Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

VĂN HOÁ VỨT BỎ & VĂN HOÁ HY VỌNG

VĂN HOÁ VỨT BỎ & VĂN HOÁ HY VỌNG

TGPSG -- Đừng sống văn hóa vứt bỏ, nhưng hãy sống văn hóa hy vọng.

Nhìn người đàn ông tóc đã nhuốm bạc mãi loay hoay bên bà cụ nhiễm Covid, tôi không khỏi thắc mắc:

⁃ Chú lớn tuổi rồi sao không nhờ con cháu đi chăm bệnh nhân cho chú đỡ mệt?

⁃ Đâu có sao đâu sơ, bà là mẹ của chú mà. Bà yếu quá, lại nhiễm bệnh này, không biết chú còn được ở bên bà bao lâu nữa.

Vừa nói chú vừa thoăn thoắt thay tã, lau người cho cụ. Chú đã quá quen với việc chăm sóc mẹ mình. Tôi nói với chú:

⁃ Đêm nay sơ trực, sơ trông bà giùm cho. Chú qua giường bên cạnh nằm chợp mắt chút đi cho đỡ mệt. Nếu có chuyện gì sơ sẽ gọi, chứ thức suốt đêm như thế này thì làm sao đủ sức chăm bà.

⁃ Dạ thôi, để chú ngồi cạnh bà ngủ cũng được, chú sợ nếu bà tỉnh mà không thấy ai chắc bà hoảng lắm.

Đêm ấy, nhìn người đàn ông ngồi bên giường cầm tay mẹ mà ngủ, tôi cảm thấy thật ấm lòng. Nếu bà cụ có phải ra đi vì dịch bệnh, thì cụ chắc hẳn chẳng cô đơn. Lòng hiếu thảo của con cháu vẫn luôn giúp cụ đủ sức hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa trong đau khổ của phận người.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như cụ, cách đây vài ngày thôi, tôi đã thấy trên một bộ hồ sơ bệnh án có tờ giấy với những dòng chữ thật đau lòng: "Tôi là Nguyễn Văn A, cháu ngoại của bệnh nhân Nguyễn Thị L. Nay tôi làm đơn này xin bác sĩ ngưng tiêm thuốc và ngưng điều trị cho bà của tôi, vì bà tôi đã già yếu rồi. Mọi bất trắc tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ký tên Nguyễn Văn A”

Cầm lá đơn trên tay, tôi không tránh khỏi sự đau lòng. Sau một vòng thực hiện y lệnh cho bệnh nhân, tôi đến bên người thanh niên thăm hỏi:

⁃ Chắc anh phải có lý do hệ trọng lắm khi viết lá đơn ấy nhỉ?

⁃ Chị thông cảm cho, em không thể chăm sóc bà ấy, em rất bận… và một loạt lý do anh cố trình bày để biện minh cho lá đơn anh đã ký.

⁃ Anh là cháu duy nhất của bà, khi còn khỏe mạnh chắc bà yêu thương và hy sinh cho anh lắm?

Người thanh niên gãi đầu:

- Dạ... dạ… nhưng mà…

⁃ Chúng ta không có quyền quyết định sự sống của bất cứ ai. Các bác sĩ và nhân viên y tế đang cố gắng cứu người nhà của anh, mà anh thì lại muốn cho bà qua đời… Thật là một điều không nên làm chút nào…

Rồi Covid cũng đưa ngoại của anh qua thế giới bên kia, anh cũng chỉ đứng xa xa nhìn ngoại qua lớp túi ni-lông. Không biết rồi đây khi anh phải chịu sự đau khổ, có ai muốn đồng hành giúp anh không?

ĐGH Phanxicô nói: “Khi bạn loại bỏ người già, thì sau cùng bạn sẽ trở thành một phần của xã hội hiện đại (đáng buồn), một xã hội đã đưa cuộc sống vào ‘mùa đông nhân khẩu’. Đừng sống văn hóa vứt bỏ, nhưng hãy sống văn hóa hy vọng.”

Tôn trọng sự sống chính là đồng hành với bệnh nhân chứ không loại trừ. Không một vị chức sắc nào đó nằm bất động lại được coi trọng hơn bệnh nhân khác, hay như những người ủng hộ an tử thường lập luận rằng:" Những sự sống nào không đạt được chất lượng xứng hợp, thì không đáng được bảo vệ và chăm sóc."

Trái lại, Giáo hội cho chúng ta hiểu rằng: đau khổ, nhất là đau khổ trong những giờ phút cuối đời, có một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, vì đau khổ là thông phần và hiệp nhất với hy tế cứu chuộc mà Đức Giêsu đã dâng trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Nếu chúng ta hiểu chết không phải là hết, thì chúng ta mới hiểu được giá trị của đau khổ và hy sinh, như thế chúng ta mới đủ quảng đại để thắp lên ngọn lửa của hy vọng cho tương lai, mới biết trân quý sự sống của mình và của người khác.

Nt Maria Thúy Kiều,
Dòng Đaminh Tam Hiệp (TGPSG)
(WGPSG)

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 17.11.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 17.11.2021
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 33 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Nữ Êlisabeth Hungari. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 17.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN: NƠI VIẾT NÊN CHUYỆN TÌNH NHÂN LOẠI

BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN: 
NƠI VIẾT NÊN CHUYỆN TÌNH NHÂN LOẠI

TGPSG -- "Nếu gia đình là nơi viết nên câu chuyện cuộc đời mỗi người thì “gia đình bệnh viện dã chiến” là nơi viết nên chuyện tình nhân loại, là nơi ta cho đi chính mình, là tất cả những gì mình sống vì nhau."

Đại dịch Covid-19 tạm lắng nhưng còn đọng lại những tấm lòng, những bàn tay nhân ái, những thiện nguyện viên hết mình vì bệnh nhân… Tất cả đã làm nên một gia đình nhân loại đầy yêu thương.

Thời gian qua, những câu chuyện đẹp từ trái tim đến trái tim vẫn luôn lan tỏa ánh sáng. Quả thật, nhờ ơn Chúa mà ‘Vò bột không vơi, hũ dầu không cạn’ (1V 17, 14), càng cho đi lại càng có thêm.

Một Phật tử niệm Phật, hành thiền… mang trong lòng mục tiêu giáo lý nhà Phật. Một Kitô hữu cầu nguyện ấp ủ trong lòng tình yêu… trong sự thật về Thiên Chúa và sự thật của một người, được Thiên Chúa yêu thương tác thành bao bọc chở che. Chính đại dịch đã tạo ra môi trường thấm đẫm yêu thương.

“Chưa bao giờ chúng con thấy Phật Giáo và Công Giáo gần nhau đến như thế.” Đó là lời chia sẻ của Đại đức Thích Nguyên An trong buổi lễ “Đón và tri ân các tình nguyện viên Tôn giáo”, tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Chính tình thương trong thời covid đã tạo nên môi trường sống thân thiện, chan hòa yêu thương và đầy tình người.

Bệnh viện dã chiến - cái tên mới nghe đã thoáng thấy một chút sợ hãi, lo lắng- lại là nơi ghi dấu bao câu chuyện cảm động về tình người. Chính các thiện nguyện viên là những người viết nên câu chuyện rất thật ấy.

Với 3 tháng phục vụ, các thiện nguyện viên đã cảm, đã thấu, đã xem bệnh viện như gia đình thứ hai của mình, đã chứng kiến bao kỉ niệm vui buồn nơi đây. Chính tình yêu làm cho bệnh viện dã chiến này hóa thành “gia đình”.

“Gia đình dã chiến” này đã xảy ra biết bao biến cố: vui có, buồn có, hạnh phúc có, khổ đau cũng có. Niềm vui vỡ òa khi được chứng kiến bệnh nhân xuất viện ngày càng đông, số ca tử vong ngày càng giảm. Đồng thời mọi người cũng quặn lòng chấp nhận khi có một bệnh nhân không qua khỏi.

Quả thật, một gia đình không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Một gia đình không phải lúc nào cũng mỉm cười và không có nước mắt, chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau. Điều quan trọng là khi gặp đau khổ thì bạn chọn cách đối diện với nó như thế nào, vượt qua nó ra sao?

Những bệnh nhân nơi đây cũng cảm nghiệm được rằng hạnh phúc không phải lúc nào cũng là tất cả. Những người đã vượt qua bệnh tật là những người tìm được ý nghĩa trong cuộc đời khi họ sống với nhau. Có lẽ nhờ cảm nghiệm được điều đó nên mọi người nơi đây sống để thương nhau. Giữa bộn bề cuộc sống, ai cũng có nỗi niềm riêng, vậy mà tình cảm giữa người với người chẳng bao giờ mất.

Nếu gia đình là nơi viết nên câu chuyện cuộc đời mỗi người thì “gia đình bệnh viện dã chiến” là nơi viết nên chuyện tình nhân loại, là nơi ta cho đi chính mình, là tất cả những gì mình sống vì nhau. Các thiện nguyện viên đã làm mọi cách để bệnh nhân được an ủi, là cầu nối giữa người nhà với bệnh nhân, lo cho bệnh nhân ra đi trong thanh thản, bình an khi không có người thân bên cạnh, đã làm cho những người nhà ấm lòng khi biết người thân mình ra đi trong bệnh viện.

Một cụ già tâm sự: “Khỏi bệnh thì tôi vui, nhưng tôi sợ về nhà lắm. Về nhà con nó hắt hủi vì không có tiền cho nó…Chưa bao giờ tôi cảm nhận mình được yêu thương như khi ở bệnh viện. Người ta bảo bị Covid là xui nhưng sao tôi thấy mình hên quá! Ở đây tôi được các bác sĩ và các sơ, các thầy thương. Tôi thấy đây mới là gia đình thực sự”. Thế đấy, gia đình đối với một số người chỉ đơn giản là được những người bên cạnh yêu thương.

Nhớ lại quãng thời gian tháng bảy, tháng tám, thời điểm quá khó khăn và lo lắng mọi mặt bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, thế mà những chuyến xe cứu trợ vẫn lăn bánh, nhân viên y tế và an ninh vẫn cật lực thâu đêm, ATM thực phẩm vẫn tuôn chảy hàng ngày…, bước chân của tình nguyện viên trong đó có các linh mục, tu sĩ nam nữ vẫn kiên trì tiến lên… Đó là biểu hiện cao cả và sống động của lòng trắc ẩn.

Dịch bệnh là cơ hội để con người biết trân trọng, biết yêu thương và hạnh phúc khi nhìn thấy nhau. Từ đó con người biết nghĩ, biết sống cho nhau. Lặng một chút để cảm thông. Lặng để sẻ chia. Lặng để nhìn lại mình còn may mắn hơn biết bao người. Chưa bao giờ tình người trên đất Việt lại thấm đậm như trong mùa dịch này. Các thiện nguyện viên đã từng bước học được nơi Thầy Giêsu lòng trắc ẩn. Đó là một bài học lớn mà có lẽ chưa ai giải thích và học được trọn vẹn ý nghĩa của nó.

Dịch bệnh càng nặng thì tình người càng lớn. Mọi người cùng chung nhịp đập con tim, không phân biệt tín ngưỡng để cùng giúp nhau vượt qua. Những nhân viên y tế, những tình nguyện viên phục vụ nơi tuyến đầu.

Nơi hậu phương, những con người âm thầm cầu nguyện cho đất nước mau sớm vượt qua dịch bệnh và được bình an. Có Sơ chia sẻ: “Tôi không được ra tuyến đầu chống dịch, chỉ biết hằng ngày hằng giờ, trong lúc làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, thầm dâng lên Thiên Chúa lời khẩn xin tha thiết. Chính lúc này, con người mới thấy mình bất lực, chỉ biết trông cậy và phó thác cho tình thương của Chúa”.

Đó đây, các giáo xứ đang thực hiện nghĩa cử cao đẹp của tình bác ái như Lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Trong dịch bệnh sẽ có thất vọng, sẽ có đau đớn nhưng hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Bởi ánh sáng vẫn lóe lên trong bóng tối. Phía sau đám mây vẫn luôn có bầu trời. Mong một ngày mai nắng lên, mây sẽ xanh, bầu trời sẽ trong và chim sẽ lại hát ca.

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.


Têrêsa Nguyễn Vui,
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục (TGPSG)
(WGPSG)

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2021

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2021

Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư này kéo dài đã làm xáo trộn mọi thứ, ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đặc biệt liên quan đến việc dạy học của các thầy cô và việc học của sinh viên học sinh. Trong yêu thương và chia sẻ, trong thích nghi và nỗ lực, quê hương chúng ta đã từng bước phục hồi những thiệt hại do đại dịch gây ra. Đối diện với thực tế hàng ngày, chắc chắn quý thầy cô đã và đang phải bối rối lo lắng trong phương pháp dạy và học mới.

Nhân dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp đến, bằng lá thư này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm thông và khích lệ chân thành đến tất cả quý thầy cô, những người mà tôi biết rằng trong lúc này đang hết sức mình thích nghi với những khó khăn trước mắt, để tiếp tục thực thi sứ mạng cao cả của mình. Sự phấn đấu này làm tôi nhớ đến lời khuyến khích của Thánh Phaolô: “Được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo” (Rm 12, 7). Từ lời khuyến khích này, trong tầm nhìn Kitô giáo, tôi cũng muốn chia sẻ đến quý thầy cô một vài suy nghĩ của riêng mình.

1. Dạy và học online - một thách đố mới.

Trong ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, ngành giáo dục đang phải đối diện với nhiều bất cập chưa có tiền lệ. “Dạy và học online”, cụm từ này đặt cả thầy lẫn trò trong sự lúng túng và ngỡ ngàng với phương pháp dạy và học mới, kéo theo nhiều vấn đề nan giải mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Truyền thông xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo mô tả bức tranh toàn cảnh của cả nước trong việc chuẩn bị cho năm học mới bằng phương pháp trực tuyến và truyền hình đầy dẫy những thử thách.

– Chất lượng giáo dục sẽ ra sao, phải soạn thảo giáo án thế nào, dạy cách nào để khi dạy trực tuyến không bị nhiều người bình luận bàn tán, điều đó làm các thầy cô luôn ở trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng?

– Chất lượng giáo dục sẽ ra sao, vì trong phạm vi giáo dục, thì cần sự hiện diện trực tiếp thầy cô và trò, nhưng học trực tuyến thì khác, khoảng cách này bị giới hạn hoàn toàn?

– Chất lượng giáo dục sẽ ra sao, khi một số học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến hay học qua truyền hình vì thiếu thiết bị học tập, đường truyền internet bị gián đoạn, học sinh ở các vùng, miền khác nhau học trực tuyến không đạt được kết quả học tập tốt như ý muốn? Và còn nhiều nữa…

Khi nêu lên những vấn nạn nầy, tôi ước mong được chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục nói chung, với thầy cô và học trò trong thời điểm dịch bệnh kéo dài này. Đồng thời, tôi cũng ước mong ngọn lửa nhiệt huyết của quý thầy cô đừng suy yếu hay tắt lịm trước những thách đố mới, vì trong mọi nơi mọi lúc, giáo dục luôn cần thiết cho đời sống của con người.

2. Lợi ích của việc giáo dục.

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Có lẽ không ai trong chúng ta dám phủ nhận sự cần thiết và lợi ích của giáo dục trong đời sống của con người về mọi lãnh vực. Và cho đến giờ này, cũng không ai chứng minh ngược lại với điều mà ông bà ta vẫn luôn nhắc nhở: “Không thầy đố mày làm nên”. Học trò cần thầy cô để giáo dưỡng. Bằng phương pháp giáo dục, con người thủ đắc được những kiến thức cần thiết cho một cuộc sống hữu ích và có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội. Hơn nữa, là giáo chức Công giáo, chúng ta còn được mời gọi thể hiện sứ mạng của mình dưới ánh sáng của đức tin. Nghĩa là, công việc của chúng ta không dừng lại ở việc đào tạo một con người có ích cho xã hội, mà phải hướng tới phần rỗi linh hồn của họ nữa. Thánh Phaolô gọi đó là một sự gột bỏ con người cũ để trở về với con người mới, vốn là con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x. Ep 4, 22-24). Một cách diễn tả khác trong thị kiến của ông Gióp, nói về những mối lợi mang đến do việc học hỏi từ Thiên Chúa. Việc học hỏi này còn giúp con người vươn đến những nhận thức có giá trị trổi vượt hơn nữa. Ông nói rằng: “Bấy giờ Người mở tai cho phàm nhân, làm cho họ sợ hãi vì những lời cảnh cáo, để kéo họ xa những việc đã làm giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm” (G 33, 16-18). Mặt khác, Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo của Công Đồng Vaticanô II số 8, gọi thầy cô là những người đồng trách nhiệm với các bậc cha mẹ, chính là để nhắc nhở tầm quan trọng của sứ mạng giáo dục mà chúng ta thực hiện cho các môn sinh của mình.

3. Vai trò của Giáo chức Công giáo.

Vào sáng thứ ba 05/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với vị đại diện các tôn giáo thế giới tham dự cuộc họp về chủ đề “Tôn giáo và Giáo dục: Hướng tới Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Trong bài phát biểu, người nói rằng: “Nếu chúng ta muốn có một thế giới huynh đệ hơn, chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ biết “nhìn nhận, trân trọng và yêu thương từng người, dù người đó gần hay xa về thể lý, dù người đó sinh ra hoặc sinh sống ở đâu”. Nguyên tắc cơ bản “Biết mình” luôn định hướng cho việc giáo dục. Nhưng chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc thiết yếu khác: “Biết anh chị em mình”, để giáo dục về việc đón tiếp người khác. “Biết thụ tạo”, để giáo dục về việc chăm sóc ngôi nhà chung, và “Biết Đấng Siêu Việt”, để giáo dục về mầu nhiệm vĩ đại của cuộc sống”. Những suy tư này, một lần nữa nhắc nhở chúng ta về vai trò đúng nghĩa của giáo chức Công giáo. Chúng ta không chỉ dừng lại trong phạm vi kiến thức thuần túy, mà còn phải hướng các bạn trẻ về một cuộc sống hướng thiện với đầy đủ các mối liên hệ: với chính mình, với tha nhân, với môi trường và với Thiên Chúa. Tiên tri Êdêkiel đã nói về ý muốn của Thiên Chúa cho các tư tế Lê-vi, vốn được coi là những bậc thầy trong dân chúng rằng: “Nó sẽ chỉ cho dân Ta biết phân biệt điều thánh thiêng với điều phàm tục, và sẽ dạy cho họ biết phân biệt điều ô uế với điều thanh sạch” (Ed 44, 23). Ước mong rằng: tất cả chúng ta, trong lúc kiên trì trao cho các môn sinh những kiến thức cần thiết trong chuyên môn, thì cũng đừng quên khơi lên trong các em một ý thức về điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Tài và Đức là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng cùng được trau giồi và bổ túc cho nhau. Nhờ đó, Tài và Đức sẽ giúp con người trở nên toàn vẹn hơn.

Quý Thầy Cô thân mến,

Thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi ân cần gửi lời kính chúc đến tất cả quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Nhà Giáo Việt Nam 2021 vui tươi và hạnh phúc trong sứ mạng giáo dục của mình. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn của cuộc sống giáo chức, qua cách dạy và học online của thời điểm dịch bệnh Covid-19 này, nhưng hy vọng các thầy cô giáo vẫn giữ ngọn lửa nhiệt tình trong việc giáo dục toàn diện cả xác lẫn hồn. Tôi cũng kính chúc quý thầy cô đã hưu trí an bình và mạnh khỏe.

Chúc Quý Thầy Cô trở thành những nhà giáo gương mẫu, dạy đạo nghĩa đối với Chúa, đối với ông bà cha mẹ và anh chị em học sinh với nhau, có ích cho Giáo Hội và xã hội.

Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2021.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

(WHĐ) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 17.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 33 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Nữ Êlisabeth Hungari. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Tư, ngày 17.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON - THÔNG BÁO: TƯỞNG NHỚ ĐỒNG BÀO TỬ VONG TRONG ĐẠI DỊCH

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Số: 231.4_211015_01

THÔNG BÁO
Tưởng nhớ đồng bào tử vong trong đại dịch


Kính thưa quý Cha, quý Bề trên và cộng đồng Dân Chúa Tổng giáo phận,

Đến nay, số tử vong do dịch bệnh Covid-19 đã vượt 23.000 người trên cả nước, trong đó có hơn 17.000 người tại thành phố của chúng ta.

Trong các Thánh lễ hằng ngày, người tín hữu Công giáo luôn cầu nguyện cho “các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc” đã ly trần; bao gồm cả những người đã mất vì Covid-19.

Vào giờ kinh tối tại các gia đình hay cộng đoàn, chúng ta cũng cầu nguyện cho các bệnh nhân và những người đã qua đời vì dịch bệnh.

Đặc biệt, ngày Chúa nhật 17 tháng 10 năm 2021 vừa qua, theo hướng dẫn của Hội đồng Giám mục, Giáo hội Công giáo Việt nam đã cử hành Ngày Toàn Quốc Xin Ơn Chữa Lành và Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Mất trong thời gian đại dịch.

Hòa chung tâm tình của người dân cả nước, vào lúc 20g30 tối thứ Sáu ngày 19 tháng 11 năm 2021, các nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng giáo phận sẽ đồng loạt đổ chuông sầu khoảng 5 phút, để tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch Covid-19.

Trong tinh thần hiệp thông của tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Mẫu Maria và Thánh Cả Giuse, chúng ta cùng phó thác người thân yêu trong gia đình hoặc cộng đoàn và tất cả mọi người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 15 tháng 11 năm 2021
Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng ấn
 

(WGPSG)