Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

SỰ HÌNH THÀNH CỦA NGÀY LỄ GIÁNG SINH

SỰ HÌNH THÀNH CỦA NGÀY LỄ GIÁNG SINH
 
Christel Juquois
 
Noel là ngày lễ phổ biến nhất của người Kitô hữu hôm nay. Tuy nhiên, vào thời kỳ đầu của Kitô giáo, nó không tồn tại. Chu kỳ Phụng vụ về ngày lễ Giáng Sinh đã được hình thành dần dần qua các thế kỷ, qua việc qua lại liên tục giữa các truyền thống Đông phương và Tây phương.

Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, người ta chưa cử hành ngày sinh của Chúa Giêsu. Người ta chỉ tưởng nhớ sự Phục Sinh của Ngài, mỗi năm một lần. Chỉ từ thế kỷ thứ IV, vào thời điểm có những tranh cãi ngày càng gay gắt về bản tính thần linh và nhân linh của Chúa Kitô, mới có nhu cầu mừng lễ Sinh Nhật của Chúa Giêsu, được định nghĩa là "người thật và Thiên Chúa thật", cũng như mừng mầu nhiệm Nhập Thể.

Các Tin Mừng không nói gì về ngày sinh của Chúa Giêsu. Ở Alexandria và nơi một số Giáo hội Đông phương, từ thế kỷ II người ta bắt đầu cử hành lễ Hiển Linh vào ngày 6/1. Phải chăng cần cử hành lễ Sinh Nhật của Chúa Giêsu vào ngày đó ? Đó là những gì mà Giáo hội Tông truyền Armênia vẫn còn thực hiện ngày nay. Ở Tây phương, nhiều ngày khác đã được đề nghị, và người ta thích ngày 25/12 hơn, đó là ngày Đông Chí theo lịch Julianô đang có hiệu lực vào thời đó.

Quả thế, ngày đó là ngày lễ đối với nhiều tín ngưỡng phổ biến ở Đế quốc Rôma: chẳng hạn, người ta đã cử hành ở Rôma ngày sinh của thần Mithra, một vị thần đến từ Ba Tư, cũng như Sol invictus (Mặt Trời chiến thắng). Nơi các nước nói tiếng Đức, đó là ngày lễ Yule, trong đó thần Heimdall thưởng quà cho những đứa trẻ có hành động tốt.

Đối với các Kitô hữu tuyên xưng Chúa Giêsu là "ánh sáng thế gian" (Ga 8, 12) và "Mặt trời công chính" (Ml 4, 2), ngày Đông Chí thắng thế dần dần. Việc cử hành được xác nhận lần đầu tiên về lễ Sinh Nhật của Chúa Giêsu, ngày 25/12, đã diễn ra ở Rôma vào năm 336.

Noel, ngày lễ bắt buộc vào năm 506

Vào thế kỷ IV, hoàng đế Constantin I (272-337) nắm quyền chỉ huy Đế quốc, và với chiếu chỉ Milan năm 313 ông đã thiết lập một kỷ nguyên hòa bình đối với Kitô giáo. Các cuộc hành hương Đất Thánh bắt đầu, trong đó, người ta tìm cách xác định những sự kiện khác nhau trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Các đền thánh được xây dựng.

Vào năm 325, Constantin xin mẹ mình là bà Hêlêna, cho xây dựng ba vương cung thánh đường: vương cung thánh đường Anastasis (Phục Sinh) và Tử đạo (Mộ Thánh hiện nay), nơi được cho là ngôi mộ của Chúa Giêsu; vương cung thánh đường Eleona, ở nơi Chúa Lên Trời (hiện nay là nhà thờ Pater Noster trên núi Oliviers); cuối cùng, ở Bêlem, vương cung thánh đường Giáng Sinh, nơi Chúa Giêsu sinh ra.

Trên mỗi địa điểm hành hương, một Phụng vụ được soạn thảo thích nghi với địa điểm và với sự kiện được cử hành, cũng như lịch Phụng vụ theo trình tự thời gian của các Tin Mừng, vốn sẽ ảnh hưởng việc thực hành của các Giáo hội khác. Suốt dòng thời gian, chu kỳ Noel bắt đầu. Mùa Vọng xuất hiện vào cuối thế kỷ IV, tương ứng với Mùa Chay đi trước lễ Phục Sinh. Từ sáu tuần lúc đầu, nó được cố định còn bốn tuần. Chu kỳ khép lại bằng lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, được cử hành vào tuần tiếp sau ngày 6/1, ngày lễ Chúa Hiển Linh.

Vào năm 506, công đồng Agde biến lễ Noel thành một lễ bắt buộc. Vào năm 529, qua sắc lệnh của hoàng đế Justinô, ngày 25/12 trở thành ngày nghỉ việc. Lễ Giáng Sinh được mở rộng dần dần trong toàn Châu Âu. Nó đến Gaule vào thế kỷ VI, và đến các nước Slavơ vào thế kỷ X.

Tý Linh chuyển ngữ từ La Croix
 
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 11.12.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 11.12.2021


Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2021 - NGÀY 1: DẪN NHẬP ĐỀ TÀI & GIỚI THIỆU CÁC BƯỚC CẦU NGUYỆN


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Bảy, ngày 11.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 39: NHỮNG ÁNH SAO ĐÊM


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 10.12.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 10.12.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: 8 TU SĨ ĐẾN PHỤC VỤ BỆNH NHÂN NHIỄM COVID TẠI BỆNH VIỆN CHỢ RẪY


8 TU SĨ ĐẾN PHỤC VỤ BỆNH NHÂN NHIỄM COVID 
TẠI BỆNH VIỆN CHỢ RẪY

TGPSG -- "Số bệnh nhân thì tăng, mà nhân viên y tế thì thiếu..."

Bác sĩ Lê Quốc Hùng đã nói như thế với 8 tu sĩ tình nguyện viên (TNV) đã đến bệnh viện Chợ Rẫy vào sáng ngày 7-12-2021 để phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid tại khoa Nhiệt Đới của bệnh viện này.

Các TNV đợt này gồm có 2 nữ tu thuộc Tu Hội Nô Tỳ Thiên Chúa, 1 nữ tu Dòng Nữ Tu Đức Bà, 2 Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, 2 tu sĩ Dòng Cát Minh, 1 linh mục Dòng Augustino Đức Mẹ Lên Trời. Họ sẽ phục vụ ở đây từ 2 tuần đến 1 tháng.

Các TNV đã tập trung tại bệnh viện Chợ Rẫy vào lúc 8g ngày 7-12-2021, lấy mẫu xét nghiệm vào lúc 8g30, rồi 9g30 nhận phòng tại nhà nghỉ trong bệnh viện.

Sau đó vào lúc 10g30, các tu sĩ đã gặp bác sĩ Trưởng khoa Lê Quốc Hùng. Bác sĩ Hùng cho biết:

“Số bệnh nhân thì tăng, mà nhân viên y tế thì thiếu, nên sự hiện diện của các cha, các thầy, các nữ tu là điều rất quý, giúp chăm sóc và động viên tinh thần cho bệnh nhân. Hiện tại nhân viên y tế quá tải nên không thể làm hết những công việc này được.”

Được biết, đây là nhóm thứ hai lên đường theo lời mời gọi đợt hai của Văn phòng Tu sĩ Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Nhóm thứ nhất, gồm có 35 tu sĩ, đã lên đường vào ngày 3 và ngày 6-12-2021.

Sơn Nữ SPC & TNV (TGPSG
(WGPSG) 

THỜI COVID: ẤM ÁP SẺ CHIA LƯƠNG THỰC

 
THỜI COVID: ẤM ÁP SẺ CHIA LƯƠNG THỰC

TGPSG -- Đã qua thời 'Bình thường mới', đi lại gặp gỡ thông thoáng hơn. Chợt nhớ lại mới đây, khi phải giãn cách nghiêm ngặt, mà tình thương ấm áp bỗng rộng mở cách lạ lùng...

Chuyện thứ nhất

- Cô Vinh ơi, Cô ăn cà chua không , mới có người cho nhà mình một bịch cà chua nè ?

- Vậy em đổi cho chị mấy trứng gà nhé, nhà em nhiều trứng quá mà ăn không hết, sợ để hư?

- Vậy tí mình mang cà chua qua đổi trứng nhé!

Chuyện thứ hai

- Bác Nam ơi, ăn chuối không nhà mình có mấy nải chuối mà ăn không hết, sợ để hư?

- Vậy chú cho bác xin nhé, mấy ngày cách ly ở nhà chẳng còn gì ăn nữa.

- Vậy Bác Nam ăn khoai mì thêm không, dưới quê gửi lên quá trời khoai mì, mà sợ khô và nhà Bác không ăn, nên cũng không dám mang qua cho Bác.

- Không, tôi thích ăn khoai mì lắm, hồi xưa dưới quê tôi cũng thường xuyên ăn mà, vậy tôi qua lấy nhé!

Câu chuyện thứ ba

- Tuấn ơi, em nhờ anh ra chốt lấy thực phẩm giúp nhà em được không? Nhà em đi cách ly hết rồi, chỉ có anh và bố của em ở nhà nhưng bị rào cửa rồi!

- Ok em! Em và gia đình đang ở cách ly có khỏe không? Anh và bố của em có cần gì nữa không?

- Dạ, cám ơn anh, gia đình em trong này khỏe, không có triệu chứng.

- Ừ, vậy tí nữa anh lấy rồi để trước cửa nhé!

Ánh sáng liên gia

Câu chuyện trao đổi giữa những người hàng xóm đối diện nhau, nếu không có Covid thì “đèn nhà ai nấy sáng”, chuyện chợ búa thực phẩm nhà ai nấy lo. Hiếm có dịp nào đó con người quan tâm lẫn nhau như giữa các nhà hàng xóm trong cơn đại dịch.

Chợ búa đóng cửa, nguồn cung cấp lương thực cho cả xóm nghèo hầu như bị tê liệt. Xóm nghèo đa số làm công việc chân tay, nghỉ việc cả nhiều tháng nay không có thu nhập. Những đồng tiền ít ỏi cuối cùng dành để mua chút gạo, mắm muối, và sữa cho tụi nhỏ. Những thực phẩm thường ngày tưởng chừng đơn giản như bó rau, nải chuối, những củ khoai thì nay lại thành những mặt hàng quý hiếm, “ một miếng khi đói bằng một gói khi no” - lời ông bà xưa quả thật không sai.

Một ánh sáng gia đình mùa covid đến từ nơi những người hàng xóm: “bán bà con xa mua láng giềng gần”. Mùa dịch covid, tuy nhà ai nấy ở, nhưng mối quan tâm đến những người xung quanh vẫn không bị cách ngăn. Ánh sáng của liên gia đình mang lại niềm vui thiết thực đến với mọi người.

Trung Toàn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 10.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 10.12.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Sáu, ngày 10.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

HAI TIẾNG 'CHÚA ƠI' THỜI COVID

HAI TIẾNG 'CHÚA ƠI' THỜI COVID

TGPSG -- Mỗi Chúa Nhật con tham dự Thánh lễ online một mình và mỗi ngày chỉ một mình con cầu nguyện với Chúa. Bởi gia đình, dòng họ chỉ còn mình con theo Chúa mà thôi…

“Chúa ơi” vẫn luôn là hai tiếng mà con hằng cất lên trong từng ngày sống, “Chúa ơi” vẫn luôn là hai từ mở đầu cho những cuộc tâm tình thân mật giữa Chúa và con. Chính trong những năm tháng mà đại dịch Covid-19 hoành hành cách mạnh mẽ, cùng biết bao đau thương, mất mát và khổ sầu… con lại tha thiết cất lên hai tiếng “Chúa ơi”.

Dường như đây là lần đầu tiên trong suốt bao năm qua, chúng con phải đối diện với cơn đại dịch nặng nề đến thế, và có lẽ tâm hồn chúng con chưa từng thấy bất an, thấy thiếu vắng niềm hy vọng như lúc này. Suốt vài tháng giãn cách xã hội vì dịch bệnh, những lo toan về sức khỏe, về sự an toàn của bản thân và gia đình, cùng cơm áo gạo tiền ví như gánh nặng đè lên thân phận từng người chúng con.

Bên cạnh đó, bởi sự yếu đuối và mỏng giòn của mình, con người cũng thật dễ bị đánh gục bởi những xúc cảm đầy biến động nơi tâm lý. Và con đây đã từng mất đi niềm hy vọng, thấy chán nản và khóc ròng rã suốt mấy ngày liền. Nếu không nhờ cậy dựa vào Chúa, con sẽ chẳng thể đủ sức mạnh để vượt qua.

Giãn cách xã hội, con nhớ Thánh lễ, nhớ nhà thờ, nhớ những phút giây mình được tự do, vui sống. Con nhớ những người thân thương và nhớ bạn bè quá đỗi. Tháng ngày ấy trong đầu con chỉ quanh quẩn những câu hỏi không lời đáp: Ta phải giãn cách đến bao giờ đây? Và đến bao giờ đại dịch mới được kiểm soát?... Chuỗi ngày dài thênh thang ấy ngỡ như không hồi kết, cảm giác cô đơn, lẻ loi trong con ngày càng lớn lên. Rằng, con thấy cô đơn trong đời sống đức tin của mình.

Mỗi Chúa Nhật con tham dự Thánh lễ online một mình và mỗi ngày chỉ một mình con cầu nguyện với Chúa. Bởi gia đình, dòng họ chỉ còn mình con theo Chúa mà thôi. Chúa ơi, con biết Chúa buồn lắm vì hơn mấy chục năm qua, gia đình con đã xa rời Chúa. Dẫu điều ấy làm con thấy buồn và tủi thân thật nhiều, nhưng con hằng tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi con trở về bằng nhiều lần nhiều cách, rằng Chúa chẳng hề bỏ rơi con.

Thời điểm tình hình dịch bệnh ngày càng nặng nề hơn, đã có lúc lòng con xao xuyến khôn nguôi và không biết liệu mình có nên tiếp tục cầu nguyện cho cơn đại dịch mau chấm dứt? Con từng ngỡ rằng Chúa chẳng đáp lời, chẳng lắng nghe tiếng con cầu xin và đã có một thời gian con luôn nghĩ về việc tự tử, bên tai con cứ nghe văng vẳng tiếng nói “Hãy đi chết đi”. (Và đến tận bây giờ, con vẫn không thể hiểu rõ vì sao mình lại bị như thế.)

Đó là những đêm dài tăm tối với thật nhiều ác mộng, sợ hãi bao trùm, dù ngủ hay thức tiếng nói ấy vẫn cứ văng vẳng bên tai. Con cứ nằm khóc mãi thôi, vừa thấy sợ, nhưng lại vừa có cảm giác muốn thực hiện theo lời thúc giục ấy. Con nhìn lên Thánh Giá Chúa và nhìn xuống chuỗi Mân Côi mình đang đeo trên tay, nhưng chẳng hiểu vì sao trong lúc ấy con lại không ngồi dậy để cầu nguyện, dù tiếng lòng con hằng thôi thúc mình hãy cầu nguyện đi, nhờ cầu nguyện con sẽ được chữa lành.

Bỗng, tiếng nói ấy ngày càng rõ và lớn hơn bên tai con. Chính giây phút đó như một quán tính tự nhiên, như có một lực đẩy bật con dậy, con chạy đến cùng Chúa, con sốt sắng cầu nguyện hơn cả, con lần hạt Mân Côi, xin Chúa thương gìn giữ bảo vệ con, và tâm hồn con đã được bình an trở lại. Sự bình an đó ví như nguồn suối mát dịu êm, rằng đến mức con khóc òa lên như ngày đầu tiên con nhận biết Chúa và hiểu được Chúa yêu con biết dường nào. Cũng chính khi đó con càng cảm nghiệm thêm rằng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai (Ga 6,68)”. Sức người thì giới hạn, chỉ có quyền năng và tình thương của Chúa là vô hạn. Nếu không nương náu, cậy trông nơi Chúa thì con biết phải dựa vào ai?

Và cũng nhờ sự nâng đỡ về đời sống đức tin, sự giúp đỡ từ xa của các anh chị em tín hữu và qua những bài viết về Chúa trên các trang mạng xã hội Công giáo, con đã vực dậy được tinh thần và tìm lại được niềm hy vọng về tương lai.

Kể từ giây phút ấy con nhận ra rằng, con phải sống thật đẹp và thật “sáng” hơn nữa. Con phải trở nên “ánh sáng”, trở nên chứng nhân cho Tin Mừng. Con phải thật mạnh mẽ để cùng Chúa và nhờ có Chúa, con có thể giúp gia đình mình sớm được trở về. Con hay cố tình mở to âm thanh hơn một chút khi xem những bài giảng Lời Chúa, những bài huấn từ, giáo lý của các vị linh mục trên những kênh youTube chính thống, nhằm để người thân trong gia đình cùng nghe. Tạ ơn Chúa những phương tiện truyền thông này thật tiện lợi và hữu ích biết bao, nhờ đó mà giá trị Tin Mừng ngày càng được lan tỏa.

Mỗi khi đọc Thánh Kinh, con cũng hay cố tình đọc to (vừa đủ) thành tiếng, bởi con tin rằng: những lời trong Kinh Thánh vẫn luôn còn đó nơi tiềm thức của các thành viên trong gia đình. Con vẫn tiếp tục cầu nguyện cho gia đình sớm được trở về cùng Chúa và con cũng ra sức học hỏi thêm về giáo lý, về đức tin. Con cố gắng hoàn thiện mình hơn theo Lời Chúa dạy, dẫu đôi lúc thật khó khăn vì thân phận con yếu đuối, mỏng giòn.

Con tín thác: Chúa chính là cội nguồn, là bình an và hạnh phúc đích thực; con phải ngày càng bén rễ thật sâu trong đức tin. Và sẽ thật là ích kỷ, thiếu sót nếu không mời gọi mọi người đến với Tin Mừng, đến với tình yêu vô biên của Thiên Chúa là Cha nhân lành, từ ái.

Maria Ngọc Tỷ - Phú Nhuận (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 09.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 09.12.2021