Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

TÌM HIỂU TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 

TÌM HIỂU TÍN ĐIỀU 
ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

WGPMT (07.12.2021) - Ngày 8 tháng 12 là lễ trọng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn mạng của nhiều nhà thờ trong Giáo phận Mỹ Tho. Những điểm sau đây giúp chúng ta hiểu tín điều mà Hội Thánh Công giáo tuyên xưng và cử hành trong ngày lễ đặc biệt này.

1. “Vô nhiễm nguyên tội nghĩa là gì?

Nhiều người nghĩ “vô nhiễm nguyên tội” là nói đến việc Đức Maria mang thai Chúa Giêsu bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Không phải thế! “Vô nhiễm nguyên tội” muốn nói đến việc chính Đức Maria đã thành thai cách đặc biệt trong lòng mẹ.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy như sau: “Để làm Mẹ Đấng Cứu độ, Đức Maria đã được Chúa ban cho các hồng ân xứng với nhiệm vụ cao cả ấy. Lúc Truyền tin, sứ thần Gabriel đã chào Mẹ là người “đầy ơn phúc”… Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã ý thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc”, nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, do Đức Giáo hoàng Piô IX công bố năm 1854, tuyên xưng: Rất Thánh Trinh Nữ Maria ngay từ lúc tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, trông vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội” (số 490, 491).

2. Phải chăng Đức Mẹ không bao giờ phạm tội?

Đúng thế. Vì Mẹ được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai nên Mẹ được bảo vệ không những khỏi tội tổ tông truyền mà còn cả các tội riêng. “Các Giáo phụ truyền thống Đông phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội lỗi nào, như thể một tạo vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào” (SGLHTCG số 493).

3. Nếu Đức Maria không phạm tội nào, phải chăng Đức Maria không cần đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu?

Không phải thế. “Sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị được ban cho Mẹ ngay từ lúc tượng thai, tất cả đều từ Đức Kitô mà đến với Mẹ: Mẹ đã được cứu chuộc cách hết sức kỳ diệu nhờ vào công nghiệp của Chúa Giêsu, Con của Mẹ” (SGLHTCG số 492).

4. Có thể so sánh Đức Maria với bà Eva trong Kinh Thánh không?

Adam và Eva đều được tạo dựng trong sự thánh thiện, không mang vết nhơ nguyên tội, nhưng họ đã sa ngã, đánh mất ân sủng, và cả nhân loại bị ảnh hưởng.

Chúa Kitô và Đức Maria cũng sinh ra trong sự thánh thiện và các ngài luôn trung thành với Thiên Chúa. Chúa Kitô được gọi là Adam mới, Đức Mẹ được gọi là Eva mới.

“Cùng với thánh Irênê, nhiều Giáo phụ cũng giảng dạy rằng: Nút dây do sự bất tuân của bà Eva thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ Eva đã buộc lại do sự cứng lòng tin, nay Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ đức tin; và so sánh với bà Eva, các ngài gọi Đức Maria là ‘Mẹ chúng sinh’, và quả quyết rằng: Sự chết qua bà Eva, sự sống qua Đức Maria” (SGLHTCG số 494).

5. Chúng ta phải tôn kính Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội thế nào?

Đức Mẹ là gương mẫu tuyệt vời về đức tin và đức mến cho Hội Thánh, vì thế mỗi tín hữu Công giáo phải chiêm ngắm Mẹ để noi gương sống đức tin và đức mến trong mọi hoàn cảnh.

Đồng thời, Đức Mẹ cũng là Mẹ chúng ta trong lãnh vực ân sủng, và Mẹ không ngừng chuyển cầu cho chúng ta; vì thế trong Hội Thánh Công giáo, Đức Mẹ được kêu cầu bằng các tước hiệu là Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ. Chúng ta hãy đến với Đức Mẹ và cầu xin Mẹ nâng đỡ trong hành trình sống đời Kitô hữu của mình.

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 08.12.2021


BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 38: XƯỞNG MỘC ÔNG HÙNG


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ MỪNG KÍNH ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Tư, ngày 08.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI SOI SÁNG MÙA VỌNG CỦA CHÚNG TA

ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 
SOI SÁNG MÙA VỌNG CỦA CHÚNG TA

Ulrich L. Lehner

WGPNT (04.12.2021) - Tại sao mầu nhiệm Vô nhiễm nguyên tội của Đức Trinh Nữ Maria rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta?

Ngày 03/3/1858 là lần hiện ra thứ 14 trong khoảng 20 ngày liên tiếp của “Người Thiếu nữ diễm lệ” trong hang Massabielle ẩm thấp và mờ tối tại Lộ Đức vùng Bigorre, bên bờ sông Gave, với một em bé địa phương tên là Bernadette. Trong lần hiện ra này Bernadette đã hỏi tên của người thiếu nữ vì trước đó cha xứ đã thúc giục em hỏi rõ danh tính của Bà. Tuy nhiên, Bernadette chỉ nhận được một nụ cười như câu trả lời đầu tiên của Bà với em.

Trước khi tự giới thiệu mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 25/3/1858, Người thiếu nữ đã nở một nụ cười cho Bernadette chiêm ngắm như là con đường thích hợp nhất dẫn vào mầu nhiệm của Bà. Nụ cười của Đức Trinh Nữ Maria cho chúng ta biết gì về mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội? Nụ cười đó soi dẫn Mùa Vọng, là thời gian tỉnh thức và tin tưởng chờ mong Đấng Cứu Thế như thế nào? Làm sao đó là dấu chỉ của niềm hy vọng?

ĐỨC TRINH NỮ MARIA TIN CHẮC TÌNH YÊU THIÊN CHÚA SẼ CHIẾN THẮNG

Trong Thánh lễ cầu nguyện cho bệnh nhân tại Lộ Đức vào ngày 15/9/2008, Đức Thánh cha Bênêđíctô XVI suy niệm: “Đức Trinh Nữ Maria đang hưởng niềm vui và vinh quang phục sinh. Những giọt nước mắt của Mẹ dưới chân Thập giá đã trở thành nụ cười không xóa nhòa được, và tình thương hiền mẫu của Mẹ dành cho chúng ta vẫn nguyên vẹn”. Vì vậy, nụ cười này là dấu chỉ cho thấy giữa nỗi đau cùng cực – cái chết của Con trên Thập giá, giữa những bất công lớn nhất – Con Thiên Chúa vô tội bị loài người kết án, Đức Trinh Nữ Maria vẫn vững tin rằng tình yêu Thiên Chúa sẽ chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Từ khi được tượng thai, Đức Maria đã sống ân sủng chiến thắng này. Đức Maria, con của thánh Anna và thánh Gioakim, đã được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, nghĩa là được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ, được hưởng trước công nghiệp từ cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô. “Nơi Mẹ tỏa chiếu sự tốt lành vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa mà trong kế hoạch cứu độ, Ngài đã chọn Mẹ làm Mẹ của Con Một Ngài.” (Đức Bênêđíctô XVI, Rôma, ngày 08/12/2005)

LỜI MỜI GỌI CON NGƯỜI NÊN THÁNH VÀ TINH TUYỀN

Nền tảng Kinh thánh của tín điều này được tìm thấy nơi lời thiên sứ nói với người thiếu nữ Nadarét: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). “Đầy ân sủng” là danh hiệu đẹp nhất của Đức Maria mà chính Thiên Chúa đã tặng ban cho Mẹ, để nói rằng Mẹ luôn mãi được yêu mến, được tuyển chọn để đón nhận món quà quý giá nhất là Đức Giêsu, “Tình Yêu Nhập Thể của Thiên Chúa”. (Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 12) (Đức Bênêđíctô XVI, Rôma, ngày 08/12/2006). Đức Maria là nơi hoàn hảo để ân sủng lấp đầy.

Vào năm 2008, tại Lộ Đức, Đức Bênêđíctô XVI đã nói: “Nếu Thập giá là nơi mà tình thương của Thiên Chúa đối với thế giới được thể hiện một cách hoàn hảo, thì Đức Maria là người chia sẻ tình thương của Con Mẹ. Vì Mẹ sống và suy nghĩ cùng với Thiên Chúa, nên trái tim Mẹ được mở rộng. Trong Mẹ, sự tốt lành của Thiên Chúa đã đến rất gần và ở ngay bên chúng ta” (Đức Bênêđíctô XVI, Rôma, ngày 08/12/2005).

Thật vậy, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, giúp phân biệt Đức Maria với tình trạng chung của chúng ta; ơn này không ngăn cách Mẹ với chúng ta nhưng ngược lại đưa Mẹ đến gần chúng ta hơn. Trở lại viếng thăm Lộ Đức năm 2008, Đức Bênêđíctô XVI giải thích: “Trong khi tội lỗi chia rẽ và ngăn cách con người chúng ta, sự tinh tuyền của Đức Maria khiến Người gần gũi với chúng ta vô ngần, Người luôn quan tâm đến từng người chúng ta và mong muốn điều thiện hảo đích thực cho chúng ta... Điều mà nhiều người, vì xấu hổ hay khiêm tốn, thậm chí không dám ủy thác cho người thân cận nhất, thì họ lại trao phó cho Đấng tinh tuyền nhất, cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ – với lòng đơn sơ, không tì vết, và trong sự thật”.

ƠN VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MẸ PHẢN CHIẾU TRÊN CHÚNG TA

Mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội không chỉ để chúng ta chiêm ngắm, mà còn để sống – nếu chúng ta tin tưởng và yêu mến mầu nhiệm này. Mầu nhiệm này dành cho chúng ta. Năm 2008, Đức Bênêđíctô XVI đã nói: “Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội được ban cho Đức Maria không chỉ là ơn riêng dành cho Mẹ nhưng còn dành cho tất cả mọi người. Đó là ân sủng được ban cho toàn thể Dân Chúa. Trước hết, vì là con cái Đức Maria, chúng ta được hưởng tất cả những ân sủng phú ban cho Mẹ, và giá trị vô song là Ơn Vô Nhiễm của Mẹ phản chiếu trên chúng ta là con cái của Mẹ. Đức Maria yêu thương từng người con của Mẹ. Mẹ yêu chúng ta đơn giản vì chúng ta là con cái Mẹ như ý muốn của Đức Kitô trên Thập giá. Nơi Đức Maria, Giáo hội có thể chiêm ngắm những gì Mẹ được kêu gọi sống xứng hợp với Mẹ. [Nhờ đó], mỗi tín hữu đã có thể chiêm ngắm sự thành toàn ơn gọi của mình”.

Ơn gọi của chúng ta là sống theo lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Nơi Đức Maria, điều này được hoàn tất một cách vô điều kiện và ngay lập tức ngay từ giây phút Mẹ tượng thai. Đối với chúng ta, mặc dù được dìm vào nơi Thiên Chúa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và được tẩy sạch tội nguyên tổ, nhưng chúng ta vẫn phải chịu hậu quả của nó. Do đó, sự thánh hóa của chúng ta được hoàn thành cách tiệm tiến. Cần có thời gian để ân sủng của Đức Kitô hoàn toàn tác động nơi chúng ta. Tuy nhiên, ngay cả khi điều này chỉ được thực hiện cách viên mãn trong Nước Trời, nơi chúng ta sẽ được tinh tuyền, thì nó vẫn phải được thực hiện ngay từ hôm nay ở thế gian. Thánh Phaolô Tông đồ nhắc nhở chúng ta: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4).

DẤU CHỈ HUY HOÀNG CỦA NIỀM HY VỌNG

Do đó, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria là dấu chỉ hy vọng tuyệt vời cho chúng ta. Vì hy vọng có nghĩa là trong Đức Kitô chúng ta chắc chắn đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Nếu chúng ta muốn chiến thắng như thế, ân sủng của Thiên Chúa sẽ lấp đầy mọi thứ nơi chúng ta. Chúng ta không mong đợi điều gì đó sẽ đến, nhưng hy vọng những gì hiện nay còn bị che khuất, một mối phúc nay đã có nơi chúng ta. Ơn Vô Nhiễm được ban cho chúng ta vì “sự sống, vui mừng, nguồn cậy trông của chúng ta” (Vita, dulcedo, et spes nostra…) như lời kinh Kính chào Đức Nữ Vương (Salve Regina).

Tại Rôma ngày 11/02/2006, Đức Bênêđíctô XVI nói: “Khi tự giới thiệu mình với Bernadette là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh nhắc nhở thế giới hiện đại, đang có nguy cơ lãng quên Mẹ, về sự ưu việt của ân sủng Thiên Chúa, mạnh hơn cả tội lỗi và sự chết”. Tại Lộ Đức, năm 2008, Đức Bênêđíctô XVI cũng nói: “Với sự tinh tuyền của Đức Maria, chúng ta không ngại tỏ bày sự yếu đuối của mình, đặt câu hỏi và bày tỏ nỗi nghi nan, hình thành những hy vọng và ước muốn thầm kín nhất của chúng ta. Tình mẫu tử của Đức Trinh Nữ Maria loại trừ mọi kiêu hãnh, làm cho chúng ta có khả năng nhìn vào chính mình như chúng ta là và khơi dậy trong chúng ta mong muốn hoán cải để làm vinh danh Chúa.”

TÌM KIẾM NỤ CƯỜI CỦA ĐỨC MARIA

“Đức Maria ở trước mặt Thiên Chúa và nhân loại là dấu chỉ bất biến và vô hình về sự tuyển chọn của Thiên Chúa mà thư Phaolô đã nói: ‘Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô’ (Ep 1,4–5). Sự tuyển chọn này mạnh mẽ hơn nhiều kinh nghiệm về sự dữ và tội lỗi, hơn sự thù địch đã ghi dấu ấn trong lịch sử con người. Trong lịch sử này, Đức Maria vẫn là dấu chỉ của niềm hy vọng được đảm bảo” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 11).

Trong Mùa Vọng này, và ngay cả sau này, chúng ta hãy tìm kiếm nụ cười của Đức Maria, là nguồn hy vọng không thể khuất phục. Tại Lộ Đức, Đức Bênêđíctô XVI nói: “Qua nụ cười – biểu hiện đơn sơ của sự dịu dàng, chúng ta hiểu rằng sự giàu sang duy nhất của con người là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, tình yêu này đi qua trái tim của Đấng đã trở thành Mẹ chúng ta”. Đức Bênêđíctô XVI mong muốn bằng cách kết hợp với Mẹ, chúng ta hãy để mình được dẫn đến nguồn ơn cứu rỗi duy nhất là Đức Giêsu, Con Mẹ.

Ban học tập Sao Biển chuyển ngữ từ aleteia.org (8/12/2020)

Nguồn: giaophannhatrang.org (04.12.2021
 (WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 2 MÙA VỌNG 2021. Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 07.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 07.12.2021


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 06.12.2021


Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 2 MÙA VỌNG 2021. Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 07.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

GIUSE: NGƯỜI CHA CHIÊM NIỆM

GIUSE: NGƯỜI CHA CHIÊM NIỆM

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 05.12.2021

WHĐ (06.12.2021) - Khi năm biệt kính Thánh Cả Giuse khép lại[1] thì cũng là lúc Giáo Hội Hoàn Vũ đang chìm lắng trong bầu khí tĩnh lặng sốt sáng của Mùa Trông Đợi. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giuse là một trong những nhân vật đầu tiên được đón nhận tin mừng về thời khắc Con Thiên Chúa hạ sinh làm người. Như dân Israel, các ngài cũng mặc lấy tâm tình chờ đợi Đấng Thiên Sai. Về phần mình, Thánh Giuse đã mau mắn gác lại mọi toan tính riêng tư và vui vẻ đón nhận kế hoạch mà Thiên Chúa dành riêng cho ngài. Kế hoạch của Thiên Chúa thì cao siêu diệu vợi vượt xa trí hiểu biết thông thường của con người (x. Isaia 55, 8-9). Con đường mà thánh Giuse vâng lời dấn thân vào chắc chắn không phải là một hành trình dễ dàng.

Đứng trước màn đêm huyền nhiệm của ơn Chúa kêu gọi, Đấng Công Chính thuộc dòng dõi Vua Đavit đã can đảm bước tới nhờ ánh sáng của ngọn đuốc đức tin và ngài “lao mình về phía trước” với hành trang là một con tim hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Thánh Nữ Têrêsa Giêsu (hay còn gọi là Têrêsa Avila) định nghĩa chiêm niệm là khao khát Thiên Chúa và giải thích rằng trong chiêm niệm, chúng ta trao hiến toàn bộ con tim của chúng ta cho Chúa để Ngài lấp đầy mọi khoảng không sâu thẳm của tâm hồn chúng ta[2]. Khi xưa, thánh Giuse đã bám chặt vào Chúa và để cho Chúa hoàn toàn chiếm lĩnh con người của ngài. Thánh Giuse đã nhìn nhận mọi sự bằng ánh mắt của Chúa, đã cảm nghiệm mọi tình huống bằng con tin của Chúa, và đã làm mọi thứ bằng đôi tay của Chúa. Nhờ đó mà ngài đã đủ sức kiên nhẫn để chờ đợi, đầy phấn khởi hân hoan để đón chào, và đủ tận tụy kiên quyết để chăm sóc giữ gìn Chúa Cứu Thế theo đúng như từng kế hoạch mà Thiên Chúa đã lập nên. Ngày nay, đang khi cất lên lời kinh thống thiết “Maranatha, lạy Chúa xin hãy đến!” (x. Kh 22, 20), Hội Thánh lữ hành khẩn khoản ngước nhìn lên mẫu gương chiêm niệm của Thánh Bổn Mạng Giuse và học nơi ngài bí quyết giữ vững “niềm hy vọng hồng phúc” trong khi “trông chờ ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta”[3].

Chiêm Niệm: Nhận Thức của Đức Tin

Trong khi trình bày những suy tư của mình về hình thức cầu nguyện chiêm niệm, linh mục Thomas Merton, một thần học gia nổi tiếng trong lĩnh vực thần học linh đạo của thế kỷ thứ Hai Mươi đã định nghĩa chiêm niệm chính là “nhận thức thiêng liêng”. Chiêm niệm không hẳn là “thị kiến” mà là “đỉnh cao đức tin” hay là chiều sâu thăm thẳm của lòng tin. Trong chiêm niệm, tâm hồn con người ta không cần phải được thấy các “thị kiến” mà vẫn nhận biết được những thực tại siêu nhiên. Chiêm niệm chính là cảm nghiệm được “sự đụng chạm” của Thiên Chúa. Một khi được Thiên Chúa chiếm trọn tâm hồn thì con người ta tức khắc sẽ tỏa ra sự thánh hiện của Chúa, sẽ phản chiếu ánh sáng thông tuệ của Ngài. Chính vì thế mà trong đời sống trí tuệ và tâm linh của con người, theo cha Thomas Merton, thì chiêm niệm là biểu hiện cao nhất của sự khôn ngoan và sự thánh thiện.[4] Chẳng vì thế mà chúng ta nhận ra nơi con người của thánh Giuse cả một nếp sống nội tâm sâu sắc. Thái độ trung tín và hành vi phục tùng của ngài chứng tỏ rằng thánh Giuse được Chúa ban cho khả năng nhận thức siêu việt. Nhận thức ấy là hoa trái của một đời sống kết hiệp mật thiết sâu xa với Chúa trong chiêm niệm nội tâm. Cha Nuôi Chúa Giêsu có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và bộc lộ một sự tự do chín chắn trong mọi lựa chọn của ngài là vì ngài đã vâng nghe theo thần khí (x. Ga 14, 26).

Trong thời đại mà con người ta đánh giá lẫn nhau chủ yếu dựa trên hiệu năng công việc và cơn lốc cạnh tranh khốc liệt do cơ chế thị trường gây ra thì khí chất khiêm hạ và bản tính nhẫn nại của thánh Giuse quả là những đặc điểm khó có thể được con người thời nay chấp nhận. Làm cách nào mà thánh Giuse có thể phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa một cách trung thành tận tụy đến thế? Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày cho chúng ta một câu trả lời xác đáng trong Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế) của ngài.

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng bao trùm lấy tất cả mọi câu chuyện Thánh Kinh liên quan đến thánh Giuse là một bầu khí thinh lặng nhiệm mầu. “Chính sự thinh lặng ấy bộc lộ một cách đặc biệt chân dung nội tâm” của Thánh Giuse.[5] Ẩn chứa trong từng “hành động” của ngài là cả “một bầu khí chiêm niệm sâu xa”.[6] “Sự hy sinh hoàn toàn, mà qua đó thánh Giuse hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho những yêu cầu của [kế hoạch cứu rỗi nhân loại] chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng đời sống nội tâm sâu xa của ngài mà thôi. Chính đời sống nội tâm này […] mang lại cho ngài những suy luận và sức mạnh mà chỉ những tâm hồn đơn sơ và trong sáng mới có được mà thôi. [Đời sống nội tâm ấy cũng] giúp cho ngài có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng – như quyết định ngay lập tức đặt tự do của mình trước sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng như trao phó vào tay Thiên Chúa ơn gọi nhân bản chính đáng và hạnh phúc hôn nhân cá nhân của mình, để chấp nhận các điều kiện, trách nhiệm và gánh nặng của một gia đình, và từ khước tình yêu đôi lứa tự nhiên vốn là nền tảng nuôi dưỡng gia đình để chọn một tình yêu trinh khiết không thể sánh ví.”[7]

Chiêm Niệm: Khao Khát Thiên Chúa

Linh đạo Cát Minh, nhất là các chia sẻ thần bí của thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá, nhấn mạnh rằng chiêm niệm là tặng phẩm đến từ Thiên Chúa (x. Giêrêmia 31, 33). Nhưng để đạt đến trạng thái ân sủng đó thì con người trước tiên cần phải mở lòng mình ra. Con người phải biết kiếm tìm và khát khao Thiên Chúa. Thái độ cởi mở được bộc lộ qua nhiều cách thế khác nhau, chẳng hạn như việc chúng ta “lắng tai” nghe tiếng Chúa thì thầm trong khi cầu nguyện, hoặc qua việc chúng ta chăm chú để ý đến sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cõi thâm sâu của tâm hồn chúng ta.[8] Trong khi chiêm niệm, người tín hữu chiêm ngắm và tín thác toàn bộ sự hiện hữu của bản thân cho Chúa. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và người ấy lúc bấy giờ trở nên khắng khít thân mật hơn cả tình cha con ruột thịt. Trong khi mở lòng ra với Chúa, Thần Khí của Ngài sẽ khơi lên trong chúng ta ý định tuyệt đối trung thành và cảm giác bình an khiến chúng ta mạnh dạn “buông mình” vào vòng tay từ ái của Chúa quan phòng.

Nơi thánh Giuse chiêm niệm, cả ba nhân đức tin tưởng, phó thác và mến yêu như hòa quyện với nhau. Trong khi hành động vì đức tin, thánh nhân khiêm tốn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh và hoàn toàn vâng phục mọi ý định do Chúa Cha truyền dạy. Chúng ta xác quyết rằng nơi mẫu gương Giuse chiêm niệm, khiêm tốn và vâng phục, những người khát khao nên giống Đức Kitô dễ dàng tìm ra bí quyết để biến ước mơ này thành hiện thực. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16: 9). Thánh nữ Têrêsa Giêsu đã từng quả quyết rằng khiêm nhường là nền tảng của mọi đức tính tốt lành khác.[9] Một tâm hồn muốn thăng tiến các nhân đức khác thì nhất định phải rèn luyện cho được nhân đức khiêm nhường. Vì thánh Cả Giuse là mẫu gương khiêm hạ và vâng phục nên người cũng là bậc thầy của nhiều nhân đức cao trọng khác nữa. Cũng từ kinh nghiệm thiêng liêng, thánh Têrêsa nhận ra rằng thánh Giuse không chỉ là Đấng Bảo Trợ mà còn là thầy dạy của những ai năng thực hành cầu nguyện.[10] Cha Nuôi Chúa Giêsu vì vậy mà trở nên rất gần gũi với tất cả chúng ta, mọi thành phần của một Hội Thánh lữ hành, một Hội Thánh cầu nguyện, một Hội Thánh đang mong mỏi ngày kết hiệp viên mãn cùng với Đấng Lang Quân là Chúa Giêsu Kitô khi Ngài lại đến trong vinh quang của Ngài.

Chiêm Niệm: Tìm Vui trong Thi Hành Thánh Ý

Có một điểm đặc biệt là trong kho tàng tu đức của Hội Thánh Công Giáo, thánh Giuse hầu như chưa bao giờ được nhắc đến như một môn đệ của Đấng Cứu Thế trong khi đó Đức Maria thì hay được ca tụng như “môn đệ đầu tiên” và “môn đệ chân chính” của Đức Kitô.[11] Có lẽ là vì không như Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giuse đã lui vào trong bóng tối của sự thinh lặng một cách bí nhiệm kể từ khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng công khai. Trong khi đó, Đức Maria là người đã dõi theo sát bước đường sứ vụ của Con Chí Ái Mẹ kể từ dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana cho đến khi Người Con ấy trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Tuy vậy, thánh Giuse giống với vị hôn thê của ngài ít là ở điểm này: suốt đời thánh nhân, ngài đã hết lòng tận tụy trung thành gánh vác sứ mạng Thiên Chúa giao phó. Tuy Giáo Hội thường nhắc đến thánh Giuse bằng những danh xưng khác nhau như “Cha Nuôi”, “Đấng Bảo Vệ” chứ chưa bao giờ chính thức nói về ngài như một “môn đệ” của Chúa Kitô, chúng ta vẫn nhận thấy nơi người hình ảnh của người môn đệ được Chúa ưu ái chúc phúc: “Phúc thay ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Mc 3:35; Lc 11:27).[12] Chiều sâu chiêm niệm thể hiện qua thái độ chuyên chăm cầu nguyện và một đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa khiến cho thánh Giuse hiểu được thế nào là bước đi trên “đường thánh ý”. Không phải nhờ danh xưng nhưng nhờ chứng tá, thánh Giuse xứng đáng được tuyên dương là bậc thầy mẫu mực có đủ khả năng truyền đạt bí quyết trung thành cho những ai muốn dõi bước đi theo Chúa Giêsu Kitô.

Năm thánh Giuse kết thúc nhưng chắc chắn mẫu gương nhân đức của ngài sẽ tiếp tục khơi lên niềm hứng khởi và thôi thúc chúng ta trở nên những “Giuse mới” cho thế giới hôm nay. Như Cha Nuôi Đấng Cứu Thế, chúng ta được mời gọi tìm kiếm “hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà ở sự tự hiến”. Học nơi thánh Giuse, chúng ta trở nên chứng nhân sống của niềm hy vọng Kitô Giáo, mọi người sẽ “chẳng bao giờ thấy nỗi thất vọng mà chỉ toàn thấy niềm tin tưởng cậy trông” nơi con người chúng ta. “Sự thinh lặng kiên nhẫn của Đấng Công Chính” sẽ luôn là mục tiêu để chúng ta vươn tới trong ứng xử hàng ngày của chúng ta.[13] Học theo gương Thánh Giuse chiêm niệm, chúng ta liên lỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong nguyện cầu và yêu mến Chúa trong anh chị em tha nhân.

Lạy thánh Giuse diễm phúc, xin hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời. Xin ban cho chúng con ân sủng, lòng thương xót và ơn can đảm. Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.

[1] Ngày 08/12/2020, ĐTC Phanxicô ra Tông Thư Patris Corde (Tấm Lòng Hiền Phụ) công bố năm đặc biệt về Thánh Giuse từ 08/12/2020 đến 08/12/2021. Tham khảo https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-12/dtc-phanxico-nam-dac-biet-thanh-giuse.html, truy cập 08/12/2020.

[2] X. “The Book of Her Life”, Ch.8, mục số 5 trong The Collected Works of St. Teresa of Avila, Washington DC: Institute of Carmelite Studies, 1976, I, 67.

[3] X. Lời nguyện tiếp theo sau Kinh Lạy Cha, phần hiệp lễ trong Sách Lễ Rôma.

[4] X. Thomas Merton, New Seeds of Contemplation, New York: New Directions Books, 2007, Ch.1, Ch.3 và Ch.6.

[5] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Redemptoris Custos, 1989, 25.

[6] Ibid.

[7] Ibid, 26.

[8] X. Thánh Têrêsa Giêsu, “The Book of Her Life”, Ch.8, mục số 5 trong The Collected Works of St. Teresa of Avila, Washington DC: Institute of Carmelite Studies, 1976, I, 67.

[9] X. Têrêsa Giêsu, The Way of Perfection (Đường Hoàn Thiện), 4, 4.

[10] Têrêsa Giêsu, Tự Thuật, Ch. VI, 9 (bản Tiếng Anh do David Lewis dịch từ thủ bản tiếng Tây Ban Nha, Tan Books and Publishers, 1997, trang 37), trích trong Bề Trên Tổng Quyền hai nhánh O.Carm và OCD, Thánh Giuse-Bổn Mạng Dòng Cát Minh: Thư Gửi Đại Gia Đình Cát Minh dịp KN 150 Năm Công Bố Thánh Giuse Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ, 6. Tham khảo https://www.ocarm.org/en/citoc/st-joseph-patron-carmel, truy cập 08/12/2020.

[11] Redemptoris Mater, 41. Thánh Augustinô, Bài Giảng 25, 7 trích từ PL 46, tr. 937-938; ĐGH Phaolô VI, Tông Huấn Marialis Cultus (về các thực hành đạo đức bình dân liên quan đến Thánh Mẫu Học); ĐGH Gioan Phaolô II, Catechesi Tradentae (Giáo Lý trong thời nay), 73; ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (Về Kinh Mân Côi); Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Behold Your Mother: Woman of Faith (Này là Mẹ Con: Người Nữ Đức Tin), 1973, 81.

[12] X. Paul Haffner, The Mystery of Mary (Tạm dịch: Mầu Nhiệm Đức Maria), Gracewing, 2005, 177-178. [13] Các trích dẫn trong phần này xin xem ĐTC Phanxicô, Tông Thư Patris Corde.
 
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 2 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 06.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

HOẠT HÌNH EM VÀ GIÊSU - TẬP 2: BÍ TÍCH RỬA TỘI