Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

CHUẨN BỊ CHO TỨ CHUNG BẰNG BỐN KHOẢNH KHẮC HẰNG NGÀY


CHUẨN BỊ CHO TỨ CHUNG 
BẰNG BỐN KHOẢNH KHẮC HẰNG NGÀY

Tác giả: Tom Hoopes

WGPVL (26.11.2021) - Suy ngẫm về thiên đàng, hoả ngục, cái chết và phán xét không chỉ dành riêng cho tháng 11 hay vào giờ chết.

Chính trong tháng 11, tháng mà chúng ta dành riêng để cầu nguyện cho những người đã khuất và nhớ về những điều Tứ Chung của con người: thiên đàng, hoả ngục, cái chết và phán xét.

Trên thực tế, Tứ Chung là những điều vô cùng quan trọng đến mức Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra nhiều dịp để giúp chúng ta ghi nhớ những điều đó vào cuộc sống của mình. Đây là bốn cách mà Giáo Hội đưa những điều Tứ Chung vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Đầu tiên, Thánh lễ là một chuyến viếng thăm thiên đàng.

Thánh Grêgôriô Cả nói: “Các tầng trời mở ra và vô số thiên thần đến tham dự vào Hy Tế Thánh Lễ.”

Giáo Hội không chỉ nói rằng Thánh lễ là một “sự cảm nếm trước” thiên đàng; nhưng Thánh lễ còn là nơi mà thiên đàng xuống để gặp gỡ chúng ta.

Tất cả đều hiện diện ở đó. Trước hết, chúng ta quy tụ lại chung quanh Chúa Kitô, “Đấng hành động chính của bí tích Thánh Thể”, chúng ta cũng quy tụ lại cùng với Giáo Hội - “những chi thể của Đức Kitô còn ở trần gian, mà cả những vị đang hưởng vinh quang trên trời.” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1348 và 1370) Ngoài ra, “Đức Maria luôn hiện diện cùng Giáo Hội và với tư cách là Mẹ của Giáo Hội, trong mỗi dịp cử hành Bí tích Thánh Thể của chúng ta,” như Thánh Gioan Phaolô II nói.

Thánh lễ như Thiên đàng trên Trần gian (The Mass as Heaven on Earth) là tiểu đề cho quyển Bữa tối của Con Chiên (The Lamb’s Supper) của thần học gia Scott Hahn. Trong đó, ông viết rằng: “Khi chúng ta bắt đầu thấy rằng thiên đàng đang chờ đợi chúng ta trong Thánh lễ, thì chúng ta đã bắt đầu mang nhà của mình lên thiên đàng, và chúng ta cũng đã bắt đầu mang thiên đàng về nhà với chúng ta.”

Thứ hai, Kinh Mân Côi nhiều lần cảnh báo về hỏa ngục.

Trong Kinh Mân Côi, chúng ta lặp đi lặp lại những điều Tứ Chung, xin Mẹ Maria “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” và đặt mình trước sự hiện diện của “Cha chúng con ở trên trời”, là Đấng phán xét mà chúng ta hy vọng Người sẽ “tha nợ chúng con,”“cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”

Đó chính là sự dữ cuối cùng của hoả ngục mà chúng ta cần được cứu thoát.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Theo gương Đức Kitô, luôn khuyến cáo các tín hữu về một thực tại đáng buồn và bi thảm là sự chết muôn đời, còn được gọi là ‘hỏa ngục’” (số 1056). Sách Giáo Lý còn cho biết thêm: “Sự tự do của chúng ta có khả năng thực hiện những lựa chọn vĩnh viễn, không thể hồi lại được.” (số 1861)

C.S. Lewis đã cảnh báo, “Con đường an toàn nhất đến địa ngục là một con đường dần dần - một con dốc thoai thoải, dưới chân êm ái, không có khúc cua đột ngột, không có cột mốc, không có biển chỉ dẫn.”

Đức Mẹ Fatima đã đồng ý về điều đó và đã đặt biển chỉ dẫn cho chúng ta trong kinh Mân Côi, khi dạy ba trẻ chăn chiên thêm lời nguyện này sau mỗi chục kinh Mân Côi: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần nhờ Chúa thương xót hơn.”

Thứ ba: Phán xét và Kiểm tâm.

Mỗi người chúng ta sẽ bị phán xét vào một ngày nào đó khi “Đức Kitô vinh hiển, khi ngự đến vào lúc cùng tận thời gian để phán xét kẻ sống và kẻ chết, sẽ làm tỏ lộ những điều kín nhiệm trong các tâm hồn và sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo các công việc của họ và tùy theo việc họ đã đón nhận hoặc từ chối ân sủng,” như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy (số 682).

Thông lệ lâu đời của người Công giáo là chuẩn bị cho thời điểm đó hàng đêm qua việc Kiểm tâm (Examination of Conscience) - kiểm điểm đời sống và nêu đích danh những tội lỗi mà chúng ta đã phạm - và kiểm tâm là việc cần thiết cho Bí tích Giải Tội.

Khi nó được thực hiện đúng cách, “Việc kiểm tâm không bao giờ khiến bạn tuyệt vọng, nhưng hãy luôn hy vọng,” như Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen nói.

Có nhiều điểm quy chiếu có thể giúp thực hiện được việc kiểm tâm này: Bảy Mối Tội Đầu, những mô tả của Thánh Phaolô về tình yêu, Mười Điều Răn, Tám Mối Phúc của Chúa Giêsu và mối tương quan với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình.

Cuối cùng: Kinh Tối là một lời nhắc nhở về cái chết (memento mori).

Thánh Bênêđictô đã viết trong Tu Luật của mình rằng: “Hãy giữ cho cái chết trước mắt bạn hằng ngày,” và phong trào đan tu của ngài đã giúp định hình các Giờ Kinh Phụng Vụ sao cho việc này trở thành một cuộc đời thu nhỏ mỗi ngày.

Vào giờ Kinh Tối, người Công giáo cầu nguyện bằng những lời của Simêôn từ Phúc Âm theo Thánh Luca. Simêôn đã được báo trước cho biết rằng ông sẽ không chết trước khi nhìn thấy Đấng Mêsia. Khi nhìn thấy Hài Nhi Giêsu, ông đã cầu nguyện rằng: “Giờ đây, xin để tôi tớ của Ngài được an bình ra đi,” “chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân.” (x. Lc 2,29-32)

Bằng việc nhớ lại những lời của ông mỗi đêm trước khi bước vào trạng thái bất tỉnh của giấc ngủ, chúng ta thực hành thái độ mà chúng ta nên có trước trạng thái bất tỉnh sau cùng nơi cái chết.

Sau đó, điều cuối cùng chúng ta cầu nguyện mỗi đêm là kinh “Salve Regina” (“Lạy Nữ Vương”), để cầu xin lòng thương xót của Nữ Vương thiên đàng. Như Thánh Tôma Aquinô đã nói, “Giống như các thủy thủ được một ngôi sao hướng dẫn để về đến bến, thì những Kitô hữu cũng được Đức Mẹ hướng dẫn để về bến thiên đàng.”

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên 
chuyển ngữ từ aleteia.org (15/11/2021)

Nguồn: giaophanvinhlong.net
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 26.11.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 26.11.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 26.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 26.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Sáu, ngày 26.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 25.11.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 25.11.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

THÁNG CÁC LINH HỒN: NHỚ VỀ MẸ…

THÁNG CÁC LINH HỒN: NHỚ VỀ MẸ…

TGPSG -- Tôi không sao quên được những kí ức về mẹ. Những ký ức thân thương ấy khắc sâu trong trái tim tôi từng ngày, từng tháng, từng năm…

Vào một buổi sáng tháng 11, bên Công giáo chúng tôi gọi là Tháng các Linh hồn, tôi đang ngồi ở phòng học cùng với mấy anh em, thì nhận được tin nhắn của đứa em. Em gửi cho tôi mấy tấm hình về ngôi mộ của mẹ vì tôi đi học ở xa không được đi thăm mộ mẹ.

Lúc ấy trong tôi òa lên một cảm xúc không thể diễn tả được. Dường như mắt tôi đầy tràn ngấn lệ nhưng tôi đã cố gắng ngăn không cho nó chảy ra. Tôi lặng lẽ rời khỏi phòng học để bước vào nhà nguyện. Một mình tôi với Chúa, giây phút ấy, không gian ấy thật yên bình biết bao, tôi lặng người ngẫm về khoảng thời gian mà mẹ tôi đang còn sống.

Mẹ tôi ư? mẹ tốt lắm, tần tảo từng ngày, nắng cũng như mưa. Mặt trời chưa ló, mẹ đã rời khỏi căn nhà với chiếc xe máy khá cũ cho đến tối mịt mới thấy bóng dáng mẹ trong ngôi nhà nhỏ.

Nếu không gian là môi trường chứa đựng vạn vật thì thời gian là môi trường chứa đựng sự thay đổi của muôn loài. Một đóa hoa từ lúc nở đến lúc úa tàn cần một khoảng thời gian nào đó tùy loại. Một đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc ra đi cũng cần một khoảng thời gian nào đó. Như vậy sự thay đổi của vạn vật trôi trên dòng thời gian lịch sử.

Thánh Vịnh 90 nói đến cái mau qua của thời gian: 
 
Ngàn năm Chúa kể là gì
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!


hoặc:
Đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.


Nhìn lại quá khứ, cuộc đời mẹ tôi đa phần là sống trong khốn khó. Năm mẹ 42 tuổi, cái tuổi đang phải mưu sinh lo lắng cho 5 anh em tôi học hành thì mẹ vướng phải căn bệnh ung thư. Lúc ấy, tôi là một đứa trẻ, chỉ nghĩ rằng bệnh rồi sẽ khỏi thôi. Nhưng không… căn bệnh đã dày vò mẹ tôi suốt 6 tháng trời.

Tôi vẫn nhớ khi hóa trị lần đầu, mẹ nói với tôi “Con chụp cho mẹ cái ảnh khi mẹ đang còn tóc, lỡ tiêm về không có tóc nữa mẹ tiếc lắm!”. Nghe câu nói ấy, tôi đã cố kìm lại nước mắt, gượng cười nói với mẹ: “Mẹ thay đồ đi rồi con chụp cho, nhưng mà mẹ yên tâm đi, tóc mẹ không có rụng được đâu”. Rồi tôi chụp cho mẹ mấy tấm. Mẹ xem và dường như tôi thấy được những giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt gầy gò ấy.

Rồi thời gian trôi qua, tôi đã chứng kiến những cơn đau hành hạ mẹ, có lúc phải cần đến máy trợ thở. Lần thứ ba đưa mẹ vào bệnh viện để hóa trị, tôi nghe bố tôi bảo: “Bác sĩ nói mẹ không còn đủ sức để hóa trị nữa.” Bố quyết định đưa mẹ về nhà. Thời gian này mẹ tôi yếu dần và tôi cảm nhận được ngày mẹ xa anh em chúng tôi đã đến gần.

Trong tuần áp ngày mẹ tôi mất, anh em họ hàng lần lượt ghé thăm. Đây chắc là khoảng thời gian mẹ cảm nhận được rõ nhất tình cảm mà mọi người dành cho mẹ.

Tôi còn nhớ, buổi sáng hôm ấy (03.03.2020), tôi vào chào mẹ để đi học. Nhưng thật lạ, mẹ không nói gì với tôi, mà còn ngoảnh mặt vào phía trong. Tại sao mẹ không muốn nhìn tôi? Tôi nghĩ chắc do mẹ mệt nên không hỏi han thêm.

Đến 8g20, lúc tôi đang ngồi học ở trên trường, thì nhận được điện thoại của bố. Một giọng nói nghẹn ngào cất lên “Mẹ con mất rồi!” Tôi bần thần và không dám tin vào lời nói ấy. Thật sao? Mẹ tôi mất rồi sao? Từ giây phút ấy tôi đã mất mẹ.

Nỗi mất mẹ khiến tôi đau buồn khôn xiết. Tôi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng… Nhiều lúc tôi đã thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu? Sao Chúa không nghe tiếng chúng con kêu cầu? Sao Chúa không cho mẹ con khỏi bệnh? Sao Chúa lại đưa mẹ con đi sớm thế, trong khi đứa em nhỏ nhất của con mới hơn tuổi rưỡi mà nó có biết được mẹ nó mất đâu? Nó đã cảm nhận đủ tình thương của mẹ dành cho nó đâu? Cả con nữa, con cũng muốn mẹ được khoảng thời gian an nhàn khi con trưởng thành. Con muốn, con muốn…”

Rồi thời gian cứ thế trôi, bây giờ cũng được hơn một năm từ ngày mẹ tôi mất. Nhiều lúc tôi có cảm giác là mẹ đang sống trong căn nhà nhỏ bé của tôi; Mẹ chẳng đi đâu cả, vẫn ở nhà đợi tôi về mỗi dịp nghỉ phép.

Nhưng hiện tại điều ấy chỉ là mơ ước viễn vông… Mỗi lần nghĩ đến mẹ, nhớ về mẹ là nước mắt tôi cứ thế lăn ra và nỗi đau ấp ủ ngày đêm lại tái diễn. Tôi không sao quên được những kí ức về mẹ. Những ký ức thân thương ấy khắc sâu trong trái tim tôi từng ngày, từng tháng, từng năm…

Cầm quyển sách kinh lên, tôi lật đại một trang và đọc: “Hạnh phúc của tôi là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời.”

Câu Thánh Vịnh ngẫu nhiên ấy đã khiến tâm hồn tôi được ủi an. Đúng thế, Chúa đã gọi mẹ về với Chúa, về nơi mà mẹ sẽ không bị những cơn đau hành hạ nữa…

Suốt cuộc đời mẹ đã tin tưởng vào Chúa, giờ cuối đời mẹ cũng đã phó thác mọi sự trong vòng tay yêu thương của Chúa. Giờ đây, con tin chắc rằng mẹ đang hưởng hạnh phúc bên Chúa. Mẹ hãy dõi theo chúng con, mẹ nhé! Nhớ mẹ nhiều lắm!

Nguyễn Viết Quang, MF (TGPSG)
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 25.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 36: TIẾNG CHUÔNG


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 25.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Năm, ngày 25.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 24.11.2021