Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC NGÀY 16.10.2021


THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC 
NGÀY 16.10.2021

TGPSG -- “Linh mục là người có tương quan đặc biệt với mọi người chung quanh”.
 
Đức Tổng Giám mục Giuse (Đức Tổng Giuse) Nguyễn Năng đã nhấn mạnh như thế khi ngài chủ sự Thánh lễ phong chức linh mục cho 19 thầy phó tế thuộc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (ĐCV) vào lúc 8g30 ngày 16/10/2021 tại Nhà Nguyện Đại Chủng viện Thánh Giuse.

Vì tình hình dịch bệnh nên các hoạt động tập trung còn bị hạn chế. Do đó, chỉ có Đức Tổng Giuse, các ông bà cố của các tiến chức, các linh mục và các chủng sinh tham dự Thánh lễ.

Thánh lễ khởi sự với đoàn rước từ cuối nhà thờ tiến lên Cung thánh, bao gồm: Đức Tổng Giuse, Lm Tổng Đại diện Inhaxiô, 9 vị linh mục đồng tế và 19 vị tiến chức.

Trong phần bài giảng, Đức Tổng Giuse đã chia sẻ: “Bí tích Truyền chức biến đổi người phàm thành mục tử của Chúa. Từ khi trở thành linh mục, các ngài là những người có tương quan đặc biệt với mọi người chung quanh.

Lời Chúa hôm nay nhắc đến ba tương quan:
  • Tương quan với Giáo Hội: Như Môsê cùng các kỳ mục được Chúa trao quyền lãnh đạo Dân Chúa, các Linh mục cũng được Chúa chọn để phục vụ dân Chúa dưới quyền của Đức Giám mục và được cùng với các Giám mục tham dự vào chức Tư tế viên mãn trong sự hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo Hội.
  • Tương quan với cộng đoàn Dân Chúa: Như Đức Kitô - vị thủ lãnh của Giáo hội - và các môn đệ đã phục vụ Dân Chúa thế nào thì mỗi linh mục cũng phải phục vụ Dân Chúa theo đúng chức năng và đặc sủng của mình như vậy.
  • Tương quan với Chúa: Như Đức Kitô Phục Sinh đã thổi hơi ban Thần Khí cho các Tông đồ trước khi sai các ông đi rao giảng, các tiến chức sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần cũng phải thi hành sứ mạng của Chúa Giêsu, không được làm theo ý riêng.
Xin Chúa Thánh Thần đậu trên các tiến chức để các tiến chức nhiệt tình phục vụ và thực hiện sứ mạng của Chúa Giêsu hầu thu lượm được những kết quả tốt đẹp.”


Sau bài giảng là nghi thức phong chức linh mục, gồm 3 phần: nghi thức mở đầu, nghi thức chính yếu và nghi thức diễn nghĩa.

  • Trong nghi thức mở đầu, Lm Giám đốc ĐCV giới thiệu 19 ứng viên sẽ được tiến chức linh mục. Đức Tổng Giuse đã chấp thuận. Sau đó là phần thẩm vấn các tiến chức: Từng tiến chức quỳ xuống, đặt đôi tay trong tay của Đức Tổng Giuse để tuyên hứa kính trọng Đức Tổng và các đấng kế vị ngài. Kế tiếp, các tiến chức phủ phục trên Cung thánh để xin các Thánh chuyển cầu qua Kinh Cầu Các Thánh.
  • Bước vào nghi thức chính yếu, từng tiến chức tiến lên, quỳ trước mặt Đức Tổng Giuse để ngài đặt tay truyền chức và đọc lời nguyện phong chức. Cử chỉ đặt tay nói lên việc thông ban Thánh Thần và lời nguyện thánh hiến làm cho các tiến chức được tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô. Sau khi Đức Tổng Giuse đặt tay và đọc lời nguyện phong chức, các linh mục hiện diện cũng đặt tay lên các tân linh mục. Sau lời nguyện kết thúc nghi thức của Đức Tổng, các tân linh mục đã mặc áo lễ.
  • Tiếp theo là nghi thức diễn nghĩa, gồm xức dầu lòng bàn tay và trao Chén thánh cho các tân chức như dấu chỉ đón nhận các tân chức vào hàng cộng sự viên mới của Giám mục.


Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, 19 tân linh mục tiến lên trước Cung thánh, một tân linh mục đã thay mặt các tân chức nói lên tâm tình tri ân Thiên Chúa và cảm ơn Đức Tổng Giuse cùng tất cả mọi người.


Đáp từ, Đức Tổng Giuse đã chúc mừng 19 tân linh mục và các ông bà cố. Ngài cảm ơn Chúa đã ban cơ hội để các tân chức tập trung vào sứ mạng thánh hiến của mình, không bận tâm vào các nghi thức bên ngoài. Xin Chúa ban cho các tân linh mục và mọi người được bình an.


Thánh lễ kết thúc với Phép lành trọng thể vào lúc 10g35. Các tân linh mục hân hoan chụp hình lưu niệm với Đức Tổng Giuse, các linh mục và các thân nhân của mình.

Danh sách các tân linh mục
  1. Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh
  2. Phanxicô Xaviê Đào Tiến Thắng
  3. Anphongsô Nguyễn Hoàng Ngọc Anh
  4. Giuse Nguyễn Minh Duy
  5. Đaminh Trần Quang Hiếu
  6. Phanxicô Xaviê Đoàn Hữu Hòa
  7. Vinhsơn Nguyễn Vũ Hiệp Hoàng
  8. Gioan Baotixita Đặng Đức Duy Khang
  9. Giuse Phan Quốc Khánh
  10. Gioan Baotixita Trần Phước Lộc
  11. Giuse Nguyễn Hoàng Long
  12. Giuse Trần Vũ Thiên Long
  13. Giuse Phạm Thanh Tài
  14. Giuse Vũ Hoàng Thanh
  15. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
  16. Đaminh Saviô Nguyễn Sĩ Thịnh
  17. Đaminh Nguyễn Hữu Thuật
  18. Giuse Trần Văn Thực
  19. Giuse Đào Tiến Việt
Tóc ngắn
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 16.10.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 10, 35-45)


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 16.10.2021


Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Bảy, ngày 16.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TÌNH NGUYỆN VIÊN TU SĨ CHIA TAY Y BÁC SĨ BỆNH VIỆN BẠCH MAI

 
TÌNH NGUYỆN VIÊN TU SĨ 
CHIA TAY Y BÁC SĨ BỆNH VIỆN BẠCH MAI

TGPSG -- Sài Gòn đang khỏe lại, nên cũng là lúc chia tay với bao tấm lòng vàng đã tận tụy chữa trị cho mình.

Trong ngày 15-10-2021, toàn bộ y bác sĩ và nhân viện Bệnh viện Bạch Mai (BVBM) sẽ trở về Hà Nội, kết thúc thời gian phục vụ các bệnh nhân Covid tại Sài Gòn khi dịch bệnh bùng phát tại đây.

Nhân dịp này, vào lúc 9g sáng cùng ngày, tại Hội trường Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Dã chiến 16 (phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM), 33 tình nguyện viên tu sĩ (TNV) đã nói lời chia tay với các Y Bác sĩ BVBM sắp lên đường về Hà Nội. Các TNV này cũng sẽ rời ‘tuyến đầu dã chiến’ này vào ngày mai (16-10) để trở về đơn vị dòng tu của mình.

Đặc biệt hiện diện trong buổi chia tay rất cảm động này có Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc, Tiến sĩ bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn - Phó Giám Đốc, và một số Y Bác sĩ của 2 khu điều trị: Khu hồi sức tích cực của BVBM và khu thu dung của BV Hùng Vương.

Nữ tu Têrêsa Trịnh Thuỳ Linh - Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres - thay mặt cho các tu sĩ nói lên lời cảm ơn:

Thấm thoắt mà đã 2 tháng trôi qua. Từ những ngày đầu tiên đến đây - cũng là những ngày bắt đầu đi vào hoạt động của BVBM - đến hôm nay, khi đại dịch đã bớt nhiều, chúng tôi cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn khi được cùng đồng hành với BVBM vào những thời điểm khó khăn và khốc liệt nhất của TP.

Tự thẳm sâu lòng mình, chúng tôi cảm ơn BVBM đã tiếp nhận đoàn tu sĩ tình nguyện chúng tôi, để hai tháng qua, chúng tôi có cơ hội trở thành ‘đồng nghiệp’ của quý vị.

Xin cảm ơn sự chăm sóc tận tình và chu đáo của Ban lãnh đạo BVBM đến từng người, từ những nhu cầu thiết thực cho đến những món ăn tinh thần, từ những điều quan trọng đến những chi tiết rất nhỏ.

Đặc biệt, khi trong đoàn có tu sĩ chẳng may bị nhiễm bệnh, quý vị đã điều trị, chăm sóc, thăm hỏi và ân cần động viên. Tất cả sự quan tâm ấy làm cho chúng tôi cảm thấy an tâm và ấm áp vô cùng.

Giây phút này đây, chúng tôi cũng thật lòng xin lỗi và xin cảm thông, nếu trong hai tháng qua, đã có lúc chúng tôi vụng về hay thiếu sót ở một khía cạnh nào đó trong quá trình cộng tác.

Nói lời chia tay luôn là một điều khó, vì có những điều không thể diễn tả bằng lời. Đại dịch thật khủng khiếp, nhưng dù sao cũng đã gắn kết chúng ta thành người một nhà, chung một thao thức, cùng một nỗi âu lo, thực hiện cùng một sứ mạng.

Sài Gòn đang khỏe lại, nên cũng là lúc chia tay với bao tấm lòng vàng đã tận tụy chữa trị cho mình. Sài Gòn có thể đếm được số nhân viên y tế đến chi viện, nhưng không thể đếm được số giọt mồ hôi bên trong lớp áo bảo hộ. Chúng ta có thể ước lượng được bao nhiêu tấn hàng đã chuyển đến Sài Gòn, nhưng không thể cân đo, đong đếm được bao nhiêu yêu thương và tận tụy đã chuyển đến thành phố thân thương này. Giữa hiểm nguy và khó khăn, Bạch Mai đã chọn yêu thương và nghĩa tình, hy sinh và lăn xả. Giữa đại dương ‘hương vị tình người’ ấy, chúng tôi cảm thấy những đóng góp của mình thật nhỏ bé.

Thay lời cho từng người trong đoàn tu sĩ tình nguyện, tôi xin kính chúc quý vị một chuyến trở về an bình và dồi dào sức khỏe; sau những ngày vất vả nơi tuyến đầu chống dịch, được tận hưởng bầu khí đoàn viên ấm áp bên những người thân yêu trong gia đình.

Đón Xuân, Hà Nội thường gởi vào miền Nam những cành đào rực rỡ. Nay vào Thu, Hà Nội lại chuyển đến Sài Gòn - nơi tâm dịch - những ‘đóa mai trắng’ thắm đượm nghĩa tình. Những ‘đóa mai trắng’ ấy đã làm cho mùa dịch Sài Gòn bớt đau thương, san sẻ với Sài Gòn khi khốc liệt, sát cánh kề vai với Sài Gòn lúc chông chênh nhất. Sài Gòn đang khép lại những ngày bùng phát dịch bệnh. ‘Mai trắng’ lại trở về Hà Nội, nhưng vẫn còn để lại hương hoa thơm ngát. Chúng tôi - những người Sài Gòn - trân quý những ‘đóa mai’ ấy, và nhớ mãi tên gọi nghĩa tình: Bạch Mai.
 
Bài: Sơn Nữ SPC, Ảnh: TNV (TGPSG)
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 15.10.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 15.10.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

NHỚ LỜI MẸ TRĂNG TRỐI

NHỚ LỜI MẸ TRĂNG TRỐI

Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục, đó là đại úy Laly. Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins và đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến và khuyên nhủ ông để lôi kéo ông ra khỏi tội ác, nhưng tất cả mọi cố gắng của các vị đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục. Thế rồi một hôm, khi mọi người tưởng như không còn chút hy vọng gì cho kẻ tội đồ, thì Laly đã lần mò đến với một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó, ông đã thú nhận: “Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăng trối của mẹ tôi trước khi chết” (Trích từ sách Lẽ Sống).

Chỉ với một kinh Kính Mừng mỗi ngày, chúng ta đã thấy: Thiên Chúa có cách để cứu vớt và hoán cải "một cuộc đời" tưởng chừng vô phương cứu chữa. Quả thật, lời cầu nguyện đẹp ý Thiên Chúa nhất không phải là những lời bay bổng, cao siêu, dài dòng, những thứ hoa ngôn hoạt ngữ hay những lời làm cho ai đó dâng tràn cảm xúc, nhưng lời cầu nguyện đẹp là những lời cầu nguyện phát xuất từ con tim chân thành, với sự khiêm tốn nhẫn nại sâu thẳm. Và kinh Kính Mừng chính là một phương thế tuyệt hảo mà Giáo Hội luôn khuyến khích con cái mình thực hành thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.

ĐTC Phanxicô khuyên các tín hữu rằng: “Với Kinh Mân Côi, chúng ta hãy tự mình cảm nghiệm vẻ đẹp và chiều sâu của lời cầu nguyện này, là lời cầu nguyện đơn giản và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người. Trên hết, chúng ta cần được bàn tay của Đức Trinh Nữ Maria dẫn dắt để chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô: một khuôn mặt vui tươi, sáng láng, sầu muộn và vinh quang. Người nào, giống như Mẹ Maria và cùng với Mẹ Maria, cố gắng gìn giữ và suy gẫm về các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thì sẽ ngày càng đồng hóa các cảm xúc của mình và trở nên hoà hợp với Người”.

Như thế, theo lời khuyến khích của Đức Thánh Cha, cầu nguyện và suy gẫm mỗi ngày bằng kinh Mân Côi là cách để chúng ta yêu mến và nên giống Mẹ Maria của chúng ta hơn. Nhờ đó, chúng ta càng được đến gần và gắn bó hơn với Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Bệnh viện dã chiến số 12, ngày 15 tháng 10 năm 2021
Tu sĩ Jos. Lương Tùng, C.Ss.R.
 
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Têrêsa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 15.10.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

VIẾT CHO EM - NGƯỜI CHO TÔI HIỂU THẾ NÀO LÀ SỐNG

VIẾT CHO EM
NGƯỜI CHO TÔI HIỂU THẾ NÀO LÀ SỐNG

TGPSG -- Tôi biết em qua lời kể của một người bạn là nữ tu cũng đang thiện nguyện tại bệnh viện. Qua người bạn này, tôi biết em là một người trẻ, sống hiền lành chất phác và có hiếu với gia đình. Ngoài ra, em còn là người rất nhiệt huyết, luôn hăng say dấn thân phục vụ, sẵn sàng cộng tác với giáo xứ, với các nữ tu và mọi người trong các hoạt động công ích.

Trong dịp Sài Gòn giãn cách, em sẵn sàng tình nguyện mang đồ nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, cho những người khó khăn. Nhưng thật không may, em đã bị nhiễm covid và lây lan cho cả gia đình. Mặc dầu thế, em và cả gia đình không một lời than trách, phàn nàn mà hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa.

Biết câu chuyện của em và gia đình, khi đến làm việc ở ICU 2A - nơi bác sĩ và điều dưỡng đang chăm sóc em - tôi vừa thấy thương lại vừa cảm phục em - một người trẻ đầy sức sống, luôn cống hiến những gì đẹp nhất của đời mình cho cộng đồng và cho người khác. Người bạn nhờ tôi quan tâm đến em hơn một chút nhưng thật sự nhìn em, tôi không biết quan tâm cách gì ngoài việc cầu nguyện cho em và gia đình được bình an.

Sau một ngày gặp em, tôi có nhiều suy tư về thân phận con người, về covid, về sự dấn thân và tôi ước rằng em sẽ bình phục để trở về với gia đình, với giáo xứ và cộng đồng. Tôi mong với sự nỗ lực hết mình của đội ngũ nhân viên y tế và lời cầu nguyện của mọi người, phép lạ sẽ xảy ra, để tôi có thể viết một câu chuyện với cái kết có hậu cho những người tốt như em.

Nhưng hôm qua nhận được tin em đã được Chúa gọi về với Ngài, lòng tôi lắng lại… rồi tôi tự hỏi phải chăng lời cầu nguyện của mọi người dành cho em chưa thật sự sốt sắng? Tại sao một người tốt như em lại ra đi quá sớm, tại sao… và tại sao…?

Em đã ra đi khi bao dự tính của tuổi trẻ còn dở dang, sự chờ đợi ngày trở về với người thân và gia đình chưa thành hiện thực. Em ra đi âm thầm, không có người thân bên cạnh, âm thầm như cách em làm thiện nguyện, âm thầm như những hạt giống em đã gieo vãi trong cuộc đời này, gieo xuống những vùng đất em đã đi qua.

Mặc dầu nhìn bên ngoài em ra đi một mình và cô đơn. Nhưng tôi biết rằng, người thân, gia đình em và cả chúng tôi vẫn ở bên cạnh em qua lời cầu nguyện, qua tình yêu thương dành cho em. Hơn thế nữa, tôi tin rằng trong giây phút xa lìa nhân thế, em đã được các thiên thần của Thiên Chúa đón nhận. Các thiên thần đã đón em về với Cha, Người là chủ sự sống, Người như đang nói với em “Con đã làm theo ý Cha trao ban khi Cha dựng nên con”.

Quả thật, qua những câu chuyện nghe kể về em, tôi biết em đã rất thảnh thơi để tạm biệt cõi đời này, em đã sống một cuộc sống rất tuyệt vời trong sự trao ban. Em đã sống trọn vẹn lời dạy của Cha về giới luật yêu thương, về tình nhân loại và con người. Tôi viết những dòng này như lời tạm biệt và cũng là lời cảm ơn của tôi dành cho những người như em.

Cảm ơn vì em đã cho tôi biết giá trị của cuộc sống không hệ tại ở thời gian sống dài ngắn nhưng hệ tại ở việc sống như thế nào khi ta hiện hữu trong cuộc đời.

Cảm ơn vì em đã cho tôi biết rằng trong mọi hoàn cảnh sống dù khó khăn thế nào, mỗi chúng ta đều có quyền chọn lựa trao ban hay khép lại, chọn lựa dấn thân hay chỉ tích góp cho bản thân.

Cảm ơn vì em đã cho tôi cũng như những người khác can đảm hơn, âm thầm hơn và biết đón nhận hơn khi là chứng nhân của Tin Mừng.

Cảm ơn vì qua đức tin và sức sống, em cho tôi hiểu thế nào là sự sống thực, bởi vì khi trao ban sự sống cho người khác chính là lúc ta được đón nhận sự sống đời đời của Cha chúng ta - sự sống cho ta hạnh phúc viên mãn.

Cảm ơn vì em đã cho tôi hiểu rằng, những hạt giống chúng ta gieo xuống dù âm thầm nhưng vẫn sinh ra muôn vàn bông hạt. Em đã khóc trong khi mọi người vui cười vì em được sinh ra và em đã sống một cuộc đời thanh thản để rồi khi em ra đi bình an thì mọi người lại vô cùng tiếc thương. Tiếc thương và lưu luyến vì phải vĩnh biệt một con người đã luôn yêu thương người thân cũng như người xa lạ cách vô vị lợi.

Dù tiếc thương nhưng tôi cũng ấm lòng khi nghĩ về em. Ấm lòng vì giữa lúc nhiều người sợ hãi và co mình vì đại dịch thì vẫn có đó những chứng nhân của Tin Mừng như em. Tôi tin, những hạt giống em âm thầm gieo vãi sẽ tiếp tục được các bạn trẻ, tu sĩ và nhiều người tiếp tục chăm sóc và rồi nó sẽ trổ bông cho trái đất và cho mọi người.

Hoàn Phạm, Hội Thừa Sai Việt Nam
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 15.10.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Sáu, ngày 15.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021