Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 19.02.2023


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT VII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 19.02.2023 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY NĂM 2023 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 
Trong Sứ điệp Mùa Chay 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh mối quan hệ giữa hành trình Mùa Chay và hành trình hiệp hành, cả hai đều bắt nguồn từ truyền thống và mở ra cho những điều mới mẻ. Ngài mời gọi các tín hữu hãy lên đường theo Chúa Giêsu để đào sâu và đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Người.

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY NĂM 2023
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
 
Khổ chế Mùa Chay và Lộ trình Hiệp Hành

Anh chị em thân mến!

Các Sách Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca đều thuật lại biến cố Chúa Giêsu Hiển dung. Qua đó, chúng ta thấy Chúa đáp lại thái độ của các môn đệ khi chưa thật sự hiểu Người. Thật vậy, trước đó không lâu, đã có một cuộc xung đột thực sự giữa Thầy Giêsu và môn đệ Simon Phêrô, người mà sau khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, đã phản đối lời tiên báo về cuộc khổ nạn và thập giá của Người. Chúa Giêsu đã mạnh mẽ quở trách ông: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt 16, 23). Và rồi, “sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê, tới một ngọn núi cao” (Mt 17, 1).

Đoạn Tin mừng về Chúa Giêsu Hiển dung được đọc hàng năm vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Thật vậy, trong mùa Phụng vụ này, Chúa đem chúng ta đi với Người và dẫn đến một nơi riêng biệt. Trong khi những bổn phận thường ngày đòi buộc chúng ta phải ở lại những nơi quen thuộc và những thói quen lặp đi lặp lại đến độ nhàm chán, thì trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đi lên “một ngọn núi cao” cùng với Chúa Giêsu và sống một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt - sự khổ chế - như dân thánh của Thiên Chúa. 
 
Khổ chế Mùa Chay là một quyết tâm được trợ giúp nhờ ân sủng, để vượt thắng khiếm khuyết đức tin và thái độ phản kháng của chúng ta khi đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Đây chính là điều mà Phêrô và các môn đệ cần phải thực hiện. Để đào sâu kiến thức về Thầy, để hiểu trọn vẹn và đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện trong sự hiến thân trọn vẹn vì tình yêu, chúng ta phải để Chúa Giêsu dẫn mình đi lối riêng, đưa lên cao và tách ra khỏi sự tầm thường và phù phiếm. Giống như một cuộc leo núi, chúng ta cần phải khởi hành một lộ trình khó khăn đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung. Những điều kiện tiên quyết này cũng rất quan trọng đối với lộ trình Hiệp Hành mà, là một Hội Thánh, chúng ta đã dấn thân thực hiện. Sẽ thật hữu ích khi chúng ta suy tư về mối tương quan giữa khổ chế Mùa Chay và trải nghiệm Hiệp Hành.
Trong cuộc “tĩnh tâm” trên núi Tabor, Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ, những người được chọn để chứng kiến ​​một biến cố độc nhất vô nhị. Chúa Giêsu muốn chia sẻ kinh nghiệm ân sủng này, chứ không giữ lại cho riêng mình, cũng như toàn bộ đời sống đức tin của chúng ta là một trải nghiệm được sẻ chia. Vì chính trong sự liên đới với nhau mà chúng ta đi theo Chúa Giêsu. Và chúng ta, là một Hội Thánh lữ hành giữa dòng thời gian, cùng trải nghiệm Năm phụng vụ và trong đó có Mùa Chay, chúng ta cùng tiến bước với anh chị em mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta như những bạn đồng hành. Cũng giống như biến cố Chúa Giêsu và các môn đệ đi lên Núi Tabor, chúng ta có thể khẳng định rằng, hành trình Mùa Chay của chúng ta là “Hiệp Hành”, bởi vì chúng ta cùng nhau đi trên một con đường, với tư cách là những môn đệ của một vị Thầy duy nhất. Hơn nữa, chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu là Con Đường, và do đó, trong hành trình Phụng vụ cũng như trong tiến trình Thượng Hội đồng, Giáo Hội không làm gì khác hơn là bước vào mầu nhiệm Đức Kitô – Đấng Cứu Độ một cách sâu xa và trọn vẹn hơn.

Và như thế chúng ta cùng bước lên cao điểm. Tin mừng thuật lại rằng Chúa Giêsu “biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Đây là “chóp đỉnh”, mục tiêu của cuộc hành trình. Vào cuối cuộc leo núi, khi đang ở trên đỉnh núi với Chúa Giêsu, ba môn đệ được ơn nhìn thấy Người trong vinh quang, chói ngời ánh sáng siêu nhiên. Một ánh sáng không đến từ bên ngoài, nhưng tỏa ra từ chính Chúa. Vẻ đẹp thiêng liêng của thị kiến này trỗi vượt hơn những nỗ lực mà các môn đệ đã cố gắng khi lên Núi Tabor. Như trong bất kỳ chuyến leo núi gian nan nào, đang khi leo, chúng ta phải chăm chú nhìn vào con đường; nhưng bức tranh toàn cảnh mở ra ở cuối lộ trình gây bất ngờ và đền đáp cho chúng ta bởi sự kỳ diệu của nó. Cũng vậy, tiến trình Hiệp Hành thường có vẻ như là một con đường khó khăn, và đôi khi có thể gây nản lòng. Tuy nhiên, điều chờ đợi chúng ta ở cuối hành trình chắc chắn sẽ là một điều gì đó kỳ diệu và ngỡ ngàng, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn của Thiên Chúa và sứ mạng dành cho chúng ta trong khi phục vụ vương quốc của Ngài.

Trải nghiệm của các môn đệ trên núi Tabor càng phong phú hơn nữa khi, bên cạnh Chúa Giêsu biến hình, xuất hiện ông Môsê và Êlia, vốn là hiện thân của Lề luật và các Ngôn sứ (x. Mt 17, 3). Điều mới mẻ của Đức Kitô vừa là sự hoàn tất Giao ước cũ và các lời hứa, vừa không tách rời khỏi lịch sử của Thiên Chúa với dân của Ngài và đồng thời mặc khải ý nghĩa sâu xa hơn cho lịch sử đó. Tương tự như vậy, lộ trình Hiệp Hành bắt nguồn từ truyền thống của Giáo Hội, nhưng đồng thời cũng mở ra cho những điều mới mẻ. Truyền thống là nguồn cảm hứng để tìm kiếm những con đường mới, và để tránh những cám dỗ đối nghịch của sự trì trệ và ngẫu hứng.

Hành trình khổ chế Mùa Chay cũng như tiến trình Thượng Hội đồng đều có mục tiêu là một cuộc biến hình, cả về phương diện cá nhân lẫn Giáo Hội. Một sự biến đổi, mà trong cả hai trường hợp, đều có khuôn mẫu nơi Chúa Giêsu Hiển dung và được thực hiện nhờ ân sủng của mầu nhiệm Vượt qua của Người. Để cuộc biến hình này có thể trở thành hiện thực nơi chúng ta trong năm nay, tôi muốn đề nghị hai “Lộ trình” cần đi theo để cùng lên núi với Chúa Giêsu, và cùng với Người đạt tới mục tiêu.

Lộ trình thứ nhất liên quan đến mệnh lệnh mà Chúa Cha ngỏ với các môn đệ trên núi Tabor, khi họ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Hiển dung. Tiếng từ đám mây phán ra: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5). Do đó, đề xuất đầu tiên rất rõ ràng: Chúng ta cần lắng nghe Chúa Giêsu. Mùa Chay là thời gian ân sủng để chúng ta lắng nghe Lời khi Người ngỏ lời với chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta như thế nào? Trước hết, từ Lời Chúa mà Giáo hội công bố cho chúng ta trong Phụng vụ. Mong sao chúng ta đừng để Lời ấy bị bỏ ngoài tai; trong trường hợp không thể tham dự Thánh Lễ thường xuyên, chúng ta hãy đọc các Bài đọc Kinh Thánh hàng ngày, dù là với sự trợ giúp của internet. Ngoài Kinh Thánh, Chúa còn nói với chúng ta qua anh chị em của chúng ta, nhất là qua những khuôn mặt và câu chuyện của những người cần được giúp đỡ. Nhưng tôi cũng muốn thêm vào một khía cạnh khác, rất quan trọng trong tiến trình Hiệp Hành: thái độ lắng nghe Chúa Giêsu cũng bao gồm việc lắng nghe anh chị em khác trong Giáo Hội. Cách lắng nghe lẫn nhau là mục tiêu chính trong một số giai đoạn của tiến trình, nhưng nó luôn luôn không thể thiếu trong phương pháp và phong cách của một Giáo Hội hiệp hành.

Khi nghe tiếng Chúa Cha, các môn đệ “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Chúa Giêsu lại gần, chạm đến các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ! Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Chúa Giêsu mà thôi” (Mt 17, 6-8). Đây là đề nghị thứ hai cho Mùa Chay này: đừng dựa vào một thứ tôn giáo được tạo ra từ những sự kiện phi thường và những kinh nghiệm kịch tính, hãy vượt qua nỗi sợ vì phải đối diện với thực tế và những đấu tranh, khó khăn và mâu thuẫn của nó trong cuộc sống hàng ngày. Ánh sáng mà Chúa Giêsu tỏ ra cho các môn đệ là sự báo trước về vinh quang Phục sinh, và đó phải là mục tiêu trong cuộc hành trình của chúng ta, khi chúng ta đi theo “một mình Người”. Mùa Chay hướng về Lễ Phục Sinh: “tĩnh tâm” tự nó không phải là mục đích, nhưng là phương thế chuẩn bị cho chúng ta trải nghiệm cuộc khổ nạn và thập giá của Chúa Giêsu với đức tin, đức cậy và đức mến, hầu đạt tới sự phục sinh. Cũng vậy, trên lộ trình Hiệp Hành, ngay cả khi Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng của một số trải nghiệm hiệp thông mạnh mẽ, thì chúng ta đừng ảo tưởng là mình đã đến đích. Vì, cũng tại đây, Chúa lặp lại với chúng ta rằng: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”. Vậy thì chúng ta hãy đi xuống đồng bằng, và xin cho ân sủng mà chúng ta đã trải nghiệm giúp chúng ta trở thành “những nghệ nhân của tính hiệp hành” trong cuộc sống thường ngày tại các cộng đoàn của chúng ta.

Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy và nâng đỡ chúng ta trong Mùa Chay này khi chúng ta lên núi với Chúa Giêsu, để cảm nghiệm được vẻ huy hoàng thần linh của Người. Và nhờ đó, chúng ta được củng cố trong đức tin, được tiếp tục kiên trì trong cuộc lữ hành cùng với Chúa Giêsu, Đấng là vinh quang của dân Người và ánh sáng của muôn dân.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Lateranô, ngày 25/01/2023, Lễ Thánh Phaolô Trở lại.

Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Nguồn: vaticannews.va/vi
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 19.02.2023


Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 17.02.2023

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 17.02.2023 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 17.02.2023 
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon
 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 105: NƯƠNG THEO TIẾNG CHUÔNG TÌM VỀ


TẠI SAO NIGERIA CÓ TỶ LỆ TÍN HỮU THAM DỰ THÁNH LỄ ĐÔNG NHẤT THẾ GIỚI?

Tín hữu Nigeria  (AFP or licensors)

TẠI SAO NIGERIA CÓ TỶ LỆ TÍN HỮU
THAM DỰ THÁNH LỄ ĐÔNG NHẤT THẾ GIỚI?


Hồng Thủy - Vatican News

Vatican News (16.02.2023)Sau khi Nigeria được công nhận là quốc gia có tỷ lệ giáo dân tham dự Thánh lễ cao nhất thế giới, Đức Hồng Y Peter Ebere Okpaleke, 59 tuổi, lãnh đạo giáo phận Ekwulobia ở miền nam Nigeria, đã chia sẻ rằng thế giới quan truyền thống của Nigeria, vai trò của gia đình và ý thức cộng đồng trong các giáo xứ đã khiến người Nigeria từ thế hệ này sang thế hệ khác gần gũi với các bí tích.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy 94% trong số 30 triệu người Công giáo ở Nigeria nói rằng họ tham dự Thánh lễ ít nhất hàng tuần hoặc hơn, trong khi chỉ có 17% người Công giáo Mỹ tham dự Thánh lễ hàng tuần.

Nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống và xã hội

Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNA, Đức Hồng y Okpaleke nói rằng xã hội Nigeria nói chung có “một thế giới quan truyền thống” nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống và xã hội. “Chính nhận thức này chuyển thành việc tham dự Thánh lễ của người Công giáo, những người đến tham dự Thánh lễ để gặp gỡ Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.” Ngài lưu ý rằng tất cả các tầng lớp, người nghèo và người giàu, người thất học và người có học, đều được thu hút đến với các bí tích bởi một lòng khao khát chung về Thiên Chúa.

Ngài nhận định rằng ở những nơi khác trên thế giới, nơi mà quá trình thế tục hóa đã làm suy yếu ý thức về Thiên Chúa của một nền văn hóa, Giáo hội có thể tìm thấy sức sống bằng cách nhấn mạnh rằng Giáo hội là “cửa ngõ” đáp ứng “sự khao khát nội tâm của con người muốn được liên hệ với thần thánh.”

Gia đình là ‘Giáo hội tại gia'

Tiếp đến, ở Nigeria, có một ý thức mạnh mẽ rằng “gia đình là ‘Giáo hội tại gia'", gia đình được coi là nơi chính yếu trong đó “đức tin được truyền lại cho thế hệ kế tiếp.” Đức Hồng Y lưu ý rằng trong khi gia đình “đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực vì tình hình kinh tế xã hội và văn hóa ở Nigeria,” thì hầu hết các gia đình đã chống lại áp lực này, kín múc “từ đức tin để vượt qua những thách đố tấn công họ.” Ngài khuyến cáo người Công giáo trên khắp thế giới “hãy quan tâm đến mục vụ cho gia đình như giáo hội tại gia vì đó là nơi hình thành kinh nghiệm đức tin của mọi người.”

Tính cộng đoàn

Cuối cùng, các giáo xứ và giáo phận Công giáo ở Nigeria mang đến cho mọi người cảm giác mạnh mẽ về “cộng đồng và sự gắn bó”. Đức Hồng y Okpaleke nói: “Phần lớn, mọi người cảm thấy có tính cộng đồng trong Giáo hội.” (CNA 15/02/2023)

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 17.02.2023


Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 16.02.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon
 

THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI TU

THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI TU

TGPSG -- Dòng thời gian cứ xoay, và cái gì đến sẽ đến. Thế là lại đến ngày sinh nhật của nó. Nó nhận được rất nhiều lời chúc, nhưng nó cứ suy nghĩ nhiều về lời chúc “Chúc cho thành công trong đời tu”. Nó cảm thấy hoang mang về lời chúc ấy, thành công trong đời tu là gì? Phải chăng theo như người đời nghĩ, đi tu là phải làm ông này bà kia… mà quên mất rằng đi tu là làm sao sửa được chính mình, buông bỏ đi cái tôi ích kỷ, để trở nên một con người hiền lành, luôn biết kết hiệp với Chúa.

Không hiểu sao đọc những dòng tin nhắn như thế nó cảm thấy hoang mang. Hoang mang, bởi vì dường như người ta không hiểu về đời tu. Đời tu là bước theo thầy Giêsu, dấn thân để phục vụ người khác. Có lẽ người ta ngày càng có cái nhìn khác về đời tu chăng? Đi tu để được người khác tôn trọng, hay đi tu để được làm chức lớn? Nghĩ mà cảm thấy xót xa…

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Lật lại trang Kinh Thánh, nó đọc được lời này của Thầy Giêsu. Ngẫm nghĩ lời này, nó cảm thấy nhiều người nghĩ về đời tu thật thiếu sót quá đỗi. Theo tâm tình của thầy Giêsu, khi bước vào đời tu, điều đầu tiên là từ bỏ mình, và trong ý nghĩa đích thực của sự từ bỏ, thì người ta không còn tìm những điều kiện đầy đủ để hưởng thụ, và cũng không nhìn đời tu là một môi trường để mình đạt được những gì mình đã “đặt kế hoạch”.

Khi từ bỏ mình, người ta cũng không đi tìm danh lợi, và sự hãnh diện cho chính bản thân và gia đình. Từ bỏ mình cũng có nghĩa là người tu hành từ chối nhiều điều kiện “ngon lành” trong cuộc sống giúp mình thăng tiến bản thân. Như vậy, khi đồng ý với việc bước theo Giêsu, thì thuyền cũng buông và lưới cũng bỏ, cha già và gia đình cũng xin để lại, ghế thu thuế kiếm được bạc triệu cũng phải khước từ và hoàn trả lại.

Càng tu nó càng cảm thấy rõ ràng rằng, khi nào còn bám vào thầy Giêsu, khi còn cảm nhận cách sâu xa trong đáy tâm hồn, Giêsu - người yêu của tôi và khi còn nói được rằng: “Giêsu là tất cả đời tôi”, thì lúc đó đời tu mới có giá trị. Chiếc áo của kẻ tu hành mới đáng giá biết bao. Lúc đó mới là “Thành công trong đời tu”.

Sai Gòn 14/02/2023
Thầm Lặng-AA (TGPSG
(WGPSG)