Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

NGÀY NHÀ GIÁO: NGÀY CỦA TRI ÂN

NGÀY NHÀ GIÁO: NGÀY CỦA TRI ÂN

TGPSG - “Ngày đầu tiên đi học em vừa đi vừa khóc...” Lời bài hát nhẹ nhàng đi vào lòng người như một kinh nghiệm sống, hay như một ký ức thật đẹp của tuổi thơ nhắc ta lòng biết ơn với những “Người Đưa Đò” đã làm nên con người và cuộc sống của ta cách âm thầm và lặng lẽ qua biết bao năm dưới mái trường...

Ngày đầu tiên đến trường mãi là cái ngày đầy ắp kỷ niệm, là ngày ta bước vào thế giới với những người lạ, là ngày ghi dấu bước chân của một đứa trẻ cho ngàn dấu chân trên đường tương lai.
  • Có đi học hay không? Ba cầm cái roi tre, hét lên.
  • Không, con không đi học đâu! hu...hu...hu...
  • Không đi cũng phải đi! - Má ôm Nó vào lòng - Ngoan đi học đi, mai mốt lớn mới làm người tốt được. Đi học đi, Sơ ở trường tốt lắm sẽ dạy con nhiều điều hay lắm, có các bạn chơi chung vui lắm.
Nó phụng phịu, lên xe. Ba chở Nó đến trường. Ba dắt Nó vào trường gặp Sơ Hiệu Trưởng. Sơ hỏi Nó tên gì, rồi cầm lấy tay Nó. Nó giật mạnh ra khỏi tay của Sơ và bám chặt vào chân Ba không chịu vào lớp học. Ba bế Nó lên trao cho Sơ dạy học, Nó khóc thét lên vùng vẫy:
  •  Con không đi học đâu
  •  Ngoan nào chiều Sơ cho về sớm - Sơ ôm chặt lấy Nó vỗ về.
Nó vẫn khóc, và Ba thì đi về mất rồi!

Sơ vẫn ôm Nó dỗ dành: Thôi đừng khóc nữa, cho bé con gấu bông nè! Sơ đưa cho nó con gấu bông màu hồng, Nó ôm lấy và vẫn khóc...
  • Nhớ mẹ đúng không? Học giỏi mai mốt làm Bác sĩ nha. Giọng nói của Sơ ấm áp quá giống giọng nói của Má, Nó dần hết khóc,
Thấy Nó hết khóc Sơ cho nó ngồi lên cái ghế nhỏ và Sơ lại đon đả ra đón bạn khác, và rồi hình như ai cũng khóc. Không thấy Sơ để ý đến, Nó đi về phía sau và bắt đầu tự nhủ; Đi về nhà thôi, ra khỏi cổng trường rồi đi về phía nào được nhỉ? Thôi cứ đi thẳng chắc về tới nhà. Lúc nãy ba chở đi, nó nhớ là đi ngang qua Nhà thờ nè. Đi được một đoạn đường. Ơ tới Nhà thờ rồi nhưng bây giờ mỏi chân rồi mình sẽ ngồi ghế đá một chút xíu rồi đi về nhà. Với suy nghĩ của một đứa trẻ, Nó vui vẻ bước vào sân Nhà thờ, nơi mà ngày Chúa nhật nào Nó cũng được Má đưa đi lễ, nên với Nó, nhà thờ là nơi quen thuộc và an toàn vì Má nó bảo: “ở Nhà thờ có Chúa”.

Không thấy Nó đâu Sơ vội đi tìm. Tìm khắp trường không thấy Nó đâu
  • Bác có thấy một bé gái mái tóc vàng hoe, mặc bộ áo màu xanh không ạ?
  • Cô có thấy một bé gái mặc bộ áo màu xanh chừng 5 tuổi không ạ?
... ... ...

Sơ vội vàng chạy khắp nơi tìm Nó. Đi ngang qua nhà thờ, Sơ chạy vào đứng trước tượng Chúa chịu nạn, nước mắt lưng tròng,... Và rồi như lấy lại bình tĩnh, Sơ bước ra khuôn viên nhà thờ. Đôi mắt Sơ sáng lên khi nhìn thấy Nó đang ngồi đong đưa trên ghế đá. Đến gần bên, Sơ hỏi:
  • Con đi đâu vậy?
  • Con muốn về nhà... hu ... hu... hu... Nó sợ hãi líu ríu.
Cả một tuần, ngày nào đi học Nó cũng khóc. Ngày nào cũng vậy, Ba đưa Nó đi, bế Nó vào lớp cách dứt khoát và đi về ngay. Còn Nó thì cảm giác bị bỏ rơi bao trùm, Nó sợ hãi khi không có Ba Má bên cạnh, xung quanh Nó toàn người lạ.

Và rồi thời gian lau khô những giọt nước mắt của đứa trẻ, giúp Nó thích nghi với môi trường mới, bắt đầu một cuộc sống mới với những “người lạ”, mà ngày nào cũng ẵm Nó vào lớp, dạy Nó học chữ, cầm tay cho Nó tô màu và viết chữ, dạy cho Nó ăn cơm cách lịch sự và tự lập, tự thay và mặc quần áo và nhất là dạy Nó biết nói chuyện với Chúa. Các Sơ đã dạy cho Nó những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống mà một đứa trẻ như Nó cần biết. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Nó khám phá ra cuộc sống quanh Nó có thật nhiều điều thú vị, có những người thật tốt và cũng có những người bạn dễ thương bên cạnh Nó. Nó mến Sơ giáo nhiều lắm vì Sơ dạy cho Nó thật nhiều điều mới mẻ, nhất là khi tập viết, Sơ cầm tay Nó nắn từng chữ một, những ngày đầu tiên cầm cây bút chì gỗ trong tay có bàn tay của Sơ to hơn cầm lấy bàn tay nhỏ xíu của Nó gạch những nét thẳng đầu tiên trên trang giấy trắng tinh, nhưng khi Sơ vừa buông tay Nó ra một chút thì những nét thẳng trở nên xiêu vẹo và nguệch ngoạc. Sợ bị Sơ la, Nó vội chùi tẩy nhưng với sự vụng về của một đứa trẻ vừa lên 5, làm cho trang giấy trắng trở nên nhàu nát và rách. Sợ hãi trước trang giấy mà Nó vừa làm, nước mắt nó bắt đầu lăn dài và thút thít.

Đang xoay người cầm tay cho bạn bên cạnh nghe tiếng khóc của Nó Sơ quay lại nhìn Nó với trang vở nhàu nát. Đến bên Nó, Sơ nói:
  • Không sao chúng ta sang trang mới nào!
Sơ không la mắng Nó, nhưng nhanh tay lật sang một trang mới và cầm tay Nó tiếp tục viết những nét thẳng mới,

Nó ghì chặt cây bút không chịu viết tiếp,. Sơ lại nhỏ nhẹ:
  • Viết đi con sắp đẹp rồi.
Nó giật cây bút ra khỏi tay của Sơ ném xuống đất khóc thét lên:
  • Con không làm được.... hu...hu...hu...u
Sơ nhặt cây bút lên, cây bút chì bị gãy đầu rồi, Sơ mang cây bút đi chuốt lại và đem đến cho Nó, đặt cây bút vào tay Nó và nói:
  • Con làm được mà cố lên.
Sơ tiếp tục cầm tay Nó cho đến khi Nó viết hết trang giấy đầu tiên. Lần đầu tiên Nó viết xong một trang giấy. Những nét chữ sao dễ thương quá! Nó nở một nụ cười nhìn Sơ với lòng biết ơn, vì chính Sơ đã giúp Nó làm được.

Trưa nay, sau giờ cơm trưa với các bạn, Nó mang chén dơ xuống phía sau, vì Nó ăn xong trễ nhất. Nó nhìn thấy một Sơ lớn tuổi đang rửa chén. Nó thấy thương Sơ ấy lắm. Nó khoanh tay chào:
  • Con chào Sơ Bà.
Sơ mỉm cười thật nhân hậu, như nụ cười của một bà tiên hiền hậu dưới mái tóc trắng như cước của Sơ:
  • Chào bé, đưa cái chén cho Sơ Bà nào
  • Sơ ơi! Sơ rửa chén bao lâu rồi ạ?
  • Sơ đã rửa chén 10 năm rồi
  • Lâu quá là lâu chắc Sơ là siêu nhân rửa chén luôn, Sơ có chán rửa chén không Sơ?
  • Sứ vụ của Sơ làm việc này để cầu nguyện cho các nhà truyền giáo, xin Chúa rửa sạch cuộc đời của Sơ và của từng người Sơ đang phục vụ nữa. - Sơ mỉm cười phúc hậu.
Từ hôm ấy trở đi, Nó có thêm một người bạn mới là Sơ Bà. Những lần ăn xong trễ, Nó lại có dịp được trò chuyện với Bà. Vào hôm ấy, Nó lại ăn cơm xong trễ, khi mang chén dơ xuống. Nó không thấy Sơ Bà đâu, chậu chén dơ vẫn chưa xong mà Sơ đâu mất rồi. Nó giật mình khi thấy Sơ Bà nằm bất động trên nền nhà gần đó. Nó chạy lại lay Sơ: "Sơ ơi, Sơ Bà ơi!" Không thấy sơ trả lời, Nó chạy về phía lớp học, la lên, giọng hốt hoảng: "Sơ giáo ơi, Sơ Bà bị ngã."

Sơ giáo vội chạy về phía sau, và rồi Hú...u...u... Tiếng xe cứu thương xa dần.

***
  • Ba ơi hôm nay không phải Chúa Nhật sao mình đi lễ xa vậy Ba?
  • Sơ Bà chết rồi chúng ta đi lễ an táng của Sơ Bà.
  • Ơ Sơ Bà chết là làm sao? Hở Ba
  • Có nghĩa là chúng ta không được gặp Sơ ấy nữa vì Sơ về sống với Chúa ở Thiên Đàng, khi nào về thiên đàng con sẽ được gặp lại Sơ Bà. Nó khẽ gật đầu và không biết Nó có thể hiểu hết những điều này hay không.
Sau Thánh lễ an táng, Nó nghe ba má nói chuyện: “Sơ Bà chết đúng là cái chết đáng giá vì có tới 30 cha làm lễ. Nghe nói các cha là học trò của Sơ ngày xưa. Cuộc đời của Sơ Bà thật âm thầm nhưng đã làm cho sáng lên trong Giáo Hội những viên ngọc quý giá của thiên chức Linh Mục, một người trồng người trong việc giáo dục suốt 40 năm, và khi biết mình bị bệnh tim, Sơ vẫn âm thầm làm công việc rửa chén cho nhà trường, phục vụ trong khiêm nhu và chịu quên lãng. Điều gì đã làm cho Sơ can đảm đến thế? Chắc chỉ có Chúa mà thôi. ”

***
Thời gian đi mãi đi mãi chẳng chờ một ai. Hình ảnh những người nữ tu âm thầm trong mái trường mầm non ghi đậm trong ký ức của Nó. Cái ngày đầu tiên đi học, những “người lạ” đầu tiên trong cuộc đời Nó như một phần góp vào làm nên con người và cuộc sống của Nó, Nó muốn trở nên giống họ vì những nữ tu ấy giống Chúa quá!

Ngày khấn lần đầu Nó vô cùng hạnh phúc khi được gặp lại Sơ giáo đã dạy nó thuở mầm non, Sơ mở chiếc hộp đưa cho Nó cái ly uống nước có số 7. Nó chợt nhận ra đó là chiếc ly uống nước của nó ngày xưa, đó là số thứ tự trong lớp của Nó. Sơ nói: Khi biết người học trò nào có ý hướng đi tu thì Sơ sẽ để riêng những chiếc ly ấy trên bàn và cầu nguyện cách đặc biệt cho trò ấy.

Nước mắt Nó lăn dài và chợt nhận ra ơn gọi của Nó được tưới gội bằng biết bao lời cầu nguyện âm thầm của Ba Má, của Sơ giáo... Những hy sinh âm thầm mà Nó không hề biết đã và đang dệt đời Nó trong cõi nhân sinh này. Nó sống thế nào để đáp ơn, sống thế nào cho thật đẹp đời Nữ tu của mình và là niềm vui cho con người trong một xã hội ồn ào và hưởng thụ này. Vẫn còn đó những con người âm thầm nối gót Chúa Giêsu để thêu dệt cho thế giới khuôn mặt tình yêu mang tên Giêsu .

(Bài viết như một lời cảm ơn chân thành đến những người Thầy trong ngày 20/11)

Maria Hồng Hà, CMR (TGPSG
(WGPSG)

 

DẤU CHỈ

DẤU CHỈ

TGPSG - Có thể nói xã hội càng phát triển, thì làm cho con người cũng phải chạy theo để lo cho cơm áo gạo tiền. Nói cách khác đó là trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Vì thế có nhiều người quên mất đi chính mình, suốt ngày chạy đua với thời gian để kiếm cho thật nhiều tiền, mà đánh mất đi chính mình.

Nhìn vào xã hội thực tại như là một dấu chỉ thời ông Nô-ê hay ông Lót trong Tin Mừng có nói tới. Khi thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất... thì Con Người đến. Như thế, dấu chỉ như một lời mời gọi chúng ta có một cái nhìn khác về cuộc sống ở trần gian. Mỗi con người không ai sống được mãi nơi trần gian này và cũng không ai dám nói tôi sẽ sống được mãi. Sống mãi chỉ có cuộc sống đời sau.

Thật đáng buồn cho một số người ngày nay, họ quên mất lối về. Sống buông thả, chạy theo những điều hư ảo mà không nhận ra rằng, mọi sự đều đổi thay theo thời gian, không có gì là bền vững… Điều đáng tiếc là có những người bán đi nhân đức và lòng tự trọng của một con người để đổi lấy những đồng tiền không xứng đáng.

Dấu chỉ như một lời mời gọi mọi người chúng ta có cái nhìn khác đi. Không còn nhìn tiền tài, hay danh vọng là thứ cốt lõi của cuộc đời. Mà chúng ta phải nhìn sau khi chúng ta từ giã cõi trần này rồi sẽ được cái gì…

Trong cuộc sống có những dấu chỉ cho chúng ta nhìn thấy rõ và có thể đoán được “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm”. Như một khát vọng để nhìn lại dấu chỉ cho đời mình, mong ước được thấy những gì đang diễn ra trong cuộc sống để tôi và bạn có những đổi mới tích cực. Đó là nhìn ra được dấu chỉ cốt lõi trong con người mình để lỡ hôm nay, ngày mai hay ngày kia… Con Người đến gõ cửa chúng ta bất chợt, thì ta an nhiên ra đi trong niềm vui và hạnh phúc.

Sài Gòn 11/11/2022
Thầm Lặng, Dòng Augustinô
Đức Mẹ Lên Trời 
(WGPSG)

SỨ MẠNG CỦA GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO

SỨ MẠNG CỦA GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO

Giuse Phạm Đình Ngọc S.J.
Mừng ngày nhà giáo Việt Nam
Hungary, 16-11-2022


WHĐ (17.11.2022) - Những ngày này hẳn là rộn ràng câu chuyện giáo viên và học sinh. 20 tháng 11 hằng năm, chúng ta mừng ngày nhà giáo, tri ân quý thầy cô. Đây thực sự là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bài viết dưới đây tôi muốn chia sẻ với giáo viên Công giáo một khía cạnh khác của nhà giáo vốn liên quan đến ơn gọi huấn luyện và giáo dục học sinh.

Khi học cấp ba, tôi không từng nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên. Do đó, tôi đã chọn một ngành khác để học nhằm tránh nghề giáo vốn mang tiếng là “an phận thủ thường”. Theo tiếng gọi của Chúa, tôi bước vào đời tu và được nhà dòng huấn luyện trở nên một tu sĩ, một người loan báo Tin Mừng. Sau khi học chương trình căn bản xong, tôi chịu chức linh mục và được nhà dòng gửi đến một trường học Công giáo của nhà dòng để làm việc. Tôi đang viết cho quý độc giả tại một ngôi trường vốn có nhiều điều thú vị mà tôi sắp kể ra đây.

Giờ đây tôi không thấy nghề giáo buồn chắn như nhiều người tưởng. Số là khi đồng hành với các học sinh, mỗi người là một hoàn cảnh khác và câu chuyện khác thu hút tôi. Cần nói ngay rằng dạy học không chỉ là lượng kiến thức trao cho mọi học sinh. Trên hết, mỗi học sinh là một cuộc đời mà giáo viên cần để ý. Do đó, tôi thấy các giáo viên ở đây thường để tâm đến từng học sinh. Nhất là những khi các em có vấn đề về việc học, tâm sinh lý hoặc khủng hoảng, giáo viên cần tinh tế nhận ra để giúp các em vượt qua. Điều này đòi hỏi giáo viên đủ tình yêu và nhạy bén. Bên cạnh đó, trong trường cũng có những người chuyên môn để kịp thời giúp đỡ các học sinh.

Tôi nhận thấy giáo viên Công giáo được mời gọi để kết hợp với Thiên Chúa. Ai có đời sống nội tâm đủ mạnh, đủ sâu, họ không chỉ là giáo viên tốt nhưng còn là nhà giáo dục mẫu mực. Gương mẫu là điều rất quan trọng trong giáo dục. Rất tiếc nhiều giáo viên chỉ chú trọng đến kiến thức, nhưng quên phần rất quan trọng của giáo dục, đó là giúp các em nên người. Tiên học lễ hậu học văn luôn đúng trong nhà trường. Nếu đảo ngược lại vế này, dường như việc học khó giúp học sinh thành nhân. Phải chăng vì sự nhầm lẫn này mà nền giáo dục Việt Nam đang gặp khủng hoảng, vốn được nhiều nhà giáo dục đã chỉ ra.[1] Nếu vậy, tôi hy vọng vào giáo viên Công giáo vẫn còn giữ được triết lý giáo dục này.

Tại những trường tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, bên cạnh việc dạy học, nhà trường tạo ra một bầu không khí tôn giáo. Nghĩa là giáo dục về đời sống tâm linh, tinh thần của các em thực sự được đề cao. Chẳng hạn nhà trường tổ chức nhiều chương trình thiêng liêng để các em gặp gỡ Thiên Chúa và với nhau. Thánh lễ thường được đề cao để học sinh thực hành đời sống đạo như là nguồn sức mạnh giúp các em học hành. Chính trong bầu không khí này, không chỉ các em, chính giáo viên (cả phụ huynh nữa) cùng được mời gọi hướng về Đấng là nguồn tri thức đích thực của con người[2]. “Vì chính ĐỨC CHÚA ban tặng khôn ngoan; tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có.” (Cn 2,6). Vì điều này mà tôi tin đằng sau thành công của các em luôn có bóng dáng của Thiên Chúa. Bởi thế mà trong những thư gửi cho giáo viên Công giáo trong những năm gần đây, Giáo hội đều cho thấy “những mối lợi mang đến do việc học hỏi từ Thiên Chúa. Việc học hỏi này còn giúp con người vươn đến những nhận thức có giá trị trổi vượt hơn nữa.”[3]

Trong bối cảnh có quá nhiều thách đố mà nhà giáo hiện nay đang đối diện, tôi chia sẻ ba chìa khóa mà nhà trường, nơi tôi đang làm việc, thường đề cao chú trọng, với ước mong giáo viên Công giáo tìm ra phương cách để giúp học sinh yêu mến tri thức như là cơ hội để các em gặp gỡ Thiên Chúa.

1. Kinh nghiệm

Trong tri thức luận, kinh nghiệm đóng một vai trò quan trọng để người ta nhận thức được vấn đề. Trong triết lý giáo dục này, thầy cô là người tạo cho các em trải nghiệm nơi bài vở, trên thực tế. Những kiến thức được trao cho các em như là những kinh nghiệm giúp các em thấm được vào trong khối óc và con tim. Do đó, sách giáo khoa như là một trong những nguồn để các em có được kinh nghiệm về kiến thức. Tuy nhiên, với thời đại Internet hiện nay, sẽ có rất nhiều nguồn bổ ích khác để giúp các em có kinh nghiệm về đối tượng học hỏi.

Thực vậy, với thời đại Công nghệ hiện nay, Giáo hội cũng nhìn thấy những cơ hội trong Giáo dục cần hướng tới: “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Trong bài phát biểu này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu chúng ta muốn có một thế giới huynh đệ hơn, chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ biết nhìn nhận, trân trọng và yêu thương từng người, dù người đó gần hay xa về thể lý, dù người đó sinh ra hoặc sinh sống ở đâu”. Nguyên tắc cơ bản “Biết mình” luôn định hướng cho việc giáo dục. Nhưng chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc thiết yếu khác: “Biết anh chị em mình”, để giáo dục về việc đón tiếp người khác. “Biết thụ tạo”, để giáo dục về việc chăm sóc ngôi nhà chung, và “Biết Đấng Siêu Việt”, để giáo dục về mầu nhiệm vĩ đại của cuộc sống”[4]. Nếu hướng đến những điều này, giáo viên sẽ giúp được các em biến lượng kiến thức thành tri thức cho cuộc đời!? Điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai.

2. Phản tỉnh

Nếu nhớ là quá trình chúng ta tiếp cận và lưu lại trong não, thì phản tỉnh giúp việc lưu lại này trở nên tri thức. Quý thầy cô đều biết giáo dục không nên dạy một chiều, nghĩa là giáo dục giúp các em phản tỉnh, nhận xét các vấn đề. Chúng ta đều biết mỗi người là một nhân vị (person), nghĩa là con người có hồn và xác, có lý trí, lương tâm, ý chí và tự do (x. GLHTCG 1783-1788,1799-1800). Đồng thời con người cũng có trách nhiệm trên quyết định của mình; và người ấy cũng có khả năng tự nhìn về chính mình. Ngôn ngữ triết học và linh đạo cũng đề cao sự tự phản tỉnh, hoặc phản tỉnh (reflection). Theo Hán Việt, phản nghĩa là trở lại, tỉnh là xét, xem xét. Như thế phản tỉnh là nhớ lại, xét hỏi linh hồn mình (chính mình), nghiền ngẫm thường xuyên. Hoặc theo từ điển tiếng Anh “a reflection man” là người suy nghĩ sâu xa và thấu đáo về một vấn đề gì đó. Chính trong hoàn cảnh này các em mới có thể phản biện, vốn được nhiều nhà giáo dục chú ý trong nhiều năm gần đây. Chỉ phản biện tốt khi các em biết phản tỉnh, suy nghĩ và đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề nào đó. Từ phản tỉnh này giúp các em tập đứng trên hai chân của mình. Khi các em tập phản tỉnh, giáo viên như là người có kinh nghiệm, giúp các em tìm ra ánh sáng của vấn đề. Từ việc phản tỉnh này, các em sẽ chuyển kiến thức đến con tim, đến đôi tay mà chúng ta sẽ nói ở từ thứ ba.

3. Hành động

Học luôn đi đôi với hành. Một khi các em thấy được sự thú vị của việc học, nghĩa là có tác động trên đời sống của mình, các em sẽ có niềm vui để tìm tòi học hỏi. Niềm vui này có thể các em nhận được từ chính quý thầy cô, từ khung cảnh nhà trường, từ gia đình hoặc từ chính Thiên Chúa, (nếu các em là người Công giáo). Điều này nghe có vẻ lạ tai với nhiều thầy cô; tuy nhiên đây lại là điều quan trọng. Chẳng hạn kinh nghiệm của ông Gióp trong cựu ước cho ta thấy rằng: “Bấy giờ Đức Chúa mở tai cho phàm nhân, làm cho họ sợ hãi vì những lời cảnh cáo, để kéo họ xa những việc đã làm giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm.” (G 33,16-18). Lý tưởng là các em công giáo có những hành xử xứng hợp với luật lệ của Thiên Chúa. Đạo đức nhân bản của người đời thôi chưa đủ, nhưng làm sao để giúp các em “liên lạc” được với Thiên Chúa. Chính lúc ấy Thiên Chúa sẽ chỉ cho các em cách hành động đúng mực và hợp tình hợp lý.

Ba chìa khóa trên đây thực ra là một tiến trình trong giáo dục vốn liên hệ mật thiết với nhau. Trong giới hạn của bài viết, tôi không thể đi vào ngóc ngách của từng chìa khóa. Nếu dùng được cả ba chìa khóa này, cánh cửa giáo dục toàn diện sẽ được mở ra[5]. Nghĩa là giáo dục hướng đến việc phát triển con người toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí. (x. Gaudium et Spes số 3). Trên hết, tôi muốn chia sẻ với quý thầy cô Công giáo rằng chúng ta đang có một nội lực, chỗ dựa rất lớn đó là Thiên Chúa. Cụ thể, đạo Công giáo có thể giúp chúng ta rất nhiều trong sự nghiệp giáo dục.

Trong khi nhiều người tôn vinh nghề giáo, ước gì giáo viên Công giáo biết rằng chúng ta đang dạy các em vì điều gì? Ngoài những khát vọng mà ngành giáo dục mời gọi, chúng ta còn có sứ mạng dạy cho các em biết sự thật (diakonia of truth)[6], học làm người và học để làm chứng cho Thiên Chúa[7]. Ít người để ý đến điểm quan trọng này. Trên thế giới, tôi thấy hầu hết chương trình của những trường nổi tiếng đều chứa đựng những điều trên. Nghĩa là họ dạy học không đơn thuần vì lượng kiến thức, nhưng còn vì rất nhiều giá trị từ nhân bản cho đến tâm linh, thiêng liêng. Do đó, thật tốt để chúng ta cử hành ngày lễ mừng Ngày nhà giáo như là cơ hội nhớ lại sứ mạng mà Thiên Chúa mời chúng ta bước vào môi trường giáo dục. Nơi đó, theo Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm: “Bầu không khí này được kiến tạo chủ yếu qua tương quan liên vị giữa giáo viên và học sinh cũng như giữa các học sinh với nhau, qua sự tận tụy và chứng tá sống động của các giảng viên đối với thiện ích của học viên.”[8] Nếu được như thế, môi trường giáo dục thực sự không buồn chán hoặc khô khan; nhưng là nơi để mỗi giáo viên là một nghệ nhân đồng hành với các em trên từng bước đường đời.

Tôi tiếp tục cầu nguyện cho quý thầy cô. Chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau để mỗi người nỗ lực một chút trong hành trình giáo dục này. Nơi đó luôn có Thiên Chúa, Giáo hội và con người. Có cả tình yêu, khát vọng và lòng tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Mong thay!

“Cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.” (2 Cr 13,13).


[1] Minh Khôi, 'Tiên học lễ, hậu học văn': Bất kỳ thời nào cũng đúng, sao phải bỏ?, tại https://vtc.vn/tien-hoc-le-hau-hoc-van-bat-ky-thoi-nao-cung-dung-sao-phai-bo-ar648453.html



[4] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-tiep-giao-duc-ton-giao.html (Sáng thứ ba 05/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với vị đại diện các tôn giáo thế giới tham dự cuộc họp về chủ đề “Tôn giáo và giáo dục").

[5] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo của Công Đồng Vatican II và nhất là khi dẫn lại câu tuyên bô thời danh trong Thư Giacôbê: “Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công Giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn. Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể, vì ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gc 2,17). Các tín hữu, nhờ được huấn luyện, sẽ trở thành men, muối và ánh sáng cho trần gian.” (Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam về Giáo dục Kitô Giáo, số 32 cũng đề cập đến điều này.)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 17.11.2022


Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 17.11.2022

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 17.11.2022
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 33 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022. Thánh nữ Êlisabeth Hungari. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 17.11.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon.
 

NGƯỜI SỬA XE

NGƯỜI SỬA XE

TGPSG - “Mẹ ơi, người chú đó dơ quá! Con không dám đến gần chú ấy.”

Đó là câu nói được thốt lên từ miệng một cô bé ước chừng 6 tuổi mà tôi đã nghe được khi đến chỗ sửa xe thay nhớt. Và người mẹ đã trả lời cô bé với một giọng nói khá to: “Con nhớ chăm chỉ học hành, không thôi mai mốt con sẽ đi làm công, lao động chân tay, khổ cực, toàn thân dơ dáy và hôi hám, đáng sợ lắm biết không con!”

Tôi đọc thấy được sự khó chịu của người thợ sửa xe, anh ta không nhìn lên, chỉ chăm chú vào công việc. Tôi không trách cô bé vì trẻ con chưa hiểu hết, nhưng tôi thấy mẹ của bé thật là hời hợt, muốn dạy cô bé chăm học nhưng lại vô tâm, không biết điều đó có thể làm tổn thương đến người xung quanh, những người lao động chân tay. Nghề nào cũng là nghề. Họ cũng có trái tim và ước mơ của họ. Nếu ai cũng ngại gian khổ, chọn những nghề lao động bằng trí óc hết thì xã hội sẽ ra sao nhỉ?

Dạy cho bé chăm học thì nên đưa ra những tấm gương hiếu học nào đó thì sẽ vui và ý nghĩa hơn không, chứ không nên dùng hình ảnh của một người lao động vất vả, khổ cực để chê bai... Như thế, tôi chỉ e rằng, trái tim của bé càng bị mẹ làm cho “dơ” thêm mà thôi.

Người thợ ấy tay nghề rất linh hoạt, thái độ cũng rất hòa nhã. Hai mẹ con vừa đi khỏi, anh liền nở nụ cười hòa nhã nói: “Nhiều người khuyên tôi đừng làm nghề này vì tôi cũng có một chút học thức... Nhưng vì tôi thích động cơ xe, tôi cảm thấy có duyên với xe... Với công việc lao động này, tôi đã tạo dựng được một gia đình ổn định, cũng có thể lo cho con học lên đại học... Tôi thiết nghĩ làm bất cứ nghề gì chỉ cần tận tâm, thì mọi người sẽ nể trọng... Tuy nhiên, một số người trong xã hội này đã nghĩ sai, đã có một cái nhìn thiển cận, lệch lạc về con người lao động như chúng tôi...”

Rồi anh ta chỉ vào một tờ chứng chỉ dán trên tường: Bằng tốt nghiệp khoa cơ khí đại học Bách Khoa. Sau đó, anh đã rất nhanh giúp tôi thay nhớt xe.

Tôi nhận xe, cảm ơn anh đã giúp tôi thay nhớt và hơn nữa, cảm ơn anh đã cho tôi một bài học quý giá. Trên đường về, tôi miên man suy nghĩ: Trong xã hội, không có nghề nào là dơ bẩn cả... Chúng ta không thể nào nhìn vẻ bề ngoài của một con người mà đánh giá họ, bởi vì chúng ta không thể nào biết được những lý do bên trong. Hãy sống theo Lời Chúa đã dạy: Yêu thương mọi người xung quanh, đừng bao giờ đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Amen.

Vũ Đình Khang (TGPSG) 
(WGPSG)

 

 

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI DÂNG THÁNH LỄ TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ PHÁT DIỆM


 ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI 
DÂNG THÁNH LỄ TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ PHÁT DIỆM

Ban Truyền thông GP Phát Diệm

WGPPD (15.11.2022) - Như tin đã đưa, nhân dịp tham dự Đại hội Liên hiệp Bề trên thượng cấp đang diễn ra tại Phát Diệm, Đức Tổng Giám Mục (TGM) Marek Zalewski, Đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam, đã đến thăm và dâng Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm vào lúc 17g00, ngày 15.11.2022. Đồng tế với Đức TGM Marek, có Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, Giám quản Tông tòa Phát Diệm, quý cha Đại diện, quý Cha lân cận xứ Chính tòa, cùng với sự hiện diện rất đông đảo của các nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm và anh chị em giáo dân.

Trước khi bước vào thánh lễ, Đức TGM Giuse đã hân hoan chào mừng và giới thiệu Đức TGM Marek Zalewski với cộng đoàn hiện diện. Theo lời của Đức TGM Giuse, vị Đại diện Tòa thánh viếng thăm Giáo phận, không những mang theo phúc lành của Thiên Chúa và của Đức Thánh Cha đến cho Giáo phận, mà còn nói lên sự hiệp thông hữu hình giữa Tòa thánh và Giáo Hội địa phương. Bên cạnh đó, Người Cha chung khả kính của Giáo phận cũng bày tỏ sự hiệp thông, lòng yêu mến và lời cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận đối với Đức Thánh Cha, với Đức Tổng Đại diện Tòa thánh và với Giáo Hội hoàn vũ.

Sau phần giới thiệu và chào mừng, Đức TGM Marek đã chủ sự Thánh lễ và giảng lễ cho cộng đoàn, với sự thông dịch của Cha Phó Đại diện, Phêrô Nguyễn Văn Hiện. Qua câu chuyện ông Dakêu gặp Chúa Giêsu và đã hoán cải, Đức TMG Marek nhắn nhủ với cộng đoàn ba điều quan trọng, đó là: không xét đoán, cần có lòng khát khao tìm gặp Chúa, và biết đau đớn vì tội lỗi của mình, đồng thời khiêm tốn xin ơn tha thứ của Chúa.


Trước hết, phải cẩn trọng khi xét đoán và nhất là không được xét đoán theo vẻ bề ngoài. Trong khi nhiều người nhìn nhận ông Dakêu là người tội lỗi và xa tránh, thì Chúa Giêsu lại nhìn thấu suốt tâm hồn ông. Chúa nhìn từ bên trong. Chắc hẳn trong thành Giêricô có nhiều người đạo đức thánh thiện, nhưng Chúa đã chọn gặp ông Dakêu. Chúa đã hoán cải ông. Do đó, chúng ta đừng bao giờ xét đoán, nhưng tốt hơn hết là để Chúa xét đoán.

Thứ đến, cần phải khao khát tìm gặp Chúa Giêsu. Ông Dakêu đã khao khát tìm gặp Chúa Giêsu đi ngang qua. Ông đã trèo lên cây sung. Phần chúng ta, chúng ta có “cây gì” để trèo lên mà tìm gặp Chúa? Hãy dành ra những thời khắc trong ngày để tìm gặp Chúa bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện chính là “trèo lên cây” để tìm gặp Chúa”.

Cuối cùng, cần khiêm tốn như ông Dakêu. Ông đã làm một điều mà chỉ có trẻ con và nô lệ mới làm, đó là trèo lên cây sung. Ông đau đớn trong lòng vì tội lỗi mình đã phạm. Chúa đã tha thứ cho ông. Chúng ta cũng hãy thú nhận tội lỗi, dốc lòng chừa và bồi thường thiệt hại do tội lỗi gây nên, giống như ông Dakêu đã làm.

Cuối lễ, trước khi ban phép lành, Đức TGM Marek đã ban thêm lời huấn dụ cho cộng đoàn. Ngài ví von rằng, cũng như ông Dakêu đã trèo lên cây sung và gặp Chúa Giêsu, chiều nay, ngài cũng đã trèo lên tháp chuông nhà thờ chính tòa và giờ đây ngài đã gặp Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Đức TGM Marek cũng cám ơn cộng đoàn đã quy tụ đông đảo để hiệp dâng Thánh lễ chiều hôm nay. Ngài cũng nhắc lại cuộc gặp với Đức Thánh Cha tại Roma cách đây năm tuần. Khi đề cập tới chuyến viếng thăm Phát Diệm, Đức Thánh Cha đã xin ngài chuyển lời và phép lành của Tông tòa tới mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận.

Thánh lễ kết thúc, khép lại một buổi chiều đầy ý nghĩa và ân phúc cho Giáo phận, nhất là cho những người đã được tham dự trực tiếp Thánh lễ và được lắng nghe những lời vàng ngọc của vị Đại diện Đức Thánh Cha. Ước mong, qua chuyến viếng thăm của Đức TGM Marek với những lời huấn dụ gần gũi, sâu sắc, cộng đoàn dân Chúa cũng cảm nhận được nâng đỡ và khích lệ nhiều trong đời sống đức tin, góp phần loan báo Tin Mừng lòng thương xót của Chúa như ông Dakêu xưa.

Nguồn: phatdiem.org
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 16.11.2022


PHỎNG VẤN ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM VỀ TRUYỀN THÔNG VÀ HIỆP HÀNH