Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

THÁNG 11: NGHĨ VỀ PHẬN NGƯỜI MONG MANH

THÁNG 11: NGHĨ VỀ PHẬN NGƯỜI MONG MANH

TGPSG -- “Sinh như tử, tử như sinh, sống chết, tết giỗ, không chút xa lìa nhau. Chúa cất người thân yêu nhưng không để ta cô liêu, đắng cay, mà dạy ta mỗi ngày hãy tìm kiếm người ấy trong vòng tay yêu thương của Chúa”.

Bước vào tháng 11, Giáo Hội kêu mời các Kitô hữu sống tình hiệp thông cầu nguyện cho những người đã về cùng Chúa, là tổ tiên, ông bà, cha mẹ và bà con họ hàng xa gần của tôi. Tháng này cũng được xem là mùa lễ tri ân…

Năm nay, các giáo xứ trong TGP Sài Gòn bước vào tháng 11 với vẻ lặng lẽ âm thầm vì dù thành phố Sài Gòn đã gỡ bỏ giãn cách xã hội, nhưng dịch bệnh vẫn chưa hết, số ca nhiễm bệnh ở thành phố mỗi ngày trên dưới ngàn người, còn đó nỗi lo dịch bệnh có thể trở lại.

Các thánh lễ với số người tham dự luôn giới hạn chứ không rầm rộ đông đúc. Có lẽ đây là lúc tôi đi vào chiều sâu của cảm nghiệm đức tin: khơi dậy lòng tri ân và kết nối giữa người sống với người chết trong mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “người chết nối linh thiêng vào đời”.

Linh mục (Lm) Gioan Baotixita Vũ Mạnh Hùng, chánh xứ Hà Đông, hạt Xóm Mới, Tổng Giáo phận Sài Gòn đã chia sẻ những cảm nghiệm thật sâu sắc vào thánh lễ chiều ngày 2.11 vừa qua. Ngài bắt đầu từ những sự việc xảy ra khi cơn đại dịch đi qua, đã để lại những hậu quả thảm khốc và tang thương gần như ở mọi nhà, mọi nơi trong thành phố này. Ngài nói: “Sinh như tử, tử như sinh, sống chết, tết giỗ, không chút xa lìa nhau. Chúa cất người thân yêu nhưng không để ta cô liêu, đắng cay, mà dạy ta mỗi ngày hãy tìm kiếm người ấy trong vòng tay yêu thương của Chúa”.

Những chia sẻ của ngài dựa vào những trải nghiệm khi chia tay người thân yêu nhất là thân mẫu của ngài: bà cố Anna Maria Phạm Thị My ra đi về với Chúa vào ngày 11.8, ngay trong mùa dịch. Một kinh nghiệm đau xót, mọi sự như vỡ vụn tất cả… Nhưng chính niềm tin vào Chúa đã an ủi ngài và gia đình. Mọi người tin rằng bà cố đang sống trong Chúa để cầu nguyện cho những người thân yêu nơi dương thế sống sao cho thật ý nghĩa, đẹp lòng Chúa để sau này được đoàn tụ trong Nước Chúa.

Cũng trong tháng 11 này, trong sự hiệp thông cầu nguyện cho các linh hồn, cộng đoàn giáo xứ Hà Đông đã tiễn biệt một thành viên mới gia nhập Giáo Hội được 10 ngày: chị Mưu ra đi vào tuổi 61. Quê ở Huế, chị Mưu vào đây buôn bán hàng quán kiếm sống trong một nhà trọ thuộc phường 16, quận Gò Vấp. Chị bị bệnh u não, rồi tháng 8 vừa qua chị lại bị nhiễm Covid và đã lành bệnh. Tuy nhiên hậu quả bệnh Covid cộng với khối u não có sẵn làm cho sức khỏe chị suy yếu dần đi.

Chị được những người bạn thân thiết Công Giáo ở gần nhà, ngày nào cũng đến thăm, an ủi, chia sẻ, tâm sự, động viên và khích lệ. Họ còn dẫn chị Mưu đến nhà thờ Fatima-Bình Triệu để cầu nguyện với Đức Mẹ Maria, cho chị thêm lòng trông cậy ở Chúa, đủ nghị lực chống chọi với những đau đớn của bệnh tật.

Trên giường bệnh điều trị khối u, nhiều lần chị đã bày tỏ ước muốn được theo đạo Chúa và chị đã đạt được ước nguyện: Lm Gioan Bosco Phạm Khôi Nguyên, phó xứ Hà Đông cử hành Bí tích Rửa Tội cùng Bí tích Xức dầu cho chị vào ngày 23.10.2021. Đến ngày 3.11.2021 chị Maria Phan Thị Mưu ra đi mãi mãi. Đám tang của chị tân tòng này được cả cộng đoàn giáo xứ “ôm ấp” trong tình thương.

Chị là người thợ vườn nho biết Chúa vào cuối đời, nhưng chị luôn có lòng khao khát Chúa. Chị là người tân tòng biết Chúa ít thôi, nhưng trong lòng chị thì luôn có Chúa ở cùng. Cộng đoàn giáo xứ Hà Đông đã đón nhận chị với tất cả tình yêu mến, dù chỉ mới biết chị trong thời gian ngắn. Thánh lễ an táng đơn sơ, giản dị ngay trong mùa dịch có cả vài người không cùng niềm tin tham gia cùng với cộng đoàn giáo xứ. Tất cả mọi người đều chung lời cầu nguyện cho chị Maria được sớm hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Mọi người tiễn đưa chị trong sự trầm ngâm, chia tay một người bạn được lệnh lên đường. Khi chị ra đi, linh cữu được quàn tại nhà xứ và sau khi được hỏa táng, chị lại được an nghỉ trong nhà chờ Phục Sinh của giáo xứ. Chị đã chết, nhưng vẫn còn sống trong bầu khí đức tin của cộng đoàn. Điều này thật ấm áp biết bao.

Thật vậy, Lm Gioan Bosco trong thánh lễ an táng chị Maria, đã mời gọi cộng đoàn tạ ơn Chúa về hành trình đức tin của chị: “Đây là lần đầu tiên chị đến nhà thờ. Hôm nay, chị vui mừng ra đi để gặp được Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương đón nhận chị. Dường như Chúa đang nói với chị trong bài Tin Mừng: ‘Tất cả những ai Cha đã ban cho Tôi, sẽ đến với Tôi và ai đến với Tôi, sẽ không bị xua đuổi ra ngoài.’ (Ga 6,37). Đó cũng là những gì Chúa đang nói với tôi, những người còn đang sống ở đời này, trong hành trình tiến về nhà Cha trên trời.

Lạy Chúa, nhiều khi chúng con sống mà quên đi mình “phải chết” Xin cho chúng con học được bài học sống - chết: sống sao cho tốt đẹp với sự yêu thương chân thành, để khi chết sẽ đến được quê hương thật trên trời với Chúa. Amen.

Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
(WGPSG) 

THÁNH GIUSE VÀ CÁC NẠN NHÂN ĐẠI DỊCH COVID-19

THÁNH GIUSE VÀ CÁC NẠN NHÂN ĐẠI DỊCH COVID-19

Xuân Giang

WGPBC (09.11.2021) - Thánh cả Giuse được Giáo hội và toàn thể các Kitô hữu qua mọi thời đại tôn sùng như một người công chính, một gương mẫu sáng chói về đức tin và lòng đạo đức chân chính sâu xa. Ngài trở thành vị bảo trợ thần thế của Giáo hội Công giáo, quan thầy của hầu hết các giới: bổn mạng các gia trưởng trong gia đình, gìn giữ người sống đời trinh khiết, mẫu mực những người lao động...

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối diện với đại dịch Covid-19 kinh hoàng, Thánh cả Giuse có liên hệ đặc biệt với các nạn nhân ít nhiều chịu ảnh hưởng, đến nỗi ngài là vị Thánh chúng ta cần đến trong cơn đại dịch[1]. Ở đây, chúng ta sẽ dừng lại chiêm ngắm Thánh cả Giuse ở ba khía cạnh: Mẫu gương của đời sống thầm lặng, đón nhận Thánh ý Thiên Chúa trong vâng phục đức tin và quan thầy phù hộ kẻ mong sinh thì.

Mẫu gương của đời sống thầm lặng

Các sách Tin Mừng không ghi lại bất cứ lời nói nào của Thánh Giuse trong suốt cuộc lữ hành đức tin. Ngài là người cha trong bóng tối[2], khiêm tốn, tận tụy phục vụ Thánh Gia, trung thành gìn giữ Đấng Cứu Thế trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ[3]. Điều mà thế giới nhìn thấy trong con người Thánh Giuse là sự im lặng. Thánh nhân đã âm thầm lắng nghe, suy tư, ngẫm nghĩ và tìm hiểu Thánh ý Thiên Chúa trong tất cả mọi biến cố đã xảy ra với lòng kính sợ và tin tưởng, phó thác. Như thế, Thánh Giuse có thể dạy cho con người biết thinh lặng để thấy mình đối diện với Thiên Chúa, để chiêm ngắm những mầu nhiệm của Chúa và để yêu mến nhiều hơn.

James Martin, SJ cho rằng mẫu gương và sự bảo trợ của Thánh Giuse đến thật đúng lúc. Vào thời điểm mà đại dịch toàn cầu đã buộc hàng triệu người sống trong nhà, cách ly, và cô đơn, chúng ta có thể xem Thánh Giuse như là khuôn mẫu của đời sống thầm lặng. Và vì chắc chắn đã quen với khổ đau, nên ta cũng có thể xem ngài là đấng bảo trợ, cầu bầu cho chúng ta vì ngài thấu hiểu cuộc chiến đấu của chúng ta với bệnh tật.

Quả thật, cuộc đời âm thầm của Thánh Giuse thật gần gũi với biết bao con người đang nỗ lực tìm cách vượt qua cơn đại dịch: những nhân viên y tế ở tuyến đầu, mà những hy sinh âm thầm không được biết đến ngay cả với gia đình của họ; những cha mẹ đơn thân không thể tâm sự cùng ai nỗi lo lắng khôn nguôi về con cái mình; những người con có cha mẹ già sống trong nhà dưỡng lão lo sợ vì sự lây lan của dịch bệnh giữa những cư dân cao tuổi; những người lao động hầu như không đủ sống trước cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm; những linh mục, dù đã cử hành vô số đám tang cho các nạn nhân Covid và gia đình của họ, lo lắng không thể an ủi họ như mong muốn; các nạn nhân Covid đang chết trong cô đơn, than khóc trong thất vọng và đau khổ, tự hỏi không biết điều gì đang xảy ra[4].

Đón nhận Thánh ý Thiên Chúa trong vâng phục đức tin

Tin Mừng xác nhận Thánh Giuse là người công chính (x. Mt 1,19). Cốt lõi của công chính theo nghĩa Thánh Kinh là nỗ lực thực thi Thánh ý của Thiên Chúa (x. Mt 3,15). Cả cuộc đời thánh nhân đã hoàn toàn chấp nhận buông bỏ những dự định riêng tư để cho dự tính của Thiên Chúa được thành toàn. Rập theo đúng khuôn đức vâng phục nguyên thuỷ và cơ bản của đức tin, giống như Mẹ Maria, Thánh cả Giuse đã tỏ ra sẵn sàng tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, mà nhiều lần thiên thần đã loan báo cho ngài[5].

Linh mục Alfred Delp (1907-1945), tu sĩ dòng Tên, vị tử đạo anh dũng trong chế độ diệt chủng Hitler đã phác hoạ chân dung vị dưỡng phụ Chúa Cứu Thế một cách đúng đắn và đầy ấn tượng: “Thánh Giuse quả thực là người luôn sẵn sàng tuân phục lên đường. Quy luật sống của thánh nhân là một người chỉ biết phục vụ. Đối với Thánh Giuse, việc tuân hành mọi mệnh lệnh Thiên Chúa truyền dạy là một điều tất nhiên. Tâm tình sẵn sàng tự nguyện phục vụ là bí quyết sống của Thánh Giuse”[6]. Hơn hết, Thánh cả vui vẻ và bình an chấp nhận cái chết như ngài đã từng quen vui tươi đón nhận mọi sự từ bàn tay của Thiên Chúa. Chắc hẳn ngài thâm tín sâu xa rằng giờ phút Thiên Chúa chọn lựa bao giờ cũng là giờ phút tốt nhất[7].

Thánh Giuse không đi tìm đau khổ nhưng ngài đón nhận những thử thách trong sự vâng phục. Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ nhưng trong và qua sự dữ, Thiên Chúa biến nó thành những gì lợi ích cho con người. Đại dịch là một sự dữ không ai mong muốn nhưng chúng ta được mời gọi khám phá ở đó những ơn lành của Thiên Chúa. Một cách nào đó, đại dịch cũng là cơ hội giúp con người nhìn lại và điều chỉnh đời sống của mình. Nó dạy con người biết khiêm tốn hơn, tập sống buông bỏ để hoàn toàn tín thác vào Chúa. Đây như một dấu chỉ thời đại giúp nhân loại tỉnh thức và sám hối, là thời gian để có kinh nghiệm sống nghèo, sống chậm. Thời gian chiến đấu với dịch bệnh cũng giúp con người được giáo dục về tinh thần ý thức trách nhiệm, nhắc nhở họ về tình liên đới sẻ chia lâu nay có vẻ nhạt nhoà, để biết thực thi lòng mến với anh chị em đồng bào, kiến tạo một nền văn hoá quan tâm và chăm sóc...

Dẫu vậy, thật khó để nói với nạn nhân và nhất là gia đình những người tử vong vì dịch bệnh về sự quan phòng của Thiên Chúa Tình Yêu. Tuy nhiên, ngang qua những biến cố đau thương, mỗi người được mời gọi nhìn lên Thập giá để cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa. Nơi đó, chúng ta có thể thắp lên niềm hy vọng lớn lao. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người trong đau khổ, bàn tay nhân lành của Ngài đang ân cần nâng đỡ con người. Thiên Chúa mà nhiều lúc tưởng chừng như xa cách vắng mặt hay bất lực là một Thiên Chúa rất gần gũi để lắng nghe những giãi bày, để chia sẻ những đớn đau với nhân loại. Quả thực, Ngài rất dễ bị thương tích, không phải vì yếu đuối mà vì yêu thương. Thiên Chúa đã để mình dễ bị thương tổn trước đau khổ của con người và Ngài muốn chia sẻ nỗi khốn cùng của con người tới mức chấp nhận chết và chết trên thánh giá. Thiên Chúa chỉ có một sự toàn năng duy nhất, đó là toàn năng trong tình yêu. Hay như Balthasar thêm: “và là một tình yêu bị tước hết mọi vũ khí”[8].

Quan thầy phù hộ kẻ mong sinh thì

Ngoài những ơn rất cao trọng thì Thánh Giuse còn là quan thầy phù hộ các kẻ mong sinh thì. “Mong sinh thì” là từ cổ, chỉ khoảnh khắc tín hữu Công giáo hấp hối, chuẩn bị đón nhận cái chết ở thế gian để bắt đầu cuộc sống nơi Quê Trời. Đây là thời khắc mà người sắp qua đời cần hướng về việc dọn mình chết lành[9]. Hội Thánh khuyên mọi người hãy chuẩn bị cho giờ chết, hãy khấn xin Mẹ Maria chuyển cầu cho mình trong giờ lâm tử và hãy phó thác cho Thánh cả Giuse, đấng là bổn mạng của ơn chết lành[10]. Kinh nghiệm thiêng liêng cũng chỉ ra rằng giờ lâm tử là giờ chịu cám dỗ mạnh nhất. Đây là thời khắc mà con người phải chiến đấu cam go và khốc liệt nhất.

Các sách Phúc Âm không kể lại cho biết về ngày giờ qua đời của Thánh cả Giuse, cũng như không nói gì về cái chết của Mẹ Maria. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng trong các trình thuật Tin Mừng cho ta nghĩ được là Thánh cả Giuse đã qua đời trước khi Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai. Chẳng hạn, tại tiệc cưới Cana, Đức Giêsu và Mẹ Ngài cũng như các môn đệ đầu tiên của Ngài đều có mặt, còn tên Thánh Giuse không hề được nhắc tới (x. Ga 2,1-12). Đặc biệt là Tin Mừng Nhất Lãm không thấy nói đến Thánh cả ở trong đám bà con có lần đến gặp Đức Giêsu khi Chúa khởi sự thi hành sứ mạng của Người (x. Mt 12,46; Mc 3,31; Lc 8,19). Một bằng chứng nữa là trong cơn hấp hối trên thánh giá, chắc chắn Đức Giêsu đã không trao phó Mẹ Maria cho người môn đệ Gioan phụng dưỡng như Ngài đã làm, nếu Thánh Giuse, người cha nuôi của Ngài, còn tại thế (x. Ga 19,26-27). Và ngay cả trong cuộc hội họp tại nhà Tiệc ly đợi chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng vắng mặt Thánh cả Giuse (x. Cv 1,12-14).

Nhưng có một điều chắc chắn khó phủ nhận là Thánh cả đã từ giã cuộc đời tạm bợ này trở về cõi vĩnh hằng trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Thánh cả được tiếp rước mãi mãi vào nhà Cha như phần thưởng xứng đáng dành cho “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà Thiên Chúa đã trao phó Thánh Gia để ngài chăm nom như người cha lo cho người Con duy nhất của mình”[11]. Hơn nữa, không có gì làm ta hoài nghi về việc Thánh cả Giuse có đặc ân là trong giờ lâm chung, được có Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở bên cạnh. Chính vì thế, ngài là gương mẫu cái chết của Kitô hữu.

Chết trong cơn dịch Covid-19 này quả thật là cái chết cô độc, không thể có người thân yêu bên cạnh, không thể lãnh nhận các Bí tích, không thể xưng tội, và khi trút hơi thở cuối cùng không nghe được một tiếng nói thân thương nào ngoài tiếng nói của các bác sĩ và y tá trong bệnh viện, là những người bị vắt kiệt sức lực[12]. Ở một cái nhìn nhân loại, đó là một sự thiệt thòi quá lớn. Thế nhưng, người Kitô hữu thật có lý khi cầu xin Thánh Giuse để họ được thanh thản ra đi tương tự như ngài. Còn cái chết nào bình an hơn trên cánh tay cực thánh của Chúa và Mẹ. Sự hiện diện của hai gương mặt Thiên quốc trong giây phút ấy là hạnh phúc lớn lao.

Không riêng gì các nạn nhân của đại dịch Covid-19, mỗi người Kitô hữu cũng cần cầu xin Thánh cả Giuse để được ơn chết lành như ngài, và đặc biệt là được Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu đến đón chờ. Nhưng để được như thế, trước hết chúng ta phải cố gắng để cuộc đời mình qua đi trong tình mật thiết với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nghĩa là thái độ luôn tỉnh thức, mau mắn rộng mở tâm hồn khi Chúa đến gõ cửa (x. Kh 3,20) và chuẩn bị dầu đèn sẵn sàng (x. Mt 25,1-13).

Khi thế giới đang phải vật lộn với cơn đại dịch, mỗi người được mời gọi biết chạy đến với Thánh cả Giuse như mẫu gương thầm lặng để biết khiêm tốn lắng nghe, chân thành tìm kiếm và mau mắn thi hành Thánh ý của Chúa trong cuộc đời. Ngài sẽ dạy cho con người biết mở lòng ra ngoan ngoãn vâng theo sự quan phòng của Thiên Chúa Tình Yêu. Nhất là với những mong sinh thì, sự trợ giúp, cầu bầu của Thánh cả là nguồn an ủi rất lớn trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời để hy vọng vào một cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

Người ta đang bàn nhiều về tương lai hậu đại dịch Covid-19 với “trạng thái bình thường mới”. Chưa biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào nhưng chắc chắn nhân loại sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách đố, đối với từng cá nhân, mỗi gia đình và ngay cả đời sống đức tin của cộng đoàn. Noi gương Thánh cả năm xưa đã không ngần ngại phó thác chính mình cũng như gia đình cho Thiên Chúa, mỗi người cũng biết phó trọn đời mình và gia đình cho Thiên Chúa, biết đón nhận trong tin yêu để bước đi trong hy vọng. Đặc biệt, xin với Thánh cả Giuse, “người công chính”, người công nhân không biết mệt mỏi, người bảo vệ nguyên vẹn tuyệt đối những gì đã được uỷ thác, luôn luôn gìn giữ, bênh vực và soi sáng các gia đình[13].


[1] x. James Martin, SJ, Vị Thánh chúng ta cần trong cơn đại dịch, Đại Chủng viện Sao Biển chuyển ngữ từ worldmissionmagazine.com, trích theo https://giaophannhatrang.org/vi/news/triet-than-hoc-tu-duc/vi-thanh-chung-ta-can-den-trong-con-dai-dich-22080.html (29/7/2021).

[2] x. Phanxicô, Tông thư Patris Corde (08/12/2020), số 7.

[3] x. Lời nguyện Lễ trọng Thánh cả Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, ngày 19/3.

[4] x. James Martin, SJ, Vị Thánh chúng ta cần trong cơn đại dịch, Đại Chủng viện Sao Biển chuyển ngữ từ worldmissionmagazine.com, trích theo https://giaophannhatrang.org/vi/news/triet-than-hoc-tu-duc/vi-thanh-chung-ta-can-den-trong-con-dai-dich-22080.html (29/7/2021).

[5] x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (15/8/1989), số 3.

[6] Nguyễn Hữu Thy, Thánh Giuse - Người tôi trung của Thiên Chúa, Trung tâm Mục vụ Công giáo Việt Nam Giáo phận Trier/CHLB Đức, 2014, tr. 77-78.

[7] x. Jean Galot, SJ, Thần học Thánh Giuse, Thiên Hựu và Kim Ngân chuyển ngữ, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 178. Tham khảo bản dịch của Bonifaciô Maria, CRM.

[8] x. Michel Rondet, SJ, Lời thì thầm của Thiên Chúa hay Những nẻo đường khác nhau trong hành trình tâm linh, Lm. Đặng Xuân Thành chuyển ngữ, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr. 59-60.

[9] Ban Từ Vựng Công Giáo - Ubglđt/Hđgmvn, Từ điển Công giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2016, tr. 758-759.

[10] x. Sách GLHTCG, số 1014.

[11] x. Kinh Tiền Tụng Lễ trọng Thánh cả Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, ngày 19/3.

[12] Bộ Truyền Thông Của Toà Thánh (biên tập), Mạnh mẽ trong cơn khốn khó - Hội Thánh trong tình hiệp thông: Một nâng đỡ vững chắc trong thời thử thách, Lm. Lê Công Đức, PSS chuyển ngữ, NXB Đồng Nai, 2020, tr. 6. [13] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (22/11/1981), số 86.
 
(WHĐ)

 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Jôsaphat, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Sáu, ngày 12.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 11.11.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 11.11.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU NĂM TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Martinô, giám mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 11.11.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

COVID - NHỮNG DẤU ẤN KHÓ QUÊN

COVID - NHỮNG DẤU ẤN KHÓ QUÊN

TGPSG -- Nhớ lắm, thương lắm và yêu lắm những khoảnh khắc được phục vụ trong đợt Tình Nguyện lần IV này

Một tháng phục vụ tại bệnh viện Ung Bướu cơ sở II -Thủ Đức đã kết thúc. Chúng tôi về với cuộc sống thường nhật của đời linh mục, tu sĩ. Chắc hẳn ai trong chúng tôi cũng sẽ ghi nhớ mãi những dấu ấn thật khó quên trong mùa chống dịch này.

Người về nhưng lòng không về…
  • Tôi nhớ như in những lúc chuẩn bị vào ca trực. Các bác tài xế luôn trực sẵn trước cổng khách sạn Minh Tâm Q10 để chở chúng tôi đến bệnh viện. Các bác cũng là những tình nguyện viên (TNV) tuyến đầu từ mùa dịch đến nay.
Bác Đông tài xế hãng xe Phương Trang chia sẻ:

Tôi nghỉ lái xe 4 năm nay rồi. Tôi từ Quảng Nam vào đây làm TNV từ đầu cho đến giờ là 4 đợt rồi đó. Mình lớn tuổi rồi, không làm được gì, nhưng còn biết lái xe… Mỗi người góp một chút, mong sao cho dịch mau chấm dứt.
  • TNV chúng tôi được chia thành nhóm, mỗi nhóm 5-6 người, các bác sĩ và các anh chị điều dưỡng cũng chia như vậy. Mỗi ca làm 8 tiếng, khi vào ca trực, các thành viên cùng giúp nhau mặc đồ bảo hộ: người thì cắt băng keo, người thì viết tên, người thì bóc tấm Face Shield… chỉnh sửa cho nhau sao cho an toàn để bảo vệ được mình thì mới bảo vệ được người khác.
Nhớ lắm - thương lắm và… yêu lắm...

Nhớ lắm…

Nhớ những buổi đầu thật bỡ ngỡ, ngu ngơ… Nhóm chúng tôi được phân công làm ở khu 7B, ca chúng tôi làm có 6 thành viên: 4 soeurs, 1 thầy và thêm Thu Phương là TNV đợt trước ở lại. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của người đi trước, chúng tôi không lo ngại gì nữa.

Chúng tôi không phân biệt tôn giáo hay bằng cấp gì. Ai cũng cùng một lòng, chung một ý nghĩ là làm sao biết cách chăm sóc, phục vụ bệnh nhân cho tốt, có thể đáp ứng mọi nhu cầu cho bệnh nhân hầu họ sớm phục hồi để trở về với gia đình. Chắc hẳn đó là tâm huyết của những TNV trong dịp đi chống dịch đợt IV này…

Nhớ... những ngày mưa, mưa rất to, nhưng vẫn không làm chùn chân những con người có trái tim quảng đại. Đôi chân không mệt mỏi của các TNV vẫn dấn bước đi đến với những con người đang cần sự hiện diện của họ, thay cho các thân nhân đáng lẽ phải túc trực bên cạnh, để dùng đôi tay nhân ái chăm sóc bệnh nhân …

Thương lắm...

Những lúc đến ca trực, tôi cùng đồng đội làm công tác làm vệ sinh, khử khuẩn, lau nhà... để làm giảm bớt nồng độ virus. Tôi nhìn thấy đâu đó trên khuôn mặt một số bệnh nhân có điều gì đó băn khoăn, lo lắng, bồn chồn… muốn nói, muốn sẻ chia… Khi làm công tác xong, hầu hết chúng tôi vào thăm các bệnh nhân để an ủi, động viên, khích lệ, hỏi họ cần gì, có khi gọi điện thoại cho họ gặp người thân...

Đến giờ ăn, chúng tôi phụ các anh chị điều dưỡng đút cơm, đút cháo cho những bệnh nhân không tự phục vụ được. Có lần tôi đến bên giường cô Nga giúp cô ăn cháo, thấy tay cô quờ quạng, huơ huơ lên như muốn gọi ai đó, tôi liền nắm lấy tay cô và nói: “Đến giờ ăn rồi, mình ăn thôi.” Ánh mắt cô nhìn tôi và gượng hỏi: “Soeur ơi! Mấy bữa nữa tôi mới được về nhà?” Tôi lặng người trước câu hỏi của cô. Tôi phải trả lời sao để cô an tâm, trả lời sao cho thỏa đáng lòng mong mỏi muốn trở về với gia đình, trả lời sao khi cô đang thở oxy nặng... Đau lắm… thương lắm! Tôi chỉ cười nhẹ để xóa tan nỗi buồn trong lòng cô và trong tim tôi. Tôi trấn an cô: “Dạ, cô cứ yên tâm điều trị bệnh rồi sẽ về nhà, xe đưa đón đến tận nơi, không mất đồng nào. Bây giờ, cô phải ăn để có sức khoẻ thì mới mau về nhà được. Cô phải cộng tác với các bác sĩ thì mới mau về nhà được nghen. Cố lên, cố lên nhé...!” Tuy còn mệt mỏi nhưng cô cũng ráng nhoẻn được nụ cười trên đôi môi khô ráp. Tôi lấy khăn ướt lau khuôn mặt nhợt nhạt của cô, lau đôi tay gầy guộc rám nắng, chai sạm vì tần tảo mưu sinh cho gia đình... Từ đó, tôi cưu mang sự nặng lòng của các bệnh nhân trong tâm tôi và tôi chỉ biết cầu nguyện, dâng thao thức của họ lên cho Đấng luôn thấu hiểu và đáp ứng những khát mong của mọi tâm hồn đang cần đến Người.

Yêu lắm…

Yêu lắm những tháng ngày đầy kỷ niệm, những ký ức không thể nhạt phai... Yêu sao những con người mang đầy tình nghĩa, luôn mở rộng bàn tay trao ban cho người khác những nghĩa cử yêu thương, đôi khi chỉ là cái nắm tay được bao bọc bởi 3-4 lớp bao tay, hoặc cái xoa bóp, cái vỗ lưng cho bệnh nhân dễ thở. Yêu biết bao những lời động viên, khích lệ, trấn an, yên ủi các bệnh nhân...

Yêu lắm những người ở hậu phương đang chung tay cùng những TNV trực tiếp ở tuyến đầu bằng nhiều cách: luôn hướng lòng, dâng những hy sinh nhỏ bé để cầu nguyện cho chúng tôi, cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt. Và yêu lắm những tấm lòng hảo tâm đã rộng tay sẻ chia cho nhau những bó rau, những gói mì, những chai nước... Chúng tôi biết ơn những người ở hậu phương với nhiều nghĩa cử cao đẹp và bằng mọi phương thế để xây dựng tình tương thân tương ái mang đậm tình người. Tôi mong ước “tình người” ấy vẫn còn trải rộng trên đôi tay, trên đôi chân, trong con tim và cả khối óc của từng người.

Nhớ lắm, thương lắm và yêu lắm những khoảnh khắc được phục vụ trong đợt Tình Nguyện lần IV này. Những kỷ niệm ấy luôn được giữ mãi trong trái tim tôi.

Lời cuối, tôi xin tri ân, biết ơn những bàn tay yêu thương, những đôi chân rảo bước, những con tim đong đầy tình người, hết lòng vì bệnh nhân, hết lòng vì nhau để giúp cho mọi người có một cuộc sống an bình, hạnh phúc hơn. Cảm ơn mọi người đã cùng nhau chung tay góp sức cho đất nước Việt Nam nói chung và tại Thành phố Sài Gòn nói riêng được bình thường mới.

Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành (TGPSG)
CMR 
(WGPSG)

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 34: ÁNH SAO ĐÊM


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 11.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Martinô, giám mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Năm, ngày 11.11.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon