Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 14 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 14.7.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

LỜI CHÚA SỐNG ĐỘNG NƠI MỘT CUỘC ĐỜI CỤ THỂ

LỜI CHÚA SỐNG ĐỘNG NƠI MỘT CUỘC ĐỜI CỤ THỂ

Phong Linh

WHĐ (13.07.2023) - Trong thế giới hiện đại, việc học hiểu Lời Chúa đã trở nên ngày càng dễ dàng nhờ vào sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội. Chỉ với một cú click chuột, ta có thể tìm thấy hơn 15 triệu kết quả cho từ khoá “bài giảng hôm nay” trên công cụ tìm kiếm Google cùng với danh sách dài các bài giảng trực tuyến trên YouTube. Tất cả đều được cập nhật liên tục mỗi ngày.

Điều đáng chú ý hơn cả là sự xuất hiện của ứng dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT với khả năng tổng hợp dữ liệu liên quan đến đức tin từ các bản văn Kinh Thánh, bản văn huấn quyền, các bài giáo lý, các tài liệu học thuật, các bài giảng, các bài suy niệm, v.v… Nhờ có công cụ này, ta có thể dễ dàng tiếp cận và đào sâu kiến thức về Lời Chúa và đức tin. Không chỉ vậy, ChatGPT còn có tiềm năng giúp biên soạn các ấn phẩm liên quan đến đức tin[1] nhờ khả năng tổng hợp, sắp xếp và chọn lọc từ các nguồn dữ liệu sẵn có khổng lồ.

Tuy nhiên, việc dễ dàng tiếp cận và học hiểu Lời Chúa nhờ công nghệ có thực sự mang lại biến đổi cho cuộc sống của ta không? Hay chúng chỉ đơn thuần khuấy động bề mặt tâm hồn của ta trong chốc lát rồi đi vào quên lãng, hoặc có khi chỉ khiến ta thỏa mãn phần nào tính hiếu tri của mình? Liệu rằng, chúng có thực sự đồng hành và giúp ta biến đổi cách sâu sắc hay chỉ đơn thuần mang đến những câu trả lời nhất thời? Tất cả những câu hỏi này dẫn đến một câu hỏi cốt lõi hơn, nền tảng hơn: “Khi nào Lời Chúa mới thật sự sống động trong cuộc sống của ta?”

Để có được câu trả lời thỏa đáng, ta cần can đảm đi vào một cuộc đối thoại cá vị với một Thiên Chúa ngôi vị. LOGOS là Thiên Chúa, không phải là một nguyên lý tối hậu trừu tượng theo quan điểm triết học Hy Lạp cổ đại, nhưng đã trở thành người phàm và ở giữa con người (x.Ga1,1-18)[2]. Thiên Chúa cần một cuộc đời cụ thể để ngỏ lời với. Đó là cuộc đời của một con người cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, một cuộc kết giao giữa một Thiên Chúa bản vị với một nhân vị. Đó có thể là một con người đang nói về Lời hầu an ủi, nâng đỡ người khác. Và đó cũng có thể là một con người đang khắc khoải, chơi vơi trong cuộc sống, tìm đến Lời để cứu vớt chính mình. Dù trong vị trí nào, người rao giảng hay người được rao giảng thì đó cũng là một cuộc đời rất riêng, rất độc đáo, không giống nhau và không giống với bất kỳ ai.

• Lời giao hòa lịch sử cuộc đời ta

Lời trở nên sống động khi đụng chạm đến toàn bộ lịch sử cuộc đời của mỗi người. Một lịch sử được hình thành trong một hoàn cảnh, một môi trường, một nền văn hóa, một đất nước cụ thể. Lịch sử ấy nắn đúc nên ta của ngày hôm nay với tất cả những điểm mạnh, điểm yếu rất riêng và độc đáo. Lịch sử ấy không chỉ bao gồm những khoảnh khắc hạnh phúc mà còn có cả những lúc gian truân, thất bại và tội lỗi ê chề. Tất cả những điều ấy tạo nên con người của ta ngày hôm nay.

Thế nhưng, trong thực tế đôi khi ta lại muốn chối bỏ một quá khứ nào đó vì nó chẳng mấy tốt đẹp gì. Ta không muốn nói về nó và cũng không muốn để cho Lời Chúa chạm vào để rồi lịch sử cuộc đời ta bị đứt quãng. Ta muốn giấu chúng khỏi Chúa và khỏi người khác.

Ta trở nên rất chọn lọc và hẹp hòi khi chỉ muốn bày ra những gì mình cảm thấy thoải mái, tích cực. Do đó, khi lắng nghe Lời Chúa, ta cũng có xu hướng chọn lọc những lời dễ nghe như người nghiện lúc nào cũng đi tìm liều thuốc an ủi thiêng liêng[3].

Thế nhưng, Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, lại muốn ôm trọn toàn bộ lịch sử ấy kể cả những gì là xấu xí, tội lỗi như một phần không thể thiếu, không thể chối bỏ nơi cuộc đời mỗi người. Trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari trong Tin Mừng Gioan (x.Ga 4, 1-30) là một ví dụ rõ ràng về cách Chúa chạm đến và đón nhận lịch sử cũng như cuộc đời mỗi người. Với quá khứ tội lỗi của bà, thay vì trách mắng hay buộc tội người, Chúa Giêsu cảm thông và tỏ lòng thương xót với bà. Lời của Ngài đã chữa lành và về cả thể xác lẫn tinh thần. Cuối cùng, người phụ nữ Samari trở thành chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa và nói về Chúa Giêsu với nhiều người khác.

Cùng một cách thức như thế, Chúa Giêsu đến để nhắc nhớ ta rằng cuộc đời ta không bị định đoạt bởi lỗi lầm trong quá khứ. Tất cả mọi người đều phạm sai lầm, và thường thì những sai lầm này có thể đè nặng lên lương tâm ta, khiến ta cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Nhưng khi ta đọc lại lịch sử đời mình dưới ánh sáng của Lời Chúa, thì chính Chúa Giêsu sẽ dẫn ta ra một nơi riêng biệt, nơi ta có thể hoàn toàn là mình trước mặt Ngài. Đó là một cuộc đối thoại rất riêng tư để ta có thể thể đối diện với những vết thương lịch sử của bản thân một cách dịu dàng và thành thật nhất. Để rồi chính Chúa Giêsu chạm vào tất cả những khoảnh khắc đen tối ấy để ta được giao hòa với chính mình, để thống nhất lịch sử cuộc đời ta và để ta không còn bị giam hãm hay giấu mình sau những thất bại của quá khứ nữa.

Thật vậy, Lời Chúa “không phải là ‘lời được viết ra và câm lặng nhưng là Lời nhập thể và sống động’”(VD, 7). Chúa Giêsu không nói với ta bằng ngôn ngữ trừu tượng hay giáo điều nhưng Ngài nói trực tiếp bằng một con người lịch sử và với một con người lịch sử. Vì thế, khi lắng nghe Lời Chúa, dù bằng bất kỳ hình thức truyền thông nào: bài giảng trực tuyến, bài viết, hay phim ảnh, ta được mời gọi để Lời chạm đến toàn bộ cuộc đời mình. Để làm được như thế, ta cần trung thực trong mọi khoảnh khắc dù là hân hoan hay u sầu, buồn đau hay hạnh phúc, thành công hay thất bại của chính mình. Ta cần sẵn sàng đem mọi khía cạnh của đời sống mình ra ánh sáng của Lời Chúa và để Lời ấy thấm vào mọi ngóc ngách trong con người ta. Điều này đòi hỏi nơi ta sự khiêm tốn cũng như khả năng biết đón nhận đau thương, vì chỉ khi ấy, ta mới thật sự thừa nhận mình cần đến sự hướng dẫn và ân sủng của Thần Khí. Chúa Giêsu ao ước gặp gỡ con người lịch sử của ta hơn bao giờ hết để cho ta được cảm nghiệm sự chữa lành của Ngài. Và rồi, như người phụ nữ Samari, ta không thể giữ kinh nghiệm ân sủng ấy cho riêng mình mà bắt đầu “nói với người ta”[4] về Ngài.

• Lời khiêu khích và khuấy động “sự thật” về ta

Trong cuộc sống hằng ngày, không phải lúc nào Lời Chúa cũng đến với ta cách êm đềm, nhẹ nhàng và lọt tai. Ta đọc thấy Chúa Giêsu đã thốt ra những câu nói tuyệt vời khiến ta vô cùng xúc động và cảm thấy được an ủi. Và rồi, ta cũng bắt gặp những câu nói làm ta tổn thương hoặc không dễ hiểu chút nào. Những câu nói “chói tai”: “Lời này chói tai quá! Ai mà chịu nổi?” (x.Ga 6, 60-69) mang một sức mạnh khuấy động cũng như chỉ ra những điểm mù nơi con người thật của ta. Thật vậy, chính cuộc sống vội vã, thực dụng, đề cao hiệu năng đã che giấu những bất ổn nội tại của mỗi người. Ta bị tước đi sự tĩnh lặng cần thiết để gần gũi và thấu hiểu chính mình. Những lúc ấy, không chỉ dừng lại ở việc giúp ta đối diện và giao hoà với những kinh nghiệm đau đớn trong quá khứ của mình, Lời Chúa còn thách thức và không đơn giản để ta làm ngơ hay gạt bỏ những mâu thuẫn nơi con người hiện tại, ngay cả những khi ta không đủ nhận thức về chúng. Nói khác đi, Lời Chúa “vạch trần” sự thật con người của ta.

Trong Tin Mừng, cách thức Đức Giêsu nói về Thiên Chúa làm dân chúng không thể phớt lờ. Những lời của Đức Giêsu có sức đuổi thần ô uế ra khỏi một người (x.Mc 1,22-24). Khi Đức Giêsu mở lời, sự thật của một con người được tỏ lộ, “quỷ dữ” trong ta cũng bị kích động, nháo nhào. Tất cả những ý niệm méo mó về Thiên Chúa đã từng giam cầm ta trước đây đều được đưa ra ánh sáng vì ta thường chỉ muốn lợi dụng Thiên Chúa cho mục đích riêng của mình. Ngài phải phù hợp với những ý niệm mà ta đã tạo ra về Ngài. Có vẻ như mỗi thời đại đều cố gắng loại bỏ Lời ra khỏi những lĩnh vực không phù hợp với quan niệm của họ. Mỗi thời đại đều muốn chiếm hữu Lời cho những mục đích và nhu cầu riêng. Liệu đó có thực sự là Đức Giêsu hay không? Hay ta đang phóng chiếu ước mong của ta lên Ngài? Rõ ràng Lời Chúa không phải khi nào cũng là một chiếc gối êm ả để ta có thể ngả đầu vào. Lời Chúa khuynh đảo cuộc đời ta và khiến ta “đứng ngồi không yên”. Một mặt, Lời cho ta sự tự do chưa từng có. Mặt khác, Lời thách thức ta. Lời nhất tâm phơi bày tất cả các mặt tối của ta. Lời không để ta nghỉ ngơi nhưng liên tục chất vấn và luôn gây khó dễ cho ta.

Mỗi khi Đức Giêsu lên tiếng, ta không còn có thể lẩn trốn sau những ý niệm của mình về Thiên Chúa nữa. Những ý định của ta bị vạch trần. Quan niệm sai lầm của ta bị phơi bày. Ma quỷ trú ngụ trong ta đã làm lu mờ và vấy bẩn hình ảnh của Thiên Chúa trong ta. Ta nhìn nhận lệch lạc về bản thân, nhìn mọi thứ một cách méo mó qua lăng kính của những đam mê lệch lạc và dục vọng bị dồn nén tận sâu trong lòng. Theo cách nói ngày nay, ma quỷ là tham lam của cải, những ý tưởng thâm căn cố đế sai lạc, những rắc rối, cảm xúc hỗn độn, những chướng ngại vật ngăn cản ý hướng ngay lành của ta, một sự bất lực để thay đổi và cũng có thể là một sự rạn nứt bên trong ta. Chúa Giêsu muốn ta nhận biết tất cả những điều ấy và thách thức định vị mình cách đúng đắn nhất để ta hiểu ra ta đang nương tựa vào Thiên Chúa hay ta đang kéo Thiên Chúa xuống ngang tầm với mình.

Để có thể biết được sự thật về mình, ta chắc chắn cần chấp nhận những “khiêu khích” của Lời Chúa. Một trong số ấy là từ bỏ chính mình: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đây không phải là một lời có ý xem thường và hạ thấp bản thân mỗi người nhưng trở thành lời mời gọi ta kiện toàn chính mình, là sống thật với chính mình. “Từ bỏ chính mình” trong tiếng Hy Lạp là “ἀπαρνησάσθω ἑαυτὸν” (aparnēsasthō heauton) nghĩa là khước từ hoặc từ bỏ những ham muốn, tham vọng và cả những giá trị cá nhân để đi theo Chúa Giêsu cũng như làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Để biết mình, ta cần nói không với cái tôi của mình, một cái tôi vốn hay trốn tránh tổn thương và xúc phạm, vốn hay coi mình là trung tâm của mọi thứ, vốn hay xem mình là tuyệt đối. Ta cần xa tránh xu hướng tranh giành mọi thứ cho cái tôi, để làm cho nó trở thành tâm điểm của mọi sự. Bằng cách kiềm chế những ước muốn nông cạn của mình và chống lại sự cai trị của cái tôi, ta có thể nối kết với con người thật của mình, một con người có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Từ đó, ta sẽ khám phá ra mình thực sự là ai, và niềm khao khát sâu thẳm nhất của mình là gì. Và rồi ta nhận ra rằng “càng là mình hơn” cũng đồng nghĩa với “vác thập giá mình”. Ta cần chấp nhận chính mình với những khuynh hướng xung đột trong tâm hồn. Điều này thường gây đau đớn. Nhưng chính bằng cách làm này, ta khám phá ra cuộc sống mà Đức Giêsu gọi là “cuộc sống đích thực”.

Thật vậy, Lời Chúa giúp ta gỡ bỏ những lăng kính méo mó để nhìn một cách đúng đắn hơn về Thiên Chúa. Điều này có thể rất phiền toái và ta phản kháng vì ta phải phá vỡ những gì ta đã gây dựng bấy lâu nay. Ta hoang mang và như thể rơi tự do vào “vực thẳm tâm hồn” khi sự thật nơi con người ta bị phơi bày. Nhưng điều này cũng có nghĩa là mọi ý niệm lệch lạc cũ phải chết đi, mọi ý tưởng vun vén cho cái tôi của ta phải tan tành thì bấy giờ – trên đống đổ nát – ta mới có thể thấy điều mà Chúa muốn nơi con người mình. Đó cũng lúc, ta không còn sợ hãi để Chúa dẫn lối và muốn kiểm soát mọi sự vì Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn[5] cho cuộc sống của ta (x. Patris Corde, 2).

• Nói về Lời bằng toàn vẹn cuộc đời của ta

Trong một thế giới mà con người có xu hướng hoài nghi về những khái niệm trừu tượng như đức tin và thần linh thì việc nói về Thiên Chúa bằng kinh nghiệm cụ thể trở nên cần thiết biết bao. Việc này có thể giúp người khác hiểu rằng đức tin thật sự tác động hữu hình đến cuộc sống của họ. Họ muốn nghe những chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm đức tin của chính họ và làm chứng cho sức mạnh biến đổi của tình yêu Thiên Chúa. Đó là sự khao khát tính xác thực và sự chân thành trong tương quan giữa người với người vốn bị đe dọa bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại. Con người hiện tại không còn truyền thông nữa mà chỉ có kết nối (Super-connected but isolated) để rồi ngày càng trở nên cảnh giác và đề cao bảo mật cá nhân cách thái quá.

Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy Chúa Giêsu sử dụng những câu chuyện cá nhân của những người Ngài gặp gỡ để minh họa cho sứ điệp của Thiên Chúa. Chẳng hạn, khi gặp người mù ở Giêrikhô trên đường lên Giêrusalem, Ngài dùng cuộc đời của anh ấy để giải thích sự khác biệt giữa mù thể xác và mù tâm linh (x.Mc 10, 46-52). Hay khi kêu gọi Lêvi, Ngài cũng dùng con người này để rao giảng việc Ngài đến thế gian là để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn chứ không lên án, loại trừ họ (x.Mt 9, 9-13). Chúa Giêsu hiểu rằng những câu chuyện cá nhân có khả năng truyền đạt những chân lý quan trọng theo cách dễ hiểu và dễ tiếp cận. Vì thế, một kinh nghiệm cá nhân cụ thể dưới ánh sáng của Lời Chúa hoàn toàn có thể trở thành một phương thức diễn đạt kho tàng đức tin của Giáo hội một cách gần gũi và chân thành. Đức giáo hoàng Phanxicô đã trình bày trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” rằng: “Chân lý có thể được diễn tả bằng những hình thức khác nhau. Việc đổi mới các cách diễn tả này trở thành cần thiết để thông truyền cho con người ngày nay sứ điệp Tin Mừng trong ý nghĩa không thay đổi của nó” (EG, 46). Nếu ta cố bám vào một công thức diễn tả nào đó như cung cấp các khái niệm thần học hoặc ý tưởng trừu tượng thì có thể ta đang nói về một Đức Giêsu có vẻ rất xa lạ.

Với những tiến bộ của các phương tiện truyền thông, ta không thể chỉ thu gọn việc rao giảng Lời Chúa bằng việc trình bày các ý tưởng khi đăng tải lên mạng các bài viết, hình ảnh và video, nhưng cần tiếp nối bằng tương tác và đồng hành cá nhân cùng việc xây dựng các mối quan hệ. Đó là một cuộc gặp gỡ thật sự không thể chỉ giới hạn trong một lần diễn ra mà cần đi đôi với sự hỗ trợ và hướng dẫn liên tục. Việc loan báo Tin Mừng cần được thực hiện trong bối cảnh gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, Đấng là trung tâm đức tin: “Chúng ta cần để cho lời thâm nhập chúng ta, cũng là lời sẽ thâm nhập người khác, vì đó là một lời sinh động và sắc bén, như thanh gươm “xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Hr 4,12). Hơn nữa, ngày nay “người ta thích nghe những chứng nhân hơn: họ “khát sự chân thực” và “đòi có những người rao giảng Tin Mừng nói cho họ về một vị Thiên Chúa mà mình biết và thân quen, như thể đang nhìn thấy Người” (EG, số 150).

Như thế, ta được kêu gọi làm chứng một cách minh nhiên về tình thương cứu độ của Thiên Chúa, Đấng bất chấp những khiếm khuyết của ta, đến với ta và ban sức mạnh cho ta bằng toàn vẹn cuộc đời và con người mình. Để làm được như thế, ta “trước hết phải phát triển một sự thân mật sâu xa với Lời Chúa. Hiểu biết các khía cạnh ngôn ngữ hay chú giải chắc chắn là cần nhưng không đủ. Họ cần đến với Lời Chúa bằng một con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện, để lời thấm sâu vào các tư tưởng và tình cảm của họ và tạo một cái nhìn mới nơi họ” (EG, 149). Điều này đòi hỏi ta phải sẵn sàng chịu tổn thương và chia sẻ những khó khăn và thử thách của chính ta khi ta tìm cách sống đức tin của mình. Đó là sự chân thành và tính xác thực trong kinh nghiệm đức tin của ta.

Trong một thế giới ngày càng trở nên thế tục và hoài nghi về Thiên Chúa, điều quan trọng hơn hết là ta sống và thể hiện đức tin của mình theo cách chân thực, dễ hiểu. Điều này có nghĩa là sẵn sàng chia sẻ Lời bằng những khó khăn và nghi ngờ của chính ta, cũng như những khoảnh khắc của niềm tin và ân sủng nhờ đó Lời cũng trở nên sống động nơi cuộc đời của người khác. Đây chính là sự năng động của Lời để ta không chỉ dừng lại ở bản thân mà còn hướng đến tha nhân để đón nhận tất cả cuộc đời của họ như họ là. Đó là khi ta biết mình cần bỏ qua những diện mạo bên ngoài mà nhìn vào bên trong sâu thẳm nhất của họ, nơi hạt nhân của sự tốt lành hiện hữu. Đức thánh cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” rằng: “Giáo hội sẽ phải khai tâm cho tất cả mọi người – linh mục, tu sĩ và giáo dân – vào ‘nghệ thuật đồng hành’ này, nghệ thuật dạy chúng ta cởi dép của mình trước thánh địa của người khác” (số 169). Chúng ta luôn cần người khác để Lời Chúa thật sự sống động nơi mình và trở thành chứng nhân cho Đức Kitô. Sự sống động của Lời Chúa không dừng lại nơi từng cá nhân riêng lẻ nhưng là cùng nhau trở nên sống động. Điều này không thể thiếu trong một Hội Thánh hiệp hành cũng như trong đời sống của mỗi người Kitô hữu: chúng ta không thể trở nên người môn đệ của Thầy Giêsu mà không có nhau và cùng nhau “sống sứ vụ được uỷ thác cho”[6].

Lời Chúa thật sự sống động nơi một cuộc đời cụ thể, một cuộc đời lịch sử và thống nhất. Chúa Giêsu đã làm người. Ngài đã trải qua một cuộc đời thực tế với niềm vui, nỗi buồn, thử thách và khó khăn giống như ta. Ngài biết những niềm vui và nỗi buồn của ta, những thành công và thất bại của ta. Ngài chạm đến và biến đổi lịch sử cá nhân của ta, Ngài phơi bày sự thật về con người ta, để rồi ta trở thành chứng tá của Ngài với tất cả những gì ta là. Khi lắng nghe Lời Chúa, hơn bao giờ hết, ta được mời gọi cùng với Đức Giêsu nhìn vào những mâu thuẫn hằng ngày của ta, những vấn đề trong công việc và trong gia đình ta, những nỗi ưu tư và lo lắng, niềm vui và hy vọng, để ta đối mặt với chúng. Đó là lúc ta mở tung cánh cửa tâm hồn nơi ta vẫn thường ẩn náu đã trở nên quá chật hẹp, hầu mở rộng đời sống của mình. Từ đó ta có thể hướng đến tha nhân nhiều hơn thay vì cứ quanh quẩn bận tâm về chính mình. Vì chính nơi khuôn mặt của mỗi người, Đức Giêsu đến với một dung mạo hoàn toàn khác. Điều này thật sự thách thức vì Ngài không bao giờ để ta được nghỉ ngơi, và đó là sự sống động của Lời.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, 
Số 134 (Tháng 3 & 4 năm 2023)
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 14.7.2023