Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

NGƯỜI GIÁO DÂN CỦA THIÊN NIÊN KỶ MỚI: LẮNG NGHE GIỚI TRẺ

NGƯỜI GIÁO DÂN CỦA THIÊN NIÊN KỶ MỚI: 
LẮNG NGHE GIỚI TRẺ

Câu chuyện. Có một người thanh niên, lúc 20 tuổi, ước mơ và cầu xin thay đổi thế giới. Khi 40 tuổi, anh mơ ước thay đổi gia đình. Vào tuổi 60, anh chỉ xin đủ sức thay đổi bản thân. Và anh hối tiếc: “Lúc 20 tuổi, giá như anh đã cầu xin và ước mơ như thế, thì hy vọng đã thay đổi được bản thân, và từ đó, anh có thể đổi thay gia đình và đổi mới thế giới rồi”! Lý tưởng, nhưng nên bắt đầu từ bản thân.


Dẫn nhập

Thánh Biển Đức xác tín: “Chúa thường mạc khải điều tốt lành cho những người trẻ tuổi nhất”. Giới trẻ là tương lai, nên bộc lộ tương lai. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập ngày giới trẻ thế giới, để “nắm bắt, biện phân và góp phần định hướng và định hình tương lai cho giáo hội và thế giới”. Người Trẻ hôm nay, cần có Đức tin, và sự phân định ơn gọi[1]. Đức Kitô cũng là một người trẻ, và là người trẻ trưởng thành[2]. Ba chân lý, luôn giữ được niềm hy vọng:“Chúa yêu con”; “Chúa cứu con” và “Ngài đang sống”[3]. Như Ngài đã truyền lệnh cho người thanh niên: hãy trỗi dậy[4]! Hãy trỗi dậy… ta chọn ngươi làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy[5].

Sau đây, tôi xin chia sẻ: Giới trẻ là ai? Họ nói gì? Và Nghệ thuật lắng nghe họ nói?

Nhận thức

Là ai? Theo Phúc âm. Họ là một người giàu, có khát vọng lý tưởng. Họ đã hỏi Chúa về sự sống đời đời[6]. Họ là một người thực tế, đòi hỏi quyền lợi, tự do, và hưởng thụ: “Xin cha chia gia tài”. Họ là một người khuyết tật, được: “Nhìn thấy ánh sáng”[7]? Họ là một người chết trẻ, được Chúa Giêsu cho sống lại[8]. Theo Công đồng, trong thư gởi giới trẻ, các Nghị phụ đánh giá: Họ là ánh sáng, kiến tạo xã hội ngày mai. Họ đòi hỏi tôn trọng phẩm giá, tự do và quyền lợi. Nhưng cũng có người sống theo bản năng, ích kỷ, buông thả, hung bạo, hận thù và ham khoái lạc. Dẫn tới thất vọng và hư vô, suy nhược, già cỗi[9]. Và Giáo hội tin, cậy, yêu mến và mong ước: Họ trở thành chủ thể tích cực tham gia vào công việc Phúc âm hóa và đổi mới xã hội. Còn Văn hóa Việt Nam cho rằng, người trẻ thì khỏe nhưng chưa đủ khôn ngoan. Lại hay bị coi là: háu đá; vội vàng.

Nói gì? Tin Mừng thuật lại: người thanh niên “bắt đầu nói”. “Nói” là đi vào mối tương quan với người khác. Không nói, không đối thoại, như người chết. Diễn đàn Thanh niên của giáo hội, đưa ra quan điểm của giới trẻ: mầu nhiệm của sự sống và cái chết, ý nghĩa của sự tồn tại, vẻ đẹp, công việc, tình yêu và tình bạn… Tôi xin đề cập tới ba điểm đặc biệt sau đây.

1. Tương lai. Theo nghiên cứu tâm lý, thì có tới 80%, nói về tương lai, ước mơ và lý tưởng. Theo chủ trương: “Tương lai là quá khứ và hiện tại kéo dài”. Nên “Giáo dục hôm nay, xã hội ngày mai”. Nhưng thời nay: “Xã hội và giáo hội ngày mai, giáo dục hôm nay”. Dân chúng Singapore tầm nhìn và hành động 50 năm sắp tới. Từ trẻ em tới người già, chỉ cần lướt nhẹ máy tính, sẽ thấy và biết phải làm gì đạt tới tương lai, từng kế hoạch 5 năm và từng năm. Như thế, tuổi trẻ cần biết: “Thế giới đang đi về đâu? Việt Nam là gì và làm gì trong thiên niên kỷ mới? Giáo hội, sau Công đồng, nhất là Thượng hội đồng Giám mục thế giới, 2023 có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt và độc đáo gì”? Biết tương lai, để biết cùng với Giáo hội và Dân tộc chuẩn bị hành trang vươn tới.

2. Dân chủ, tự do và giàu có. Đó là xu thế lịch sử thời đại, không thể đảo ngược. Giới trẻ đối thoại, không thích ra lệnh. Dân chủ, tự do là điều kiện sáng tạo; không có sáng tạo, đổi mới không thể sánh kịp thế giới khoa học số, thời đại bùng nổ công nghệ 4.0. của Tây phương tràn vào.

3. Lý tưởng và thực tế. Làm thế nào để sống tích hợp: “Đông-Tây” và: “Cả…cả…: “Cả giàu sang đời này lại được cả đời sau, vĩnh hằng”? Liêm chính và chân thành; biết ơn và chính trực; yếu đuối, khuyết điểm và đại độ thông cảm. Tình yêu và tình bạn. Làm sao sống đẹp và hạnh phúc? Cái đẹp và tình yêu cao thượng. Tình yêu, sự chết và trỗi dậy? Hài hòa: “Ân sủng và thực tại. Đức tin và khoa học. Tâm linh và khoa học”. Đó là cả một chuỗi kỹ năng và nghệ thuật sống.

Nghệ thuật lắng nghe?

1. Thân thích. Trong một nền văn hóa làm cho người trẻ bị cô lập và rút vào những thế giới ảo. Lãng quên ký ức, lãng quên lịch sử, bác bỏ kinh nghiệm của thế hệ trước. Coi thường quá khứ và chỉ nhìn về tương lai hứa hẹn. Đó là cạm bẫy của tuổi trẻ tự mãn và cho rằng những gì không trẻ trung đều tồi tệ và lỗi thời. Là bạn đường và là bạn thân của người trẻ, giáo hội gần gũi, chân thành lắng nghe, có biện phân, gạn đục khơi trong. Hầu giúp giới trẻ thành đạt và hạnh phúc.

2. Tin tưởng. Giáo hội tin tưởng vào khả năng của các bạn trẻ và giúp họ tín nhiệm vào Thiên Chúa tốt lành, công bình làm cho đời có ý nghĩa. Tránh tình trạng, khi học giáo lý, hay những khóa đào tạo, với nội dung quá giáo điều, chỉ nhằm đạo đức và ý hướng. Kết quả là nhiều bạn trẻ cảm thấy chán, mất nhiệt thành tìm gặp và đi theo Chúa, bỏ dở chặng đường, trở nên buồn chán và tiêu cực, mất tin tưởng và xa rời hội thánh.

3. Thuận theo. Lãnh đạo nghe giới trẻ, giới trẻ sẽ nghe lãnh đạo. Một Giáo hội pháo đài, quá e ngại, quá khuôn khổ, trong thế phòng thủ, tự vệ trước mọi sai sót từ bên ngoài, sẽ đánh mất sự khiêm nhường, không còn chịu lắng nghe, không để người khác chất vấn, để mất đi thế hệ trẻ và trở nên một viện bảo tàng. Lắng nghe tiếng gọi, nghị lực trẻ trung, phục vụ. Một Giáo hội sống động sẽ lưu ý đến những yêu cầu chính đáng của mọi người, nhất là của giới trẻ và của phụ nữ, mong mỏi được đối xử bình đẳng và công bằng hơn.

Kết luận

1. Giới trẻ là những người có sức, có lý tưởng và thực tiễn, nhưng họ cũng còn nhiều khiếm khuyết. Có ba điều khó biết: “Đường chim bay, đường rắn bò và lòng thanh niên”. Tuy nhiên, Chúa Kitô yêu, cứu và Ngài đang sống với họ, vì họ là chủ nhân và chứng nhân tương lai. Chúng ta tin, cậy, yêu, hy vọng và chăm sóc giới trẻ, không có lựa chọn. Xin hãy nhìn giáo hội, sẽ thấy khuôn mặt Đức Kitô[10]. Hãy tín nhiệm giáo hội Chúa Kitô, vị Anh hùng chân chính, khiêm tốn và khôn ngoan; vị ngôn sứ, của Chân lý và tình yêu. Là bạn đường và là bạn thân của người trẻ. Không ai yêu con bằng Mẹ, không ai thật bằng Cha. Giáo hội Chúa Kitô là cả Cha cả Mẹ, lúc nào cũng đại độ, bao dung, tha thứ. Dù con có thế nào, thì con vẫn là con của Mẹ-Giáo hội.

2. Người trẻ trưởng thành là biết trở về với gia đình. Ai trong chúng ta, cũng có những khuyết điểm, nhất là có lỗi với cha với mẹ. Hãy sống hiếu thảo: “Kính trọng cha và vâng lời mẹ”. Tránh làm cha mẹ buồn lòng. Biết “Hy sinh, quên mình, phụng sự”, góp phần làm cho bầu khí gia đình vui tươi, hạnh phúc. Ba bà mẹ và ba con trai. Khi đi chợ về tới đầu làng. Cả ba người con xuất hiện. Người thứ nhất khoe con mình là Lực sĩ: Nó đang biểu diễn. Người thứ hai là Ca sĩ: Nó đang hát. Người mẹ thứ ba không nói gì. Có một người thanh niên, gánh hàng giúp bà, vì anh là : “Con của mẹ”.

3. Và cần có một người bạn chân thành, trung thực, tinh thần trách nhiệm và lạc quan. Việc sống trung thực có thể thường mang đến những thiệt thòi. Tinh thần trách nhiệm có thể khiến vất vả và đòi phải hy sinh. Tính lạc quan có thể trở nên kỳ dị trước thực tế lũng đoạn của xã hội tục hoá này. Mỗi bạn trẻ, có thể trao ban đức tin cho người trẻ hôm nay.

Truyền thông TGP/SG, tháng 11. 2021
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
 

[1] Chủ đề Giới trẻ, 2018

[2] Năm 2019, Đại hội giới trẻ thế giới XVI

[3] Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus vivit

[4] Chủ đề năm 2020

[5] Và năm 2021

[6] Mc 10,17-27

[7] Mc 10, 46-52

[8] Lc 7,14

[9] Công đồng Vat. II, thư gởi giới trẻ

[10] Thượng hội đồng giám mục thế giới, 31/5/1985 
 
(WGPSG)

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 33 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 16.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

‘NGỤP LẶN’ TRONG DỊCH BỆNH VÀ ÁNH SÁNG…

‘NGỤP LẶN’ TRONG DỊCH BỆNH VÀ ÁNH SÁNG…

TGPSG – Bài viết này ghi lại lời kể của một gia đình di dân trẻ, phải ‘ngụp lặn’ trong biển cả tăm tối của dịch bệnh, đồng thời cũng đón nhận được tràn trề ánh sáng của Chúa từ tình thương họ dành cho nhau…

Những ngày êm đềm

Gia đình chúng tôi có 4 thành viên, gồm tôi là Maria Hường, cùng chồng là Giuse Huân, và hai con nhỏ là Giuse Nam 3 tuổi, Giuse Kha 1 tuổi.

Chúng tôi đến từ giáo xứ Chúc A, giáo phận Vinh, hiện sinh hoạt trong địa bàn giáo xứ Xuân Hiệp thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Cũng như bao gia đình di dân khác, do chi phí sinh hoạt đắt đỏ, chúng tôi phải dè xẻn trong mọi sinh hoạt ăn uống, thuê nhà trọ, mua sữa cho con... và cố gắng hòa nhập để thích ứng, chăm chỉ vun đắp hạnh phúc cho gia đình bé nhỏ của mình.

Mỗi tối gia đình quây quần bên nhau. Rảnh rỗi thì tán chuyện với mọi người, nhưng cũng hiếm khi, vì lúc thì chồng tăng ca, lúc thì vợ tăng công việc…

Chúa nhật là ngày vui nhất của chúng tôi, cả nhà cùng đến nhà thờ tham dự thánh lễ, tập hát ca đoàn, đưa các con theo làm quen với bầu khí ấm áp trong giáo xứ.

Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua...

Những ngày âu lo

Nhưng rồi dịch bệnh ập đến, nhà thờ tạm đóng cửa, công ty dừng hoạt động... Con virus Corona bay đi khắp nơi và ngấm sâu dần khiến mọi thứ như bị đóng băng.

Đến đầu tháng 8-2021, người nhiễm bệnh đã rất nhiều. Hẻm vào khu trọ đã bị rào chặn, chúng tôi rất lo lắng và bất an. Khi dãy trọ hẻm cạnh bên có người qua đời, mọi người không ai dám ra khỏi phòng. Mỗi chiều, tôi hay hé cửa sổ nhìn ra, thấy hành lang vắng lặng thênh thang, bèn buồn bã khép cửa sổ lại. Tôi cảm thấy như căn phòng trọ tự co lại, nhỏ bé, thiếu ánh sáng và chật hẹp thêm.

“Gần nhau dăm bước, ngỡ sơn khê!” - câu này thật đúng với hoàn cảnh mọi người trong khu trọ lúc ấy: cách chỉ vài bước chân thôi mà mọi người phải dùng Zalo thăm hỏi nhau.

Trong hơn một tháng, khu trọ chúng tôi sống lây lất nhờ sự hỗ trợ của nhà thờ và các anh chị thiện nguyện. Nhưng người cần thì đông, người giúp thì ít, phục vụ không xuể, nên cũng đói no vô chừng…

Trong thời khắc đó, gia đình chúng tôi không thể giữ nếp sinh hoạt bình thường, phải điều chỉnh để thích ứng: cân đối chuyện ăn uống, ưu tiên cho trẻ thơ, cùng dự lễ trên điện thoại, cầu nguyện và dạy các con làm dấu thánh giá trước bữa ăn... Mỗi tối, chồng tôi ngồi đọc Lời Chúa cho cả nhà nghe, cùng dâng lời cảm tạ, và thêm lời cầu nguyện: “Xin Chúa từ bi nhân ái ban an bình cho mọi người.”

Những ngày giông bão

Đầu tháng 9-2021, một nhóm y tế đến khu trọ chúng tôi. Họ test tất cả mọi người. Ai cũng rất hồi hộp trong khi chờ kết quả. Buồn thay, gia đình gồm 4 thành viên chúng tôi đều dương tính. Họ thông báo: tối hôm sau sẽ đưa đi cách ly.

Hụt hẫng, lo lắng, thất vọng len vào tâm trí vợ chồng chúng tôi. Ngồi hát ru con ngủ mà đầu óc tôi cứ lơ mơ, gần như suy sụp. Chồng tôi thì ngồi dựa tường, hiện rõ nét suy tư. Rồi anh nói như muốn an ủi chính mình: “Phải bình tĩnh, không hẳn dương tính là họa, biết sớm lại hay, biết trễ nguy hiểm lắm!”

Sau bữa cơm chiều, như lệ thường, chồng tôi mở Tân Ước, đọc cho cả nhà nghe. Chợt anh đọc to lên: Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33b). Một phút im lặng, rồi ảnh vui vẻ đứng lên, bắt đầu sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị vài thứ cần dùng. Ngay đêm đó, xe đưa gia đình chúng tôi và 4 gia đình khác vào khu cách ly tại ký túc xá Đại Học Ngân Hàng.

Đến nơi, mọi người xuống xe, xếp hàng ngoài sân. Tiết trời cuối thu se lạnh, nên dù phải giữ khoảng cách khi đứng chờ, nhưng mọi người cứ theo quán tính, xích lại gần nhau, như cố tìm hơi ấm, khiến người quản lý phải dùng loa nhắc liên tục. Tôi chợt nói thành tiếng: "Ước gì có một đống củi đang cháy nơi đây, than hồng sẽ ấm lắm!". Chồng tôi hiểu, ảnh nói như muốn kéo tôi ra khỏi ưu phiền: "Em nhìn xem, những người phục vụ nơi đây, ai cũng bận bảo hộ xanh, trắng kín mít, nhìn cứ như trong mấy bộ phim khoa học viễn tưởng!"

Hằng ngày, chúng tôi được cung cấp thức ăn nước uống tận phòng, chỉ ra khỏi phòng khi test. Cứ ba ngày họ test một lần. Tôi thấy sau mỗi lần test, ai cũng ra vẻ bình thản, kỳ thực là trong lòng mọi người và cả tôi, đang rất hồi hộp…

Các con tôi còn nhỏ, nên việc chăm sóc chiếm hầu hết thời gian trong ngày. Chúng tôi thay phiên nhau thức để theo dõi chuyển biến của các con, luôn sạc đầy điện thoại để phòng khi cần gọi gấp. Nhưng dù sống trong lo âu phập phồng, chúng tôi vẫn luôn nhớ đến Chúa. Buổi chiều sau khi nhận cơm, vợ chồng cùng dự lễ trực tuyến rồi mới dùng cơm. Buổi tối thì thay phiên nhau thức để theo dõi sức khỏe con cái. Mỗi khi ‘bàn giao ca trực’, cả hai luôn cùng lần hạt và cầu nguyện.

Thỉnh thoảng đang đêm, tiếng xe, tiếng người nói chuyện ồn ào, tôi ra cửa sổ nhìn. Ánh đèn xe chớp tắt hòa với ánh đèn sảnh kí túc xá mờ mờ hắt ra: lại có thêm người dương tính được đưa vào. Mọi việc diễn ra khoảng hơn một giờ, rồi yên ắng tĩnh mịch lại bao trùm sân ký túc xá. Cứ mỗi lần cảnh đó xảy ra, tôi thấy như thêm một mảng tối che phủ tâm hồn mình, và phải ngồi cầm chuỗi, lần hạt, cầu nguyện mới định thần lại được.

Đến giữa tuần thứ hai, Ban Quản lý thông báo với chúng tôi: “Anh chị và cháu lớn đã âm tính, được phép về. Bé nhỏ có triệu chứng nhiễm nặng, phải ở lại để theo dõi, cuối tuần test PCR một lần nữa.”

Vợ chồng tôi nêu thắc mắc: “Chúng tôi ra về, ai sẽ trông chừng bé?”

Người phụ trách nói: “Vì đã được ra về rồi, nên anh chị muốn ở lại thì phải đóng phí.”

Vợ chồng tôi bàn tính: “Tiền không còn bao nhiêu, lấy gì mà đóng phí? Đóng phí rồi khi về, lấy gì mà ăn? Mà ở lại đây thì dễ bị tái nhiễm lắm! Vậy ai sẽ về và ai sẽ ở lại chăm con?”

Tôi nói với chồng: “Anh về trước để an toàn và giảm bớt phí”.

Nhưng ảnh không đồng ý: “Em nên về trước, anh khỏe hơn, thức đêm trông con tốt hơn.”

Cả hai không ai chịu nhường ai. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm chung sống, chúng tôi bất đồng ý kiến.

Cuối cùng, chồng tôi quyết định:

“Anh có ở ngoài thì cũng đâu có thể giúp được gì và cũng chẳng làm được gì nếu có sự cố xảy ra. Còn nếu em ở ngoài, tối về, em cũng đâu thể yên tâm ngủ ngon khi xa con. Thôi thì vợ chồng mình cùng ở lại với con, mọi chuyện tính sau. Chúa luôn yêu thương trẻ con, mình cũng phải vậy, huống chi đây là con mình. Cứ phó thác mọi sự và cầu nguyện, con mình sẽ luôn được Chúa ôm vào lòng và đặt tay ban phước.”

Ánh sáng tình yêu

Chúng tôi gạt bỏ u sầu, toàn tâm toàn ý chăm sóc con cái, thường xuyên cầu nguyện, cùng nhau tìm sự bình an trong những phút giây tâm sự với Chúa, cố ghi nhớ lời Thánh Phaolô: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em!” (Pl 4,4)

Nhưng lần đầu tiên rơi vào bị động, chúng tôi không thể vững vàng mãi. Nhiều lúc tôi rất buồn nản, và cũng vậy, chồng tôi lắm khi ngồi bất động vô hồn… Chúng tôi phải luôn cố gắng từng phút để có thể tập trung tinh thần mà tỉ mỉ ‘lo việc cần lo’ trong ngày.

Thánh vịnh 36,5 có ghi: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay…” Quả thật, 4 ngày sau, bé Kha có kết quả test âm tính. Ban Quản lý đã cân nhắc và giảm phí cho chúng tôi. Tạ ơn Chúa, số tiền còn lại của chúng tôi cũng vừa đủ trang trải viện phí!

Trở về phòng trọ, chúng tôi có cảm giác như được về quê hương. Hành lang nhà trọ như con đường làng, thênh thang chào đón. Vui không kể siết là điều đương nhiên, bởi mảnh đất Thủ Đức đã là quê hương thứ hai của gia đình chúng tôi. Các cha, các thầy, các sơ, các tín hữu nơi đây rất thân thiện và nhân ái. Mọi người hỏi han, hỗ trợ chúng tôi từng bó rau, từng ký gạo. Ôi thật nặng nghĩa yêu thương, đậm chất gia đình!

Ngồi ngẫm lại biến cố vừa qua, tôi xác tín: Nếu không nương tựa vào Thiên Chúa, sức lực của chúng tôi không thể đủ để vượt qua gian truân sóng gió trong những ngày chống chọi dịch bệnh, như lời Thánh Vinh 46,1: “Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.” Tin tưởng tuyệt đối vào tình Chúa, gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình trên dương thế với lòng mến Chúa yêu người.

Lời kết của người viết

Mỗi thành viên gia đình là một ngọn đèn, soi sáng cho nhau. Khi các thành viên hiệp thông cùng nhau, những ngọn đèn đơn lẻ ấy sẽ tạo nên ánh sáng tươi đẹp của gia đình, trường tồn cùng ánh sáng giáo hội hoàn vũ, nhờ nguồn sáng đích thực là Đức Kitô.

Cảm tạ Chúa đã cho chúng con biết sứ mạng cao cả của mỗi gia đình Kitô hữu. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ, soi đường cho chúng con, để chúng con mãi là chứng nhân tình yêu, mang ánh sáng bình an tô đẹp cuộc sống thường ngày. Amen.

FX. Hoàn Mỹ (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 16.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 33 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 16.11.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 33 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 15.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

NGƯỜI LAO CÔNG THẦM LẶNG Ở TUYẾN ĐẦU

NGƯỜI LAO CÔNG THẦM LẶNG Ở TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Cảm ơn “người lao công thầm lặng” đã kéo tôi ra khỏi sự an toàn bản thân, để biết nghĩ và sống cho người khác nhiều hơn.

Mang trong lòng những ước mơ được phục vụ, tôi đã cùng rất nhiều tu sĩ trẻ dấn thân làm tình nguyện viên nơi bệnh viện dã chiến số 1- quận 7. Lúc đầu, tôi chỉ biết dùng lời nói để an ủi các bệnh nhân về những gì đang xảy đến với họ. Rồi đến một hôm .... tôi bị trở thành bệnh nhân, lúc ấy tôi mới cảm nghiệm được rất nhiều điều.

Buồn sầu, khó chịu, mệt mỏi là tâm trạng của tôi trong những ngày đầu tôi chính thức trở thành bệnh nhân nhiễm Covid. Tôi buồn vì ước mơ phục vụ của tôi đã bị dập tắt ngay khi mới bắt đầu. Tôi mệt mỏi vì cơ thể phải chiến đấu với con virus của thời đại. Tôi khó chịu vì phòng bệnh không thoải mái như ở nhà, cái gì cũng thiếu thốn. Điều làm tôi ám ảnh và khó chịu nhất là nhà vệ sinh: mùi tanh hôi, sự nhếch nhác, không có giấy, không xà phòng rửa tay, vòi nước có lẽ đã qua mấy chục năm, nay cũng đến lúc rệu rã.

Mỗi lần phải đến "khu vực đỏ", tôi lại lẩm bẩm trách: ‘Mấy bà lao công lười quá, không chịu dọn dẹp nhà vệ sinh cho đàng hoàng…’. Thậm chí mấy ngày đầu, tôi còn nín nhịn để hạn chế đến "khu vực đỏ" này, nhưng sau vài ngày tôi đành phải hội nhập với chúng vậy, dù rằng miệng vẫn không ngớt lẩm bẩm khó chịu.

Vào một đêm choàng thức giấc, tôi quơ tay với cái điện thoại đầu giường: “mới 2 giờ sáng". Tôi muốn ngủ tiếp nhưng không được, cái "cơ sở hạ tầng" biểu tình bắt tôi phải đi giải quyết vấn đề nhân sinh. Hành lang bệnh viện giờ này vắng tanh, mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ. Tới “khu nhà đỏ”, tôi khó chịu thốt lên:

- Trời ơi, nhà vệ sinh giờ này mà cũng có người trong đó

Tôi phải chờ đợi. Loanh quanh vài vòng mà vẫn chưa thấy người ở trong đi ra. Không thể nín được nữa rồi, tôi đành liều lên tiếng:

-Tôi có thể vào được không ạ?

- Dạ chị vào đi, em đã dọn dẹp nhà vệ sinh xong rồi.

Tôi ngạc nhiên nhìn người thanh niên hỏi:

- Không phải bạn cũng là bệnh nhân mới nhập viện hôm qua đó sao?

- Dạ, nhưng mà em cũng khỏe lắm, chỉ mới sốt nhẹ thôi…

Không thể tiếp tục câu chuyện, tôi vội cúi đầu xin phép đi giải quyết vấn đề, còn người thanh niên lại tiếp tục với cây chổi chà bồn cầu đi lên lầu trên.

Sáng hôm sau, tôi mon men tiếp cận người thanh niên tối hôm qua:

- Sao bạn lại dọn nhà vệ sinh sớm vậy?

- Thì mình thấy nhà vệ sinh không sạch lắm nên dọn dẹp, giờ đó không làm phiền ai. Mình còn khỏe hơn mọi người, nên có thể giúp mọi người làm chút việc này.

- Nhưng nhà vệ sinh đã có lao công rồi mà!

- Dạ, nhưng mình thấy các nhân viên y tế, các cô lao công và cả các anh chị tình nguyện viên rất bận rộn với việc chăm sóc bệnh nhân. Mình muốn làm cái gì đó để cùng mọi người giúp các bệnh nhân thôi và mình có thể làm được việc này.

“Mình cần làm cái gì đó
để cùng mọi người giúp các bệnh nhân thôi” 

Câu trả lời từ tận đáy lòng của người thanh niên đã làm tôi suy nghĩ. Tôi cũng là người trẻ, nhưng tôi rất ngại ra khỏi sự an toàn của mình để nghĩ đến người khác. Tôi vẫn thích sự thoải mái, ổn định dễ dàng và chấp nhận cảnh đời tầm thường hơn là sự hy sinh dấn thân. Tôi cũng đã từng có ước mơ làm điều này điều nọ, nhưng khi không được như ý, tôi lại ngồi thở than.

Anh bạn trẻ này đã cho tôi cảm nhận rằng: Khi tình yêu đủ lớn, nó sẽ giúp cho chúng ta có được trực giác nhạy bén để nhận ra nhu cầu của người khác. Đồng thời, tình yêu sẽ kéo ta ra khỏi vỏ bọc an toàn cho bản thân để dám sống cho đi nhiều hơn. Chúa Giêsu cũng đã từng nói: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12)

Từ hôm đó trở đi, tôi đã quyết định cùng bạn trẻ này làm những việc có thể. Chúng tôi đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân trong phòng, lấy nước uống, chia cơm, dọn dẹp nhà vệ sinh... Bạn đánh bồn cầu tầng ba, còn tôi làm nhà vệ sinh tầng bốn.

Cảm ơn “người lao công thầm lặng” đã kéo tôi ra khỏi sự an toàn bản thân, để biết nghĩ và sống cho người khác nhiều hơn.

Cảm ơn Chúa đã cho tôi có cơ duyên gặp bạn, để tôi được lớn lên trong tôi và trong thế giới này.

Nt M. Thuý Kiều (TGPSG)
Dòng Đaminh Tam Hiệp
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 15.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 33 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Hai, ngày 15.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon