Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

MÙA VỌNG KIẾP NGƯỜI…

 
MÙA VỌNG KIẾP NGƯỜI…

TGPSG -- Tuổi già, bệnh tật, nỗi cô đơn không con cháu, những đau thương trong cuộc đời... Thế nhưng họ vẫn sống an vui những ngày cuối đời trong viện…

Biết bao mùa vọng đi qua đời tôi, là bấy nhiêu lần tôi cố gắng dọn đường cho Chúa đến. Dọn đường đã mệt, dọn lại con đường mình đã nhiều lần sửa chữa càng chẳng vui thú gì. Cái se se lạnh của những ngày cuối đông của mùa Vọng này khiến tôi nhớ đến các cụ già neo đơn trong viện dưỡng lão tình thương Suối Tiên vào những ngày đón chờ Chúa đến. Họ là những người đã dạy tôi phải sống niềm hy vọng trong suốt cuộc đời.

Tuổi già, bệnh tật, nỗi cô đơn không con cháu, những đau thương trong cuộc đời... Thế nhưng họ vẫn sống an vui những ngày cuối đời trong viện, vẫn hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay. Vì vậy, dù nằm liệt trên giường hay với những bước chân khập khiễng, mỗi ngày họ vẫn không ngừng ca tụng Chúa ngay từ sớm thức dậy cho đến khi chiều tà: vẫn cầu nguyện, vẫn tập thể dục, vẫn làm những công việc quét nhà, quét sân, nhặt rau, rửa chén, chăm sóc các bạn già yếu hơn mình khi có thể, thậm chí tham gia văn nghệ hát hò và vui chơi. Điều các cụ hy vọng không phải là những thú vui trần thế, nhưng trên hết, các cụ hy vọng vào Lời Chúa nói: “ Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (x.1Tx 4,3)

Mỗi vị thánh có một sứ mạng riêng ở một thời điểm lịch sử. Thánh Gioan tiền hô - một thanh niên trai tráng có sứ mạng dọn đường cho Chúa; Đức Giáo Hoàng Phanxicô - một cụ già tóc bạc với sứ mạng hướng dẫn Giáo hội trong cuộc sống lữ hành. Thánh Gioan thi hành sứ mạng nơi sa mạc, Đức Giáo Hoàng thi hành sứ vụ trên toàn cầu. Như thế, trong Đức Kitô, mỗi chúng ta cũng được mời gọi nên thánh. Dù là ai, độ tuổi nào, chức vụ gì, mức độ thánh thiện của chúng ta không lệ thuộc vào yếu tố con người, nhưng được đo bằng tầm mức mà Đức Kitô lớn lên trong chúng ta.

Hãy cố gắng hoàn thành sứ mạng bằng việc lắng nghe Ý Chúa trong cầu nguyện và nhận biết những dấu chỉ của Ngài ban cho chúng ta. Đồng thời, hãy luôn xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết Chúa mong đợi gì nơi chúng ta, trong mọi lúc của cuộc sống, trong mọi quyết định mình phải thực hiện.

Có lần, một cụ bà hỏi tôi: “Khi còn trẻ, con đã từng là gái bán thân… một đời vốn phiêu bạt chợ đời, rày đây mai đó, giờ thì lực tàn sức kiệt được nương ẩn nơi nhà Chúa thì đã quá mệt mỏi, bệnh tật làm cho con cảm thấy không còn đủ sức để chiến đấu, con phải cầu nguyện thế nào hả sơ”?

Bạn đừng bận tâm: Vì chúng ta không thể lớn lên trong sự thiện mà không dấn thân cả hồn lẫn xác (Tông huấn ‘Hãy vui mừng hoan hỷ’, s 25). Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy chiêm niệm ngay trong mọi hoạt động của mình và nên thánh bằng cách thi hành sứ mạng riêng của mình cách nhiệm mầu và quảng đại hơn: Hãy nói với Chúa về những món ăn mà bạn đang phục vụ, hãy bàn với Chúa về những kế hoạch và dự phóng tương lai, hãy hỏi Chúa về những khó khăn đang gặp phải, hãy kể cho Chúa nghe về những cơn khó thở, những nỗi đau thể xác của bạn và của những người bạn gặp gỡ….

Thực tế có những lúc chúng ta cũng bị cám dỗ vừa muốn nên thánh, nhưng cũng muốn hạ thấp sự dấn thân trong công việc bổn phận để tìm sự an bình cá nhân. Nhưng chúng ta luôn được mời gọi thể hiện sự dấn thân theo cách thế của mình, sao cho những cố gắng của chúng ta mang ý nghĩa Tin Mừng và giúp chúng ta gắn bó ngày càng mật thiết với Đức Kitô hơn, chứ không phải sự kiêu căng hay muốn gây ấn tượng với người khác (Tông huấn ‘Hãy vui mừng hoan hỷ’, s 28)

Có lẽ vì hiểu được điều này, nên tôi vẫn gặp được những nụ cười nơi các cụ già nằm liệt trên giường bệnh, tôi vẫn thấy những hy sinh thầm lặng nơi các cụ quét sân, rửa chén hay phục vụ nhà khách, tôi còn thấy sự hài hước của các cụ trên sân khấu với những bài hát không rõ lời hay trong những bộ thời trang vừa sáng tạo lại vừa ngộ nghĩnh, có cụ còn hài hước nói với tôi: “Tuổi già con khó ngủ lắm sơ ơi, nhưng mà cứ mỗi lần lên nhà Nguyện con lại nhờ Chúa ru là con lại ngủ được liền à, con tạ ơn Chúa lắm…”

Trở về với tâm tình dọn đường của mùa Vọng, có thể trong công việc dọn đường, tôi và bạn hay bận tâm đến những chi tiết của lỗi lầm sa ngã để rồi cứ luôn sống trong dằn vặt của một tội nhân. Còn ĐGH Phanxicô và các cụ bà lại chỉ cho chúng ta cách khắc phục công trình dọn đường là hãy khởi đi từ những ân huệ của Thiên Chúa để chúng ta có một tinh thần dọn đường xứng hợp hơn.

***

Lạy Chúa, giữa cuộc sống với nhiều biến động của thế giới, con nhận ra kế hoạch cứu độ của Ngài, đó là: Ngài sẽ thực hiện lời hứa cứu độ nhân loại, (trong đó có con) bất chấp tội lỗi chúng con. Chính vì ân huệ cao quý này nên chúng con sẽ dọn đường sửa lối cho thẳng để đón chờ Ngài đến. Xin cho chúng con luôn có được một tâm hồn thánh thiện để biết hướng tầm nhìn cao hơn chứ không bằng lòng với cuộc sống nhạt nhẽo tầm thường của gian trần. Amen

Nt. Maria Thúy Kiều -Dòng Đaminh Tam Hiệp (TGPSG
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 3 MÙA VỌNG 2021. Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 13.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2021 - NGÀY 3: MÙA TRỞ VỀ


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 13.12.2021


Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

MÙA VỌNG LÀ THỜI GIAN ĐỂ TRUYỀN GIÁO VÀ LOAN BÁO NIỀM VUI GIÁNG SINH

MÙA VỌNG LÀ THỜI GIAN ĐỂ TRUYỀN GIÁO 
VÀ LOAN BÁO NIỀM VUI GIÁNG SINH

Christine Ponsard

Thiên Chúa đã sai các thiên thần đến báo tin vui cho những người chăn chiên biết Đấng Cứu Thế đã được sinh ra. Ngày hôm nay Ngài tiếp tục sai đến với chúng ta.

Giáng Sinh đã bị thế giới vô thần làm biến dạng đến nỗi ngày càng nhiều người đã quên đi nguồn gốc lễ Giáng Sinh. Chắc chắn, khung cảnh Chúa Giáng Sinh cho họ một ý tưởng đại khái, nhưng họ không biết rằng đứa trẻ nhỏ bé nằm trong máng cỏ đơn sơ đã đến, để mang lại cho họ tình yêu và niềm vui mà họ khao khát tìm kiếm.

Thay vì mang lại hy vọng, thời gian Giáng Sinh đối với nhiều người, lại là dịp để nhận ra nhiều hơn về sự trống rỗng của việc hiện hữu mà không có lý tưởng, sức nặng của sự cô đơn, đau khổ vì thiếu thốn và sự ghê tởm với bản thân và những người khác.

Chúng ta không thể chấp nhận việc vật chất hóa ngày lễ Giáng Sinh. Chúng ta có trách nhiệm với anh chị em của chúng ta; chúng ta có trách nhiệm đối với Tin Mừng mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Chúng ta phải truyền giáo. Đó không phải là tùy chọn, nó là một bổn phận. Đặc biệt là trong thời gian của Mùa Vọng này. Thiên Chúa sai các thiên thần đến với những người chăn chiên, để nói với họ rằng: Đấng Cứu Độ đã được sinh ra cho họ. Hôm nay, Ngài cũng sai họ đến với chúng ta.

“Ta sai các ngươi đi như chiên con giữa bầy sói” (Mt 10,16). Chúa Giêsu đã cảnh báo cho chúng ta như thế. Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi chúng ta bị hiểu lầm, chế giễu hoặc khinh thường. Đừng lo lắng về những trở ngại nảy sinh làm nản lòng sự nhiệt thành truyền bá Tin Mừng của chúng ta: theo một cách nào đó, đây là một dấu hiệu khá tốt. Những kẻ gian ác không thích niềm vui và tìm mọi cách để ngăn cản niềm vui được lan rộng khắp nơi. Truyền giáo chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng nếu Thiên Chúa mời gọi chúng ta, Ngài sẽ ban cho chúng ta phương tiện để làm điều đó. Chúng ta hãy tin cậy Ngài.

1. Loan báo niềm vui Giáng Sinh, trước hết là sống niềm vui và chia sẻ niềm vui

Làm sao thế giới có thể tin vào Tin Mừng Giáng Sinh, nếu như những người Kitô hữu, cũng như những người khác, bị rơi vào những lo lắng của chính họ, “độc quyền” bởi cuộc chạy đua về tiền bạc và của cải vật chất, quan tâm đến thức ăn trên đĩa của họ hơn là về số phận của người lân cận? Trong suốt thời gian của Mùa Vọng, chúng ta hãy tự hỏi ý nghĩa của Giáng Sinh đối với chúng ta. Bản chất thực sự của Giáng Sinh là gì? Bản chất này thay đổi điều gì, hoặc nó nên thay đổi điều gì trong cuộc sống của chúng ta? Những tuần trước Giáng Sinh được cống hiến cho chúng ta như một cơ hội để biến đổi. Nếu chúng ta không hoàn toàn đi vào mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta sẽ không thể truyền giáo.

Mỗi gia đình phải tìm cách thực hiện điều này: làm một bữa ăn trong đêm Giáng Sinh cho một người hàng xóm lớn tuổi, gọi cho người thân hoặc bạn bè ở xa (một cuộc điện thoại có thể là một món quà Giáng Sinh rất đẹp), hoặc làm thiệp Giáng Sinh hoặc những món quà nhỏ (bánh ngọt, bánh quy) để tặng người sống một mình.

2. Những người đầu tiên chúng ta phải loan báo niềm vui Giáng Sinh là con cái của chúng ta.

Loan báo về niềm vui Giáng Sinh cũng là một lời nhắc nhở rằng, trong thời gian và vượt thời gian, Thiên Chúa đã trở thành con người để cứu chúng ta khỏi sự ác và cái chết; đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta rằng, ông già Noel chỉ là một nhân vật huyền thoại, đang khi Chúa Giêsu có thật, hôm nay Ngài đang sống, câu chuyện Giáng Sinh không phải là một huyền thoại đẹp trong quá khứ, mà là một thông điệp của Tin Mừng vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay.

Nếu một đứa trẻ đã tìm được những ngôn từ thích hợp để loan báo về niềm vui của Giáng Sinh, nếu nó vẫn giữ sự ngạc nhiên của tuổi thơ xung quanh ngày lễ này, đó là bởi vì nó đã trải qua lễ Giáng Sinh thực sự với gia đình, chú trọng vào điều cốt yếu, nơi mà niềm vui chắc chắn không đến từ sự xa hoa của những món quà, từ bữa ăn thịnh soạn trong đêm Giáng Sinh, cũng như từ sự mong đợi của ông già Noel.

Những người đầu tiên chúng ta phải loan báo niềm vui Giáng Sinh, chính là con cái chúng ta. Chúng ta hãy chuẩn bị cho chúng và cùng chúng đón mừng một lễ Giáng Sinh tuyệt vời; để nhờ đó, chúng có thể khám phá niềm vui nhỏ bé của con người, niềm vui của Thiên Chúa.
 
Gia Thi, SDB chuyển ngữ
 
(WHĐ)

VATICAN KHÁNH THÀNH HANG ĐÁ VÀ THẮP SÁNG CÂY THÔNG GIÁNG SINH TẠI QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRÔ