Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

CHUNG CƯ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CƠN BÃO COVID

CHUNG CƯ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CƠN BÃO COVID

TGPSG -- Theo ‘lệnh’ của bác sĩ, chồng chị, những gia đình cách ly đã được cả chung cư hỗ trợ triệt để và họ yên tâm chữa bệnh tại nhà…

Cơn bão dịch bệnh Covid vừa rồi đã quét qua toàn thành phố, và càn quét một chung cư trên đường An Bình gần nhà thờ Thánh Giuse. Chung cư này thuộc tổ dân phố 1, có 68 căn nhà với trên 100 hộ - hơn 10 hộ là người công giáo, đa phần gốc Hoa. Tại đây, có những cụ già trên 80 tuổi đã dương tính với covid 19. Nhưng như một phép lạ, đến hôm nay không một ai phải ‘ra đi’ vì dịch.

Được bình an như vậy là nhờ nỗ lực của gia đình chị tổ trưởng tổ dân phố và sự chấp hành nghiêm chỉnh của cả khu phố. Chồng chị là bác sĩ chuyên khoa nhiễm của một bệnh viện lớn vừa nghỉ hưu, nhờ vậy, chung cư bỗng dưng có một bác sĩ tại chỗ chăm sóc cho cả chung cư.

Chị tổ trưởng đã đứng ra kêu gọi góp gạo, góp tiền, góp thuốc men, lương thực… Ai có gì góp nấy. Lạ thay, mọi người trong chung cư đều đồng lòng ủng hộ chị. Hằng ngày, gia đình chị và những tình nguyện viên trong chung cư đứng ra phân phối lương thực và nhu yếu phẩm, đưa đến từng hộ gia đình. Theo ‘lệnh’ của bác sĩ, chồng chị, những gia đình cách ly đã được cả chung cư hỗ trợ triệt để và họ yên tâm chữa bệnh tại nhà.

Trong giai đoạn phong tỏa, người ta đưa F0 đi cách ly tập trung, F1 cách ly ở nhà. Rồi đến tháng 8, giai đoạn bùng nổ F0, trong chung cư có một F0 công giáo, có bệnh nền và trên 80 tuổi, lại là người Hoa không nói được tiếng Việt, tai không nghe rõ được. Không bệnh viện nào nhận, bệnh nhân lại mặc cảm, rất khó giao tiếp. Trong bộ đồ bảo hộ y tế, Cha sở đã đến an ủi động viên. Mỗi ngày chị tổ trưởng giúp cha và người bệnh đang cách ly “hò hét” với nhau một cách khó khăn qua điện thoại bằng tiếng Hoa để trao đổi. Cha dịch lại tiếng Việt cho bác sĩ - là chồng chị tổ trưởng - ra toa thuốc. Một giáo dân trong giáo xứ tình nguyện chăm sóc vệ sinh và thuốc thang cho người bệnh. Rồi như một câu chuyện thần kỳ, bệnh nhân đã vượt qua được!

Tôi đã đến thăm chị tổ trưởng. Chồng chị từng là bác sĩ chuyên chữa bệnh cho cán bộ cấp cao. Anh cũng là người công giáo nhưng lâu rồi không đến nhà thờ. Anh chị đến với nhau và đã có hai con. Lâu nay, chị vẫn quan niệm đạo nào cũng vậy, miễn mình phải sống tốt với tất cả mọi người. Qua đợt dịch vừa rồi, cả hai anh chị đã cảm nhận và ngưỡng mộ sự quan tâm của cha sở dành cho giáo dân của mình…

05-11-202
Giuse Hân K1 (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 12, 38-44)


CHÚA ĐÓN VỀ VÀO THỜI COVID


CHÚA ĐÓN VỀ VÀO THỜI COVID

TGPSG -- Sau bao nhiêu thăng trầm, ông cũng đã được Chúa đón về nơi thân thương này…

Những ngày tăm tối

Hội chúng tôi 3 thằng con trai cũng gần U40 rồi. Bình thường hay tụ tập nói chuyện với nhau về đủ chủ đề.

Những ngày dịch tới, 3 đứa mỗi hoàn cảnh: hai đứa thì gần như ở mãi trong nhà, đứa còn lại làm trong siêu thị nên cứ phải ra đường suốt. Chúng tôi chỉ còn có thể kết nối nhau qua những ứng dụng chat thông thường.

Rồi có một đứa không may, cả nhà nhiễm và người bố bị nặng nhất. Đứa em trai đi làm ăn ở nước ngoài không thể về. Nhà chỉ có mình nó và 2 bố mẹ già. Tình hình ngày càng xấu đi, mình khuyên nó theo bố vào viện chăm cho bố, nhưng còn mẹ già ở nhà thì sao?

Thôi thì đành phó thác cho Chúa qua lời cầu nguyện! Nhưng phép lạ mình muốn đã không xảy ra, Chúa đã chọn cách mà Ngài cho là tốt đẹp nhất.

Sau cơn mưa

Sau mấy tháng giãn cách, thành phố mở cửa dần dần. Mọi thứ gần như dễ thở hơn, cả tinh thần cũng mạnh mẽ hơn so với những ngày tháng giăng dây khắp nơi.

Bố của người bạn cũng đã về trong 'hình hài mới'. Cả nhà chờ ngày được đưa ông đến nhà thờ trong một thánh lễ cầu hồn được cử hành cách trọn vẹn trong ngôi nhà thờ giáo xứ thân thương của ông.

Gia đình người bạn sống tại giáo xứ An Bình, một xứ chung của cộng đoàn Hoa - Việt. Cha chính xứ tới hỏi thăm anh bạn về người bố đã khuất. Người bố từng là quân nhân của miền Nam hết lòng vì dân vì nước. Sau giải ngũ, dù cuộc sống chật vật, bố anh bạn làm đủ nghề để vun vén gia đình. Ông cũng không quên tới nhà xứ giúp đỡ giáo hội trong khả năng của mình. Và người con trai của ông, anh bạn tôi, anh ấy cũng ra công giúp đỡ cho giáo xứ của mình.

Ngày thánh lễ được mở ra, người bạn nhờ tôi chụp giúp cho vài tấm hình kỷ niệm. Mới đầu nó còn không chịu chụp ở nhà nữa. Nhưng với sự đồng cảm nào đó, chính tôi cũng mất người thân, tôi thuyết phục bạn hãy chụp cùng với bố những tấm cuối ở nhà. Dù trong nguyên vẹn hình hài hay trong một 'hình hài khác', cũng là những kỷ niệm cuối bên nhau.

Thánh lễ đưa chân ngắn gọn. Bình thường người đã khuất ‘được hai lễ’. Tình hình đặc biệt khiến đặc ân ta tưởng là hiển nhiên giờ chỉ còn một. Số người dự cũng hạn chế do quy định phòng dịch. Bạn bè người thân trong xứ cũng dành chút thời giờ tới dự. Dù chỉ ‘một Thánh lễ’, nhưng trong bài giảng, cha chính xứ kể về cuộc đời và những cống hiến của ông với sự tưởng niệm sâu sắc. Mọi sự đã trọn vẹn với thánh lễ đưa chân và ông đã được tiễn vào nhà chờ Phục Sinh. Sau bao nhiêu thăng trầm, ông cũng đã được Chúa đón về nơi thân thương này…

Kết lễ là bài 'Đồng cỏ tươi' khiến cho tâm trí tôi cứ lặp đi lặp lại câu hát khi nghĩ về phận mỏng dòn của con người: “Đồng là đồng cỏ tươi, Chúa ban cho tôi nghỉ ngơi. Suối ngọt cỏ non xanh rì…”

Trung Kiên (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 06.11.2021


Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 31 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Bảy, ngày 06.11.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

SỰ SỐNG GIÁ BAO NHIÊU?

SỰ SỐNG GIÁ BAO NHIÊU?

TGPSG -- "Có bệnh nhân nam vừa mất sáng nay, do tâm lý bất ổn nên anh ấy đã tự tìm đến cái chết..."

Sau những ngày phục vụ tại bệnh viện dã chiến, chúng tôi được trở về cộng đoàn Bác Ái Cao Thái để "nghỉ ngơi". Với tôi, đây là cơ hội tuyệt vời để tôi nhìn lại chặng đường đã qua với Chúa và với mọi người, nhằm nhận ra những ân huệ mà Chúa đã ban cho tôi trong hành trình này.

Những ngày mới đến bệnh viện, khi sinh hoạt còn chưa ổn định, chúng tôi đã phải đón nhận tin buồn: “Có bệnh nhân nam vừa mất sáng nay, do tâm lý bất ổn nên anh ấy đã tự tìm đến cái chết”. Một cảm giác quá đỗi hãi hùng không chỉ ngay lúc đó, mà nó cứ theo tôi mãi trong suốt nhiều ngày liền. Biến cố này khiến tôi nhận ra rằng dịch bệnh không chỉ tấn công sức khỏe thể lý, mà còn hủy hoại cả sức khỏe tinh thần của con người. Nó khiến nhiều người rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng, bị khủng hoảng tâm lý, và rồi họ tự định đoạt sự sống của chính mình.

Những ngày đầu chăm sóc cho các bệnh nhân covid tại bệnh viện dã chiến đã khiến tôi cảm thấy hoang mang, vì tôi không biết mình sẽ phải làm gì để giúp họ. Nhưng chính những giờ cầu nguyện với Chúa đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, vì tôi tin rằng Chúa đang hiện diện với tôi, nhờ đó, những cuộc thăm viếng bệnh nhân cũng trở nên gần gũi và thân thương. Những tiếng cười giòn giã, những câu nói vui đùa của tôi và các bệnh nhân đã phần nào xua tan bầu không khí buồn tẻ, chán chường trước đó của họ. Tôi tạ ơn Chúa vì nhờ sức sống mới Chúa thổi vào tâm hồn của các bệnh nhân đã giúp họ yêu đời và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, đôi lúc lòng tôi lại nặng trĩu một nỗi niềm khi có những bệnh nhân trở nặng và phải chuyển viện, cùng với đó là những bệnh nhân đang sống trong cảnh thất vọng khi những ngày điều trị cứ kéo dài thêm mãi. Những lúc đó, tôi chỉ biết cầu xin Chúa ban ơn an ủi cho họ để họ can đảm đối diện với hiện tại.

Điều hạnh phúc nhất mà tôi cảm nhận được nơi bệnh viện dã chiến là mỗi khi bắt đầu ca làm việc, tôi lại được cầm trong tay danh sách các bệnh nhân sẽ xuất viện. Khi đó, đôi chân tôi như muốn lao nhanh về các phòng bệnh để báo tin vui cho họ. Không ai có thể giấu nổi niềm hạnh phúc vào lúc này. Những nỗi niềm bị chìm lắng qua những ngày dài bỗng trở nên tươi vui như những nụ hoa đang cố gắng bung mình ra để khoe sắc. Xúc động biết bao khi người mẹ ôm chầm lấy đứa con thơ bé bỏng cùng những giọt nước mắt nghẹn ngào nhưng tràn đầy vui sướng: “Mẹ con mình được về nhà rồi”. Niềm hạnh phúc đó đong đầy thêm nơi những lá thư cảm ơn viết vội, những bức tranh hồn nhiên của một bé thơ gửi cho các bác sĩ và các tình nguyện viên. Lòng tôi chợt thấy bình yên đến lạ thường và tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

Nhìn lại hành trình đã qua, tôi thấy cuộc đời con người quá đỗi mong manh, nhưng nếu mỗi người chúng ta ý thức được sự mỏng giòn của chính mình thì nó sẽ là cơ hội rất tốt để chúng ta trân trọng sự sống mà Chúa đã ban cho và sống quãng đời còn lại ý nghĩa hơn. Kinh nghiệm về sự sợ hãi trước dịch bệnh giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của kiếp nhân sinh: Tôi là ai? Tôi sống trên đời này để làm gì? Khi chết rồi tôi sẽ đi về đâu? Đây là những câu hỏi rất thực tế đang không ngừng truy vấn chúng ta. Nó giúp chúng ta hướng đến cuộc sống mới với niềm hy vọng tràn đầy vào Thiên Chúa và tình yêu thương không tính toán dành cho anh chị em đồng loại xung quanh.

Maria Đỗ Thùy Trâm, MTG Thủ Đức (TGPSG
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 05.11.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 05.11.2021 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

PHỤNG VỤ THÁNG MƯỜI MỘT 2021

 
PHỤNG VỤ THÁNG MƯỜI MỘT 2021

TGPSG -- Tháng Mười Một là tháng dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt là vào ngày 2-11.

Toàn bộ tháng 11-2021 (trừ ba ngày cuối cùng) đều nằm trong Mùa Thường Niên, được thể hiện bằng màu xanh của hạt giống nảy mầm, khơi dậy niềm hy vọng gặt hái được mùa màng vĩnh cửu trên trời, là sự sống lại hiển vinh trên thiên quốc.

Chúa nhật cuối cùng của tháng 11-2021 là Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng mới: Màu phụng vụ chuyển sang màu tím, tượng trưng cho thời gian sám hối và mong chờ Đấng Cứu Thế.

Các bài đọc Tin Mừng trong bốn Chúa nhật đầu tiên của tháng 11-2020 được trích từ Phúc âm theo Thánh Máccô, thuộc Năm B. Bài Tin Mừng Chúa nhật cuối cùng của tháng 11-2021 được trích từ Phúc âm theo Thánh Luca, thuộc Năm C.

Ý cầu nguyện của Đức Giáo hoàng

Cầu nguyện cho những người bị trầm cảm hoặc kiệt sức: Xin cho họ tìm được sự hỗ trợ và ánh sáng trong cuộc sống.

Trọng tâm của Phụng vụ

Vì tháng Mười Một nằm trong Mùa Thường Niên (sau Lễ Hiện Xuống), nên Phụng vụ trong tháng này diễn tả cuộc sống được tái tạo trong Chúa Thánh Thần, theo khuôn mẫu cuộc sống của Chúa Kitô dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Ngài.

Tháng này cũng là cuối năm Phụng vụ, chúng ta được mời gọi suy nghĩ về thời điểm kết thúc của đời ta cũng như của thế giới. Thời điểm kết thúc ấy cũng dẫn đến đỉnh cao của năm phụng vụ là Lễ Chúa Kitô Vua. Ngày lễ này khẳng định quyền lực tối cao của Chúa Kitô trên con người và các thể chế của họ. Tiếp theo, chúng ta bước vào Mùa Vọng bừng sáng với cái nhìn trực quan về việc Chúa đến trong vinh quang.

Trong tháng Mười Một này, có các ngày lễ quan trọng như: Chư Thánh Nam Nữ (1-11), Các Linh hồn (2-11), Thánh Martin de Porres (3-11), Thánh Carôlô Bôrômêô (4-11), Cung hiến Thánh đường Latêranô (9-11), Thánh Lêô Cả (10-11), Thánh Martin thành Tours (11-11), Thánh Alberto Cả (15-11), Đức Mẹ Dâng Mình (21-11), Thánh Cecilia (22-11), Thánh Anrê Dũng Lạc (24-11), Chúa Kitô Vua (24-11) và Thánh Anrê (30-11).

Ngoài ra tại Mỹ còn có lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) vào thứ Năm của tuần thứ ba trong tháng (25-11). 
 
(WGPSG)