Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN

HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN

Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, csf 
 
1. Đạo lý của người Việt Nam

Đối với người Việt Nam chúng ta, việc tôn kính ông bà tổ tiên rất được đề cao. Đề cao đến độ mà việc tôn kính đã trở thành đạo lý, lẽ sống: đạo ông bà, đạo hiếu, đạo thờ cúng tổ tiên.

Để đánh giá một người nào, người Việt chúng ta thường dựa vào cách đối xử của người đó với ông bà, cha mẹ. Thậm chí người ta còn coi việc báo hiếu trọng hơn việc đi tu:

Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cho kính mẹ ấy là chân tu.

Người Việt Nam tôn kính tổ tiên vì 2 lý do chính:
  • Đạo lý uống nước nhớ nguồn: Chim có tổ, suối có nguồn, cây có cội, con người cũng có tổ tiên. Chúng ta biết ơn đấng sinh thành và dưỡng dục chúng ta.
  • Đạo lý gia tộc: Vì huyết thống, xin tổ tiên phù trợ chúng ta. Đối với người Việt Nam, chết không phải là hết, nhưng người chết vẫn còn quanh quẩn bên người sống để che chở cho con cháu. Bởi đó, người Việt Nam thường khấn xin tổ tiên ông bà phù hộ cho con cháu. Và khi chết người Việt Nam lại về với ông bà, tổ tiên.
Chúng ta nhớ ơn các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì các ngài đã sinh ra, dưỡng nuôi và giáo dục chúng ta nên người. Đối với người Việt Nam chúng ta, đây là công ơn lớn lao nhất mà chúng ta không thể nào quên được, vì:

Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.

Trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, có một người đã hỏi một nhà truyền giáo rằng: cha mẹ tôi đã chết và trước đây họ không theo đạo; như vậy, họ có được vào thiên đàng không? Nhà truyền giáo trả lời là không được (vì trước đây, Giáo hội chúng ta quan niệm rằng chỉ những ai rửa tội mới được vào thiên đàng). Người này đã nói với nhà truyền giáo rằng vậy tôi cũng không thể vào đạo được, vì nếu vào đạo tôi sẽ được hưởng hạnh phúc ở trên thiên đàng, còn cha mẹ tôi lại phải chịu đày đọa trong hỏa ngục. Như vậy, làm sao tôi có thể hưởng hạnh phúc trong khi cha mẹ thì phải đau khổ trầm luân…

Việc tôn kính tổ tiên vừa có tính cách gia đình, vừa có tính cách xã hội. Trong các gia đình, việc tôn kính tổ tiên được thực hành vào những dịp lễ như đám tang, lễ giỗ, lễ cưới, Tết Nguyên đán, và trong những dịp lễ khác. Trong những dịp lễ này, người trưởng trong gia đình thường đốt nhang để báo cáo với tổ tiên và xin tổ tiên phù hộ. Nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, khi tất cả con cháu tụ họp về đông đủ. Sau khi cúng trời đất là nghi thức dâng hoa, dâng qủa, dâng nhang đèn cho tổ tiên, ông bà đã khuất và chúc thọ cho ông bà cha mẹ còn sống. Việc tôn kính này còn mở rộng ra ngoài xã hội: nhớ ơn những người có công dựng nước và giữ nước.

Việc tôn kính tổ tiên sẽ giúp cho con cái luôn sống thảo hiếu với cha mẹ, tạo ra được sự liên kết trong gia đình. Đối với xã hội, Tôn kính tổ tiên là cách tốt nhất để tạo sự hòa hợp dân tộc, củng cố lòng yêu nước thương nòi, vì nó nhắc nhở mọi người về một nguồn gốc chung, cùng một giống nòi, dù khác biệt về tôn giáo, chính kiến hay vị trí xã hội. 
 
2. Giáo hội Công giáo và việc thờ cúng tổ tiên

Một số nhà truyền giáo trước đây không hiểu rõ việc thờ cúng này, coi đây như là một hình thức của lòng tin tôn giáo, nên đã tạo ra sự cấm đoán. Hậu qủa là công việc truyền giáo ở Việt Nam đã không phát triển mạnh được. Và ngày nay, nó còn là một khó khăn rất lớn trong mục vụ và là một thách đố thực sự trong việc loan báo Tin mừng.

Việc cấm thờ cúng Tổ Tiên đã làm cho người Công giáo bị coi như những kẻ xa lạ trong chính đất nước của mình và đây cũng là lý do chính để các Vua Chúa thời Nguyễn bách hại đạo chúng ta. Ngày nay, còn rất nhiều người ngoài Công giáo vẫn cho rằng người Công giáo bỏ ông bà, tổ tiên, không khói hương, không nhang đèn:

Lấy người Công giáo làm chi?
Chết thì ai cúng? Giỗ thì ai lo?
Lấy ai săn sóc mả mồ?
Lấy ai lo lắng bàn thờ Tổ Tiên?

Cũng vì nghĩ như vậy mà nhiều người không muốn theo đạo. Chúng ta phải làm sao để xua tan đi sự hiểu lầm này?

Thực ra người Công giáo vẫn kính nhớ ông bà tổ tiên, nhưng với cách thức khác người ngoài Công giáo. Giáo hội Công giáo có những ngày dành riêng để kính nhớ ông bà tổ tiên cũng như những người đã ly trần, và dành trọn tháng 11 để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Trong tháng này, người Công giáo đi viếng đất thánh; đọc kinh cầu nguyện; cắm hoa, hương nơi phần mộ những người thân yêu. Trong các thánh lễ an táng, lễ giỗ, lễ các đẳng, v. v. , có các lời nguyện đặc biệt chỉ cho người qua đời. Người Công giáo Việt Nam dành đặc biệt ngày mùng 2 Tết để kính nhớ tổ tiên: viếng, sửa sang phần mộ, cắm hoa-hương và tham dự thánh lễ cầu cho ông bà tổ tiên. Đối với những người kết hôn, ngoài nghi thức ở Nhà thờ, đôi tân hôn luôn có thêm nghi thức gia tiên để cảm tạ Thiên Chúa và tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành.

Người Công giáo biểu lộ niềm tin vào Ðức Kitô, Ðấng đã phục sinh từ cõi chết, Ðấng sẽ cho ông bà tổ tiên và những người đã qua đời cũng được phục sinh như Người và được hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng ta cũng nhớ đến các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vì các ngài đã có công đón nhận đức tin, sống đức tin một cách mãnh liệt và truyền lại cho ta. Các ngài đã đi mở đường rồi khai phá và xây dựng vùng đất này để ngày nay chúng ta có được nơi sinh sống, làm ăn và thờ phượng Chúa. Người tín hữu còn biết ơn biết bao vị thánh đã ra đi trước, đã làm đẹp lòng Chúa và đã được tôn vinh trên bàn thờ, trên trời.

Dĩ nhiên, việc thờ cúng tổ tiên có một số điều không phù hợp với đức tin Công giáo, như dâng cúng đồ ăn, tiền, đồ dùng cho người qúa cố. Đây cũng là cách báo hiếu, vì nghĩ rằng người chết vẫn còn ăn uống và sử dụng đồ đạc như người sống. Nhưng người Công giáo tin rằng người chết thì không còn ăn uống được nữa. Từ năm 1964, HĐGMVN đã cho phép thi hành một số hình thức tôn kính dành riêng cho ông bà tổ tiên, vừa loại bỏ điều gì xem ra như là mê tín dị đoan. Theo đó, người Công giáo có thể có những bàn thờ tổ tiên trong gia đình; và trên bàn thờ này người ta có thể trưng những hình ảnh hay bài vị của tổ tiên; và trước những hình ảnh và bài vị nầy, người ta có thể dâng hương và cúi mình tôn kính. Nhưng ngày nay, nhiều người Công giáo vẫn coi việc tôn tính tổ tiên như một điều cấm kỵ hoặc chỉ tôn kính cho có hình thức.

Việc tôn kính tổ tiên không chỉ là bổn phận tự nhiên, mà còn là đòi hỏi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đòi buộc chúng ta: “Phải thảo kính cha mẹ”, và trong sách Xuất hành, Thiên Chúa còn ban luật rõ: “Kẻ nào đánh đập hoặc nguyền rủa cha mẹ mình, kẻ ấy tất phải chết”, “Hãy tôn kính cha mẹ để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. ” (Xh 20, 12; 21. 15,17). Chúa Giêsu dạy: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15, 4). Thánh Phaolô cũng khuyên bảo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).

Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người. ” (LG 17, 1) Thư chung của HĐGMVN đã định nghĩa Hội nhập văn hóa “là tìm ra những điểm gặp gỡ giữa Tin mừng và hồn dân tộc, để xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin ngày càng phù hợp hơn với nền văn hóa dân tộc. ” (Thư chung 1998, số 13) Các Giám mục Việt Nam đã giải thích rõ hơn về mối quan hệ giữa Tin mừng và văn hóa Việt Nam và khuyến khích người Công giáo Việt Nam đem những giá trị của Tin mừng làm phong phú và thăng tiến những giá trị của văn hóa Việt Nam: “Yêu thương và hiệp nhất là đặc điểm của Tin mừng Chúa Giêsu Kitô và cũng là điểm gặp gỡ sâu xa nhất giữa Tin mừng và văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa vốn lấy nghĩa đồng bào và đạo hiếu trung làm nền tảng cho đạo đức xã hội. ” (Thư chung 1998, số 5). Qua bản góp ý của HĐGMVN gởi cho Thượng Hội đồng Giám mục Châu Á, các Giám mục Việt Nam đã nhận định: “Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, người Việt Nam là một mảnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin mừng… Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ Trung, chữ Hiếu và chữ Nhân rất gần với tinh thần của Kitô giáo: trung với Chúa, hiếu thảo với ông bà cha mẹ tổ tiên và nhân ái với mọi người. ” “Muốn thế, một đàng chúng ta phải đào sâu Thánh kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của Đức tin, đàng khác phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước, để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc. Rồi từ đó, chúng ta tận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hóa mà xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả Đức tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên Quê hương và trong cộng đồng Hội thánh này. ” (Thư chung 1980, số 11) 
 
3. Sự liên kết chặt chẽ giữa đức tin Công giáo và việc tôn kính tổ tiên.

Tại Việt Nam nói riêng và các dân tộc Á Đông nói chung, việc hiếu thảo với cha mẹ và tổ tiên là một bổn phận hết sức quan trọng. Do đó, trong việc hội nhập văn hóa, chúng ta cần chú trọng đến yếu tố văn hóa hết sức nền tảng này. Trong quá khứ, việc tôn kính tổ tiên được coi như là một hình thức của lòng tin tôn giáo, nên bị cấm[1]. Xét cho cùng, việc tôn kính ông bà tổ tiên chỉ có tính cách văn hóa và luân lý trong đời sống xã hội và gia đình, chứ không có tính cách tôn giáo. Trong việc hội nhập văn hóa, chúng ta cần chú trọng đến yếu tố văn hóa hết sức nền tảng này, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến việc loan báo Tin mừng.

Người Á Châu có một cái nhìn tổng hợp và hài hòa về mọi thực tại. Nếu một tôn giáo nào không thích hợp với sự hài hòa này, nó sẽ bị tẩy chay. Tam giáo được chấp nhận ở Việt Nam vì họ đã biết tùy duyên hóa độ. Đặc biệt họ đã tiếp nhận việc tôn kính tổ tiên- tín ngưỡng nền tảng của dân tộc, rồi làm vững mạnh và phong phú nó. Do đó, những điều tốt đẹp của các tôn giáo này đã thấm nhuần vào nền văn hóa Việt Nam, trở thành hồn dân tộc.

Có nhiều điểm rất gần gũi và rất phù hợp với đức tin Công giáo như mối liên hệ giữa người sống và người chết, linh hồn bất tử, tin ở đời sau, đạo hiếu, đạo lý uống nước nhớ nguồn, cùng chung một nguồn gốc. Đây là những điểm gặp gỡ giữa Tin mừng và hồn dân tộc, giúp chúng ta xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin ngày càng phù hợp hơn với nền văn hóa dân tộc:

- Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa từ chính ông bà tổ tiên chúng ta:

Thật vậy, chúng ta có thể rao giảng về một Thiên Chúa, là chính Tổ Tiên của cả nhân loại, nguồn mọi tình phụ tử, “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 14). Thiên Chúa đã sinh ra con người, ngài là Cha đầy lòng nhân ái, Ngài yêu thương, quan phòng và dưỡng nuôi chúng ta: “Cho dù người mẹ có quên con mình, thì Ta, Ta sẽ chẳng bao giờ quên ngươi” (Is 49, 15). Điều này đã được công đồng Vatican II quả quyết: “Mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên mặt địa cầu (x. Cv 17,26). Thiên Chúa muốn tập họp nhân loại vào một gia đình chung, trong đó mọi người đối xử với nhau như anh chị em. Do đó, mọi người cũng phải có bổn phận hiếu thảo với Cha trên trời. Trong bản góp ý của HĐGMVN gởi cho Thượng Hội đồng Giám mục Châu Á, các Giám mục Việt Nam đã đề nghị giới thiệu Giáo hội như một gia đình của Thiên Chúa, trong đó Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em với nhau nhờ được liên kết với Người: ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, người ấy là anh chị em của Chúa Kitô (x. Mt 12, 50). Chúa Giêsu cũng khẳng định mọi người chỉ có một Cha trên trời (x. Mt 23, 9). Và Người nói với các môn đệ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em. ” (Ga 20, 17) Người đã vâng lời Cha trên trời cho đến chết và hiếu thảo với cha mẹ trần thế, hằng vâng phục các ngài (x. Lc 2, 51). Cũng chính vì thế, một khuôn mặt Chúa Kitô hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11, 29), phản ánh một người Cha nhân hậu (x. Lc 6, 36), Đấng muốn qui tụ mọi người trong đại gia đình nhân loại mới, trong đó mọi người hiếu với Cha, yêu thương hòa hợp với anh em, dễ thu hút tâm hồn Châu Á.

- Về việc hiếu thảo với cha mẹ:

Người Công giáo còn phải hiếu thảo với cha mẹ vì Thiên Chúa là Cha chúng ta đã dậy như thế (giới răn thứ 4). Trong nền văn hóa toàn cầu ngày nay, nền tảng gia đình đang bị lung lay, Giáo hội cần đặc biệt bảo vệ và phát triển đạo hiếu, vì đó là một trong những yếu tố củng cố nền móng gia đình một cách hữu hiệu.

- Về mối liên hệ giữa người sống và người chết, sự sống ở kiếp sau, linh hồn bất tử: Người Việt Nam tin rằng chết không phải là hết, mà sinh thì (sống thật), sinh ký tử qui, người chết vẫn còn lảng vảng bên con cháu. Dựa vào niềm tin này, chúng ta có thể nói cho người ngoại giáo về tín điều các thánh thông công, sự sống đời đời…

Đó chính là những “hạt giống của Lời,” ánh sáng chân lý, được Thiên Chúa chuẩn bị cho người Việt Nam để đón nhận Tin mừng. Do đó, chúng ta cần lành mạnh hóa những điều tốt đẹp trong nghi lễ Tôn kính Tổ tiên này, nâng cao và kiện toàn chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Nhờ đó, Tin mừng mới dễ dàng đi vào lòng người hơn.

Chúng ta cần khuyến khích và cổ vũ cho việc tôn kính tổ tiên để có cùng một tâm tình với đồng bào của chúng ta và để tạo ra sự gần gũi, ruột thịt như nền văn hóa Việt Nam đã nhắc nhở chúng ta cùng chung một bào thai (đồng bào). Chúng ta cần gạn đục khơi trong, bài trừ những gì là mê tín dị đoan và thăng tiến những cái tốt, cái hay, cái đẹp trong nền văn hóa Việt Nam.

Việc tôn kính tổ tiên theo văn hóa Việt Nam được thực hành trong các gia đình vào những dịp lễ như đám tang, lễ giỗ, lễ cưới, Tết Nguyên đán, … Vì vậy, mỗi gia đình Công giáo nên có một bàn thờ tổ tiên, được đặt bên dưới bàn thờ Chúa, để nhắc nhở con cháu về đạo lý làm người, con cái thảo hiếu với cha mẹ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Trong những dịp lễ giỗ, những người Công giáo nên mời bạn bè, láng giềng, những người thuộc các tôn giáo khác đến để cùng cầu nguyện cho ông bà tổ tiên và chia sẻ bữa cơm thân mật. Việc hội nhập văn hóa liên quan đến thờ cúng tổ tiên trong những dịp lễ như Tết Nguyên Đán, giỗ tổ Hùng Vương, lễ cưới, lễ an táng, lễ giỗ, … cần được nghiên cứu và áp dụng trong gia đình và trong cả nhà thờ, để tạo ra sự gần gũi hơn với những người ngoài Công giáo. Đây cũng là những dịp tốt để người Công giáo loan báo Tin mừng, vì trong những dịp lễ này những người ngoài Công giáo thường đến chia sẻ với chúng ta niềm vui cũng như nỗi buồn.

Việc tôn kính tổ tiên vừa là bổn phận của chúng ta, vừa là cách để chúng ta giới thiệu về đạo chúng ta cho những người ngoại. Vì việc tôn kính tổ tiên sẽ giúp chúng ta dễ gần gũi, dễ hòa đồng với những người bên lương và qua đó, chúng ta có thể giới thiệu với họ một vị Thiên Chúa là Cha, đầy lòng thương xót, là tổ tiên của cả nhân loại. Tôn kính tổ tiên là cách tốt nhất để tạo sự hòa hợp dân tộc, củng cố lòng yêu nước thương nòi, vì nó nhắc nhở mọi người về một nguồn gốc chung, cùng một giống nòi, dù khác biệt về tôn giáo, chính kiến hay vị trí xã hội.

[1] Một cuộc tranh luận Thần Học đã xảy ra trong thế kỷ thứ 17 và tiếp diễn trong hơn 150 năm sau đó liên quan đến Khổng Giáo và vấn đề thờ cúng tổ tiên; vốn đã là một văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Theo như Linh Mục Mã Lợi Đậu (Matteo Ricci SJ) và các Thừa sai Tu Sĩ Dòng Tên, thì tục lệ thờ cúng tổ tiên chỉ là một tập quán văn hóa dân gian này để bày tỏ lòng tưởng nhớ các linh hồn tiên nhân và người tín hữu Thiên Chúa Giáo đã có thể tiếp tục thực hành ngay cả sau khi họ đã đựơc chịu phép Rửa Tội. Theo như các Tu Sĩ Dòng Đa Minh và Dòng Phanxicô thì đây là hành động thờ phượng ngẫu tượng cần phải cấm. Vào năm 1742; một Đoản Sắc của Đức Giáo Hoàng đã cấm thực hành việc thờ cúng ông bà tổ tiên của người Trung Quốc. Mãi cho đến năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã khẳng định bản chất dân tộc và truyền thống văn hóa dân gian của việc thờ cúng ông bà tổ tiên này và chấp thuận cho phép người tín hữu Công giáo được thực hành tục lệ này.

(WGPSG)

KHI THANH THIẾU NIÊN GẮN BÓ VỚI ĐIỆN THOẠI


 KHI THANH THIẾU NIÊN GẮN BÓ VỚI ĐIỆN THOẠI

Marybeth Hicks

WHĐ (15.11.2022) - Với sức phát triển vượt bậc của công nghệ hiện đại, đối với thanh thiếu niên, điện thoại di động được coi là một vật bất khả phân ly, là cứu cánh không thể thương lượng. Câu chuyện dưới đây không còn xa lạ, hy hữu, nếu không muốn nói, rất gần gũi, phổ biến ở bất cứ đâu.

Trong nhiều năm, hai vợ chồng tôi mong mỏi có cháu để bồng ẵm hầu bớt thấy quạnh hiu sau khi nghỉ hưu. Và thật hạnh phúc, khi chúng tôi có 3 đứa cháu ngoại! Con gái tôi lần lượt gửi các cháu để chúng tôi chăm sóc ngay từ khi các cháu còn rất nhỏ. Đối với chúng tôi, đó thực sự là khoảng thời gian hết sức tuyệt vời. Chúng tôi hầu như dành hết thời gian để chăm sóc lũ trẻ: nấu cho chúng ăn, đọc sách cho chúng nghe, đưa chúng đến thư viện, và tận hưởng những buổi vui chơi tại công viên. Theo dòng thời gian, các cháu bây giờ 11, 14 và 17 tuổi, tôi cảm thấy chúng tôi đã xây dựng được mối tương quan rất thân thiết với các cháu.

Nhưng rồi, mọi sự thay đổi nhanh đến độ ngỡ ngàng, khi con gái và con rể của chúng tôi quyết định cho bọn trẻ dùng điện thoại di động, và thực, tôi không hề nói sai: toàn bộ tính cách của chúng đã thay đổi!

Bọn trẻ hoàn toàn không còn hứng thú với việc dành thời gian cho chúng tôi vì chúng luôn cắm mặt vào điện thoại thông minh của mình hầu như 100% thời gian. Ngay cả khi chúng tôi đề nghị đưa chúng đến nhà hàng chúng vốn yêu thích, hoặc dự một sự kiện thể thao trong thành phố. Thật là tổn thương khi chúng tôi dành cả buổi chiều với chúng mà không có được bất kỳ cuộc trò chuyện có ý nghĩa nào, vì chúng thực sự phớt lờ chúng tôi và chỉ dán mắt vào điện thoại!

Tôi đã nói chuyện với con gái và con rể của chúng tôi về điều này kể cả cảm giác bị tổn thương khi bọn trẻ không chú ý đến chúng tôi nhưng điều tồi tệ hơn, đó là cả hai không muốn giải quyết vấn đề này. Thật thế, con gái tôi đưa ra câu trả lời rằng: "Đây là những gì trẻ em ngày nay thấy thích thú, và bố mẹ cũng cần ngừng làm mọi thứ thuộc về cảm xúc của bố mẹ". Sau một thời gian, vì cảm thấy không thể khiến các cháu lưu tâm đến tình yêu thương mà chúng tôi dành cho chúng, chúng tôi đã nghĩ đến việc làm ngơ, không bận tâm tới chúng nữa. Dù thế, điều tôi lo lắng nhất là bọn trẻ đang bỏ lỡ khoảng thời gian đặc biệt với ông bà của chúng!

Trong trường hợp này, một chuyên viên tâm lý đã chia sẻ những trải nghiệm như sau.

Trước hết, mặc dù nhận xét của cha mẹ bọn trẻ của là đúng - ngày nay điện thoại thông minh là thứ mà bọn trẻ yêu thích - nhưng điều đó không có nghĩa là chúng được phép phớt lờ hoặc cư xử thô lỗ với ông bà.

Vấn đề nghiêm trọng ở đây là người mẹ không nghĩ rằng cảm xúc của người bà về tình huống này là quan trọng. Cô ấy đang tạo điều kiện cho các con của mình trở nên chai sạn khi không dạy chúng cân nhắc đến cảm xúc của người khác. Thay vào đó, cô ấy cho phép bọn trẻ cư xử một cách ích kỷ khi chỉ biết quan tâm đến sở thích chú tâm đến điện thoại của mình. Trẻ em không đột nhiên dời mắt khỏi điện thoại và bắt đầu cư xử chu đáo với người lớn tuổi một cách kỳ diệu! Cách cư xử tốt được dạy bằng việc yêu cầu chúng chú ý đến người khác và cảm nhận cảm xúc của những người xung quanh. Ở đây, không phải là lỗi của bọn trẻ mà là lỗi của cha mẹ chúng vì đã không dạy chúng cách cư xử đúng đắn.


Tuy nhiên, có những điều mà ông bà có thể làm để khơi lại mối tương quan với các cháu của mình trong giai đoạn tuổi thiếu niên rất quan trọng này:

1. Tìm hiểu một chút về văn hóa đại chúng.

Chúng ta cần quan tâm và dành thời gian để tìm hiểu một chút về đội thể thao, nhạc sĩ, hoặc phim yêu thích của chúng. Một số ông bà mắc sai lầm khi tập trung cuộc trò chuyện với trẻ vào “những ngày xưa tươi đẹp” hơn là cập nhật những điều mà bọn trẻ quan tâm. Hãy nhờ các cháu kiếm trang web về thánh ca, về chương trình sống đạo, hoặc về ẩm thực mà bạn có thể thích. Điều này sẽ cung cấp cho bạn điều gì đó để nói về điều đó sẽ khiến trẻ thích thú.

2. Gặp gỡ những đứa trẻ trên sân chơi của chúng.

Chúng ta chẳng bao giờ là quá già để sử dụng công nghệ mới nhất. Nếu có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, chúng ta có thể cân nhắc việc tạo tài khoản mạng xã hội hầu có một nền tảng chung để chia sẻ với các cháu của mình. Bạn không biết cách thiết lập Facebook, Twitter? Hãy nhờ các cháu ở tuổi thiếu niên giúp đỡ bạn!

3. Giữ khiếu hài hước.

Thay vì nhắc bọn trẻ về việc chúng chúi đầu vào điện thoại, hãy gửi một tin nhắn cho chúng với nội dung: “Này, các chàng trai/ cô gái dễ thương! Có muốn một bữa gà rán không?” hoặc có thể khơi mào trò chơi: “Nào, chúng ta chơi trò chơi đố vui giáo lý nhá!” hoặc “Chúng ta cùng thử hát Thánh ca với nhau xem có thuộc không?”,… Những biểu tượng cảm xúc vui nhộn cũng có nhiều khả năng thúc đẩy trẻ hướng tới cuộc trò chuyện với bạn hơn là cảm xúc bị tổn thương.

Tuổi thiếu niên là khoảng thời gian bất an khi trẻ bước vào hành trình khám phá bản thân cách rõ nét và mạnh mẽ hơn. Những đứa trẻ đang nỗ lực để khẳng định cá tính của mình, để hòa nhập và để được nhìn nhận, đồng thời cố gắng vượt qua ranh giới giữa sự tự lập và việc phụ thuộc vào cha mẹ. Hiểu được như thế, bạn hãy kiên nhẫn lắng nghe và cố gắng đồng cảm với quan điểm của trẻ ngay cả khi bạn không hoàn toàn đồng ý với những quan điểm ấy để xây dựng tình bạn với chúng. Bạn chỉ có thể phát hiện ra rằng bọn trẻ háo hức tận hưởng thời gian ở bên bạn theo những cách chúng cảm thấy trưởng thành hơn và bổ ích cho đôi bên.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người cũng đã trải qua lứa tuổi thanh thiếu niên, với những thách đố nhất định, chắc chắn Người luôn thấu hiểu những thay đổi về tính cách của trẻ và cảm xúc của chúng ta khi trải nghiệm những đứa cháu của mình không còn gần gũi với mình để thay vào đó là gắn bó với chiếc điện thoại.

Do đó, hãy dâng tất cả cho Người và nhắc mình rằng: Tình yêu thương và sự động viên của ông bà có thể là nguồn sức mạnh và sự hỗ trợ hữu hiệu cho trẻ trong khoảng thời gian phát triển quan trọng này. Vì vậy, đừng từ bỏ cháu của bạn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: catholicdigest.com
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 16.11.2022


Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C. KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 13.11.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

NHẬT KÝ TÌNH YÊU

NHẬT KÝ TÌNH YÊU

TGPSG - Khi chia tay người bạn gái đã hò hẹn hơn bốn năm trời, anh buồn sầu, chán chường nên hay la cà quán xá sau giờ làm. Hôm nào rủ được bạn nhậu thì anh say bí tỉ tới tận khuya. Còn không thì anh ẩn mình ở những quán café trong các con hẻm tĩnh lặng. Ở những nơi đó, anh gặm nhấm nỗi cô đơn trong khói thuốc lá mờ ảo, men bia nồng hay ngụm cafe đắng.

Cũng có khi, anh trút bầu tâm sự qua những dòng ‘tus’ (trạng thái) đầy bế tắc về cuộc sống trên mạng xã hội facebook, zalo. Trong những dòng bình luận của bạn bè dưới các ‘tus’, anh bắt gặp lời hỏi han của người bạn cũ: “Sao thế?”, “Dạo này khỏe không?”, “Hôm nào hẹn hò café chứ?”…

Kể ra anh đã không gặp lại người bạn cũ này hơn 6-7 năm rồi. Hồi đó, khi còn năm nhất đại học, anh và người ấy cùng tham gia một hội nhóm và có ca trực chung với nhau trong suốt hai năm đầu. Bước qua năm thứ ba, do lịch học thay đổi vì khác chuyên ngành, nên cả hai chưa hề gặp lại nhau lần nào.

Khoảng thời gian lúc mới ra trường, anh đang tìm hiểu đời sống dâng hiến nên chỉ sinh hoạt trong cộng đoàn và không liên lạc với bạn bè bên ngoài. Anh và người bạn ấy cũng vậy, chẳng có dịp thăm hỏi nhau.

Thoáng chốc đã 4-5 năm trôi qua. Anh không còn đi theo con đường dâng hiến, trở lại cuộc sống bình thường, đi làm công sở, đã biết yêu và khổ sở vì yêu.

Giờ đây đang trong tâm trạng buồn bã, cô đơn, anh gởi tin nhắn cho người bạn ấy để hàn huyên tâm sự. Đôi bạn hỏi thăm về cuộc sống, công việc, sức khỏe của nhau, rồi nói chuyện phiếm, hẹn nhau đi uống nước khi có dịp. Hẹn cho vui ấy mà, chứ anh đang ở Sài Gòn, còn chị ở tận Phú Chánh, Bình Dương, cách nhau gần trăm cây số.

“Hay mình tìm hiểu nhau đi, nếu hợp thì đến với nhau và cưới luôn!”, anh nhận được lời đề nghị của người bạn cũ như thế sau vài tháng nhắn tin trò chuyện. Tuy thời điểm này cả hai vẫn chưa gặp nhau, nhưng anh tin cả hai đã sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc về sau.

Anh nhớ đã đáp lại lời đề nghị ấy thế này: “Nếu đến với tui thì bên đó phải theo đạo, tui không lấy vợ ngoài Công giáo được”. Anh còn khẳng định: “Nếu đồng ý theo tui là phải tìm hiểu đạo để sau này còn giữ và sống đạo, chứ không phải đồng ý để đủ điều kiện cưới hỏi”. Rồi sau đó, anh giải thích một số luân lý và những ràng buộc của Hôn nhân Công giáo để người bạn ấy hiểu và cân nhắc khi yêu anh. Thật bất ngờ, người bạn ấy đã đồng ý không một chút ngần ngại, chần chừ. Anh vẫn biết yêu người khác tôn giáo sẽ có những thử thách, rào cản nhất định nhưng anh phải nói ra những quy định của mình ngay lần đầu vì anh luôn tự hào mình là người Công giáo.

Vậy đấy, hai anh chị đã bắt đầu mối tơ duyên qua những dòng tin nhắn và họ đang lên kế hoạch cho việc gặp gỡ trực tiếp cách thường xuyên để hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, thời gian này, chị tự ti vì khuôn mặt hốc hác, người mảnh khảnh vì làm việc nhiều nên cần thời gian ‘tút lại nhan sắc’ rồi mới tự tin gặp anh. Hai tháng sau, anh chị gặp nhau lần đầu tiên sau bằng ấy năm xa cách. Trong lần gặp đầu tiên ấy, chị đồng ý về quê để thăm và ra mắt gia đình anh. Họ nhận được sự ủng hộ từ gia đình anh sau chuyến thăm quê.

Sau ngày ấy, anh đưa chị đi nhà thờ gần khu vực chị sinh sống và đăng ký khóa học Giáo lý Dự tòng và Hôn nhân. Mỗi cuối tuần, anh từ Sài Gòn về Phú Chánh để đưa chị đi dự lễ Chúa nhật và cùng học Giáo lý. Dù đường xa, mưa hay nắng, anh cũng rất vui vì được đồng hành với chị trên con đường tìm hiểu Đức Tin. Mùa Giáng Sinh đầu tiên bên nhau, chị tham gia vào nhóm diễn nguyện Noel với các bạn trong lớp Dự tòng và Hôn nhân trước lễ Giáng Sinh, anh xách máy ảnh theo để chụp những khoảnh khắc ý nghĩa này.

Và khi Tết đến, anh theo chị về quê đón tết và để ‘ra mắt’ gia đình. Chị dọa anh: “Cái ải bố vợ tương lai hơi khó qua đó nha”. Anh chẳng e ngại về thái độ, tác phong hay lời ăn tiếng nói của bản thân, nhưng lại lo lắng về việc xin cho chị theo đạo của anh. Phúc đức thay, bố vợ tương lai rất dễ mến và hiểu chuyện. Khi gặp nhau, ông khơi gợi việc theo đạo để cho hai anh chị tự nhiên và thoải mái. Ông nói: ‘việc lấy chồng thì theo chồng, hai bác không cấm cản, chỉ cần tụi con thương nhau, đùm bọc che chở nhau”.

Vậy là chỉ khoảng 6 tháng chính thức hẹn hò, anh chị đã nhận được sự ủng hộ từ hai bên gia đình.

Sau cái Tết năm đó, chị lãnh nhận Bí tích Rửa tội - trở thành con cái Thiên Chúa. Anh chị tính đến chuyện tổ chức đám cưới.

Trong suốt thời gian quen nhau, anh luôn luôn noi gương giữ đạo để cho chị theo. Anh giải thích cho chị hiểu thêm về giáo lý, về đời sống luân lý, về thánh lễ và các Bí tích. Những thắc mắc nào anh chưa hiểu, anh tham vấn các linh mục, tu sĩ để hiểu rõ hơn trước khi cho chị biết. Anh cũng nhắc nhớ chị các ngày lễ trọng cần giữ, và cố gắng sắp xếp thời gian đưa chị đi lễ và tham gia các sinh hoạt tôn giáo khác.

Sau hơn một năm rưỡi quen nhau, họ nên duyên vợ chồng. Từ hai người con của hai gia đình, họ trở thành hai người đồng chủ gia đình, cùng nhau ý thức được vai trò cũng như sứ mệnh của mình và của nhau. Vào bữa cơm chiều, chồng đợi vợ đi làm về cùng ăn hay những ngày cuối tuần, hai vợ chồng cùng nấu nướng, ăn uống, đưa nhau đến giáo đường dự lễ, rồi kiếm một không gian nào đó để cùng vui hưởng giây phút bên nhau. Họ đón nhận hoa trái của tình yêu là một bé trai kháu khỉnh với bằng cả tình thương và con tim.

Tuy nhiên, cũng như bao gia đình khác, anh chị cũng đôi lần xung đột, mâu thuẫn. Đời sống hôn nhân là hành trình trọn đời, và mỗi giai đoạn của cuộc sống về sau sẽ càng nhiều khó khăn, trở ngại hơn. Anh và chị đều ý thức được sự mỏng dòn của con người, sự bất đồng của tư tưởng và sự dữ dằn của bão tố cuộc đời sẽ có lúc khiến cho đôi chân họ chùn, đôi vai họ mỏi. Nhưng cả hai vợ chồng đều tin rằng, tình yêu cùng với sự hy sinh bao la theo gương Tình yêu Giêsu chính là động lực cho họ có thể biến khó khăn thành sức mạnh, có thể sống yêu thương nhau tột cùng hơn.

Paul Hữu Nghĩa (TGPSG
(WGPSG) 

Ý NGHĨA HUY HIỆU CỦA ĐỨC CHA TÂN CỬ GIUSE BÙI CÔNG TRÁC

Ý NGHĨA HUY HIỆU CỦA ĐỨC CHA TÂN CỬ 
GIUSE BÙI CÔNG TRÁC

Khẩu hiệu giám mục là: “Christus vivit – Chúa Kitô đang sống”. Lời nói ấy vừa là lời tuyên xưng niềm tin, vừa là lời mở ra cho hành trình sứ vụ.

- Là lời tuyên xưng niềm tin, vì “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1, 12), và xác tín rằng: Đức Giêsu Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta (x. 1Cr 5, 7), là Đấng ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20).

- Là lời mở ra cho hành trình sứ vụ, vì “Tôi sẽ không ngớt nói về Đức Giêsu Kitô, là Alpha và Omega - Khởi Nguyên và Tận Cùng… Người là Đấng chúng tôi hằng rao giảng cho anh chị em luôn mãi. Chúng tôi muốn danh Người vang dội đến tận cùng cõi đất và đến muôn muôn đời” (Đức Phaolô VI).

- Hình bông huệ trên huy hiệu, vừa âm thầm nhắc đến vai trò bảo trợ của thánh Cả Giuse vừa nhẹ nhàng nhắc đến mái nhà thân thương Chủng viện.

Được biết, Tòa Tổng Giám mục Tp. Hồ Chí Minh dự kiến thánh lễ phong chức Giám mục sẽ diễn ra vào lúc 08g30 ngày thứ ba, 03 tháng 01 năm 2023 tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận.

(Cập nhật lúc 12h00 ngày 11.11.2022)
(WHĐ)

PHỎNG VẤN ĐỨC CHA TÂN CỬ GIUSE BÙI CÔNG TRÁC

WHĐ (10.11.2022) - Ngày 01 tháng 11 vừa qua, Cha Giuse Bùi Công Trác được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ngài. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

;

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 13.11.2022