Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TÌNH NGUYỆN VIÊN TUYẾN ĐẦU - TRỞ VỀ ĐỂ LÊN ĐƯỜNG

TÌNH NGUYỆN VIÊN TUYẾN ĐẦU:
TRỞ VỀ ĐỂ LÊN ĐƯỜNG

TGPSG -- “Anh em ơi, chị em ơi/ Đã sẵn sàng lên đường hay chưa?/ Đôi tay đâu vỗ lên đi!/ Trong Giê-su rộn ràng tiếng ca…”

Nhóm các TNV đã thể hiện nhạc phẩm “Đi tìm Giêsu” của tác giả Trường Sinh trước buổi lễ “Đón và Tri ân” 6 Tình nguyện viên (TNV).

Buổi lễ do Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM tổ chức lúc 8g30 sáng ngày 10-11-2021 tại sảnh của Khách sạn Minh Tâm (số 206 đường 3/2, Phường 12, Quận 10).

Các TNV này đã hoàn tất 2 tháng phục vụ ở Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid 19 (BVHS) tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu quận 9, gồm:
  • 5 thầy dòng Đức Mẹ Người Nghèo,
  • 1 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm.
Trong buổi lễ, bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch UB MTTQVN TPHCM - chia sẻ:

Bà Phan Kiều Thanh Hương

Các TNV vừa múa bài ‘sẵn sàng lên đường’ để cho thấy: hôm nay chúng ta kết thúc chuỗi ngày phục vụ nhưng trong tâm thế sẵn sàng lên đường.

Sau đó, bà Phó Chủ tịch đúc kết hành trình vừa qua của các TNV trong ba chữ “Duyên, Đủ và Thương”.

Chữ “Duyên”: Chúng ta có “duyên” đến được tuyến đầu trong khi nhiều người khác đã đăng ký rồi mà không đến được vì nhiều lý do: độ tuổi, văcxin… Chúng ta có “duyên” làm việc tại bệnh viện tuyến cao nhất - là BVHS chuyên sâu Covid 19 - để giành giật lại sự sống cho những bệnh nhân nguy kịch nhất. Chúng ta có “duyên” làm việc chung với nhiều tôn giáo, nhiều dòng tu, với một tấm lòng chung nối kết chúng ta lại với nhau.

Chữ “Đủ”: Thời gian không dài nhưng “đủ” để TNV làm việc hết tâm. Các TNV còn rất trẻ nhưng “đủ” nghị lực để cống hiến trong giai đoạn thành phố đang rất cần. Một số TNV đã trải nghiệm “đầy đủ” sự khốc liệt của dịch bệnh khi chính bản thân mình bị nhiễm bệnh trong khi phục vụ, để cảm thông trọn vẹn với bệnh nhân. Chữ “đủ” đó sẽ là hành trang cho các TNV trong những sứ vụ sau này.

Chữ “Thương”: Các TNV khi đi đều mang trong mình tình “yêu thương” của Chúa đến với các bệnh nhân. Kết quả của “tình thương” đó là các bệnh nhân được khỏi bệnh trở về với gia đình. Ước mong qua lời cầu nguyện hằng ngày của các TNV, “tình thương” đó tiếp tục lan tỏa nơi cộng đoàn của các TNV, góp phần xây dựng an sinh xã hội, mang lại hạnh phúc bình an cho mọi người.

Cuối bài phát biểu, bà Phó Chủ tịch cũng bày tỏ:

Các TNV đi về trong tháng 11. Đây là tháng người Công Giáo cầu nguyện cho các linh hồn, đặc biệt là hướng đến linh hồn các nạn nhân của đại dịch đã không may qua đời. Điều đó làm ấm lòng cho chính gia đình họ. Tôi tin rằng lời cầu nguyện đó mang sự thanh thản cho những người đã ra đi vì Covid.

Thay lời các TNV, tu sĩ Gioan Don Bosco Nguyễn Hưng Tin - Dòng Đức Mẹ Người Nghèo - đã nói lên lòng biết ơn khi được phục vụ:

Hai tháng vừa qua đã trở thành khoảng thời gian mang đậm dấu ấn đời tu, khi chúng con được tiếp xúc với bệnh nhân và các nhân viên y tế.

Chúng con thường xuyên chứng kiến bệnh nhân đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, của yêu thương và đau khổ, của gặp gỡ và chia ly, của niềm tin và tuyệt vọng, của sẻ chia và nhận lãnh…

Tất cả đều là những bài học cho chúng con, giúp chúng con thấy Chúa trong mọi người, và dấn thân hơn để được trở nên cánh tay nối dài của Chúa nơi đây.

Kết thúc buổi lễ, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diên tòa Tổng Giám mục TGP Sài Gòn - nhắc lại lời bài hát mà các TNV đã trình bày. Ngài nhận định:

Lên đường là bước ra khỏi sự thuận lợi và an toàn của cá nhân, chấp nhận rủi ro, như 2 thầy bị nhiễm bệnh khi phục vụ bệnh nhân.

Với cái nhìn đức tin, đó là hồng phúc, vì chúng ta ôm được đau khổ của người bệnh, chúng ta trải nếm được những dằn vặt của tâm hồn, cũng như những biến chuyển sinh học trong thân xác. Tất cả là hồng ân.

Linh mục Giuse, thay lời Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, cảm ơn các Bề trên của hai nhà dòng. Ngài nhắn nhủ thêm:

Khi nào Chúa muốn, chúng ta lại tiếp tục lên đường. Chúng ta điền vào chỗ trống để bức tranh được tươi đẹp hơn. Đừng khước từ, đừng chần chừ…

Sau đó, 6 TNV đã chia tay các TNV còn ở lại, để về nơi cách ly tại Tu hội Foyer Cao Thái.

Bài & Ảnh: Sơn Nữ, SPC (TGPSG)
(WGPSG)

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 10.11.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THÔNG BÁO VỀ TIẾN TRÌNH THAM GIA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC TẠI CÁC GIÁO PHẬN


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Văn phòng thư ký
72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, Tp Hồ Chí Minh

THÔNG BÁO
Tiến trình tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục 
tại các Giáo phận

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI sẽ họp Đại hội vào tháng 10 năm 2023 với chủ đề Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông - tham gia - sứ vụ. Để toàn thể Dân Chúa tham gia tích cực vào sinh hoạt của Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị tiến hành Thượng Hội Đồng Giám Mục theo ba giai đoạn: Giáo phận, Châu lục, Hoàn vũ. Giai đoạn Giáo phận kéo dài từ tháng 10/2021 - tháng 8/2022.

Đáp ứng lời kêu gọi của Vị Cha chung, trong cuộc họp trực tuyến ngày 03 tháng 11 năm 2021, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam quyết định:
  1. Thánh Lễ khai mạc: Tất cả các Giáo phận sẽ cử hành Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp Giáo phận, do Giám mục Giáo phận chủ sự, vào Chúa nhật I Mùa Vọng, ngày 28 tháng 11 năm 2021.
  2. Chủ đề mục vụ năm 2022: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông - tham gia - sứ vụ.
  3. Logo của Năm 2022: Logo chính thức của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục (sẽ gửi đến các Tòa giám mục).
  4. Tùy theo tình hình cụ thể của các địa phương, mỗi Giáo phận sẽ tiến hành việc gặp gỡ, lắng nghe, phân định theo hướng dẫn của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục.
  5. Các Giáo phận sẽ gửi bản đúc kết của Giáo phận về Văn phòng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vào cuối tháng 8 năm 2022.
Xin anh chị em cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục mang lại những hoa trái phong phú như lòng Chúa ước mong.

Ngày 10 tháng 11 năm 2021
Tổng thư ký HĐGMVN

(đã ký)

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 10.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Tư, ngày 10.11.2021
nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

MẸ TÔI RA ĐI THỜI COVID

MẸ TÔI RA ĐI THỜI COVID

TGPSG -- Sự ra đi của mẹ tôi và dịch Covid đúng là đã gắn kết chúng tôi bền chặt hơn trong tình yêu Thiên Chúa. Suốt 100 ngày, chúng tôi tề tựu đọc kinh cầu nguyện cho mẹ...

Mẹ tôi ra đi

Cuối tháng 4-2021, đợt dịch covid- 9 bùng phát lần thứ tư, càn quét thành phố Sài Gòn tơi tả. Mẹ tôi mất trong đợt dịch này, vào ngày 6-7-2021. Nhưng mẹ không mất vì dịch, mà do lớn tuổi và có bệnh nền.

Trước ngày mẹ mất một ngày, sau khi tắm cho mẹ, tôi dìu mẹ lên, cho mẹ mặc đồ và quan sát thấy mặt mẹ rất mệt. Tôi hỏi mẹ thấy trong người thế nào, mẹ trả lời mẹ thấy người cứ lâng lâng, tự nhiên tôi có cảm giác bất an. Tối đó, cậu em vẫn cho mẹ ăn và uống thuốc bình thường. Ngày hôm sau, mẹ ngủ rồi đi luôn. Khi cháu ngoại thấy bà ngủ mãi chưa thức, bèn gọi bà, thì mới biết bà đã ‘đi mất’ rồi.

Mẹ tôi ra đi không một lời từ biệt, không gặp mặt bất cứ người con nào, lặng lẽ và âm thầm từ giã cuộc đời sau cuộc hành trình 90 năm của người lữ khách. Và cuộc đời khá dài ấy của mẹ luôn là tấm gương sáng cho chị em chúng tôi. Không khôn ngoan, lanh lợi, mẹ chỉ hiền lành chịu khó, sốt sắng giữ đạo và một lòng cậy trông nơi Chúa.

Thời thơ ấu

Ba tôi mất sớm, mẹ nuôi 8 chị em chúng tôi, cho chúng tôi ăn học, dạy dỗ chúng tôi bằng những lời nói đơn sơ, một đời sống đức tin vững mạnh.

Trước năm 1975, kinh tế gia đình tôi ổn định do mẹ tôi đi làm tạp vụ cho một bệnh viện của quân đội Mỹ. Cứ ba tháng, gia đình tôi lại được lãnh trợ cấp vì ba tôi là tử sĩ của quân đội Cộng Hòa.

Sau 1975, tất cả thu nhập ấy của gia đình không còn nữa. Mẹ tôi theo gia đình chị lớn xuống Long Khánh làm ruộng. Chúng tôi ở lại nhà với bà ngoại.

Có lần tôi xuống theo mẹ đi ruộng. Hai mẹ con đi bộ xa thật xa mới tới ruộng, làm cả ngày vất vả. Chiều về, mưa tầm tã, không có áo mưa. Mẹ biết tôi mệt nên vừa đi, vừa động viên tôi: “Gần tới nhà rồi, chỉ đi hết con dốc này là tới thôi, cố lên!” Mẹ bảo tôi: “Vừa đi vừa lần chuỗi Mân Côi, sẽ thấy đường đi nhanh hơn.”

Do mẹ tôi không làm ruộng quen nên mặc dù rất cố gắng mà kết quả chẳng được gì. Gia đình tôi vẫn chỉ trông chờ vào từng ký gạo, khoai lang, bo bo... nhà nước bán theo sổ trong thời bao cấp. Thương mẹ quá, mẹ ơi!

Nhìn lại xa hơn nữa khi ba mẹ tôi theo đoàn người di cư vào miền Nam năm 1954, gia đình tôi được sắp xếp ở khu vực Xóm Mới - Gò Vấp, nơi đây chị em chúng tôi đã được sinh ra và trưởng thành.

Từ thưở còn rất nhỏ - tôi còn nhớ - cứ mỗi buổi sáng, lúc 4g khi tiếng chuông nhà thờ Lạng Sơn vừa vang lên, mẹ đánh thức chúng tôi dậy đi dự lễ Misa cùng bà ngoại (mẹ không đi vì phải chăm em bé). Mặc dù còn buồn ngủ, nhưng đã thành thói quen, nên tôi dậy ngay chuẩn bị cùng bà ngoại đi lễ. Có hôm mẹ đánh thức dậy đi lễ quá sớm, tôi cùng bà ngoại và các anh chị tới nơi, thì nhà thờ vẫn chưa mở cửa, Bà ngoại bảo mấy anh chị em tôi ngồi đợi. Chúng tôi ngồi xuống, ngủ gà ngủ gật. Ngoại tội nghiệp tôi còn nhỏ nên ôm tôi vào lòng cho ngủ, đợi cho tới giờ lễ.

Buổi tối, sau khi đã hoàn thành công việc trong ngày, trước khi đi ngủ, dù đã vất vả cả ngày, gia đình tôi vẫn tụ tập trước bàn thờ đọc kinh Mân Côi. Vì thế, dù chưa đi học, tôi đã thuộc rất nhiều kinh hôm, kinh mai…

Lớn hơn một chút, chúng tôi được tham gia sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể và nhiều sinh họat khác của giáo xứ... Thế đấy, chúng tôi được nuôi dưỡng và dạy dỗ theo cách giữ đạo của các ông bà xưa, chỉ là truyền khẩu, vì bà ngoại và mẹ tôi không hề biết chữ, nhưng cách sống đạo và truyền đạo đó ít nhiều đã giúp chúng tôi biết sống tử tế, biết ăn năn hối lỗi và quyết tâm chừa bỏ lối sống chưa tốt.

Thời tất bật

Khi trưởng thành lập gia đình, chúng tôi cũng muốn nuôi dạy con cái theo cách mà ông bà cha mẹ đã truyền dạy, nhưng không thể, vì thời buổi đã thay đổi rồi. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cách sống đạo của bà và mẹ không còn phù hợp với con cháu ngày nay nữa.

Chúng tôi đi làm, bận rộn từ sáng đến chiều. Con cái chúng tôi cũng bận rộn như thế, sáng sớm thức dậy vội vã ôn bài, ăn sáng và đến trường. Chiều tan học, chúng ghé vô trung tâm học ngoại ngữ hoặc luyện thi. Về đến nhà là đã 21 hay 22 giờ rồi, có khi chưa kịp tắm rửa, ăn uống đã lăn ra ngủ vì quá mệt. May mắn là chúng còn có ngày Chúa nhật để đi lễ và học giáo lý. Đó là những đứa học cấp 2 và cấp 3.

Còn với những đứa cháu cấp 1 cũng không khá gì hơn. Mỗi sáng lúc 6g30, cha mẹ đưa chúng tới trường; 16g30 đưa chúng từ trường đến nhà cô chủ nhiệm, mua cho ổ bánh mì, chai nước, để chúng học thêm tới 19g đón về. Về đến nhà, ăn uống tắm rửa, lại ôn bài chuẩn bị cho ngày mai. Và cứ thế lên giường, đâu còn thời gian để cùng nhau đọc kinh tối trong gia đình, đọc kinh mai khi sáng thức dậy…

Thời đại dịch

Và bây giờ thì chúng tôi, và cả con cháu nữa, đang bị lôi cuốn vào những tất bật đó, bỗng dưng khựng lại trong đại dịch Covid với toàn thể nhân loại. Mọi hoạt động đột nhiên ngưng đọng, trong mấy tháng trời không còn tất bật đến trường hay đến nơi làm việc. Và thời buổi lạ lùng này được đặc biệt ghi dấu với sự ra đi của mẹ tôi.

Mẹ tôi mất vào thời điểm Sài Gòn đang căng mình vì dịch Covid-19, mọi sinh hoạt của người dân Sài Gòn bị đảo lộn, giới nghiêm từ 18g đến 6g sáng, người dân không được ra khỏi nhà, nếu không có lý do chính đáng... Vì thế, thi hài của mẹ cũng không được đem tới nhà thờ để làm lễ an táng, nhưng cũng còn may mắn là có cha xứ đến nhà dâng thánh lễ cuối cùng cho mẹ. Chỉ có vài người thân quen đến chia buồn, vì dịch đang lây lan rất nhanh và nguy hiểm.

Tất cả là hồng ân

Thế đấy, mẹ ra đi âm thầm và lặng lẽ như cuộc đời của mẹ. Nhưng, với tôi, tôi nghĩ rằng "tất cả đều là hồng ân của Chúa". Sau đám tang của mẹ, đại gia đình chúng tôi tập trung tại nhà Mẹ. Do cơn dịch, gia đình cô em không thể trở về quê, chúng tôi tề tựu đông đủ. Buổi sáng cùng nhau tham dự thánh lễ online, rồi cùng nhau sinh hoạt ăn uống. Buổi trưa 15g cùng nhau đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót. Bổi tối 19g30 lại tụ tập dưới bàn thờ Chúa lần chuỗi Mân Côi.

Hồng ân là như thế, suốt 100 ngày, chúng tôi tề tựu đọc kinh cầu nguyện cho mẹ, giúp mẹ sớm về hưởng nhan thánh Chúa, tình thân trong gia đình được tăng thêm. Sự ra đi của mẹ và dịch Covid đúng là đã gắn kết chúng tôi bền chặt hơn trong tình yêu Thiên Chúa, giúp chúng tôi có thời gian cùng nhau cầu nguyện, như cách sống đạo của mẹ thời xưa.

Xin tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Maria Tuyết Nhung (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG) 

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

THÁNH ĐƯỜNG TRONG NỖI NHỚ

THÁNH ĐƯỜNG TRONG NỖI NHỚ

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Thường khi ta nhớ, không chỉ nhớ về ngôi nhà, làng quê, dòng sông. Nỗi nhớ ẩn sâu trong tâm thức còn hơn bao nỗi nhớ khác, nỗi nhớ về nơi Thánh Đường, tiếng chuông sớm chiều. Nơi đong đầy kỷ niệm từ những ngày ấu thơ đến khi lìa trần.

Thánh đường Laterano ghi dấu chiều dài lịch sử hơn 1700 năm Giáo hội sau thời kỳ cấm cách. Bao thăng trầm, bao biến cố lịch sử, triều đại, bao cuộc chiến tranh tương tàn thế chiến đã qua. Từng lớp người, qua bao thế hệ, Thánh Đường còn đó in dấu ấn vào lịch sử của từng cá nhân, của bao trang sử bi hùng, một lịch sử cứu độ, Thiên Chúa bước chân vào trong trần gian.

Mỗi người gần như trong ký ức đều ghi dấu một hình ảnh khó phai về một vài Thánh Đường. Nơi đó với người Công Giáo, ngày đầu tiên cha mẹ bế vào Thánh Đường chịu phép rửa tội, những năm tháng lớn lên theo cha mẹ đi dự Thánh Lễ. Rồi những năm tháng theo học Giáo Lý, bao nhiêu bạn bè cùng xóm, nhớ từng chỗ ngồi, từng cha đến giúp, những khuôn mặt trìu mền của phụ huynh, anh chị Giáo Lý Viên. Nỗi nhớ cứ tràn về khi xa cách Thánh Đường tuổi thơ. Những gốc cây, những vườn cây, những hàng ghế ngồi, đền đài thờ Chúa, kính Mẹ, các Thánh.

Có lẽ vẫn là những kỷ niệm của những ngày đó mang theo trên những nẻo đường đi qua, cả những khi quên Chúa, quên cả Thánh Đường. Nhưng không thể quên mãi vì đi đâu, ở nơi nào đó, vẫn tiếng chuông sớm chiều, vẫn những tháp Thánh Đường cao vút, như kéo tâm hồn lại để đưa lên cao khỏi thế trần.

Khi đến tuổi yêu đương, Thánh Đường không chỉ nhớ Chúa mà còn nhớ một ai đó ghi khắc trong tim. Những ngày Chúa Nhật, tham dự Thánh Lễ, đưa mắt nhìn về phía nào đó để nhìn ngắm ai đó trong trang phục, thầm nhớ, thầm thương. Nhớ từng chỗ ngồi, nhớ từng bước chân quen khi vào Thánh Dường, khi lên rước Mình Thánh. Khi đứng ngoài sân cầu nguyện trước tượng Mẹ Maria. Những lời cầu nguyện như ghi lại trong lời hát: "Xin cho con lấy được người con yêu" hoặc như tiếng buồn gửi vào lời thơ, những ngày xa nhau, thiếu nhau trong đời: "Cúi mặt âm thầm giấu nỗi đau. Chắp đôi tay nhỏ em nguyện cầu. Tình thương Thiên Chúa cho rũ sạch. Hạt bụi gian trần xa xót nhau." (Thugiangvu). Hay như vần thơ cũ: "Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông. Làm thơ sầu mộng dệt tình thương. Để nghe khe khẽ lời em nguyện. Thơ thẩn chờ em trước thánh đường. (Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Kiên Giang)

Thánh Đường, nếu như ở góc nhìn của người linh mục. Nỗi nhớ như nỗi nhớ quê hương rất sâu đậm. Ở đó bao nhiêu năm, bấy nhiêu trăm ngàn nỗi nhớ miên man. Nhớ từng cháu bé từ ngày rửa tội rồi lớn lên. Nhớ từng thanh nam, thiếu nữ vui tươi, chạy nhảy, hồn nhiên như thiên thần dưới thế. Bao nhiêu nỗi nhớ từng chỗ ngồi của những cụ già, những góc ngồi trầm tư cầu nguyện. Những ánh mắt hướng nhìn về Chúa, buồn vui, đau khổ, hay hạnh phúc, bao nhiêu khuôn mặt bấy nhiêu tâm tình dâng Chúa.

Thánh Đường của những ngày vui mừng bổn mạng, đám cưới của các bạn trẻ. Hân hoan những bước chân vui vào đời, những lời cầu nguyện ngày hạnh phúc. Những lời ngỏ yêu thương, cam kết chung sống trọn đời. Bao là nỗi nhớ để lại trong tâm trí người linh mục, hằng ngày cầu nguyện cho các đôi trẻ vượt những khó khăn, giữ niềm vui hạnh phúc.

Thấy vui khi đôi bạn hạnh phúc năm này qua năm khác, đưa con tới Thánh đường rửa tội, học giáo lý, chịu các phép. Người linh mục vui mừng tạ ơn Chúa, khi gia đình sống vui hạnh phúc, khi gia đình sống trong yêu thương, tham gia hội đoàn thêm lòng đạo sâu.

Rồi khi các đôi bạn hôn nhân khúc mắc, người linh mục cũng muộn phiền lo lắng, gỡ rối tơ lòng, đem lời sẻ chia, dâng lời cầu nguyện. Người linh mục đôi khi cũng mất ngủ khi nỗi buồn gia đình họ ly tán, bởi thương những trẻ nhỏ trong gia đình, thiếu cha hay vắng mẹ.

Rồi thời gian qua mau, vắng bóng người đi xa định cư, di chuyển chỗ ở, người lìa cõi thế về với Chúa, Thánh Đường vắng đi một gia đình, vắng đi một người, người linh mục tâm hồn thêm trĩu nặng. Thương mến nhiều nên cũng nhiều ưu tư trầm lắng.

Thánh Đường chỉ nghe hai từ đã thấy bao điều muốn sống lại bao kỷ niệm. Bao nỗi nhớ ùa về từng ngôi Thánh Đường ghi lại dấu yêu một thời đã sống, đã lớn lên trong cuộc đời.

Cuộc đời người linh mục gắn liền với những ngôi Thánh Đường cho đến lúc về nhà hưu, tuổi già còn lưu luyến biết bao khi rời xa.

Xin Chúa là niềm vui cho cuộc đời chúng con, vì Chúa mới đích thực là nơi Thánh Điện nơi chúng con nương tựa.

(WHĐ) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 09.11.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

NGƯỜI PHỤ NỮ THẢO HIẾU, DŨNG CẢM THỜI COVID

 
NGƯỜI PHỤ NỮ THẢO HIẾU, DŨNG CẢM THỜI COVID

TGPSG -- Quả thật chị đáng được khen ngợi vì sự thảo hiếu, dũng cảm hi sinh của chị.

Chị tên Hiếm. Nghe cái tên thôi ai cũng có thể đoán được cha mẹ chị hiếm muộn. Tuy nhiên với tôi, tên chị còn nói lên một thực tế khác: hoạ hiếm lắm mới có được một người như chị.

Tôi gặp chị khi tôi làm TNV ở Bệnh viện Dã chiến quận 7 số 1, lúc đó chị đang chăm sóc mẹ. Mẹ của chị bị Covid khá nặng. Mẹ chị hơi khó tính nên việc chăm sóc cho mẹ cũng làm chị mệt mỏi rất nhiều. Tôi thấy mà thương chị, thương người nhà chăm sóc bệnh nhân, vì họ phải túc trực 24/24 có khi ban đêm không ngủ được. Ngày qua ngày, chị bị mất sức, mệt mỏi và đến lượt chị cũng ngã xuống. Mẹ chị nằm bên góc này, chị nằm bên đối diện cũng phải thở oxy. Thế rồi, sau vài ngày mẹ chị qua đời và chị tiếp tục nằm điều trị.

Lúc tôi chăm sóc chị, chị kể cho tôi biết chị đã hy sinh vào viện để chăm sóc cho mẹ. Tôi không biết chị vào viện bằng cách nào, khi chị âm tính. Tôi hỏi: “Sao chị gan quá vậy, chị không sợ sao?” Chị trả lời: “Chị sợ chứ nhưng vì chị thương mẹ nên muốn vào chăm mẹ.” Qua câu chuyện chị cũng thổ lộ: “Mình làm thế, đến lượt con cái mình nó cũng sẽ hiếu thảo với mình.”

Chị còn trẻ và tình yêu của chị dành cho mẹ thật cao cả. Lòng hiếu thảo của chị thật lớn lao. Tôi trân quý chị lắm và những ước mong cuộc đời này còn có thêm nhiều mẫu gương đẹp như vậy.

Sức khỏe chị ngày càng yếu dần. Chị được chuyển qua phòng hồi sức và đặt nội khí quản. Trước khi mất chị cầm tay một sơ rất chặt, chặt lắm. Ban đầu, Sơ đó chỉ biết ngồi nhìn chị cho chị nắm tay. Khi nghe chị nói chị mệt lắm, lúc đó, sơ đã động viên: “Chị cố lên, thả tay em ra để em đi gọi bác sĩ.” Thế nhưng, chị đã không thể vượt qua con virus quái ác!

Tâm trạng của người bệnh trước khi qua đời rơi vào cô đơn, muốn có người bên cạnh. Chị đã nắm tay, nắm tay thật chặt để tìm sự an ủi nào đó. Tội nghiệp chị cũng như thật nhiều bệnh nhân khác bị Covid khi ra đi cô đơn không có người thân bên cạnh. Có lẽ cảm thấu được điều đó trước nên chị đã liều thân vô bệnh viện chăm sóc mẹ, dù biết khả năng qua khỏi của mẹ thật mong manh.

"Không có tình thương nào cao hơn tình thương của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (Ga15,13). Đối với chị, mẹ là người đã cưu mang và sinh ra chị, là người mà chị yêu quý còn hơn bạn hữu. Quả thật chị đáng được khen ngợi vì sự thảo hiếu, dũng cảm hi sinh của chị. Tôi khâm phục chị. Mặc dù chị không cùng tôn giáo với tôi nhưng xin Chúa cho chị được hưởng hạnh phúc đời sau trong Nước Trời. Chị Hiếm ơi, một người con hiếu thảo và dũng cảm! Hãy an nghỉ chị nhé!

Nt Maria Dạ Thảo,SPP, (TGPSG)
La Pommeraye 
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 09.11.2021