Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

VƯỢT QUA TÂM BÃO

VƯỢT QUA TÂM BÃO

TGPSG - Ai đã từng có kinh nghiệm sống trong tâm bão thì mới thấy kinh khủng biết là chừng nào. Hay là kinh nghiệm khi vấp ngã thì đau đớn biết là bao. Những lúc như vậy chỉ cần một sự cảm thông, một lời động viên thôi cũng đủ làm cho lòng ấm áp và cũng đủ để mình vượt qua được cơn bão lạnh lùng và đáng sợ. Một vết thương nếu được một ai đó giúp mình chữa lành và băng bó lại thì dù có đau đớn thế nào, cũng có thể vượt qua được. Tôi muốn gửi lại nơi đây tất cả những gì tôi đã và đang phải trải qua một cơn bão.

1. Cơn bão nợ

Sau bữa ăn tối, vợ chồng tôi có buổi nói chuyện với mẹ tôi. Cuộc nói chuyện xoay quanh vấn đề nợ nần của chồng tôi mà từ bấy lâu nay tôi không hề hay biết. Sau một hồi nói chuyện chồng tôi mới thú nhận “Anh đã vỡ nợ và số nợ gần 800 triệu đồng” tôi không thể tin những gì tôi vừa nghe, mọi sự như sụp đổ dưới chân tôi. Thật là cay nghiệt, tôi đã rất đau khổ và trách móc anh. Trách vì anh đã làm tôi phải lo lắng, trách vì anh mà gia đình phải đi đến chỗ nợ nần trong khi con cái còn đang tuổi ăn tuổi học, bao nhiêu tiền dành dụm để cho con cái đi học tôi đều phải lấy ra để trả nợ cho anh. Tôi giận anh lắm, tôi muốn buông xuôi để mặc anh tự xoay sở, tôi muốn bỏ đi đâu đó vì không muốn dính líu tới anh và sự giận dữ có lúc đã lên tới tột độ là tôi xem anh như đã chết rồi, cuộc sống của tôi bây giờ không có chồng nữa, và tôi đã xem mình như là một phụ nữ góa chồng. Tôi muốn xóa sạch mọi thứ, xóa sạch những gì liên quan đến anh để cho tôi được nhẹ nhàng hơn nhưng dường như sự giận dữ đã làm cho tôi bị lạc lối.

2. Bão bệnh nan y

Sau khi tôi nhận được cú sốc về nợ nần của chồng tôi đã buồn và khóc rất nhiều thì trong thời gian này tôi lại thấy cơ thể bị đau khác thường. Tôi cứ nghĩ vì có thể trong giai đoạn vừa qua tôi đã quá sốc và đau buồn nên cơ thể mới đau khác thường vậy thôi. Nhưng chồng tôi đã động viên nên đi khám để cho yên tâm. Sau khi đi khám và làm các xét nghiệm thì bác sĩ kết luận là tôi bị Ung thư vú giai đoạn II trong khi tôi còn đang bàng hoàng chưa lấy lại thăng bằng sau cú sốc nợ nần của chồng. Vậy là chỉ sau 20 ngày tôi đã phải hứng chịu cả nỗi đau về tinh thần lẫn thể chất.

Khi nghe tin tôi mắc bệnh nan y, không phải chỉ mình tôi nhưng cả gia đình tôi đều bị sốc. Mẹ tôi vì thương tôi đã mất ăn mất ngủ mấy đêm liền và bà đã phải bị đưa đi cấp cứu vì chứng rối loạn tiền đình. Quá thương tôi bao nhiêu thì gia đình tôi lại giận chồng tôi bấy nhiêu. Lúc này tôi vừa đau khổ lại vừa khó xử. Tôi như bị mắc kẹt và tôi mong tìm cách nào đó để được thoát ra. Càng vùng vẫy bao nhiêu thì tôi càng bị tổn thương bấy nhiêu. Gia đình tôi lúc này khuyên tôi cứ tập trung lo chữa bệnh, còn chuyện nợ nần thì cứ kệ đó, không phải lo và nghiễm nhiên là chồng tôi phải lo trả số nợ đó. Điều đó cũng phải thôi, vì ai làm thì người đó chịu mà. Có lúc tôi thấy điều đó là hoàn toàn hợp lý. Nhưng làm sao tôi có thể an nhiên chữa bệnh, an nhiên lo cho bản thân khi mà chủ nợ ngày ngày gọi điện thoại yêu cầu chồng tôi trả nợ. Tuy không nói nhưng ánh mắt và hành động của chồng tôi như van nài tôi là đừng bỏ mặc anh vào lúc này. Anh sẽ cố gắng lo lắng cho tôi trong những tháng ngày tôi bệnh, một phần vì anh muốn cùng tôi tiếp tục để sống và để đi với anh hết con đường này.

Và rồi, vì yêu thương tôi nên Chúa đã mở mắt cho tôi để tôi được nhìn thấy con đường phía trước mà tôi sắp phải đi: tôi sẽ bắt đầu bước vào cuộc chiến với căn bệnh ung thư của mình và tất nhiên là tôi cần phải có người bên cạnh để chăm sóc cho tôi. Nhìn đi nhìn lại mẹ và chị gái tuy ở gần bên tôi nhưng cả hai đều không được khỏe, mẹ thì tuổi già sức yếu, chị gái thì bệnh nên không thể giúp đỡ cho tôi được. Con cái thì còn phải đi học mà có giúp thì cũng chỉ những việc lặt vặt. Vậy là chỉ có chồng mới có thể giúp tôi lúc này thôi. Nhưng chồng tôi ở nhà giúp tôi thì có nghĩa là anh sẽ không đi làm; không đi làm thì lấy đâu ra tiền để mà trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình, rồi thì tiền thuốc, tiền nợ … Càng nghĩ tôi càng thấy mọi chuyện như rối tung lên và tôi đã thưa với Chúa “Chúa ơi, con phải làm sao đây? Chồng con không đi làm thì lấy đâu ra tiền để trang trải, mà nếu chồng con đi làm thì lấy ai để mà giúp đỡ con và thật tình là con rất mong có người ở với con để giúp đỡ con trong những ngày khó khăn sắp tới”.

Trong suốt thời gian này tôi phải đấu tranh rất nhiều. Đấu tranh trước những lời tố cáo về lỗi lầm của chồng tôi trong quá khứ, vì mọi người muốn cho tôi biết rõ con người thật của chồng tôi. Nhưng đối với tôi lúc này, biết rõ để làm gì chứ? Biết rõ sự việc trắng đen có làm cho tôi trở nên vui không? Hay chỉ làm cho tôi thêm đau khổ mà thôi.

Và không muốn để bản thân mình bị tổn thương về bất kỳ điều gì nữa, tôi đã lẩn trốn, hạn chế gặp gỡ người này người kia vì không muốn nghe thêm bất kỳ thông tin nào. Tôi cũng không tìm cách giải thích hay bào chữa, vì lời nói của tôi lúc này không còn giá trị nữa, và giải pháp cuối cùng để cho mình được bình an là sự “Thinh lặng”. Tôi thinh lặng vì muốn lắng nghe rõ tiếng nói của Chúa muốn nói với tôi. Thinh lặng vì muốn tâm hồn luôn được bình an mặc dù bản thân đang phải đối diện trước những lời chỉ trích. Làm sao có thể vui và hạnh phúc khi chồng và các con phải lao đao đâu chứ? Có thể nói trái tim tôi lúc này như bị xé ra từng mảnh, và hơn lúc nào hết tôi rất cần một ai đó có thể giúp tôi để chữa lành vết thương đó, nhưng dường như không có ai cả. Hàng ngày tôi chỉ nghe những lời tố cáo, buộc tội về người chồng xấu xa đó, cứ tưởng như vậy là tôi sẽ vui khi tôi biết sự thật về con người của chồng tôi, nhưng ngược lại điều đó càng làm cho tôi phải đau khổ hơn rất nhiều.

Đối với tôi bây giờ sự thinh lặng, hay lời biện hộ lúc này chỉ là vì tôi muốn chạy trốn, vì tôi không muốn chịu thêm bất cứ sự tổn thương nào nữa. Tất cả lúc này, đã quá sức chịu đựng của tôi rồi và tôi không muốn chịu đựng thêm bất cứ điều gì nữa. Tôi muốn vượt rào để mong được thoát thân, muốn chạy trốn vì không muốn liên lụy, tôi muốn rũ bỏ tất cả…

Và một lần nữa tôi lại được Chúa thức tỉnh, Ngài đã đánh thức tôi dậy và nhắc cho tôi nhớ rằng, tôi đã quên một lời hứa rất quan trọng mà tôi đã hứa trước mặt cha chủ tế, hứa trước mặt Giáo Hội và đặc biệt là đã hứa trước mặt Chúa trong ngày tôi lãnh nhận bí tích hôn phối: "Con là Maria..., con xin hứa sẽ giữ lòng chung thủy với chồng con là anh Phaolo… khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời con”. Sau khi nhớ lại lời hứa tôi đã òa lên khóc, hóa ra người có lỗi là tôi chứ không phải là chồng tôi, vì anh đã trọn vẹn lời hứa với Chúa là đã chăm sóc rất chu đáo cho tôi đã không bỏ mặc tôi, trong những ngày tôi bệnh. Và chính tôi đang mắc nợ anh, nợ anh món nợ ân tình. Còn tôi thì khi gặp khó khăn lại định tâm bỏ trốn vì không muốn liên lụy. Tạ ơn Chúa vì đã luôn đồng hành với con, đã luôn nhắc nhở mỗi khi con lạc lối, mỗi khi con đi trật ra khỏi quỹ đạo của Ngài.

3. Bão tuổi thiếu niên

Con trai tôi sinh năm 2007, năm mà người ta gọi là năm con heo vàng, năm nay 2022 cậu tròn 15 tuổi, cái tuổi mà lớn không lớn mà nhỏ thì cũng không nhỏ, chính vì cứ giở giở ương ương mới làm tôi đau khổ. Cậu bắt đầu chống đối những đề nghị của tôi đưa ra, tranh cãi kịch liệt những vấn đề mà cậu cảm thấy không thích, và cậu đã tuyên bố “Con không thích học nữa, con muốn chuyển sang học nghề.” Sau một hồi tranh cãi con đã bỏ nhà đi, và đây là cú sốc thứ 3 trong 4 tháng trời mà tôi đã phải đón nhận. Thật sự lúc này với tôi cả về tinh thần lẫn thể xác tôi không còn gì cả, vì tôi đang trong giai đoạn điều trị ung thư, nên sức khỏe suy kiệt rất nhiều, tôi cũng không còn đủ sức để tranh cãi hay giải thích điều con vừa nói ra, chỉ im lặng và nuốt nước mắt vào trong. Vậy là tất cả những dự tính những ước mơ tôi đã hoạch định trước dường như đã sụp đổ. Nhưng dường như lúc nào Chúa cũng đãi ngộ và dành cho tôi những điều tốt đẹp. Vì không muốn con thất học ở tuổi 15, cho nên sau khi lân la tìm hiểu để cho con có được nơi học phù hợp, tôi đã tìm được một trường vừa học văn hóa vừa học nghề của Dòng Donbosco. Tạ Ơn Chúa, đây là nơi mà tôi đã ấp ủ rất lâu và rất mong cho con có được cơ hội để đến nơi này và hôm nay lại một lần nữa Chúa đã dẫn tôi đến nơi mà Chúa thấy phù hợp và tốt nhất cho con.

4. Sau cơn bão trời bắt đầu sáng

Mọi chuyện dần dần đã đi vào ổn định, đến hôm nay sức khỏe tôi cũng đã dần hồi phục nhưng điều làm tôi thấy hạnh phúc và vui nhất là gia đình tôi biết sống yêu thương nhau hơn, biết trông cậy vào Chúa chứ không cậy dựa vào bản thân. Chúng tôi đã biết nhìn ra những thiếu sót của nhau và đang cố gắng thay đổi để làm gương cho con cái và đặc biệt là làm đẹp lòng Chúa.

Maria HTNP (TGPSG
(WGPSG) 

KINH THÁNH LÀ BỨC THƯ TÌNH DÀNH CHO BẠN

KINH THÁNH LÀ BỨC THƯ TÌNH DÀNH CHO BẠN

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Hungary, 06-11-2022

Tôi viết bài này cho các bạn trẻ.

Số là khi trò chuyện với các bạn, tôi nhận thấy Kinh Thánh là cái gì đó rất xa lạ với đời sống đức tin của các bạn. Các bạn trẻ thích đọc và tìm hiểu Kinh Thánh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoặc nếu các bạn trẻ ham mê học hỏi và cầu nguyện với Kinh Thánh, thì đó là những tu sĩ và linh mục trẻ tuổi mà thôi. Trong hoàn cảnh như thế không biết nên buồn hay vui. Nói như thế để chúng ta nhìn nhận một sự thật rằng các bạn trẻ Công giáo ít đọc Kinh thánh hơn những bạn trẻ Tin Lành. Tôi xin đưa ra vài lý do dưới đây:

  1. Anh em Tin Lành luôn chú trọng đến Kinh Thánh (Duy Kinh Thánh- sola scriptura) như là nguồn sống quan trọng nhất. Họ đọc và nhớ nhiều đoạn Kinh Thánh. Đối với họ Kinh Thánh quan trọng hơn các bí tích. Nói đúng hơn, họ không có đời sống các bí tích, nên Kinh Thánh như là một trong những nguồn mạch để họ kín múc sự sống.
  2. Nhiều bạn trẻ Công giáo ngại nói về Kinh Thánh bởi họ không hiểu nhiều về Kinh Thánh. Hơn nữa, các bạn cũng không mạnh dạn tiếp xúc với bản văn Kinh Thánh như là chỗ Thiên Chúa nói trực tiếp với họ. Nhiều bạn chỉ chờ linh mục giảng giải Lời Chúa. Như thế các bạn nhường phần tìm hiểu Kinh Thánh cho các tu sĩ và linh mục. 
  3. Lý do thứ ba có thể thực tế hơn. Số là các bạn chưa nối kết được Kinh Thánh với chính đời sống của mình. Phải thừa nhận rằng Kinh Thánh cũng thách đố người đọc với những hướng dẫn nhiều khi đi ngược lại với ước mong của các bạn trẻ. Nhiều lời dạy của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng dễ thực hiện.
Từ ba lý do trên, chúng ta đang bỏ qua một nguồn sống rất quý giá trong đời sống đức tin. Tôi có dịp trò chuyện với một bạn trẻ hồi giáo. Bạn ấy nói rằng kinh Thánh Koran luôn là cuốn sách gối đầu giường của những người Hồi Giáo. Nhờ cuốn sách này mà họ hiểu được Đấng Allah muốn họ làm gì, nhờ vậy, họ cảm nhận được hạnh phúc lớn lao và sống theo những giới luật của Đấng Allah. Trong khi đó, không ít bạn trẻ Công giáo chưa một lần đọc hết cuốn Kinh Thánh.

Các bạn trẻ thân mến,

Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ khác về cuốn Kinh Thánh quan trọng này. Xin đừng để cuốn Kinh Thánh trên giá sách. Hãy mạnh dạn mở ra và thử tìm hiểu xem những lời trong đó có ý nghĩa gì đối với bạn. Ngày nay sách Kinh Thánh không thiếu. Có thể là sách in hoặc trên Internet chúng ta cũng dễ dàng có được bản văn Kinh Thánh bằng Tiếng Việt. Tôi tin các bạn đủ thông minh để hiểu những lời ấy. Nhiều chỗ khó hiểu, các bạn cứ yên tâm đọc tiếp. Lúc nào đó Thiên Chúa sẽ cho bạn hiểu được lời của Ngài. Hơn nữa Thánh Phanxicô Assidi tin rằng: “Đọc Kinh Thánh là hỏi ý kiến của Chúa Kitô.” Kinh nghiệm cho thấy nhiều khi cha mẹ ông bà khuyên chúng ta, nhưng có khi chúng ta không hiểu hoặc không muốn hiểu. Tới một lúc nào đó những lời khuyên ấy thực sự hữu ích cho mỗi người. Chính lúc ấy chúng ta “ngộ ra”, nhận ra giá trị của lời khuyên ấy. Cũng vậy, kho tàng Kinh Thánh quá bao la và sống động. Nhiều chỗ chúng ta không hiểu cũng là điều đương nhiên. Do đó các bạn đừng lo ngại về điều này, nhưng hãy để Lời Chúa đối thoại với mỗi người.

Trở lại với tựa đề trên đây. Triết gia và thần học gia người Đan Mạch Søren Kierkegaard định nghĩa thật hay về cuốn Kinh Thánh: “Kinh Thánh là thư tình mà Thiên Chúa gởi cho ta.” (Youcat 14). Là người trẻ, tôi nghĩ chúng ta thích đọc thư tình lãng mạn; nhất là với những bạn đang yêu, mỗi khi nhận tin nhắn hoặc thư của người yêu, hẳn là bạn đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm và tưởng tượng ra bao điều từ những dòng tin nhắn ấy. Kinh Thánh cũng thế. Thiên Chúa là tình yêu và yêu hết mọi người. Đó là sự thật. Do đó, từng dòng chữ trong Kinh thánh là những ngôn tình, những lời yêu thương Thiên Chúa trực tiếp nói với người đọc. Điều này nghe có vẻ lạ tai đối với nhiều người trẻ. Bạn hãy thử mở Kinh Thánh và đọc như một người khao khát lắng nghe những dòng thư tình ấy. Hy vọng rằng bạn cũng có kinh nghiệm thiêng liêng quý giá này.

Truyền thống tu đức khuyên những người đọc Kinh Thánh rằng: Không nên đọc Kinh Thánh để thỏa mãn sự hiếu kỳ hoặc sự hiểu biết của mình. Ngược lại, hãy mở lòng, chú tâm và lắng nghe tiếng Chúa nói qua từng dòng Kinh Thánh. Đó là cuộc đối thoại của bạn với Thiên Chúa. Nói cách khác, đọc Kinh Thánh trong cầu nguyện là thái độ cần thiết. Hoặc nói như lời của Giáo hội: “Muốn đọc Kinh Thánh cho đúng, cần đọc với tinh thần cầu nguyện, nghĩa là cần Chúa Thánh Thần giúp đỡ, vì nhờ Chúa Thánh Thần mà Kinh Thánh được viết ra.” (Youcat 16). Bạn được Thiên Chúa chỉ dạy với những lời yêu thương. Thiên Chúa cũng lắng nghe bạn với tất cả tình yêu. Cứ như thế, mỗi ngày một chút, Lời Chúa sẽ là ngọn đèn soi cho bạn bước, là ánh sáng chỉ đường cho bạn đi trên hành trình này (x. Tv 119).

Bạn và tôi muốn hạnh phúc và cần những chỉ dẫn trên đường đời. Kinh Thánh có thể đáp ứng những điều đó. Tiếc là chúng ta đang bỏ qua bức thư tình quý giá này. Cũng vì lý do này mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới đây tiếp tục tha thiết kêu gọi mỗi người hãy đọc Kinh Thánh[1]. Giáo hội luôn muốn con cái mình được sống với Lời Chúa. Chẳng hạn trong Thánh lễ chúng ta được nuôi dưỡng bằng bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc ấy cần được chúng ta đưa vào cuộc sống. Một khi chúng ta siêng năng đọc Kinh Thánh, là lúc Lời Chúa nuôi dưỡng bạn với rất nhiều tình yêu và chỉ dẫn.

Viết tới đây chắc nhiều bạn ý kiến rằng: “Dạ chúng con cũng biết những điều trên. Vấn đề là chúng con vẫn chưa có thói quen đọc Kinh Thánh.” Không sao đâu. Nếu chưa có thói quen, chúng ta tập thôi. Mỗi ngày một chút, hy vọng đọc Kinh Thánh sẽ trở thành thói quen tốt cho mỗi người. Thói quen ấy sẽ nên nhân đức tốt lành để các bạn mạnh dạn áp dụng Lời Chúa vào trong từng hoàn cảnh sống của mình. Khi đó, tôi tin cuộc sống đức tin của mình sẽ khác nhiều lắm.

Để kết thúc, thay vì phân tích vị ngon ngọt của tách cà phê, vị đậm đà của tách trà, chúng ta hãy trực tiếp uống chúng. Phân tích đôi khi cần thiết và quan trọng, nhưng trong nhiều trường hợp, sự cảm nhận lại ý nghĩa hơn nhiều. Ước chi mỗi chúng ta đụng chạm đến bức thư tình của Thiên Chúa. Hãy để Ngài kể cho bạn những câu chuyện tình ở trong cuốn Kinh Thánh. Càng hiểu chuyện tình này, chúng ta càng hiểu Thiên Chúa và có được tương quan mật thiết với Ngài. Trong ý nghĩa này, các bạn sẽ đồng ý với Thánh Jérome: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.” Ước chi bạn và tôi có thể nói vui rằng: “Kinh Thánh là một phần tất yếu của cuộc sống!” Được như thế, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ yêu thích đọc Kinh Thánh nhiều hơn, và hãy kể những câu chuyện tình ấy cho những ai mà bạn quen biết.

Lạy Chúa, xin thôi thúc con đến với Lời Chúa. Có thể lúc đầu hơi khó đối với con, nhưng với ơn Chúa giúp, con hy vọng mình dám mở cuốn Kinh Thánh ra để tập đọc, tập lắng nghe và tập cầu nguyện với Thiên Chúa trong chính cuốn Kinh Thánh. Xin tiếp tục dạy con sống theo bức thư tình mà chính Thiên Chúa viết cho con. Amen.
 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 07.11.2022


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU BAHRAIN #10

Nghi thức chào biệt - kết thúc chuyến tông du
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU BAHRAIN #9

Đức Thánh Cha gặp Giám mục, linh mục, 
tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU BAHRAIN #8

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ tại Bahrain
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 06.11.2022


Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 05.11.2022 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

NGUỒN GỐC TÒA GIẢI TỘI


NGUỒN GỐC TÒA GIẢI TỘI

Tý Linh

Tòa giải tội xuất hiện vào thế kỷ XVI. Thánh Carôlô Bôrômêô, mà Giáo hội mừng lễ vào ngày 4/11, là nguồn gốc của việc sử dụng tòa giải tội.

Tòa giải tội là một phần trong lịch sử của Giáo hội Công giáo. Nó chỉ được tạo ra vào thế kỷ XVI. Quả thế, cho đến thời điểm này, việc xưng tội đã ddược thực hiện theo những cách thức khác nhau.

Vào thế kỷ thứ III, việc xưng tội chỉ được thực hiện một lần trong đời sống của mình và cách công khai. Từ thế kỷ IV, linh mục nghe xưng tội riêng tư và đưa ra việc đền tội tương xứng với tội lỗi đã được xưng thú. Các Kitô hữu bắt đầu xưng tội nhiều lần trong cuộc sống của mình. Mọi sự thay đổi vào năm 1215 ở công đồng Latêranô, dưới thời Đức Giáo hoàng Innôxentê III. Việc xưng tội diễn ra mỗi năm trước lễ Phục Sinh. Nó được thực hiện trên một băng ghế xưng tội (sedes confessionnalis), và hối nhân quỳ gối nhận xá giải. Một thế kỷ sau, vấn đề về sự kín đáo của việc xưng tội được đặt ra.

Mối quan tâm về sự ẩn danh và kín đáo của các cuộc trao đổi

Một số công đồng địa phương khuyến cáo giải tội cách kín đáo (in secretario), trong phòng thánh kín đáo. Đối với nữ giới, linh mục được khuyên nên ngăn cách bằng một vách ngăn thẳng đứng nhỏ, có phần giữa được khoét bằng chấn song và phía dưới có một bàn quỳ. Khoảng từ năm 1545 đến 1563, Công đồng Trentô dành một khóa họp khoáng đại cho bí tích Sám Hối. Chính vào thời điểm này được xác định nghĩa vụ xưng thú tất cả các tội trọng trước khi rước lễ. Do đó, chính trong suốt thời kỳ Phản Cải cách mà tòa giải tội đã được cổ võ lần đầu tiên. Và nguồn gốc của vật dụng phụng vụ này được cho là của thánh Carôlô Bôrômêô, một trong những vị Hồng y Giám mục người Ý đã dành nhiều tác phẩm của mình cho bí tích Giải Tội. Trong số các tác phẩm của ngài, thành công nhất và phong phú cho hậu thế nhất là Chỉ dẫn cho các cha giải tội trong thành phố và giáo phận của mình.

 
Ngài đã khuyến khích sử dụng một tòa giải tội và bắt buộc dùng nó trong thành phố Ý và trong tỉnh của ngài. Danh tiếng của ngài với tư cách Giám mục cải cách đã lan sang Pháp vào lúc kết thúc Công đồng, rồi cái chết của ngài vào năm 1584, và nhất là sau khi ngài được phong thánh vào năm 1610. Do đó, cách nhanh chóng, tòa giải tội đã được chấp nhận bởi các nước khác, trong đó có Pháp, sau các công đồng Aix-en-Provence (1585) và Toulouse (1590). Tòa giải tội này đảm bảo sự ẩn danh giữa linh mục giải tội và hối nhân, và cho phép sự kín đáo của việc trao đổi. Khoảng thế kỷ XVII và XVIII, nó được trang trí cẩn thận và trở thành nơi xưng tội hầu như duy nhất trong đạo Công giáo.

Các tòa giải tội kín ngày càng ít được sử dụng

Từ công đồng Vatican II, các tòa giải tội dưới hình thức phòng nhỏ kín càng ngày càng được ít sử dụng hơn cho dù chúng vẫn còn được dùng. Việc xưng tội diện đối diện được khuyến khích nhiều hơn. Tuy nhiên, một sách ngăn cách giữa hối nhân và cha giải tội vẫn có thể được duy trì để bảo vệ sự ẩn danh. Một sự ngăn cách đơn giản, nhẹ nhàng hơn, do đó thay thế các tòa giải tội lớn xưa. Quả thật, điều quan trọng là người tín hữu có thể chọn hình thức xưng tội để có thể lãnh nhận bí tích Hòa Giải trong những điều kiện tốt.

Tý Linh
Chuyển ngữ từ: Aleteia
Nguồn: xuanbichvietnam.net (04.11.2022)
(WHĐ)

LỜI & ĐẤT HỨA: CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C - TỔNG QUAN 12 DẤU ẤN CỦA CHÚA GIÊSU TẠI NAZARETH