THIÊN CHÚA GIÁNG SINH TRONG MỘT GIA ĐÌNH
Ôn một kỷ niệm: Mừng Chúa Giáng Sinh năm 2000, Gx tôi chọn chủ đề “THIÊN CHÚA GIÁNG SINH TRONG MỘT GIA ĐÌNH” làm ý lực chính cho mọi sinh hoạt chuẩn bị trong Giáo Xứ, trong các Giáo Họ và các gia đình như: Đêm Canh Thức, các hang đá ở nhà thờ xứ, nhà thờ họ, và các gia đình.
Chiều 21-12, năm ấy, các giáo họ, chi họ, các đoàn thể đã hoàn thành các hang đá chung quanh nhà thờ. Xảy ra là, một chi họ có sáng kiến mới, làm hang đá rất tân thời: chỉ một ngôi sao lạ chiếu sáng giải lụa từ trên cao xuống với hàng chữ “HÔM NAY CHA ĐÃ SINH RA CON” và cuối giải lụa ấy là một HÀI NHI đang nằm trên nắm rơm, đôi mắt tuyệt đẹp, nụ cười hiền lành, giơ đôi tay rộng ra như đón lấy mọi người.
Cha sở bảo: “Rất đẹp, rất ý nghĩa, rất đúng thần học, nhưng chưa đúng với chủ đề chung của Giáo Xứ”. Mấy người thiết kế mẫu hang đá này hơi buồn lòng, nhưng rồi ông phó chủ tịch giải thích: “Các anh biết đó, mấy tuần nay Cha sở đã triển khai đề tài “THIÊN CHÚA GIÁNG SINH TRONG MỘT GIA ĐÌNH” và qua các bài giảng, Ngài đã làm nổi bật ý nghĩa Thiên Chúa làm người qua “cung lòng Mẹ Maria”, dưới sự “bảo bọc chân thành của Thánh Giuse”. Thiên Chúa xuống trần gian trong “một gia đình rất trần gian”. Hang đá của mấy anh không có Thánh Giuse, Đức Mẹ, chẳng có chuồng bò, mái che, hàng rào, con bò, con bê, lu nước, mục đồng…. nên Ngài không vui lắm”.
Đêm 24, trong thánh lễ, Cha sở rất vui mừng nhìn thấy hang đá tân thời kia có thêm Đức Mẹ, Thánh Giuse và những con bò con bê… xinh đẹp. Ngài đã giảng một bài đầy xúc động về “Thiên Chúa đã Giáng Sinh làm người” vì “yêu con người” nhưng “nhờ cộng tác của con người”.
Giáng Sinh năm nay, 2011, nhân vì kỷ niệm 30 năm tông huấn “Familiaris Consortio” “Về những bổn phận của Gia Đình Kitô Hữu”, mà các Giáo Phận đang họp, hội, học về tông huấn này, gợi lên trong tôi một hoài niệm đẹp về cha cựu quản xứ và về chuyện năm 2000, đồng thời cũng khởi hứng cho tôi chút suy tư bé nhỏ.
Thiết tưởng, với quyền năng của Thiên Chúa, Ngài có thể xuống thế làm người cách long trọng, hùng vĩ, để thiên hạ nhận biết và thờ kính Ngài. Tại sao Ngài phải chọn cách xuống thế như một trẻ sơ sinh qua cung lòng một người nữ và trong một gia đình bần hàn. Hẳn là Ngài đã khiêm tốn thực hiện đúng như lời các tiên tri loan báo từ xa xưa trước, và muốn mặc cho đời sống gia đình một ý nghĩa cao quý.
Vâng, Ngài đã làm người trong một gia đình. Một Maria tin tưởng và khiêm tốn “xin vâng” để Thiên Chúa được nhập thể. Một Giuse chấp nhận từ bỏ ý riêng để chấp nhận ý trời thật thanh cao thánh khiết. Một Con Thiên Chúa làm con người từ phôi đến thai đủ chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, để mẹ mang nặng, đẻ đau, cho con bú, mớm con ăn, ru con ngủ, thuốc chữa bệnh cho con, thao thức với con những đêm trời trở gió… Và vì gia đình của Chúa không khác gì những gia đình trần gian, nên đã có những mục đồng như những người hàng xóm đơn sơ, thân thương, có lòng yêu trẻ con, có niềm vui đích thực khi nghe một con trẻ khóc tiếng chào đời… Các bà, các mẹ trong giáo xứ hẳn đã có những kinh nghiệm đau đớn và vui mừng lúc sinh con, thì ắt hẳn hiểu được tâm tình của người Mẹ mang tên Maria trong phút bi tráng ấy. Các ông, những người làm cha hẳn đã âu lo và sung sướng thế nào khi nghe tiếng oa oa con trẻ, thì ắt hẳn cũng hiểu tâm trạng của một người cha, người chồng mang tên Giuse kia. Những người làm cha mẹ hẳn đã trải nghiệm niềm vui khi được bà con lối xóm sẻ chia chúc mừng khi chúng ta có một người con ra đời.
Có thể nói, nhìn vào toàn cảnh Giáng Sinh của Con Thiên Chúa, mỗi tín hữu, không kể ở bậc độc thân hay hôn nhân gia đình đều phải hân hoan vui mừng và hãnh diện vì “Thiên Chúa ở giữa chúng ta”, “Thiên Chúa ở giữa dân Người”, và “Thiên Chúa ở trong gia đình” như một thành viên trung tâm của khổ đau và hạnh phúc, trung tâm của “giáo hội tại gia”, trung tâm của “trường giáo dục đức tin”, trung tâm của “sứ mạng loan báo tin mừng”. Và nếu đã chọn Chúa Giáng Sinh là trung tâm, thì ắt hẳn giá trị của mỗi nhân vị được trân quí đúng mức như các thành viên gia đình của Chúa đã thể hiện: một Giuse bảo toàn ơn gọi đồng trinh của Đức Maria, một Maria trung thành dâng hiến cho Thiên Chúa và luôn quí trọng người bạn đời Chúa gửi đến, một Giêsu với niềm hiếu kính mến yêu.
Người sống bậc độc thân cũng bắt đầu từ gia đình và cảm nếm được ý nghĩa thiêng liêng mà Cha Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa qua việc nhận lấy con cái như quà tặng giáng sinh. Người sống bậc gia đình đang đi vào ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa Giáng Sinh đã chọn và mặc lấy cho gia đình một ý nghĩa siêu phàm, thiêng thánh, để nơi gia đình, phải là một hang đá, một máng cỏ sống động cho Thiên Chúa Giáng Sinh.
Đêm Giáng Sinh, phải là đêm bình an nhất, đêm hạnh phúc nhất, cho mỗi người, cho mỗi gia đình, vì chính Con Thiên Chúa đã đến làm người trong một gia đình. Ngài thấu hiểu tất cả và Ngài đã biến nỗi đau tột cùng của các gia đình thành hạnh phúc tuyệt vời nhất khi ngộ ra: THIÊN CHÚA ĐANG GIÁNG SINH TRONG GIA ĐÌNH CHÚNG TA.
Nguyện xin cho chúng con đích thực là Giuse, là Maria, là Giêsu trong hang đá đơn sơ nghèo hèn của chúng con, trong nhà của chúng con với tình thương mến, lòng tôn trọng các nhân vị, với ý thức sứ mạng làm ánh sao Giáng Sinh và nhất là với niềm tin yêu phó thác.
PM. Cao Huy Hoàng, 21.12.2011