Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 22.12.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 22.12.2021
 

ỦY BAN PHỤNG TỰ: GIẢI ĐÁP VỀ PHỤNG VỤ MÙA GIÁNG SINH NĂM NAY (2021-2022)

GIẢI ĐÁP VỀ PHỤNG VỤ MÙA GIÁNG SINH NĂM NAY
 (2021-2022)

Linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Thành viên Ủy ban Phụng tự

WHĐ (22.12.2021) - Năm nay, phụng vụ Mùa Giáng Sinh 2021 có hai trường hợp đặc biệt:

(1) Thứ nhất, ngày Giáng Sinh, 25 tháng 12, là thứ Bảy, như vậy nếu tham dự Thánh lễ buổi chiều (cử hành lễ Giáng Sinh với bản lễ của “Thánh lễ ban ngày”) có thể thay thế phụng vụ lễ Chúa nhật ngày 26 tháng 12 từ chiều hôm trước như các lễ Chúa nhật khác trong năm (xem Bộ Giáo luật, số 1248§1) được không?

(2) Thứ hai, cũng vậy, lễ trọng Thánh Maria – Mẹ Thiên Chúa, ngày 1 tháng 1 năm 2022, cũng là thứ Bảy trước lễ trọng Chúa Hiển Linh được cử hành vào Chúa nhật, ngày 2 tháng 1; vậy thứ tự bậc lễ ưu tiên để chu toàn bổn phận giữ ngày lễ buộc như thế nào?

Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam hướng dẫn như sau:

I. Giải thích

(1) Thứ nhất, theo “Quy Luật Phổ Quát Về Năm Phụng Vụ Và Niên Lịch” (tức “Bảng Ghi Ngày Phụng Vụ”) số 59 đã xác định: (a) Lễ Giáng Sinh ở bậc lễ ưu tiên hơn Chúa nhật Mùa Giáng Sinh; thêm nữa, vào Chúa nhật ngày 26 tháng 12 năm 2021, chúng ta cũng cử hành Thánh Gia Thất thuộc bậc lễ kính mà ngày cử hành có khác biệt mỗi năm; (b) Lễ trọng Chúa Hiển Linh thuộc bậc ưu tiên hơn lễ Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa; (c) Theo hướng dẫn số 11 của tài liệu này và do ngày lễ Chúa Hiển Linh sẽ được cử hành vào Chúa nhật, ngày 2 tháng 1 năm 2022, chúng ta hiểu rằng lễ trọng Chúa Hiển Linh sẽ bắt đầu được cử hành từ chiều của ngày hôm trước;

(2) Thứ hai, Bộ Giáo Luật số 1248§1 qui định rằng: “Ai tham dự Thánh lễ, cử hành theo lễ nghi Công giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ.”

II. Kết luận thực hành cho trường hợp thứ I (Thứ Bảy 25/12 – Chúa nhật 26/12)

(1) Cử hành Thánh lễ và Phụng vụ các Giờ (Kinh Thần vụ): Khi cử hành Thánh lễ vào chiều thứ Bảy (25/12/2021), các tư tế phải cử hành lễ Giáng Sinh (với bản lễ của “Thánh lễ ban ngày”) hơn là cử hành lễ Chúa nhật Giáng Sinh (lễ Thánh gia: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse); cũng vậy, chiều thứ Bảy này, phải đọc Kinh Chiều II lễ Giáng Sinh.

(2) Để chu toàn bổn phận đối với hai Thánh lễ buộc (Giáng Sinh và Chúa nhật) này, sau khi các tín hữu đã tham dự một lễ Giáng Sinh (Thánh lễ Vọng hoặc Thánh lễ ban đêm hoặc Thánh lễ rạng đông hoặc Thánh lễ ban ngày) vẫn phải tham dự thêm một Thánh lễ Chúa nhật nữa. Có thể tham dự Thánh lễ Chúa nhật này vào đúng ngày Chúa nhật 26/12/2021 [với bản lễ kính Thánh gia: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse] hoặc cũng có thể tham dự Thánh lễ Chúa nhật này vào buổi chiều thứ Bảy (25/12/2021). Vì vậy, nếu chỉ tham dự phụng vụ chiều thứ Bảy, 25/12/2021, mà thôi vẫn chưa chu toàn bổn phận giữ hai ngày lễ buộc riêng biệt, tức lễ [buộc] Giáng Sinh và lễ [buộc] Chúa nhật.

III. Kết luận thực hành cho trường hợp thứ II (Thứ Bảy 01/01 – Chúa nhật 02/01)

Cũng theo căn cứ hướng dẫn trên, vào buổi chiều thứ Bảy, ngày 1 tháng 1 năm 2022, buộc cử hành phụng vụ lễ Chúa Hiển Linh và đọc Kinh Chiều I của ngày lễ Chúa Hiển Linh.
 
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ NGÀY 22 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 22.12.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 22.12.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ NGÀY 22 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Tư, ngày 22.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: PHÁI ĐOÀN UB MẶT TRẬN TỔ QUỐC CHÚC MỪNG GIÁNG SINH CÁC CƠ SỞ DÒNG TU

PHÁI ĐOÀN UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC 
CHÚC MỪNG GIÁNG SINH CÁC CƠ SỞ DÒNG TU

TGPSG -- Ngày 20-12-2021, phái đoàn của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (UBMTTQ VN) và Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc TPHCM (UBMTTQ TPHCM) đã đến thăm và chúc mừng Giáng Sinh 3 cơ sở dòng tu: Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres (lúc 08g30), Tu Hội Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn (lúc 09g30), và Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô (lúc 15g00).

Phái đoàn do Ông Nguyễn Văn Thanh - Ủy viên UBMTTQVN kiêm Trưởng Ban Tôn Giáo - làm trưởng đoàn.

Cùng đi với Ông Nguyễn Văn Thanh có:
  • Bà Đoàn Thị Hương - Phó Vụ trưởng Ban Dân Vận Trung Ương
  • Bà Phạm Thanh Tuyền - Phó trưởng Ban công tác phía Nam của UBMTTQVN
  • Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch UBMTTQ TPHCM
  • Hòa Thượng Thích Huệ Thông - Chánh văn Phòng II Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN)
  • Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch UB Đoàn Kết CGVN TPHCM
  • Thượng tọa Thích Phước Nguyên - Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự kiêm Phó Văn phòng II GHPGVN
  • Ông Vũ Mạnh Hải - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo UBMTTQVN.

Ông Nguyễn Văn Thanh

Mở đầu từng buổi thăm viếng tại 3 Dòng tu này, Ông Nguyễn Văn Thanh đều đã có lời chúc mừng Giáng Sinh và trình bày về tình hình đất nước trong năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Ông nhận định: Cũng trong đại dịch này mà tình đồng bào được thể hiện rõ nét. Ông cảm ơn các Dòng tu và các cơ sở Công giáo đã cùng với các tôn giáo khác dấn thân đồng hành với ngành Y tế và nhiều ban ngành khác, để đi vào tuyến đầu chống dịch, cho dù những nơi đó rất nguy hiểm.

Ông nhận thấy tình liên đới rất đẹp giữa Công giáo và Phật giáo khi cùng quan tâm đến an sinh xã hội của người dân; ví dụ, Văn phòng Hội Đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Giám mục TGPSG đã ủng hộ 1 tỉ rưỡi cho bếp ăn yêu thương của Chùa Vĩnh Nghiêm để giúp người nghèo và các y bác sĩ cùng các cán bộ nơi tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra còn nhiều nghĩa cử cao đẹp khác...

1. Thăm Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres

Vào lúc 08g30, phái đoàn đã đến tu viện của Hội Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres - Tỉnh dòng Sài Gòn - tại số 4 Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Q.1, TPHCM. Bà Bề Trên Giám Tỉnh Maria Nguyễn Thị Thơm và các nữ tu trong ban cố vấn đã đón tiếp phái đoàn tại Hội trường của tu viện.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thơm 

Sau bài phát biểu của Ông Trưởng Ban Tôn Giáo, Bà Bề Trên Giám Tỉnh đã trình bày lịch sử và sự hiện diện 161 năm (1860 - 2021) của Hội Dòng tại Việt Nam. Với linh đạo và sứ mạng của mình, Hội Dòng đã cộng tác với các Giáo phận của Giáo Hội Việt Nam để nâng cao đời sống cho người dân qua các hoạt động giáo dục, y tế và xã hội.

Cuối buổi viếng thăm, Ông Trưởng Ban Tôn Giáo và Bà Phó chủ tịch UBMTTQ TPHCM đã trao tặng lẵng hoa và quà cho vị đại diện Tỉnh Dòng.

2. Thăm Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn

Máng cỏ trong bối cảnh đại dịch

Rời tu viện Thánh Phaolô thành Chartres, phái đoàn đã đến tu viện của Tu hội Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn tại số 42 Tú Xương, Q.3 TPHCM vào lúc 09g30. Phái đoàn được hướng dẫn đi thăm ‘máng cỏ trong bối cảnh đại dịch’, rồi được Bà Bề trên Giám Tỉnh Têrêsa Đỗ Thị Mai Lan và một số nữ tu đón tiếp tại phòng khách của Tu hội.

Sau khi lắng nghe Ông Trưởng Ban Tôn Giáo phát biểu, Bà Bề trên Giám Tỉnh Têrêsa bày tỏ niềm vui được tiếp đón và chúc mừng Giáng Sinh mọi người trong phái đoàn. 
 
Kết thúc viếng thăm tại đây, Ông Trưởng Ban Tôn Giáo và Bà Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM đã trao tặng lẵng hoa và quà cho đại diện Tu Hội.

3. Thăm Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô

Vào lúc 03g00 chiều, phái đoàn đã đến Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô ở số 101/57 đường Trịnh Thị Dối, Ấp 4, Xã Đông Thạnh, Huyện Hóc Môn, TPHCM.

Bà Tổng phụ trách Maria Phanxicô Hà Thị Thanh Tịnh cùng một số nữ tu đã đón tiếp phái đoàn tại phòng khách của nhà Giám tỉnh.

Trong tinh thần vui tươi cởi mở, Bà Tổng Cố vấn chia sẻ về hoạt động của Hội Dòng với 7 cơ sở nuôi người già neo đơn, bị bỏ rơi, và các mái ấm cho những người mẹ sinh con ngoài ý muốn. Bà cũng trình bày những khó khăn khi làm giấy khai sinh cho các bé, hay khi xin cho các bé đi học, hoặc khi đón các người già vô gia cư không giấy tờ tùy thân…
 
Sau khi lắng nghe, ông Trưởng Ban Tôn giáo hứa sẽ cùng với các ban ngành rà xét xem những chỗ nào bị tắc nghẽn để tìm hướng giải quyết sao cho các trẻ được đến trường, và người già neo đơn bị bỏ rơi được tiếp nhận vào mái ấm cách thuận lợi.

Ông Trưởng Ban Tôn Giáo đã tặng hoa và quà cho vị đại diện Hội Dòng, rồi ra thẳng sân bay để về Hà Nội. Còn phái đoàn của UBMTTQ TPHCM đã đến thăm ‘Cơ sở bảo trợ Xã Hội Nhân Nghĩa’ ở số 75 đường 460, Ấp Thạnh An, xã Trung An, Huyện Củ Chi, TPHCM.

Tại đây, phái đoàn được các nữ tu và các cụ bà đón tiếp trong bầu khí hân hoan chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh.

Nữ tu Maria Têrêsa Nguyễn Thị Thanh Mừng - phụ trách cơ sở - đã trình về hoạt động chăm lo cho các cụ: cơ sở đã đón 66 cụ, trong đó 6 cụ đã an nghỉ.

Sau đó các cụ bà đã hát và múa như món quà tặng phái đoàn. Bà Phan Kiều Thanh Hương đã xúc động trước tình cảm của quý cụ và các nữ tu dành cho phái đoàn, qua đó, bà cảm nhận được sự tươi trẻ của các sơ khi phục vụ và niềm vui tràn đầy hạnh phúc của các cụ khi được sống nơi đây.

Bà Phó Chủ tịch cùng các cộng sự đã đến từng phòng thăm các cụ.

Phái đoàn đã chụp hình lưu niệm với các nữ tu và các cụ, kết thúc chuyến viếng thăm lúc 17g30 trong niềm vui chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh.

Bài: Sơn Nữ SPC & Mạnh Tú (TGPSG)
Ảnh: Sơn Nữ SPC
(WGPSG) 

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

DÀNH CHO CHÚA NHỮNG GÌ TỐT NHẤT

DÀNH CHO CHÚA NHỮNG GÌ TỐT NHẤT

TGPSG -- Chúng con luôn dành cho Chúa những gì tốt nhất, nên chúng con đã chuẩn bị sẵn sàng cho Chúa một 'hang đá' vô cùng êm ấm và bình an rồi…

Bước vào giai đoạn thứ hai của mùa Vọng (từ ngày 17.12 – 24.12), các giáo xứ, xóm đạo và các gia đình Công giáo không chỉ chuẩn bị hang đá, trang trí lộng lẫy, mà còn đặc biệt chú trọng đến việc sửa soạn tâm hồn để đón mừng Chúa Giáng Sinh. Bầu không khí và niềm vui Giáng Sinh quả là đã cận kề.

Tuy nhiên, vì dịch bệnh vẫn phức tạp nên hầu hết các giáo xứ và các gia đình phần nào cũng đơn giản hóa những khâu chuẩn bị bề ngoài để tập trung hơn vào việc chuẩn bị ‘hang đá nội tâm’. Đây mới là sự chuẩn bị cần và đủ để Chúa có thể giáng sinh trong tâm hồn mỗi người.

“Đây mới là sự chuẩn bị cần thiết để Chúa có thể giáng sinh trong tâm hồn mỗi người”, một em bé S’Tiêng đã ‘mạnh mẽ’ quả quyết với tôi như thế vài năm trước, khi tôi còn đang giúp xứ và sinh hoạt mục vụ tại một sóc của anh chị em S’Tiêng.

Đối với anh chị em Công giáo S’Tiêng, vào những dịp lễ trọng, đặc biệt là Giáng Sinh và Phục sinh, dù đời sống thiếu thốn, cơ cực đến đâu thì họ vẫn chuẩn bị mọi sự cho dịp lễ rất chu đáo và tươm tất.

Với những lễ thường nhật, chỉ cần đến ngày có lễ tại sóc là ngày đó họ không đi làm mà ở nhà để sắp xếp nhà cửa, dọn dẹp nhà nguyện, hối thúc con cái quần áo tươm tất để đi dự lễ thật sớm. Những ai bị vướng mắc vì tội đã lỡ phạm thì mau mắn đến nhà nguyện thật sớm mà lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để được rước Chúa vào lòng. Còn những dịp lễ trọng, họ chuẩn bị từ rất xa, có khi từ 1 tháng hoặc hơn tháng trước.

Vào dịp Giáng sinh năm 2018, các em thiếu nhi đến nói với tôi:
  • “Sơ ơi! Năm nay Sơ tổ chức cho chúng con làm hang đá đi Sơ”.
  • “Các con muốn làm… bao nhiêu hang đá?”, tôi hỏi các em với nụ cười phấn khích.
  • “Có bao nhiêu lớp giáo lý thì có bây nhiêu hang đá đó Sơ”.
  • “Thiệt hả”, tôi hỏi lại với vẻ nghi ngờ, bởi mang tiếng là “lớp giáo lý”, nhưng thực chất có những lớp chỉ có 4 hoặc 5 em.
  • “Thiệt mà Sơ”, các em đồng thanh đáp.
  • “Vậy chúng ta sẽ làm nha, ngày bao nhiêu được nhỉ, 9 giờ ngày 19 nhé, ok không?”.
  • “Ok Sơ!”
Do đoạn đường từ cộng đoàn tới sóc khá xa, lại lầy lội, gồ ghề và phải băng qua những đồn cao su thăm thẳm, nên tôi đã đi thật sớm để không “lỡ hẹn”.

Vừa đến sóc là 8 giờ, tôi nghĩ thầm chắc giờ này hẳn chỉ có mình tôi. Ai ngờ vừa ‘cua’ xe vô sân nhà nguyện, tôi đã thấy các em thiếu nhi ngồi trực chờ sẵn với lúa, cỏ, dây kim tuyến và những ngôi sao mà các em tự chuẩn bị.

Tôi vừa bước xuống xe, các em đã đồng loạt hô hào: “Chúng ta bắt đầu thôi, Sơ ơi!”

Rồi các em, đứa chẻ lứa, đứa xếp lá làm mái, đứa cuốc lỗ cắm cây… tiếng í ới gọi nhau để chỉnh sửa từng “chi tiết” của hang đá, tiếng cười nói giòn giã, vang dội khắp không gian nhà nguyện…

Sau hai giờ “miệt mài làm việc”, những hang đá đơn sơ đã dựng xong. Ngắm nhìn những hang đá mộc mạc này, tôi thấy các em thật đơn sơ như chính tâm hồn các em vậy.

Trong lúc sơ con quây quần trò chuyện trước khi ra về, một em hỏi tôi:
  • “Sơ thấy hang đá của chúng con thế nào?”.
  • “Tuyệt vời”, tôi trả lời.
  • “Thiệt không Sơ?”, cả đám nhao nhao.
  • “Con biết những hang đá này không tuyệt như Sơ nói đâu, Sơ ơi. Nhưng đó là tất cả tình yêu chúng con muốn dâng cho Chúa, nên con nghĩ Chúa sẽ rất vui khi ngự vào đây.”
Liền đó, một em khác tiếp lời:
  • “Chúng con luôn dành cho Chúa những gì tốt nhất, nên chúng con đã chuẩn bị sẵn sàng cho Chúa một hang đá rất êm ấm và bình an. Đó chính là hang đá tâm hồn của chúng con. Đó là nơi tuyệt lắm nên Chúa chỉ thích ở nơi đó thôi, phải không các bạn?”
  • “Phải chứ còn gì nữa!”, cả đám tán thành.
  • “Đây mới là sự chuẩn bị cần thiết để Chúa có thể giáng sinh trong tâm hồn mỗi người đó nha!”, một em khác mạnh mẽ kết luận, và cả nhóm gật gù đồng ý.
Sau đó, các em chào nhau ra về. Nhìn theo bóng các em đang khuất dần mà lòng tôi cảm phục biết bao. Bao nhiêu câu hỏi chợt ùa về: Mình đã dọn tâm hồn sẵn sàng mỗi ngày cho Chúa chưa? Đó đã là nơi ấm êm và bình an để Chúa vui thích ngự vào chưa?....

***

Bao mùa Giáng Sinh đã trôi qua là bấy nhiêu lần dọn dẹp tâm hồn, nhưng tâm hồn tôi có vẻ như vẫn ắp đầy những chuyện phù du, khiến không còn chỗ trống xứng đáng dành cho Chúa.

Dù sao tôi vẫn luôn muốn dành cho Chúa một nơi tốt nhất, êm ấm và bình an nhất. Xin Chúa giúp chúng con kiên trì dọn dẹp và trang hoàng tâm hồn từng ngày, để Chúa có thể giáng sinh ở đây, ngay trong giây phút hiện tại này, nơi tâm hồn của mỗi người chúng con.

Nguyệt Nguyễn (TGPSG) 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA NGÀY 21 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 21.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 21.12.2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA NGÀY 21 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 21.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2021

 

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2021


Các con thân mến,

Chúng ta đã bắt đầu Năm Phụng Vụ mới với một Mùa Vọng im lìm và lặng lẽ hơn bao giờ hết và Lễ Giáng Sinh đến. Năm nay dịch bệnh đã ảnh hưởng đến những sinh hoạt đạo đức truyền thống quý giá nơi các Xứ đạo: Tại rất nhiều Xứ đạo trên đất nước chúng ta, không còn trang hoàng Hang đá, Máng cỏ và Cây thông, ông già Noël và mọi thứ khác; Không có những cuộc Tĩnh tâm chuẩn bị, không thể cử hành Thánh lễ với sự hiện diện đông đủ của các thành phần Dân Chúa như những năm trước đây! Dù vậy, trong hành trình đức tin của mình, trong niềm hy vọng, chúng ta sẽ mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.

Các con nên nhớ rằng niềm vui Lễ Giáng Sinh không phải là niềm vui riêng của người Công giáo, mà là của tất cả nhân loại, vì Chúa làm người không phải chỉ riêng cho chúng ta, nhưng là cho tất cả mọi người. Trong mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh được Phúc âm tường thuật, cha muốn chia sẻ với các con một vài điều sau đây:

1. Giáng sinh trong sự nghèo khó.

Chúng ta không sống cùng thời và cũng chẳng phải là đồng hương với Chúa Giêsu, nhưng chúng ta được Thánh sử Luca kể lại việc Hài nhi Giêsu được Mẹ Maria sinh ra trong một khung cảnh thật đơn giản: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2, 7). Sự đơn giản và nghèo nàn đến mức độ tưởng chừng như không thể chấp nhận được: Chúa Giáng sinh thay đổi căn tính của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu nhập thể và như thế là cho phép con người sinh ra mình, để chịu đau khổ cho con người. Người được sinh ra trong hoàn cảnh nghèo nàn như vậy, thì đó lại là một dấu hiệu đặc biệt mà Sứ thần của Thiên Chúa đã dùng để báo tin cho các mục đồng nhận biết Đấng Cứu Thế: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12). Tại sao Con Thiên Chúa lại chọn con đường đi vào trần thế này cách nghèo nàn như thế? Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích rằng: “Để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu bao la của Người đối với thân phận con người của chúng ta: thậm chí Chúa chạm đến tận đáy sự bần cùng của chúng ta bằng tình yêu cụ thể của Người. Con Thiên Chúa sinh ra đã bị ruồng bỏ, để nói với chúng ta rằng mọi người bị ruồng bỏ đều là con của Thiên Chúa” (Trích Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ Đêm Giáng Sinh 24/12/2020). Như vậy, ngày xưa Con Thiên Chúa đã làm người trong cảnh đơn sơ và thiếu thốn đến tận cùng ấy. Ngày hôm nay, chúng ta cử hành Lễ Chúa Giáng sinh trong hoàn cảnh của dịch bệnh Covid-19, thật buồn: Nghi thức Phụng vụ và mọi trang trí không còn linh động nữa. Nhưng vẫn còn hy vọng, Chúa không bỏ chúng ta vì chúng ta đều là con của Chúa.

2. Chúa Giêsu là niềm hy vọng

Có lẽ người ta sẽ chẳng bao giờ nhắc đến hai chữ “hy vọng” nếu chưa từng sống trong âu lo và sợ hãi. Đau khổ càng nhiều, hy vọng càng được ấp ủ. Thánh Kinh thuật lại rằng: với biến cố “Sa ngã” trong Vườn Địa Đàng, con người phải sống trong bi kịch của đau khổ, nhất là phải đối diện với sự chết. Trong bóng đêm dày đặc của tội lỗi và đau khổ ấy, tiên tri Isaia được Thiên Chúa sai đến để khơi dậy và củng cố niềm hy vọng ơn Cứu Độ cho mọi người rằng: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7, 14), nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23). Lời tiên báo ấy đã được ứng nghiệm tại hang đá Bêlem. Nhờ sự chỉ dẫn của những người qua đường mà Lịch sử không biết được danh tính, Mẹ Maria và thánh Giuse tìm thấy một hang động làm chuồng chiên bò và Mẹ Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 7). Chúa Giêsu được sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó cùng cực. Lễ Giáng Sinh trở lại với sự chia sẻ của ánh sáng và hy vọng. Hài nhi Giêsu của hang đá Bêlem luôn là niềm hy vọng cho tất cả mọi người. Vậy, trong dịp Lễ Giáng Sinh này, một dịp lễ được cử hành trong âm thầm lặng lẽ vì đại dịch Covid-19, chúng ta hy vọng điều gì khi Covid-19 chưa muốn rời xa chúng ta?

3. Chúa Giêsu chạnh lòng thương

Chúng ta hy vọng Chúa cứu chúng ta. Thánh Phaolô đã dạy rằng: “Trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu thoát” (Rm 8, 24). Đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng năm nay, chúng ta xin Người chạnh lòng thương đến toàn thể nhân loại đang lo lắng và sợ hãi trước đại dịch Covid-19 này. Chúng ta cầu xin sự bình an và ơn chữa lành những vết thương nghiêm trọng và đau đớn tột cùng do đại dịch gây ra, mà giờ đây, quê hương, bạn bè, người thân chúng ta đang gánh chịu. Chúa chạnh lòng thương nên: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17). Nhìn Chúa Hài Đồng nơi Hang đá, các con cũng đừng quên thưa chuyện với Người về những bạn bè trang lứa với các con. Trong dịp lễ này, rất nhiều bạn bè của chúng con đã không còn cha mẹ bên cạnh, không còn được nhìn thấy và vui sống trong bầu khí ấm cúng của sự đoàn tụ gia đình vào những ngày lễ sắp tới này.

Dịch bệnh có thể lấy đi nơi chúng ta rất nhiều thứ. Có những thứ chúng ta có thể tìm lại được, có những thứ chúng ta phải mất đi vĩnh viễn: con người không sống trong thế giới này hai lần. Thế nhưng, Lễ Giáng Sinh này giúp chúng con trải qua sự bấp bênh và bệnh tật, nhưng đồng thời cũng giúp chúng con bắt đầu lại mỗi buổi sáng với niềm tin và hy vọng. Chúa là niềm hy vọng của tất cả chúng ta. Người sẽ không bỏ rơi chúng ta. “Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con. Ðịch thù đang hằm hằm giận dữ, Ngài ra tay chận đứng, lấy tay uy quyền giải thoát con” (Tv 138, 7). Cha tin rằng: trong sự quan phòng đầy yêu thương, bằng cách này hay cách khác, Người sẽ đưa chúng ta ra khỏi tất cả những khó khăn đang ở phía trước.

Các con thân mến,

Cha xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Bài giảng Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Matta ngày 20/10/2018: “Nếu bạn hy vọng, bạn sẽ không bao giờ thất vọng. Không bao giờ. Không bao giờ…” như một tấm thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh và một Năm mới Dương lịch gửi đến các con, tất cả các bạn học sinh, sinh viên Công giáo trên khắp mọi miền đất nước. Nguyện xin Thiên Chúa ban tràn đầy niềm hy vọng trên các con. Xin Người ban cho các con và toàn thể gia quyến mọi điều tốt lành vui tươi và hạnh phúc.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 12 năm 2021.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 20.12.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI NGÀY 20 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 20.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước