giúp xứ, giúp cộng đoàn, giúp mái ấm... nhưng không nghĩ lại có ngày lại được phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid. Đây không chỉ là một trải nghiệm, mà là một cơ hội để lan tỏa yêu thương của chính mình cho mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Nt Têrêsa Nguyễn Thị Dung - Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế - cảm nhận:

Khi nhìn bệnh nhân đau khổ như hình ảnh Chúa Giêsu chịu trên Thập Giá, mình phải làm gì đó để chia sẻ sự đau khổ của anh chị em mình đang chịu…

Nt Maria Nguyễn Thị Thùy Linh - Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm:

Tôi học được nơi bệnh nhân sự kiên trì chống chọi với căn bệnh, kiên trì để tập thở khí trời, kiên trì để tập luyện, kiên trì để được sống.

Nt Têrêsa Nguyễn Thị Hoàn - Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời - đã chia sẻ nỗi xúc động khi lần đầu tiên chứng kiến một bệnh nhân nhiễm Covid qua đời:

Nt Têrêsa Nguyễn Thị Hoàn
Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời

Con đã quỳ gục xuống vì cảm nhận nỗi bất lực trước dịch bệnh. Khi các điều dưỡng đưa ông bệnh nhân ra thang máy xuống nhà xác, con bần thần không biết làm gì. Một bác sĩ đến vỗ vai con và nói: ‘Cụ ông đã điều trị tại đây gần 3 tháng rồi sơ ơi, sơ bình tĩnh lại đi. Điều cần làm bây giờ là cầu nguyện cho ông’. Khi nghe vị bác sĩ nói như thế, con có phần an tâm hơn đôi chút. Tuy nhiên con vẫn không thể tiếp tục làm bất cứ một việc gì vào lúc đó được. Và ca trực hôm đó, con đã phải ra về sớm hơn…

Lm Phêrô Trần Ngọc Niên - Dòng Anh Em Hèn Mọn - cho biết:

Lm Phêrô Trần Ngọc Niên
Dòng Anh Em Hèn Mọn

Tỉnh dòng đã gửi đi 37 tu sĩ, trong đó có các em mới tìm hiểu, một số là thỉnh sinh. Cảm thương các bệnh nhân không được chăm sóc, anh em đã đăng ký và xin phép gia đình tạm dừng việc học để bước vào ‘thực tế’. Qua một tháng, các em trưởng thành lên rất nhiều. Các em mang tinh thần của Thánh Phanxico Assisi, phục vụ bệnh nhân rất tận tình…

Tu sĩ Phêrô Hoàng Khanh Nguyễn Văn Hải - Dòng Đức Mẹ Người Nghèo - nhận định:

Khi chứng kiến nhiều bệnh nhân ra đi vĩnh viễn, ta sẽ muốn nhắn nhủ với nhau rằng: Cuộc sống con người rất mong manh, nên hãy tận dụng thời gian mà sống với nhau cho tốt để đem lại hạnh phúc cho nhau...

Lễ ‘Tri ân’

Khởi sự buổi lễ ‘Tri ân’ vào lúc 9g, nhóm các TNV đã cùng múa cử điệu bài “Đưa con đi” của Phan Mạnh Quỳnh, khiến cho bầu khí buổi lễ thật sôi động.

Tiếp theo, Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid 19 - trình bày:
 
Ba tháng vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận 3.800 bệnh nhân nhiễm Covid rất nguy kịch. So với các Trung tâm hồi sức khác, thì cơ sở này lớn nhất. Qua 3 tháng, có 2.500 bệnh nhân được xuất viện, 2/3 xuất viện thẳng (từ bệnh viện về thẳng nhà), 1/3 bệnh nhẹ hơn chỉ cần thở oxy, nên chuyển về bệnh viện tầng dưới. Tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân không may, vì chúng ta là bệnh viện tuyến cuối.

Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn

Cuối tháng Tám, số bệnh nhân tử vong đã giảm rất nhiều. Trước đó, có ngày ký tới 50 ca qua đời. Bây giờ còn khoảng 8 đến 10 ca, hay còn thấp hơn nữa. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn thể lực lượng nhân viên bệnh viện.

Số tử vong toàn thành phố đã giảm. Thời gian cao điểm cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, có những ngày toàn thành phố có từ 5 đến 6 ngàn ca một ngày, trung bình tử vong hơn 2 ngàn ca 1 tuần, có đỉnh điểm lên 300 ca tử vong trong 1 ngày. Hiện tại, như ngày hôm qua, chỉ có khoảng hơn 1 ngàn người mới mắc Covid. Số tử vong trong tuần qua là 600 ca (30%).

Hiện nay tại Bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid-19, bệnh nhân chỉ còn phân nửa so với trước đây. 2.800 lượt cán bộ, nhân viên đã đến công tác tại bệnh viện Bệnh viện trung ương, thành phố, các trường đại học, các tổ chức thiện nguyện.

Riêng về TNV, có 387 lượt TNV đến từ Công Giáo, chiếm một tỉ lệ rất lớn. Thành công của bệnh viện là ở mô hình chăm sóc toàn diện. Bệnh nhân nặng phải chăm sóc 24/24. Tất cả đều làm việc theo nhịp độ 3 ca 4 kíp (hôm nay ca sáng, ngày mai ca chiều, ngày tới buổi tối, ngày tiếp nghỉ). Về mặt sinh học, giờ giấc làm việc như thế rất khó khăn cho chúng ta.

Ngoài chăm sóc điều dưỡng, còn phải chăm sóc về tâm lý, vật lý trị liệu, vệ sinh cá nhân. Vì thế, nếu không có lực lượng TNV tôn giáo thì bệnh viên không thể trụ nổi cho đến ngày hôm nay.

Kết thúc phần trình bày của mình, bác sĩ Lê Anh Tuấn đã cảm ơn các TNV và các lãnh đạo các cấp.

Tiếp lời bác sĩ Tuấn, Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - phát biểu:

Bà Phan Kiều Thanh Hương
Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM
Lời bài hát và những cử điệu mà các TNV vừa trình bày đã mang đến sứ điệp lan tỏa tình yêu của Chúa, nhờ sự hiến dâng tuổi trẻ với bao khát vọng, trong từng bước chân yêu thương. Kết quả của hành trang yêu thương ấy là sự vững tin cho đến ngày hôm nay. Hôm nay chúng ta ra về với kết quả là bệnh nhân xuất viên nhiều hơn, số tử vong giảm đi. TNV là mắt xích quan trọng, nói lên trách nhiệm của người công dân. TNV không ngại dấn thân. Đặc biệt, các TNV đã cầu nguyện cho các bệnh nhân không may qua đời, làm ấm lòng người nhà của các bệnh nhân.

Nt Matta Hoàng Thị Thúy - Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ - thay mặt các TNV đã nói lên lời cảm ơn:

Nt Matta Hoàng Thị Thúy
Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ

Cám ơn Đức Tổng Giám mục Giuse, với tấm lòng mục tử của Chúa Kitô, đã có quyết định táo bạo là mở rộng cánh cửa Giáo Hội đến biên cương phục vụ mới, qua việc mời gọi anh chị em tu sĩ chúng con làm thiện nguyện để giúp đỡ các bệnh nhân Covid. Chúng con cảm nhận thật sâu sắc rằng: từng người chúng con đang được sống dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu cách sống động, khi được là người thân, là người nhà các bệnh nhân, trong khi hiện diện kề bên để chăm sóc, ủi an nâng đỡ họ.

Chúng con cũng xin cảm ơn cha Giuse Đào Nguyên Vũ, cha Giuse Trần Hòa Hưng, sơ Minh Nguyệt và các vị đại diện Đức Tổng đã luôn quan tâm đến thăm hỏi và động viên chúng con trong suốt hành trình phục vụ.

Còn về phần các anh chị em trong nhóm TNV chúng con, chắc hẳn mỗi người đều trở về với tâm tình biết ơn sâu sắc dành cho nhau. Trong thời gian qua, chúng con đã cùng nhau nỗ lực sống lời kinh Lạy Cha cách thâm sâu nhất khi phục vụ mọi người như phục vụ chính anh em ruột thịt, con của cùng một Cha trên trời. Chúng con đã trải qua đủ mọi thứ cung bậc xúc cảm trên vùng đất thánh của Bệnh viện Dã chiến. Có người chị em trong nhóm thiện nguyện đã chia sẻ: tất cả mọi bệnh nhân đều như là người thân của chúng con. Là người thân, chúng con chẳng muốn từ chối bất cứ nhu cầu nào. Là người thân, chúng con không có thời gian để suy nghĩ, tính toán sạch dơ, nhưng chỉ muốn làm mọi sự “để họ được sống và sống dồi dào”.

Lời cảm ơn cuối cùng và đặc biệt, chúng con xin gửi đến các bệnh nhân Covid mà chúng con được trực tiếp phục vụ. Trong khi cùng họ đối diện trước cửa tử, thấy được những quằn quại đau đớn, những ánh mắt lo lắng sợ hãi, những chiến đấu ngoan cường vì sự sống, được chia sẻ những trăn trở, hối tiếc, và cả biết bao dự định còn dở dang..., chúng con chạm đến sự linh thánh của mầu nhiệm sự sống, hiểu được ý nghĩa đời người. Chúng con mang trong mình những câu chuyện buồn và cảm giác bất lực khi phải liên tục chứng kiến các bệnh nhân lần lượt ra đi… Tuy nhiên, chúng con cũng được ban niềm hạnh phúc khi được chứng kiến các bệnh nhân chiến thắng tử thần, trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Bởi sự sống là một quà tặng, nên đời sống là một lời tạ ơn, đời Kitô hữu là một lời tri ân. Chúng con thấy mình được nhận biết bao ơn lành và đời sống của chúng con cần phải tiếp tục được lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, lòng tín thác và hy vọng. Chúng con tiếp tục cầu xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân, và xin phó thác họ cho lòng thương xót Chúa.

Cuối cùng, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Tòa Giám mục TGP Sài Gòn - có đôi lời với TNV:
 
Lm Giuse Đào Nguyên Vũ
đại diện Tòa Giám mục TGP Sài Gòn
Hôm nay chúng ta được đón về rất ấn tượng so với các lần trước đi đón các TNV. Chúng ta thấy trên bảng chào đón các anh chị em trở về có chữ “Tri ân”. “Tri ân” là từ Hán Việt: Tri là biết là nhớ. Tôi chắc rằng, chúng ta sẽ mang về nhà rất nhiều kỷ niệm hữu ích cho cuộc đời tu trì và dâng hiến của mình.
 
Trong bài báo cáo của CDC Hoa Kỳ, bà Rochelle Walensky - tiến sĩ, giám đốc CDC Hoa Kỳ - có nói: “Với dữ liệu hiện nay, thì chưa biết khi nào đại dịch mới chấm dứt. Điều quan trọng nhất để thích ứng với dịch là phải thay đổi hành vi sống của chúng ta. Không thể sống như trước được nữa, không thể mặc kệ như trước được nữa.”

Như sơ Hoàng Thị Thúy vừa chia sẻ, “Ra tuyến đầu, ta sẽ xác định rõ ai là anh chị em của mình, ai là người thân của mình.” Khi phục vụ họ, chăm sóc họ, ta xác định: không phải là mình đang cho họ cái gì, nhưng chính là mình đang nhận, mình đang cảm nghiệm được đức tin cao quý chính là yêu thương. Mình muốn cho họ được yêu thương. Cho dù họ giàu hay nghèo, họ có địa vị hay không, họ ở đâu đi nữa, thì khi họ đau bệnh, chúng ta cũng phải yêu thương họ, để họ cảm nhận được yêu thương.

Những dịp gần đây không hiểu vì lý do gì mà Mặt Trận thường chọn thời điểm đón quân và tiễn quân vào những ngày rất là ấn tượng. Hôm nay 13-10, bên Giáo Hội Công Giáo nhớ về Đức Mẹ Maria hiện ra ở Fatima khi hoàn cảnh thế giới đang đau khổ, đang chiến tranh loạn lạc. Đức Mẹ an ủi người dân, và gửi đi một thông điệp rất quan trọng cho anh chị em tu sĩ: đó là sám hối. Sám hối không phải là biểu lộ sắc mặt sầu muộn hay túng thiếu, nghèo khó, mà sám hối chính là trở về với bản năng rất đẹp, sống như một trẻ thơ không có tì ố hay tì vết gì. Ngày hôm nay thật ấn tượng: Sám hối là trở về với cuộc sống được xem là “bình thường mới”. Nó bình thường, nhưng chúng ta sống với một tâm thế mới thì gọi là “bình thường mới”, trong sự ý thức những gì đã nhận lãnh được. Bao lâu nay chúng ta hít thở, đi đây đi đó cách tự do mà chúng ta không thấy quý. Kể cả đi lễ cũng không thấy quý. Khi giãn cách thì tất cả trở nên trân quý…

Kết thúc phần chia sẻ của mình, Lm Giuse cho các TNV biết:

Đức Tổng rất là hãnh diện ‘khoe’ về anh chị em, về công việc anh chị em đã làm. Sứ mệnh của anh chị em là đưa tất cả mọi thành phần xã hội đến gần nhau hơn. Khi cần, chúng ta luôn sẵn sàng xả thân gánh vác, chung tay gánh vác với xã hội.

Chúng ta nghe nói Thành phố ta sẵn sàng phục vụ cho cả nước, vì cả nước, nên khi Thành phố này rơi vào tình trạng như hôm nay, cả nước đã hướng về Thành phố ta, ví dụ trong dự án ‘Thương quá Sài Gòn ơi', cả 27 giáo phận đã hướng về Thành phố ta khi chúng ta gặp nhiều khó khăn nhất.

Giáo phận của chúng ta từ ngày 22-7 đã bắt đầu có tu sĩ đi ra tuyến đầu phục vụ. Sau đó, Giáo phận Xuân Lộc, Giáo phận Phú Cường, Giáo phận Bà Rịa... cũng đã có lực lượng anh chị em ra phục vụ nơi tuyến đầu. Chúng ta hãy nhớ những kinh nghiệm rất quý báu này. Hãy ôm ấp những kỷ niệm không mấy ai có. Xin chúc mọi người sống bình an mạnh khoẻ, và hy vọng không còn phải gặp nhau ở Dã Chiến nữa…

Sau khi tham dự buổi lễ, các TNV được đưa về nơi nghỉ ngơi và cách ly tập trung tại Tu hội Bác Ái Cao Thái. Sau một tuần, họ sẽ được xét nghiệm lại một lần nữa; nếu có kết quả âm tính, họ mới trở về nhà dòng của mình.

Bài & Ảnh: Sơn Nữ SPC (TGPSG)

(WGPSG)
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 14.10.2021
tại nhà thờ Tân Phước. 
 

TIN NHẮN BẤT NGỜ THỜI COVID

TIN NHẮN BẤT NGỜ THỜI COVID

TGPSG -- Cả gia đình chuẩn bị cho giấc ngủ, vì đêm đã khuya. Bất chợt điện thoại di động rung lên. Một tin nhắn bất ngờ đến từ Facebook: “Cháu Lan con Dũng Lài đây, cậu ơi!”

Tôi nhắn tin trả lời: “Vâng, cậu đây! Sao cháu liên lạc vào giờ này?”

Đợi tin nhắn hồi âm tiếp nhưng không thấy, tôi bèn gọi điện. Chuông đổ liên hồi, không thấy trả lời. Tôi tiếp tục gọi và kiên trì chờ đợi. Sau thời gian khá lâu, có tiếng trả lời với giọng nói run run có chút lo sợ: “Dạ dạ dạ…. cháu bị Côvít F0 rồi, cậu ơi!” Và cháu im lặng.

Tôi đợi xem cháu nói gì nữa không. Đợi hơi lâu không thấy nói gì, tôi biết cháu sợ nên khuyên: “Cháu bình tĩnh! Đừng sợ, trả lời cậu nhé! Cháu đang ở đâu? Ở với ai?”

Nghe giọng nói run run: “Dạ dạ dạ… Cháu ở Làng Đại Học Thủ Đức! Lúc đầu cháu ở chung phòng 8 người; một mình cháu bị Côvít F0; 7 người còn lại đều âm tính. Nay cháu ở phòng cách ly 9 người bị Côvít F0: có người già, người trẻ hơn cháu, và cả trẻ em nữa. Người thì ho sốt; có người cả ho cả sốt; cháu cũng vừa mới sốt xong!”

Nghe cháu nói, tim tôi nhói đau như có vật gì đâm vào làm tôi lặng đi hồi lâu mới hỏi được cháu: “Hiện giờ phòng cháu có gì để ăn? Có thuốc để uống, để phòng dịch chưa?” Cô bé trả lời: “Dạ dạ dạ… Trong phòng không thấy gì ngoài chai dầu gió đã cạn kiệt; 8 người trong phòng và cả cháu, ai cũng mở miệng chai dầu gió đó ra và ‘hôn vào nó’. Cháu mới vào nên rất lo, không biết bệnh của cháu rồi sẽ ra sao?”

Biết cháu sợ, tôi động viên: “Cháu đừng sợ, yên tâm mà điều trị, ngoài này có người hỗ trợ cháu!” Tôi hỏi tiếp: “Vậy thức ăn, thức uống ở khu cách ly thế nào?” Cháu trả lời: “Dạ ở khu cách ly này, đến buổi có phát cơm, nhưng đến 12g hay 13g30 mới nhận được cơm trưa. Nhiều khi đói run cả người nhưng không có cái gì để ăn?” Sao tội nghiệp thế!

“Cháu không còn tiền để mua đồ ăn sao?” - tôi hỏi. Cháu trả lời: “Cháu còn ít tiền nhưng không quen ai síp được đồ ăn vào. Ở khu cách ly không phải ai cũng vào được; tiền síp đắt gấp hai, gấp ba, có khi gấp bốn, gấp năm tiền mua thức ăn, và đưa đến rất khó. Các chốt ra vào không cho người di chuyển. Đêm đã khuya, cháu không biết liên lạc với ai nên nhắn cho cậu!”

Tôi trả lời: “Vâng! Cháu nhắn tin cho cậu là đúng rồi! Nhưng cháu phải báo cho bác sĩ để họ giúp cháu!” Cô bé ngập ngừng hồi lâu rồi nói: “Cháu sợ lắm, cháu sợ làm phiền nhiều người…”

Tôi ngắt lời cháu: “Sao cháu nghĩ thế? Cháu nghĩ không đúng. Cháu không báo cho gia đình, người thân biết cháu bị F0, thì cháu phải cho bác sĩ biết. Như thế bác sĩ mới giúp được cháu!” Cô bé tâm sự: “Cháu biết, nhưng cháu sợ mọi người lo. Sợ làm phiền nhiều người, sợ lây bệnh qua người khác, nên cháu tự ý quyết định gắng chịu một mình. Cháu nghĩ tự chăm sóc cho chính mình được. Không ngờ vào khu cách ly lại gặp khó khăn như thế!”

Giờ thì cháu Lan đã cho phép tôi nối máy nói với nhiều người về chuyện cháu Lan bị nhiễm Côvít. Tôi và cháu Lan đã kết nối với nhiều người khác bằng cách gọi điện thoại nhóm trên Facebook. Thế là ‘nhóm Facebook gia đình của tôi’ được ra đời. Mỗi người trong gia đình Facebook đều biết cháu Lan đang bị F0, ở nơi cách ly, biết điều Lan lo lắng và biết tình hình sức khỏe của Lan, nhờ đó, mọi thành viên trong gia đình đều quan tâm, quây quần bên Lan, làm cho Lan vui hơn.

Tôi bảo Lan kết bạn Facebook với một linh mục có ‘ních nêm: Âm Thầm Nẩy Mầm’. Vị linh mục này chuyên hỗ trợ cho người bị F0. Còn cháu Thủy gửi cho cháu Lan ‘ních nêm’ Facebook của chị Hồng Nghĩa để chị hỗ trợ thuốc cho cháu Lan.

Và thế là mọi thành viên trong gia đình, từ cậu bé hai tuổi đến cụ già tám mươi tuổi, đến vị linh mục, đến cô Hồng Nghĩa… tất cả đều dâng lời cầu xin cho cháu Lan sớm phục hồi sức khỏe.

Lời nguyện bắt đầu từ cậu bé hai tuổi, cậu tự quỳ gối lên và nguyện rằng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chị Lan của con sớm được khỏi F0, bây giờ…”; và mọi người tiếp nối dâng lời cầu xin cho cháu Lan sớm thoát khỏi F0.

Lời cầu xin của gia đình Facebook đã chạm đến Lòng Từ Ái của Chúa. Sau 13 ngày cách ly, cháu Lan không còn ho và lên cơn sốt nữa. Cháu được test kiểm tra lại: thật ngạc nhiên, cháu Lan từ F0 nay trở về âm tính hoàn toàn và được chính thức trở về phòng trọ với mọi người.

Xin chân thành cám ơn những tấm lòng nhiệt thành trong lời nói và hành động, đã góp phần xây dựng cuộc sống thực tại đầy Tình Trời, Tình Đời và Tình Người.

Dẫu rằng cuộc sống đầy khó khăn, dịch bệnh hoành hành, lòng người chao đảo, nhưng lời nói, việc làm, lòng nhiệt thành, những hy sinh quảng đại của quý vị đã làm cho Tin Mừng được sáng tỏ nơi nơi!

Tôi viết dòng chữ này trong thời khắc người dân Việt Nam đang “hồi hương” trên đất nước mình. Dòng người về quê ào ào như thác đổ. Nỗi đau trải dài trên vô số kiếp người. Hầm Hải Vân đã mở cửa cho dòng xe máy, xe thô sơ, và cả người đi bộ tiến vào. Niềm vui mừng sung sướng xiết bao, vì tránh được cảnh người dân vượt đèo cheo leo trong đêm dông bão. Quyết định ấy có tính nhân văn và mang nhiều tính nhân đạo. Dù biết rủi ro có thể xảy ra nhưng vẫn mở cửa hầm để cứu giúp cụ già, bà bầu và trẻ thơ măng sữa. Nhìn dòng người hồi hương với hai hàng lệ ứa mà nỗi đau thấm nhập tâm can. Rất may có những đồng bào địa phương cảm thương tiếp đón, giúp đỡ…

Cầu mong sao cho đất nước sớm trở lại bình an, cho dân tình mau thoát cơn hoạn nạn và Tin Mừng được tỏa rạng khắp quê hương Việt Nam này!

Sài Gòn, tháng 10 năm 2021
Đoàn Văn Sơn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 14.10.2021


Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Năm, ngày 14.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VATICAN PHỔ BIẾN TÀI LIỆU GIÚP CÁC GIA ĐÌNH LẦN HẠT MÂN CÔI

VATICAN PHỔ BIẾN TÀI LIỆU 
GIÚP CÁC GIA ĐÌNH LẦN HẠT MÂN CÔI

Hồng Thủy

Vatican News (13.10.2021) - Trong tháng 10, tháng Mân Côi, Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống và Mạng lưới Cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo hoàng đã phổ biến tài liệu điện tử “Kinh Mân Côi cho gia đình” để giúp các gia đình cầu nguyện bằng kinh Mân Côi.

“Kinh Mân Côi cho gia đình” là một cuốn sách điện tử, được sử dụng miễn phí, có thể sử dụng với chuỗi Mân Côi điện tử eRosary Click to Prayer, có các hình minh họa về các mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi, những câu trích dẫn từ tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu), được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành năm 2016, và các câu hỏi nhắm đến việc chia sẻ về đức tin trong gia đình.

Đức Hồng y Kevin J. Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống nói: “Tôi mời tất cả các bạn sử dụng chuỗi hạt Mân Côi này để chúng ta không bỏ lỡ cơ hội củng cố tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, người Mẹ trên trời của chúng ta. Các bài suy niệm rất ngắn gọn, được lấy từ tông huấn Amoris Laetitia và kèm theo những câu hỏi ngắn và hình ảnh có thể giúp các bạn suy tư về đức tin, ngay cả với trẻ em”.

Sách điện tử dài 21 trang hiện có trên Amazon Kindle và Google Play Books cũng như trực tuyến từ trang web www.laityfamilylife.va bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Bồ Đào Nha.

Nhiều câu hỏi liên quan đến một sự kiện trong đời sống của Thánh Gia và khuyến khích các bậc cha mẹ chia sẻ điều gì đó về kinh nghiệm của họ.

Ví dụ, sau khi cầu nguyện mầu nhiệm thứ ba mùa Vui - Chúa Giêsu sinh ra - các bậc cha mẹ được hỏi, “Bạn cảm thấy thế nào khi biết mình trở thành cha mẹ? Bạn có cảm giác thế nào khi chào đón con cái đến với thế giới?”

Hoặc, sau mầu nhiệm thứ ba mùa Thương - Chúa Giêsu đội mão gai - các thành viên trong gia đình được hỏi, “Tôi phải đối xử với các thành viên trong gia đình tôi như thế nào khi họ không làm như tôi đã mong đợi? Tôi có chấp nhận họ không? Tôi có tức giận không? Tôi có coi thường chế giễu không? Tôi có kiên nhẫn không?” (Ucanews 13/10/2021)

(WHĐ)

THƯ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA: SỐNG ĐỨC TIN THỜI ĐẠI DỊCH


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

THƯ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA:
SỐNG ĐỨC TIN THỜI ĐẠI DỊCH

Anh chị em thân mến,

1. Theo thông lệ, Hội đồng giám mục họp Hội nghị thường niên kỳ II vào tháng 10 hằng năm. Năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp và khó lường, chúng tôi không thể họp mặt trực tiếp, thay vào đó là Hội nghị trực tuyến. Từ Hội nghị này, chúng tôi xin gửi đến tất cả anh chị em lời chào thân ái trong Chúa Kitô, đồng thời xin chia sẻ với anh chị em một số gợi ý và đề nghị cho đời sống đức tin của chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay.

Từ khi đại dịch xuất hiện cuối năm 2019, không những chúng ta nhìn thấy mà còn trải nghiệm những tác hại khủng khiếp về mọi mặt của dịch bệnh trên đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Chúng tôi xin chia buồn với các gia đình đã mất đi người thân trong đại dịch, hợp ý cầu nguyện cho người quá cố và xin Chúa ban ơn nâng đỡ anh chị em trong lúc đau buồn. Chúng tôi cũng thường xuyên nhớ đến những anh chị em đang bị nhiễm bệnh, xin Chúa ban cho anh chị em sức khỏe xác hồn để vượt qua giai đoạn thử thách này.

Cùng với những tác hại về thể lý và tâm lý, đại dịch cũng gây tác động tiêu cực trên đời sống đức tin của chúng ta. Dịch bệnh kéo dài khiến người tín hữu không thể trực tiếp tham dự các cử hành phụng vụ tại nhà thờ, mất đi sự nâng đỡ của cộng đoàn trong Giáo Hội, và nhiều người cảm thấy nao núng trong niềm tin vào tình yêu của Cha trên trời.

2. Hiện nay đã có những tín hiệu tích cực về khả năng kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên không ai có thể khẳng định khi nào sẽ chấm dứt. Từ góc nhìn đức tin, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy sống thời gian này như Mùa Chay đặc biệt trong đời sống Kitô hữu. Trong Mùa Chay truyền thống, ba việc đạo đức căn bản mà Giáo Hội kêu gọi chúng ta thực hiện là cầu nguyện, chay tịnh, và làm việc bác ái (x. Mt 6,1-18). Đây cũng là những việc cần làm trong thời dịch bệnh.

Trước hết là cầu nguyện. Trong mùa dịch, mọi người trong gia đình có cơ hội ở gần nhau nhiều hơn, vì thế anh chị em hãy củng cố việc cầu nguyện sớm tối, lần hạt Mân Côi trong gia đình, nhờ đó mọi người trong nhà gắn kết với nhau hơn trong Chúa, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay như thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy vui mừng vì có niềm hi vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và hãy chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12).

Cùng với cầu nguyện là chay tịnh. Trong thời dịch bệnh, mọi người phải chấp nhận những hạn chế về ăn uống, vui chơi giải trí. Thay vì chỉ coi đó như sự bó buộc phải chịu, chúng ta hãy nhìn những hạn chế đó như cơ hội sống chay tịnh để hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, và cầu nguyện cho những anh chị em đang phải chiến đấu với bệnh tật.

Về việc bác ái, ngày 09/07/2021, Hội đồng giám mục đã gửi thư kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy làm tất cả những gì có thể, để ứng cứu đồng bào ruột thịt đang vất vả vì đại dịch. Anh chị em đã đáp lời hết sức tích cực, Văn phòng Hội đồng giám mục và Caritas đã tiếp nhận hàng cứu trợ đến từ khắp nơi, hằng trăm linh mục, tu sĩ và giáo dân lên đường ra tuyến đầu phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra các Giáo phận đều có những hoạt động bác ái thiết thực để giúp đỡ người dân trong địa phương của mình. Những việc làm tốt đẹp trên đã tạo ấn tượng rất tốt nơi người dân cũng như các cơ quan công quyền. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các ân nhân trong cũng như ngoài nước đã góp phần vào hoạt động bác ái của Giáo Hội. Chúng tôi khuyến khích anh chị em, đặc biệt các bạn trẻ hãy tích cực tham gia những hoạt động bác ái, vì hoạt động đó giúp chúng ta mở lòng ra với tha nhân và sống đúng tư cách môn đệ Chúa Giêsu.

3. Trong thời dịch bệnh, các sinh hoạt tôn giáo tập trung bị hạn chế nhưng không vì thế mà các giáo xứ mất đi tầm quan trọng. Giáo Hội Công giáo chúng ta có lợi thế là hệ thống giáo xứ. Dù ở nông thôn hay thành thị, người Công giáo nào cũng thuộc về một giáo xứ, và trong giáo xứ, mọi người hầu như biết nhau, nhất là tại các vùng đông Công giáo. Nhờ đó, chúng ta có thể biết hoàn cảnh của nhau và nâng đỡ nhau. Hơn nữa, chúng ta còn biết cả những anh chị em không Công giáo trong khu vực và biết ai đang gặp khó khăn để tìm cách giúp đỡ.

Trong mỗi giáo xứ, linh mục đóng vai trò chính với tư cách là mục tử. Mục tử theo gương Chúa Giêsu là mục tử biết chiên (x. Ga 10,14), biết những âu lo và hi vọng, khó khăn và thử thách của chiên để đồng hành và nâng đỡ. Biết chiên còn để quy tụ và liên kết mọi thành viên sống tình tương thân tương ái trong cộng đoàn và mở ra với mọi người. Trong hoàn cảnh giới hạn do lệnh giãn cách, nhiều anh em linh mục đã có những sáng kiến cụ thể để vun trồng đời sống đức tin trong cộng đoàn, và cứu giúp những người đang chới với vì đại dịch. Chúng tôi xin cảm ơn và mong anh em tiếp tục thi hành chức năng mục tử cách nhiệt thành và sáng tạo.

4. Mùa Chay hằng năm là thời gian chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh. Cũng vậy, khi chúng ta sống trong mùa dịch như sống Mùa Chay, điều đó không có nghĩa là sống trong u buồn và chán nản nhưng là sống trong ánh sáng và niềm hi vọng phục sinh: sự sống sẽ chiến thắng sự chết, ánh sáng sẽ xua tan tăm tối. Với ý hướng đó, chúng tôi đề nghị:
  • Chúa nhật 17 tháng 10 là NGÀY TOÀN QUỐC XIN ƠN CHỮA LÀNH MÙA ĐẠI DỊCH. Các Tòa giám mục sẽ thông báo cho giáo dân trong Giáo phận chương trình cụ thể của Ngày Cầu Nguyện này.
  • Thứ Sáu 22 tháng 10 là NGÀY TOÀN QUỐC GIỮ CHAY (như Thứ Sáu Tuần Thánh), mỗi người làm một việc thiện để giúp nạn nhân đại dịch.
Ước mong anh chị em tham dự những ngày này cách tích cực, hiệp nhất trong lời cầu nguyện, xin cho mọi người sớm thoát cơn đại dịch và vui hưởng cuộc sống an lành. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi và của Thánh Giuse, Đấng Bảo trợ Giáo Hội, “nguyện xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh chị em ân sủng và bình an” (1Cr 1,3).

Làm tại Văn phòng Hội đồng giám mục Việt Nam, ngày 12 tháng 10 năm 2021

Chủ tịch HĐGMVN
(ấn ký)
TGM Giuse Nguyễn Chí Linh

Tổng thư ký
(đã ký)
GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 
 

MƯỜI HAI ĐIỀU ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ NÓI VỀ PHÁ THAI


MƯỜI HAI ĐIỀU 
ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ NÓI VỀ PHÁ THAI

Tác giả: Kathleen N. Hattrup

WGPNT (12.10.2021) - Đức Thánh cha đối diện với vấn đề phá thai trước hết trong cương vị là một mục tử và một người cha khi ngài thấy đàn chiên của mình đau khổ.

Vào ngày 01 tháng 12 năm 2020, Đức Phanxicô viết cho một số học trò cũ của mình ở Argentina về phá thai, vì quê hương của ngài đang tranh luận về khả năng hợp pháp hóa vấn đề này. Vào ngày 11 tháng 12, Hạ viện Argentina thông qua một biện pháp được Tổng thống đưa ra trước đó. Đến cuối tháng, Thượng viện tiếp tục thông qua, nghĩa là phá thai trong 14 tuần đầu của thai kỳ trở nên hợp pháp trên quê hương của Đức Giáo hoàng.

Trong thư, Đức Giáo hoàng nhắc lại điều ngài đã nói nhiều lần trước đó về phá thai, “Tôi đề nghị đặt ra hai câu hỏi: (1) Có chính đáng không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? và (2) Có chính đáng không khi thuê một kẻ giết người vì tiền để giải quyết một vấn đề?”

Sau đó, Đức Thánh cha than phiền là sứ điệp của mình không được lắng nghe. Ngài nói mình chỉ cười khi có người hỏi “Tại sao Giáo hoàng không phổ biến ở Argentina quan điểm của mình về phá thai? Thật sự, tôi đã nói cho toàn thế giới biết - cũng như cho Argentina - từ khi trở thành Giáo hoàng”.

Nói chung, người ta không biết tôi thường nói gì ... nhưng chỉ biết điều tôi nói qua các phương tiện truyền thông mà như chúng ta biết chúng chỉ đáp ứng các lợi ích cục bộ, cụ thể hay chính trị. Về vấn đề này, tôi nghĩ người Công giáo - từ giám mục cho đến tín hữu trong giáo xứ - đều có quyền biết những gì Giáo hoàng thực sự nói ... chứ không phải những gì truyền thông nói là ngài nói. Điều này như thể trò tam sao thất bản. Johnny nói với tôi rằng Janie đã nói rằng ... và cứ thế tiếp tục dây chuyền.

Vì thế, đây là mười hai điều Đức Phanxicô nói về phá thai và thai nhi.

TÔI KHÔNG THỂ IM LẶNG

Tuy nhiều người sẽ thấy khó chịu khi nghe một vị Giáo hoàng cứ lặp lại chủ đề này, nhưng tôi không thể im lặng khi hơn 30 đến 40 triệu thai nhi bị vứt bỏ mỗi năm do phá thai. Thật là đau đớn khi thấy nhiều vùng tự coi mình là phát triển lại thường thúc đẩy phá thai vì lí do những đứa trẻ ra đời bị dị tật, hoặc vỡ kế hoạch. Sự sống con người không bao giờ là gánh nặng. Nó đòi chúng ta phải đón nhận thay vì vứt bỏ... Phá thai là một sự bất công nghiêm trọng. Nó không bao giờ có thể là biểu hiện chính đáng của quyền tự chủ và sức mạnh. Nếu ta lấy quyền tự chủ của mình để đòi người khác phải chết, thì nó không khác gì một “chiếc cũi sắt” nhốt chúng ta.[1]

NÓI VỚI CÁC NHÀ KHOA HỌC

Trong các thư gửi đến Argentina, nơi đang tranh luận việc hợp pháp hóa phá thai: Cần xem phá thai là một vấn đề mang tính khoa học, để xác định xem đó có phải là sự sống hay không. Phá thai trước nhất không phải là vấn đề tôn giáo, nhưng đúng hơn là vấn đề nhân bản, liên quan đến đạo đức con người, có trước bất kỳ niềm tin tôn giáo nào.[2]

KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ TÔN GIÁO

Có hợp lý không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? Câu trả lời là không. Câu hỏi thứ hai: Có hợp lý không khi thuê một tay bắn tỉa để giải quyết một vấn đề? Không. Phá thai không phải là một vấn đề tôn giáo theo nghĩa chỉ vì tôi là người Công giáo nên tôi không được tìm cách phá thai. Phá thai là vấn đề liên quan đến con người. Nó tước đi một mạng người. Chấm hết.[3]

RU CON BẰNG BÀI HÁT ĐÃ KHÔNG CÓ DỊP HÁT

Vấn đề không nằm ở việc tha thứ, mà hệ tại ở việc đồng hành với người phụ nữ nhận thức rằng chị đã phá thai... Bởi vì nhiều lần - quả thực mọi lúc - họ gặp gỡ đứa con của mình. Và nhiều lần, khi họ khóc, đau khổ tôi khuyên họ: “Con của chị đang ở trên thiên đàng, hãy trò chuyện với nó, hãy ru nó bằng bài hát mà chị đã không hát, hoặc không thể hát”. Và nơi thiên đàng người mẹ có cách hòa giải với đưa con. Đối với Thiên Chúa, sự hòa giải đã có ở đó rồi: đó là sự tha thứ của Thiên Chúa. Ngài luôn luôn tha thứ. Nhưng lòng thương xót cũng có nghĩa là chị ấy [người phụ nữ] nên dần dần giải quyết vấn đề này.[4]

BI KỊCH

Bi kịch của phá thai. Để hiểu rõ nó, người ta phải ở nơi tòa giải tội. Nó thật khủng khiếp.[5]

SỰ SỐNG LUÔN ĐƯỢC BẢO VỆ

Tình yêu tha nhân không thể chỉ dành cho những khoảnh khắc đặc biệt, nhưng phải thể hiện luôn luôn trong cuộc sống của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi, chẳng hạn, bảo vệ người già như một kho tàng quý giá, với tình yêu thương, ngay cả khi họ gây ra khó khăn về kinh tế và bất tiện, nhưng chúng ta phải bảo vệ họ. Đây là lý do tại sao chúng ta phải hết sức có thể giúp đỡ người bệnh, ngay cả trong giai đoạn cuối. Đây là lý do tại sao các trẻ em còn trong bụng mẹ luôn được chào đón; và trên hết, đây là lý do sự sống luôn cần được bảo vệ và yêu thương, từ lúc thụ thai cho đến khi kết thúc cuộc sống cách tự nhiên. Và đây là tình yêu.[6]

NGƯỜI SPARTA THỜI HIỆN ĐẠI

Khi còn nhỏ, ở trường học, thầy cô dạy chúng tôi lịch sử của người Sparta. Tôi luôn bị ấn tượng bởi những gì họ nói với chúng tôi, rằng khi một đứa trẻ dị dạng được sinh ra, người Sparta sẽ đem nó lên đỉnh núi và ném xuống, để chúng chết. Tất cả học sinh chúng tôi đều cho rằng: “Thật độc ác!” Thưa anh chị em, chúng ta cũng làm như vậy, nhưng tàn nhẫn và khoa học hơn.[7]

HẠN TỪ “GIẾT”

Nhiều lần trong đời linh mục, tôi đã nghe những lời phản đối. “Hãy nói cho tôi biết tại sao Giáo hội phản đối phá thai? Nó là vấn đề tôn giáo sao?” - “Không, không. Nó không phải là vấn đề tôn giáo” - “Nó là vấn đề triết học chăng?” - "Không, nó không phải là vấn đề triết học”. Nó là vấn đề khoa học, bởi vì có sự sống con người ở đó và không hợp pháp khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề. “Nhưng không, trường phái tư tưởng hiện đại...” - “Nghe này, trong trường phái tư tưởng xưa và nay, hạn từ “giết” có nghĩa giống nhau!” Điều này cũng đúng với việc an tử.[8]

CÁC THẦN TƯỢNG KHÔNG THỂ MANG LẠI HẠNH PHÚC

Các ý thức hệ với những tuyên bố về điều tuyệt đối: Sự giàu có - và đây là một thần tượng vĩ đại - quyền lực và thành công, sự phù phiếm, với ảo tưởng về sự vĩnh hằng và toàn năng, các giá trị như vẻ đẹp bên ngoài và sức khỏe: Khi những cái tuyệt đối này trở thành thần tượng mà mọi thứ đều phải hy sinh, chúng là tất cả những gì khiến tâm trí bị lẫn lộn, và thay vì ủng hộ sự sống, chúng lại dẫn đến cái chết. Thật là khủng khiếp khi nghe đến, và thật là đau đớn cho tâm hồn: Nhiều năm trước, có lần tôi nghe ở Giáo phận Buenos Aires: một phụ nữ tốt - rất xinh đẹp - khoe khoang về nhan sắc của mình. Cô ấy nói, như thể đó là điều tự nhiên: “Đúng vậy, tôi phải phá thai vì vóc dáng của tôi rất quan trọng”. Đó là những thần tượng lôi kéo bạn xuống con đường sai trái, và không mang lại cho bạn hạnh phúc.[9]
 
KHÔNG CÔNG BẰNG CHO PHỤ NỮ

Một số người trải qua bi kịch phá thai với nhận thức hời hợt, như thể không nhận ra tác hại vô cùng từ hành vi này. Mặt khác, nhiều người khác dù trải qua khoảnh khắc này như một thất bại nhưng họ nghĩ rằng mình không còn lựa chọn nào khác. Tôi nghĩ cách riêng về tất cả những phụ nữ đã buộc phải phá thai. Tôi biết rõ áp lực đã khiến họ đi đến quyết định này. Tôi biết rằng đó là một thử thách hiện sinh và luân lý. Tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ mang trong lòng vết sẹo của quyết định khổ sở và đau đớn này. Những gì đã xảy ra là vô cùng bất công; tuy nhiên, chỉ khi thấu hiểu bản chất của nó mới có thể giúp người ta không đánh mất hy vọng.[10]

CON NGƯỜI BỊ VỨT BỎ

Thật không may, những thứ bị vứt bỏ không chỉ là thức ăn và những đồ vật không cần thiết, mà thường là chính con người, họ bị vứt bỏ vì “không cần thiết”. Ví dụ, thật đáng sợ khi nghĩ đến cả những đứa trẻ, nạn nhân của phá thai, chúng sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng ban ngày...[11]

GIÁO HUẤN RÕ RÀNG CỦA GIÁO HỘI

Phóng viên: Ngài không nói gì về phá thai, về hôn nhân đồng giới. Tại Brazil, một đạo luật đã được thông qua nhằm nới rộng quyền phá thai và cho phép kết hôn giữa những người đồng giới. Tại sao ngài không nói về những vấn đề này?

Đức Giáo hoàng Phanxicô: Giáo hội đã nói khá rõ ràng về vấn đề này. Tôi không cần thiết phải nhắc lại, cũng như tôi không nói về gian lận, dối lừa, hoặc những vấn đề khác mà Giáo hội đã giảng dạy rõ ràng! […]

Phóng viên: Nếu có thể hỏi, vậy lập trường của Đức Thánh cha là gì?

Đức Giáo hoàng Phanxicô: Là lập trường của Giáo hội. Tôi là con cái Giáo hội.[12]

ĐCV Sao Biển chuyển ngữ 
 
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 13.10.2021