Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 17 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 27.7.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

HÃY THƯƠNG LẤY MÌNH VÀ HÃY THƯƠNG CÁC Y BÁC SĨ

  
HÃY THƯƠNG LẤY MÌNH 
VÀ HÃY THƯƠNG CÁC Y BÁC SĨ

TGPSG-- Vậy là đã qua 4 ngày chúng tôi ra khỏi môi trường bao bọc của Nhà Dòng để đi đến gặp gỡ những bệnh nhân nhiễm Covid 19 nặng. Đây là một trải nghiệm đầy ý nghĩa.

Chúng tôi không phải là các bác sĩ, y tá hay điều dưỡng đã có kinh nghiệm chữa trị bệnh nhân nhưng lại tình nguyện đi đến nơi có nhiều bệnh nhân nặng và có nguy cơ lây nhiễm cao. Không phải chúng tôi không sợ chết hay không sợ bị lây nhiễm nhưng chúng tôi đi để đáp lại tiếng Chúa đang thổn thức trong lòng: Các con hãy ra đi, đem tình thương đến cho những người đau yếu bệnh hoạn. Vâng, chúng tôi đã dấn thân theo tiếng gọi ấy. Khi đến khu điều trị này, chúng tôi không có gì ngoài Chúa và trái tim yêu thương. Chúng tôi đến với các bệnh nhân bằng con tim yêu thương, bằng đôi tay sẵn sàng rộng mở để săn sóc họ, để xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần của họ.

Tất cả các bệnh nhân đều mong được khỏi bệnh để về với gia đình. Họ ước ao được thở bầu không khí trong lành nhưng thật không dễ dàng với họ ngay trong lúc này! Mới có 4 ngày phục vụ mà chúng tôi đã phải chứng kiến sự ra đi của một số bệnh nhân, sợ có, lo lắng có vì mới đây thấy họ vẫn còn khỏe, quay đi quay lại đã thấy họ yếu và ngưng thở. Dù các y bác sĩ đã nỗ lực cố gắng để cứu họ nhưng không thể cứu được! Nhìn thấy các bệnh nhân phải đối đầu với cái chết mà không có thân nhân bên cạnh, tôi thấy lòng mình tê tái, xót xa vô cùng, lúc ấy chỉ biết thầm cầu nguyện, xin ơn chết lành cho họ, để họ được thanh thản ra đi.

Các y bác sĩ ở đây vô cùng tận tâm nhưng hầu như ai cũng đã mệt và kiệt sức vì công việc, vì số bệnh nhân ngày càng tăng, số ca nhiễm ngày càng nhiều. Mặc dù vậy, với lương tâm của người thầy thuốc, các vị lương y vẫn cuốn mình vào công việc sau những giờ phút thay ca nghỉ ngơi đôi chút… Họ cũng có gia đình và họ cũng muốn được về nhà với vợ chồng, con cái, nhưng thời điểm này họ không thể về được! Có bác sĩ đã tâm sự: có ngày đi mà không biết ngày về, nhưng cũng nén nỗi nhớ mong gia đình - nơi có những người thân yêu - vì sự sống còn của các bệnh nhân! Chúng tôi ước mong mỗi người hãy ý thức thực hiện đúng các chỉ thị phòng tránh dịch, để cùng giúp nhau ngăn cản, không cho dịch lây lan thêm. Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ.

Với bộ đồ bảo hộ, các bệnh nhân không hề biết chúng tôi là tu sĩ. Mà dù có nói, họ cũng không biết tu sĩ là gì? Chúa là ai? Vì họ đã kiệt sức và đang phải thở bằng máy. Chúng tôi không nói về Chúa cho họ nhưng chúng tôi tâm niệm rằng: qua sự hiện diện, qua sự phục vụ, chăm sóc tận tụy của chúng tôi, họ có thể nhận thấy Thiên Chúa Tình Thương đang hiện diện trong chúng tôi và hiện diện giữa họ.

Chúng tôi tin Chúa thấu rõ hết mọi sự. Chúa biết họ và chúng tôi đang cần gì. Đừng sợ! Chúng tôi luôn luôn có Chúa ở cùng, như lời Chúa đã nói “Ơn Ta đủ cho con …” (2 Cr 12,9). Và thật hạnh phúc vì ngoài Ơn Chúa, chúng tôi còn có rất nhiều người quan tâm và cầu nguyện.

Trong thư Đức Tổng Giuse gửi cho chúng tôi, ngài đã động viên: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Vâng, mặc dù công việc, thời gian làm và bộ đồ bảo hộ không giúp cho chúng tôi cảm thấy thoải mái nhưng nó cũng không thể lấy đi được nhiệt huyết và ý hướng của chúng tôi. Khi bỏ lớp đồ bảo hộ xuống, dù trên mặt vẫn còn lớp khẩu trang nhưng chúng tôi luôn nhìn thấy nụ cười của nhau qua ánh mắt, cử chỉ khi được dấn thân phục vụ. Tuy không cùng tôn giáo, không cùng dòng tu, nhưng giờ đây chúng tôi có cùng một “họ Dương, tên F…”, và nhất là cùng chung chí hướng, chung niềm vui và nhiệt huyết đem tình yêu thương nhân ái để giành lại sự sống cho các bệnh nhân Covid. Niềm vui này sẽ luôn còn tiếp nối...

Nt. Maria Thu Nguyệt
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 17 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Joachim & Thánh Anna, song thân Đức Maria. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 26.7.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 26.7.2021


Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 17 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Joachim & Thánh Anna, song thân Đức Maria. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Hai, ngày 26.7.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TÌNH YÊU THƯƠNG VẪN LAN TỎA

TÌNH YÊU THƯƠNG VẪN LAN TỎA

TGPSG-- “Chính các con hãy cho họ ăn” (Mt14,16)

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay chính là động lực giúp linh mục (Lm) Phêrô Nguyễn Thanh Tùng duy trì công việc cứu trợ mùa dịch của giáo xứ Thị Nghè. Gần hai tháng qua, việc bác ái này đã và đang phát triển mạnh mẽ, nên mọi người hay nói vui theo kiểu kinh tế: Công ty Trách nhiệm Hữu hạn ngàn thành viên của Thị Nghè “làm ăn” phát đạt trong mùa Covid 19.

 Ngoài chiếc xe tải 1,5 tấn mượn của Dòng Phaolô từ đầu mùa phong tỏa theo chỉ thị 16, giáo xứ phải “tậu” thêm một chiếc xe 3,5 tấn để kịp cho việc vận chuyển hàng từ xa, giúp cho chương trình cứu trợ được tiếp tục dài hạn. Lm Phêrô đã sử dụng tối đa khả năng và các mối liên hệ Đông Tây Nam Bắc để chương trình ngày càng hiệu quả, hầu cứu trợ được nhiều người hơn nữa khi tình hình dịch bệnh ngày càng hoành hành dữ dội.


Vòng Tròn Yêu Thương không ngừng lan tỏa từ Huế, Đà Lạt, Dốc Mơ về Cù Lao Giêng An Giang rồi trở lên Sài Gòn. Hiện xe gạo 5 tấn mới về, còn xe 3,5 tấn đang đi Trị An ‘lấy hàng’. Sau đó, xe này lại đi Long Thành và Lâm Đồng để nhận rau củ quả do Đức Viện Phụ Xitô cung cấp.


Thật cảm động khi nhìn hình ảnh các nông dân chất phác hiền lành ở Cù Lao Giêng - An Giang đang hái chanh, thu hoạch rau quả, đợi xe tải của giáo xứ Thị Nghè xuống chở về. Già trẻ, lớn bé cùng chung tay làm việc bác ái rất đông vui và dễ thương.


Hiện nay, công tác cứu trợ không chỉ dừng lại ở địa bàn giáo xứ, mà còn mở rộng ra 3 phường 17,19, 21 cùng các phường khác thuộc Quận Bình Thạnh, đi tới Quận 3, Quận 4, Hóc Môn… Mỗi phần quà cứu trợ gồm gạo, trứng, rau củ quả, nước mắm, đường, muối và dầu ăn.


Những gia đình thuộc khu phong tỏa cần sự cứu trợ khẩn cấp, xin liên lạc với Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng qua số điện thoại di động 0909142162. Xin vui lòng báo số lượng gia đình và tên cùng số điện thoại người đại diện để quà tặng được chuyển đến đầu khu phong tỏa và người đại diện ra nhận để chuyển tiếp.


Nguyện xin Chúa tiếp tục điều hành công việc bác ái của giáo xứ Thị Nghè để tình yêu thương được lan tỏa và nhân rộng trong những ngày sắp tới khi tình hình dịch bệnh vẫn còn rất nghiêm trọng.

tocngan
(WGPSG)

“HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY”

 

“HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY”

TGPSG-- “Hãy đi và hãy làm như vậy!”. Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu với mỗi người chúng ta qua dụ ngôn "Người Samari Nhân Hậu" (Lc 10,25-37).

Đáp lại lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse - Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn - ngày 22-7-2021, gần 200 linh mục, tu sĩ thiện nguyện từ nhiều Hội Dòng đã lên đường vào các bệnh viện dã chiến - nơi điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid - để chung tay góp sức với ngành Y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.


Các linh mục, tu sĩ đã can đảm ra đi, chèo ra chỗ nước sâu, đầy nguy hiểm với lòng nhiệt thành, với tình yêu thương nồng cháy của con tim dâng hiến mà không cần "vốn liếng" nào khác ngoài Chúa Quan Phòng. Các linh mục, tu sĩ cũng giống như các môn đệ trong dụ ngôn Chúa Hóa Bánh ra nhiều, sẵn sàng dâng cho Chúa cái ít ỏi của mình là 5 chiếc bánh và 2 con cá nhưng qua bàn tay Chúa, Chúa đã làm phép lạ nuôi hơn 5000 người ăn no nê (Mt 14,13-21). Ra đi với con tim chạnh lòng thương và đôi bàn tay rộng mở là tất cả những gì họ có. Họ biết trước sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn khi các bệnh viện dã chiến - nơi chỉ mới thiết lập trong thời gian ngắn, trang thiết bị y tế, dụng cụ làm việc rất thiếu thốn...Nơi đây, bữa cơm có khi được đem đến không đúng giờ và có khi cơm đã tới nhưng không thể nuốt nổi vì quá mệt, chỗ ngủ không được yên tĩnh, không nệm ấm chăn êm như khi ở Nhà Dòng… và trên hết họ biết rõ: nếu không may họ có thể nhiễm bệnh, thì không những không thể chăm sóc bệnh nhân mà còn phải nhờ đến người khác chăm sóc họ. Nhưng vượt qua tất cả những lo lắng sợ hãi đó, các linh mục, tu sĩ đã và vẫn tiếp tục lên đường. Nơi đây họ thấy, họ thấu cảm với sự vất vả kiệt lực của các bác sĩ và nhân viên y tế - những con người ngày đêm chiến đấu với tử thần để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Các linh mục, tu sĩ làm gì tại các Bệnh viện dã chiến?

Các linh mục, tu sĩ của chúng ta không hề ngại khó, ngại khổ đã dấn thân và làm theo sự phân chia của ban lãnh đạo tại các bệnh viện - nơi họ được gửi tới.

Trong đợt ra quân đầu tiên có gần 200 linh mục, tu sĩ lên đường: trong đó có 108 vị đến bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 - nơi có 1.000 giường điều trị Covid, nơi tập trung nhiều bệnh nhân nặng và phải thở máy nhiều nhất. Bệnh viện điều trị Covid này có 9 lầu, với 3 khoa ICU: ICU bệnh viện Chợ Rẫy, ICU bệnh viện 115 và ICU bệnh viện Nhân Dân Gia Định.


Trong các bệnh viện, các Linh mục, Tu sĩ không có chuyên môn nên không thể trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, nhưng họ chính là những cánh tay nối dài để hỗ trợ các khâu hậu cần, vận chuyển đồ đạc, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, nhất là rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm, phụ thay tã, thay drap giường, lau chùi máy móc... Các Tu sĩ được phân chia giờ làm theo ca trực của nhân viên y tế. Công việc tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào vì tất cả đều phải mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang kỹ lưỡng trong suốt thời gian làm việc nên rất mệt, nóng và rất cực khổ.


Dưới đây là chia sẻ của Nữ tu Bác sĩ Hương Thảo - Tu sĩ Dòng Đa Minh Rosa - hiện đang phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 12, nơi mới được trưng dụng từ cụm chung cư R5, Bình Khánh, Quận 2 từ ngày 19/7/2021.

“Có lẽ ai cũng thắc mắc công việc của các tình nguyện viên là Tu sĩ trong các bệnh viện dã chiến là gì?”

Vâng, đó là tất cả các công việc: từ vận chuyển vật dụng y tế, vật dụng gia dụng, sửa chữa điện nước, chuẩn bị phòng bệnh cho vài ngàn bệnh nhân… đến việc hỗ trợ tâm lý cho các bệnh nhân stress, chuẩn bị hay nhập hồ sơ bệnh án, làm bệnh án cho bệnh nhân ở khoa lâm sàng, giúp đỡ các y-bác sĩ vận chuyển bệnh nhân ở khoa cấp cứu...

Nhiều người muốn lưu lại hình ảnh đẹp và trực tiếp nhưng những hình ảnh ấy chẳng thể ghi lại bởi vì mọi việc xung quanh luôn tấp nập và mọi thứ đều phải đảm bảo chế độ ít nguy cơ lây nhiễm nhất. Mỗi người một nhiệm vụ, mỗi người mỗi nơi, mỗi việc nên chẳng thể săn được ảnh đẹp để kể cho mọi người... Nhưng chắc chắn một điều là ở nơi này, chỗ nào cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc ít nhất là mức trung bình... và mọi thứ ở bệnh viện dã chiến số 12 chỉ mới bắt đầu…

 
Tuần sau, số bệnh nhân sẽ nhiều hơn, khoảng 5000 người… Lúc đó không biết với lực lượng y-bác sĩ quá mỏng (Khoa lâm sàng hiện tại chỉ có 7 bác sĩ chính, cộng thêm 1 bác sĩ tình nguyện là mình) thì chiến lâu dài thế nào được?...

Sau giờ làm việc, ăn uống hay tiếp xúc với nhau cũng cần giữ khoảng cách an toàn. Mọi người cẩn thận cho mình cũng là giữ gìn sức khoẻ và sự bình an cho gia đình, cộng đoàn và những người xung quanh.

Hơn nữa, ngoài việc điều trị bệnh, các y-bác sĩ còn phải kiêm luôn việc giúp các bệnh nhân sống lạc quan, ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ, tập luyện sức khoẻ thể chất và tinh thần để cho bản thân bệnh nhân mau bình phục và về nhà với người thân, mà cũng là để Sài Gòn mau trở lại nhịp sống năng động vốn có, vì ai cũng "thương lắm Sài Gòn ơi!...”"


 Cảm ơn các linh mục, tu sĩ đã hăng hái lên đường phục vụ nơi tiền tuyến. Các anh chị em hãy an tâm vì ở hậu phương, Đức Tổng Giám mục Giuse, các Linh mục, tu sĩ cùng toàn thể mọi người trong Hội Dòng, trong Giáo phận luôn ủng hộ và đồng hành cùng anh chị em bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh âm thầm và những đóng góp cách này hay cách khác để cùng chung tay chống dịch, góp phần đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người, cho Sài Gòn thân yêu.


Xin mọi người cùng tiếp tục cầu nguyện cho các tình nguyện viên để họ được bình an, mạnh khỏe và có thêm nghị lực phục vụ tới cùng.

Nt. Mary Thesere Mai Thương
Dòng Chúa Quan Phòng
(WGPSG)

NHẬT KÝ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN COVID-19 TẠI BỆNH VIỆN: NGÀY THỨ HAI

NHẬT KÝ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN COVID-19 
TẠI BỆNH VIỆN: NGÀY THỨ HAI

TGPSG-- Tại bệnh viện Hồi Sức chống Covid 19, nhóm Tình nguyện viên chúng tôi được phân chia vào các khoa bệnh khác nhau, mỗi khoa 20 người. Nhóm 20 người này được chia thành 4 tốp để thay phiên nhau trực 3 ca, mỗi ca 8 tiếng giống như các ca trực của nhân viên y tế tại đây. Nhóm của tôi trực tại khu ICU (Hồi sức tích cực) với 50 giường bệnh, đa số phải thở máy.

Tại khoa ICU, các bệnh nhân không có người thân bên cạnh để chăm sóc nên các bác sĩ và điều dưỡng rất vất vả. Ngoài việc theo dõi, chăm sóc từng nhịp thở, nhịp tim, các vị lương y này còn phải lo cho bệnh nhân ăn uống, thay đổi drap giường nữa. 

Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm covid 19 nên việc mặc đồ bảo hộ là rất cần thiết. Việc sát khuẩn và thay găng tay cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt: mỗi người phải đảm bảo đeo 3 đôi găng tay và sau khi chăm sóc bệnh nhân xong thì phải thay đôi khác.


Lần đầu bước vào phòng bệnh, hình ảnh những bệnh nhân đang oằn oại vì đau đớn đập vào mắt tôi. Họ chính là những anh chị em của tôi đó! Tôi thấy đau nhói trong trái tim mình! Quên hết nỗi hồi hộp, lo lắng ban đầu, tôi vội bước đến giúp họ một chút trong việc thay đồ, lau mặt. Nhìn khuôn mặt khô ráp giống như không còn cảm giác của các bệnh nhân (có người vẫn còn đọng giọt nước mắt đã khô nơi khóe mắt), tôi có cảm tưởng mình đang lau khuôn mặt đau đớn của Chúa Giêsu. Đứng trước một người phải thở từng hơi mệt mỏi và không thể ăn, chúng tôi đã phải đổ từng muỗng sữa qua ống ăn với hy vọng giữ cho hơi thở của họ tồn tại và nhờ dinh dưỡng, kết hợp với quá trình điều trị sẽ giúp họ hồi sinh sự sống...

Dù phải chăm sóc các bệnh nhân nhiễm covid trong bộ quần áo bảo hộ nóng nực, vướng vít nhưng trái tim và đôi tay của tôi không hề bị cản trở, gò bó hay khép kín lại. Từng khuôn mặt đau đớn của các bệnh nhân đã in dấu ấn không phai trong trái tim tôi. Từ tận đáy lòng của tôi đang vang vọng lời mời gọi YÊU THƯƠNG và PHỤC VỤ. Vâng, tôi sẽ cầu nguyện và phục vụ họ trong yêu thương và bác ái.

Lạy Chúa, khuôn mặt của những bệnh nhân đang đau đớn kia chính là khuôn mặt của Chúa mà con có dịp được yêu thương và phục vụ.

Maria Hồng Hà CMR

> Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày đầu tiên

 (WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XVII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 25.7.2021
tại Nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 25.7.2021


BẠN CÓ NGHĨ RẰNG CUỘC SỐNG SẼ DỄ DÀNG VÌ BẠN LÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO?

 

BẠN CÓ NGHĨ RẰNG CUỘC SỐNG SẼ DỄ DÀNG 
VÌ BẠN LÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO?
Tác giả: Claudio De Castro
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
 
WGPQN (24.7.2021) - Chúng ta đau khổ và không hiểu tại sao.
 
"Thật vậy, những ai muốn sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ” (2 Tm 3, 12)

Làm người Công giáo là điều tuyệt vời nhất đã xảy ra cho tôi. Tôi cảm thấy mình hạnh phúc, được Mẹ Giáo hội chào đón. Dù không phải là hoàn hảo nhưng tôi yêu mến Giáo hội. Tôi cũng biết rằng việc sống đức tin và kiên trì cầu nguyện không giải thoát tôi khỏi những khó khăn trong cuộc sống thường ngày, nhưng trái lại, trên con đường đó tôi sẽ đối mặt với những hoàn cảnh mà từ đây, tôi chỉ có thể thoát ra nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa.
 
Phải thú nhận rằng, có những thái độ mà tôi chưa bao giờ hiểu được, chẳng hạn như sự lo lắng khi làm hại tha nhân. Có khi nào chúng ta quên rằng tất cả chúng ta đều là anh em?

Chúng ta đau khổ và không hiểu tại sao.

Ở góc độ cá nhân, tôi phải trả giá rất nhiều để có thể hiểu được nó. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe một linh mục nói trong bài giảng của mình: “Nhiều người đến với tôi trong tâm trạng lo lắng và nói: Thưa cha, con đi lễ mỗi ngày, lần chuỗi mỗi ngày, xưng tội và làm tất cả những việc tốt mà con có thể, nhưng tại sao những điều tồi tệ cứ xảy ra cho con?”

Tại sao những điều xấu lại xảy ra với những người tốt?

Đó là một câu hỏi lặp đi lặp lại mà nhiều người đã suy tư, cố gắng để hiểu và tìm kiếm giải pháp. Tôi tin rằng câu trả lời có trong Thánh Kinh. Chúng ta phải đọc Thánh Kinh.

Thánh Kinh đôi khi nói về cách giáo dục của Thiên Chúa, Đấng sửa dạy chúng ta để chúng ta sống từ bi và khiêm nhường, để chúng ta tha thứ cho kẻ thù của mình và để chúng ta ngước nhìn lên trời. Hãy mở Thánh Kinh và đọc thư Do Thái chương 12:

“Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức. Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời để được sống. Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người. Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Dt 12,5-11).

Khoa sư phạm của Thiên Chúa rất đặc biệt và có thể được nhận ra ở cuối cuộc hành trình, khi tất cả mọi thứ đạt được ý nghĩa. Trong lúc này, nếu các bạn đang sống trong hoàn cảnh khó khăn mà các bạn không hiểu được, thì điều giúp ích cho các bạn có lẽ là cầu nguyện. Các bạn hãy đặt mình trong đôi tay đầy yêu thương của Thiên Chúa, xin Ngài an ủi và xót thương. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi các bạn. Tôi cam đoan với các bạn điều đó. Hãy can đảm lên!

Nguồn: gpquinhon.org 
(WHĐ)

TRỰC TIẾP THÁNH LỄ BAN ƠN TOÀN XÁ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI ÔNG BÀ VÀ NGƯỜI CAO TUỔI (thuyết minh tiếng Việt)

 

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

NHẬT KÝ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN COVID-19 TẠI BỆNH VIỆN: NGÀY ĐẦU TIÊN

 

NHẬT KÝ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN COVID-19 
TẠI BỆNH VIỆN: NGÀY ĐẦU TIÊN

- Reng..reng...reng – Tiếng điện thoại đổ dồn
- Dạ, con nghe nè má.
- Má xem ti vi thấy ở Sài Gòn dịch bệnh lắm phải không con, cẩn thận giữ gìn sức khỏe nghen con.
- Dạ, à má ơi, con đăng ký tình nguyện vào khu cách ly để phục vụ và chăm sóc bệnh nhân ở đó.
- Ừ chăm sóc người bệnh là chăm sóc Chúa, con cứ đi, má sẽ cầu nguyện cho con

Câu nói của má như tiếp thêm động lực để tôi hăng say lên đường đến với những bệnh nhân đang cô đơn, đau đớn vì nhiễm Covid 19.

Khi hòa mình với gần 300 anh chị em tu sĩ và các bạn tình nguyện viên, tôi thấy mình thật mong manh, nhỏ bé. Tôi ước mình có thể trở thành hạt muối, trở thành ánh sáng để thêm vào một chút mặn tình người và lan tỏa ánh sáng hy vọng của lòng thương xót Chúa giữa cơn đại dịch Covid 19.

Với bài học của ngày đầu tiên "rửa tay đúng quy trình, đúng cách" đã giúp tôi bảo vệ chính mình một cách đơn giản, nhưng cũng rất quan trọng. Tôi và các anh chị em tình nguyện còn được các bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện hướng dẫn cách mang đồ bảo hộ và cách cởi ra để bảo vệ cho mình và cho người khác. “Các bạn phải bảo vệ sức khỏe cho các bạn tốt thì mới giúp người khác được”. Câu nói của 1 bác sĩ tại bệnh viện làm tôi ý thức hơn mọi công việc mình làm. Và tôi cảm thấy hạnh phúc vì biết bao y bác sĩ vẫn đang ngày đêm cùng với các bệnh nhân chống chọi với dịch bệnh.

Lạy Chúa, xin Chúa luôn đồng hành với tất cả chúng con. Amen.
TP Thủ Đức 22-7-2021
Maria Hồng Hà CMR
(WGPSG)