Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

THỜI COVID: PHẢI LUÔN TỈNH THỨC!

THỜI COVID: PHẢI LUÔN TỈNH THỨC!

TGPSG -- Anh không ngờ có ngày mình rơi vào hoàn cảnh vừa nguyện kinh ‘xin Chúa chữa lành bệnh tật’, rồi ngay sau đó lại đọc kinh ‘Dọn mình chết lành’.

Tiễn đưa thời Covid

Bà Út qua đời vào lúc 10g20 sáng thứ Sáu ngày 26-11-2021 tại bệnh viện Thủ Đức vì suy hô hấp cấp do SARS-CoV2 gây ra. Cũng giống nhiều phận người ly trần vì dịch Covid, bà được tẩn liệm sơ sài và được đưa đi hỏa táng cách lặng lẽ vào lúc 5g30 sáng hôm sau, thứ Bảy ngày 27-11, là ngày mừng sinh nhật của con trai thứ tư của bà.

Hôm tiễn đưa bà Út đi hỏa táng, tại cổng bệnh viện, có 4 cỗ quan tài được xếp ngay ngắn trong một chiếc xe cứu thương, trong đó bà Út nằm trên cùng bên trái. Các con cháu chỉ kịp thắp nén nhang và dâng lời kinh nguyện sốt mến cho bà. Bên kia đường, cộng đoàn Giáo xứ Châu Bình đang cử hành thánh lễ tiễn đưa những tín hữu vừa ly trần; tiếng kinh nguyện vang vọng trong không gian tĩnh lặng của ngày mới. Bên này, con cháu bà lặng lẽ đứng nép bên cổng bệnh viện, dõi mắt nhìn theo chiếc xe tang dần xa khuất.

Lây nhiễm

Nhìn lại việc đã xảy ra với bà Út, con cháu vẫn không ngờ Chúa đến đón bà sớm đến vậy. Điều này đúng như lời Đức Giêsu Kitô đã nói: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12, 40).

Hơn 4 tháng trời dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Sài Gòn, bà Út vẫn an toàn trong vòng tay của Ba Ngôi Thiên Chúa và của gia đình. Ấy vậy, chỉ vì một phút lơ đãng của con cháu trong những ngày thực hiện “bình thường mới”, bà đã bị nhiễm con virut quái ác và mất mạng sống vì nó. Chẳng biết bà bị lây nhiễm từ ai, vì vài người trong gia đình cũng bị nhiễm như bà và không có triệu chứng bệnh, chỉ biết mình bị nhiễm khi xem kết quả mẫu test nhanh.

Những ngày đầu phát hiện bà nhiễm bệnh, con cháu báo ngay cho y tế phường để được hướng dẫn chữa trị kịp thời. Thời điểm này các bệnh viện điều trị Covid đang quá tải, bà được cách ly tại nhà và thở oxy phòng trường hợp bệnh trở nặng. Chỉ số SpO2 của bà luôn ở mức 97% và không có những biểu hiện nguy kịch. Tuy nhiên, vài ngày sau, bà bị sốt và chỉ số SpO2 tụt dưới mức 90%. Thời điểm này, bà được đưa đến phòng cấp cứu bệnh viện Thủ Đức, các bác sĩ e ngại bà khó qua khỏi cơn nguy kịch.

Bà bị bệnh đường huyết và tai biến nhiều năm qua. Bệnh tình đã làm cho cơ thể bà héo mòn: làm mờ dần đôi mắt bồ câu hiền dịu luôn dõi theo đường đời của các con, làm khô cứng đôi môi xinh đẹp luôn dạy các con bằng lời nhỏ nhẹ, từ tốn, làm tê liệt đôi bàn tay mềm mại hay vỗ về giấc ngủ các con…

Chăm sóc & Cầu nguyện

Những năm tháng nằm dưỡng bệnh, không biết bà Út có dọn mình và sẵn sàng chờ Chúa đến đón chưa, nhưng con cháu của bà thì vẫn liên lỉ cầu xin Chúa cho bà mau bình phục, sống lâu sống khỏe với gia đình. Các con của bà Út thì rất dở trong việc kinh nguyện nhưng bà Út thì rất giỏi việc đấy, bà thuộc rất nhiều kinh và siêng năng dự thánh lễ. Đây có lẽ là do nếp sống của ba chị em nhà bà Út được dạy bảo từ thuở nhỏ.

Hai ngày bà Út nằm trong phòng cấp cứu dành riêng cho những bệnh nhân nhiễm Covid, con trai bà cũng xin theo để tiện chăm sóc bà dù rằng bệnh viện luôn khuyến cáo nơi này rất nguy hiểm. Biết bà Út có thể đột ngột ra đi, bên giường bệnh, anh làm Dấu Thánh Giá cho bà để hai mẹ con cùng hiệp thông trong lời khấn nguyện. Anh không ngờ có ngày mình rơi vào hoàn cảnh vừa nguyện kinh ‘xin Chúa chữa lành bệnh tật’, rồi ngay sau đó lại đọc kinh ‘Dọn mình chết lành’. Miệng anh liên lỉ kêu xin: “Giêsu - Maria - Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi linh hồn Maria” nhưng tâm trí anh lại xin ý nguyện khác: “Chúa ơi, Chúa đã gìn giữ gia đình con được an toàn suốt thời gian đại dịch vừa qua, xin Chúa tiếp tục gìn giữ gia đình con bình an trong những ngày sắp tới; xin cho mẹ con mau bình phục để đoàn tụ gia đình, cho bà sống lâu sống khỏe với con cháu.” Những lúc khác, khi ở ngoài phòng bệnh, anh lại gọi điện hỏi thăm người quen về thủ tục mai táng nếu lỡ bà Út qua đời thì tro cốt bà được về với gia đình sớm nhất, không phải xa nhà quá lâu.

Chỉ ở đây hai ngày ngắn ngủi, anh được biết có nhiều trường hợp người cao tuổi nhiễm bệnh từ con cháu giống như bà Út. Con cháu đi làm, đi công việc ngoài xã hội rồi về nhà lây nhiễm cho ông bà, cha mẹ. Thật xót xa khi nhìn cảnh người bệnh nằm điều trị nơi đây bám víu sự sống qua những chiếc máy thở. Bà Út nằm đấy, hơi thở mệt nhọc, đứt quãng như thể bà không còn đủ sức để hít vào đủ sâu lượng khí oxy cần cho cơ thể. Và nhiều người cũng như thế, lịm dần và đã ra đi, trong đó có cả những thanh thiếu niên đang căng tràn nhựa sống. Vậy đấy, “trái xanh hay trái chín thì cũng thuộc quyền một Chúa cây, Chúa muốn hái trái nào tùy Ngài, chẳng nề chín hay là xanh.”

Chúa gọi & Tỉnh thức

Sáng thứ Sáu, khi đang cho bà Út ăn cháo, con trai bà phát hiện hơi thở bà yếu dần và lịm tắt. Sau hơn 20 phút cấp cứu, bà Út trút hơi thở trên giường bệnh vào lúc 10g20. Con trai bà cố gắng gượng sức, kìm nén cảm xúc để lau rửa thân thể cho mẹ rồi mặc vào cho bà bộ áo quần sạch sẽ bà thường mặc ở nhà. Bà về nhà Cha trong bộ áo quần đơn sơ, giản dị như chính con người và cuộc đời của bà.

Giờ đây, tro cốt bà Út đã về nhà. Mỗi tối, con cháu quây quần đọc kinh cầu nguyện cho bà sớm hưởng Nhan Thánh Chúa và mong chờ ngày đưa bà đến ngôi nhà mới ở Giáo xứ Bình Chiểu, ngôi nhà mang tên “Nhà Chờ Phục Sinh”.

Bà Út đã an nghỉ trong Chúa, nhưng nhiều người nhiễm Covid như bà thì vẫn còn đang trong cuộc đua tranh giành lấy sự sống. Cuộc sống vẫn chưa thể bình yên vì vậy hãy tỉnh thức…

JosHR (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG)

HÃY CHO…

HÃY CHO…

TGPSG – “Hãy cho khi mình còn có thể cho được.
 
Hãy làm khi mình còn có thể cho
Hãy nghĩ khi mình có thể cho và làm được…”


Đây là điều thao thức của tôi sau một tháng đi TNV trở về. Tôi rất khao khát mong muốn được cùng chung tay với các y bác sĩ nhưng vì hoàn cảnh và công việc, tôi và một số TNV phải trở về nhà.

Hằng ngày, nghe tiếng còi của xe cứu thương gần nơi tôi sống, tôi không dám đếm mỗi ngày là bao nhiêu ca. Tôi nghĩ ngay đến lực lượng các y bác sĩ tại các bệnh viện chắc hẳn sẽ vất vả nhiều hơn. Tôi đau đáu trong lòng và cưu mang những khó khăn, cực nhọc của các y bác sĩ vào trong lời cầu nguyện của tôi, tôi dâng những đau khổ, mệt nhọc của các bệnh nhân lên cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi nghĩ mình không thể đến trực tiếp để chung tay với các nhân viên y tế, các y bác sĩ được thì tôi chỉ biết đồng hành bằng lời cầu nguyện…

Ngày 29/11/2021, vừa qua Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng gửi lời mời đến các Dòng tu cùng tiếp tục tham gia TNV để góp phần trong việc chống dịch. Đây là lời khẩn thiết cần có những con người dám ra khỏi mình và cũng là cách đáp lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô “Hãy đi đến những vùng ngoại biên” và cũng là nơi cho mỗi người chúng ta thể hiện “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”.

Vâng, mỗi người chúng ta hãy cho cái mình còn có thể cho được như: sức khỏe, thời gian… và hãy làm những gì mình còn có thể làm được như: trao ban tình thương yêu đến những nơi, những người đang cần những đôi tay nhân ái, những đôi chân nhiệt thành và những con tim đong đầy “tình người”. Có như thế mới giúp cho đất nước Việt Nam nói chung và tại những nơi đang bị dịch bệnh hoành hành nói riêng luôn ấm lên tình tương thân tương ái, tình đồng loại.

Mỗi người góp một chút, một chút thì đời sẽ đẹp, và mỗi chút đó sẽ góp lại thành một khối yêu thương, một khối đoàn kết.

Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành CMR (TGPSG)
(WGPSG) 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 37: NGƯỜI GÁC CHUÔNG NHÀ THỜ

COVID: CHUYỆN VUI, CHUYỆN BUỒN…

COVID: CHUYỆN VUI, CHUYỆN BUỒN…

TGPSG
-- Thật sự lúc ấy tôi chẳng biết nói gì, cổ họng tôi cũng nghẹn cứng, lòng tôi cũng trĩu nặng. Hai dòng nước mắt tôi cũng tuôn ra, tôi đau đáu trong lòng… Một cảm giác thật khó tả…


“Niềm vui chia sẻ niềm vui lớn
Nỗi buồn chia sẻ nỗi buồn vơi”


Nói đến chuyện vui, chuyện buồn thì ai cũng có. Trong đợt tham gia Tình Nguyện Viên (TNV), vẫn còn đó trong trái tim tôi, trong ký ức của mỗi người những niềm vui, nỗi buồn. Tôi luôn hoài tưởng lại để nhớ về những kỷ niệm đó.

Niềm vui: vui lắm, nhớ hoài

Bắt đầu ngày đi làm, ca trực của các nhóm là ca tối. Có lẽ các TNV rất hồi hộp có xen chút ít lắng lo của buổi đầu tiên nên lịch đưa ra là 19g tối xe sẽ đón, thế mà mới 18g30 đã có các TNV hớt ha hớt hãi chạy xuống sảnh vì bị sợ “xe bỏ”… Nhìn xuống chân, có người đi phải dép “anh”, dép “em” mà không hay biết, có người mang vội dép đi trong phòng khách sạn… Một Thầy phát ngôn: “Hỡi ơi, nào xe đã chạy đâu mà sao các anh các chị hối xuống nhanh thế, làm em quên cả phụ tùng…” một trận cười giòn tan trong khi chờ nhau đông đủ để lên xe đi làm…

Ngày hôm sau nhóm khác, lần đầu lên khoa nhận kíp, có Thầy không biết duyên cớ vì sao, “theo ai” mà lại vào cầu thang nhiễm trong khi trên người không áo bảo hộ, chỉ có chiếc balô của TNV khoác trên vai và chiếc khẩu trang N95 trên mặt… Thế là đành chia tay nhóm 3 ngày để đi cách ly…

Còn cái vui của tôi mới là lạ:

Tôi đang lau hè bỗng nghe tiếng gọi:

- Con ơi … con ơi!

Nhìn vào phòng, tôi thấy một cánh tay đang vẫy gọi. Tôi liền gác công việc và chạy đến:

- Dạ.

Một cô đưa cho tôi cái ly nói:

- Lấy cho mẹ ít nước nóng để mẹ uống thuốc nha, bác sĩ bảo uống nước âm dương rất tốt.

Tiếng ‘mẹ’, nghe rất thân thương khiến tôi ấm lòng, sung sướng làm sao:

- Dạ, để con lấy cho.

Tình mẹ - con được gắn chặt bởi ‘ly nước’:

- Nước nóng của “mẹ” đây!

Cô cầm ly nước và nắm lấy tay tôi xoa xoa vuốt vuốt. Tuy tay được bọc bởi 3-4 lớp bao tay nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình yêu thương của người mẹ.

- Thương con quá đi thôi, hy sinh vào đây để chăm sóc các bệnh nhân, bỏ chồng con ở nhà… Thương quá, thương quá đi!

Nghe thấy “chồng con” tôi bật tỉnh và cười trong sự bối rối:

- Dạ không. Con không “chống lầy” mà cũng không có con…

Tôi vừa buồn cười vừa lúng túng không biết giải thích làm sao cho “mẹ” hiểu. May quá, có bác bên cạnh “đỡ” giùm:

- Cô ơi, đây là Sơ, các TNV ở đây là các sơ, các cha, các thầy đi tu, ở nhà thờ, không có lấy chồng - lấy vợ…

Lúc đó tôi chỉ biết gật, gật để hưởng ứng lời nói của bác là đúng.

“Mẹ” liền nói:

- Vậy à, cứ tưởng...

Cả phòng cười vui, tôi chào bác và “mẹ” để tiếp tục công việc…

Các cha, các Thầy cũng chia sẻ niềm vui:

Một cha nói: ‘Sau đợt đi TNV này, tôi sẽ lên tay nghề và có thể mở được nhiều tiệm như: tiệm spa gồm có gội đầu, sấy tóc; tiệm cắt tóc cả nam lẫn nữ theo nhu cầu rồi tiệm nail nữa chứ… mà không cần bằng cấp hay cấp bằng cho tôi đâu.

Có thầy chia sẻ: “Còn em, hôm bữa mới vào ca trực, em bị một chị điều dưỡng lôi đi nhanh lắm, em không hiểu chuyện gì! Ai ngờ chị kéo em đến bên một bệnh nhân hỏi: ‘Bác sĩ ơi, nếu chỉ số và nhịp tim của bệnh nhân này như vầy thì sao hả bác sĩ, có thêm thuốc không bác sĩ?’ Em ngơ người ra một chút rồi nói với chị: ‘Dạ, em là TNV chứ không phải bác sĩ…’. Chị điều dưỡng nhìn em, vỗ vào vai em cái ‘chát’ và nói: ‘Trời!!! sao không nói sớm…’ Thì ra, vội quá, em quên ghi tên sau lưng. Hai chị em có một trận cười vui vẻ… thế là… “trước lạ sau quen”.

Sáng kiến của TNV

Tôi thấy có một sơ rất sáng kiến: với chiếc áo bảo hộ thụng thình có hai cái túi hai bên. Thường thì chúng tôi bỏ điện thoại vào đó nhưng sơ lại bỏ đầy bánh kẹo rồi đi từng phòng đến từng bệnh nhân để phát. Sơ luôn tươi cười hỏi han bệnh nhân: “Chú thích gì? Cô ăn cái này được không? Bà uống sữa nhé, có đường hay ít đường? Dạ… dạ… chờ con một chút con sẽ quay lại ngay…” Trông sơ như chú Đôrêmon có chiếc túi thần kỳ vậy.

Có thầy có những ‘sáng kiến’ không ai ngờ như: dám hy sinh sức khỏe, thời gian để đi đến với bệnh nhân như: một Thầy đã xin làm từ hai, ba ca một ngày không nghỉ để kiêm thêm các việc như: mát xa, cắt tóc, làm vệ sinh, bôi thuốc cho bệnh nhân bị lở loét…

Còn, còn rất nhiều chuyện vui không thể nào kể xiết… Nó vẫn còn đó trong tâm trí mỗi TNV những kỷ niệm khó phai, những dấu ấn khó quên…

Nỗi buồn khó phai

Vui có thì chắc hẳn buồn cũng có. Nhắc lại để nhớ đến, thương đến và cầu nguyện:

Có Thầy chia sẻ “Sơ ơi buồn lắm, sao phận người mỏng manh quá! Có lần con đút cháo cho bác kia, bác ăn hết luôn. Rồi con qua bên kia phụ phát cơm. Đi một vòng, khi con quay trở lại thì… bác đã được các anh chị đang lo hậu sự rồi… Con bị ám ảnh mấy ngày luôn”

Và tôi, tôi chứng kiến một đôi vợ chồng đều bị nhiễm. Cô được khỏi bệnh, bác sĩ cho xuất viện. Nhưng thương chú nên xin ở lại chăm sóc. Mỗi lần vào ca, tôi và một sơ nữa hay đến thăm động viên:

- Cố lên chú nhé, cô đang chờ chú cùng xuất viện đấy…

Rồi một lần tôi vào thăm, thấy tôi, cô nói: 

- Sơ ơi, hai bữa nay chú chẳng chịu ăn gì cả, ép mãi mới uống được một chút sữa, rồi lại bỏ.

Tôi động viên:

- Dạ. Vậy cô chịu khó cho chú uống nhiều lần nhé. Con có mang nước yến và sữa Ensuer đây, cô cho chú uống thêm để có sức.

Cô cầm lấy và cảm ơn tôi. Ca chiều ngày hôm sau, tôi cũng đến thăm cô chú như mọi lần. Bước vào căn phòng, tôi có cảm giác buồn hơn, vắng hơn. Thấy tôi đến, cô ôm lấy tôi trong tiếng khóc than:

- Con ơi, … chú đi rồi … chú đi rồi…

Lúc đó, tiếng gọi không phải là “sơ” mà là “con”. Tiếng gọi như báo tin cho người thân trong gia đình biết là chú đã mất. Lúc đó tôi nghẹn lời chỉ biết đáp lại bằng cái ôm cô thật chặt và cánh tay tôi chỉ biết xoa xoa vỗ vỗ vào lưng cô để an ủi, để tỏ lòng cảm thông. Thật sự lúc ấy tôi chẳng biết nói gì, cổ họng tôi cũng nghẹn cứng, lòng tôi cũng trĩu nặng. Hai dòng nước mắt tôi cũng tuôn ra, tôi đau đáu trong lòng… Một cảm giác thật khó tả… Thương lắm, thương lắm lắm!

Đây là lần đầu tiên tôi cảm nghiệm và chứng kiến được nỗi đau mất người thân ra đi trong cô quạnh và đau xót. Tôi vội trấn an và yên ủi cô:

- Cô ơi, chúng ta dâng chú cho Lòng Thương Xót Chúa cô nhé. Con tin Chúa đưa chú về nơi hạnh phúc hơn, sẽ không đau đớn nữa. Con hứa sẽ cầu nguyện cho chú. Còn bây giờ con giúp cô dọn đồ để tí nữa xuất viện nha!

Cái đau, cái mất mát ấy có lẽ để lại trong tâm trí tôi hoài hoài và tôi nhớ mãi mãi trong lời cầu nguyện.

Nhắc đến chuyện vui để niềm vui kéo dài, nhắc đến chuyện buồn để cảm thông, để cầu nguyện. Ước chi những kỉ niệm ấy giúp cho mỗi TNV có cái gì đó còn đọng lại trong tâm như một “dấu ấn” sẽ luôn không bao giờ xóa nhòa bởi sự cho đi vô vị lợi của những con người sống cho nhau vì nhau.

Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành CMR (TGPSG)
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 04.12.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

LỜI & ĐẤT HỨA: QUMRAN - CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 1-6)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 1-6 )


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 04.12.2021